Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Cách mạng tháng Mười và bài học về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
Thứ hai, 21 Tháng 11 2016 16:09
1898 Lượt xem

Cách mạng tháng Mười và bài học về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ

(LLCT) - Cuộc Cách mạng Tháng Mười 1917 thắng lợi mở ra hời đại mới - Thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH. Gần một thế kỷ qua, mặc dù còn có những đánh giá khác nhau, song một thực tế không thể phủ nhận là kể từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, lịch sử nhân loại đã bước sang một trang mới với những biến đổi vô cùng sâu sắc.

Đúng như V.I.Lê - nin đã khẳng định: Cách mạng Tháng Mười đã “mở đầu một sự nghiệp mới mẻ”, “sự nghiệp sáng tạo ra một chế độ nhà nước xưa nay chưa từng có”(1). Cách mạng Tháng Mười đã đưa nước Nga sa hoàng lạc hậu thành một siêu cường đứng đầu hệ thống XHCN. Một loạt quốc gia khác ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười đã vùng dậy giành độc lập dân tộc; nhiều quốc gia tuyên bố xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột, xây dựng xã hội mà người chủ đích thực là nhân dân lao động. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ hàng trăm dân tộc bị áp bức, đứng lên chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình thế giới.

Có thể nói, nếu không có Cách mạng Tháng Mười, nhân loại không thể sống trong kỷ nguyên độc lập, tự do. Ngay trong lòng CNTB hiện đại, quyền dân sinh, dân chủ, quyền con người... mà nhân dân lao động có được cũng là nhờ ảnh hưởng mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Mười.

Tuy nhiên, sau hơn 70 năm tồn tại, do những sai lầm, chủ quan về đường lối của những người lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như sự phản bội của những người cầm đầu, chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước ở Đông Âu sụp đổ. Đó là tổn thất to lớn không chỉ đối với những người cộng sản chân chính mà còn đối với phong trào cộng sản và công nhân trên toàn thế giới. Song, sự kiện đó không phải là hồi kết của chủ nghĩa cộng sản như luận điệu của các thế lực thù địch với CNXH tuyên truyền. Chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ nhưng lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười vẫn soi sáng con đường phát triển của CNXH trong thế kỷ XXI. Thành công của sự nghiệp xây dựng CNXH  ở một số nước, sự hồi sinh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở châu Âu và ở các châu lục trên thế giới, các cuộc đấu tranh của nhân dân lao động ở ngay trong lòng các nước TBCN phát triển là minh chứng sống động. Mặc dù phong trào cộng sản trên thế giới còn gặp nhiều khó khăn, song nhân loại sẽ từng bước vươn tới lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, làm thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(2); “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”. Những bài học đó là: cần có sự lãnh đạo sáng suốt của một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; phải thực hiện cho được liên minh công - nông vì đó là sự bảo đảm chắc chắn nhất thắng lợi của cách mạng. Chính nhờ đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành được những chiến thắng vĩ đại: Cách mạng Tháng Tám (1945), Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954), Đại thắng mùa Xuân (1975)... nêu gương sáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Cách mạng Tháng Mười đã tác động to lớn đến tiến trình vận động và phát triển của thế giới đương đại. Những lý tưởng cao đẹp mà nhân loại đang hướng tới như: độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hòa bình, dân chủ, bình đẳng, bác ái; xóa bỏ áp bức, bóc lột, nghèo nàn, lạc hậu, phân biệt chủng tộc... chính là lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười.

Cách mạng Tháng Mười đã để lại cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, cho các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng nhiều bài học quý báu về nghệ thuật đấu tranh giành và giữ chính quyền, về vai trò lãnh đạo của chính Đảng vô sản cầm quyền, về phát huy dân chủ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Những bài học đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ, coi đây là công việc gốc của Đảng. Mối quan tâm hàng đầu của Người là nền tảng tư tưởng chính trị, bản chất giai cấp công nhân của đội ngũ cán bộ các cấp. Người khẳng định, vấn đề xây dựng bản lĩnh chính trị, bản chất giai cấp công nhân là mấu chốt nhất. Bản lĩnh người cán bộ cách mạng tạo nên năng lực “dĩ bất biến ứng vạn biến”; thể hiện tập trung ở tính kiên định, sáng tạo, quyết làm và biết làm. Phải có một đội ngũ cán bộ như thế cách mạng mới thắng lợi và “Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc. Có thế Đảng mới thành công”. Người cán bộ có bản lĩnh là người rất trung thành, kiên định với sự nghiệp cách mạng của Đảng; biết tùy cơ ứng biến, sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Không có sáng kiến, không phải là người lãnh đạo”. Người căn dặn, người cán bộ cách mạng phải là người trung thành và hăng hái trong mọi công việc; gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, hiểu biết nhân dân, luôn luôn chú ý đến lợi ích của nhân dân. Cán bộ “là cái gốc của mọi công việc; công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(3).Cán bộ phải là người có năng lực tương xứng với nhiệm vụ được giao, phải có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Người cán bộ còn phải có phong cách lãnh đạo và công tác khoa học. 

Trong giai đoạn toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay, cần đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêuPhát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành một nư­ớc công nghiệp theo h­ướng hiện đại”(4). Đồng thời, Đảng chỉ rõ:“Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về: Quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa đức, tài; giữa kế thừa và phát triển”(5). Như vậy, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, có năng lực, nhất là “đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân” là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác cán bộ. Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm đến năm 2020, đội ngũ cán bộ có số lượng, cơ cấu hợp lý; chuyên nghiệp, hiện đại. Tuyệt đại bộ phận cán bộ có phẩm chất tốt và đủ năng lực thực thi nhiệm vụ, tận tụy phục vụ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân và phát triển đất nước.

Thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười đã chứng minh luận điểm của V.I. Lênin: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến CNXH, đó là điều không tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới CNXH  không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo XHCN đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”.

_______________

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000. tr.300.

(2) (3) (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.76, 205-206, 18-19.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.287.

 

TS Phương Minh Hòa

Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng

Phó Chủ nhiệm TCCT QĐND Việt Nam

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền