Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam những năm 1954-1958
Thứ năm, 11 Tháng 5 2017 17:21
19460 Lượt xem

Phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam những năm 1954-1958

(LLCT) - Thực tiễn 4 năm đấu tranh chính trị ở miền Nam (1954- 1958) phản ánh nguyện vọng cháy bỏng của nhân dân ta mong muốn hòa bình, thống nhất Tổ quốc; góp phần duy trì và giữ gìn lực lượng cách mạng, bảo vệ những thành quả cách mạng đã giành được trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo thế và lực cho cuộc đấu tranh trong đoạn tiếp theo. Đấu tranh chính trị ở miền Nam còn phản ánh thái độ nghiêm chỉnh của ta trong việc thi hành Hiệp định Giơnevơ; bước đầu làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chính trị lừa bịp của chủ nghĩa thực dân mới.

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân ta, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (7-1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình trên bán đảo Đông Dương. Đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền: miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn dưới ách thống trị của đế quốc và tay sai. Theo nội dung của Hiệp định, trong thời gian 2 năm kể từ ngày ký kết Hiệp định, ở Việt Nam sẽ thực hiện hiệp thương giữa hai miền Nam-Bắc, tiến tới tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Ngay trong đêm Pháp thua ở Điện Biên Phủ (7-5-1954), Tổng thống Mỹ Aixenhao họp với Bộ trưởng Ngoại giao P. Đa lét đề xuất chủ trương hất cẳng Pháp, đòi Pháp phải trao quyền để Mỹ đứng ra trực tiếp huấn luyện, chỉ huy quân đội tay sai. Ngày 16-6, Mỹ ép Pháp và Bảo Đại buộc Thủ tướng bù nhìn Bửu Lộc, tay sai Pháp, từ chức và đưa Ngô Đình Diệm-tay sai Mỹ, lên thay. Ngày 7-7, nội các bù nhìn mới với nhiều thành phần thân Mỹ thành lập, do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng.

Ngày 8-8-1954, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) do Tổng thống Aixenhao chủ trì, chính thức quyết định chủ trương hất cẳng Pháp và thay Pháp xâm lược Việt Nam. Quyết định NSC 5429/2 của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ có bốn nội dung cơ bản:

1. Mỹ trực tiếp viện trợ cho chính quyền Sài Gòn không qua tay Pháp.

2. Pháp chỉ được viện trợ 100 triệu đôla trong tổng số 400 triệu viện trợ của Mỹ cho miền Nam Việt Nam.

3. Pháp phải rút hết quân khỏi miền Nam và phải ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm.

4. Loại bỏ Bảo Đại, tay sai của Pháp.

Sau khi gạt Pháp ra khỏi guồng máy cai trị và độc chiếm miền Nam, Mỹ hướng ngay mũi nhọn đàn áp về phía cách mạng. Chúng tổ chức mạng lưới kìm kẹp đến tận xã phường, khóm, ấp. Chúng ra thông cáo bắt cán bộ ta ra trình diện, phân loại nhân dân, làm tờ khai gia đình, thành lập “ngũ gia liên bảo”, tổ chức các đảng phái phản động, các mạng lưới tề ngụy, dân vệ, mật vụ ở xã, tổng đoàn dân vệ và đại đội bảo an ở huyện. Để cướp lại ruộng đất của nông dân đã được chia trong kháng chiến, chúng ra chỉ dụ lập “khế ước ruộng đất” xác nhận quyền sở hữu ruộng đất của địa chủ, buộc nông dân trở lại làm tá điền”. Chúng đàn áp trắng trợn các cuộc đấu tranh của quần chúng đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi quyền dân chủ, dân sinh.

Trong những thủ đoạn đánh phá và tiêu diệt phong trào cách mạng, thủ đoạn thâm độc nhất của Mỹ-Diệm là kết hợp những cuộc hành quân càn quét với chiến dịch “tố cộng” liên tiếp. Ở Liên khu V, tháng 2-1955, chúng mở chiến dịch Phan Châu Trinh đánh phá Quảng Nam, tháng 4-1955, mở chiến dịch Giải phóng đánh phá Quảng Ngãi và Bình Định, chiến dịch Trịnh Minh Thế đánh phá các tỉnh còn lại ởLiên khu V...

Trước tình hình mới, Hội Trung ương 6 của Đảng từ ngày 16 - 17 tháng 7-1954 nhận định: “Thắng lợi của ta làm cho đế quốc Mỹ tỉnh dậy. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, âm mưu và kế hoạch can thiệp của Mỹ cũng thay đổi để kéo dài chiến tranh Đông Dương, quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương, phá hoại Hội nghị Giơnevơ, tìm hết cách hất cẳng Pháp để chiếm ba nước Việt- Miên -Lào”(1).

Từ ngày 5 đến 7-9-1954, Bộ chính trị đã họp đánh giá tình hình và đề ra nhiệm vụ cho Đảng bộ miền Nam, trong đó nhấn mạnh: “Lãnh đạo nhân dân đấu tranh thực hiện hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ (tự do ngôn  luận,  tự  do hội họp, tự do tổ chức, tự do đi lại, v.v.), cải thiện dân sinh thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập”(2).

Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 7 (3-1955) xác định mục tiêu đấu tranh trước mắt của toàn dân ta trong giai đoạn này là: “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”(3). Hội nghị Trung ương 8 (8-1955) chủ trương: tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta ở miền Nam đã mở đầu giai đoạn đấu tranh mới bằng những cuộc biểu tình chính trị rầm rộ nổ ra khắp các tỉnh thành, đòi Mỹ - Diệm thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản của Hiệp địnhGiơnevơ.

Ngay từ ngày 1-8-1954, một cuộc mít tinh lớn với50nghìnngười tham gia, diễn ra tại đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn đòi chính quyền Mỹ - Diệm thi hành tự do dân chủ, hủy bỏ việc động viên quân đội. Cũng trongthời gian này, phong trào đấu tranh nổi lên rầm rộ khắp nơi: 25nghìnnhân dân Đà Nẵng, 15nghìnnhân dân Huế biểu tình hoan nghênh Hiệp nghị Giơnevơ, đòi đối phương trả chồng con bị bắt lính, đòi trả tự do cho tất cả tù chính trị và đòi trả hết tù binh. Ngày 2-8-1954, 5nghìncông nhân đồn điền cao su An Lộc bãi công liên tiếp trong 3 ngày để chào mừng Hiệp nghị Giơnevơ, đấu tranh đòi chủ tăng lương 20% và đòi bãi bỏ thuế đảm phụ chiến tranh.

Hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và An Lộc, trên hầu khắp các thành phố, thị xã, làng mạc miền Nam đều có mít tinh, biểu tình. Điển hình làcuộc biểu tình của 1nghìnquần chúng của ba ấp: Bình Huề, Bình Thạnh, Bình Thắng thuộc xã Bình Đại vào ngày 19-8-1954 chào đón các Ủy ban Liên hiệp và Ủy ban Quốc tế. Ngay sau đó, nhân dân toàn huyện Bình Đại (Bến Tre) tổ chức một cuộc biểu tình 15nghìnngười tham gia, trương băng cờ, khẩu hiệu, đòi thi hành nghiêm chỉnh các điều khoản của Hiệp nghị Giơnevơ.

Từ cuối năm 1954 đến giữa năm 1955, hàng trăm ủy ban đấu tranh vì hòa bình được thành lập, tiêu biểu là phong trào hòa bình Sài Gòn- Chợ Lớn. Các ủy ban này hoạt động công khai, mạnh mẽ trong các đô thị lớn ở miền Nam với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân lao động, trí thức, nhân sĩ tiến bộ. Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn-Chợ Lớnthu hút được sự tham gia của nhiều trí thức cóuy tín. Lãnh đạo phong trào là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Tổng thư ký là Giáo sư Phạm Huy Thông.

Trước sự phát triển mạnh mẽcủa Phong trào, chính quyền Diệm đã ra tay khủng bố. Chúng cho bắt giữ một số người lãnh đạo của Phong trào, trong đó có Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Giáo sư Phạm Huy Thông. Một phong trào quần chúng phản đối chính quyền Diệm đàn áp những người đấu tranh cho hòa bình nổi lên ở Sài Gòn và nhiều nơi. Nhiều thư từ, kiến nghị, mít tinh đòi ngụy quyền phải trả tự do cho những người bị bắt. Bốn lần ngụy quyền định đưa các chiến sĩ của phong trào hòa bình ra tòa nhưng cả bốn lần chúng không dám công khai xét xử.

Ở nông thôn, phong trào chống cướp đất, chống tăng tô, chống khủng bố, chống “tố cộng”, “diệt cộng”, chống dồn làng… phát triển mạnh. Đầu năm 1955, chính quyền Diệm công bố Đạo dụ số 2 “cải cách điền địa”(4)nhằm cướp đoạt ruộng đất của nông dân được cách mạng chia trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Phong trào đấu tranh của nông dân chống xáo cấp công điền, chống cướp đất của các gia đình có con em tập kết, đòi giữ nguyên canh diễn ra sôi nổi khắp nông thôn miền Nam. Tiêu biểu là phong trào đấu tranh của nông dân ở Khu V và Trị-Thiên. Mặc dù địch đã làm giấy tờchia lại ruộng đất, nhưng nông dân kiên quyết phản đối không thực hiện. Sau 3 tháng tiến hành xáo cấp công điền ở 731 thôn thuộc Trị- Thiên, địch chỉ thực hiện được ở 21 thôn. Ở Bình Định, Quảng Ngãi có phong trào mạnh mẽ chống cướp giật ruộng công của các gia đình có người tập kết. Nông dân Bình Đức, Chu Lai, Củ Chi, Long Bình, Biên Hòa...đấu tranh chống địch đuổi dân lập khu căn cứ quân sự. Nông dân đấu tranh chống địch thành lập bộ máy cai trị ở nông thôn. Nhiều nơi nông dân đòi bầu cử dân chủ, chống âm mưu đưa những tên ác ôn từ địa phương khác đến. Có nơi, ta đưa người cài cắm vào bộ máy ngụy quyền. Ở vùng Tây Nguyên, ta đã cảm hóa được 50% số nhân viên hành chính cấp xã, 10-25% nhân viên cấp huyện

Nổi bật hơn cả là Phong trào đòi hiệp thương Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Đây là phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn và sôi nổi nhất diễn ra suốt hai năm 1955 và 1956. Ngày 8-8-1955, hơn 2nghìnđồng bào huyện Đức Hòa (Chợ Lớn) mít tinh, đưa kiến nghị đòi Ngô Đình Diệm phải hiệp thương với miền Bắc. Trong tháng 8-1955, ở các tỉnh Sa Đéc, Gò Công, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Châu Đốc, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu...tổ chức Đảng và các cơ sở cách mạng đã huy động hàng chục vạn quần chúng xuống đường, lấy chữ ký phản đối Mỹ-Diệm, đòi hiệp thương tổng tuyển cử.

Trong tháng 7 và 8-1955, nhân dân các tỉnh QuảngNam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận liên tiếp biểu tình, gửikiến nghị cho Ủy ban Quốc tế, đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Riêng ngày 22-6-1955, đã có bãi thị trong toàn tỉnh Thừa Thiên để phản đối Mỹ-Diệm phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ.

Từ giữa năm 1956, Mỹ và chính quyền Sài Gòn triển khai giai đoạn 2 “tố cộng diệt cộng”. Chúng mở nhiều cuộc hành quân quy mô lớn như: “chiến dịch Thoại Ngọc Hầu” ở 18 tỉnh miền Tây Nam Bộ, từ tháng 5-1956 đến tháng 2-1957, "chiến dịch Trương Tấn Bửu" ở miền Đông Nam Bộ từ tháng 7-1956 đến tháng 2-1957, "chiến dịch Thồ Lô" ở 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ tháng 9-1958, "chiến dịch Hồng Châu" ở vùng ven đô Sài Gòn-Gia Định tháng 7-1958, "chiến dịch Nguyễn Trãi" ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ từ tháng 4 đến tháng 11-1956...

Ở các tỉnh Trung Bộ như Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận... chúng tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét rất dã man. Ở các vùng miền núi thuộc cực Nam Trung Bộ, chúng thi hành chính sách "lấy người dân tộc trị người dân tộc" với những cuộc hành quân càn quét liên tiếp, chà đi xát lại nhiều lần.

Với khẩu hiệu “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, Mỹ - Diệm bắn giết những người yêu nước và cách mạng, vừa mua chuộc, chiêu hàng những phần tử dao động, phản bội với khẩu hiệu “dĩ đảng, trị đảng”, “dĩ dân, trị dân”. Cơ sở đảng, cơ sở cách mạng nhiều địa phương bị tan vỡ. Từ năm 1955 đến 1958, ở Nam Bộ, Mỹ-Diệm đã giết hại khoảng 68nghìnđảng viên, cán bộ, bắt 466nghìnngười, tra tấn thành thương tật 680nghìnngười, bắt giam trong các nhà tù 400nghìnngười; ở khu V, Mỹ-Diệm bắt hoặc giết hại khoảng 70% đảng ủy viên xã, 60% huyện ủy viên, 40% tỉnh ủy viên(5).

Tỉnh Quảng Trị sau khi một số đảng viên đã tập kết ra Bắc, còn 8.400 đảng viên, đến cuối năm 1956, chỉ còn 7 chi bộ với 106 đảng viên. Tỉnh Quảng Nam trong kháng chiến chống Pháp có 49nghìnđảng viên, đến đầu năm 1957 chỉ còn vài trăm đảng viên. Các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, số cán bộ bất hợp pháp còn lại chưa tới 30% so với thời gian cuối năm 1954(6).

Trước tình hình đó, ngày 8 và 9-6-1956, Bộ Chính trị đã họp nhằm đánh giá tình hình, đề ra nhiệm vụ, phương hướng hoạt động, củng cố Đảng ở miền Nam. Bộ Chính trị chỉ rõ về tính chất của cuộc vận động cách mạng ở miền Nam là "dân tộc dân chủ", và nhiệm vụ của cách mạng là "phản đế và phản phong".Bộ Chính trị vạch rõ: "Hình thức đấu tranh của ta trong toàn quốc hiện nay là đấu tranh chính trị, không phải là đấu tranh vũ trang. Nóinhư thế không có nghĩa là tuyệt đối không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định...".

Từ thực tiễn phong trào đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân miền Nam, đồng chí Lê Duẩn đã dự thảo bản Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam (gọi tắt là Đề cương cách mạng miền Nam).

Đề cương chỉ rõ nhiệm vụ của cách mạng miền Nam là: "trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phát xít Ngô Dinh Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân".

Đề cương khẳng định:"Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ-Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác".

Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 10 họp từ ngày 28-8 đến ngày 18-10-1956, khẳng định: "Sự nghiệp đấu tranh thống nhất là một nhiệm vụ cách mạng: đó là sự nghiệp tiếp tục và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Là một sự nghiệp cách mạng, công cuộc đấu tranh thống nhất là lâu dài, gian khổ, phức tạp nhưng nhất định thắng lợi".

Hội nghị nhấn mạnh phương châm hoạt động của cách mạng là: "giữ gìn và tích trữ lực lượng, đấu tranh bền bỉ và lâu dài, chống phiêu lưu mạo hiểm, đồng thời chống thủ tiêu đấu tranh”.

Từ năm 1957, tuy ở miền Nam không còn những đợt đấu tranh chính trị sôi nổi và rầm rộ đòi hiệp thương và tổng tuyển cử như thời gian trước đó, nhưng phong trào đấu tranh chính trị vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Nếu năm 1957 có 2 lượt triệu người tham gia đấu tranh chính trị, thì năm 1958 có 3,7 triệu người và năm 1959 có gần 5 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị. Đó là các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương đòi các quyền tự do, dân chủ và dân sinh, chống độc tài phátxít. Ở Sài Gòn, cuộc đấu tranh ngày 1-5-1957 có tới 28 vạn người tham gia và cuộc biểu tình ngày 1-5-1958 thu hút nửa triệu người tham gia. Nhưng dai dẳng và quyết liệt hơn cả là cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống chính sách "tố cộng", "diệt cộng" của Mỹ-Diệm.

_________________

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn  tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t.15, tr. 165, 308

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.16, tr. 186

(4) Đạo dụ số 2 ra ngày 8-1-1955, quy định: lập khế ước tá điền loại A, nghĩa là đối với ruộng đang làm, thời hạn khế ước là 5 năm; mức tô từ 15% đến 25%, mức tức 12%; lập Ủy ban nông vụ, tức tòa án điều hòa quyền lợi chủ ruộng tá điền.

Nông dân ký khế ước tức là từ bỏ quyền sở hữu ruộng đất mình đã được chia, đã trồng trọt nhiều năm nay. Ký khế ước là thừa nhận ruộng ấy trở về tay địa chủ. Đạo dụ số 2 của chính quyền Diệm nhằm khôi phục sở hữu ruộng đất của địa chủ kể cả địa chủ Pháp, khôi phục sự bóc lột phong kiến. Nông dân nào không chịu ký khế ước bị xem là "Việt cộng” có thể bị bắt đi tù. Mức tô dụ số 2 quy định cao hơn mức tô trước 1945 (không quá 15%).

(5) Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam:Cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ ở Việt Nam,Hà Nội, 1991, tr. 31

(6) Viện Lịch sử Đảng: Hội đồng biên soạn lịch sử Nam Trung Bộ kháng chiến - Nam Trung bộ kháng chiến 1945 -1975, Hà Nội, 1992, tr. 256

 

ThS Nguyễn Thị Lan Phương

ThS Hoàng Thị Thắm

Trường Đại học Thương mại

 

 

 

 

                               

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền