Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:49
2367 Lượt xem

Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Đồng chí Võ Chí Công là “Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta”; “Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa”; “Là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” mà cuộc đời “gắn liền với quá trình cách mạng và những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng của Đảng và nhân dân ta”(1).

(Đồng chí Võ Chí Công trong một lần về thăm người dân huyện Hiệp Đức - căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu 5 (Ảnh tư liệu))

Đồng chí Võ Chí Công tham gia đội ngũ những người cộng sản vào năm 1932, khi phong trào cách mạng Việt Nam đang phải đối diện với cuộc khủng bố trắng tàn bạo, khốc liệt của bọn thực dân, phong kiến nhằm sát hại những người cộng sản, xóa bỏ tổ chức Đảng vừa mới hình thành, mưu toan dập tắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Vượt qua bão lửa khủng bố tàn khốc, đồng chí Võ Chí Công đã lãnh đạo đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương.

Chiến tranh thế giới II bùng nổ (1939), thực thi chính sách phát xít ở Đông Dương, thực dân Pháp đã tiến hành hàng loạt những đợt khủng bố mới nhằm vào phong trào cách mạng nước ta. Trước tình hình Đảng bộ Quảng Nam liên tục bị vỡ, nhiều cán bộ chủ chốt và đảng viên ở các phủ, huyện bị địch bắt, đồng chí Võ Chí Công đã thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng, cùng các cán bộ còn lại ở các phủ, huyện trong tỉnh chủ động “phân công nhau đi khắp các chi bộ củng cố tinh thần và bàn công việc với các đồng chí còn lại để tiếp tục hoạt động”(2). Vượt qua sự săn đuổi của kẻ thù và những khó khăn trong hoạt động bí mật, với sự kiên nhẫn và nỗ lực vượt bậc, đồng chí Võ Chí Công đã nhanh chóng khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng ở Quảng Nam. Tháng 1-1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ; Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam (3-1940).

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940), thực dân Pháp điên cuồng tiến hành những đợt khủng bố rất ác liệt với hàng loạt các cuộc lùng sục, bắt bớ tràn lan trên cả nước, phá vỡ nhiều tổ chức, sát hại nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta(3). Trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Trung kỳ phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên (10-1941), rồi trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (6-1942), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam mới (1-1943), đồng chí Võ Chí Công vừa lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại sự khủng bố của địch, vừa gây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng và phát triển rộng rãi Mặt trận Việt Minh.

Tháng 10-1943, khi bị địch bắt và kết án tù chung thân (sau giảm xuống 25 năm tù khổ sai đày biệt xứ), đồng chí Võ Chí Công đã “lấy tinh thần cách mạng thắng đau đớn bản thân và thắng kẻ thù tàn ác, dã man”(1), kiên cường vượt qua những cực hình tra tấn ở nhà tù Hội An cũng như khi bị đày ải, giam cấm cố trong địa ngục trần gian nơi nhà tù thực dân ở Buôn Mê Thuột. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), thoát khỏi nhà tù thực dân, đồng chí đã lập tức tìm cách trở về tham gia Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Quảng Nam, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, tổ chức khởi nghĩa tại Hội An ngày 17-8-1945, đưa Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất cả nước.

Cách mạng Tháng Tám thành công, với vai trò Bí thư kiêm Chính ủy Ban Cán sự Khu Đông Bắc Campuchia, đồng chí Võ Chí Công đã lãnh đạo đoàn quân “Tây chinh, Nam chiến” gian khổ vượt Trường Sơn sang giúp nhân dân Lào và Campuchia đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp (8-1950 - 8-1951). Trước yêu cầu khắc phục những khó khăn trong kháng chiến ở Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí lại được điều động về nước với trọng trách Khu ủy viên Liên khu V, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng và đã lãnh đạo giành lại vùng du kích cũ, phá thế uy hiếp và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta qua chiến dịch chống địch càn quét ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Được điều động ra Bắc tham gia tiến hành cải cách ruộng đất (3-1953 - 7-1954), nhưng khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Võ Chí Công lại tình nguyện xin trở về miền Nam, trực tiếp tham gia tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai. Trên cơ sở đường lối cách mạng miền Nam của Đảng, trong các cương vị Phó Bí thư Khu ủy V (1954-1959), Bí thư Khu ủy V và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam (1960-1975), suốt 21 năm, đồng chí kiên cường bám trụ, hoạt động, chiến đấu trên chiến trường ác liệt và khó khăn, góp phần lãnh đạo quân và dân miền Nam nói chung, Khu V nói riêng, vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất của kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Suốt cuộc đời hoạt động và cống hiến cho cách mạng, kinh qua nhiều trọng trách ở những lĩnh vực phức tạp, nổi bật ở đồng chí Võ Chí Công là tinh thần dám chịu trách nhiệmtrước Đảng, trước dân để thay đổi những quan niệm, những phương thức hoạt động, những phương án có sẵn, giáo điều, xa rời thực tiễn, không theo kịp sự vận động, phát triển của thực tiễn, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của Đảng, của nhân dân.

Từ trước Cách mạng Tháng Tám, trước sự khủng bố liên tục của địch, Đảng bộ Quảng Nam nhiều lần bị địch phá vỡ, đứt liên lạc với cấp trên. Không chờ chỉ thị, đồng chí Võ Chí Công đã cùng các đồng chí khác thay đổi phương thức hoạt động, thậm chí có lúc phải chuyển xuống các tỉnh cực Nam Trung Bộ rồi vòng lên Đà Lạt để tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển đội ngũ và tìm cách trở về Quảng Nam hoạt động. Bám sát thực tiễn, nhận thức nhạy bén những biến đổi của tình hình cách mạng, đồng chí đã góp phần nhanh chóng quyết định lãnh đạo tiến hành khởi nghĩa và giành thắng lợi sớm ở Hội An.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi nạn đói xảy ra ở địa phương, nhưng “kho gạo dự trữ ở Tam Kỳ bất cứ ai cũng không có quyền xuất”, đồng chí Võ Chí Công đã ra lệnh xuất gạo cứu dân. Đồng chí nói: “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm dù vi phạm kỷ luật, thậm chí ở tù cũng vui lòng nhận”(4).

Trước những diễn biến “tả khuynh” trong thực hiện cải cách ruộng đất ở miền Bắc, sớm phát hiện thấy tình trạng cán bộ “thiếu thực tế, thiếu suy nghĩ, thiếu quan điểm độc lập tự chủ”(5) nên “phương pháp thực hiện cải cách rất giáo điều, cường điệu, đấu tố tràn lan rất ác liệt, mà tập quán xã hội Việt Nam không hề có những hành động như vậy”(6), đồng chí Võ Chí Công và một số đồng chí khác đã không ngần ngại phản ánh tình hình với cấp trên. Tuy nhiên, trong không khí phấn khích của cuộc cải cách ruộng đất lúc đó, những ý kiến thẳng thắn như vậy không được phản ánh đến Trung ương và do “không nhất trí với nhau nhiều vấn đề về chính sách, cách làm” nên Đoàn ủy cải cách ruộng đất đã không giao việc cho đồng chí Võ Chí Công. Đến thời kỳ chống xâm lược Mỹ, khi tham gia giải quyết ruộng đất ở miền Nam, đồng chí đã đề xuất và được chấp nhận phương án “giải phóng đến đâu, giải quyết ruộng đất cho nông dân đến đó”, “mục đích thì đạt được, nhưng sách lược, phương pháp thì nhẹ nhàng, bứt dây không động rừng, không đoàn, không đội, không đấu tố, không kiểu đao to búa lớn”(7).

Sau khi ký Hiệp định Giơnevơ, đường lối chiến lược của Đảng ta là giải phóng miền Nam, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh chính trị, yêu cầu thi hành Hiệp định Giơnevơ, giữ vững hòa bình, củng cố lực lượng cách mạng, tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà. Trong khi đó, địch lại ra sức phá hoại Hiệp định, xóa bỏ thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được trong kháng chiến chống Pháp, tiến hành khủng bố và trả thù tàn bạo.

Chấp hành đúng chủ trương của Đảng về cách mạng miền Nam và nhanh chóng lãnh đạo thay đổi phương thức hoạt động để phù hợp với tình hình mới, tuy nhiên đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí lãnh đạo trên chiến trường đã sáng suốt nhận rõ tình trạng tiến thoái lưỡng nan “lúng túng như gà mắc tóc, gần như bế tắc”(8) của cách mạng lúc bấy giờ. Năm 1957, trong khi địch điên cuồng tiến hành khủng bố trắng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô lại khẳng định thế giới ngày nay có khả năng hòa bình giành chính quyền, đồng chí Võ Chí Công cho rằng “nghị quyết đó là của Liên Xô, còn thực hiện ở Việt Nam là ảo tưởng” và khẳng định ở miền Nam “nếu không dùng bạo lực mà chỉ đấu tranh chính trị thì cách mạng miền Nam sẽ thất bại”(9). Cuối năm 1957, đồng chí đã đề nghị với Khu ủy ra Bắc trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quan điểm của mình. Những ý kiến của đồng chí về sự cần thiết phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của địch đã góp phần vào sự ra đời của Nghị quyết 15 của Trung ương, mở ra giai đoạn phát triển mới cho cách mạng miền Nam. Đồng chí cũng là người tham gia vạch kế hoạch đánh sụp từ đầu uy thế quân đội Mỹ khi chúng bắt đầu tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ, với chiến thắng ở Núi Thành và trận Vạn Tường, mở ra phong trào đánh Mỹ rộng khắp miền Nam.

Sau năm 1975, bên cạnh việc ghi nhận vai trò của hợp tác xã trong thời kỳ chiến tranh, với cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, đồng chí đã trực tiếp nghiên cứu nguyên nhân của tình trạng không quan tâm đến sản xuất của nông dân hợp tác xã nông nghiệp trong thời bình và chịu trách nhiệm cá nhân trong việc tổ chức thí điểm khoán ruộng, từ đó tổng kết rút kinh nghiệm và báo cáo Bộ Chính trị, tạo cơ sở để xây dựng Chỉ thị 100 của Ban Bí thư. Khoán 100 ra đời tạo nên bước chuyển mới trong nông nghiệp, phát huy quyền làm chủ của nông dân, thúc đẩy sản xuất. Sau Đại hội VI, đồng chí đảm nhận trọng trách lãnh đạo tiểu ban nghiên cứu tiếp tục đổi mới quản lý nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản) và đã góp phần quan trọng vào sự ra đời của Nghị quyết 10, giải quyết những vấn đề Chỉ thị 100 chưa hoàn chỉnh, nâng cao hơn nữa đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy đổi mới cơ chế quản lý trong các lĩnh vực của nền kinh tế cũng như đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế.

Đổi mới kinh tế đã khó khăn, đổi mới chính trị lại càng khó khăn phức tạp hơn. Làm thế nào để có thể từng bước thực hiện đổi mới chính trị một cách vững chắc? Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện dân chủ hóa XHCN trong hoạt động của Hội đồng Nhà nước - cơ quan tối cao giữa hai kỳ họp Quốc hội có vai trò thực thi các quyết định của Quốc hội, những nhiệm vụ được Quốc hội ủy quyền, đồng thời với tư cách là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí cũng góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra. Hiến pháp 1992 không chỉ là đạo luật cơ bản khẳng định sự nghiệp đổi mới toàn diện của nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà còn là kết quả của quá trình đấu tranh chống lại những quan điểm và tư tưởng không phù hợp trong Đảng, trong nhân dân, giữa đổi mới và bảo thủ, giữa mở rộng dân chủ và tập trung quan liêu, giữa nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi công dân.

Đổi mới là một quá trình cải cách có ý nghĩa cách mạng sâu sắc, là cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu. Cuộc đấu tranh để đổi mới không những gặp trở ngại bởi trở lực mạnh của thói quen cố hữu mà còn vấp phải những đặc quyền, đặc lợi của bộ phận gắn bó với cơ chế cũ, suy nghĩ cũ. Đây là cuộc đấu tranh từ trong nội bộ Đảng, cơ quan nhà nước, đấu tranh giữa những người đồng chí, đấu tranh với chính bản thân mình từ trong tư tưởng, lý luận đến cả quá trình triển khai, đưa vào thực tiễn. Rõ ràng, đổi mới trong xây dựng đất nước không chỉ yêu cầu cao về tri thức khoa học, trong tổ chức, chỉ đạo hoạt động thực tiễn mà còn đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tiên phong chống lại những trở lực đó để làm nên thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Đồng chí Võ Chí Công là một mẫu mực như vậy.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

(1) Điếu văn do đồng chí Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công, ngày 12-9-2011.

(2), (4), (5), (6), (7), (8), (9) Võ Chí Công - Trên những chặng đường cách mạng, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 46, 77, 132, 143, 142, 145, 166.

(3) Toàn bộ ủy viên còn lại của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa I: Các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai,... đã bị sát hại trong thời gian này.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền