Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975
Thứ sáu, 15 Tháng 4 2016 17:58
4613 Lượt xem

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975

(LLCT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp với hơn 80 năm hoạt động cách mạng đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng với những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt trong giai đoạn cuối chiến tranh, Đại tướng đã có những hoạt động, cống hiến xuất sắc trong chỉ đạo hoạch định kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, chỉ đạo chớp thời cơ, thực hành Tổng tiến công và nổi dậy, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc.

1. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch chiến lược

Hiệp định Pari được ký kết (1-1973), tạo bước ngoặt căn bản, cách mạng miền Nam đứng trước tình thế mới. Song, đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa ngoan cố cản trở hiệp thương, phá hoại Hiệp định,...

Trước tình hình diễn biến phức tạp, ngày 24-5-1973, Bộ Chính trị họp mở rộng bàn về vấn đề miền Nam, hội nghị tạo bước chuyển biến mới, giải quyết tư tưởng nghỉ ngơi, hoà hoãn; xác định tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng. Hội nghị Trung ương 21 (7-1973) khẳng định đường lối cách mạng, chỉ rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”(1). Nghị quyết 21 chỉ ra con đường đi tới hoàn thành nhiệm vụ “Đánh cho nguỵ nhào”.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Quân uỷ Trung ương, bàn với đồng chí Văn Tiến Dũng về chỉ đạo chuẩn bị kế hoạch chiến lược quân sự. Từ tháng 4-1973, một tổ chức mang tên Tổ trung tâm được lập ra để giúp Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh nghiên cứu, lập kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam(2). Ngày 5-6-1973, Tổ trung tâm hoàn thành bản dự thảo Đề cương kế hoạch chiến lược mang số 305 TG1. Tiếp đó, Tổ trung tâm khẩn trương chỉnh lý, bổ sung “Đề cương kế hoạch chiến lược”.

Từ Hội nghị Trung ương 21 đến giữa năm 1974, tình hình chuyển biến nhanh chóng. Quốc hội Mỹ cắt hẳn ngân sách viện trợ quân sự cho Đông Dương trong sáu tháng còn lại của năm tài chính 1974, tác động mạnh đến chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ở Mỹ, vụ Oatơghết gây chấn động chính trường và dư luận Mỹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận rõ tình hình trên là nhân tố quan trọng tạo nên thời cơ cho cách mạng. Cần tranh thủ giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trước kỳ bầu cử tổng thống ở Mỹ (11-1976).

Việc xây dựng các “quả đấm thép” trong giai đoạn cuối của chiến tranh, một vấn đề mà Đại tướng nhiều lần đề xuất với Bộ Chính trị sau ngày ký Hiệp định Paris, được xúc tiến mạnh mẽ. Vượt qua nhiều khó khăn, Bộ Tổng Tư lệnh khẩn trương xây dựng 3 quân đoàn chủ lực cơ động: Quân đoàn I mang tên Quyết Thắng thành lập ngày 24-10-1973, tiếp đó, ngày 17-5-1974, Quân đoàn II (Binh đoàn Hương Giang) và ngày 20-7-1974, Quân đoàn IV (Binh đoàn Cửu Long).

Một trong những vấn đề lớn là phải tìm hiểu khả năng can thiệp trở lại của Mỹ và các nước khi ta mở cuộc tổng tiến công... Nửa cuối năm 1974, nhiều sự kiện lớn diễn ra tác động trực tiếp tới sự chỉ đạo của Đảng(3).

Sự kiện quân ta tiêu diệt chi khu quân sự Thượng Đức ở Khu 5 (29-7-1974 đến 7-8-1974), giải phóng quận lỵ Thượng Đức có ý nghĩa quan trọng.

Cùng với một số thắng lợi trên các chiến trường(4), trận Thượng Đức cho phép cấp chỉ đạo chiến lược rút ra nhận định: quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn quân chủ lực cơ động của địch. Một hình thái mới xuất hiện: địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất. Đối với cấp chiến lược, nhận định đầy sức thuyết phục này có liên quan rất lớn đến việc hạ quyết tâm chiến lược.

 Theo dõi chặt chẽ chuyển biến của chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định tình hình phát triển với nhịp độ ngày càng tăng, có khả năng đột biến. Cuộc chiến đấu của nhân dân ta suốt 20 năm đã chuẩn bị tiền đề cho những bước nhảy vọt sẽ diễn ra. Lực lượng ta ngày càng mạnh lên, lực lượng của chính quyền Việt Nam cộng hoà suy yếu rõ rệt. Nước Mỹ đang khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng, ít khả năng Mỹ quay trở lại miền Nam Việt Nam như trước Hội nghị Pari.

Căn cứ vào tinh thần của Bộ Chính trị, bản Kế hoạch chiến lược được bổ sung. Trong vòng một năm (4-1973 đến 5-1974), Kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam được chỉnh lý, bổ sung nhiều lần. Trong quá trình đó, nhiều vấn đề lớn đặt ra yêu cầu được phân tích, đánh giá: “Làm thế nào để nhanh chóng tạo thời cơ? Cần làm gì để “chớp” thời cơ, không được để lỡ? Hướng chiến lược là đâu?(5)... Sau nhiều cuộc trao đổi, thảo luận, bản kế hoạch chiến lược với tên gọi Kế hoạch giành thắng lợi ở miền Nam sau vài ba năm làm thay đổi so sánh lực lượng ở miền Nam, mang số 133/TG1, hoàn thành vào ngày 16-5-1974.

Cũng trong thời gian này, Trung ương Cục miền Nam và Quân uỷ B2 gửi ra Trung ương và Quân uỷ Trung ương Kế hoạch hoạt động mùa khô 1974-1975 với quyết tâm giành thắng lợi quyết định, hoàn thành sự nghiệp cách mạng miền Nam trong hai năm 1975-1976. Như vậy là cả phía trước và phía sau, từ Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương đến các chiến trường đã gặp nhau ở quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong vài ba năm. Vấn đề còn lại là phương án hành động tối ưu để giành thắng lợi sớm nhất, ít tổn thất nhất.

2. Xác định đúng thời cơ chiến lược, hướng tiến công chiến lược

Thực hiện đánh đòn quyết định giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc đòi hỏi phải giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược.

Trong quá trình chỉ đạo xây dựng kế hoạch chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt ra nhiều vấn đề về thời cơ, về cách đánh; Tiến công vào thời điểm nào? Sử dụng lực lượng ra sao? Nếu mở những cuộc tiến công tiêu diệt lớn thì hướng chính nên ở đâu? Có thể chọn Tây Nguyên, nơi hiểm yếu, ở đấy địch không mạnh, hay chọn đồng bằng Nam Bộ là nơi đông dân nhiều của?(6) và lắng nghe các ý kiến thảo luận của nhiều đồng chí trong Quân uỷ và trong Tổ trung tâm. Đại tướng và một số đồng chí khác thiên về chọn Tây Nguyên làm hướng chính, nơi đây ta có nhiều thuận lợi để thực hiện mục tiêu đánh tiêu diệt lớn.

Bộ Chính trị họp (30-9 đến 9-10-1974) đã thảo luận kỹ về thời cơ chiến lược. Tại Hội nghị, Đại tướng đặc biệt lưu ý về trận Thượng Đức, khẳng định thời cơ chiến lược đã đến, cần khẩn trương chuẩn bị mọi mặt, đi đôi với đẩy mạnh đấu tranh chính trị, cần có những trận quyết chiến chiến lược tiêu diệt lớn quân địch để giành toàn thắng.

Đánh giá tổng quát tình hình, Bộ Chính trị khẳng định: “Chúng ta đang có thời cơ. Hai mươi năm chiến đấu mới tạo được thời cơ này, chúng ta phải biết nắm lấy để đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn…”(7); nhất trí phê duyệt dự thảo lần thứ 7 Kế hoạch chiến lược do Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị.

Thực hiện chủ trương chiến lược của Bộ Chính trị, quân và dân trên cả hai miền Nam Bắc bước vào giai đoạn chuẩn bị mới với nhịp độ khẩn trương hơn và quy mô rộng lớn hơn, nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình hình chiến trường miền Nam đang diễn biến rất mau lẹ.

Kế hoạch chiến lược được giữ tuyệt đối bí mật, được thường xuyên báo cáo Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, tranh thủ ý kiến các Tư lệnh chiến trường.

Bản dự thảo lần thứ 8 Kế hoạch tổng tiến công được trình tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18-12-1974 đến 8-1-1975). Lần cuối cùng, ý chí và trí tuệ của Đảng tập trung cao độ, hạ quyết tâm giành toàn thắng(8). Thay mặt Quân uỷ Trung ương, Đại tướng đề xuất một số ý kiến: Chúng ta phải chủ động tạo ra thời cơ, chứ không thể bị động ngồi chờ. Khi thời cơ đến thì phảì kiên quyết, kịp thời chớp lấy thời cơ... Hạ quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong hai năm 1975-1976 là đúng. Nhưng kế hoạch cần đề phòng tình huống sớm hơn, trong năm 1975, và cả tình huống kéo dài qua năm 1977. Như vậy mới chủ động, vững vàng(9)

Hội nghị đang họp thì nhận được tin từ chiến trường, 19 giờ ngày 6-1-1975, thị xã Phước Long được giải phóng. Chiến thắng Phước Long mang ý nghĩa một đòn trinh sát chiến lược rất quan trọng. Lần đầu tiên, một tỉnh được hoàn toàn giải phóng. Vùng căn cứ quan trọng của ta ở miền Đông Nam Bộ được mở rộng. Sự kiện này đánh dấu một bước suy sụp mới của quân đội Việt Nam Cộng hòa(10) đồng thời khẳng định thêm đế quốc Mỹ không có khả năng trở lại can thiệp bằng quân sự ở miền Nam.

Chiến thắng Phước Long là một nhân tố mới rất quan trọng để Hội nghị Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam với yêu cầu cao hơn. Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975-1976. Đồng thời,  dự kiến phương án nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Căn cứ vào đánh giá những điều kiện chủ quan, khách quan, bán sát thực tiễn chiến trường, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời.

Trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý với đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn Nam Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược(11). Theo Đại tướng, đây cũng là suy nghĩ của nhiều đồng chí khác. Ngày 9-1-1975, Thường trực Quân ủy Trung ương họp để quán triệt và triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị. Thường trực Quân ủy Trung ương triển khai quyết định chiến lược của Bộ chính trị “Chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Nam Tây Nguyên” và là mở đầu cho cuộc tíến công mùa xuân 1975. Chiến dịch Tây Nguyên chính thức được quyết định mở với mật danh “Chiến dịch 275”.

3. Chỉ đạo Tổng tiến công chiến lược

Với kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng dày dạn, Bộ Thống soái tối cao nhận thức sâu sắc thời gian là lực lượng, nên đã kịp thời chỉ đạo toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc chuẩn bị mọi mặt cho trận quyết chiến cuối cùng: xây dựng thế trận, phát triển lực lượng; vật chất hậu cần, kỹ thuật; mạng lưới đường cơ động chiến lược, chiến dịch, mở rộng vùng giải phóng...

Chỉ đạo cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tư lệnh đã thiết kế nên một thế trận với mưu kế: Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng, phía Nam giữ địch ở Sài Gòn. Ghìm địch ở hai đầu chiến tuyến như vậy làm cho chúng bộc lộ sơ hở ở miền Trung và Tây Nguyên. Tây Nguyên bị thất thủ, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, quân ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế tan rã, để sau đó, huy động toàn bộ lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn. Sự lựa chọn này xuất phát từ phương châm tác chiến: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chỗ yếu (nhưng hiểm yếu) trước, đánh chỗ mạnh sau.

Ngày 11-3-1975, ta làm chủ hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột, toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở Tây Nguyên sụp đổ. Hạ tuần tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, tạo nên những đột biến lớn trên chiến trường, mở đầu cho sự thất bại và tan rã toàn diện của Việt Nam Cộng hoà.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình và chỉ thị: “Điểm trúng huyệt chí tử của địch là Buôn Ma Thuột, gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch phải rút bỏ Tây Nguyên, thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đây, chúng cũng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn”.

Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp. Đại tướng nhận định tình hình đang chuyển biến rất nhanh, lực lượng so sánh đã thay đổi, Mỹ cũng không dám liều lĩnh, ít khả năng can thiệp trở lại. Ta đang sung sức, lực lượng tập trung, khí thế mạnh mẽ. Quân ủy Trung ương đề nghị Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, không chờ đến năm 1976(12). Để thực hiện quyết tâm ấy, kiến nghị của Quân uỷ Trung ương là: Hướng chiến lược chủ yếu là Sài Gòn. Bộ Chính trị đồng ý “hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975”, chuyển “Kế hoạch cuộc tiến công chiến lược 1975” thành cuộc “Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn chiến trường, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong năm 1975”. Với quyết tâm đó, cuộc tiến công chiến lược trên thực tế đã chuyển thành cuộc Tổng tiến công chiến lược. Trước mắt, nhanh chóng tiến công tiêu diệt lớn và làm tan rã lực lượng địch ở Vùng 1 chiến thuật từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, giải phóng Huế - Đà Nẵng, tiếp đó tiến đánh sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.

Để thực hiện quyết tâm trên, Bộ Tổng tư lệnh đã tập trung nghiên cứu xác định hướng tiến công chiến lược, tổ chức nghi binh cả về hướng, thời gian và lực lượng; nhanh chóng điều chỉnh lực lượng, bố trí thế trận và tích cực chỉ đạo hoạt động tác chiến trên các hướng.

Đại tướng trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Diễn biến trận Đà Nẵng sau đó, quân ta chỉ chuẩn bị trong 3 ngày với lực lượng ít hơn nhưng đã nhanh chóng đánh tan 10 vạn quân địch và giải phóng thành phố lớn thứ 2 miền Nam. Đáng chú ý là toàn bộ Quân đoàn I của địch tan rã, bị loại khỏi vòng chiến, số thoát vào tuyến trong không đáng kể. Điều đó tạo thuận lợi cho chiến dịch cuối cùng giải phóng Sài Gòn.

 Đòn tiến công chiến lược thứ hai gối đầu Tây Nguyên bằng các chiến dịch tiến công Trị Thiên, Nam Ngãi và Đà Nẵng(13) diễn ra liên tiếp, ta đã loại ra khỏi vòng chiến một nửa lực lượng địch, giải phóng một vùng rộng lớn suốt từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, tạo ra đột biến làm nên một cục diện mới về chiến tranh. Địch càng hoang mang, hoảng loạn thực hiện cuộc rút chạy, hòng giữ Sài Gòn.

Ngay khi giải phóng Đà Nẵng, nắm bắt thời cơ, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 25-3-1975 quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975 và Hội nghị Bộ Chính trị ngày 31-3-1975 quyết định giải phóng miền Nam trong tháng 4 -1975: “Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm”(14).

Một lần nữa, tư duy quân sự khoa học của Bộ thống soái tối cao đưa đến một quyết định chiến lược dũng cảm và chính xác. Trong tình hình quân ta đánh mạnh, đẩy địch vào thế bị động, thất bại, liên tiếp phạm sai lầm về chiến lược và suy sụp nhanh chóng; thế chiến tranh nhân dân của ta mạnh lên toàn diện từng giờ, từng phút, thì thời gian ấn định trong kế hoạch hai năm không còn phù hợp nữa.

Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ, bất ngờ không còn ở phương hướng nữa, vấn đề là thời gian(15). Ngày 7 - 4 - 1975, Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bí thư Quân ủy trung ương, Bộ trưởng bộ Quốc phòng đã ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường:

“Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng.

                    2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Bức điện được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời hịch tướng sỹ. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng(16).

Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Sài Gòn - Gia Định (sau đổi tên thành Chiến dịch Hồ Chí Minh, diễn ra từ ngày 26 đến ngày 30-4-1975). Đại tướng chỉ đạo cơ quan Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu làm kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Trong các dự thảo kế hoạch ghi “nhanh chóng, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, khi báo cáo, Tổng Tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu phải sửa ngay là “thần tốc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương đề xuất với Bộ Chính trị vấn đề giải phóng Trường Sa. Bộ Chính trị nhất trí(17). Đại tướng trực tiếp chỉ đạo và theo dõi quá trình giải phóng Trường Sa. Hải quân ta đã đánh bật hải quân Việt Nam Cộng hoà, giải phóng tất cả các đảo do địch chiếm giữ trong quần đảo Trường Sa.

Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tham gia chiến dịch là 5 cánh quân chủ lực với tổng quân số 250 nghìn quân, 20 nghìn dân quân, du kích, 180 nghìn dân công phục vụ. Chiến dịch đã huy động một số lượng trang bị vũ khí hạng nặng lớn nhất từ trước đến thời điểm đó, gồm: 265 xe tăng và 127 xe thiết giáp, 241 pháo xe kéo, 88 pháo mang vác, hơn 400 pháo cao xạ cùng hàng nghìn xe vận tải các loại chở vật chất và bộ đội ra chiến trường. Chiến dịch quân sự lớn nhất lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam nhưng lại có thời gian diễn ra nhanh nhất, chỉ trong vòng 4 ngày (26-30/4/1975).

Sức mạnh tấn công vũ bão của 5 cánh quân chủ lực đánh thẳng vào các đô thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch, cùng sự nổi dậy của nhân dân và các lực lượng vũ trang địa phương đã đập tan bộ máy kìm kẹp của chính quyền địch ở địa phương, cơ sở, giành quyền làm chủ, quân lực Việt Nam Cộng hoà nhanh chóng bị đánh bại.

_____________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 232.

(2) Tổ trung tâm gồm các đồng chí: Vũ Lăng, Cục trưởng, Võ Quang Hồ, Lê Hữu Đức, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp chỉ đạo.

(3) Quốc hội Mỹ tiếp tục cắt giảm viện trợ cho chính quyền Sài Gòn, chỉ còn 701 triệu USD tài khoá 1974-1975, không bằng 1/2 tài khóa 1972-1973.

(4) Ở Nông Sơn, Tiên Phước, Minh Long (Khu 5) Tánh Linh (Khu 6), Nha Bích, Tống Lê Chân (Đông Nam Bộ),

(5) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong Mùa Xuân toàn thắng, Hồi ức, Phạm Chí Nhân thể hiện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 109

(6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong Mùa Xuân toàn thắng, Hồi ức, Phạm Chí Nhân thể hiện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.103.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.35, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.185

(8) Dự họp, ngoài các Ủy viên Bộ Chính trị có các đồng chí trong Quân uỷ Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, các Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến.

(9) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong Mùa Xuân toàn thắng, Hồi ức, Phạm Chí Nhân thể hiện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.156.

(10) Đội quân này không còn khả năng giải toả với quy mô lớn để chiếm lại các vùng, các căn cứ và thị xã quan trọng bị ta đánh chiếm, ngay cả trên tuyến phòng thủ vành ngoài Sài Gòn - Gia Định.

(11) Ngay từ năm 1973, Trung tướng Hoàng Minh Thảođã đề nghị với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc đánh Buôn Ma Thuột: “Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo, với nhãn quan một nhà nghiên cứu khoa học quân sự, đã nêu ý kiến: khi đã chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên thì trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Khó khăn phải vượt qua để tiến công trên hướng này là thiếu đường hành quân và thiếu nước. Tôi rất tán thành”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong Mùa Xuân toàn thắng, Hồi ức, Phạm Chí Nhân thể hiện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 126.

(12) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng hành dinh trong Mùa Xuân toàn thắng, Hồi ức, Phạm Chí Nhân thể hiện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.223.

(13) Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.646.

(14) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 95-96.

(15) Xem Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.

(16) Trung tướng Phan Hồng Cư chia sẻ: “Trong cuộc đời quân ngũ, tôi đã có những lần nhận lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà khi đọc lên, mệnh lệnh đó âm vang trong tâm hồn như một lời hịch của non sông đất nước. Đặc biệt phải kể tới là ngày 7-4-1975, trên đường hành quân tiến về Sài Gòn, tôi nhận được bức điện của Đại tướng Tổng tư lệnh. Mệnh lệnh nổi tiếng ấy như một lời hịch của Đại tướng Võ nguyên Giáp trong chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, báo Quân đội nhân dân ngày 14-9-2010.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể: Vào năm 1975, khi ông đang trên đường Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài, Đông Nam Bộ chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam thì nhận được bức điện của Đại tướng qua đài 15W. Sau khi nghe xong mệnh lệnh của Đại tướng, ông và các chiến sĩ khi đó như được tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến ra tiền tuyến. Lúc đó là vào mua khô, thời tiết vô cùng khó chịu nhưng khí thế của người lính vẫn hừng hực cùng đoàn quân trùng trùng điệp điệp xông ra mặt trận”, theo Dân Trí, ngày 8-10-2013.

(17)Thượng tướng Hoàng Minh Thảo: “Võ Nguyên Giáp vẫn là Tổng Tư lệnh thân yêu như những ngày nào”, in trong: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tạp chí Xưa & Nay: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp với sử học Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.307.

 

                                                PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh

                  Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền