Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Suy nghĩ về quan điểm “bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” của đồng chí Phạm Hùng
Thứ tư, 14 Tháng 6 2017 09:30
3565 Lượt xem

Suy nghĩ về quan điểm “bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” của đồng chí Phạm Hùng

(LLCT) Đồng chí Phạm Hùng là một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong, “gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng”, “sẵn sàng hy sinh tất cả vì nước, vì dân, giữ vững niềm tin ở thắng lợi cuối cùng”; là “một nhà lãnh đạo kiên định”, “đem hết trí tuệ và sức lực nhằm hoàn thành công việc được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”(1). Kỷ niệm 105 năm ngày sinh của đồng chí, bài viết đề cập tới một di huấn chính trịđặc biệt mà đồng chí để lại, đó là: “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc”(2).

1. Phát biểu tại Đại hội lần thứ IV của Đảng bộ tỉnh Cửu Long (sáng ngày 6-10-1986), trước thềm của Đại hội VI của Đảng, đồng chí Phạm Hùng nêu quan điểm: “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc”. Đây là lần đầu tiên một quan điểm quan trọng trong hệ thống quan điểm có ý nghĩa chiến lược về quan hệ giữa xây dựng với bảo vệ Tổ quốc XHCN ở nước ta được đồng chí nêu lên.

Để đi tới quan điểm trên, khi nói “Về vấn đề kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng và an ninh” đồng chí Phạm Hùng đã nêu rõ: cần phải làm cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và toàn thể đồng bào nhận thức sâu sắc tình hình đất nước là “trong bất kỳ tình huống nào cũng phải phấn đấu thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” và chỉ rõ rằng: “hai nhiệm vụ chiến lược ấy không thể tách rời nhau”. Đồng chí đã giải thích: “Phải ra sức xây dựng Chủ nghĩa xã hội làm cho nước ta mạnh lên về mọi mặt mới đủ sức đánh thắng mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Phải tăng cường phòng thủ đất nước, cả quốc phòng và an ninh, làm thất bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của kẻ địch, mới tạo điều kiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”(3).

Nhưng, theo đồng chí Phạm Hùng, khái niệm “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” cần phải được thấu hiểu với nội hàm đặc biệt, đó là: “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa không chỉ là ý niệm địa lý bao gồm đất đai sông núi, vùng trời, mà còn là chế độ xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa”(4).

Theo đồng chí Phạm Hùng, “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” cũng không chỉ dùng lại ở khái niệm chế độ xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa mà “Tổ quốc đó còn là Đảng Cộng sản, hạt nhân của hệ thống chuyên chính vô sản, lực lượng lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của chủ nghĩa xã hội(5).

Từ nội hàm của khái niệm “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa” sâu sắc, rộng lớn và với lôgíc biện chứng trong quan hệ như vậy, đồng chí Phạm Hùng xác định: “Chính vì vậy, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa không chỉ là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không để cho kẻ thù xâm phạm đến một tấc đất của Tổ quốc. Bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa còn phải: “bảo vệ chính trị của chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ đường lối và tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, bảo vệ Nhà nước chuyên chính vô sản, bảo vệ khối thống nhất của nhân dân các dân tộc, bảo vệ  khối liên minh công nông”.

Theo đó, đồng chí Phạm Hùng xác định: trong khi “phải xây dựng và bảo vệ nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa”, phải “bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin trong sáng, từng bước hình thành và phát triển trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta”(6).

Như vậy, “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” không chỉ là bảo vệ đất đai, sông núi, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc mà còn là bảo vệ tất cả các yếu tố chính trị, kinh tế, giá trị văn hóa, con người xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là bảo vệ đầy đủ tất cả các yếu tố chính trị - xã hội cấu thành nên khái niệm Tổ quốc xã hội chủ nghĩa: đó là chính trị của xã hội chủ nghĩa, là Đảng Cộng sản, là Nhà nước cùng cơ sở xã hội là Mặt trận dân tộc thống nhất với liên minh công- nông làm nòng cốt và chủ nghĩa Mác Lênin với tư cách là nền tảng tư tưởng của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đồng chí còn cho rằng, bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách là Tổ quốc là bảo vệ “mỗi thành tựu của chủ nghĩa xã hội, dù lớn hay nhỏ, vì “nếu không bảo vệ chặt chẽ cũng có thể bị kẻ thù phá hoại làm ảnh hưởng tai hại đến cơ sở để tiếp tục tiến lên”.

Trên quan điểm đó, đồng chí chỉ ra rằng, để “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc”- với nội dung rộng lớn và sâu sắc như trên - “phải trở thành thói quen trong suy nghĩ và hành động của mỗi đảng viên cộng sản, của mỗi công dân xã hội chủ nghĩa trên bất cứ lĩnh vực hoạt động nào”. Theo đồng chí, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội là mục tiêu chung và vì lợi ích chung của toàn thể nhân dân, cho nên “Ý thức bảo vệ  phải được thấm nhuần với tinh thần cảnh giác cách mạng cao” và phải “trở thành phổ biến và thường xuyên vào mọi công việc bình thường hàng ngày của công tác, lao động, sản xuất và chiến đấu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta”(7).

Với lôgíc trên, đồng chí yêu cầu, “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” phải là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Từ phân tích trên cho thấy rõ quan điểm “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” đó là: Sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội chỉ được bảo đảm khi nó biết tự bảo vệ và sự tự bảo vệ đó chỉ thắng lợi khi chủ nghĩa xã hội được bảo vệ với tính cách Tổ quốc. Đó là di huấn chính trị đặc biệt mà đồng chí Phạm Hùng để lại cho chúng ta.

2. Quan điểm “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” mà đồng chí Phạm Hùng đã nêu lên trong bối cảnh “đêm trước” đổi mới, khi Đảng ta và nhân dân ta đang từng bước tìm tòi thí điểm đổi mới từng phần để chuẩn bị đổi mới toàn diện trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chính là sự quán triệt trung thành, khoa học tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển những quan điểm đổi mới của Đảng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà đồng chí Phạm Hùng đã nêu, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)(8), Đảng ta đã chỉ rõ nội hàm của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, đối ngoại và cụ thể hóa trong tám phương hướng xây dựng đất nước từ nay tới giữa thế kỷ XXI. Đồng thời với việc xác định mục tiêu “xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trên phương hướng cơ bản đó, Đảng ta cũng chỉ rõ, trong quá trình đó “phải đặc biệt chú trọng và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn biểu thị mối quan hệ chặt chẽ giữa bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đó là quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân lao động làm chủ...”(9).

Chỉ rõ rằng, “Sự ổn định và phát triển bền vững về mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng an ninh”, Đảng ta khẳng định: “Phát triển kinh tế xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng-an ninh”; phải “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng-an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế xã hội và trên từng địa bàn”(10).

Nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ trên đây, cả trong lý luận và thực tiễn, thực chất là thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội cũng như quan điểm “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” mà đồng chí Phạm Hùng đã thấm nhuần sâu sắc từ tư tưởng Hồ Chí Minh và bổ sung phát triển phù hợp với yêu cầu mới.

Quan điểm đó còn được thể hiện cụ thể trong Cương lĩnh (năm 2011) khi Đảng ta xác định: “Mục tiêu của quốc phòng- an ninh (với mục tiêu hàng đầu) là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”; là “bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn và làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”(11).

Quan điểm “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà đồng chí Phạm Hùng đã nêu lên cũng được thể hiện rõ trong việc xác định mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong Cương lĩnh năm 2011: “Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống kinh tế xã hội là nền tảng vững chắc của quốc phòng an ninh. Phát triển kinh tế -xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng-an ninh, quốc phòng an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển kinh tế -xã hội và trên từng địa bàn”.

Quan điểm đó còn được thể hiện trong nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” và nhấn mạnh yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu”.

Có thể nói, quan điểm “Bảo vệ chủ nghĩa xã hội với tính cách Tổ quốc” của đồng chí Phạm Hùng thấm đậm tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đang hiện hữu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục được cụ thể hóa ở Đại hội XII của Đảng. Với tinh thần đó, đồng chí Phạm Hùng đi mãi cùng Đảng và dân tộc trong cuộc hành trình tới mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.  

_______________      

(1) Điếu văn do đồng chí Nguyễn Văn Linh Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Báo Nhân Dân ngày 16-6-1988

(2), (3), (4), (5), (6), (7) Bài phát biểu của đồng chí Phạm Hùng tại Đại hội lần thứ IV Đảng bộ tỉnh Cửu Long sáng ngày 6-10-1986, trong Chân dung người cộng sản chân chính, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 547, 547, 547, 547, 547, 547.

(8) Viết tắt là Cương lĩnhnăm 2011

(9), (10), (11) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 73, 62, 81.

       PGS, TS Phạm Hồng Chương

 Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền