Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Một số thách thức trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN
Thứ tư, 28 Tháng 9 2016 15:46
7222 Lượt xem

Một số thách thức trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN

(LLCT) - Trải qua gần nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày nay đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế gắn kết, có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh ở Đông Nam Á nói riêng và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung. Được đánh giá là một trong những tổ chức hợp tác khu vực năng động và thành công nhưng khi Cộng đồng ASEAN được thành lập vào tháng 12-2015 với ba trụ cột: Cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), Cộng đồng kinh tế (AEC) và Cộng đồng văn hóa - xã hội (ASCC), các nước thành viên trong ASEAN sẽ có nhiều lợi ích chung và cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ bởi sự đa dạng và không đồng đều về thể chế chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội.

1. Về chính trị

Thứ nhất, thể chế chính trị khác nhau giữa các quốc gia, sự đồng thuận trong khối chưa cao ASEAN chưa xây dựng được một thể chế chung, thể chế chính trị của các quốc gia thành viên rất khác nhau. Các thành viên ASEAN đều phải tuân thủ các nguyên tắc: đồng thuận, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và tự nguyện, nhưng trong quá trình thực thi, những nguyên tắc này không đủ sức mạnh (Hiến chương ASEAN đã có hiệu lực từ năm 2008) vì đây chỉ là một dạng văn kiện pháp lý để hình thành một cơ chế mới ở Đông Nam Á. Mặt khác, mọi quyết định của ASEAN đều có sự tham gia đóng góp của các nước thành viên. Đặc điểm này làm ASEAN khác nhiều tổ chức khu vực khác như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi (AU), hay Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), là các tổ chức khu vực vừa có thành tố hợp tác liên chính phủ, vừa tạo ra các thể chế siêu quốc gia có thể ra phán quyết buộc các nước thành viên phải tuân thủ.

Bên cạnh đó, nội bộ ASEAN chưa có được sự đồng thuận cao, việc ngăn ngừa xung đột và xây dựnglòng tin trong ASEAN đang gặp nhiều trở ngại, giữa các nước thành viên vẫn còn thiếu sự tin tưởng, thậm chí là hoài nghi lẫn nhau: xung đột giữa Thái Lan và Campuchia kéo dài xung quanh tranh chấp ngôi đền cổ Preah Vihear; Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (7-2012) lần đầu tiên trong lịch sử không ra được Thông cáo chung, do bất đồng giữa Campuchia - nước đăng cai, với một số nước thành viên trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông; đảo chính ở Thái Lan, vấn đề biển Đông... Những điều này đã làm ảnh hưởng đến thành quả chung của Hiệp hội, làm suy yếu các nỗ lực nhằm tạo ra một tầm nhìn ASEAN thống nhất.

Thứ hai, lợi ích quốc gia chưa thống nhất với lợi ích chung của cộng đồng. Sự quyết tâm chính trị của các quốc gia thành viên trong ASEAN có vai trò quyết định đến sự thành công của AEC, điều này đòi hỏi việc chấp nhận hy sinh các lợi ích trước mắt của mỗi nước để đạt được lợi ích lâu dài của Cộng đồng. Nếu trong ASEAN và nội bộ từng nước có bất đồng về mặt chính trị thì lợi ích của các nhóm quyền lợi tại các quốc gia có thể bị ảnh hưởng. Mặt khác, những khác biệt về lợi ích của mỗi quốc gia dẫn đến thiếu thống nhất, thiếu sự mạnh mẽ cần thiết trong ứng xử quan hệ với quốc gia đang có can dự trực tiếp quyền lợi của một số nước thành viên của khối. Thực tế cho thấy, việc tính toán lợi ích quốc gia của mỗi nước thành viên khác nhau dẫn đến việc lựa chọn những chiến lược không giống nhau. Khi những cam kết nội khối không còn phù hợp với lợi ích quốc gia, dù chỉ là tạm thời, sự phá vỡ cam kết rất có thể xảy ra. Đây chính là những nhân tố cản trở, là thách thức lớn nhất tới quá trình xây dựng AEC và tự do hóa thương mại dịch vụ giữa các nền kinh tế ASEAN.

Thứ ba, liên kết chính trị chưa đủ mạnh. Đa số các nước thành viên ASEAN là các nước đang phát triển, trình độ phát triển kinh tế không đồng đều và có sự chênh lệch, vì vậy, nước nào cũng muốn thiết lập quan hệ với các đối tác lớn bên ngoài để có nhiều cơ hội phát triển. Với đặc thù “hướng ngoại”, nội bộ ASEAN hiện đang có những biểu hiện mâu thuẫn. Một mặt, ASEAN muốn tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài; mặt khác, vẫn muốn giữ ASEAN là trung tâm của mọi liên kết. Ngoài ra, một số nước, nhất là các nước ASEAN-6, vốn đưa ra một tầm nhìn dài hạn, đích cuối cùng là hướng tới một Cộng đồng Đông Á chứ không đơn thuần là Cộng đồng Đông Nam Á như hiện nay. Bởi vậy, ASEAN chưa thể có động lực chính trị đủ mạnh để tạo ra sự liên kết chính trị mạnh. 

Thứ tư, ASEAN hiện nay đang thiếu những quốc gia đóng vai trò trụ cột, có sức mạnh, kinh nghiệm, uy tín và bản lĩnh. Cho đến nay, sau gần 50 năm hình thành và phát triển nhưng nội lực của ASEAN với một hoặc hai nền kinh tế đầu tàu chưa được xác lập. Thực tế cho thấy, có những quốc gia trong ASEAN là những nước vừa và nhỏ, có nền kinh tế khá phát triển, nhưng họ  không dành nhiều công sức và nguồn lực cho liên kết ASEAN. Điều đó sẽ tạo ra áp lực cho quá trình liên kết nội khối và có thể làm cho “xu hướng ly tâm” ngày càng tăng, khiến quá trình xây dựng lòng tin bị suy giảm, dẫn đến tình trạng “đồng sàng, dị mộng”. ASEAN chưa có đủ sự hấp dẫn và chưa có quốc gia có đủ sức mạnh để giữ vị trí trung tâm của liên kết này.

Thứ năm, các vấn đề xã hội (bất bình đẳng, chênh lệch giàu - nghèo) có sự khác biệt lớn và nhiều tầng nấc giữa các nước thành viên. Chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia nói chung, trong một quốc gia nói riêng (giữa khu vực nông thôn và thành thị, giữa các vùng địa lý và giữa cộng đồng dân tộc thiểu số và đa số) ngày càng sâu sắc hơn. Theo số liệu của WB và Tổng Cục thống kê Việt Nam, ở Việt Nam, hệ số chênh lệch này đã tăng từ 8,1 (2002) lên 9,4 (2012)(1[1]). Tại Inđônêxia, hệ số Gini (chỉ số về bất bình đẳng thu nhập) đã tăng từ 0,35 điểm năm 2005 lên 0,41 năm 2012 (trên mức 0,4 là dấu hiệu báo động về tình trạng bất ổn xã hội). Năm 2011, khoảng 16% dân số Inđônêxia sống dưới mức nghèo với 1,25 USD/ngày, và 43% sống dưới mức chuẩn nghèo mới của WB là 2 USD/ngày(2[1]).

So sánh các chỉ số phát triển con người (HDR) của ASEAN-6 với các nước ASEAN mới (Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam) cho thấy thực trạng một ASEAN nhiều tầng nấc. Trong 10 nước thành viên thì có 4 thứ bậc: Xinhgapo và Brunây có tỷ lệ phát triển con người cao nhất; Malaixia, Philíppin và Thái Lan ở mức trên trung bình; Inđônêxia và Việt Nam ở mức dưới trung bình; Lào, Campuchia và Myanma ở mức thấp(3).

Nguyên nhân của những khó khăn, thách thức trên là:

Cơ chế chính trị của các nước thành viên đa dạng, ý thức hệ khác nhau, giai đoạn phát triển cũng khác nhau. Nội bộ ASEAN tồn tại những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, giữa một số nước thành viên cũng vẫn còn những mâu thuẫn lịch sử và hiện tại chưa giải quyết được.

Việc xây dựng cơ chế trong ASEAN khó có thể được coi là hoàn thiện do ASEAN thiếu hụt các quy phạm cơ chế có hiệu quả mạnh mẽ, chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không có cơ chế ràng buộc, nên khó có thể kiểm soát hành vi của các nước thành viên, sự chấp hành và giám sát việc thực thi kế hoạch của cộng đồng không đầy đủ.

Một số nước ASEAN do rối ren về chính trị và sức ép chuyển đổi mô hình kinh tế cùng với xu hướng hướng ngoại tăng lên nên sự đầu tư và mong muốn đối với việc xây dựng cộng đồng có hạn.

2. Về kinh tế

Thứ nhất, chênh lệch về trình độ phát triển. Hiện nay, trong ASEAN có 5 nước có nền kinh tế vượt trội, ngoài ra, sự chênh lệch không chỉ giữa 2 nhóm nước ASEAN-6 và ASEAN mới mà còn thể hiện trong chính mỗi nhóm này. Đặc biệt là khoảng cách khá lớn về năng lực và nguồn lực. Đây là những vấn đề không thể khắc phục được trong tương lai gần. Những quốc gia có trình độ phát triển kinh tế thấp lo ngại sự xâm nhập của các nền kinh tế mạnh hơn, khi thị trường trong nước bị hàng hóa ngoại nhập tràn vào với tình trạng nhập siêu. Trong khi đó, các thành viên có nền kinh tế phát triển ở mức cao trong khu vực sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các ngành sản xuất hiện đại, như công nghiệp nặng, hóa chất, dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng và các ngành dịch vụ khác... Chênh lệch về trình độ phát triển dẫn đến sự phụ thuộc. Nhiều quốc gia trong ASEAN phụ thuộc lớn vào bên ngoài ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực kinh tế, tình trạng này chưa giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, bản thân nội bộ ASEAN chưa có sự hỗ trợ hiệu quả, vẫn bị lợi ích quốc gia chi phối. Việc hợp tác với bên ngoài gia tăng cũng sẽ đi đôi với sự phụ thuộc ngày càng nhiều hơn.

Thứ hai, chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa các nước trong ASEAN quá khác xa nhau, nhất là giữa hai nhóm nước ASEAN-6 và ASEAN-4. Năm 2013, thu nhập bình quân đầu người của Xinhgapo là 52.917USD, gấp 52 lần so với Campuchia (1.015USD) và gấp gần 58 lần so với Mianma (914,9USD)(4[1]). Tỷ lệ người sống dưới mức 1 USD/ngày là 33,9% tại Lào và 28,3% tại
Campuchia trong khi tại Xinhgapo hay
Brunây, không một người dân nào phải sống dưới mức 1 USD/ngày(5). Trong bối cảnh Cộng đồng chung ASEAN sẽ được hoàn thành vào tháng 12-2015, nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước ASEAN-6 và ASEAN-4  rất khó có thể đạt kết quả.

Thứ ba, khoảng cách về năng lực cạnh tranh giữa các quốc gia trong ASEAN. Báo cáo cạnh tranh toàn cầu (GCR) của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh giữa các nước ASEAN cũng có sự cách biệt lớn. Năm 2009 - 2010, trong 133 nước xếp hạng: Xinhgapo đứng thứ 3, Việt Nam đứng thứ 75, Philíppin đứng thứ 87([1]6); Về thứ hạng cạnh tranh toàn cầu của 144 nước và vùng lãnh thổ năm 2014, theo thang 7 điểm: Xinhgapo xếp thứ 2; Malaixia thứ 20; Thái Lan thứ 31; Inđônêxia thứ 34, Philíppin thứ 52, Việt Nam thứ  68, Lào thứ  93, Campuchia thứ 95, Myanma thứ 134([1]7). Cũng theo số liệu từ WEF năm 2014, trong số 12 nhóm chỉ tiêu cho thấy rõ sự khác biệt rất lớn giữa các nước trong ASEAN như:thể chế, kết cấu hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, giáo dục tiểu học và y tế; quy mô thị trường; tính hiệu quả của thị trường lao động, năng lực điều hành trong hệ thống tài chính([1]8)

Thứ tư, thương mại, đầu tư nội khối và ngoại khối chênh lệch đáng kể. Mặc dù đã có những bước tiến nhất định, nhưng trong quá trình hình thành một thị trường chung ASEAN - 2015 và những hoạt động tiếp theo vẫn còn khá khó khăn đối với AEC. Trong nhiều thập kỷ qua, thương mại và đầu tư nội khối còn rất khiêm tốn so với thương mại và đầu tư với đối tác bên ngoài. Theo số liệu năm 2010 của Ban Thư ký ASEAN công bố, tổng thương mại nội khối của ASEAN chỉ chiếm khoảng 25% so với 40,7% tổng giá trị thương mại với 4 đối tác hàng đầu bên ngoài. Giai đoạn 1993 - 2013, mặc dù thương mại nội khối có tăng trưởng cao hơn so với ngoại khối: với mức tăng trung bình hàng năm 10,5%, cao hơn mức tăng trưởng thương mại ngoài ASEAN là 8,9%([1]9).

Hội nhập giữa ASEAN với các nước, khu vực khác ngày càng gia tăng: Thí dụ như các cơ chế hợp tác tiểu khu vực (ASEAN+1; ASEAN+3) và cơ chế đa phương (APEC, ASEM, ACD...). Đặc biệt sự ra đời của TPP và Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEPT) đã và đang tác động đến xu hướng “ly tâm”, tìm sự phát triển bên ngoài của các nước ASEAN. Sự cạnh tranh của TPP và RCEPT có thể trở thành yếu tố quyết định đến cách thức phát triển của cấu trúc kinh tế khu vực, ảnh hưởng sâu sắc tới vai trò trung tâm của ASEAN, có thể ảnh hưởng và làm suy giảm vai trò động lực của AEC trong nhiều thỏa thuận khu vực. Những số liệu về dòng FDI vào ASEAN cho thấy, trong thời gian từ năm 2000 - 2013, dòng FDI từ trong nội khối ASEAN tăng trưởng trung bình hằng năm khoảng 25%. FDI nội khối (2011 - 2014) đạt khoảng 15 - 17%(10[1]). Trong khi đó, tổng FDI ngoại khối đạt 101 tỷ USD trong tổng 122 tỷ USD của toàn khu vực (2013). Nguồn FDI chính vào ASEAN gồm EU 22%; Nhật Bản 18,7%; từ các thành viên ASEAN 17,4%; Trung Quốc 7,1%; Hồng Kông 3,7%. Trong thời gian từ 2011 - 2014, nguồn FDI chủ yếu là vào khu vực dịch vụ (chiếm 70%), tiếp đến là lĩnh vực sản xuất([1]11).

Thu hút đầu tư và thúc đẩy thương mại quốc tế với đối tác bên ngoài bảo đảm tăng trưởng cho ASEAN, nhưng sự phụ thuộc vào bên ngoài dễ dẫn đến chệch hướng hội nhập của ASEAN, các nguồn lực khó được huy động tập trung để giải quyết đòi hỏi từ bên trong. ASEAN phát triển nhờ ngoại lực nhưng cũng chính ngoại lực hiện đang làm cho quá trình hội nhập nội khối gặp trở ngại(12[1]). Để hoàn thành mục tiêu xây dựng AEC-2015 với một thị trường thống nhất, thì vấn đề thu hẹp khoảng cách giữa thương mại và đầu tư nội khối với ngoại khối đang là thách thức không nhỏ.

3. Một số gợi ý cho tương lai

Tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vẫn sẽ tiếp tục và các quốc gia đang phải cùng nhau vượt qua những thách thức, khó khăn theo những hướng sau:

Trước hết, ASEAN phải thể hiện được vai trò trung tâm trong đoàn kết nội khối cũng như các vấn đề cấu trúc hợp tác và môi trường an ninh khu vực. Chẳng hạn, các diễn biến ở Biển Đông do những hành động của Trung Quốc đã và đang vi phạm nghiêm trọng không những đến chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ của một nửa số nước thành viên ASEAN (Brunây, Inđônêxia, Malaixia, Philíppin và Việt Nam), mà còn phương hại đến sự ổn định hàng hải quốc tế (vốn không chỉ là điều kiện phát triển của ASEAN, mà còn của cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn cầu), đòi hỏi vai trò trung tâm của ASEAN trong lập trường và thái độ hóa giải những bất ổn đó. Bên cạnh đó, ASEAN cần giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn, bất đồng nội bộ giữa một số nước thành viên để có một ASEAN đoàn kết.

Thứ hai, ASEAN phải điều chỉnh về nguyên tắc hoạt động, có những cơ chế, biện pháp ràng buộc nhất định mà các nước thành viên phải tuân thủ.

Thứ ba, ASEAN cần chung tiếng nói, có sự thống nhất và mạnh mẽ cần thiết trong ứng xử quan hệ với các quốc gia đang có can dự trực tiếp vào quyền lợi của một số nước thành viên của khối. Các nước thành viên ASEAN đã đồng lòng nhấn mạnh ý nghĩa của duy trì đoàn kết thúc đẩy lợi ích chung, thì cũng cần thống nhất được phương thức thể hiện lập trường và giải pháp cụ thể để tháo gỡ những vấn đề nảy sinh phương hại đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của ASEAN.

Thứ tư, mỗi quốc gia thành viên cần nhìn nhận, đánh giá lợi ích quốc gia hài hòa trong quyền lợi chung toàn khối.

Thứ năm, nhiệm vụ của ASEAN trong thời gian tới là phải thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực. Đây là một thách thức lớn đối với ASEAN, mặt khác, ASEAN không có quỹ để giúp đỡ các nước nghèo, do đó việc thu hẹp khoảng cách đòi hỏi sự nỗ lực của chính mỗi quốc gia.

Cơ chế hợp tác linh hoạt, mềm dẻo đã tạo nên sự thành công cho các nước ASEAN suốt gần nửa thế kỷ qua, nhưng trước những thách thức to lớn khi phát triển và hội nhập, đòi hỏi Hiệp hội này phải hợp tác, liên kết, gắn bó với nhau chặt chẽ và mạnh mẽ hơn nữa. Như vậy, chừng nào các nhà lãnh đạo ASEAN đồng lòng gánh vác những trọng trách, bảo đảm hài hòa lợi ích quốc gia và khu vực trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; chia sẻ giá trị nhân văn phổ quát để thuận lợi hóa các hoạt động kinh tế và bảo vệ quyền lợi của các công dân ASEAN; củng cố niềm tin nội khối để xây dựng đoàn kết và chia sẻ động lực vì “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng ASEAN”, chừng đó Cộng đồng ASEAN mới có thể vượt qua được những trở ngại, khó khăn, đạt được thành công như mong đợi.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2015

(1) http://nghiencuubiendong.vn: “Những thách thức to lớn của Asean trong năm 2015”.

(2) http://baodatviet.vn: “Chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam trong mắt Mỹ”.

(3) http://kinhdoanhnet.vn: “Chênh lệch giàu nghèo - Mảng tối trong bức tranh kinh tế Inđônêxia”.

(4) http://vietbao.vn: “Việt Nam tăng 4 bậc về chỉ số phát triển con người”.

(5) Trần Văn Hùng, Lê Thị Mai Hương: “Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Phát triển & hội nhập, số 20 (30), tháng 1-2/2015, tr.5.

(6) http://vov.vn: “Hội nhập kinh tế Asean - Phát triển kinh tế công bằng”.

(7) https://www.vietinbank.vn:Khoảng cách phát triển tài chính - Thách thức cơ bản trong tiến trình hình thành một thị trường chung ASEAN”.

(8) http://canhtranhquocgia.vn: “Cạnh tranh toàn cầu: Việt Nam đã tiến bộ nhưng chưa đủ”.

(9) Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (2014-2015).

(10), (12) http://www.vietnamplus.vn

(11) http//www.asean.org: Số liệu thống kê Online của Hiệp hội ASEAN.

(13)  Hoàng Thị Thanh Nhàn, Võ Xuân Vinh: “Hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN 2015: Thuận lợi và trở ngại”, Tạp chíKhoa học, Đại học quốc gia Hà Nội, số 4 (2013), tr.17-18.

 

ThS Đỗ Thị Thảo

Viện Quan hệ quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Thị Gấm

Trường Chính trị tỉnh Hà Giang

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền