Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hội nghị Trung ương 12 khóa III khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Thứ tư, 16 Tháng 12 2015 11:11
20273 Lượt xem

Hội nghị Trung ương 12 khóa III khẳng định quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược

(LLCT) - Hơn 85 năm xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã thể hiện trên thực tế trí tuệ và bản lĩnh chính trị của Đảng ta. Một trong những thí dụ tuyệt vời về bản lĩnh và trí tuệ đó là Hội nghị Trung ương 12 khóa III, Hội nghị quyết tâm đánh thắng Mỹ xâm lược, từ đó đi đến những chiến thắng vang dội sau này mà đỉnh cao là Chiến thắng 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

(Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn. Ảnh: Mai Hưởng-TTXVN)

Từ ngày 21 tới ngày 27-12-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa III họp Hội nghị lần thứ 12. Nghị quyết Hội nghị khẳng định: “Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền phải giữ vững và nêu cao quyết tâm đẩy mạnh cuộc chiến tranh nhân dân chống Mỹ, cứu nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, kiên quyết chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng”(1). Để đi tới quyết định chính trị sắt đá này, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có quá trình chuẩn bị công phu và kiên quyết trong một thời gian khá dài về công tác tư tưởng, tổ chức, cán bộ và chỉ đạo thực tiễn ở chiến trường.

 

Phát biểu trong phiên họp bế mạc Hội nghị, chiều 27-12-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “...Qua những ý kiến của các đồng chí đã phát biểu ở hội nghị, thấy nổi bật hai điểm quan trọng:

- Ta quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ
xâm lược;

- Ta nhất định thắng.

... Chúng ta phải biến nghị quyết của Trung ương thành sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Muốn vậy, phải làm cho mọi người tin là ta nhất định thắng, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai nhất định thua; phải làm cho mọi người phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không sợ gian khổ, đem hết sức mình để làm tốt nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”(2).

Xây dựng và củng cố niềm tin “ta nhất định thắng” trong cuộc chiến đấu không cân sức với đế quốc đầu xỏ nhất thế giới trong bối cảnh quốc tế và trong nước phức tạp là một nhiệm vụ chính trị vô cùng khó khăn vào đầu những năm 60. Quan điểm thi đua hòa bình, ngại Mỹ, sợ Mỹ vẫn tiếp tục tác động vào nội bộ ta. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 khóa III (12-1963) đã chỉ rõ: “Những năm gần đây, khi xảy ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt trong phong trào cộng sản quốc tế, một số ít cán bộ đã tán thành quan điểm và chủ trương sai lầm của chủ nghĩa xét lại... Về những vấn đề quốc tế, nhận thức mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, cũng như về các vấn đề chiến tranh và hòa bình, vai trò của vũ khí hạt nhân, chung sống hòa bình, thi đua kinh tế, quá độ hòa bình, v.v..; có tư tưởng hòa bình chủ nghĩa, mất cảnh giác đối với âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai và làm nhụt ý chí chiến đấu...”(3).

Ở Nam Bộ, sau khi được phổ biến Nghị quyết Trung ương 15 khóa II vào tháng 11-1959, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ đứng đầu là Bí thư Nguyễn Văn Linh, đã dấy lên phong trào Đồng khởi, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống kìm kẹp của Mỹ - Diệm, tạo ra bước ngoặt cho phong trào cách mạng miền Nam. Trong 2.627 xã trên toàn miền Nam, nhân dân ta đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã: ở Nam Bộ có 984 xã, Khu V có 379 xã. Chính sách “cải cách điền địa” của chính quyền Diệm bị phá sản, 2/3 ruộng đất (khoảng 17 vạn ha bị Mỹ-Diệm cướp) đã được trao lại cho nông dân(4). “Những cuộc Đồng khởi nổ ra trong thời gian này, đồng chí Lê Duẩn khẳng định, đánh dấu một bước nhảy vọt quan trọng, chuyển cách mạng miền Nam sang thế tiến công, phát triển cao trào cách mạng ra khắp miền với sự kết hợp cả hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự”(5). Tình hình mới của cách mạng miền Nam đòi hỏi phải có những tổ chức phù hợp để lãnh đạo và tập hợp lực lượng rộng rãi cả ở trong nước và trên thế giới.

Ngày 20-12-1960, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam được tiến hành tại Rùm Đuông, xã Tân Lập, huyện Châu Thành - một địa điểm nằm sâu trong vùng căn cứ Bắc Tây Ninh. Đại hội đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhằm tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, xu hướng chính trị cùng đấu tranh chống xâm lược Mỹ và đánh đổ ách thống trị của tay sai phản động, thực hiện độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất Tổ quốc. Tháng 1-1961, Hội nghị Trung ương 3 khóa III quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để thống nhất lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam trong tình hình mới. Cũng trong tháng 1-1961, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Tháng 2-1961, Bộ Chính trị quyết định thống nhất hệ thống chỉ đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam(6).

Trước làn sóng triều dâng của phong trào Đồng khởi, Mỹ - ngụy buộc phải điều chỉnh chiến lược từ “Tố cộng” sang “Chiến tranh đặc biệt” nhằm hoàn thành việc bình định miền Nam trong vòng 18 tháng, vào cuối năm 1962.

Trong Thư “Gửi anh Mười Cúc và Trung ương Cục miền Nam” tháng 7-1962, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhấn mạnh: cách mạng miền Nam “phản ánh cuộc tranh chấp gay go nhất, phức tạp nhất trên thế giới hiện nay, tuy chiến tranh chỉ diễn ra trong phạm vi tương đối nhỏ”(7).

Trong tình thế khó khăn và phức tạp cả ở trong nước và phe XHCN khi đó, quân và dân miền Nam dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đã tăng cường đoàn kết, kiên định lập trường, tiếp tục phát huy khí thế Đồng khởi, quyết tâm đánh thắng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy. Chiến thắng Ấp Bắc của quân và dân Mỹ Tho ngày 2-1-1963 đã thực sự đánh bại ưu thế áp đảo của địch về “trực thăng vận”, “thiết xa vận” và “bủa lưới phóng lao” cùng quỷ kế của cố vấn Mỹ; đồng thời khẳng định: ta hoàn toàn có thể làm phá sản “Chiến tranh đặc biệt” bằng nghệ thuật kết hợp ba mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) và kết hợp ba thứ quân (chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) trong phản công các cuộc hành quân càn quét lớn của địch.

Trước những diễn biến mới trong chính quyền ngụy (chính quyền Ngô Đình Diệm bị Mỹ lật đổ ngày 1-11-1963) và âm mưu mới của Mỹ (gây ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 5-8-1964 và có khả năng đưa quân vào miền Nam để mở rộng chiến tranh), trong hai ngày 25 và
26-9-1964, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã họp nhằm phân tích tình hình cách mạng miền Nam và đề ra chủ trương quyết tâm đẩy mạnh phong trào cách mạng, giành những thắng lợi quyết định trong thời gian tới. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ quyết tâm: “Ta phải đánh lâu dài 10 năm đến 20 năm, phải đề phòng địch có hành động điên cuồng dù chúng bị cô lập, phải có kế hoạch phòng khi đột biến. Miền Nam phải mở rộng chiến tranh du kích, xây dựng chủ lực thành quả đấm mạnh, gọn, nhanh. Hai năm qua chưa tăng cường Ủy viên Bộ Chính trị cho miền Nam, nay tình hình cấp bách không đi không được”(8).

Ngay sau đó, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương vào làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và Chính ủy Quân giải phóng miền Nam. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định phong quân hàm Đại tướng ngày 31-8-1959, ba tháng sau khi có Nghị quyết 15. Cùng vào chiến trường miền Nam với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có một số cán bộ cao cấp quân đội có quyết tâm chiến lược và kinh nghiệm chỉ huy là các đồng chí Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Nguyễn Hòa, Hoàng Cầm, Trần Văn Phác v.v..  Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và đoàn cán bộ trước khi lên đường vào Nam công tác (10-1964): “Đánh Pháp đã khó, đánh Mỹ còn khó hơn. Đảng và Chính phủ giao cho các chú vào trong đó cùng với đồng bào miền Nam đánh Mỹ cho kỳ được thắng lợi. Gặp đồng bào thì nói: Bác Hồ luôn luôn nghĩ đến đồng bào miền Nam”(9).

Sau thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong chiến dịch Bình Giã (Bà Rịa ngày 2-12-1964) - đánh dấu sự thất bại của “Chiến tranh đặc biệt” của địch, với tầm nhìn chiến lược và từ sự phân tích sâu sắc thực tiễn chiến tranh nhân dân, tương quan lực lượng, mặt mạnh và mặt yếu của cả ta và địch, trong bài “Đấu tranh cho nền độc lập, hòa bình, dân chủ và trung lập” viết ngày 17-12-1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã phân tích: “Cách đây bốn năm, khi Mỹ phát động chiến tranh chống lại nhân dân miền Nam nước ta, chắc có người yếu bóng vía đã cho rằng Mỹ nhất định thắng và sẽ thắng như trở bàn tay. Với tâm lý đớn hèn, họ cũng có một phần nào có lý lẽ, khi họ chỉ thấy sức mạnh của Mỹ chứ không còn thấy một tí nào sức mạnh vô địch của nhân dân miền Nam Việt Nam.

Sự thực ngày nay là thế nào? Với hơn 50 vạn quân tay sai dưới cờ 48 sao, với tiền bạc trút ra như nước, với bom, đạn, máy bay, đại bác... nhiều, tối tân và rất mực hiện đại. Với hàng trăm cố vấn hùng và hàng trăm tướng tá dũng?...

Người Mỹ với cái kéo ấy tưởng dễ đi cắt tóc người ta, nhưng chính hắn đang bị trọc đầu. Hoan hô!

Vì vậy, Mỹ không phải là một kẻ bất khả chiến thắng. Đánh Mỹ được, thắng Mỹ được, không còn nghi ngờ gì nữa”(10).

Những thắng lợi của quân và dân ta ở miền Nam trong cuộc chiến đấu chống “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy đã khẳng định tính đúng đắn của sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược kịp thời của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục miền Nam trên chiến trường. Trong “Bài nói trong buổi chiêu đãi mừng Quân đội ta 20 tuổi” ngày 22-12-1964, Người đã nhắc nhở: “Cán bộ và chiến sỹ phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải phát huy bản chất và truyền thống cách mạng. Phải học tập tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân miền Nam anh dũng trong cuộc kháng chiến cứu nước chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai”(11). Trong “Bài nói tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập” từ ngày 23 đến 26-1-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn đánh thắng kẻ thù là chủ nghĩa đế quốc, muốn xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, thì trước hết phải chiến thắng kẻ thù bên trong của mỗi chúng ta là chủ nghĩa cá nhân... Chính vì vậy mà cuộc chỉnh huấn lần này của Đảng ta nhằm mục đích tẩy rửa chủ nghĩa cá nhân và nâng cao đạo đức cách mạng của giai cấp vô sản”(12).

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng trong tháng 1-1965, Hội nghị lần thứ ba Trung ương Cục miền Nam dưới sự chủ trì của Bí thư Nguyễn Chí Thanh đã dự báo tình hình, khẳng định lập trường tư tưởng và xác định quyết tâm chiến đấu: “Địch có thể đưa thêm 130.000 quân vào miền Nam, nên cần chuẩn bị tư tưởng thật vững vàng trong tình thế quyết thắng giặc Mỹ. Chống các loại tư tưởng ngán Mỹ, sợ Mỹ và sợ lâu dài ác liệt, ảo tưởng hòa bình”(13)

Tháng 2-1965, tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về phong trào cách mạng miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên và nhắc nhở đồng bào và chiến sỹ miền Nam năm vấn đề quan trọng, trong đó có yêu cầu xây dựng quyết tâm đánh Mỹ:

“- Phong trào cách mạng miền Nam có những đặc điểm riêng biệt, nhưng cũng như bất cứ cuộc cách mạng nào khác phải xây dựng được quyết tâm, lực lượng và nắm được thời cơ.

- Đề phòng quân Mỹ nhảy vào, không sợ địch, nhưng cũng không chủ quan khinh địch”(14).

Ngày 8-3-1965, Lữ đoàn 9 Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ là đơn vị quân chiến đấu đầu tiên của Mỹ và đồng minh đổ bộ vào Đà Nẵng. Khi Mỹ vừa tăng quân ồ ạt vào miền Nam, noi gương liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi, các chiến sĩ đặc công và biệt động Sài Gòn vừa thành lập, đã dũng cảm tiến công nhiều mục tiêu nằm sâu trong hậu phương địch như các trận đánh vào khách sạn Caraven, Brink, rạp Kinh Đô, sân Dạ Cầu (Bộ Tổng tham mưu ngụy), trận đánh chìm tàu Cadơ ở cảng Sài Gòn, tập kích sân bay Tân Sơn Nhất, đánh kho xăng Nhà Bè. Đặc biệt, các chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã dũng cảm, mưu trí, tiến công tòa Đại sứ Mỹ, tiêu diệt 168 tên, làm bị thương 49 tên, phá hủy 20 xe(15). Những chiến thắng bước đầu này của quân và dân miền Nam trong tháng 3-1965 là căn cứ thực tiễn quan trọng để Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương mới.

Từ 25 tới 27-3-1965, Hội nghị Trung ương 11 (đặc biệt) về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt, xác định quyết tâm đánh Mỹ. Nghị quyết Hội nghị nêu rõ: “chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra;... chống tư tưởng sợ Mỹ, đánh giá địch quá cao, hoặc chủ quan khinh địch, tư tưởng hoang mang dao động, cầu an, tư tưởng muốn đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài và không tin vào sức mình...”(16).

Quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 11, cuối tháng 3-1965, Trung ương Cục ra Nghị quyết về công tác chính trị tư tưởng, xác định quyết tâm đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Khẩu hiệu “tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” đã được phổ biến khắp các địa phương miền Nam(17).

Trong bài nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất (từ ngày 2 tới 6-4-1965), Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã khẳng định: “Tư tưởng lớn của thời đại là không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết đánh Mỹ vì độc lập, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội... Đánh một kẻ thù như đế quốc Mỹ không phải dễ dàng, không phải chỉ đem gan góc ra mà phải có đường lối chiến lược, chiến thuật giỏi”(18). Để có đường lối chiến lược và chiến thuật giỏi, cần phải thấu triệt và vận dụng sáng tạo các quan điểm cơ bản của Đảng về chiến tranh nhân dân ở miền Nam trong cuộc đọ sức với đế quốc Mỹ, mà trước hết là quan điểm thực tiễn. Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “Chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu đế quốc Mỹ không phải chỉ qua sách vở, điều lệnh chiến đấu của chúng mà chủ yếu phải qua hành động thực tiễn của chúng trên chiến trường... Nếu tính toán đầu người, đầu súng, mật độ hỏa lực pháo binh, máy bay, cơ giới... của địch một cách máy móc, sách vở thì không thể tìm ra đáp án số đúng cho các kế hoạch tác chiến của ta”(19).

Đêm 26-5-1965, một đại đội bộ đội địa phương tỉnh Quảng Nam đã tiến công một đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ ở Núi Thành, diệt gần hết đại đội này, được Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tặng cờ “Lập công đầu diệt gọn đơn vị Mỹ”. Trong trận đánh ngày 18 và 19-8-1965, quân dân Vạn Tường (Quảng Ngãi) đã đánh bại cuộc hành quân “tìm diệt” đầu tiên của quân Mỹ, tiêu diệt 900 quân địch, bắn rơi 13 máy bay, phá hủy 22 xe bọc thép(20). Đánh giá ý nghĩa chiến lược của chiến thắng giặc Mỹ trong trận Vạn Tường, đồng chí Lê Duẩn chỉ rõ: “Nếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, trận Xtalingrat là một bước ngoặt chứng tỏ rằng quân phát xít Hítle không phải là không thể đánh bại được, thì chúng ta có thể coi trận Vạn Tường là bước ngoặt, chứng minh một cách hùng hồn rằng Quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại được quân đội Mỹ trong điều kiện chúng có mọi ưu thế tuyệt đối về binh khí, hỏa lực so với Quân giải phóng”(21).

Sau chiến thắng Vạn Tường, quân và dân miền Nam tiếp tục tiến lên giành được những thắng lợi mới ở Đất Cuốc, Plâyme, Bàu Bàng v.v.. Năm 1964, ta tiêu diệt được 1.584 tên Mỹ, thì từ đầu năm tới tháng 11-1965, quân và dân miền Nam đã tiêu diệt được 13 nghìn quân địch (gấp 9 lần năm 1964). Nếu như ở trận Núi Thành ta chỉ mới tiêu diệt được gần đại đội Mỹ, ở trận Vạn Tường ta đã tiêu diệt được gần tiểu đoàn Mỹ, thì ở trận Đất Cuốc ta đã tiêu diệt được cả tiểu đoàn Mỹ và tới trận Plâyme và Bầu Bàng: 2 sư đoàn cơ động của Mỹ đã bị đánh thiệt hại nặng(22). Những chiến thắng này đã khẳng định tính đúng đắn và sáng tạo của những chủ trương và biện pháp kịp thời của Trung ương Cục miền Nam và tư tưởng quân sự độc đáo “Nắm thắt lưng địch mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh(23).

Trong bức “Điện mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Những chiến thắng vẻ vang gần đây ở Vạn Tường, Pơlâyme, Đà Nẵng, Chu Lai, Bầu Bàng, Dầu Tiếng, Sài Gòn, v.v.. càng chứng tỏ quân và dân ta ở miền Nam có đủ khả năng đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ dù chúng đưa thêm vào miền Nam mấy chục vạn quân nữa”(24). Những thắng lợi to lớn của quân và dân miền Nam trong cuộc chiến không cân sức với giặc Mỹ xâm lược trong năm 1965 là cơ sở thực tiễn quyết định để Ban Chấp hành Trung ương họp Hội nghị Trung ương 12 (12-1965) thông qua chủ trương, quyết tâm đánh Mỹ và kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tất nhiên, để đi tới Nghị quyết Trung ương 12, trước đó Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì thuyết phục và kiên quyết đấu tranh nội bộ để thông qua Nghị quyết 9 (12-1963) và Nghị quyết Trung ương 11 (đặc biệt) (3-1965) cùng những quyết định quan trọng liên quan tới công tác tổ chức và cán bộ.

Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, “Vấn đề gốc, vấn đề cơ bản của Nghị quyết Trung ương 12 là lập trường kiên quyết đánh Mỹ, do đó công tác chính trị phải làm sáng tỏ và quán triệt tinh thần đó. Muốn nói gì thì nói nhưng muốn thi hành tốt Nghị quyết Trung ương 12 phải có lập trường kiên quyết đánh Mỹ, nếu kém cái đó thì coi như không có kết quả. Nói đến lập trường Mác - Lênin không phải là đống sách, mà ta phải có gan đánh Mỹ. Lập trường đánh Mỹ tương đối phức tạp, yêu cầu rất cao và có cái rất tế nhị. Hỏi tại sao phải đánh Mỹ thì không có gì phức tạp lắm, ai cũng có thể xác định được nó là kẻ thù xâm lược... nhưng đánh Mỹ ở đâu, đánh như thế nào, ai đi đánh, có những cái phức tạp, tế nhị của nó”(25).

Quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết Trung ương 12 và quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam đã lãnh đạo quân và dân miền Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới, tạo tiền đề cơ bản tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy chiến lược Tết Mậu Thân 1968 và từ đó mở ra cục diện vừa đánh, vừa đàm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2015

(1), (2), (16) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.635, 652-653, 109 và 114.

(3) xem Sđd, t.24, tr.779 và 782.

(4), (5), (21) Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Những mốc son lịch sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.47, 53, 82.

(6), (8), (9), (13), (14), (15), (17), (20): Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.280-284, 561, 562, 589, 596, 606-607, 605-606, 615.

(7) Lê Duẩn: Thư vào Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.30.

(10), (18), (19), (22), (23), (25) Tổng tập Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tập 1, quyển 2, Nxb Thời Đại, Hà Nội, 2013, tr.337, 476, 652, 332, 180.

(11), (12), (24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.350, 374-375, 562.

 

TS Lê Trung Nguyệt

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền