Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Báo chí Nga viết về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô năm 1955
Thứ sáu, 25 Tháng 9 2015 17:01
4126 Lượt xem

Báo chí Nga viết về chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô năm 1955

(LLCT) - Chuyến thăm Liên Xô tháng 7-1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng không chỉ ngay thời điểm diễn ra mà còn cả về sau. Điều đó giải thích tầm quan trọng của sự kiện được xác định không phải chỉ bởi xúc cảm của những người đương thời, mà còn bởi nhiều hệ quả của sự kiện, được bộc lộ qua thời gian. Chuyến thăm của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và việc ký kết các thỏa thuận đã thực sự tạo đà xuất phát cho quá trình hợp tác toàn diện và cùng có lợi, mà theo lời của Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin, ngày nay đã đạt đến tầm đối tác chiến lược toàn diện.

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân của Pháp ở Đông Dương và đề ra những nguyên tắc giải quyết hòa bình trong khu vực. Ở Liên Xô người ta lập luận có lý rằng, cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam được kết thúc bằng thắng lợi của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Năm 1954 – trong mục Tổng quan quốc tế của tạp chí Cộng sản của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã nhấn mạnh – là năm của các sự kiện trọng đại. Một trong số đó là Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương”(1). Chính phủ Liên Xô kiên quyết yêu cầu tuân thủ nghiêm những điều đã thỏa thuận. Báo Sự thật ngày 3-6-1955 viết Hiệp định Giơnevơ đã tạo ra các tiền đề cần thiết để thực hiện hòa bình chính trị ở Việt Nam”. Cuộc chơi ngoại giao phức tạp liên quan đến việc chuẩn bị cho cuộc gặp của bốn nước chủ chốt tại Giơnevơ đã mở ra, khi mà bất kỳ một tiến bộ nào về mặt đối ngoại cũng đều làm tăng vị trí và uy tín của Nhà nước Xô viết. Đóng góp quan trọng trong quá trình này là việc củng cố quan hệ về mặt nhà nước với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Trước và trong chuyến thăm của Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, Báo Sự thật đã đăng hàng loạt bài về cuộc sống của nhân dân Việt Nam. Độc giả Xô viết đã biết đến thành tựu của công nhân Nhà máy Việt - Thắng ở Hà Nội, về những người thợ mỏ Hòn Gai, tâm trạng của những người đi qua tỉnh Tuyên Quang, về cuộc sống của làng quê vùng sâu vùng xa và về những bước đi đầu tiên trong cải cách nông nghiệp. Phóng viên đặc biệt của Báo Sự thật P. Ephimov khẳng định – Tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô sẽ càng được củng cố vững chắc vì hòa bình và tương lai xán lạn của các dân tộc”(2). Các bức phác họa về những con người cụ thể đã minh chứng về điều là nhân dân Việt Nam xây dựng cuộc sống mới như thế nào và họ nghĩ gì về vấn đề này. Những con người đó là Trưởng khoa Y học Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội Hồ Đắc Di, người mà ngay từ khi còn là sinh viên ở Pari đã đi truyền bá tờ báo do Chủ tịch Hồ Chí Minh ấn hành. Sau đó ông trở về nước, chữ bệnh cứu người và tham gia chiến đấu. Tác giả bài báo viết: “Tôi yêu đất nước mình. Niềm tin bất tận vào Hồ Chí Minh đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Tên Người đã trở thành biểu tượng cho tất cả những gì chúng tôi khao khát – Tự do và độc lập”(3).
Báo Sự thật ngày 9-7-1955 đã chính thức thông báo rằng, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sẽ bay từ Bắc Kinh qua Ulan Bato đến Liên Xô. Trong thành phần Đoàn đại biểu có Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh, Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiền, Bộ trưởng Bộ Công Thương Phan Anh, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Nông-Lâm Nghiêm Xuân Yêm và nhiều thành viên khác. Thành phần Đoàn đại biểu đã nói lên một điều rằng các bên đã ưu tiên thế nào trong cuộc đàm phán. 
Chặng dừng chân đầu tiên là ở Tỉnh Irkursk. Bí thư Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô N.M. Pegov đã đón và tháp tùng Đoàn đi thăm đất nước. Đáng chú ý là trong số những người đón tiếp không có nhiều quan chức hàng đầu của tỉnh vì họ đang ở Matxcơva dự Hội nghị của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Chủ trì đón tiếp ở đây và ở các tỉnh khác là các Chủ tịch Ủy ban Hành chính Xô viết các thành phố. Hơn nữa, đây là Đoàn đại biểu chính phủ chứ không phải Đoàn đại biểu đảng. 
Thời gian ở thăm Irkursk và những trung tâm quan trọng khác của đất nước Liên Xô dày đặc chương trình làm việc. Bao gồm thăm các cơ sở công nghiệp và nông nghiệp lớn, các hoạt động văn hóa và các cuộc gặp gỡ với nhân dân Liên Xô. Cũng ở Irkursk Đoàn đã đến thăm Công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Angar, nông trường mang tên Dzerzinxki, hợp tác xã “Theo con đường của Stalin”. Buổi chiều, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm trại hè ở làng Baklashi. Báo Sự thật ngày 10-7-1955 thông báo “Trên đường phố, Chủ tịch Hồ Chí Minh được hàng nghìn người dân Irkursk chào đón nồng nhiệt”. 
Đoàn đại biểu đã có chuyến thăm bất thường đến thành phố Novosibirsk ngày 10-7-1955. Ngay khi ở sân bay, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu gây chú ý: Chúng tôi rất vui mừng được đến thăm thành phố của các bạn – Thủ đô tuyệt đẹp của vùng Siberi Xô viết. Phải khẳng định rằng, chưa từng có ai trong số các nhà lãnh đạo của thế giới khẳng định về vị thế không chính thức của Novosibirsk như vậy. Đoàn đã tham quan thành phố, đến thăm công trường xây dựng cây cầu lớn bắc qua sông Obi. Báo Siberi Xô viết ngày hôm đó đã đăng bút ký với tiêu đề “Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập và hòa bình”, trong đó sợi chỉ đỏ tư tưởng Hồ Chí Minh xuyên suốt rằng nhân dân Việt Nam “luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chống xâm lược, tham gia bảo vệ hòa bình trên toàn thế giới và tin tưởng chắc chắn rằng, việc giải quyết những bất đồng quốc tế bằng con đường hòa bình và sự cùng tồn tại hòa bình giữa các quốc gia có hệ thống xã hội và quan điểm khác nhau không chỉ là cần thiết mà còn là có thể”(4). Buổi chiều, Đoàn đã đến xem biểu diễn vở kịch của Nhà hát nhạc hài kịch Khabarovski tại Nhà hát vũ kịch opera. Thật thú vị là các vị khách Việt Nam đã làm quen với chính đoàn kịch của Siberi ở Mátxcơva khi các diễn viên của Siberi biểu diễn xuất sắc vở balê “Hồ Thiên nga” tại Nhà hát Lớn. 
Chuyến thăm đến thành phố Sverdlovsk ngày 11-7-1955 diễn ra đúng theo kế hoạch dự kiến. Các vị khách đã đến thăm Bảo tàng Địa chất học, thăm các cơ sở công nghiệp và xem biểu diễn xiếc. Trong các cuộc trao đổi với công nhân khi đến thăm lá cờ đầu của ngành công nghiệp Xô viết Uralmas, nhà lãnh đạo của Việt Nam đã rất quan tâm đến việc tổ chức phong trào thi đua ở nhà máy. Đoàn đại biểu đã được tặng mô hình máy xúc tự hành. Báo Sự thật ngày 12-7-1955 viết: “Hôm nay – Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ thái độ lạc quan – chúng tôi nhận mô hình, còn ngày mai chúng tôi sẽ cần đến máy xúc tự hành thật”(5). Cần nhấn mạnh rằng, các hoạt động gắn với Việt Nam được diễn ra không chỉ theo lộ trình của Đoàn, mà còn diễn ra ở cả Kiev, Erevan, Taskent và các thành phố khác của Liên Xô. 
Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Mátxcơva ngày 12-7-1955. Trong ngày này, Báo Sự thật đã đăng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài xã luận với nhan đề “Nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa!”. Xã luận viết: “Chuyến thăm Liên Xô của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu, có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Liên Xô và Việt Nam, đối với việc củng cố lực lượng trên tiền đồn của hòa bình ở châu Á và trên toàn thế giới”. 
Đón Đoàn tại sân bay có Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô K. E. Vorosilov và nhiều nhà lãnh đạo khác của Nhà nước Liên Xô, các tướng lĩnh quân đội, các nhà ngoại giao và đại diện các tổ chức xã hội. Trong bài phát biểu đáp từ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện niềm tin vững chắc vào sự ủng hộ của nhân dân xô viết trong cuộc đấu tranh vì hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Người nhấn mạnh: “Chúng tôi phải phục hồi và phát triển nền kinh tế quốc dân đã bị tàn phá bởi tám-chín năm chiến tranh để đạt được độc lập và dân chủ trên cả nước”(6).
Điều đáng ngạc nhiên là trong số những người tham gia đón Đoàn thì họ tên của Bí thư thứ nhất Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô N.X. Khrushov chỉ được xếp thứ 9 sau M.A. Suslov, người được bố trí ngồi cùng xe với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Trường Chinh. Các cuộc tiếp xúc giữa những người đứng đầu hai đảng không được phô trương. Song điều đó hoàn toàn không có nghĩa là N.X. Khrushov đứng đằng sau không tham gia vào quá trình hội đàm. Hơn nữa, trong “Thông cáo chung” sau đó có nêu rằng, tham gia hội đàm về phía Liên Xô có K.E. Vorosilov, L.A. Bulganhin, N.X. Khrushov và tiếp theo còn nhiều người khác nữa(7).
Chuyến thăm được diễn ra cùng với nhiều cuộc tiếp kiến lẫn nhau và các hoạt động lễ tân ngoại giao. Ngày 13-7, Đoàn Việt Nam đã đến đặt vòng hoa và vào viếng Lăng Lênin và Stalin. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người tháp tùng đã tham quan Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva, Nhà máy điện hạt nhân AN Liên Xô, Triển lãm nông nghiệp toàn Liên Xô, nhà máy chế tạo ôtô, thực hiện chuyến du ngoạn bằng tàu thủy trên kênh đào Mátxcơva và đến thăm các cháu thiếu nhi ở Zvenigorod. Ở đó Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cháu nhỏ bằng tiếng Nga, đùa vui với chúng rằng, đối với các cháu thì Người hoàn toàn không phải là “đồng chí”, mà là “Bác”. 
Bộ phim đặc biệt về chuyến thăm của Đoàn đại biểu Việt Nam đến Liên Xô đã được công chiếu thành công ở các rạp chiếu phim của Mátxcơva. Cuộc đón tiếp trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thủ đô đã được phát trên truyền hình, sau đó được đánh giá như là chương trình chính trị đầu tiên và sự ra đời của các chương trình truyền hình chính trị như là một thể loại đặc biệt(8). Lễ trao Huân chương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho nhóm các nhà làm phim tư liệu của Liên Xô, đứng đầu là R. Karmen, vì đã có công sản xuất bộ phim “Việt Nam” được tổ chức long trọng. Báo chí đã viết một cách mĩ lệ về tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Liên Xô và Việt Nam. Báo Tin tức kết luận: “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là nhân tố quan trọng của hòa bình ở Đông, Nam Á ngày nay”(9)
Cuối cùng, ngày 19-7-1955 tại Điện Kremli đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Liên Xô – Việt Nam. Ký vào văn kiện là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.I. Mikojan. Trên các báo đều đăng Thông cáo chung. Xã luận của Báo Tin tức viết: “Chuyến thăm của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Liên Xô đã thể hiện rõ ràng tình hữu nghị không thể bị phá vỡ và ngày càng được củng cố vững chắc giữa nhân dân Liên Xô và Việt Nam”(10)
Các cuộc hội đàm đã thể hiện sự thống nhất quan điểm giữa hai bên trong lĩnh vực quốc tế cũng như trong việc phát triển các quan hệ về chính trị, kinh tế và văn hóa giữa hai nước. Đáng ghi nhận là Chính phủ Liên Xô đã chi 400 triệu rúp viện trợ không hoàn lại cho việc khôi phục và xây dựng 25 cơ sở công nghiệp và công ích, trong đó có Nhà máy thiếc ở Cao Bằng, Nhà máy cơ khí ở Hà Nội, Nhà máy cá hộp ở Hải Phòng v.v.. Việt Nam cũng được giúp đỡ trong các lĩnh vực đào tạo cán bộ, thăm dò địa chất và các hoạt động phòng-chữa bệnh. Thông cáo chung viết: “Cả hai chính phủ đều tin tưởng vững chắc rằng, việc trao đổi ý kiến, rõ ràng, sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì lợi ích của nhân dân hai nước và phục vụ lợi ích củng cố hòa bình và an ninh trên toàn thế giới(11).
Chiều 19-7-1955, Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường về nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước lúc máy bay cất cánh: “Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng kể từ ngày hôm nay sự hợp tác giữa nhân dân Liên Xô và Việt Nam sẽ còn được củng cố hơn nữa, còn tình hữu nghị không thể bị phá vỡ giữa hai nước chúng ta sẽ ngày càng vững chắc”(12)
Ở Hà Nội đã diễn ra cuộc mít tinh của quần chúng đón chào Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ Mátxcơva trở về. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức sau đó ít lâu đã xác nhận rằng, chuyến thăm của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ và Liên Xô đã củng cố thêm tình hữu nghị với các nước này, tăng thêm uy tín quốc tế của Việt Nam và chứng tỏ sự hoàn toàn thống nhất quan điểm đối với các vấn đề quốc tế(13).
Sau khi chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Liên Xô kết thúc, chủ đề về Việt Nam vẫn không ngừng xuất hiện trên báo chí Xô viết. Đồng thời nó cũng soi sáng xuyên qua lăng kính quan điểm của Liên xô trong các cuộc đàm phán với lãnh đạo các nước Mỹ, Anh và Pháp. Các nhà lãnh đạo Xô viết yêu cầu các đối tác phương Tây thực hiện Hiệp định Giơnevơ về Đông Dương. Báo Sự thật nhấn mạnh: “Đáng tiếc là người ta không chấp nhận đề nghị của Liên Xô thảo luận về việc thực hiện những vấn đề cấp bách của châu Á và Viễn Đông. Đã có cuộc trao đổi không chính thức ý kiến giữa các nhà lãnh đạo của bốn cường quốc. Chi tiết cuộc trao đổi ý kiến đó là về vấn đề Đông Dương liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Giơnevơ năm 1954”(14).
Thật tuyệt vời là công chúng Xô viết đã có khả năng tiếp cận được với lập trường đoàn kết của các nhà lãnh đạo Việt Nam về vấn đề này. Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên hãng Thông tấn Pháp về chuyến thăm Liên Xô: “Tôi nghĩ rằng hội nghị của “Bốn cường quốc” có khả năng làm giảm căng thẳng quốc tế. Họ cũng có thể có tác động tốt đến các vấn đề Đông Dương và Việt Nam. Nhưng cần phải chấm dứt âm mưu của những kẻ muốn ngăn cản và phá vỡ hiệp định Giơnevơ”(15). Lãnh tụ của Việt Nam bày tỏ sự tin tưởng rằng, với sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô, đất nước sẽ chữa lành những vết thương chiến tranh và tái thiết cuộc sống hòa bình. 
Tháng 9-1955, trên các phương tiện thông tin đại chúng của Liên Xô đã đăng tải một loạt tư liệu và bút ký về Lễ kỷ niệm 10 năm Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tạp chí Lý luận chính trị Cộng sản của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã đăng một bài dài về vấn đề này. Trong đó nói rằng, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở rộng được quan hệ kinh tế và văn hóa với nhiều quốc gia. Mốc đầu tiên trên con đường này là việc thiết lập quan hệ chặt chẽ và toàn diện với Liên Xô. Chuyến thăm Liên Xô của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu được đánh giá là có ý nghĩa quốc tế quan trọng. Chính các thỏa thuận đã chứng tỏ rằng tình cảm hữu nghị và đoàn kết lẫn nhau đã tạo cơ sở cho các quan hệ đã được hình thành(16).
Tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Liên Xô, được tổ chức tháng 2-1956, trong Báo cáo tổng kết của N.X. Khrushov, Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được nhắc đến ở một loạt nước dân chủ nhân dân. Trong bài phát biểu đại diện cho Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ông Trường Chinh đã đọc lời chúc mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiếng vỗ tay dài. Các đại biểu chú ý nhiều đến Ấn Độ, Myanmar và Indônêsia. Theo quan điểm khi đó, họ giành được độc lập, nhưng do hoàn cảnh lịch sử mà không hoàn toàn bứt ra khỏi sự phụ thuộc về kinh tế vào tư bản nước ngoài(17). Song điều đó không có nghĩa là mức độ quan hệ với Việt Nam bị giảm đi. Ngược lại, các quan hệ Xô-Việt càng phát triển. Tháng 4-1956, Đoàn đại biểu Liên Xô do A.I. Mikoian dẫn đầu đã đến thăm Hà Nội, và tháng 5-1957 K.E. Vorosilov đã đến thăm chính thức Thủ đô của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào tháng 8 năm đó, trong chuyến thăm các nước dân chủ nhân dân ở Châu Âu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm Matxcơva. 
Kết quả chuyến thăm Liên Xô tháng 7-1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa quan trọng không chỉ ngay thời điểm diễn ra mà còn cả mãi về sau nữa. Điều đó giải thích rằng tầm quan trọng của sự kiện được xác định không phải chỉ bởi xúc cảm của những người đương thời, mà còn bởi nhiều hệ quả của sự kiện đó, được bộc lộ ra qua thời gian. Chuyến thăm của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và việc ký kết các thỏa thuận đã thực sự tạo đà xuất phát cho quá trình hợp tác toàn diện và cùng có lợi, mà theo lời của Tổng thống Liên bang Nga V.V. Putin, ngày nay đã đạt đến tầm đối tác chiến lược toàn diện. 
_____________________

(1) Viktorov Ja: “Vì hòa bình và an ninh ở Châu Âu và Châu Á”, Tạp chí Cộng sản, số 1, 1955, tr. 115.
(2) Ephimov P.: “Trong lòng những người bạn Việt Nam”, Báo Sự thật, 1955, ngày 13-7.
(3) Kodzin A.: “Tính anh hùng của công cuộc tái thiết”. Báo Sự thật, 1955, ngày 16-7.
(4) Báo Siberia Xô viết, 1955, ngày 10-7. 
(5) Báo Sự thật, 1955, ngày 12-7. 
(6) Báo Sự thật, 1955, ngày 13-7. 
(7) Báo Sự thật, 1955, ngày 19-7.
(8) Nadedzin D.: “Truyền hình những năm 1950: “Kỷ lục”, Lermantov và Hồ Chí Minh”, Báo Sự thật thanh niên, 2011, ngày 8-4.
(9) Báo Tin tức, 1955, ngày 12-7.
(10) “Các thỏa thuận Xô-Việt”, Báo Tin tức, 1955, ngày 19-7. 
(11) Báo Sự thật, 1955, ngày 19-7.
(12) Báo Sự thật, 1955, ngày 17-7.
(13) Báo Sự thật, 1955, ngày 23-8.
(14) “Nhân dân Liên Xô mong muốn sống trong hòa bình và hữu nghị với tất cả các dân tộc”, Báo Sự thật, 1955, ngày 7-8. 
(15) Báo Sự thật, 1955, ngày 16-8.
(16) Vaxilieva V.: “Mười năm Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, Tạp chí Cộng sản, số 13, 1955, tr. 67.
(17) Xem: Mikheiev À.: “Châu Á mới”, Tạp chí Cộng sản, số 12, 1955, tr. 86.

GS, TS Demidov Valery Viktorovich
Trưởng Bộ môn Cơ sở nhân đạo Hành chính công, 

Trường Quản lý Siberi, Học viện Kinh tế quốc dân và Công vụ trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga.

ThS Cao Duy Tiến
Vụ Hợp tác quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền