Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Những cống hiến của đồng chí Phạm Văn Đồng trên mặt trận ngoại giao
Thứ ba, 29 Tháng 11 2016 15:52
4952 Lượt xem

Những cống hiến của đồng chí Phạm Văn Đồng trên mặt trận ngoại giao

(LLCT) - Ngoại giao là một nghệ thuật đòi hỏi trí tuệ và sự uyên bác trong tư duy, khôn khéo, tinh tế trong ứng xử, hành động... Tất cả những yếu tố đó hội tụ đầy đủ ở nhà ngoại giao tài ba Phạm Văn Đồng.

(Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đông đảo nhân dân Hà Nội lưu luyến tiễn Quốc trưởng Norodom Sihanouk (bên phải) và các vị khách quý Campuchia tại sân bay, ngày 5/3/1972. Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Là người am hiểu văn hóa Đông - Tây, thông thạo Pháp ngữ, mang trong mình khí chất thẳng thắn, kiên quyết của người miền Trung, nhưng lại có đức tính mềm dẻo cần thiết, có bề dày kinh nghiệm hoạt động chính trị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao đảm trách công tác ngoại giao ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập.

Theo Sắc lệnh số 86/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 30-5-1946, “cử ông Phạm Văn Đồng làm Trưởng phái đoàn Việt Nam sang Pari thay ông Nguyễn Tường Tam...”(1). Kể từ đây, đồng chí Phạm Văn Đồng chính thức đảm trách nhiệm vụ của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, là người thay mặt Đảng và Chính phủ ta tham dự nhiều Hội nghị quốc tế quan trọng và ký kết nhiều văn bản ngoại giao lịch sử. Từ Hội nghị Phôngtennơblô (năm 1946), đến Hội nghị Giơnevơ (năm 1954) và sau này là các cuộc tiếp xúc, đàm phán bí mật trước Hội nghị Pari (trong các năm 1965-1966 -1967...), với các nhà đàm phán trung gian của Chính phủ Hoa Kỳ, như: Giáo sư George La Pira, J. Xanhtơni... đồng chí Phạm Văn Đồng đã tỏ rõ là một nhà ngoại giao xuất sắc, có bản lĩnh, vừa giữ vững nguyên tắc, không khoan nhượng về mục tiêu đã đề ra, vừa linh hoạt, uyển chuyển trong hình thức, mềm dẻo trong phương pháp, kiên trì, khôn khéo đấu tranh từng bước, buộc đối phương phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào đàm phán và cơ bản phải thực thi những yêu cầu do ta đưa ra.

Xác định vai trò đặc biệt quan trọng của mặt trận ngoại giao trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng vừa trực tiếp đảm trách nhiệm vụ đại diện của Chính phủ ta trong các Hội nghị quốc tế quan trọng, đồng thời có đóng góp lớn trong việc hoạch định chính sách ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta. Có thể nói, nhà ngoại giao Phạm Văn Đồng là người vận dụng một cách triệt để và hiệu quả tư tưởng đối ngoại của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mối quan hệ thân thiện, hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi và chung sống hòa bình”(2).

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị Thủ tướng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những cuộc viếng thăm hầu hết các nước XHCN Đông Âu, tiến hành đàm phán, đề nghị viện trợ, nhất là từ hai nước Liên Xô và Trung Quốc(3). Chính nhờ có nguồn viện trợ quý giá và kịp thời của các nước anh em, chúng ta đã nhanh chóng khôi phục lại kinh tế và bước đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc. Mặt khác, chúng ta đã xác lập được mối quan hệ hữu nghị mật thiết với các nước trong hệ thống XHCN, các nước láng giềng, khu vực và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tháng 4-1955, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Hội nghị cấp cao các nước Á - Phi ở Băng đung (Inđônêxia). Với tài năng và những hoạt động tích cực tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Đồng đã thu hút được sự chú ý của các nước thuộc thế giới thứ ba, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước đối với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của nhân dân Việt Nam. Đây là vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, đặt nền tảng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta với các nước trong phong trào “không liên kết” trên những nguyên tắc quan hệ quốc tế mới. Thông qua sự kiện này, nhiều nước Á - Phi lần đầu tiên biết đến Việt Nam, hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta. Từ chỗ hiểu biết đến ngưỡng mộ, nhân dân tiến bộ ở các nước Á - Phi coi Việt Nam là tấm gương sáng của tinh thần anh dũng bất khuất, mong muốn được sát cánh với nhân dân Việt Nam chiến đấu chống kẻ thù chung. Kể từ đây, cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ của nhân dân ta luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của phong trào các nước không liên kết, nhất là các nước Á - Phi và Mỹ Latinh. Sau này, khi cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc  Mỹ ở Việt Nam ngày càng ác liệt, các nước thuộc Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi đã tổ chức nhiều Hội nghị đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ hòa bình. Hội nghị quốc tế chống Mỹ lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội (từ ngày 25 đến ngày 29-11-1964), đã thu hút 64 đoàn đại biểu đại diện cho 52 quốc gia và 12 tổ chức quốc tế tham dự. Hội nghị ra tuyên bố chung kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, hoàn toàn ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Nhiều nước sau đó còn lập ra các “Ủy ban ủng hộ Việt Nam”. Tổ chức đoàn kết nhân dân Á - Phi đã tổ chức nhiều cuộc vận động ủng hộ Việt Nam: “Tuần lễ ba châu ủng hộ Việt Nam”..., tạo sức ép dư luận mạnh mẽ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ gây ra.

Có thể nói, trong việc tập hợp lực lượng tiến bộ trên thế giới ủng hộ nhân dân ta chống Mỹ, mặt trận ngoại giao đóng vai trò hết sức quan trọng, trong đó có công sức, trí tuệ của đồng chí Phạm Văn Đồng - người đã góp phần tạo nên thế trận ngoại giao nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp, trên cơ sở đó tạo ra những phong trào đấu tranh chống Mỹ trên khắp thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ; làm thất bại từng bước ý đồ chiến lược của chúng, gây cho chúng tâm lý hoang mang, lúng túng, cuối cùng phải từ bỏ dã tâm xâm lược.

Là người giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đồng chí Phạm Văn Đồng cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã từng bước hoạch định và hoàn thiện đường lối chiến lược, sách lược ngoại giao của Đảng. Trên cơ sở đó, hoạt động ngoại giao trở thành một mặt trận hiệu quả, góp phần đánh bại bộ máy tuyên truyền khổng lồ của đế quốc Mỹ.

Với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị, tham dự hầu hết các hội nghị Bộ Chính trị, hội nghị Trung ương bàn về công tác ngoại giao, từ Hội nghị Bộ Chính trị họp ngày 12, 13 -3 -1965 (khi Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc và đưa quân Mỹ vào xâm lược miền Nam), đến các Hội nghị Trung ương 11 khóa III (từ 25 đến 28-3-1965); Hội nghị Trung ương 12 (từ 21 đến 27-12-1965); Hội nghị Trung ương 13 (từ 23 đến 26-1-1967); Hội nghị Trung ương 16 (từ 8 đến 10-5-1969), đồng chí đều có những ý kiến quan trọng bàn về đường lối, sách lược ngoại giao chống Mỹ, cứu nước. Các ý kiến của đồng chí thể hiện quan điểm đúng đắn, phù hợp trong quan hệ quốc tế, quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc; khẳng định quan điểm ngoại giao độc lập tự chủ, đồng thời đưa ra những giải pháp đấu tranh ngoại giao ở từng thời điểm với Mỹ.

Từ sự phân tích, đánh giá khoa học, đúng đắn, Đảng ta đã xây dựng nên chiến lược, sách lược ngoại giao phù hợp với thực tế thực lực, động viên, thu hút được sự ủng hộ của nhiều lực lượng tiến bộ trên thế giới đứng về phía nhân dân Việt Nam chống Mỹ.

Ngày 8-4-1965, một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ L.Giônxơn tuyên bố sẵn sàng “thương lượng không điều kiện”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ ta đã tuyên bố trước thế giới lập trường 4 điểm của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao đã nhận xét: “Nội dung chính của lập trường 4 điểm là vấn đề xác nhận những quyền dân tộc cơ bản: độc lập và tự quyết, hòa bình và thống nhất của nhân dân cả nước”(4). Đồng chí Nguyễn Duy Trinh khẳng định: “Đứng về toàn cục mà nói, cuộc tiến công ngoại giao của ta đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược bắt đầu từ lúc đó. Từ bước nhân nhượng có nguyên tắc đó mà ta đã chủ động đề ra làm cơ sở cho một giải pháp chính trị đúng đắn”(5). Còn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đó là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề chiến tranh ở Việt Nam..., Không có giải pháp nào khác”(6).

Thực tế đã khẳng định rằng, lập trường 4 điểm của Chính phủ Việt Nam là một văn bản pháp lý vô cùng quan trọng, không những đặt cơ sở cho một giải pháp chính trị về Việt Nam, mà còn trở thành vũ khí sắc bén của Việt Nam tấn công làm tiêu tan mưu đồ của Mỹ về cái gọi là “thương lượng có điều kiện” mà họ hy vọng. Lập trường 4 điểm đã tạo ra thế có lợi và chủ động cho mặt trận ngoại giao tấn công và đánh bại các chiến dịch tuyên truyền giả danh “hòa bình” của Mỹ; từng bước buộc Mỹ phải chấp nhận xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Hội nghị Pari.

Là người có tầm nhìn sâu rộng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những nhận định sắc sảo về tình hình quốc tế, phát hiện rất sớm ý đồ đen tối của Mỹ hòng quốc tế hóa cuộc chiến tranh Việt Nam, âm mưu chia rẽ Việt Nam với Liên Xô, Trung Quốc, lợi dụng sự mâu thuẫn trong phong trào cộng sản, mâu thuẫn trong phe XHCN để chia rẽ, phá hoại phong trào cách mạng, cô lập Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp, chỉ đạo hoạt động ngoại giao làm thất bại âm mưu của Mỹ. Trước tình hình phức tạp của các mối quan hệ quốc tế đan xen về lợi ích, đồng thời trước thực tế đang tồn tại tư tưởng sợ Mỹ, ngại va chạm với Mỹ của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tuyên bố thẳng thắn: “Đòi hỏi mọi người phải biểu lộ thái độ của mình: Đứng về bên nào? Ủng hộ ai? Ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì độc lập và hòa bình chân chính hay là ủng hộ cuộc chiến tranh phi nghĩa, tội ác của đế quốc Mỹ xâm lược và hiếu chiến?”(7).

Lời tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có tác động mạnh mẽ đến dư luận thế giới, thúc đẩy nhân dân tiến bộ ở các nước đấu tranh buộc giới lãnh đạo phải biểu thị lập trường của mình đứng về phía Việt Nam.

Điểm lại đôi nét về những hoạt động, cống hiến của đồng chí Phạm Văn Đồng trên mặt trận ngoại giao để thấy sự nhạy bén và trí tuệ của đồng chí trong nhìn nhận, đánh giá những vấn đề quốc tế phức tạp, các giải pháp ngoại giao khi thì cương quyết, thẳng thắn giữ đúng nguyên tắc, khi thì mềm dẻo, tinh tế; những cống hiến của đồng chí đã góp phần quan trọng đưa cách mạng đến thắng lợi.

Chúng ta rất tự hào có Hồ Chí Minh nhà ngoại giao kiệt xuất, chúng ta cũng rất tự hào về học trò của Người - đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến lớn lao trên mặt trận ngoại giao, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

_______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3 - 2016

(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1993, tr.213.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, tr.5.

(3) Khối lượng hàng hóa, tiền bạc viện trợ của Liên Xô trong năm 1959-1960: Việt Nam đã nhận được của Liên Xô 100 triệu rúp trang bị cho 21 đài khí tượng, 156 trạm thủy văn ở miền Bắc, vay trả chậm 350 triệu rúp để mua sắm thiết bị, máy móc nông nghiệp và xây dựng nông trường (Nguồn: Vụ Liên Xô Bộ Ngoại giao: Quan hệ Việt Nam - Liên Xô (1954-1975), tr.76, Bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh).

(4), (5) Nguyễn Duy Trinh: Mặt trận ngoại giao thời kỳ chống Mỹ cứu nước 1965-1975, Nxb Sự thật, Hà Nội,1979, tr.18, 302.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1996, t.11, tr.433.

(7) Phạm Văn Đồng: Tuyên bố của Chính phủ Việt NamDân chủ Cộng hòa, Báo Nhân Dân, ngày 1-9-1965.

 

PGS, TS Trần Minh Trưởng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Hoàng Diệu Thúy

Đại học Hoa Lư, Ninh Bình

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền