Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Báo chí miền Bắc phát huy vai trò trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (1969-1973)
Thứ tư, 15 Tháng 6 2016 14:18
2575 Lượt xem

Báo chí miền Bắc phát huy vai trò trong những năm tháng chiến tranh ác liệt (1969-1973)

(LLCT) - Trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam, báo chí đóng vai trò hết sức quan trọng. Đồng hành cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, báo chí miền Bắc không chỉ  đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà mà còn góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng miền Bắc là đội quân chủ lực trong việc động viên cổ vũ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Những phóng sự, bài báo, bản tin, ảnh chiến trường trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, trên các báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tạp chí Học tập,… thực sự là nguồn động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta xây dựng, bảo vệ vững chắc hậu phương và chiếu đấu chống Mỹ và tay sai.

Báo chí miền Bắc quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, góp phần cổ vũ, nêu cao tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc chống lại những luận điệu sai trái, tư tưởng sai lầm.

Năm 1968, cuộc tiến công và nổi dậy liên tục đánh mạnh và thắng lớn của của quân và dân miền Nam, ở miền Bắc nhân dân ta vừa sản xuất vừa anh dũng chiến đấu chống  cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hết lòng ủng hộ cuộc chiến đấu của đồng bào miền Nam, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương.

Báo chí vừa tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, vừa nêu lên những diễn biến mới, cục diện mới. Qua đó, động viên nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu quên mình, kiên quyết đập tan mọi hành động chiến tranh của giặc Mỹ.

Hàng ngày, trên mỗi trang báo, tạp chí và các phương tiện thông tin đại chúng, đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sự chi viện hết sức mình của miền Bắc cho miền Nam ruột thịt, hoạt động đấu tranh của quân và dân miền Nam  đều hiện diện sinh động, đầy đủ nhất. Thông qua những nhà báo chính luận, những ngòi bút những sắc sảo, trong mỗi bài viết ấy, báo chí góp phần làm rõ, giúp nhân dân nhận thức sâu sắc tình hình mới của cách mạng; những âm mưu thâm độc, thế thua, bị động và thất bại của địch.

Báo chí cũng phê phán những nhận thức mơ hồ, lệch lạc, ảo tưởng đối với đế quốc Mỹ. Tạp chí Học tập số 1-1969 có bài “Chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo và quản lý kinh tế ra sức thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1969, tăng cường sức chiến đấu để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; cũng trong số này, Tạp chí đăng bài “Nhận rõ yêu cầu của tình hình mới, ra sức tăng cường công tác tổ chức và quản lý kinh tế, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1969”. Báo Quân đội nhân dân số 2996 ngày 23-9-1969 đăng Xã luận “Kỷ niệm lần thứ 24 ngày Nam Bộ kháng chiến (19/3/1945). Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”; số 3042 có bài “Ủy ban điều tra tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam ra thông báo về tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam trong tháng 10 năm 1969”.

Báo chí phản ánh sinh động kịp thời, cổ vũ phong trào vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu của quân và dân miền Bắc

Báo chí phản ánh sinh động kịp thời đời sống và sản xuất, tuyên truyền cổ vũ, động viên nhân dân xây dựng kinh tế, khác phục khó khăn ổn định cuộc sống. Báo chí cũng kịp thời đăng tải những gương “người tốt, việc tốt”, những điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong lao động sản xuất, chiến đấu để kịp thời cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần nhân dân.

Trong nông nghiệp, báo chí bám sát phong trào thi đua sản xuất, ghi nhận những cánh đồng 5 tấn/ha. Bất chấp bom đạn đánh phá, phong trào vẫn sôi nổi rộng khắp, góp phần không nhỏ vào thực hiện khẩu hiệu “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tạp chí Học tập số 2-1969 có bài “Tình hình hợp tác hóa nông nghiệp ở Vĩnh Phúc”, “Yên Trường thực hiện ba mục tiêu trong nông nghiệp: lúa đạt hơn 5 tấn một héc-ta, bông đạt 1,37 tấn một héc-ta, lợn đạt 3,4 con lợn một héc-ta gieo trồng, lao động đạt 1 lao động làm 0,91 héc-ta gieo trồng”. Báo Quân đội nhân dân số 3827 ngày 8-1-1972 có bài “Đàn bò sữa trên thảo nguyên”, số 4188 ngày 5-1-1972 có bài “Trong túi bom B52 đàn bò vẫn cứ tăng”.

Báo chí miền Bắc phản ánh sinh động sản xuất công nghiệp và hướng phát triển của công nghiệp, đó là: chỉnh đốn sản xuất và khôi phục các xí nghiệp do Trung ương quản lý hiện có, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Hướng chủ yếu là tăng sản lượng than, điện, cơ khí, gỗ, xi măng, sử dụng tốt lực lượng cơ khí phục vụ nông nghiệp, giao thông vận tải và công nghiệp địa phương,... Tạp chí Học tập số 7-1969 đăng bài “Nắm vững đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng, phát triển kinh tế địa phương và công nghiệp địa phương” của đồng chí Lê Thanh Nghị.

Báo chí phản ánh kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân miền Bắc chống đế quốc Mỹ bắn phá.

Mỗi ngày trên mỗi trang báo đều thông tin kịp thời và sinh động cuộc chiến đấu của quân, dân miền Bắc, qua đó cổ vũ động viên tinh thần chiến đấu của quân, dân cả nước.

Hàng ngày, trên các đài, báo tin chiến thắng của ta; số lính Mỹ, ngụy phải đền tội, tàu chiến bị bắn chìm, xe tăng địch bị phá hủy, máy bay địch bị bắn rơi trên các chiến trường đã minh chứng chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã phát huy cao độ. Kết quả đó càng rèn thêm ý chí kiên cường, tinh thần chịu đựng hy sinh gian khổ, bất khuất trước kẻ thù nào.

Những chiến thắng đó càng bồi bổ tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, đường lối nhất quán trong việc chỉ đạo toàn dân, toàn quân ta vì sự sống còn của dân tộc. Tạp chí Học tập số 3-1969 có bài xã luận “Khu IV cũ, tuyến đầu dũng cảm của miền Bắc nước ta”, “Phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sản xuất và chiến đấu. Hà-Tĩnh đã góp phần làm phá sản hoàn toàn cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ xâm lược” của Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nguyễn Xuân Linh. Báo Quân đội nhân dân số 3921 ngày 12-4-1972 có bài “Các địa phương sôi nổi khí thế quyết đánh quyết thắng giặc Mỹ, tăng cường công tác phòng không nhân dân, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt”, cũng trong số này có Xã luận “Đánh thật mạnh, nổi dậy đều khắp”.

Báo chí miền Bắc phản ánh rõ nét cuộc chiến đấu chống Mỹ của quân và dân miền Nam, khích lệ, động viên tinh thần chiến đấu của quân dân cả nước

Đây là mảng đề tài chính được các báo, đài dành vị trí trang trọng và dung lượng tương xứng để phản ánh. Thông thường mỗi báo, tạp chí thường đưa các tin chiến thắng với những số liệu, hình ảnh cụ thể lên trang đầu, đài đưa lên đầu chương tình,  để độc giả, thính giả  có thể cập nhập nhanh chóng và rõ nhất.

Bám sát tình hình, kịp thời phản ánh những bước phát triển của cách mạng miền Nam, hàng ngày, ngoài những tin chiến sự, những bài tường thuật các trận đánh, những con số thống kê tổn thất của địch, là những tấm gương anh dũng, những địa phương, đơn vị điển hình chiến đấu, sản xuất giỏi,... Các báo còn có những bài bình luận sắc sảo, những bài xã luận với những nhận định, đánh giá sát với tình hình thực tiễn. Qua đó, giúp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nắm bắt, phán đoán tình hình một cách chính xác, sâu sắc và hiệu quả.

Trước những chiến công vang dội, tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí và hăng say lao động sản xuất của quân và dân cả nước, Đảng và Nhà nước ta đã tuyên dương, khen thưởng, trao tặng huân chương biểu dương tinh thần đó. Báo chí đã kịp thời đưa tin bài phản ánh những cá nhân, đơn vị, địa phương được khen thưởng để khích lệ, động viên và phát huy hơn nữa tinh thần chiến đấu ấy. Báo Quân đội nhân dân số 2916 ngày 4-7-1969 có bài “Miền Nam anh hùng liên tiếp chiến thắng. Trị-Thiên-Huế diệt hơn 2850 tên địch, phá hủy 100 xe quân sự, 23 đại bác và súng cối, bắn rơi và phá hủy 23 máy bay”, số 2917 ngày 5-7-1969 có bài “Mỹ Tho 15 ngày tiến công địch liên tục, loại khỏi vòng chiến đấu gần 3800 tên”, số 2927 ngày 15-7-1969 có bài “Tây Nguyên tháng đầu năm đánh mạnh thắng lớn, diệt hơn 32000 địch”, “Chiến công của người du kích Pacô”, số 3918 ngày 9-4-1972  xã luận “Đồng bằng Nam Bộ quật khởi mãnh liệt”, số 3940 ngày 1-5-1972 có bài xã luận “Quảng Nam-Đà Nẵng đánh giỏi, thắng to”.

Báo chí miền Bắc phản ánh phong trào phản đối chiến tranh, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới trong cuộc đấu tranh chính nghĩa  của nhân dân Việt Nam

Báo chí thời kỳ này thực hiện một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là phối hợp chặt chẽ với công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các đoàn thể nhân dân nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, đặc biệt là sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc Việt Nam.

Báo chí góp phần vạch rõ trong cuộc đối đầu lịch sử, ngọn cờ chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tạo ra sức mạnh vượt trội cho cuộc kháng chiến thần kỳ. Sức mạnh ấy được nhân lên nhiều lần, tính chính nghĩa càng tỏa sáng, khi được gắn với các giá trị tiến bộ của nhân loại, được thế giới đồng tình, cổ vũ, ủng hộ và giúp đỡ.

Trên tinh thần đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam ra sức vận động, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và trong từng giây phút đấu trí, đấu lực đầy cam go ấy. Do đó, Việt Nam không đơn độc mà luôn có bạn bè quốc tế giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả, đặc biệt là sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa. Sự giúp đỡ, ủng hộ ấy tạo thành một mặt trận đấu tranh hiệu quả, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại tạo thành sức mạnh tổng hợp vô cùng to lớn. Báo Quân đội nhân dân số 3943 ngày 4-5-1972 có bài “Đồng chí Phi đen Caxtơrô: Tình đoàn kết, sự ủng hộ của Cu Ba đối với Việt Nam là không điều kiện, không giới hạn”.

Báo chí nêu bật những ủng hộ về vật chất và  tinh thần của khối các nước xã hội chủ nghĩa, làm tăng sức mạnh mọi mặt của Việt Nam để chiến đấu và chiến thắng. Ghi nhận sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô, Trung Quốc.

Báo chí đã phản ánh sâu sắc phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ. Từ năm 1969, Mỹ ngày càng gặp nhiều khó khăn về chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính. Phong trào đấu tranh của nhân dân Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh, rút hết quân về nước, tác động mạnh đến binh lính Mỹ ở Việt Nam. Báo Quân đội nhân dân đều đặn duy trì việc đưa tin tức thế giới, bình luận quốc tế, hoạt động phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ. Số 3020 ngày 17/10/1969 có bài “Hàng triệu người Mỹ tại hàng trăm thành phố, thị trấn và làng mạc sôi sục đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam”, “Sự phẫn nộ của nhân dân Mỹ trút xuống đầu Níchxơn”…

Báo chí phản ánh niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân cả nước và nhân dân thế giới trước sự ra đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào thi đua học tập, làm theo Di chúc của Người

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang giành được những thắng lợi to lớn, trên khắp các chiến trường những chiến công vang dội liên tiếp báo về, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu ra đi.

Báo chí đã đưa tin bài, phản ánh mất mát, đau thương này, đồng thời các báo, tạp chí cũng đăng thông tin về việc tổ chức lễ truy điệu, lễ tang của Người để nhân dân cả nước kịp thời nắm tình hình. Bạn bè ta ở khắp năm châu vô cùng thương tiếc Người. Nhân dân thế giới đánh giá Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tượng trưng cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc và tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp nhất của thời đại hiện nay. Báo Quân đội nhân dân số đặc đặc biệt chiều ngày 4-9-1969 có tin  “Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Công hòa, Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Tạp chí Học tập số 9-1969 đưa tin “Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chí Minh”, “Thông cáo về việc tổ chức Lễ tang Hồ Chủ tịch ở miền Nam”, “Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch tại quảng trường Ba Đình, đồng chí Lê Duẩn đọc điếu văn và lời Di chúc của Hồ Chủ tịch”.

Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần đã truyền tải niềm xúc động mạnh mẽ trong nhân dân các nước trên thế giới. Ngay sau khi nhận được tin buồn này, các vị lãnh đạo Đảng, Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước thế giới đã gửi những lời chia buồn sâu sắc tới Đảng, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và tới viếng tại các Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại cho dân tộc ta một bản Di chúc lịch sử. Đó là lời cuối cùng Người dặn lại toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Báo chí đã có nhiều bài đăng các hoạt động, sinh hoạt chính trị “học tập và làm theo di chúc của Hồ Chủ tịch”, có tác dụng rất quan trọng đối với việc phát huy tình cảm và ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng, tăng cường đoàn kết và nâng cao sức chiến đấu của toàn Đảng, biến đau thương thành hành động cách mạng. Đó là cách tốt nhất để thể hiện lòng tưởng nhớ và biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta.

Tạp chí Học tậpsố 9-1969 có bài xã luận “Dũng cảm tiến lên kế tục sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch”. Báo Quân đội nhân dân số 2981 ngày 8/9/1969 đăng bài “Biến đau thương thành hành động cách mạng, toàn quân quyết đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Mãi mãi đi theo con đường của Đảng, của Bác. Công ơn Bác như núi cao, như biển rộng”, số 9 -1972 có bài “Vững bước tiến lên với tinh thần vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của đồng chí Phạm Văn Đồng. Tạp chí Học tập số 9-1969 có bài “Quyết tâm vươn lên thực hiện bằng được Di chúc của Hồ Chủ tịch”, “Chỉ thị của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch”, “Di chúc của Hồ Chủ tịch, một văn kiện lịch sử”.

Báo chí miền Bắc phản ánh cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam

Ngày 25-1-1969, Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam họp phiên đầu tiên, mở ra giai đoạn ta “vừa đánh, vừa đàm”. Hội nghị là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX, cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi một nước nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời.

Trong thời gian này, trên chiến trường cả ta và Mỹ đều tìm mọi cách để giành thắng lợi quyết định về quân sự, nhằm thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho giải pháp chấm dứt chiến tranh. Báo chí thường xuyên đăng các thông tin, các phiên họp toàn thể xung quanh hội nghị nhằm cập nhập tin tức kịp thời, nhanh chóng đến nhân dân, đồng thời tỏ rõ đầy đủ thiện chí trong thương lượng của nhân dân Việt Nam, tinh thần và lực lượng kiên quyết làm thất bại mọi hành động chiến tranh, bảo vệ những quyền dân tộc thiêng liêng của mình. Báo Quân đội nhân dân số 3944 ngày 5/5/1972 có bài “Hội nghị Pari về Việt Nam họp phiên toàn thể thứ 149”, số 4189 ngày 6/1/1973 có bài “Hội nghị Pari về Việt Nam họp phiên toàn thể thứ 172”. Tạp chí Học tập số 11-1972 có bài “Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa về tình hình cuộc đàm phán về vấn đề Việt Nam hiện nay”.

Với thắng lợi của Hiệp định Pari năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”. Đây cũng là tiền đề để tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Các báo, tạp chí trong thời gian này luôn dành trang nhất để đưa thông tin về thành công này, vạch rõ thắng lợi này của ta là kết quả cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Tạp chí Học tập số 1-1973 có bài “Thế giới chúc mừng thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta”. Báo Quân đội nhân dân số 4209 ngày 26/1/1973 đưa tin “Thế giới nhiệt liệt chào mừng thắng lợi của nhân dân ta”, “Thế giới sôi nổi chào mừng thắng lợi lịch sử của nhân dân”.  

Với những hoạt động báo chí sôi nổi, phản ánh sâu sắc cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao của Chính phủ và nhân dân ta, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc chiến tranh ở Việt Nam, góp phần to lớn vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Chưa bao giờ trên thế giới có một phong trào ủng hộ sự nghiệp một dân tộc lại có quy mô to lớn, hình thức phong phú và tác động rất hiệu quả như phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, mỗi miền thực hiện một nhiệm vụ chiến lược cách mạng, báo chí miền Bắc đã hoàn thành xuất sắc vai trò, nhiệm vụ của mình. Hoạt động sôi nổi của báo chí đã cổ vũ mạnh mẽ, nâng cao tinh thần sản xuất, chiến đấu quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, đồng thời, để lại những kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp báo chí cách mạng.

_____________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.30, Nxb Chính trị quốc gia,

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 31, Nxb Chính trị quốc

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 32, Nxb Chính trị quốc

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 33, Nxb Chính trị quốc

5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 34, Nxb Chính trị quốc

6. Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông: Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam 1925 – 2010, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.

7. Hà Minh Đức (chủ biên): Báo chí-những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học

8. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Thư tịch báo chí Việt Nam (sách tham khảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

9. Học viện Báo chí và Tuyên truyền: 80 năm báo chí cách mạng Việt Nam – Những bài học lịch sử và định hướng phát triển, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

10. Hội nhà báo thành phố Hà Nội: Báo chí Hà Nội-một chặng đường lịch sử 1954- 1993, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

11. Hồng Vinh, Hà Đăng, Hữu Thọ: Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004.

12. Tô Huy Rứa: Thư tịch báo chí Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

13. Tổng cục Chính trị: Lịch sử báo Quân đội Nhân dân 1950 – 2000, Nxb Quân đội

14. Trịnh Thị Hồng Hạnh: Đề tài Đảng lãnh đạo công tác báo chí trong những năm

chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc 1965- 1968, Hà Nội, 2008.

15. Trường Đại học KHXH và NV – ĐHQGHN: Báo chí những vấn đề lý luận và

thực tiễn, tập 6, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2005.

 

                                                             Trương Thị Thùy Liên

                                  Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên

 

 

          

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền