Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nguyễn Phong Sắc - người chiến sĩ cộng sản tận trung với Đảng, với Tổ quốc
Thứ ba, 28 Tháng 3 2017 17:21
1832 Lượt xem

Nguyễn Phong Sắc - người chiến sĩ cộng sản tận trung với Đảng, với Tổ quốc

(LLCT) Đồng chí Nguyễn Phong sắc là một chiến sĩ cộng sản thuộc lớp người tiên phong thời dựng Đảng đã góp phần đưa cách mạng nước ta đi theo con đường mới dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá vào Việt Nam. Bài viết này mong muốn góp phần làm làm rõ những cống hiến quan trọng của đồng chí trong tiến trình đó.

1. Nguyễn Phong Sắc sinh năm 1902 trong một gia đình yêu nước tại Hà Nội. Thân phụ là ông Nguyễn Đình Phúc, một trí thức từng tham gia tích cực vào phong trào Đông kinh nghĩa thục, sau khi phong trào này bị đàn áp, ông lại tham gia vào vụ “Hà thành đầu độc” nên bị thực dân Pháp kết án 10 năm tù lưu đầy ra ngục Côn Đảo. Khi mãn hạn tù trở về, sức yếu, ông lại quyết chí rửa nhục non sông theo cách đào tạo thế hệ trẻ, trong đó có con mình là Nguyễn Phong Sắc tiếp tục ý chí chống Pháp.

Mặc dù học tập trong môi trường giáo dục của chế độ thực dân và trở thành một viên chức, nhưng với tinh thần yêu nước, Nguyễn Phong Sắc đã tiếp nhận ngay những tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và cùng với những chuyển biến nhanh chóng trong nhận thức của mình theo sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Nguyễn Phong Sắc đã góp phần vào quá trình vận động của cách mạng vô sản ở Việt Nam.

Cuối năm 1926, Nguyễn Phong Sắc là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tháng 6-1927, đồng chí trở thành một trong ba thành viên của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội. Tháng 9-1928 là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ phụ trách công tác tuyên truyền của Kỳ bộ và từ đầu năm 1929 là Bí thư Ban Chấp hành Tỉnh bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hà Nội.

Chính trong những tháng năm hoạt động sôi nổi này, cùng với hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc vào phong trào công nhân và yêu nước Việt Nam, Nguyễn Phong Sắc đã góp phần to lớn thúc đẩy quá trình chuyển hóa mạnh mẽ phong trào yêu nước ở Việt Nam theo con đường cách mạng với sự hình thành các tổ chức cộng sản ở nước ta. Sự ra đời của Chi bộ cộng sản  đầu tiên ở Hà Nội (ngày 7-3-1929) đánh dấu quá trình đó mà Nguyễn Phong Sắc là một trong những thành viên sáng lập. Sự ra đời của Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Bắc Kỳ thúc đẩy nhanh quá trình vận động thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam thông qua kiến nghị của Đại hội đại biểu của Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc kỳ (28-3-1929) với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1-5-1929) đã đưa tới việc thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17-6-1929 mà Nguyễn Phong Sắc là một thành viên sáng lập và là một Ủy viên BCH Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Trở thành Ủy viên BCH Trung ương lâm thời của Đông Dương cộng sản Đảng, Nguyễn Phong Sắc (và Trần Văn Cung) được phân công là đại diện của Đảng ở miền Trung với nhiệm vụ xây dựng hệ thống tổ chức đảng và trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng ở Trung Kỳ và các tỉnh Nam Trung Kỳ. Cuối tháng 7-1929, đồng chí đã lãnh đạo thành lập Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng và trực tiếp là Bí thư Kỳ bộ.

Khi đồng chí Trần Văn Cung bị địch bắt vào tháng 8-1929, nhiệm vụ xây dựng Đảng ở miền Trung trở nên khó khăn và đặt toàn bộ lên vai đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Nhưng với sự kiên cường và nỗ lực cao độ, trong một thời gian ngắn, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã hoàn thành việc lãnh đạo thành  lập các chi bộ cộng sản trên cơ sở các chi bộ của Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, đồng thời trên cơ sở đó tiến tới thành lập Tỉnh bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng của các tỉnh này.

2. Những đóng góp to lớn của Nguyễn Phong Sắc đối với tiến trình  vận động thành lập Đảng Cộng sản duy nhất ở nước ta được thừa nhận khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam: đồng chí trở thành Ủy viên BCH Trung ương lâm thời của Đảng và là Bí thư Kỳ bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ. Trên cương vị này, từ tháng 3-1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc lãnh đạo tiến hành việc tổ chức ra Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản ở Trung Kỳ trên cơ sở thống nhất giữa Kỳ bộ Đảng Cộng sản Việt Nam với những người lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Kỳ và trở thành đặc phái viên Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Phân cục Trung ương Đảng ở Trung Kỳ. Với trọng trách này, đồng chí đã đóng góp quan trọng vào tiến trình hợp nhất các tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành lập tổ chức đảng các cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam ở các tỉnh miền Trung.

Cùng với lãnh đạo xây dựng tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở miền Trung là các hoạt động không ngưng nghỉ của đồng chí Nguyễn Phong Sắc trong lãnh đạo xây dựng các tổ chức quần chúng cách mạng ở đây. Các tổ chức Tổng Công hội, Tổng Nông hội, Tổng Sinh hội và hệ thống các cấp lần lượt ra đời là cơ sở chính trị vững chắc cho hoạt động của Đảng ở Trung Kỳ. Các tổ chức đoàn thể quần chúng ra đời và hoạt động tích cực đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân chống đế quốc phong kiến dưới sự lãnh đạo của Phân cục Trung ương của Đảng Cộng sản ở Trung Kỳ ở Nghệ An, Hà Tĩnh - phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, đã tạo ra “một sự thắng lợi lớn lao cho công nông Nghệ -Tĩnh, mà cũng là cho cả toàn thể công nông trong nước nữa”(1).   

Những cống hiến của đồng chí Nguyễn Phong Sắc đối với Đảng và phong trào cách mạng nước ta đã được Hội nghị BCH Trung ương lần thứ nhất tháng 10-1930 xác nhận với việc Hội nghị bầu vắng mặt đồng chí vào BCH Trung ương chính thức của Đảng và Ban Thường trực Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào Xô viết Nghệ -Tĩnh, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố. Để chống lại cuộc tàn sát của kẻ thù, cần thiết phải củng cố hệ thống tổ chức đảng và đánh giá đúng sự phát triển của phong trào cách mạng, nên tháng 12 -1930, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã  triệu tập và chủ trì Hội nghị cán bộ mở rộng Phân cục Trung ương Trung Kỳ để nghiên cứu các văn kiện của Hội nghị tháng 10-1930, đồng thời đánh giá và nhận định tình hình phong trào cách mạng Trung Kỳ khi kẻ thù khủng bố trắng. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được bầu vào Ban Thường vụ Xứ ủy và là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương.

Sau khi tham dự Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ hai họp tại Sài Gòn (từ ngày 12 đến 31- 3 -1931), đồng chí Nguyễn Phong Sắc trở về  Nghệ An triệu tập Hội nghị mở rộng của Xứ ủy Trung Kỳ (họp từ ngày 24 đến 29-4-1931) để phổ biến Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương lần thứ hai. Tại Hội nghị này, đồng chí đã phân tích rõ tư tưởng “ấu trĩ” tả khuynh đã dẫn tới chủ trương thanh đảng của Xứ ủy Trung Kỳ theo khẩu hiệu “Thanh trừ trí, phú, địa, hào, đào tận gốc trốc tận rễ” và quán triệt những biện pháp sửa chữa và chống khủng bố của địch, giữ vững phong trào.       Sau khi thực hiện nhiệm vụ phổ biến Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ hai cho Xứ ủy Bắc kỳ ở Hải Phòng, trên đường trở về Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị thực dân Pháp bắt tại Hà Nội. Chúng dùng mọi thủ đoạn dã man đối với gia đình và bản thân nhưng không lung lạc tinh thần kiên trung của đồng chí. Biết rõ vai trò và không thể lung lạc được đồng chí, thực dân Pháp đã quyết định thủ tiêu đồng chí mà không cần xét xử. Đêm 25-3-1931, chúng bí mật bắn đồng chí và 22 chiến sĩ khác ở đồn Song Lộc, xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

3. Nguyễn Phong Sắc là lớp chiến sỹ cách mạng đã đi từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa cộng sản qua sự giác ngộ tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Đó là một quá trình tự nhiên của một trí thức yêu nước, vì căm thù đế quốc xâm lược, đã giác ngộ lý tưởng rất nhanh chóng. Vì thế, trong quá trình vận động thành lập Đảng và xây dựng hệ thống tổ chức Đảng trong những năm tháng Đảng mới ra đời với tràn đầy nhiệt huyết và đã có những cống hiến to lớn:

Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là một trong những nhân vật hàng đầu đóng góp to lớn vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh ở Việt Nam làm chuyển biến phong trào yêu nước và thúc đẩy nhanh giai cấp công nhân ở nước ta đi từ tự phát tới tự giác. 

Đồng chí là một trong những người cách mạng tiên phong nhận thức rõ sự cần thiết phải xây dựng tổ chức cộng sản ở nước ta trước sự phát triển của phong trào công nhân, tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên tại Hà Nội và sau đó là Đông Dương cộng sản Đảng;

Đồng chí cũng là người thuộc lớp đầu nhận thức được, đến ủng hộ và góp phần tiến hành thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam trên thực tế và phát triển các tổ chức quần chúng.

Là người có vị trí trong BCH Trung ương lâm thời và BCH Trung ương chính thức khóa đầu của Đảng ta, trên tư cách là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí có công lớn trong việc xây dựng Đảng trên mọi phương diện trong những tháng ngày mới ra đời.

Là người trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng đầu tiên của dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng- cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã góp phần to lớn vào việc khẳng định vị trí độc quyền lãnh đạo và vai trò chính trị của Đảng trên thực tế.

Anh dũng hy sinh khi còn rất trẻ khi mới 29 tuổi và hoạt động cách mạng mới 6 năm, nhưng trong điều kiện lịch sử cực kỳ khó khăn, phức tạp lúc đó, Nguyễn Phong Sắc thực sự là một nhà lãnh đạo đã góp phần quan trọng thúc đẩy cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới về chất theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra - đưa tới những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử của dân tộc. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc là tấm gương tiêu biểu của một chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng, tận trung với Tổ quốc.

__________________

 (1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.1, tr 58.

 

PGS,TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

 

                  

                                                         

 


 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền