Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Sức mạnh chính trị - tinh thần, nhân tố quyết định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954
Thứ năm, 21 Tháng 4 2016 10:35
5575 Lượt xem

Sức mạnh chính trị - tinh thần, nhân tố quyết định chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954

(LLCT) - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 là sự kết tinh cao nhất sức mạnh tổng hợp của dân tộc với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta là một trong những nhân tố cơ bản và là động lực góp phần quyết định thắng lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách, khó khăn không thể tưởng tượng được và tạo ra những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng”(1).

 

Khi phân tích những nhân tố cơ bản quyết định thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh: “Nhân tố quyết định thứ hai của chiến thắng Điện Biên Phủ và nói chung là của các chiến thắng Đông Xuân là tinh thần quyết chiến, quyết thắng, là tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng”(2).

Học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh và quân đội đã chỉ rõ, sức mạnh của mỗi bên tham chiến trong chiến tranh là sức mạnh tổng hợp cả lực lượng vật chất và lực lượng tinh thần. Giành được ưu thế về tinh thần trong chiến tranh là giành được một trong hai ưu thế cơ bản của sức mạnh, giành được một trong những nhân tố quyết định thắng lợi. V.I.Lênin chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rút cuộc thắng lợi tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(3). Giành được ưu thế trong chiến tranh là giành được nguồn động lực to lớn về tinh thần, thúc đẩy sự phát triển các tiềm lực khác: kinh tế, khoa học, quân sự,... Ưu thế tinh thần còn làm cho sức mạnh của từng tiềm lực và toàn bộ sức mạnh của một bên tham chiến được nhân lên, bền vững hơn, sử dụng hiệu quả hơn. Thực tế các cuộc chiến tranh đã chứng minh, ý chí, lòng dũng cảm sẽ giúp con người nhạy bén, sáng tạo, táo bạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để làm nên những chiến thắng vang dội.

Nắm vững và vận dụng sáng tạo lý luận đó, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta là một trong những nhân tố cơ bản quyết định chiến thắng của chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) của nhân dân ta nói chung, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954) nói riêng chứng tỏ sức mạnh vượt trội của chúng ta so với thực dân Pháp xâm lược, nhưng không phải từ các loại vũ khí tối tân, từ một nền kinh tế hiện đại hay một đội quân chuyên nghiệp mà từ sức mạnh tổng hợp của tinh thần đoàn kết, ý chí quyết chiến quyết thắng, xét đến cùng đó là sức mạnh chính trị - tinh thần.

Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ bắt nguồn từ đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh đã được kiểm chứng từ cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Nhờ đó, chúng tagiành được thắng lợi ngày càng to lớn, giữ gìn nền độc lập dân tộc, đem lại lợi ích thiết thực cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người lao động. Đường lối đó của Đảng thấm sâu vào quần chúng, tạo khí thế quyết chiến, quyết thắng trong chiến cuộcĐông Xuân, chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngoài ra, sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn được bắt nguồn từ ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, từ khát vọng giành cho được độc lập tự do của cả dân tộc vàtruyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm được hun đúc từ ngàn năm dựng nước và giữ nước. Ý chí, khát vọng đó đã thấm sâu vào toàn quân, toàn dân, trở thành quyết tâm sắt đá, thể hiện trong suốt chặng đường trường kỳ kháng chiến chín năm, hội tụ trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Thực tiễn đã chứng minh, sức mạnh chính trị - tinh thần là ưu thế tuyệt đối của ta so với đối phương, giữ vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng vũ khí trang bị, phát huy tinh thần sáng tạo trong chiến đấu, đồng thời là nhân tố góp phần quan trọng làm chuyển hóa lực lượng, tạo thế và lực hơn hẳn đối phương để giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 56 ngày đêm đánh chiếm tập đoàn cứ điểmlà những thử thách to lớn, khốc liệt hơn tất cả những chiến dịch mà quân và dân ta đã trải qua. Chính trong thử thách lớn lao đó, phẩm chất anh hùng của quân đội, dân tộc talại càng ngời sáng, làm nênưu thế tuyệt đối so với kẻ thù xâm lược và các thế lực phản động. Đó là ý chí quyết chiến quyết thắng, không ngạigian khổ, hy sinh;đoàn kết, kỷ luật cao nhưngđầy tính năng động, sáng tạo trong mọi nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến trường.Sức mạnh chính trị - tinh thần trở thành động lực mở ra một phong trào thi đua giết giặc lập công diễn ra sôi nổi khắp các mặt trận. Gian khổ, ác liệt nhưng bộ đội ta vẫn quyết giữ vững thế tiến công, không nao núng; một lòng một dạ trung thành với Đảng, với nhân dân; kiên cường chiến đấu vì độc lập - tự do của Tổ quốc.

Sức mạnh chính trị - tinh thần đã làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, trong thời đại Hồ Chí Minh; đã sản sinh ra các thế hệ anh hùng: Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Nguyễn Hoàng Phương bị thương hỏng cả hai tay và Bùi Minh Đức bị thương hỏng cả hai mắt vẫn phối hợp người quan sát, người bắn địch để chốt giữ trận địa; Chu Văn Mùi 3 ngày chịu đói vẫn chiến đấu giữa vòng vây địch, rồi gọi pháo bắn ngay vào vị trí của mình để tiêu diệt địch,... Những hành động anh hùng đó không chỉ có sức cổ vũ to lớn đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, mà còn lan tỏa trong toàn dân, toàn quân, trên khắp các mặt trận, trở thành nguồn sức mạnh to lớn động viên quân và dân ta ra sức giết giặc lập công, giành chiến thắng.

Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn được thể hiện trong hành động xông pha lửa đạn, bất chấp mọi hiểm nguy của hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong. Đi dân công phục vụ chiến dịch đã trở thành phong trào rộng khắp, cả ở vùng tự do cũng như ở các vùng địch tạm chiếm. Các đoàn dân công, thanh niên xung phong được tổ chức chặt chẽ đã nô nức lên đường đưa lương thực, đạn dược, thuốc men đến mặt trận. Bộ đội và dân công ta chỉ dùng sức người lập nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử các cuộc chiến tranh: đưa pháo lên đồi cao, vận chuyển quân trang, quân dụng, lương thực,… với nhiều tấm gương tiêu biểu: với chiếc xe đạp thồ thô sơ, anh dân công hỏa tuyến Ma Văn Thắng (Phú Thọ) đã chở được 350 kg gạo một chuyến lên chiến trường trong điều kiện gian khổ, ác liệt; chị Tô Thị Ngải (dân tộc Mường - Hòa Bình) vận chuyển hàng suốt mười ngày đêm không ngủ… Điều đó chỉ có thể có được nhờ sức mạnh chính trị - tinh thần, xuất phát từ lòng yêu nước với ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược của mỗi người dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ.

Sức mạnh chính trị - tinh thần trong chiến dịch Điện Biên Phủ được khơi dậy mạnh mẽ trong tất cả các tầng lớp nhân dân: từ đồng bào ở miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn, từ Bắc vào Nam, từ phụ nữ, trẻ em, người già, người trẻ đến đồng bào dân tộc thiểu số… “Hội mẹ chiến sĩ” với hơn 500 nghìn bà mẹ đã hăng hái tiếp tế, nuôi dưỡng bộ đội; phụ nữ đóng góp 2.381 nghìn ngày công (bằng 50% ngày công của dân công); các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Quỳnh Nhai và Thuận Chân đã đóng góp cho chiến dịch 7.500 tấn gạo (vượt mức huy động 1.500 tấn), gần 390 tấn thịt,... Chưa có một thời điểm nào của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sức người, sức của lại được huy động cao độ như chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong chiến dịch này, chúng ta đã huy động: “55 nghìn cán bộ, chiến sĩ của các Đại đoàn chủ lực, 261.453 dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, với 18.301.570 ngày công phục vụ chiến dịch, trải dài trên tuyến đường 400 - 500 km, 23.056 tấn gạo, 266 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 907 tấn thịt, 917 tấn lương thực khác… đã huy động hơn 20.911 xe đạp thồ; 736 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ; 3.130 chiếc thuyền(4) cùng các phương tiện vận tải khác để phục vụ chiến dịch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hội tụ các tiền đề và điều kiện cần thiết để sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và dân ta được khơi dậy và phát huy cao độ; thể hiện rõ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày nay, công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế đòi hỏi phải kế thừa, phát huy bài học về xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần của quân và  dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ; đưa truyền thống này lên một tầm cao mới đáp ứng yêu cầu của; tạo ra ưu thế làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Để xây dựng, củng cố tiềm lực chính trị - tinh thần của quân và dân ta trong giai đoạn cách mạng mới, cần tập trung vào một số công việc sau:

Thứ nhất, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, chỉnh đốn;xây dựng Đảng thực sự là “đạo đức”, “văn minh”, kiên định mục tiêu:độc lập dân tộc và CNXH, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động của Đảng;, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên chịu sự giám sát của nhân dân, tổ chức và lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp đổi mới.

Thứ hai, tạo dựngđiều kiện và môi trường xã hội thuận lợi, làm cơ sở và động lực để xây dựng và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần Việt Nam trong điều kiện mới. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội phù hợp để nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện tốt dân chủ XHCN, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; kết hợp và giải quyết tốt mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và tập thể, giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội,tăng cường sự đồng thuận xã hội,xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ ba, nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước trong các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta”(5). Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tinh thần yêu nước đã được phát huy cao độ để chuyển hóa thành sức mạnh to lớn,giúp quân và dân ta lập nên một trong những chiến công hiển hách của dân tộc và của thế giới ở thế kỷ XX. Vì vậy, nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước chính là sự chuẩn bị tốt nhất, có ý nghĩa chiến lược để củng cố, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần Việt Nam trong thời đại mới.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại vẫn còn nguyên giá trị. Những bài học về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh chính trị - tinh thần, quân đội ta trong chiến cuộc Đông Xuân, chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn nguyên giá trị thực tiễn. Kỷ niệm 62 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2016) là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ôn lại giá trị lịch sử hào hùng của sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Từ đó, làm sáng tỏ hơn vai trò đặc biệt quan trọng từ sức mạnh chính trị - tinh thần, khơi dậy và phát huy vai trò to lớn của sức mạnh chính trị - tinh thần trong giai đoạn cách mạng mới.

________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.55

(2) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ (in lần thứ năm), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1976, tr.139 - 140

(3) V.I. Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ Matxcơva, 1977, tr.147

(4) Tổng cục Hậu cần: Lịch sử Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, t.1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr.305

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia , Hà Nội, 2000, tr.171

 

                                                          TS Nguyễn Đình Bắc

                                                            Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền