Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Quan hệ Việt - Mỹ: Hành trình 20 năm và triển vọng
Thứ hai, 11 Tháng 4 2016 11:09
3229 Lượt xem

Quan hệ Việt - Mỹ: Hành trình 20 năm và triển vọng

(LLCT) - Quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho đến khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, quốc phòng và an ninh cũng như hợp tác nhân đạo, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trên các vấn đề hai nước cùng quan tâm; dù vẫn còn những trở ngại và cả chặng đường phía trước, song dư địa hợp tác còn nhiều và những kết quả  ghi nhận trên đang tạo đà để hai bên tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện phát triển trên bề rộng và tăng cường đi vào chiều sâu trong năm 2015 và những năm sau.

Tại Hội thảo “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 20 năm thành công hơn nữa” diễn ra sáng 26-1-2015 tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định mục tiêu của Hoa Kỳ rất rõ ràng: “Chúng tôi muốn giúp Việt Nam trở thành một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng pháp luật và nhân quyền... Hai nước có những tầm nhìn chung về tình hình ổn định và phát triển trong khu vực... 20 năm đầu tiên mới chỉ là phần mở đầu của một mối quan hệ lâu dài hơn, phong phú hơn trong tương lai...”. Việc hợp tác trên cơ sở lòng tin, với 9 trụ cột hợp tác toàn diện, hài hòa. Trong đó, hợp tác kinh tế và thương mại là ưu tiên, bên cạnh các mối quan hệ chính trị và ngoại giao nhân dân, hướng tới hợp tác đa phương như trong ASEAN, APEC, nhằm cùng nhau giải quyết các vấn đề trong khu vực và toàn cầu.

Để có được tình hữu nghị và những thành tựu hợp tác như ngày nay, cả hai nước đã trải qua một chặng đường dài.

Hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ được khởi đầu từ tháng 2-1993, khi Mỹ mở đường cho việc nối lại các khoản vay quốc tế (bao gồm vốn vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới) cho Việt Nam. Năm 1994, Hoa Kỳ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Năm 1995, hai bên công bố “bình thường hóa quan hệ” và thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 1998, Hoa Kỳ chính thức mở đường cho hoạt động của nhiều công ty và tổ chức của Hoa Kỳ tại Việt Nam, như Cơ quan Hỗ trợ đầu tư tư nhân hải ngoại, Ngân hàng Exim Bank, Cơ quan Thương mại và phát triển Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp Mỹ, và Cơ quan Quản lý Hàng hải Mỹ. Năm 1998, hai nước ký kết Hiệp định song phương OPIC. Năm 1999, hoàn tất các thỏa thuận khung, mở đường cho Exim Bank đi vào hoạt động tại Việt Nam. Năm 2001, hai bên ký Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và năm 2002, Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Mỹ về quan hệ thương mại được thành lập. Năm 2005, hai nước đã ký Thỏa thuận Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật cũng như các thỏa thuận về sự phê chuẩn quốc tế, tình báo và hợp tác quân sự. Năm 2006, Mỹ thông qua quy chế Quan hệ Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Năm  2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO và 2 nước ký kết Hiệp định Hàng hải song phương, Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (TIFA). Năm 2008, thành lập Trung tâm Mỹ đầu tiên tại Hà Nội, được coi như văn phòng “một cửa”, nơi cung cấp tất cả các thông tin cập nhật về mọi lĩnh vực liên quan đến nước Mỹ. Việt Nam đưa những người lao động đầu tiên sang Mỹ.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ từ chưa đầy 500 triệu USD năm 1995, tăng lên 800 triệu USD năm 2000, đạt 1,4 tỷ USD năm 2001, và đã có bước chuyển biến tích cực sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết vào năm 2001. Kể từ năm 2005, Hoa Kỳ liên tục giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trung bình 20%/năm. Từ tỷ lệ khiêm tốn là 1% tổng giá trị xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ năm 2000, kết thúc năm 2014 Việt Nam đạt 22% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực vào thị trường này. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam vượt qua các đối thủ chính trong khu vực là Thái Lan, Malaixia và Inđônêxia để trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất khu vực vào thị trường Mỹ. Với đà tăng trưởng này, năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ sẽ đạt xấp xỉ 57 tỷ USD và chiếm 34,1% tổng giá trị xuất khẩu của khu vực ASEAN vào thị trường này, đồng thời bỏ xa giá trị xuất khẩu của các nước còn lại. Không chỉ tăng về khối lượng, hàng chất lượng cao và giá trị gia tăng từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ ngày một nhiều hơn. Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, năm 2014, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hai nước đạt khoảng 36 tỷ USD (tăng hơn 70 lần kể từ khi hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ năm 1995); kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 28,5 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm 2013; trong đó, kim ngạch hàng dệt, may tăng 13,9%; giày dép tăng 26,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 12,8%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 45%. Năm 2014, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng đột biến, kim ngạch đạt 820 triệu USD, tăng đến 51,2% so với cùng kỳ năm 2013. Việt Nam cũng đang là thị trường cung cấp tôm lớn thứ ba cho Mỹ, chỉ xếp sau Inđônêxia và Ấn Độ. Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là các mặt hàng thủy sản, giày dép, may mặc, đồ gỗ, thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, chè, cà phê, hạt tiêu... Đồng thời, Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ chủ yếu là trang thiết bị, máy móc, vật tư chất lượng cao, chất dẻo, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép... phục vụ sản xuất; hàng tiêu dùng, bột mỳ, sữa bột... Ông Đ. Marantít, Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ về quan hệ thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam, từng là Cố vấn trưởng về luật pháp cho Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam, đánh giá thị trường Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng và là cơ hội lớn cho Hoa Kỳ.

Mỹ hiện đứng thứ 9 trong số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư của Việt Nam. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-3-2015, Mỹ có 735 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 11,06 tỷ USD, xếp thứ 7 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Tính riêng trong quý I năm 2015, Mỹ có 8 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và 2 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt gần 70 triệu USD. Các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào 17/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân với quy mô bình quân vốn đầu tư cho một dự án là 15 triệu USD, cao hơn so với quy mô trung bình của một dự án FDI vào Việt Nam hiện nay là 14,3 triệu USD. Năm 2014 có tới 33 doanh nghiệp Mỹ đến tìm hiểu và quan tâm đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam, so với con số 22 của năm 2013. Sự quan tâm này sẽ càng lớn hơn khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Theo Amcham Hồng Kông, việc chủ động tham gia Hiệp định TPP làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Mỹ, khiến cho thị trường Việt Nam “khác biệt” so với các quốc gia khác tại khu vực ASEAN không phải là thành viên TPP. Việt Nam hiện đang là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông khi tính toán đến việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc. Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Mỹ hiện đang có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam như: Tập đoàn Nike, Tập đoàn dệt may Mast Industries, P&G... Bên cạnh những lĩnh vực đầu tư truyền thống như bất động sản, phân phối hàng hóa, logistics, giáo dục..., nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chú trọng đến các dự án về kết cấu hạ tầng tại Việt Nam. Sự quan tâm này cộng với việc ra đời khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Nghị định số 15/2015/NĐ-CP) hứa hẹn sẽ mở đường cho sự dịch chuyển của dòng vốn FDI của Mỹ vào Việt Nam.

Việt Nam cũng đã có nhiều dự án đầu tư sang Mỹ, tính đến hết tháng 8-2014, Việt Nam đã có 124 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng vốn là 426,74 triệu USD.

Phát biểu trong một diễn đàn tổ chức ngày 24-3-2015 tại Viện Nghiên cứu chiến lược CSIS về quan hệ Việt - Mỹ, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Osius đã bày tỏ sự ủng hộ ý tưởng “đã đến lúc Việt Nam và Mỹ phải tiến xa hơn để hợp tác ở mức khu vực và toàn cầu”. “Với ý tưởng đưa quan hệ hai nước vượt lên mức khu vực và toàn cầu thì trước tiên là hợp tác thương mại. TPP là một cơ hội rất lớn để Việt Nam tiến thêm một bước trong hội nhập kinh tế toàn cầu và sẽ giúp cho mục tiêu tăng gấp đôi giá trị thương mại hai chiều của chúng ta thành hiện thực”.

 Cần nhắc lại rằng, năm 2009, Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn đầu tư tại Hoa Kỳ. Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam và Hoa Kỳ đã tham dự Diễn đàn Đầu tư Việt Nam trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Việt Nam” tại thành phố Xan Phranxítcô (bang Caliphonia), với sự có mặt của trên 20 doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ như: IBM, Microsoft, Intel, Apple, Dell, Oracle, Motorola và các tập đoàn Lockheed Martin, Harley Davidson, General Electric và Levi Strauss. Năm 2009, Hoa Kỳ có 43 dự án đầu tư đăng ký mới vào Việt Nam với 5.948,2 triệu USD, bằng 36,4% tổng số vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam năm 2009 và tăng 291% so năm 2008. Số vốn đăng ký mới của Hoa Kỳ trong năm 2009 (năm đang diễn ra khủng hoảng kinh tế - tài chính mạnh ở Mỹ) nhiều hơn tổng số vốn đăng ký mới của Hoa Kỳ từ năm 1988 đến 2008 (trên 5 tỷ USD). So với năm 2008, số vốn đầu tư đăng ký mới của Hoa Kỳ vào Việt Nam bằng 118% tổng số vốn FDI còn hiệu lực của Hoa Kỳ tại Việt Nam giai đoạn 1989 - 2008. Trong khi tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam giảm 70% so với năm 2008, hầu hết các đối tác khác như EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều giảm thì sự gia tăng đột biến của Hoa Kỳ là tín hiệu mới rất đáng ghi nhận. Các lĩnh vực đầu tư mới của Hoa Kỳ vào Việt Nam năm 2009 tập trung vào các ngành dịch vụ khách sạn, nhà hàng, ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh các dự án đăng ký mới, năm 2009, Hoa Kỳ cũng là nước đứng đầu về số vốn đầu tư thêm với 3,4 tỷ USD, chiếm 75% tổng số vốn FDI tăng thêm của cả nước trong năm 2009.

Số lượt khách du lịch từ Hoa Kỳ đến Việt Nam năm 2009 đạt 404 nghìn lượt người, chiếm 10,7% tổng số khách nước ngoài đến Việt Nam cả năm 2009 và là nước có lượng khách đến Việt Nam nhiều thứ 2 sau Trung Quốc. Số lượng lượt khách du lịch Việt Nam sang Hoa Kỳ cũng tăng. Đó là tín hiệu khởi sắc trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, số lượng khách đi du lịch giảm mạnh ở hầu hết các nước. Trong năm 2014, số lượng khách du lịch từ Hoa Kỳ đến Việt Nam tiếp tục tăng, đạt 443 nghìn lượt khách, đứng thứ 4 trong số các nước có nhiều khách du lịch vào Việt Nam. 

Quan hệ đối tác toàn diện được xác lập trong chuyến thăm Hoa Kỳ tháng 7-2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là khuôn khổ quan trọng, bao quát toàn bộ các lĩnh vực như: chính trị, đối ngoại, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh... nhưng hợp tác kinh tế là lĩnh vực trọng tâm, vừa là nền tảng, vừa là động lực để hai nước tiếp tục phát triển lên tầm cao mới trong tương lai của quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Năm 2014, Việt Nam và Hoa Kỳ đã khởi động và triển khai tích cực cả 9 lĩnh vực ưu tiên đề ra trong quan hệ đối tác toàn diện. Quan hệ chính trị - ngoại giao tiếp tục được tăng cường với một loạt các cuộc gặp, chuyến thăm ở các cấp giữa hai nước trong năm 2014: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng thống Barack Obama bên lề Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Cấp cao Đông Á (EAS); 13 chuyến thăm Việt Nam của các lãnh đạo quốc hội Hoa Kỳ như Chủ tịch thường trực Thượng viện Patrick Leahy và các Thượng nghị sĩ John McCain, Benjamin Cardin, Bob Corker...; các chuyến thăm Mỹ của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh... Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành, địa phương, triển khai 11 cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, phát triển, dân chủ nhân quyền, lao động. Hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân tiếp tục được mở rộng. Việt Nam dẫn đầu về số lượng sinh viên học ở Hoa Kỳ trong các nước ASEAN, với tổng số hơn 16 nghìn sinh viên, đứng thứ 8 trong số tất cả các nước có sinh viên đang học tập tại Hoa Kỳ.

Hợp tác về khoa học - công nghệ có đột phá mới với việc Hiệp định Hạt nhân dân sự 123 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 10-9-2014, mở ra cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hạt nhân dân sự. Hoa Kỳ tiếp tục cam kết và triển khai hợp tác tích cực với Việt Nam về việc giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại như các dự án tẩy độc tại các khu vực bị nhiễm dioxin, với tổng trị giá 15 triệu USD hay dự án 7,5 triệu USD hỗ trợ những người bị khuyết tật do hậu quả chiến tranh.

Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng (tháng 9-2011). Việc Hoa Kỳ chính thức tuyên bố bãi bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam được đánh giá cao và Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ nên sớm dỡ bỏ hoàn toàn, phù hợp với đúng khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện hai nước. Hai bên cũng đã trao đổi nhiều đoàn quốc phòng, đáng chú ý là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Tướng Martin Dempsey tháng 8-2014. Hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát biển được mở rộng, hai bên đang triển khai gói hỗ trợ 18 triệu USD dành cho Việt Nam nhằm nâng cao năng lực hàng hải. Bên cạnh đó cũng cần kể đến sự hợp tác, phối hợp có hiệu quả giữa hai nước trong các diễn đàn đa phương tại khu vực và quốc tế, nhất là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), EAS, APEC... Đáng chú ý, trong năm 2014, lần đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng Mỹ - ASEAN đã được tổ chức.

Trong khuôn khổ đàm phán chung, hai bên cũng đạt được những tiến triển thực chất trong đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sắp tới việc đàm phán này cần tiến tới một TPP bảo đảm phù hợp với trình độ phát triển và lợi ích của các bên tham gia.

Hai bên đều có lợi ích khi phối hợp có hiệu quả trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là các cơ chế như: APEC, ARF, EAS, và ADMM+...

Động lực phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ trước hết bắt nguồn từ nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, khá toàn diện; nguồn lao động dồi dào, tài nguyên phong phú, chính trị, xã hội ổn định, đường lối đổi mới, hội nhập đúng đắn với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Hoa Kỳ nói riêng phù hợp với các lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện tính minh bạch về thông tin, luật pháp và vấn đề khuyến khích đầu tư nước ngoài bằng hệ thống luật pháp và chính sách bảo hộ đầu tư Hoa Kỳ chặt chẽ nhưng thông thoáng so với trước. Hơn hai triệu người Mỹ gốc Việt là nguồn lực dồi dào để thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Những kết quả đã đạt được rất có ý nghĩa và đã góp phần đẩy mạnh đà phát triển quan hệ hai nước. Đáng chú ý là quan hệ chính trị - ngoại giao tiếp tục được tăng cường với một loạt các cuộc gặp, chuyến thăm ở các cấp giữa hai nước trong năm 2014 (như đã nêu).

Đặc biệt, chuyến thăm Mỹ chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 6-7-2015 là một bước tiến quan trọng trên hành trình tiếp tục phát triển các quan hệ đối tác toàn diện và củng cố sự hiểu biết, niềm tin chiến lược lẫn nhau giữa hai bên. Nhân dân hai nước đều tin tưởng và mong muốn quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ được tăng cường hơn nữa vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới.

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn, khủng hoảng chính sách và quan hệ giữa các nước lớn cũng thay đổi, nên bên cạnh các thuận lợi, trong quan hệ kinh tế với nhau, hai bên không tránh khỏi những tranh chấp thương mại gây cản trở nhất định cho hợp tác, như các vụ kiện tôm, cá ba sa từ năm 2000 hay việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết áp thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam từ 36,48% lên 63,88% năm 2003. Hoa Kỳ thường áp đặt biện pháp “chống bán phá giá”, đối với Việt Nam, nhưng lại xuất phát từ yêu cầu chính trịvà do các cơ quan hành pháp của Hoa Kỳ quyết định, chứ không xuất phát từ cạnh tranh bình đẳng trên thương trường. Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ. Theo đó, khi tính giá thành các cơ quan Thương mại Hoa Kỳ lại không căn cứ vào thị trường tại Việt Nam, mà lại căn cứ vào chi phí sản xuất của một nước khác có điều kiện sản xuất không tương đồng, khiến cho giá thành, giá cả và cơ chế thị trường bị méo mó.

Nhìn tổng thể, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, kinh tế cho đến khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo, quốc phòng và an ninh cũng như hợp tác nhân đạo, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trên các vấn đề hai nước cùng quan tâm; dù vẫn còn những trở ngại và cả chặng đường phía trước, song dư địa hợp tác còn nhiều và những kết quả  ghi nhận trên đang tạo đà để hai bên tiếp tục đưa quan hệ đối tác toàn diện phát triển trên bề rộng và tăng cường đi vào chiều sâu trong năm 2015 và những năm sau.

Với mong muốn làm bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới, coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của mình, Việt Nam cũng tin rằng Mỹ là một trong những cường quốc hàng đầu thế giới, là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, có lợi ích và trách nhiệm to lớn, có tiếng nói và hành động thích hợp để đóng góp cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật lệ quốc tế nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2015

Nguyễn Minh Phong - Nguyễn Trần Minh Trí

Báo Nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền