Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hồ Chí Minh nỗ lực xây dựng quan hệ với Mỹ từ 1941 đến 1945
Thứ hai, 14 Tháng 11 2016 17:07
4414 Lượt xem

Hồ Chí Minh nỗ lực xây dựng quan hệ với Mỹ từ 1941 đến 1945

(LLCT) - Trong những năm 1941 -1945, Hồ Chí Minh đã chủ động tìm cách liên lạc với Phái bộ Đồng minh; nhiều lần gửi thư, điện cho Tổng Thống, Mỹ bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ... Dù không đạt được mối quan hệ ngoại giao như mong muốn, do quan điểm chính trịcủa chính giới Mỹ, nhưng Người đã có những nỗ lực đáng kể để xây dựng, phát triển mối quan hệ này.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đi qua 28 quốc gia trên thế giới; trải nghiệm thực tiễn tại các nước tư bản phát triển (Anh, Mỹ, Pháp) cũng như các nước cộng sản anh em (Liên Xô, Trung Quốc), đã đem lại cho Người những kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú.

Nguyễn Tất Thành đến nước Mỹ từ cuối năm 1912 tới giữa năm 1913. Người đã lao động kiếm sống tại nhiều nơi, như: quận Brooklin, khu Harlem, Mahatta, đến thành phố Boston - thành phố cảng ở Đông Bắc nước Mỹ (nơi mở đầu của cách mạng Mỹ đêm 16 rạng ngày 17-12-1773). Thời gian này, người đã có dịp khảo sát kỹ cuộc cách mạng Mỹ, đồng cảm với những người lao động nghèo khổ.

Năm 1917, Người đến Pháp. Năm 1919, Người lấy tên Nguyễn Ái Quốc thay mặt Hội người An Nam yêu nướctại Pháp gửi Bản Yêu sách 8 điểm tới Tổng thống Mỹ WoodrowWilson tại Hội nghị Versailles (1919) thể hiện khao khát độc lập, hòa bình và đòi quyền sống của nhân dân Việt Nam:“…Tin tưởng ở độ lượng cao cả của ngài, chúng tôi được vinh dự ngài ủng hộ bản yêu sách này trước những người có thẩm quyền”(1).Dù không nhận được câu trả lời, Người vẫn luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, để tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam.

Khi chiến tranh thế giới đang diễn ra, Tổng thống Mỹ F.D. Roosevelt đã phê phán: “Người Pháp đã cai trị Việt Nam gần 100 năm và dân chúng còn khổ sở hơn cả lúc ban đầu khi họ mới tới”. Ông cho rằng “Phải trung lập hoá Đông Dương bằng một hiệp ước của tất cả các nước quan tâm (trừ Pháp)”. Sau đó, tại nhiều hội nghị giữa các nước lớn họp ở Cairo, Tehran, Yalta... ông luôn đề ra phương án phải chấm dứt chế độ thuộc địa, ở Đông Dương cần thiết lập “chế độ uỷ trị thay cho việc để Pháp lập lại chính quyền”. “Phần lớn người Mỹ cho rằng việc chế độ thuộc địa còn tiếp tục tồn tại ở Đông Dương là mâu thuẫn với mục đích của họ theo đuổi và chiến đấu trong cuộc chiến này. Chính Tổng thống Roosevelt nhắc đi nhắc lại rằng người Pháp phải rút lui khỏi Đông Dương”(2).

Hiểu rõ tình hình thế giới, mong muốn đứng về phía chính nghĩa của lực lượng đồng minh chống phát xít và tìm kiếm sự ủng hộ của các nước Đồng minh đối với Việt Nam, tháng 8-1942, Hồ Chí Minh tìm đến với đại diện Mỹ ở Trung Quốc, nhưng không may trên đường đi, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi gần 30 nhà tù ởtỉnh Quảng Tây.

Sau khi ra khỏi tù, trở về nước, Hồ Chí Minh tiếp tục tìm cách liên lạc với lực lượng Đồng minh. Đến năm 1943, ở Đông Dương, đã có các thành viên của lực lượng OSS (tiền thân của CIA) Hoa Kỳ, để chuẩn bị cho kế hoạch phản công lại Nhật sau trận Trân Châu Cảng. Các thành viên phái bộ của OSS đến Đông Dương đã xem Việt Minh là đồng minh và họ đã có nhiều cuộc gặp gỡ với Việt Minh. Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và đón tiếp Thiếu tá Patti của OSS và thống nhất các kế hoạch đánh Nhật. Theo thỏa thuận giữa OSS và Việt Minh, Hoa Kỳ hỗ trợ vũ khí, các khí tài và huấn luyện quân sự cho Việt Minh, đổi lại Việt Minh sẽ giúp đỡ, bảo vệ và che chở các phi công Mỹ hoặc quân nhân Mỹ thoát khỏi sự kiểm soát của quân đội Nhật.

Khởi đầu của sự giúp đỡ này là từ cuối năm 1944, một chiếc máy bay của lực lượng không quân Mỹ đóng tại Trung Quốckhi bayvượt qua không phậnTrung Quốcvà bị rơitại địa phận nước ta. Viên phi công tên là Shaw đã được đưa tới gặp Hồ Chí Minh. Sau buổi tiếp xúc, khi về chỗ nghỉ, Shaw hết lời ca ngợi “ông Cụ”: “Ông ấy nói tiếng Anh nghe rõ quá, lại đối xử với tôi thân mật như cha tôi vậy”(3). Mấy hôm sau, Người lại bảo các cô gái địa phương kiếm chỉ thêu chữ “chúc mừng” (bằng tiếng Anh) trên mảnh lụa trắng tặng.Shaw đã xúc động đến rơi lệ vì không ngờ ở nơi núi rừng heo hút này lại có người đối xử với anh ta văn minh như thế. Hồ Chí Minhtrực tiếp đưa Shaw về với đơn vị tại Trung Quốc. Trong khi di chuyển, Shawđược đi ngựa, còn Người và anh em đi bộ. Anh được ăn xôi với thịt gà, còn mọi người đều ăn cơm nắm với thịt kho mặn.

Sau khi đưa Shaw về với phía Mỹ an toàn, khoảng tháng 3-1945, Người đã gặp tướng Claire Chennault và nói chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh. Tướng Chennault cảm ơn về việc Việt Minh đã cứu thoát và chăm sóc tử tế cho viên phi công và sẵn sàng giúp đỡ những gì có thể theo yêu cầu. Về phần mình, Người khẳng định quan điểm của Việt Minh là ủng hộ và đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Tướng Chenaut đã trao cho Người thuốc chữa bệnh và tiền tặng những người Việt Nam đã cứu sống Shaw. Người chỉ nhận thuốc men, nhưng không nhậntiền. Hành động, cử chỉ của Người khiến một quân nhânMỹ hết sức tâm phục, quý trọng, một vị tướng Mỹ, dù không cùng hoàn cảnhnhưng cũng hết sức nể phục một nhân cách cao thượng, đúng tầm vóc của người lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Qua sự kiện Trung úy Shaw, cơ quan Thông tin chiến tranh Mỹ (OWI), cơ quan Tình báo Mỹ (OSS) đã tìm gặp Hồ Chí Minh khi biết Người đến Côn Minh. Tiếp xúc với những nhân vật có cương vị của hai cơ quan này, Người thông tincho họvề những cuộc chuyển quân mới nhất của quân đội Nhật, Pháp ở các vùng núi phía Bắc Việt Nam, nhằm phòng ngừa một cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào Việt Nam. Người khẳng định rằng Việt Minh với các hội viên ở Trung Hoa và khắp các địa phương trong nước, sẽ sẵn sàng làm việc và cộng tác chặt chẽ với lực lượng không quân, tình báo của tướng Chennault, với OSS, OWI để cung cấp tin tức về quân Nhật và các mục tiêu hoạt động của chúng. Người đã nói rõ vớiOSS và OWI về khả năng, vai tròcủa Việt Minh: vừa là mặt trận chính trị, vừa là lực lượng vũ trang. Lực lượng này đã tổ chức thành những đơn vị du kích và đã tích cực tiến hành một cuộc chiến đấu không cân sức chống Nhật. Người cho rằng,ở Đông Dương, ngoài những trận ném bom của không quân Mỹ, không còn lực lượng nào khác chống lại kẻ thù chung, nếu không có Việt Minh. Ở đây, người Pháp chưa bao giờ đánh lại phát xít Nhật, mà chỉ có Việt Minh là lực lượng duy nhất đánh Nhật ở Đông Dương. Người yêu cầu Mỹ công nhận “Mặt trận Việt Minh” là tổ chức duy nhất hợp tác chống Nhật và được phép đại diện cho nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống phát xít bên cạnh các nước Đồng minh. Và, Việt Minh cần Mỹ cung cấp phương tiện chiến đấu: Vũ khí, đạn dược, cố vấn, phương tiện thông tin liên lạc… Trong thời gian này, ngoài việc trao đổi công việc, Người còn tận tình giúp đỡ các nhân viên Mỹ học tiếng Trung, đọc và dịch các tài liệu Trung văn. Các bạn đồng minh ở OSS và OWI đãgiúp chuyển thư, đề nghị của Ngườiđến các nhà lãnh đạo Đồng minh.

Cùng với cảm tình sẵn có, nhất là qua việc cứu giúp viên phi công Shaw, các bạn Đồng minh Mỹ ở OSS và OWI rất kính nể nhân cách và sự hiểu biết của Hồ Chí Minh, muốn giúp đỡ Việt Minh nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phối hợp hoạt động chống Nhật.

Tháng 6-1945, khi OSS đề nghị Việt Minh bố trí cho một sân bay để máy bay cỡ nhỏ có thể lên xuống, Người đã giao nhiệm vụ này cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và sân bay đã được chuẩn bị tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Đội công tác “Con nai” của Cục tình báo chiến lược Hoa Kỳ do thiếu tá Thomas chỉ huy nhảy dù xuống làng Kim Long, chiến khu Tân Trào cùng một số vũ khí, đạn dược, khí tài thông tin liên lạc, thuốc men,... Sau đó, một số chuyến baytiếp tụcthả vũ khí, đạn dượcxuống cho lực lượng Việt Minh. Số vật chất này không lớn nhưng có ý nghĩavô cùng thiết thực đối với Việt Minh trong lúc quân đội chính quy của ta vừa mới thành lập. Cũng trong thời gian này,OSS đã hỗ trợ, tổ chức huấn luyện cho trên 2000 bộ đội của ta.

Sau khi giành độc lập, tháng 9 - 1945, cùng với hàng chục thư, điện gửi Chủ tịch Xtalin, Bộ Ngoại giao Liên Xô, thông báo: “Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi nhiều bức thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman, hoan nghênh Tuyên bố của Tổng thống Mỹ, nhất là những điểm liên quan trực tiếp tới quyền độc lập của các dân tộc “nhược tiểu” như Việt Nam, Philipin…bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ(4): “Cũng như Philippin, mục tiêu của chúng tôi là độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”(5). Ngày 1-11-1945, Ngườigửi thưcho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ: “Nhân danh Hội Văn hóa Việt Nam, tôi xin được bày tỏ nguyện vọng của Hội, được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”(6).

Những năm nửa cuối1940, tình hình thế giới đã có sự biến chuyển, Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, châu Á tiếp tụclà mục tiêu tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn, thực dân Pháp tìm mọi cách để khôi phục quyền thống trị của mình. Đế quốcAnh muốn phục hồi các thuộc địa của mình như Ấn Độ, Pakistan, Miến Điện, Mã Lai, Xinhgapo, Hồng Kông… và lo ngại rằng Việt Nam độc lập, thì các thuộc địa này cũng sẽ vùng lên đòi độc lập. “Thâm ý của Anh là muốn giúp Pháp chiếm lại Đông Dương, để ngăn chặn phong trào cách mạng thế giới nói chung và ở khu vực có nhiều thuộc địa của Anh nói riêng…Vả lại Anh không dám để bị lôi kéo vào những vấn đề quân sự ở Đông Dương, diễn biến ở Ấn Độ thu hút sự chú ý của Anh hơn. Với ý đồ trên, ngày 24-8-1945, Anh đã ký một thỏa hiệp với Pháp về nguyên tắc và cách thức khôi phục Đông Dương”(7).

Quân Tưởng cũng thể hiện rõ âm mưu đối với Việt Nam khi được Đồng minh ủy nhiệm cho gửi quân sang Đông Dương để giải giápquân Nhật từ biên giới Hoa Việt cho đến vĩ tuyến 16.

Như vậy, ngoài Liên Xô, bốn cường quốc thắng trận trong khối Đồng Minh là Anh, Pháp, Mỹ và Trung Hoa đều ngấm ngầm có mâu thuẫn với nhau và đều gây bất lợi cho cách mạng Việt Nam.

Dù không đạt được mối quan hệ ngoại giao do quan điểm chính trịcủa các chính giới Mỹ lúc này đã thay đổi, nhưng Người đã tỏ rõnỗ lực trong việc bày tỏ thiện chí của Việt Nam, khát vọng độc lập tự do, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Việc Người chủ động tìm cách liên hệ, xây dựng quan hệ với Phái bộ Đồng minh, gửi thư, điện và công hàm cho Tổng Thống vàNgoại trưởng Mỹ, các nước trong Hội đồng Bảo an…để tố cáo dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, bày tỏ nguyện vọng được sống trong độc lập, tự do, tranh thủ sự đồng tình của lực lượng tiến bộ… đều nằm trong khuôn khổ của mục tiêu, nguyên tắc, phương châm ngoại giao mà Người đã đặt ra, trong một mong muốn là đem lại độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam.

_________________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.471

(2) Joseph Buttinger: Vietnam: A Political History (New YorK: Frederick A Praeger, 1968), pp. 204-205.

(3) Bác Hồ trong trái tim các nhà ngoại giao, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 113.

(4) Người đã tám lần gửi Thư tới Tổng thống Mỹ vào các ngày 24-9-1945; 17-10-1945; 20-10-1945; 2-11-1945; 8-11-1945; 22-11-1945; 18-1-1946; 16-2-1946

(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, NxbChính trị quốc gia,Hà Nội, 2011,tr.204, 91

(7) Vũ Như Khôi: 75 Năm Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 171 , 169-170.

       ThS Nguyễn Thị Huyền Trang

                                                        Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền