Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hồ Chí Minh với việc vận dụng, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin thời kỳ ở Quảng Châu (1924 - 1927)
Thứ hai, 24 Tháng 8 2015 10:10
8332 Lượt xem

Hồ Chí Minh với việc vận dụng, phát triển và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin thời kỳ ở Quảng Châu (1924 - 1927)

(LLCT) - Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ra đời, với tư cách là người sáng lập và lãnh tụ, Nguyễn Ái Quốc đã đề ra cho Hội một kế hoạch hoạt động cụ thể. L.Mácty gọi đó là “Kế hoạch Nguyễn Ái Quốc”. Thực chất của kế hoạch đó là vừa sử dụng những phương tiện có thể truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin trong quần chúng, vừa tiến hành xây dựng tổ chức cách mạng trên khắp đất nước.

Có thể quy những công tác mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra thành những mặt hoạt động chủ yếu như tổ chức những đường dây liên lạc với trong nước và với Quốc tế Cộng sản, tạo ra những phương tiện truyền bá và nội dung cơ bản của việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Những công việc đó được tiến hành đồng thời hoặc đan xen nhau.

Thời kỳ này, những tư tưởng chủ yếu của Nguyễn Ái Quốc đã trình bày thể hiện sự vận dụng và góp phần phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề cốt yếu liên quan đến cách mạng Việt Nam, phản ánh chính xác những đặc trưng nổi bật trong tư duy lý luận và phong cách tiếp nhận lý luận tiên tiến của thời đại vào điều kiện lịch sử cụ thể của một dân tộc.

Thời kỳ ở Quảng Châu (từ tháng 11-1924 đến tháng 5-1927), Nguyễn Ái Quốc đã viết nhiều bài cho các tờ báo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, các báo của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Pháp và cho tờ Le Paria. Trong những bài viết của mình, đặc biệt trong cuốn Đường kách mệnh chứa đựng nhiều tư tưởng chỉ đạo cho cách mạng Việt Nam, hợp thành những vấn đề chiến lược và sách lược của Đảng mácxít tương lai.

- Quan niệm về cách mạng

Một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Ái Quốc vào việc phát triển tư tưởng - chính trị là việc giải thích, trình bày quan niệm “cách mạng” theo quan điểm Mác - Lênin. Trước Nguyễn Ái Quốc, ở nước ta mỗi một lãnh tụ, hay mỗi một nhóm, một hội đứng lên chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp đều được xem là cách mạng. Theo Huỳnh Kim Khánh, sự hiểu biết khá nhất được trình bày trong cuốn sách nhỏ mang tên Cách mạng của Nguyễn Thượng Hiền năm 1925. Tác giả đã khai thác trong lịch sử Trung Quốc và Việt Nam một cách kỹ càng, kể cả các phong trào chống đối của Găngđi, phong trào đòi độc lập của Philíppin và Ai Cập để tìm những dẫn chứng nhằm đưa ra nhận thức về cách mệnh đương thời. Nhưng tác giả mới chỉ dừng lại ở những hiện tượng bên ngoài, chưa đi sâu vào bản chất của khái niệm “cách mạng”. Một điều lý thú là sau khi viết xong cuốn sách đó, Nguyễn Thượng Hiền đã gửi cho Nguyễn Ái Quốc chú giải và phê bình. Trong bài phê bình cuốn sách đó, Nguyễn Ái Quốc đã trình bày rõ khái niệm “cách mạng” theo quan niệm mới.

Trong ngôn ngữ Pháp có những cấp độ khác nhau “cải cách”, “tiến hoá”, “cách mạng”. Tiến hóa là một loạt những cải biến hoà bình và liên tục; cải cách là sự thay đổi nhiều hoặc ít trong thể chế của một nước, là sự thay đổi có thể hoặc không có thể sử dụng đến bạo lực. Sau những cuộc cải cách vẫn thường giữ lại chút ít hình thức ban đầu. Cách mạng là sự thay thế toàn bộ chế độ cũ bằng một chế độ mới”. Trong những bài viết trên tờ Thanh niên, Đường kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục trình bày một cách rõ ràng quan điểm mới mẻ về cách mạng. Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rõ ràng là sự thay thế liên miên bằng bạo lực các chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, những hành động bạo lực chống ách đô hộ của thực dân Pháp chẳng hạn như phong trào chống thuế năm 1908, vụ đầu độc lính Pháp ở Hà Nội, cuộc khởi nghĩa của Thái Nguyên năm 1917 không phải là cách mạng. Đó chỉ là những hành động bạo động dù có đạt được mục đích gì cũng không đạt tới một sự thay đổi căn bản. Theo Nguyễn Ái Quốc, một cuộc cách mạng diễn ra phải chứa đựng trong đó hai hành động chủ yếu đồng thời: vừa xóa bỏ chế độ cũ, vừa xây dựng một chế độ mới, một xã hội mới. Nói cách khác, theo quan niệm của Nguyễn Ái Quốc, cuộc cách mạng bao gồm sự cải biến toàn bộ trật tự chính trị, kinh tế và xã hội. Nguyễn Ái Quốc viết: “Cách mạng là sự thay đổi từ xấu sang tốt. Đó là toàn bộ những hành động qua đó nhân dân bị áp bức trở nên hùng mạnh. Lịch sử của một xã hội đã dạy cho chúng ta rằng cách mạng thường diễn ra luôn, rằng cách mạng mới đưa lại cho chính phủ, giáo dục, công nghiệp, tổ chức xã hội, v.v. một hình thức tốt đẹp hơn”. Chúng ta thấy trong Đường kách mệnh cũng nêu một định nghĩa tương tự về cách mạng: “Cách mạng là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. Tiếp đó, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ cách mạng bao gồm hai thời kỳ: “Thời kỳ phá huỷ” và “Thời kỳ xây dựng lại”. Nội dung chủ yếu của mỗi thời kỳ rất cụ thể.

+ Mục đích của thời kỳ đầulà lật đổ chính phủ chuyên chế. Ở An Nam, nơi mà nhân dân bị làm cho ngu độn, bị đối xử như con vật, bị bóc lột và bị áp bức cần phải dùng lối tuyên truyền khéo léo để thức tỉnh những người vô sản nam lẫn nữ, khắc sâu trong họ nỗi khổ nhục nô lệ và tình đoàn kết, thống nhất họ thành một khối vững mạnh, thôi thúc họ chống lại những tên bạo chúa và đưa họ giành lại những quyền của họ.

+ Mục đích của thời kỳ thứ hailà phát huy có chủ đích thắng lợi của cách mệnh, vì vậy, sau khi đánh đuổi người Pháp ra khỏi bờ cõi chúng ta, chúng ta cần phải tiêu diệt những phần tử phản cách mạng, xây dựng đường xá giao thông, phát triển thương mại và kỹ nghệ, giáo dục nhân dân sống trong hoà bình và hạnh phúc.

Từ định nghĩa “cách mạng”, Nguyễn Ái Quốc đi tới phân loại các cuộc cách mạng trên thế giới. Theo Nguyễn Ái Quốc, có ba loại cách mạng: “Tư bản cách mệnh như Pháp cách mệnh năm 1789, Mỹ cách mệnh độc lập năm 1776 (đuổi Anh), Nhật cách mệnh năm 1864. Dân tộc cách mạng như Italy đuổi cường quyền Áo năm 1859. Tàu đuổi Mãn Thanh năm 1911. Giai cấp cách mệnh như công nông Nga đuổi tư bản và giành lấy quyền năm 1917”.

Từ sự phân loại đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến đánh giá có tính chất so sánh để hướng người đọc tới một sự lựa chọn duy nhất: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do và bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để dập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”.

Cách mạng Việt Nam đang tiến hành thuộc loại cách mạng gì? Theo Nguyễn Ái Quốc, đó là cuộc cách mạng dân tộc, hay là cuộc cách mạng chính trị và mục đích cuối cùng là đoàn kết tất thảy mọi người bị áp bức bóc lột vùng dậy lật đổ chính quyền thực dân Pháp và bọn quan lại Nam Triều, giành lại tự do cho nhân dân, độc lập cho dân tộc. Người viết: “Bọn cường quyền này bắt dân tộc kia làm nô lệ, như Pháp với An Nam. Đến khi dân nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi; ấy là dân tộc cách mệnh”. Báo Thanh niên số 6 ngày 26-7-1925 cũng xác định rõ theo tinh thần đó: Nước An Nam ta “phải bắt đầu từ cuộc cách mệnh chính trị” vì “An Nam chưa sẵn sàng làm cuộc cách mạng giai cấp”, “Trong hoàn cảnh hiện thời buộc nhân dân An Nam làm cuộc cách mệnh dân tộc chứ không phải là cuộc cách mệnh giai cấp”. Trong hàm ý đó, Nguyễn Ái Quốc muốn nói với người đọc là trước hết nhân dân ta tiến hành cuộc cách mạng dân tộc, tiếp đó muốn được bình đẳng tự do thực sự thì tiếp tục làm cuộc cách mạng như nước Nga. Đó chính là tư tưởng cách mạng dân tộc và cách mạng XHCN trong tiến trình chung của cách mạng nước ta. Phải thừa nhận là vào nửa cuối những năm 20 thế kỷ trước, những hiểu biết xung quanh khái niệm “cách mạng” mà Nguyễn Ái Quốc đưa ra, là bước tiến vượt bậc trong lịch sử phát triển tư tưởng chính trị nước nhà. Nó giúp nhân dân ta hiểu một cách chính xác khái niệm “cách mạng” và biết phân biệt đâu là cách mạng triệt để nhất để từ đó mà định hướng chính xác hành động của mình.

Một vấn đề nữa xung quanh khái niệm “cách mạng” là đối tượng và lực lượng của cách mạng. Theo truyền thống, các nhà cách mạng chúng ta thường diễn tả đối tượng và lực lượng của cách mạng trong một khái niệm chung: chúng nóvà chúng ta. Tùy sự nhận thức của mỗi nhà cách mạng về mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam, tức là lăng kính chủ quan của cá nhân và lập trường giai cấp của họ, mà các thành phần của hai lực lượng đối lập nhau - chúng nó - chúng ta, có thay đổi, rộng hay hẹp. Chẳng hạn, nếu như Phan Bội Châu xếp thực dân Pháp vào loại “chúng nó” thì Phan Chu Trinh coi bọn quan lại là kẻ thù chính, còn trong phe “chúng ta”, nếu như Phan Bội Châu, thời kỳ Đông Du, có liệt kê 10 hạng người và sau khi gặp Nguyễn Ái Quốc có chú ý tới công nông thì Phan Chu Trinh chỉ nói đến khái niệm “nhân dân” trừu tượng. Rõ ràng, những hiểu biết của hai ông về đối tượng và lực lượng cách mạng còn rất hạn chế và nông cạn. Nhưng đến Nguyễn Ái Quốc tình hình diễn ra hoàn toàn khác. Lần đầu tiên Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ cho nhân dân ta thấy kẻ thù chính của mình là bọn thực dân Pháp và bọn địa chủ - phong kiến. Đó là đối tượng mà cách mạng cần phải chĩa thẳng và đánh đổ nó. Điều đó đã được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của Người ở những chặng đầu và đến những chặng này được tiếp tục chỉ ra và sâu sắc thêm bằng những tác phẩm viết bằng tiếng mẹ đẻ. Lực lượng cách mạng, tức là lực lượng thuộc phe “chúng ta”, gồm những giai tầng nào? Để xác định rõ lực lượng cách mạng, Nguyễn Ái Quốc xuất phát từ nguyên lý cơ bản “có áp bức, có đấu tranh”.

Những luận điểm cơ bản của Nguyễn Ái Quốc thể hiện nhất quán quan niệm về xác định lực lượng cách mạng, đặc biệt là động lực cách mạng và những bạn đồng minh của nó. Hơn thế nữa, quan niệm đó hoàn toàn thống nhất với nguyên lý đấu tranh giai cấp của những nhà sáng lập chủ nghĩa Mác, nhớ tới những câu cuối cùng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của C.Mác và Ph.Ăngghen: “Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Trong cuộc cách mạng ấy, họ giành được cả một thế giới cho mình”. Rõ ràng, đến Nguyễn Ái Quốc, trong khái niệm “chúng ta” bao gồm nhiều thành phần giai cấp - xã hội khác nhau, do đó khái niệm đó được mở rộng tới mức tối đa, đáp ứng được đòi hỏi về nội dung của cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ. Những hiểu biết quan trọng mà Nguyễn Ái Quốc đưa lại tạo ra những tiền đề lý luận cho việc xây dựng khối liên minh công nông và Mặt trận dân tộc thống nhất trong cuộc cách mạng sắp tới.

Cách mạng khó hay dễ? Nguyễn Ái Quốc xác định: “Sửa cái xã hội cũ đã mấy nghìn năm làm xã hội mới, ấy là rất khó” và Người khẳng định: “Nhưng biết cách làm, biết đồng tâm hiệp lực mà làm thì chắc chắn làm được”. Như vậy, theo Nguyễn Ái Quốc, cuộc cách mạng mà chúng ta tiến hành là một việc làm hết sức khó khăn nhưng có phương pháp cách mệnh chắc chắn sẽ làm được. Khi rời nước Pháp, trong một lá thư gửi những người bạn chiến đấu của mình, Nguyễn Ái Quốc đã nói tới việc giác ngộ và tổ chức đưa quần chúng ra đấu tranh. Tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã cụ thể hóa tư tưởng đó. Đường kách mệnh đã khẳng định: Muốn làm cách mạng thì phải làm cho dân giác ngộ, phải giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu, phải bày sách lược, cách thức cho dân đấu tranh. Báo Thanh niên đã dành rất nhiều số để phân tích về vấn đề giác ngộ dân chúng, giác ngộ công nông: cách mạng là một sự nghiệp lớn và khó không phải một vài người mà làm nổi, không phải dăm ba người làm xong; muốn làm được phải có sức mạnh của đông đảo quần chúng. Người dân chỉ hành động khi nào họ giác ngộ. Muốn cho dân giác ngộ phải làm cho họ hiểu học thuyết cách mệnh... Phương pháp cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc được thể hiện tập trung nhất trong chiến lược gồm ba giai đoạn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Chiến lược đó chứa đựng một cách đầy đủ những tư tưởng chuẩn bị những điều kiện cần thiết để khi có tình thế cách mạng sẽ thực hiện bước cuối cùng của nó - lật đổ chế độ cũ, xây dựng một xã hội mới. Ta có thể tóm tắt chiến lược ba giai đoạn ấy như sau:

Giai đoạn 1: Giai đoạn tổ chức. Trong giai đoạn này, bí mật tuyên truyền nhằm thu hút những phần tử chống thực dân phong kiến và tổ chức ra những chi bộ cách mạng.

Giai đoạn 2: Giai đoạn cổ động, tuyên truyền hay là giai đoạn nửa công khai. Ở giai đoạn này các tổ chức cách mạng khi đã có nhiều đảng viên phải phát động những cuộc đấu tranh chính trị, kinh tế và đôi khi cả những hoạt động khủng bố, những cuộc đình công, bãi khóa, bãi thị được kèm theo những tiếng nổ để kích động quần chúng.

Giai đoạn 3: Giai đoạn khởi nghĩa. Ở giai đoạn này, các tổ chức cách mạng khắp các xứ Đông Dương, trong mọi tầng lớp xã hội tiến hành hoạt động nhằm lật đổ chính phủ và tổ chức chính quyền cách mạng. Giai đoạn khởi nghĩa phải thực hiện được ba nhiệm vụ:

Thứ nhất, lật đổ chế độ thực dân và thiết lập một chế độ chính phủ mới.

Thứ hai, tuyên truyền trong bộ phận nhân dân chưa tham gia hoạt động cách mạng.

Thứ ba, tổ chức lại xã hội bao gồm việc cải cách hệ thống giáo dục, chế độ thuế khoá và lực lượng vũ trang theo những nguyên tắc cách mạng.

Chiến lược ba giai đoạn đã để lại những dấu ấn rất đậm trong toàn bộ những hoạt động của Đảng ta từ ngày thành lập đến ngày giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chiến lược ba giai đoạn đó đã dạy cho Đảng ta kiên trì chuẩn bị lực lượng, không nôn nóng đốt cháy giai đoạn, biết thắng địch từng bước để cuối cùng khi thời cơ đến dốc toàn bộ lực lượng cho cuộc tổng tiến công giành chính quyền. Lịch sử hoạt động của Đảng ta đã chứng minh điều đó. Hơn thế nữa, chiến lược ba giai đoạn mà Nguyễn Ái Quốc vạch ra cũng đã ảnh hưởng đến chương trình hành động của các đảng quốc gia khác như Việt Nam Quốc
dân Đảng.

Về Đảng cách mạng, Đảng Cộng sản

Tư tưởng xuyên suốt trong di sản lý luận của Nguyễn Ái Quốc thời kỳ này là thực dân Pháp dùng chính sách “chia để trị” nên những người cách mạng trước hết phải đoàn kết mới thực hiện được sự nghiệp to lớn và khó khăn của mình. Tư tưởng đó được toát lên trong bài đăng trên báo Thanh niên, số 1, ra ngày 21-6-1925 như là một tuyên ngôn: “Sự nghiệp cách mạng lớn lắm. Những người cách mạng phải đoàn kết với nhau để thực hiện sự nghiệp đó. Người mình đã làm việc cách mạng nhiều năm rồi mà chưa thành công trước hết bởi vì thiếu đoàn kết với nhau”.

Có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh cho cách mạng. Muốn đoàn kết thì “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”.

Như vậy, theo Nguyễn Ái Quốc, để đoàn kết và lãnh đạo cuộc cách mạng đi đến thắng lợi, điều kiện tiên quyết là phải có một đảng cách mạng với tính cách là bộ tham mưu của cách mạng chịu trách nhiệm vận động và tổ chức dân chúng trong nước, giữ mối liên hệ với phong trào cách mạng trên thế giới. Để tập hợp những người cùng chí hướng vào đảng cách mệnh, để đảng cách mệnh thống nhất về chính trị, tư tưởng cần phải vũ trang bằng một chủ nghĩa mà mọi người vào Đảng đều phải nắm vững và tuân theo một cách tự giác chủ nghĩa đó. Chủ nghĩa đó là gì? Trên thế giới có biết bao chủ nghĩa, phải chọn chủ nghĩa nào để vũ trang cho đảng cách mệnh đó. Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ cho những người cách mạng Việt Nam cần phải được vũ trang bằng học thuyết - chủ nghĩa nào trong cuộc đấu tranh cách mạng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Hoặc “Muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”.

Đảng cách mạng được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin mà Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra chính là Đảng Cộng sản, Đảng kiểu mới của V.I.Lênin: Báo Thanh niên, số 60, ra ngày 8-5-1926 khi nói đến chính đảng đã chỉ ra một cách dứt khoát: “Hỡi đồng bào thân mến, như vậy chỉ còn có một con đường chân chính là phải theo cái đảng duy nhất kiên quyết trong hành động, đó làĐảng Cộng sản”. Đảng cách mạng - Đảng Cộng sản phải bao gồm những phần tử có đầy đủ những tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức và trình độ nhất định đáp ứng được đòi hỏi của cách mạng. Theo Nguyễn Ái Quốc, những chuẩn mực đó là: Đối với bản thân phải: cần, kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, cẩn thận mà không nhút nhát, hay hỏi, nhẫn nại, hay nghiên cứu xem xét, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng ham muốn về vật chất, bí mật. Đối với người phải: với từng người thì khoan thứ, với đoàn thể thì nghiêm, có lòng bày vẽ cho mọi người trực mà không táo bạo, hay xem xét người. Đối với công việc phải: xem xét hoàn cảnh kỹ càng, quyết đoán, dũng cảm phục tùng đoàn thể. Nguyễn Ái Quốc nhận thấy chất keo gắn chặt những thành viên trong một tổ chức không chỉ ở sự đồng tâm, hiệp lực mà chủ yếu là ở chủ nghĩa Mác - Lênin. Chủ nghĩa đó bồi dưỡng cho các thành viên lý tưởng cao cả. Vì thế mà chủ nghĩa Mác - Lênin là thứ đảm bảo cho Đảng thống nhất về chính trị - tư tưởng, tổ chức và thống nhất trong hành động. Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy chỗ yếu của các tổ chức cách mạng trước đó và đồng thời chính là ở chỗ các tổ chức đó không được vũ trang bằng một thứ chủ nghĩa chắc chắn và thiếu cả một tổ chức chặt chẽ, một kỷ luật nghiêm minh.

Chỉ có một Đảng cách mạng với những đảng viên được lựa chọn kỹ càng và được vũ trang bằng học thuyết khoa học Mác - Lênin và được tổ chức chặt chẽ thì sự nghiệp cách mạng khó khăn và gian khổ nhất định sẽ thắng lợi.

Nhìn tổng quát, thời kỳ Quảng Châu (1924 - 1927) là thời kỳ quan trọng trong quá trình vận dụng, phát triển sáng tạo, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc. Vì thế, những tư tưởng cơ bản của Người đã đặt nền móng cho sự hình thành đường lối chiến lược và sách lược của Đảng mácxít tương lai. Một phần những tư tưởng đó đã được thể hiện trong các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo hoặc trực tiếp thảo ra và được thông qua tại Hội nghị hợp nhất tại Hương Cảng và trongLuận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 10-1930.

Cũng chính từ những hoạt động lý luận đầy hiệu quả của thời kỳ này đã bộc lộ ở Nguyễn Ái Quốc những phẩm chất của một nhà tư tưởng thiên tài, có những phát kiến lý luận đặc sắc, hiện thực hóa, làm phong phú và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với bối cảnh dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

PGS, TS Phạm Ngọc Anh

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền