Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nền hòa bình bị bỏ lỡ và cuộc chiến 3000 ngày
Thứ sáu, 02 Tháng 12 2016 13:34
2466 Lượt xem

Nền hòa bình bị bỏ lỡ và cuộc chiến 3000 ngày

(LLCT) - Khi phe chủ chiến mang bản chất thực dân vẫn chiếm đa số trong Chính phủ và Quốc hội nước Pháp năm 1946 thì việc ký kết các Hiệp định Sơ bộ 6-3 hay Tạm ước 14-9 đối với họ chỉ có ý nghĩa như những quãng tạm lặng gió để chờ gây bão. Vì thế, ngay trong quá trình đàm phán giữa Việt Nam và Pháp, dù ở Đà Lạt hay Paris, thì quân đội viễn chinh Pháp vẫn tiếp tục mở rộng chiến tranh ra Nam Bộ, Nam Trung Bộ rồi đến ngày 20-11-1946, quân Pháp chiếm Lạng Sơn và dùng cả hải lục không quân chiếm Hải Phòng, bắn giết cả người dân tản cư.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường trở lại ATK, Ảnh: internet

Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương Valluy đã yêu cầu Paris gửi thêm quân sang Đông Dương nhưng Chính phủ Pháp do dự và trả lời chỉ đồng ý đưa quân sang nếu như coi đó là hành động phản ứng của phía Pháp sau những xung đột hai bên do phía Pháp giành quyền kiểm soát thuế quan ở Hải Phòng nhằm mục đích khống chế hàng hóa, khí tài của Việt Nam xuất nhập khẩu qua cảng biển quan trọng này. Cao ủy Pháp D’Argenlieu và Valluy đã kéo Ủy viên cộng hòa Pháp Sainteny - đại diện Chính phủ Pháp tại Bắc và Trung kỳ sang Hà Nội để thương thuyết chính trị. Valluy nhận định: “Rõ ràng vì lợi ích của chúng ta đòi hỏi chúng ta lúc này phải chiếm lĩnh ưu thế đối với chính phủ Hà Nội, buộc Hà Nội phải đàm phán một cách thiện chí theo đúng tinh thần và văn bản của Tạm ước. Tuy nhiên, qua đánh giá nghiêm túc thì ông Giáp và ban lãnh đạo của Đảng tỏ ra cương quyết không nhân nhượng chút nào, chấp nhận sơ tán Chính phủ ra khỏi Hà Nội và rút lên miền núi, tại đó đã chuẩn bị sẵn một số căn cứ địa”. Khi quân Pháp lập những đội biệt kích giả trang để thủ tiêu và bắt cóc cán bộ của ta, Trung ương Đảng đã đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh tạm lánh ra một ngôi nhà ở ngã tư Canh.

Ngày 30-11-1946, Quốc hội Việt Nam đã thông báo tình hình xung đột leo thang cho Quốc hội Pháp và yêu cầu Pháp cử một phái đoàn sang điều tra. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng viết Lời kêu gọi gửi Liên Hợp quốc nhằm giữ gìn hòa bình và khôi phục các quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ.

Ngày 2-12-1946, Sainteny đến Hà Nội, ra đón tại sân bay có các lãnh sự Anh, Mỹ, đại diện của Pháp và của cả Bộ Nội vụ Việt Nam là Hoàng Minh Giám, Hoàng Hữu Nam.

Ngày 3-12, buổi sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Bắc Bộ Phủ làm việc, 18h chiều Sainteny đến xin gặp. Vì đang ốm mệt, phải nằm tiếp khách, nhưng Người nhấn mạnh phía Pháp phải chịu trách nhiệm về việc gây ra các vụ xung đột ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Người đề nghị lập ra một Ủy ban hỗn hợp để giải quyết vấn đề quân sự và thuế quan. Sau buổi gặp đó, Sainteny nhận xét rằng: “Cảm giác của tôi là ông Hồ Chí Minh và những thuộc hạ trung kiên của ông sẽ làm tất cả để tránh sự tuyệt giao. Một điều chắc chắn là họ cảm nhận sâu sắc chúng ta đang chơi lá bài cuối cùng trước lúc thi hành biện pháp sức mạnh toàn diện. Đó là điều tôi cố tình làm cho họ hiểu được tuy bề ngoài tôi vẫn đóng vai trò kiên trì hòa giải”. Lúc 19h, để đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thường vụ Trung Ương đã quyết định chuyển Người về ở tại làng Vạn Phúc (Hà Đông).

Ngày 4-12, Sainteny thăm Hải Phòng cùng Tư lệnh quân đội Pháp ở Bắc Việt Nam Morliere và nhận thấy quân Pháp đã hoàn toàn làm chủ thành phố và đang tiếp tục việc bố phòng trong khi người dân vẫn dồn dập sơ tán.

Ngày 5-12, Sainteny gặp Phó Lãnh sự Mỹ tại Hà Nội Sullivan để thông báo rằng người Pháp đang chuẩn bị một kế hoạch nhằm loại trừ những phần tử bất hảo ra khỏi Chính phủ Việt Nam nhưng Sullivan tỏ ý không tin việc này có thể thành công. Cùng lúc đó tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp và giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục quân giới cho cho kỹ sư Trần Đại Nghĩa, một trí thức yêu nước đã theo Người từ Pháp về Việt Nam mấy tháng trước.

Ngày 6-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Quốc hội và Chính phủ Pháp khẳng định nguyện vọng của nhân dân và Chính phủ Việt Nam muốn hợp tác trên tình anh em với nhân dân Pháp nhưng một số người Pháp ở Đông Dương đang hành động trái hẳn với các hiệp định đã ký. Tuy nhiên, vì Paris đang chuyển giao nội các nên người ta không chú ý đến bức thư này?

Ngày 7-12, Phó Lãnh sự Mỹ Sullivan đã bố trí cho Moffet Giám đốc Cục châu Á Bộ Ngoại giao Mỹ đang ở thăm Hà Nội được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, vẫn trên giường bệnh, với sự có mặt của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Người đã trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Paris - Sài Gòn Dranber: “Tôi mong ông nói rõ, đồng bào tôi và tôi thật thà mong muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh và bản thân tôi cũng đã cảm nhận tại Pháp cũng như nhiều bằng chứng tại Paris cho thấy nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Ông hãy tin tôi, cả Việt Nam và Pháp đều sẽ không thể nào trả giá nổi cho sự xa xỉ của một cuộc chiến tranh đẫm máu. Chúng tôi mong muốn hòa bình”. Cùng ngày, Người gửi điện mừng tới Chủ tịch Quốc hội Pháp Auriol nhân dịp ông này tái cử.

Ngày 8-12, Valluy gửi một bản nhận định cho Sainteny có đoạn: “Quân số hiện nay sẽ không cho phép chúng ta giải quyết tại Bắc Kỳ nếu như một cuộc xung đột xảy ra. Cho đến khi viện binh đến vào khoảng tháng 1-1947 nên tránh mở rộng xung đột”. Cùng lúc, đô đốc Barjot trong Ban Tham mưu Bộ Quốc phòng Pháp đã công bố Thông báo nghiên cứu số 46, trong đó nhắc đến ý kiến của D’Argenlieu về việc Chính phủ Hà Nội sẽ hành động bạo lực và xin quân tăng viện sang Việt Nam với khuyến cáo: liệu bộ chỉ huy Pháp có ý thức được sức mạnh của quân đội Việt Nam trước khi lao mình vào một cuộc thử thách bằng vũ lực? Trong ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với học sinh, giáo viên trường nông lâm nghiệp.

Ngày 10-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua và ký quy định về nghi thức đối với Quốc kỳ và Quốc ca. Người gửi thư cảm ơn những thợ may làng Cổ Nhuế (Hà Nội) đã gửi biếu bộ quần áo kaki và Người đã chuyển cho Ban vận động Mùa đông binh sĩ để tặng các chiến sĩ ngoài mặt trận.

Ngày 12-12, quân Pháp tấn công Tiên Yên, Đình Lập. Trả lời các nhà báo về tuyên bố của Thủ tướng Pháp Blum giải quyết vấn đề Việt Nam dựa trên lòng tin và sự thân thiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Việt Nam quyết thật thà cộng tác với nhân dân Pháp như anh em trên nền tảng độc lập, bình đẳng, quyết lòng tôn trọng lợi ích văn hóa và vật chất của nước Pháp. Nhưng Việt Nam cũng quyết lòng không để cho ai chinh phục bằng âm mưu hoặc bằng vũ lực”. Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ hải ngoại Pháp Moutet đã gửi điện cho D’Argenlieu nói rõ tình hình chính trường chưa cho phép tăng viện và Chính phủ Pháp bác bỏ bất cứ sáng kiến nào nhằm mục đích hoặc có tác dụng đánh bật cá nhân Hồ Chí Minh ra khỏi mọi quyền hành. Bởi kết quả của sự lật đổ ấy sẽ là thời kỳ tranh giành quyền bính chỉ có lợi cho những kẻ cơ hội.

Ngày 13-12, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi công hàm cho Chính phủ Pháp và D’Argenlieu phản đối việc 800 quân lê dương Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng.

Ngày 14-12, khi Blum đang lập nội các mới thì Ủy ban liên bộ Đông Dương đã họp tại Paris để nghe phái viên của Valluy, đại tá LePuloch thuyết phục họ ủng hộ cho một hành động quân sự tức thời: “Chúng ta có đủ phương tiện quân sự để áp đặt mệnh lệnh của chúng ta cho Hà Nội và Hải Phòng và để đuổi Chính phủ Việt Nam ra khỏi Hà Nội”. Cùng ngày, Pháp đưa thêm 400 lính vào Hải Phòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chỉ đạo chiến lược cho cuộc chiến Nam Bộ và tiếp hai phóng viên của tờ New York Times.

Ngày 15-12, quân Pháp tăng viện bắt đầu rời cảng Marseille sang Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhờ Sainteny gửi một bức thông điệp cho tân Thủ tướng Pháp Blum, đưa ra những đề nghị bình thường hóa những hoạt động của hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng và chấm dứt những biện pháp phòng vệ bằng chướng ngại vật trên đường phố nếu như quân Pháp quay lại vị trí trước ngày 20-11 (bức điện này đã bị Phủ Cao ủy ở Sài Gòn giữ lại và Paris nhận được vào ngày 20-12-1946).

Lúc này, Giám đốc Sở an ninh Bắc Kỳ Moret phân tích tình hình và khẳng định: “Tôi không nghĩ rằng Bộ chỉ huy các lực lượng Việt Nam có ý định mở cuộc xung đột bởi họ đã có rất nhiều cơ hội nhưng họ không lợi dụng những cơ hội đó. Theo ý mọi người, nếu chúng ta chủ động gây chiến trước thì chỉ có thể là thắng lợi”. Bộ ba D’Argenlieu- Valluy- Pignon (cố vấn chính trị cho đại diện Chính phủ Pháp ở Đông Dương) bàn nhau gấp rút tạo ra sự đổ vỡ trong quan hệ Việt-Pháp nhưng phải tìm cách quy trách nhiệm do Việt Minh gây ra.

Ngày 16-12, D’Argenlieu tuyên bố Hà Nội-Hải Phòng-Đà Nẵng là lãnh thổ của Pháp khiến nhân dân sôi sục phẫn nộ. Nhiều ổ đề kháng được dựng lên ở Hà Nội.

Ngày 17-12, Pignon gửi báo cáo về Paris thúc giục Chính phủ Pháp tỏ thái độ cứng rắn vì: “Theo nhận xét của tôi thì sẽ là ảo tưởng nếu đặt hy vọng vào hành động cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông khôn khéo hơn một số đồng sự trẻ của ông, điềm đạm và ôn tồn hơn trong lời lẽ cũng như trong thái độ, cử chỉ bên ngoài chủ yếu do ông đã có tuổi, tuy nhiên mục tiêu của ông nhằm đạt được không khác mục tiêu của Trung ương Tổng bộ Việt Minh mà ông là thành viên lỗi lạc nhất”. Cùng ngày, Valluy đã ra lệnh cho Morliere giải tỏa những chướng ngại vật tại Hà Nội bằng sức mạnh. Lúc 10h, lính Pháp đã phá các ụ chiến đấu ở Lò Đúc, Hàng Bún và bao vây trụ sở công an Hàng Đậu, nã đại bác ra phố và bắt 15 phụ nữ vào thành.

Ngày 18-12 từ 6h30, quân đội Pháp đã báo tin cho Ban liên kiểm là sẽ chiếm Nha Tài chính và từ ngày 20-12 sẽ sẽ đảm nhiệm giữ trật tự, trị an ở Hà Nội.

Tại làng Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung Ương Đảng mở rộng quyết định tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn quốc. Người gửi tiếp một bức điện cho Thủ tướng Pháp Blum nhắc lại chính sách tôn trọng những hiệp định hợp tác trung thực và hữu nghị được thực thi ở Việt Nam (bức điện này cũng bị Sài Gòn giữ lại, ngày 22-12 Paris mới nhận được). Đêm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.

Sáng sớm ngày 19-12, quân Pháp đã đưa tối hậu thư đòi đình chỉ những hoạt động kháng chiến, đòi tước vũ khí quân đội Việt Nam và đe dọa sẽ dùng vũ lực trong 24 giờ nếu ta không thực hiện yêu cầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một bức thư cho Sainteny đề nghị tìm ngay giải pháp nhưng Sainteny cáo bận, từ chối nhận thư. Buổi trưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem lại văn bản của Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đến 14h30, Người họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng và kết luận chúng ta không nhún nhịn nữa. Giờ nổ súng được quyết định vào 20h bằng hiệu lệnh chung là cắt điện toàn thành phố Hà Nội.

Tối 19-12-1946, cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của nhân dân Việt Nam bùng nổ, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: “Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà cho nên chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình. Dù thực dân Pháp đã bội ước, nhưng gần một năm tạm hòa bình đã cho chúng ta thời gian để xây dựng lực lượng căn bản. Khi Pháp cố ý gây chiến tranh, chúng ta không thể nhịn nữa thì cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu”.

Sau 3000 ngày, với thất bại tất yếu của bên gây chiến, Sainteny tỏ ra nuối tiếc: “Tầm hiểu biết sâu rộng, trí tuệ lỗi lạc, khả năng hoạt động vô cùng lớn lao, đạo đức chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến Người thu phục được hoàn toàn lòng dân. Đáng tiếc là nước Pháp đã không đánh giá được hết con người ấy, không hiểu được uy tín cũng như sức mạnh mà con người ấy đại diện nên đã để lại phía sau lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ”.

____________

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia 2006, tập III

(2) Paris-Sài Gòn-Hà Nội, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2003

(3) Càng nhớ Bác Hồ, Nxb Thanh Niên, 1999

(4) Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ, Nxb Công an nhân dân, 2005

(5) Đại cương lịch sử Việt Nam, Nxb Giáo dục, 1997, tập III

Đỗ Hoàng Linh

Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền