Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Sự thật về Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Thứ hai, 19 Tháng 9 2016 16:16
4469 Lượt xem

Sự thật về Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

(LLCT) - Công hàm của phái đoàn Thường trực Trung Quốc ngày 9 - 6 - 2014 gửi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (A/68/907)(1) khẳng định giàn khoan HYSY 981 được hạ đặt trong vùng lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa. Cũng trong Công hàm này, phía Trung Quốc đã nêu Công hàm năm 1958 của Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai cùng vài văn kiện khác và cho rằng đây là những bằng chứng chứng tỏ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Vấn đề mấu chốt trong Công hàm của Phái đoàn Thường trực Trung Quốc ngày 9 - 6 - 2014 không phải là vấn đề vị trí hạ đặt giàn khoan HYSY 981, mà là vấn đề Trung Quốc đã viện dẫn Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng để khẳng định Chính phủ nước CHXHCNVN đã chính thức thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một âm mưu của Trung Quốc nhằm phủ nhận chủ quyền của Việt Nam, đồng thời tạo nghi ngờ, gây hoài nghi trên trường quốc tế, làm nhụt ý chí đấu tranh bảo vệ chủ quyền của chúng ta, ngăn cản chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo bằng các giải pháp pháp lý, kể cả kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

Đã có rất nhiều bài viết của các tác giả trong và ngoài nước bàn về tính pháp lý của Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các bằng chứng mà Trung Quốc đưa ra. Bài viết này tổng hợp một số nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam về vấn đề trên, đồng thời phân tích về tính pháp lý của Công hàm để khẳng định rằng Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng thực chất là một văn bản có tính chất ngoại giao thông thường, thể hiện sự đoàn kết chống Mỹ của phe XHCN trong giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh và Công hàm này không ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

1. Bối cảnh ra đời Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Ngày 4-9-1958, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) đã ban hành một bản tuyên bố về hải phận Trung Quốc. Toàn văn bản tuyên bố như sau (bản dịch từ tiếng Trung Quốc của tác giả với sự giúp đỡ của Vũ Hồng Hà):

Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về hải phận

(Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu toàn quốc ngày 4 - 9 - 1958)

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nay tuyên bố:

(1) Bề rộng hải phận của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý. Ðiều này áp dụng cho toàn lãnh thổ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm lãnh thổ Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo duyên hải,Ðài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bởi biển cả) cùng các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

(2) Các đường thẳng nối liền mỗi điểm cơ sở của bờ biển trên đất liền và các đảo ngoại biên ngoài khơi được xem là các đường cơ sở của hải phận dọc theo đất liền Trung Quốc và các đảo ngoài khơi. Phần biển 12 hải lý tính ra từ các đường cơ sở là hải phận của Trung Quốc. Phần biển bên trong các đường cơ sở, kể cả vịnh Bột Hải và eo biển Quỳnh Châu, là vùng nội thủy của Trung Quốc. Các đảo bên trong các đường cơ sở, kể cả đảo Đông Dẫn, đảo Cao Đăng, quần đảo Mã Tổ,quần đảo Bạch Khuyển, đảo Điểu, đảo Ðại, Tiểu Kim Môn, đảo Đại Đảm, đảo Nhị Đảm, và đảo Đông Đĩnh, là các đảo thuộc nội thủy của Trung Quốc.

(3) Nếu không có sự cho phép của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tất cả máy bay và tàu thuyền quân sự ngoại quốc không được xâm nhập hải phận Trung Quốc và vùng trời phía trên hải phận này. Bất cứ tàu thuyền ngoại quốc nào di chuyển trong hải phận Trung Quốc đều phải tuân thủ các luật lệ liên quan của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

(4) Ðiều (2) và (3) bên trên cũng áp dụng cho Ðài Loan và các đảo phụ cận, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Ðông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa, và các đảo khác thuộc Trung Quốc.

Ðài Loan và Bành Hồ hiện còn đang bị Hoa Kỳ cưỡng chiếm. Ðây là hành động bất hợp pháp, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ðài Loan và Bành Hồ đang chờ được chiếm lại. Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền dùng mọi biện pháp thích hợp vào thời gian thích hợp để lấy lại các phần đất này. Đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và bất cứ nước ngoài nào cũng không được can thiệp.

Ngày 6 - 9 - 1958, báo Nhân Dânđã công bố trên trang nhất toàn bộ văn bản tuyên bố của CHNDTH. Ngày 14-9-1958, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi một Công hàm đến Thủ tướng Chu Ân Lai để khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với tuyên bố hải phận 12 hải lý của CHNDTH. Toàn văn Công hàm như sau:

Thưa Đồng chí Tổng lý,

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để Đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4 - 9 - 1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể.

Chúng tôi xin kính gửi Đồng chí Tổng lý lời chào rất trân trọng.

Hà Nội, ngày 14-9-1958

Phạm Văn Đồng

Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Toàn văn Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được đăng trên báo Nhân Dânngày 22-9-1958.

Để hiểu rõ hơn lý do Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công hàm với mục đích ngoại giao, thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ nước CHNDTH về mặt chính trị, cần xem xét kỹ hơn các vấn đề liên quan tới quy định về hải phận của quốc gia trong luật pháp quốc tế cho tới thời điểm Trung Quốc ra tuyên bố về hải phận.

Cho tới đầu thế kỷ XX, lãnh hải (hải phận) của quốc gia ven biển được quy định là 3 hải lý tính từ đường cơ sở. Đến đầu thế kỷ XX, một số quốc gia muốn mở rộng giới hạn chủ quyền quốc gia ven biển cũng như giới hạn về quyền sở hữu và khai thác tài nguyên trong vùng biển ven bờ của quốc gia. Tới cuối những năm 1940, đầu những năm 1950, một số quốc gia đã mở rộng lãnh hải tới 12 hải lý.

Hội nghị về Luật Biển Liên Hợp quốc lần thứ nhất(2) (UNCLOS I) tổ chức  tại Giơnevơ từ ngày 24-2 đến ngày 27-4-1958. Tại Hội nghị này, 4 công ước, trong đó có Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải đã được ký kết. Trong quá trình đàm phán để ký Công ước, Mỹ, Anh và một số nước kiên trì quan điểm giữ nguyên quy định chiều rộng lãnh hải 3 hải lý; trong khi đó nhiều nước khác, đặc biệt là các nước XHCN và các nước đang phát triển khác, đề nghị mở rộng chiều rộng lãnh hải tới 12 hải lý. Do không có sự thống nhất giữa các nước tham gia hội nghị, Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải 1958 chưa quy định được chiều rộng lãnh hải.

Vào những năm 1950, có những vấn đề rất cấp bách ở Trung Quốc liên quan tới quy định về chiều rộng lãnh hải của nước CHNDTH. Tháng 5-1950, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên, Đài Loan có nguy cơ bị CHNDTH thừa cơ tấn công. Để bảo vệ Đài Loan, Mỹ đã điều Hạm đội 7 vào eo biển Đài Loan và CHNDTH đã mạnh mẽ phản đối việc này. Đầu tháng 9-1954, CHNDTH đã nã pháo vào các đảo Kim Môn, Mã Tổ với mục đích tấn công giải phóng Đài Loan. Tháng 8 - 1958, CHNDTH lại nã pháo vào đảo Kim Môn. Mỹ đã điều 2 tàu chiến đến eo biển Đài Loan để bảo vệ đường tiếp tế giữa đảo Đài Loan và 2 đảo Kim Môn, Mã Tổ. Hai tàu này đã hộ tống các tàu Đài Loan tới khoảng cách 3 hải lý tính từ bờ của đảo Kim Môn. CHNDTH cho rằng đây là hành động vi phạm chủ quyền của CHNDTH trong khi Mỹ cho rằng Mỹ chỉ hoạt động trong khu vực ngoài lãnh hải của Trung Quốc và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Trong bối cảnh đang diễn ra Hội nghị về Luật Biển Liên Hợp quốc lần thứ nhất mà CHNDTH không được mời tham gia cũng như để ngăn chặn những hoạt động quân sự của nước ngoài tại vùng biển gần bờ, tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển, CHNDTH đã ra tuyên bố về lãnh hải. Để tỏ rõ sự ủng hộ ngoại giao với Trung Quốc, các quốc gia trong phe XHCN như Liên Xô, Việt Nam đã đã thể hiện sự đoàn kết với CHNDTH bằng cách ra tuyên bố ủng hộ lập trường 12 hải lý của Trung Quốc(3). Đây là một hành động hoàn toàn bình thường của các nước XHCN trong hoàn cảnh Chiến tranh lạnh, đối đầu giữa một bên là phe TBCN, đứng đầu là Mỹ và một bên là phe XHCN, đứng đầu là Liên Xô. Như vậy, về thực chất thì Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một văn kiện ngoại giao đơn phương với mục đích thể hiện sự đoàn kết với CHNDTH.

Hiểu được bối cảnh quốc tế khi ra đời của Tuyên bố của nước CHNDTH về hải phận và Công hàm ta mới có đủ cơ sở để đánh giá ý định của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Chính phủ nước VNDCCH khi ban hành Công hàm này để đánh giá giá trị pháp lý của Công hàm và ảnh hưởng của nó tới chủ quyền Việt Nam.

2. Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng dưới ánh sáng luật pháp quốc tế

Một nguyên tắc của luật pháp quốc tế là, khi xem xét một văn kiện được ký kết cần phải tìm hiểu ý định thực sự của người ký văn bản trong phạm vi các câu chữ của văn kiện. Đây chính là nguyên tắc “trong bốn góc” và nguyên tắc “cái đặc thù làm chủ cái tổng quát”(4). Theo nguyên tắc này, không được phép suy diễn một cách chủ quan, mà phải tìm ý định thực sự của người viết và ký văn kiện trong phạm vi những câu chữ được dùng trong văn kiện (trong bốn góc của trang giấy chứa văn kiện). Có thể thấy Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồnggồm hai đoạn, trong đó đoạn thứ nhất chỉ nói về việc ghi nhận và tán thành quyết định về hải phận của Trung Quốc “Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố, ngày 4-9-1958, của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, quyết định về hải phận của Trung Quốc”. Trong đoạn thứ hai, văn kiện đã làm rõ hơn “triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trên mặt bể”. Như vậy, cái đặc thù “12 hải lý trên mặt bể” đã làm rất rõ Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ nói về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc mà không nói về vấn đề gì khác.

Với nội dung nêu trong Công hàm và bối cảnh ra đời như đã trình bày ở trên, có thể nói Công hàm đơn giản là một văn kiện ngoại giao đơn phương với từ ngữ rất khéo léo để thể hiện sự ủng hộ của Chính phủ nước VNDCCH đối với tuyên bố về hải phận 12 hải lý của CHNDTH mà không thể hiện sự công nhận của VNDCCH đối với chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Gần như tất cả các học giả trong nước và nước ngoài đều đồng ý với luận điểm nêu trên rằng Công hàm chỉ đề cập tới vấn đề tuyên bố về hải phận 12 hải lý của Trung Quốc mà không đề cập tới sự công nhận của VNDCCH về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa(5).

Một số học giả lo ngại rằng Công hàm sẽ gây khó khăn cho việc khẳng định quá trình thực thi chủ quyền liên tục của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vì cho dù Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không thể hiện sự công khai thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng lại không phản đối tuyên bố chủ quyền của CHNDTH trên hai quần đảo này. Như vậy, VNDCCH đã phạm phải nguyên tắc “im lặng là đồng thuận” của luật pháp quốc tế(6).

Để làm rõ vai trò của Công hàm này đối với chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cần phải làm rõ vai trò của VNDCCH đối với chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn 1945-1976. Nhiều học giả quốc tế và trong nước đã chứng minh rằng trong giai đoạn 1945 - 1950, thực dân Pháp đã thay mặt Việt Nam quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Từ năm 1949, trên lãnh thổ Việt Nam đã chính thức xuất hiện hai nhà nước là nhà nước VNDCCH và Quốc gia Việt Nam (QGVN). Ngay sau khi được thành lập, vào tháng 10-1950, QGVN đã chính thức nhận bàn giao chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ Pháp. Sau khi Hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết, Việt Nam tạm thời chia thành 2 miền và phần lãnh thổ từ vĩ tuyến 17 trở về phía Nam, kể cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do QGVN, sau đó là Việt Nam Cộng hòa (VNCH) quản lý. Do nhiều lý do, Tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào tháng 7-1956 không được thi hành và hai nửa đất nước trở thành hai quốc gia cùng tồn tại trên một lãnh thổ Việt Nam(7). Năm 1956, khi thực dân Pháp rút khỏi Việt Nam, VNCH đã đưa quân ra chiếm đóng phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa (tháng 4-1956) và quần đảo Trường Sa (tháng 8 - 1956). Do vậy, năm 1958, VNCH chứ không phải VNDCCH là thực thể chính trị duy nhất thực sự thực thi chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Như vậy, với tư cách không phải là thực thể chính trị thực thi chủ quyền và trực tiếp quản lý hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, VNDCCH không phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo, không tạo ra bất cứ cơ sở pháp lý nào để nói rằng Việt Nam đã mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung Quốc.

Cần chú ý rằng, theo Công ước Montevideo 1933 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia(8), “sự tồn tại về chính trị của các quốc gia độc lập với sự công nhận của các quốc gia khác”. Như vậy, việc một nước nào đó công nhận hay không công nhận QGVN và VNCH không ảnh hưởng tới tư cách quốc gia của QGVN và VNCH cũng như vai trò của QGVN và VNCH trong việc duy trì chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong giai đoạn 1954-1975.

Cũng theo Công ước Montevideo 1933, sự thay đổi chính quyền không làm thay đổi quốc gia. Theo quy định của tập quán quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp quốc, việc lựa chọn một chính quyền để đại diện cho toàn thể nhân dân trên một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào đó là quyền tự quyết của nhân dân sống trong quốc gia và vùng lãnh thổ đó. Khi trên một lãnh thổ quốc gia có một chính quyền bị lật đổ bởi một chính quyền khác, chính quyền mới sẽ kế thừa các di sản của chính quyền trước đó, kể cả lãnh thổ, các hiệp ước, tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế, các khoản nợ v.v.. Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam từ sau khi ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam vào năm 1960 và kết thúc bằng chiến thắng ngày 30-4-1975 thực chất là việc thực hiện quyền tự quyết của nhân dân miền Nam trong việc lựa chọn chế độ chính trị. Sau ngày 30-4-1975, Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) đã xóa bỏ Chính phủ Việt Nam Cộng hòa và trở thành thể chế chính trị duy nhất đại diện cho nhân dân miền Nam; và do vậy, CHMNVN có quyền và trong thực tế đã kế thừa một cách hợp pháp chủ quyền của VNCH đối với hai quần đảo. Chính Trung Quốc cũng đã công nhận CHMNVN là đại diện duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam(9). Do vậy, Trung Quốc cũng đã gián tiếp công nhận rằng theo luật pháp quốc tế, sau khi tiếp nhận  sự đầu hàng của VNCH, CHMNVN đã chính thức kế thừa chủ quyền đối với hai quần đảo. Chủ quyền này đã được nhà nước CHXHCNVN kế thừa từ CHMNVN thông qua Tổng tuyển cử thống nhất đất nước vào năm 1976. CHXHCNVN không thể kế thừa chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ VNDCCH vì VNDCCH không có thẩm quyền và không được giao quản lý hai quần đảo. Như vậy, việc kế thừa chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế và Công hàm Phạm Văn Đồng không có giá trị pháp lý và không ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo.

Từ những chứng lý trên, có thể rút ra một số kết luận:

Một là,Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đơn thuần là một văn kiện ngoại giao đơn phương ủng hộ tuyên bố về hải phận 12 hải lý của CHNDTH với mục đích thể hiện sự đoàn kết của VNDCCH với CHNDTH trên tinh thần giúp CHNDTH chống Mỹ, giải phóng Đài Loan. Công hàm hoàn toàn không đả động đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nên không phải là bằng chứng về sự thừa nhận chủ quyền của CHNDTH đối với hai quần đảo.

Hai là, trong thời gian 1954-1975, QGVN và sau đó là VNCH là một thực thể chính trị với đầy đủ tư cách quốc gia và được giao thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. VNDCCH cũng là một thực thể chính trị với đầy đủ tư cách quốc gia cùng tồn tại trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không được giao thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, VNDCCH không nhất thiết phải tuyên bố phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo và sự im lặng của VNDCCH trong thời gian này không làm yếu đi danh nghĩa chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo.

Ba là,sự tồn tại của QGVN và sau đó là VNCH với tư cách quốc gia là một thực tế chính trị, phù hợp với luật pháp quốc tế và không phụ thuộc vào sự công nhận của các nước khác. Vì vậy, CHXHCNVN không cần phải làm bất cứ thủ tục pháp lý nào để công nhận VNCH với mục đích “vô hiệu hóa” Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Bốn là,với những chứng lý nêu trên, có thể khẳng định rằng các bằng chứng Trung Quốc đưa ra trong Công hàm A/68/907 về việc Việt Nam đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo là vô giá trị.

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2015

(1) Xem Letter dated 9 June 2014 from the Chargé d’affaires a.i. of the Permanent Mission of China to the United Nations addressed to the Secretary -General http://www.un.org

(2) Xem:http://vi.wikipedia.org

(3) Xem: Cao Huy Thuần: Công hàm Phạm Văn Đồng: góp ý về việc giải thích,2014.

(4)Xem: Trần Đình Hoành: “Phân tích pháp lý lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai ngày 14 - 9 - 1958”,  http://unclosforum.com

(5) Xem: Thayer C.A. (2014) The Paracel Islands Dispute: Geo-Strategic Issues and the Role of International Law in Promoting Cooperation. Paper presented to international conference on Paracel-Spratly Archipelagoes: Historical Truth co-sponsored by University of Da Nang and Pham Van Dong University Da Nang, Vietnam. http://www.iacspsea.com; Gendreau M. C: (Chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998; Jean Pierre Ferrier: Quần đảo Hoàng Sa và luật pháp quốc tế, tại Hội thảo quốc tế “Hoàng Sa, Trường Sa: Sự thật lịch sử”,Đà Nẵng, 2014; Công thư 1958 qua đánh giá của các học giả quốc tế, http://infonet.vn

(6) Xem: Dương Danh Huy: Đôi gót chân Achilles của chủ quyền, BBChttp://www.bbc.co.uk

(7)Xem: James Crawford (2007) The creation of States in international law. Oxford University Press; Gendreau M. C: Chủ quyền trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998; Dương Danh Huy và Phạm Thanh Vân: Vì sao cần bàn về tính quốc gia của VNCH và tính chất pháp lý của việc thống nhất đất nướchttp://boxitvn.blogspot.com; Vũ Thanh Ca: Sự liên tục của chủ quyền Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

(8)Xem: Công ước Montevideo 1933 về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia. Bản dịch Tiếng Việt.

(9)Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1975, VNDCCH và CHMNVN xin gia nhập Liên Hợp quốc và nhận được 123 phiếu thuận, buộc Mỹ phải dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn. Để phản đối Mỹ, Trung Quốc tuyên bố hành động của Mỹ là “sự vi phạm toàn diện các quy định rõ rệt của Hiến chương Liên Hợp quốc và các nghị quyết liên quan của Đại hội đồng”.

 

PGS,TS Vũ Thanh Ca

Viện Nghiên cứu biển và hải đảo

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

ThS Lê Minh Phương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền