Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng - Chân dung chính trị
Thứ năm, 16 Tháng 3 2017 12:10
2796 Lượt xem

Chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng - Chân dung chính trị

(LLCT) - Kỷ niệm 140 năm ngày sinh của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-2016), dưới góc độ sử học, bài viết này mong muốn góp phần làm sáng tỏ thêm về chân dung chính trị của ông trên ba phương diện: con người, tư tưởng, hành động trên cơ sở những đóng góp của ông đối với lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc ở nước ta trong thế kỷ XX.

1. Con người

Sinh năm 1876, tại xã Tiên cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, thuở nhỏ có tên là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Minh Viên, Huỳnh Thúc Kháng bắt đầu học chữ Nho từ năm 7 tuổi, 13 tuổi đã có tiếng văn hay, chữ tốt. Năm 1900, ông dự thi hương và đậu Giải nguyên; năm 1904, đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ.

Theo lệ khi đã thành danh, sau khi vinh quy ba tháng, tiến sĩ phải ra kinh học cách làm quan, nhưng “việc làm quan chẳng phải là điều mong muốn”, nên Huỳnh Thúc Kháng lấy cớ bị bệnh ở lại quê nhà.

Nhưng nỗi nhục mất nước đã thúc đẩy Huỳnh Thúc Kháng dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân. Năm 1905, ông cùng Phó bảng Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp tiến hành cuộc Nam du vận động Duy tân với tuyên ngôn chí hướng: “Hỡi người trí thức kia ơi - Quăng bút đi, vứt bút đứng lên - Đừng cam chịu tiếng ươn hèn - Hơi tàn còn thở, chớ quên phục thù” (Lương ngọc danh sơn phú). 

Sau đó, ông về quê nhà lãnh đạo phong trào Duy tân ở Quảng Nam. Năm 1906, cùng Lê Vĩnh Huy thành lập Thương học công ty ở Thăng Bình để tập hợp những người yêu nước và làm tài chính giúp cho phái Đông Du. Ông cùng thân hào bằng hữu lập thương cuộc tại Hội an, lập trường dạy chữ Pháp và quốc ngữ, cổ động cho phong trào Duy tân. Năm 1907, Huỳnh Thúc Kháng lại khước từ “chỉ bổ giáo thọ” huyện Điện Bàn và ở lại quê nhà hoạt động cải cách. “Khi thì xin Chính phủ thay đổi lối trị dân, khi thì hô hào cho đệ tử xuất dương du học, khi thì cổ động cho phong trào ngoại quốc, khi đề xướng những vấn đề quốc nội, mở trường học, lập hội buôn. Đọc thì đọc sách Lương Khang, bàn thì bàn việc Napôlêông, Oasinhtơn. Nơi nào có học đường thi xã thì chạy tới tham gia, gặp người thì hô hào học theo Nhật, mặc theo Âu”(1).

Tháng 3-1908, chính quyền thực dân, phong kiến đàn áp phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, ông bị bắt giam vào nhà lao Hội An rồi bị lưu đày đi Côn Đảo.

Sau 13 năm bị đày ải nơi địa ngục trần gian, năm 1921, Huỳnh Thúc Kháng được ra tù và bị quản thúc ở quê nhà. Chính quyền thực dân, phong kiến định mua chuộc bằng việc khôi phục hàm Tiến sĩ Hàn lâm viện biên tu và mời làm tại Viện Bác cổ ở Huế, nhưng ông khước từ.

Tháng 7-1926, Huỳnh Thúc Kháng trúng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và được cử làm Viện trưởng. Tháng 10-1927, ông từ chức. Trong thời gian này, ông thành lập Công ty Huỳnh Thúc Kháng ở Đà Nẵng kinh doanh ngành in và báo chí để tài trợ cho những hoạt động chính trị. Năm 1927, ông làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Tiếng Dân(2)- một trong những tờ báo đầu tiên ở Trung Kỳ. Đây cũng là thời gian Huỳnh Thúc Kháng có nhiều đóng góp vào việc thúc đẩy phong trào dân chủ và cống hiến cho văn hóa nước nhà nhiều sáng tác và biên khảo quý giá.

Nhật đảo chính Pháp, Huỳnh Thúc Kháng từ chối đề nghị của Bảo Đại mời tham gia nội các thân Nhật.

Không nhận các chức sắc do chính quyền thực dân, phong kiến mời mọc, nhưng khi Cách mạng Tháng Tám thành công và cảm động vì Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra giúp nước, tháng 3-1946, Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội đảm nhận trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Nội vụ của Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đặc biệt, ông đã đảm nhiệm thành công trọng trách Quyền Chủ tịch Chính phủ trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh đi Pháp, với lời dặn dò “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Năm 1946, lãnh thêm trách nhiệm Hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam, Huỳnh Thúc Kháng đã có những đóng góp quan trọng vào việc mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc để bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám và chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, được Chính phủ đặc phái vào Liên khu V công tác, ông lại nỗ lực đóng góp vào việc mở rộng khối đoàn kết dân tộc. 

Ông mất ngày 21-4-1947, hưởng thọ 72 tuổi. Thương tiếc người đã hiến trọn đời mình cho dân tộc độc lập, tự do và hạnh phúc của đồng bào, trong thư gửi toàn thể quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

“Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn đảo mười mấy năm trường gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh chẳng những không sờn lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm siêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”(3).

2. Tư tưởng

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng là người theo chủ nghĩa dân tộc. Đó là đánh giá chuẩn xác gắn với lịch sử của dân tộc ở đầu thế kỷ XX trên cơ sở tham chiếu với các hoạt động chủ yếu của ông trong giai đoạn lịch sử này. Huỳnh Thúc Kháng là người theo chủ nghĩa dân tộc “Duy tân”, mà ông là một trong những nhân vật lãnh đạo. Trong điều kiện lịch sử dân tộc lúc đó, thì “Duy tân” cần được hiểu là: đi theo lối mới để giành quyền dân tộc. Trong đó, cái lõi của “duy tân” chính là tư tưởng dân chủ. Lôgíc đó làm sáng tỏ một hiện thực và cũng là điều lý giải tại sao Huỳnh Thúc Kháng và các lãnh tụ của phong trào Duy tân lại chủ trương khai sáng dân tộc với tôn chỉ là “khai dân trí” để thông qua đó thức tỉnh tinh thần làm chủ của nhân dân và hướng tới giành quyền dân chủ cao nhất lúc này là quyền độc lập dân tộc bằng phương pháp bất bạo động. Chính vì vậy, lôgíc tư duy của Huỳnh Thúc kháng và những người lãnh đạo phong trào Duy tân là tập trung vào nội dung giáo dục với tuyên ngôn “Chi bằng học” của Phan Châu Trinh, được công bố trong bài báo “Hiện trạng vấn đề” đăng trên Đại Việt Tân báo năm 1907 là: “Xin có lời chính cáo với người nước ta rằng: không bạo động, bạo động tất chết, không trông người ngoài, trông người ngoài tất ngu. Đồng bào ta, người  nước ta ai cũng ham mến tự do tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào: Chi bằng học”.

Theo chủ trương đó, là người tiên phong “duy tân” trên lĩnh vực giáo dục, Huỳnh Thúc Kháng viết rằng: “Phàm về giáo dục phải nói đến chủ nghĩa của giáo dục. Đứng về phương diện xã hội phải lấy khoa học làm chủ nghĩa”(4). Vì vậy, ông phê phán “giới học nước ta không có tư tưởng tự do, không có năng lực sáng tạo, mất hẳn tính chất phán đoán, chỉ một mực nhắm mắt theo mù làm nô lệ cho người xưa”(5) và cho rằng một người làm khoa học “phải có tư tưởng độc lập, có trí não phán đoán tự do, để phát triển năng lực của mình, nhất là nuôi các mầm sáng tạo”. Và “muốn tư tưởng được tự do thì tâm trí phải biết tự lập mới được. Tự lập có nghĩa là tự mình xét, tự mình tin. Mà muốn tự mình xét, tự mình tin phải có não khảo cứu”(6).

Những yêu cầu này rõ ràng là gần gũi với con người tự do, sáng tạo nhằm thức tỉnh và tạo ra những con người làm chủ đất nước. Nội dung “duy tân” đó thấm đậm tư tưởng dân chủ của Huỳnh Thúc Kháng.

Có thể nói, từ đầu thế kỷ XX, kể từ năm 1905 cho tới năm 1943 (khi báo Tiếng Dânđình bản), các hoạt động của Huỳnh Thúc Kháng là hoạt động “duy tân” hướng tới đổi mới cách nghĩ, cách làm của con người Việt Nam trên mọi phương diện theo tư tưởng dân chủ. Với những hoạt động theo tư tưởng dân chủ trong gần nửa thế kỷ ấy, từ phong trào Duy tân đến các hoạt động nghị trường và báo chí sau này, Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần nuôi dưỡng tinh thần dân tộc bằng nguồn năng lượng mới - dân chủ - và đã góp phần tạo nên một lực lượng mới, một thế hệ con người với tư duy mới, sẵn sàng tiếp thu tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào nửa sau những năm hai mươi của thế kỷ XX.

Có thể nói, bên cạnh việc trân trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh, tư tưởng dân chủ chính là một lý do căn bản đã đưa Huỳnh Thúc Kháng ra tham chính và tận tụy phục vụ cho chính thể dân chủ mới ở nước ta.

Bởi vậy, cùng với tinh thần dân tộc, phải nói tới tư tưởng dân chủ của Huỳnh Thúc Kháng đã góp phần khai sáng cho dân tộc ở thế kỷ XX mà ngày nay chúng ta đang khai thác và xem đó là một nguồn năng lượng từ lịch sử của công cuộc đổi mới hiện thời. 

Trước khi lâm chung, trong thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, chí sĩ Huỳnh thúc Kháng cũng nói rõ rằng:“40 năm ôm ấp độc lập và dân chủ, nay nước độc lập, chế độ dân chủ đã thực hiện, thế là tôi chết hả”.Tâm sự đóđã nói rõ tư tưởng dân chủ của Huỳnh Thúc Kháng. Ông thực sự là một nhà hoạt động dân chủ đã góp phần khai sáng, thúc đẩy và xây dựng nền dân chủ ở nước ta.

3. Hành động

Huỳnh Thúc Kháng đến với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đi với Người hết đoạn đường còn lại của cuộc đời mình để tranh đấu cho dân tộc. Trước hết phải nói tới tình cảm hết sức đặc biệt của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự trân trọng và khâm phục về phẩm chất của một con người, một lãnh tụ tới mức chĩ sĩ không giấu giếm, một điều không dễ thấy biểu hiện ở những bậc túc nho(7).

Có người hỏi ông: Xin hỏi Cụ, cuộc kháng chiến này sẽ thắng bại thế nào và còn kéo dài bao lâu?

Ông trả lời:

“Ông tưởng tôi tâng bốc ông Hồ? Không! Đời tôi không tâng bốc ai bao giờ! Ông còn trẻ, ông hãy lặn lội ra Hà Nội gặp Ông Hồ cho biết!...Hồi năm 1926, Cụ Tây Hồ trước khi lâm chung, bàn về nhân vật  nước ta ở nước ngoài với tôi, đã có nói: “Độc lập của nước Việt Nam sau này sẽ cậy nhờ có Nguyễn Ái Quốc’’. Nay đã thấy rõ lời nói ấy linh nghiệm. Còn nói cuộc kháng Pháp hiện nay đến bao giờ kết thúc thì không thể đoán định được. Đã bảo là trường kỳ kháng chiến thì 5 năm, 10 năm, 20 năm biết đâu! Có một điều tôi dám đoán là chúng ta sẽ thắng. Trước kia các nhà cách mạng chỉ dựa vào lớp tri thức tư sản, ít để ý đến đại đa số quần chúng nhân dân tức là công nhân, nông dân nên thất bại. Nay thì khác: toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Đừng nói đâu xa, chỉ trong nhà trọ của tôi đây, ngày nào vợ chồng con cái cũng tham dự thảo luận kháng chiến săn sóc hũ gạo kháng chiến và theo học bình dân học vụ. Một nhà như vậy, trăm nhà như vậy, hàng ngàn nhà như vậy, sức thực dân dầu có máy bay, tàu lặn, có bao nhiêu bom đạn đi nữa cũng thua...Trên có sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch cùng những nhân vật tài ba lỗi lạc như các ông đã biết... đủ cả người ở ba kỳ Trung Nam Bắc mà ít ra các ông cũng đã nghe tiếng, dưới có sự đoàn kết nhất trí của toàn dân, thì các ông cứ tin tôi đi, mình sẽ đánh đuổi thực dân, rửa nhục cho Tổ quốc...”(8)

Rõ ràng, quan điểm cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sức hội tụ và lôi cuốn đối với Huỳnh Thúc Kháng. Điều đó cũng lý giải về việc, mặc dù không thống nhất với quan điểm cách mạng bạo lực của Đảng, nhưng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính phủ, Huỳnh Thúc Kháng đã rất tận tâm cho chính thể dân chủ mới và tham chính trong vị trí thứ 4 của Chính phủ trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bắt đầu làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ chính thức của nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Huỳnh Thúc Kháng dự phiên họp đầu tiên của Chính phủ vào ngày 4-3-1946 và đảm nhiệm vị trí Quyền Chủ tịch Chính phủ, theo Sắc lệnh số 82 ngày 29-5-1946, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, cho đến ngày 21-10-1946, khi Hồ Chí Minh về nước. Sau đó, ông lại tiếp tục được tái nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ mới thành lập vào tháng 11-1946. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc hết sức cam go.

Ông đã điều hành Chính phủ, lãnh đạo và tổ chức thành công việc ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, tiến hành đấu tranh với quân đội Trung Hoa dân quốc trong thực hiện Hiệp định 6-3-1946 và đối phó với hành động bạo lực lấn lướt của thực dân Pháp khi chúng thay thế quân Tưởng ở Bắc vĩ tuyến 16.

Trong thời gian giữ chức vụ Quyền Chủ tịch Chính phủ, Huỳnh Thúc Kháng đã ký 159 Sắc lệnh (từ Sắc lệnh số 92 đến 251) và quyết định nhiều vấn đề khi chủ trì các phiên họp của Hội đồng Chính phủ và đã rất thành công trong thực hiện phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong việc đối phó với kẻ thù và chuẩn bị lâu dài mọi mặt cho cuộc kháng chiến sắp tới chống lại thực dân Pháp.  

Trên cương vị Quyền Chủ tịch Chính phủ, ông đã kiên quyết trừng trị những kẻ “bất lương”, “trộm cướp” trong hai tổ chức phản động Việt Quốc và Việt Cách, với tuyên ngôn rất rõ ràng: “Đoàn kết là cần để xây dựng nền dân chủ cộng hòa, nhưng không thể vin vào đoàn kết mà làm những điều phi pháp. Tôi khuyên mọi đảng phái, mọi phần tử quốc dân đoàn kết. Nhưng cũng vì quyền lợi quốc gia, tôi phải đem ra trừng trị trước pháp luật những kẻ làm điều phi pháp”(9).

Có thể nói, trong hành trình giải phóng dân tộc, khi đi dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành một nhà lãnh đạo góp phần tích cực thúc đẩy dân tộc tiến lên phía trước và là một tấm gương sáng vì dân tộc cho mọi thế hệ người Việt Nam.

Chính vì vậy, khi được tin chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho toàn thể đồng bào: “Chúng ta thương tiếc Cụ bằng cách: đoàn kết chặt chẽ, càng hăng hái kháng chiến; bằng cách: theo gương dũng cảm, nối chí quật cường của Cụ; bằng cách hoàn thành sự nghiệp cứu nước cứu dân mà Cụ đã ra sức đeo đuổi suốt đời”(10).

____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2016

(1) Huỳnh Thúc Kháng tự truyện - trích theo Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước 1858-1975, Đảng bộ huyện Tiên Phước, 1993, tr.31.

(2) Báo xuất bản từ tháng 8-1927 cho tới tháng 4-1943 thì bị chính quyền thực dân đình bản.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.142.

(4) Chương Thâu - Phạm Ngô Minh: Huỳnh Thúc Kháng Tuyển tập, Nxb Đà Nẵng tr.269.

(5), (6) Sđd, tr.383-385, 269.

(7), (8) “Có người hỏi ông: 

- Gia sản sự nghiệp của ông Hồ ra làm sao? Học thức của ông ấy thế nào mà được mọi người tôn trọng quá vậy?

Cụ Huỳnh cười và đáp:

- Ông Hồ không phải như nhiều người khác mượn hai tiếng cách mạng để rồi làm giàu hoặc làm quan to như ông tưởng đâu! Ông Hồ không đồng xu dính túi. Nói bằng cấp thì Ông Hồ không là tiến sĩ, phó bảng gì cả. Nhưng nói tri thức và sự nghiệp cách mạng thì chắc chắn lớp chúng ta cũng như lớp trước chúng ta không ai bì kịp. Sự thấy biết của ông Hồ rất xa, rất rộng, chẳng những việc trong nước mà cả việc thế giới nữa kia. Nước này tương lai sẽ đi về đâu? Nước kia rồi đây sẽ thay đổi như thế nào? Ông ấy nói rất rành rọt, mạch lạc, nghe mãi không chán... (Hồi ký của ông Lê Nhiếp - Tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh).

(9) Tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 17-6-1946.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.143.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Cí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền