Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Ý chí độc lập, tự do: sức mạnh bảo vệ thành quả cách mạng (1945 -1946)
Thứ ba, 22 Tháng 9 2015 11:19
3904 Lượt xem

Ý chí độc lập, tự do: sức mạnh bảo vệ thành quả cách mạng (1945 -1946)

(LLCT) - Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do. Nhân dân từ người nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Nhưng tình thế cách mạng đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Thành quả đó đứng trước nguy cơ bị tước đoạt. Để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám giành được, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng để chủ động bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.

1. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Nhà nước Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thách thức cực kỳ nghiêm trọng. Từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9-1945, nhiều lực lượng mang danh nghĩa Đồng minh vào Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân Nhật, có chung mục tiêu chống phá cách mạng Việt Nam. 20 vạn quân Trung Hoa Quốc dân Đảng cùng đặc vụ, theo sau là phản cách mạng lưu vong vào miền Bắc Việt Nam chiếm đóng từ vĩ tuyến 16 trở ra. Mưu đồ của quân Trung Hoa Quốc dân Đảng là tiêu diệt Đảng, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động lật đổ chính quyền cách mạng. Việt Nam quốc dân Đảng, Việt Nam cách mạng Đồng minh hội với chiêu bài “Cách mạng hải ngoại”, “Cách mạng quốc gia” ngang nhiên lập chính quyền phản động ở thị xã Vĩnh Yên, Yên Bái, Móng Cái. Chúng rải truyền đơn, hô hào quần chúng nhân dân chống lại chính quyền cách mạng, tổ chức bắt cóc, ám sát, gây rối về chính trị và trật tự xã hội. Ở miền Nam, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn – Chợ Lớn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Lực lượng phản cách mạng tay sai của Nhật, Pháp như Đại Việt quốc dân đảng, các phần tử Tờrốtkít, các nhóm phản động đội lốt tôn giáo trong các đạo Cao đài, Hòa Hảo, mật thám trước đây, những phần tử trong giai cấp địa chủ, tư sản, hào lý… ra mặt làm tay sai cho Pháp.

Trong khi đó, tình hình kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, tài chính kiệt quệ. Đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ, nhiều tệ nạn, hủ tục lạc hậu của chế độ cũ. Nạn lụt, nạn đói, nạn mù chữ là thách thức lớn đối với chính quyền cách mạng. Mặc dù hệ thống chính quyền các cấp đã được thành lập từ Trung ương tới địa phương trên địa bàn cả nước song hiệu lực quản lý, điều hành còn hạn chế. Cán bộ, đảng viên cốt cán trong hệ thống chính quyền các cấp còn ít, hầu hết chưa có kinh nghiệm quản lý xã hội, số này cũng mới chỉ tập trung ở cấp huyện, tỉnh trở lên, còn cấp cơ sở thiếu trầm trọng. Kẻ thù dwungf mọi thủ đoạn để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, ly gián nhân dân với chính quyền. Ở Bắc Bộ, có những tổ chức, đoàn thể xích mích, mâu thuẫn nhau. Cá biệt, có tổ chức đã đứng trong mặt trận yêu nước, nhưng dao động trước luận điệu xuyên tạc, chia rẽ của kẻ thù đã để cho số phản động, cơ hội lũng đoạn.

Hệ thống tổ chức Đảng đã được xây dựng ở phần lớn các tỉnh thành trên cả nước, song số lượng còn rất hạn chế; 7 tỉnh chưa có cơ sở đảng, đảng viên. Trình độ của đa số đảng viên còn hạn chế vì ít được học tập, lại phải trải qua một thời gian dài hoạt động bí mật. Giao thông liên lạc vô cùng khó khăn, ảnh hưởng đến sự thống nhất chủ trương, đường lối của Đảng trong toàn quốc. Ở nhiều địa phương còn có tình trạng thiếu thống nhất về mặt tổ chức... Ở  Nam Bộ, một số cán bộ, đảng viên chưa nắm chắc chủ trương của Trung ương, hoạt động còn có những lệch lạc.

2. Bảo vệ an toàn cán bộ lãnh đạo, cơ quan đầu não Đảng, chính quyền   

Các tổ chức Đảng, chính quyền phát huy sức mạnh quần chúng nhân dân trên mặt trận phòng chống phản cách mạng, củng cố phong trào “bảo mật phòng gian”, góp phần bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan đầu não.

Tại Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan Trung ương, cuộc đấu tranh chống phản cách mạng diễn ra vô cùng gay go, quyết liệt. Quân Trung Hoa quốc dân Đảng ngang nhiên khẳng định quyền giữ gìn trật tự trị an. Chúng chiếm đóng các địa điểm quan trọng, kiểm soát các cửa ngõ ra vào thành phố, giúp Việt Quốc, Việt Cách củng cố tổ chức, tập hợp lực lượng chống phá chính quyền cách mạng.

Một nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lễ mít tinh mừng Ngày độc lập, Chính phủ lâm thời ra mắt đồng bào. Tham gia công tác chuẩn bị và tổ chức ngày Lễ Độc lập có nhiều lực lượng, trong đó có bộ phận bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn ngày lễ, chống mọi hành động phá hoại của kẻ thù.

Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình, các đơn vị Giải phóng quân, lực lượng vũ trang Hà Nội, lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát Bắc Bộ cùng 50 vạn nhân dân Hà Nội và các tỉnh lân cận thay mặt cho nhân dân cả nước đã tham dự Lễ Độc lập, đón chào Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào và nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Tổ chức thành công Lễ Độc lập mang tầm vóc vĩ đại của dân tộc là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là công tác chuẩn bị chu đáo và tổ chức lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ, đồng thời bảo đảm an ninh, trật tự ngày lễ, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù.

3.Giữ vững chủ quyền độc lập

Nhiệm vụ hàng đầu đặt ra cho cách mạng Việt Nam là bằng mọi giá phải bảo vệ được Đảng, bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị, ổn định mọi mặt đời sống xã hội. Đồng thời, khẳng định và củng cố chủ quyền chính trị, pháp lý và sức mạnh thực tế của Nhà nước cách mạng.

Ngay trong bản Tuyên ngôn Độc lập Hồ Chí Minh cùng toàn dân đã tuyên thệ “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, thấm nhuần tư tưởng của Lê-nin "Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ(2), Đảng ta đã tập trung lãnh đạo cuộc đấu tranh chống các hoạt động phá hoại, lật đổ chính quyền cách mạng.

Cuộc đấu tranh diễn ra phức tạp, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất của Đảng từ Trung ương đến địa phương, đồng thời tăng cường công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân. Ngay trong Cách mạng Tháng Tám, Công an nhân dân Việt Nam đã ra đời. Ở Hà Nội, sau khi chiếm Ty Cảnh sát, ta đã lập Sở Liêm phóng Bắc bộ và thành lập Ty Cảnh sát. Nhiều nơi ở Bắc bộ thành lập Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát. Tại Trung bộ, thành lập Sở Trinh sát. Ở Nam bộ, thành lập Quốc gia tự vệ cuộc.

Để tăng cường sức mạnh chuyên chính, Chính phủ đã ra nhiều sắc lệnh bảo đảm chủ quyền trong an ninh trật tự. Ngày 5-9-1945, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 8 giải tán Đại Việt Quốc dân đảng, Đại Việt Quốc gia Xã hội đảng; ngày 12-9 ra Sắc lệnh số 30 giải tán Việt Nam Hưng quốc Thanh niên và Việt Nam Ái quốc Thanh niên. Ngày 13-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thiết lập các Tòa án quân sự có nhiệm vụ xét xử những người có hành vi làm phương hại đến nền độc lập; ra Sắc lệnh số 33A định thể lệ cho Liêm phóng và Cảnh sát khi bắt một người(3). Đó là cơ sở pháp lý cho việc trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân mới thành lập.

Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Về Kháng chiến, kiến quốc, khẳng định hai nhiệm vụ kháng chiếnkiến quốc có quan hệ khăng khít. Về bảo vệ chính quyền, đảm bảo an ninh trật tự, Đảng nêu rõ quan điểm kiên quyết: “Trừng trị bọn phản quốc đã nhân những khó khăn về nội trị và ngoại giao và dựa vào thế lực người mà ngóc đầu dậy, trừng trị bọn chia rẽ, bọn thất bại (defaitisme), bọn đầu cơ tích trữ và bọn lạm quyền nhiễu dân”(4).

4. Bảo đảm an ninh trật tự xã hội

Cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, bảo vệ chính quyền cách mạng diễn ra ngày càng phức tạp. Đáp ứng, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đồng thời tăng cường công cụ chuyên chính của chính quyền nhân dân, ngày 21-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL hợp các Sở cảnh sát và các Sở liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan là Việt Nam công an vụ. Nhiệm vụ của Việt Nam công an vụ là: tìm kiếm và tập trung các tin tức và tài liệu liên can đến sự an toàn của quốc gia, hoặc bề trong, hoặc bề ngoài.; đề nghị thi hành các phương pháp đề phòng những sự hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước, bất cứ sự hoạt động đó là do người Việt Nam hay người ngoại quốc; điều tra về những hành động trái phép và truy tìm người can phạm giúp tòa án trong sự trừng trị(5).

Tiếp đó ngày 18-4-1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ, quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp (Trung ương là Nha công an Việt Nam; Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ là Sở công an; tỉnh là Ty công an) thống nhất trong cả nước.

Tại Nam Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc tiến hành xây dựng lực lượng vũ trang, lực lượng trừ gian, cơ sở bí mật trong thành phố, thị xã địch chiếm đóng, trấn áp kịp thời chỉ điểm, phản cách mạng câu kết với thực dân Pháp.

Lực lượng cách mạng, nòng cốt là Công an đã thực hiện nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, đã bắt, răn đe những tên cầm đầu các đảng phái phản động, những quan lại, tay sai của Pháp và phát xít Nhật có nhiều tội ác, kịp thời thu giữ, bảo quản hồ sơ tài liệu. Cùng với những hoạt động trấn áp phản cách mạng, lực lượng Liêm phóng Bắc bộ và tự vệ chiến đấu, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc đã bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo và các cơ quan Đảng và Chính phủ.

Ở Nam Bộ, ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến (23-9-1945), Quốc gia tự vệ là lực lượng vũ trang chủ yếu, vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân rút ra căn cứ, vừa tổ chức các trận chiến đấu kìm chân địch, xây dựng cơ sở.

Tại Trung Bộ và Bắc Bộ, lực lượng an ninh vừa thực hiện sách lược mềm dẻo, trấn áp các tổ chức phản động và vận động quần chúng đấu tranh tạo ra áp lực chính trị; vô hiệu hóa các hoạt động phản cách mạng.

Lực lượng “Cảnh sát danh dự không lương”(6) của Hà Nội cùng lực lượng cảnh sát chuyên nghiệp Hà Nội tăng cường giữ gìn trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Một số tỉnh như Hải Phòng, Hà Đông, Thanh Hóa cũng tổ chức lực lượng cảnh sát xung phong làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an, bài trừ các tệ nạn xã hội.

5. Công tác an ninh

Với sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng công an đã bắt và tiêu diệt hàng nghìn tên tay sai chỉ điểm, bọn cầm đầu các đảng phái tay sai, khám phá hàng trăm tổ chức, ổ nhóm gián điệp, chỉ điểm; trấn áp hàng chục nhóm, tổ chức phản động; phá vỡ thế liên minh giữa giặc ngoại xâm với bon nội phản.

Điển hình là phá tan âm mưu đảo chính của quân Pháp và phản động tay sai. Khi quân Pháp tiến ra Bắc bộ, bọn phản động âm mưu đảo chính. Được sự hỗ trợ của quân Pháp, Việt Nam Quốc dân đảng vạch kế hoạch: Lợi dụng quân Pháp tổ chức diễu binh mừng Quốc khánh Pháp (14-7), khi đi qua Bắc Bộ phủ, chúng sẽ ném lựu đạn để gây đổ máu, và đổ lỗi cho phía Việt Nam, kéo vào Bắc Bộ phủ bắt các thành viên Chính phủ, tuyên bố thành lập chính quyền mới của Quốc dân đảng, làm tay sai cho Pháp.

Lực lượng công an theo dõi, bí mật bắt một số tên và nắm rõ âm mưu đảo chính của Quốc dân đảng(7). Đêm 11-7, cơ sở báo tin chúng đã in xong các loại truyền đơn, lời hiệu triệu, một số đã chuyển đi các tỉnh.

Lãnh đạo Nha Công an và Sở Công an Bắc Bộ quyết định đột kích vào trụ sở 132 Đuyvinhô (nay là phố Bùi Thị Xuân), thu chứng cứ trình Chính phủ để được mở cuộc trấn áp Quốc dân đảng. Rạng sáng 12-7- 1946, Công an xung phong và trinh sát chính trị tiến hành đột kích thắng lợi, thu nhiều tài liệu về âm mưu của Pháp câu kết với phản động, bắt hàng chục tên.

Trước những chứng cớ rõ ràng, Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định chỉ đạo các lực lượng tiến công truy quét Quốc dân đảng ở Hà Nội.

Nhân dân ủng hộ tích cực, tạo ra áp lực chính trị mạnh mẽ, giúp lực lượng công an bắt gần 100 tên phản động, trong đó có nhiều tên nguy hiểm, đập tan âm mưu lật đổ Chính phủ ta của thực dân Pháp và phản động. Tiếp theo Hà Nội, các tỉnh đồng loạt mở cuộc tổng trấn áp, đập tan cuộc đảo chính phản cách mạng, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, Nhà nước, giữ vững ổn định chính trịcủng cố chính quyền cách mạng.

6. Đóng góp tiền, của xây dựng chế độ mới và mua sắm vũ khí

Trong tiến trình cách mạng, với tinh thần yêu nước nồng nàn, nhiều gia đình hữu sản đã ủng hộ cách mạng như vợ chồng nhà doanh nghiệp Đỗ Đình Thiện. Năm 1943, trong lúc quỹ của Đảng chỉ còn 24 đồng Đông Dương thì ông bà Thiện đã đóng góp 20 nghìn đồng để Đảng có quỹ hoạt động. Đầu năm 1945, vợ chồng ông Thiện lại gửi cho quỹ Đảng 100 nghìn đồng Đông Dương.  Gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã ủng hộ 5.147 lượng vàng.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ gặp khó khăn trăm bề, tài chính eo hẹp, ngân khố chỉ còn vẻn vẹn 1 triệu 20 vạn đồng Đông Dương rách nát. Trong Tuần lễ vàng, ông bà Trịnh Văn Bô đóng góp 100 lạng vàng và tích cực vận động tầng lớp hữa sản đống góp tiền của cho Chính phủ; vận động giới doanh nhân góp vốn để thành lập Việt Nam công thương ngân hàng. Noi gương ông bà Trịnh Văn Bô, giới doanh nhân Hà Nội đã đóng góp cho Chính phủ cách mạng 370kg vàng và hơn 1 triệu đồng Đông Dương.  

Nhà tư sản Ngô Tử Hạ chủ nhà in Ngô Tử Hạ, nơi lần đầu tiên in đồng bạc cụ Hồ; là vị đại biểu cao tuổi nhất của Quốc hội khóa I, được cử làm Chủ tịch Đại hội đồng, tham gia Ban Thường trực Quốc hội.

Tuần lễ vàng diễn ra rầm rộ khắp nơi trong cả nước, toàn dân đóng góp tiền, của để xây dựng chế độ mới và mua sắm vũ khí. Ở Thừa Thiên - Huế, người được mời chủ tọa "Tuần lễ Vàng" là Nam Phương Hoàng Hậu (vợ vua Bảo Đại vừa thoái vị), đã tự tháo kiềng vàng đeo cổ, xuyến vàng, bông tai vàng và nhẫn trên mười ngón tay kính cẩn đặt lên bàn quyên góp cho cách mạng. Noi gương bà, nhiều gia đình giàu có đã đem vàng góp cho cách mạng. Trong lúc ngân quỹ Chính phủ gần như trống rỗng thì sự đóng góp của toàn dân, trong đó có giới công thương là rất lớn, giúp Chính phủ vượt qua những khó khăn thù trong giặc ngoài lúc bấy giờ, để xây dựng chính quyền và chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.

Như vậy, thực hiện lời thề “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(8), nhân dân cả nước đã đồng sức đồng lòng ủng hộ Chính phủ, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách  mạng, giữ vững thành quả cách mạng vưa giành được. Để sau khi chuẩn bị mọi mặt chủ động bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, ngày 19-12-1946, với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng vũ trang và nhân dân đã anh dũng chiến đấu, vây hãm địch, bảo vệ an toàn các cơ quan, tài sản của Nhà nước và nhân dân để di chuyển tới căn cứ an toàn, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và giành thắng lợi. Tiếp đó, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên thực hiện Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng và theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.

_____________

(1) Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh tại Hội nghị Pốtxđam (Đức) tháng 7-1945

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Tiến Bộ, Mátcơva, 1977, tr.145

(3) Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005) Nxb CQND, H.2006, tr.97.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, trang 31.

(5) Xem Bộ Công an: 60 năm Công an nhân dân Việt Nam (1945-2005) Nxb CQND, H.2006, tr99-100.

(6) Ngày 15-9-1945, Ủy ban hành chính lâm thời thành phố Hà Nội quyết định thành lập Lực lượng “Cảnh sát danh dự không lương” gồm những thanh niên trẻ khỏe trong tầng lớp công nhân, trí thức.

(7) Ty tập trung tài liệu, còn xây dựng được 2 cơ sở đánh vào trụ sở quan trọng nhất của Quốc dân đảng là 132 phố   Đuyvinhô (Bùi Thị Xuân ngày nay), cung cấp cho ta những tin tức rất giá trị về âm mưu và hoạt động của chúng

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 4.

 

                                                                         ThS Trần Bá Tăng

                                                                                Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền