Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Phương pháp ngoại giao “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Pháp năm 1946
Thứ hai, 26 Tháng 6 2017 09:35
6045 Lượt xem

Phương pháp ngoại giao “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Pháp năm 1946

(LLCT) - Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam, song dưới tác động của những yếu tố khách quan, chủ quan, nhân dân Việt Nam phải đương đầu với không ít nguy cơ, thách thức, khó khăn. Trước bối cảnh nền độc lập bị đe dọa, nguy cơ bùng nổ chiến tranh ngày càng bộc lộ rõ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tận dụng mọi khả năng có thể để vãn hồi hòa bình, ngăn chặn chiến tranh.

Nhằm tranh thủ thời gian, củng cố thực lực, tránh đối đầu cùng lúc với nhiều kẻ thù, sau những cuộc thương lượng và nhân nhượng có nguyên tắc, ngày 6-3-1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) đã ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ. Ngay sau lễ ký Hiệp định, Chính phủ Pháp đã mời Hồ Chí Minh sang thăm chính thức với tư cách thượng khách. Đây là chuyến đi gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp, song “theo mệnh lệnh của Chính phủ và ý chí của quốc dân”, Hồ Chí Minh đã cùng đoàn đại biểu sang Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức(1).

Ngày 31-5-1946, Hồ Chí Minh và đoàn đại biểu của Chính phủ VNDCCHlên đường sang Pháp. Vì khi đó tại Pháp đang diễn ra cuộc bầu cử, nên “Paris chỉ thị cho phi công bay lòng vòng, bảo đảm phái đoàn chỉ đến Pháp khi kết quả bầu cử đã ngã ngũ”(2). Chuyến bay phải dừng lại ở nhiều nước từ Myanma, Ấn Độ, đến Pakixtan, Irắc, Ai cập, rồi hạ cánh tại Biarritz, một thị trấn nằm ở bờ biển Tây Nam nước Pháp gần biên giới Tây Ban Nha. Khoảng 20 ngày sau khi rời Hà Nội, Hồ Chí Minh mới đặt chân đến Paris. Ngày 22-6-1946, lễ đón trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại sân bay Le Bourges, Paris. Nhưng đến tận ngày 26-6, Chính phủ mới (Chính phủ Bidault) mới chính thức nhậm chức, bởi thế, cuộc đàm phán thực sự chỉ được bắt đầu vào tháng 7-1946.

Khi mới tới Paris, Hồ Chí Minh ở tại khách sạn Royal Monceau. Sau đó, Người rời đến nhà ông bà Raymond Aubrac, là những người kháng chiến ở Soisy-Sous-Montmorency. Tại đây, Hồ Chí Minh đã được nghe nhiều câu chuyện kể về cuộc kháng chiến chống Đức của nhân dân Pháp.

 Mặc dù không tham gia vào đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam nhưng tận dụng thời gian và mọi cơ hội, bằng uy tín của mình, trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, Hồ Chí Minh đã nỗ lực tìm kiếm và tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng tiến bộ Pháp và quốc tế cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Hồ Chí Minh gặp gỡ đại diện các đảng phái chính trị, các nhà báo và trí thức nổi tiếng, nhờ cậy những mối quan hệ quen biết tác động đến Chính phủ Pháp, hy vọng cứu vãn nền hòa bình mong manh.

Hồ Chí Minh chủ động tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân Pháp (các nhà văn, nhà thơ Pháp(3), Việt kiều ở Pháp, những người Cộng sản Pháp...)(4), để tuyên truyền làm cho dư luận Pháp hiểu được tình hình, thấy rõ thiện chí rồi đi đến đồng tình, ủng hộ chủ trương giữ gìn, bảo toàn nền độc lập của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, trong số khách đến thăm có Charles Tillon, Bộ trưởng Bộ Hàng không Pháp - một trong 6 bộ trưởng là người của Đảng Cộng sản Pháp trong Chính phủ mới. Trong cuộc gặp gỡ, Hồ Chí Minh đã nói về Mặt trận đoàn kết dân tộc của Việt Nam, về sự giải thể “trên danh nghĩa” của Đảng Cộng sản Đông Dương(5). Tranh thủ mọi cơ hội, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc, trao đổi với các chính khách Pháp, như Thủ tướng Bidault, các Bộ trưởng Varenne, Francis Gay, Michelet, Moutet, Tướng Gentilhomme, Tướng Revers, Thị trưởng Paris Vergnolles... bày tỏ mong muốn và tin tưởng ở sự thành công của Hội nghị Fontainebleau - một hội nghị đặt nền móng cho sự giao thiệp giữa nước Pháp và nước Việt Nam mới(6). Niềm tin ấy chân thực và mạnh mẽ, vì “những dân tộc tự do bình đẳng cùng ôm một lý tưởng dân chủ và cùng say mê  tự do”(7) không có lý gì để không “san phẳng được hết thảy những trở ngại” trên con đường thắt chặt “những mối dây hữu nghị và lâu dài”(8).

Hồ Chí Minh quan tâm tiếp xúc các đoàn thể, nhất là Hội Pháp - Việt; các chính khách nước ngoài đang có mặt tại Pháp. Ngày 11-7-1946, Ủy ban Trung ương Hội Pháp - Việt tổ chức gặp gỡ(9) với Hồ Chí Minh tại Dinh Trocadéro. Chuyển lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến lãnh đạo Hội vì sự tiếp đón nồng nhiệt và trọng thị, Hồ Chí Minh đồng thời gửi gắm mong muốn lớn nhất, sự quan tâm lớn nhất với tư cách người đứng đầu nước VNDCCH và nguyện vọng tha thiết nhất của dân tộc Việt Nam là xây dựng được tình thân thiện Pháp - Việt(10).

Hồ Chí Minh đã gặp các đại biểu dân sự và quân sự các nước Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc..., trao đổi, bày tỏ và nêu rõ nguyện vọng, thiện chí hòa bình cũng như quyết tâm của nhân dân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ đến cùng nền độc lập quý báu vừa mới giành được.

Trong những ngày này, Hồ Chí Minh cũng dành thời gian đến thăm ngôi nhà số 9 ngõ Compoint, tìm gặp những người bạn trước đây đã cùng hoạt động trong  Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, hoặc quen biết nhau khi viết báo Nhân Đạo, báo  Đời sống Công nhân, thậm chí tìm gặp cả những người đã rời bỏ Đảng Cộng sản(11). Người cũng làm quen với những nhân vật mới tham gia Quốc hội như Jacques và Raymond Rabemanajara, trong đó có một người đến từ Maldagasca. Trong cuộc trò chuyện, Hồ Chí Minh cho rằng giải pháp tốt nhất cho các bên lúc này là gia nhập tự do khối Liên hiệp Pháp, nhưng điều quan trọng là định rõ nội dung của từ Liên hiệp Pháp, nhất là cần phải loại bỏ tư tưởng đế quốc chủ nghĩa trong khối liên hiệp(12).

Những cố gắng của Hồ Chí Minh đã nhận được sự ủng hộ của nhiều chính khách và lực lượng tiến bộ ở Pháp, đồng thời làm cho các nước có thêm những hiểu biết về nước VNDCCH.

Ngay từ những ngày đầu đặt chân lên đất Pháp cũng như trong suốt gần 3 tháng ở Paris, Hồ Chí Minh đã tham gia hàng trăm sự kiện, với hơn 60 cuộc nói chuyện, trả lời phỏng vấn của hơn 20 tờ báo và các hãng thông tấn Pháp cũng như các nước khác; trong đó có các nhà báo nổi tiếng như Tabouis Genevière, Simone Téry, Baillet... Có báo nhận xét rằng, không có báo nào ở Paris là không tiếp xúc, phỏng vấn Chủ tịch nước Việt Nam và Hồ Chí Minh hầu như không có một phút nào rảnh rỗi(13). Hồ Chí Minh trao đổi, tranh luận với những tờ báo thuộc phe cực hữu đã in một số bài viết tiêu cực về Việt Nam, để họ hiểu rõ, hiểu đúng về Việt Nam.

Qua báo chí và phóng viên, Hồ Chí Minh tỏ lời cảm tạ các nhà báo đã giới thiệu nước Việt Nam mới với dân chúng nước Pháp; đồng thời truyền tải đi thông điệp: “Lợi ích của hai nước chúng ta là cùng nhau đạt được những thỏa thuận vì chúng tôi cần nước Pháp cũng như nước Pháp cần chúng tôi”(14). Ca ngợi những giá trịcủa công lý và tự do, những tư tưởng bất hủ của cuộc Cách mạng Pháp 1789, Hồ Chí Minh khẳng định sự “tin cậy ở kết quả của cuộc Hội nghị Pháp - Việt”; đồng thời nhấn mạnh: “Mục đích của Pháp là tự do, bình đẳng, bác ái, nếu Pháp thi hành đúng thì chắc chắn sẽ mua được tình thân thiện của nước Việt Nam”(15).

Trong khi đoàn đàm phán của nước VNDCCH và Hồ Chí Minh đem hết tâm sức để ngăn chặn chiến tranh, gây mầm hòa bình thì ở Việt Nam liên tục diễn ra những sự kiện bất lợi cho cách mạng, làm cho tình hình xấu đi nhanh chóng. Tại Sài Gòn, Cao ủy D’Argenlieu bắt đầu những hành động nhằm gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đàm phán. Ngày 1-6-1946, chỉ một ngày sau khi phái đoàn Việt Nam VNDCCHrời Hà Nội, D’Argenlieu cho thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa Nam Kỳ tự trị với mục đích tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Không những không đình chỉ chiến sự, D’Argenlieu còn chỉ đạo đánh chiếm Tây Nguyên và Phủ Toàn quyền cũ..., coi Hiệp định Sơ bộ (ngày 6-3) như là một phương tiện để kéo quân ra miền Bắc Việt Nam. Để ngăn chặn những diễn tiến tiêu cực nói trên, tránh những hậu quả làm hỏng cuộc thương lượng Việt - Pháp, một mặt, Hồ Chí Minh viết thư gửi Bộ trưởng Bộ Hải ngoại Pháp M. Moutet và Tổng thống Cộng hòa Pháp yêu cầu can thiệp để quân đội Pháp có những ứng xử phù hợp trong khuôn khổ Hiệp định Sơ bộ; mặt khác, tổ chức họp báo công bố rộng rãi lập trường, quan điểm của Chính phủ VNDCCH.

 Trong thư gửi M. Moutet, Hồ Chí Minh bày tỏ sự lo ngại trước những hành động thiếu hữu nghị của quân đội Pháp ở Việt Nam, cảnh báo những hành động đó chắc chắn sẽ để lại hậu quả sâu sắc, “gây nên sự bất bình của nhân dân Việt Nam vào đúng lúc các cuộc thương thuyết sắp bắt đầu”(16); đồng thời hy vọng ở một giải pháp công bằng và thân thiện cho vấn đề Pháp - Việt. Tiếp đó, trong thư tới Tổng thống nước Pháp, nhân danh Chính phủ VNDCCH, Hồ Chí Minh gửi lời phản kháng tới Chính phủ Cộng hòa Pháp về các sự kiện quân sự đang diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, và nhấn mạnh rằng, những sự kiện đó “làm vẩn đục một cách tai hại bầu không khí của cuộc Hội nghị Pháp - Việt sắp tới”(17), có nguy cơ làm hỏng các thiện ý của nhân dân Việt Nam đối với nước Pháp. Hồ Chí Minh khẳng định: “Bầu không khí thuận lợi cần thiết cho các cuộc đàm phán ngoại giao sắp tới chắc hẳn rằng không phải do những cuộc tấn công quân sự liên tiếp đó mang lại”(18), nên đề nghị Chính phủ Pháp quan tâm và chấm dứt ngay các sự kiện đó, nhằm chứng tỏ thiện chí đàm phán cũng như sự chân thành trong xây dựng quan hệ hữu nghị với nước VNDCCH.

Để tranh thủ dư luận Pháp, ngày 12-7, Hồ Chí Minh tổ chức họp báo tại Dinh Royal Monceau (Paris), trong đó đề cập đến 4 nội dung lớn: 1- Quan hệ giữa Pháp và Việt Nam; 2- Vấn đề Liên bang Đông Dương; 3- Vấn đề Nam Bộ; 4- Vấn đề quyền lợi của Pháp ở Việt Nam (19). Hồ Chí Minh giải thích rõ nội dung và những chi tiết liên quan đến các vấn đề trên như sau:

Về chính trị, quan hệ giữa Pháp và Việt Nam phải có một hiệp ước định rõ, hiệp ước đó phải đặt trên nền tảng tôn trọng nền dân tộc tự quyết.

Về kinh tế, VNDCCH chủ trương hợp tác với nước Pháp trong khối Liên hiệp Pháp, bảo vệ tất cả các tài sản và quyền lợi kinh tế của Pháp ở Đông Dương, bảo đảm quyền ưu tiên cho Pháp khi Việt Nam cần sự trợ giúp của nước ngoài(20).

Về quân sự, Việt Nam có quân đội riêng; Pháp sẽ cử các chuyên gia giúp đỡ huấn luyện quân đội Việt Nam. Quân đội Pháp có thể đóng ở một vài nơi do hai bên thống nhất quy định.

Về văn hóa, hai nước tiếp tục phát triển quan hệ văn hóa. Pháp có thể thành lập các trường trung học và đại học tại Việt Nam.

Về Liên bang Đông Dương, VNDCCH quan niệm Liên bang Đông Dương là một tổ chức kinh tế, nhất định ngăn ngừa không cho Liên bang đó là một chính phủ toàn quyền trá hình(21).

Về Nam Bộ, Nam Bộ là một phần không thể tách rời của Việt Nam, là máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, VNDCCH không chấp nhận đàm phán riêng rẽ(22).

Những quan điểm đúng đắn, kiên quyết nêu trên được đưa ra kịp thời, đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân Pháp, trong đó có cả một số chính khách Pháp, một số tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, đó cũng là nền tảng và định hướng cho các nội dung đấu tranh tiếp theo của đoàn đàm phán Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau.

Kiên quyết tỏ rõ thái độ trước sự kiện Chính quyền Nam Bộ do Nguyễn Văn Thịnh đứng đầu đã nhậm chức ở Sài Gòn vào ngày 1-6-1946 và trước những vi phạm Hiệp định sơ bộ của phía Pháp, ngay trong buổi khai mạc Hội nghị Fontainebleau (ngày 6-7-1946), Trưởng đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng đã gay gắt lên án những hành động nói trên. Để phản đối khả năng D’Argenlieu tổ chức Hội nghị thành lập Liên bang Đông Dương (gồm Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Lào, Cambodia), ngày 23-7, phái đoàn Việt Nam rời cuộc họp(23). Trước nguy cơ “tan vỡ” và bế tắc của Hội nghị Fontainebleau, ngày 26-7, Hồ Chí Minh đến Fontenebleau, thuyết phục phía Pháp xem xét lại vấn đề và dàn xếp để hai bên tiếp tục ngồi lại đàm phán. Tuy nhiên, ngày 1-8, D’Argenlieu vẫn tiến hành Hội nghị. Sau khi chính thức phản đối và không được Chính phủ Pháp trả lời, Đoàn Đại biểu VNDCCH đã rời bàn họp. Với các mối quan hệ và vai trò cá nhân, Hồ Chí Minh đã nhờ Moutet giúp đỡ để tìm ra cách thức nối lại đàm phán và đến cuối tháng 8-1946, cuộc đàm phán được nối lại với hình thức trao đổi công hàm và thành phần họp thu hẹp(24). Mặc dù đồng ý đàm phán, song phía Pháp kiên quyết không chấp nhận độc lập của Việt Nam, đồng thời cũng không xác định chính thức ngày trưng cầu dân ý tại Nam Bộ; do đó, ngày 10-9, Đoàn Việt Nam tuyên bố rời cuộc họp và ba ngày sau, cả đoàn lên tàu về nước. Như vậy, kéo dài hơn 2 tháng, sau rất nhiều cuộc đấu trí cân não, Hội nghị Fontainebleau đã thất bại. Nguyên nhân chính là do yêu cầu độc lập và thống nhất của nước VNDCCH đã không nhận được sự đồng thuận từ phía Chính phủ Pháp.

Tại Paris, ngày 11-9-1946, Hồ Chí Minh tổ chức họp báo, bày tỏ thiện chí hòa bình và đàm phán, thương lượng để đi đến một giải pháp triệt để về Việt Nam đặng thỏa mãn được cả hai bên. Đồng thời, Hồ Chí Minh khẳng định, nếu chiến tranh là không tránh khỏi, thì đối với Việt Nam “đó không phải là cuộc chiến vô vọng. Cuộc chiến có thể có khó khăn, liều lĩnh, nhưng chúng tôi có thể thắng. Chúng tôi có một vũ khí mạnh chẳng kém những cỗ đại bác hiện đại nhất: Đó là tinh thần dân tộc. Đừng có đánh giá thấp điều đó!”(25). Tinh thần, thái độ và cách ứng xử của Hồ Chí Minh đã gây tiếng vang lớn, tạo những thuận lợi nhất định cho các bước đi tiếp theo trong công cuộc vãn hồi hòa bình hết sức gian nan ngay tại nước Pháp.

Rời cuộc họp báo, không bỏ lỡ thời gian, Hồ Chí Minh tích cực làm việc với Moutet rồi với Sainteny. Nhờ có sự dung hòa và nhân nhượng của cả hai bên, cuối cùng vào 1 giờ sáng ngày 14-9, Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Moutet đã chính thức ký Tạm ước 14-9-1946 (Modus vivendi). Với bản Tạm ước này, VNDCCH tiếp tục nhân nhượng Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa. Điểm có lợi cho VNDCCH trong bản Tạm ước là kéo dài quá trình đàm phán Việt- Pháp đến tháng 1-1947. Hai Chính phủ thống nhất sẽ cùng nhau ấn định ngày giờ và thể thức trưng cầu dân ý về vấn đề Nam Bộ; đồng thời cam kết đảm bảo các quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ.

Tạm ước 14-9 không chỉ làm yên lòng đồng bào Nam Bộ, đáp ứng mong đợi của nhân dân cả nước, mà còn kéo dài thời gian hòa hoãn để chuẩn bị bước vào một cuộc đọ sức quyết liệt mới. Tuy là biện pháp mang tính ứng phó tình thế, song Tạm ước 14-9 có tác dụng bảo tồn Hiệp định Sơ bộ, tránh sự đổ vỡ hoàn toàn của Hội nghị Fontainebleau; đồng thời, tạo ra khả năng nối lại đàm phán chính thức, có nghĩa là vớt vát chút hy vọng về một nền hòa bình mong manh. Có thể nói rằng, tiếp sau Hiệp định Sơ bộ, Tạm ước 14-9-1946 là một bước lùi có tính toán, là sự nhân nhượng cuối cùng của VNDCCH, song đồng thời đó cũng là “giới hạn cuối cùng” của sự nhân nhượng, vì “nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc!”(26).

Kết thúc chuyến đi lịch sử, ngày 16-9-1946, Hồ Chí Minh rời Paris đến Toulon để lên đường về nước. Người từ chối đi máy bay với lý do sức khỏe và đề nghịđược về bằng tàu thuỷ. Sainteny hết sức ngạc nhiên trước đề nghị có vẻ bất thường này và bất đắc dĩ phải chấp thuận để Hồ Chí Minh lên tàu Dumont d’Urville (con tàu trước đó đã đưa nhà vua trẻ Bảo Đại về nước năm 1935) rời cảng Toulon(27). Việc trở về bằng đường thủy có thể là một điều lạ kỳ và khó hiểu với Sainteny, song đó đơn giản chỉ là một biện pháp để kéo dài thời gian, làm chậm cuộc chiến tranh mà Hồ Chí Minh hiểu rằng không sớm thì muộn chắc chắn sẽ nổ ra. Trên tàu, Hồ Chí Minh nói với Vũ Đình Huỳnh, Thư ký của Người rằng: “Hiện nay ở nước nhà, Chính phủ ta, nhân dân ta đang có thời gian chuẩn bị tinh thần và lực lượng”(28).

Như vậy, chuyến đi của Hồ Chí Minh tới Pháp năm 1946 đã làm tròn vai trò lịch sử của mình. Đúng như Hồ Chí Minh đã viết trong bức thư gửi kiều bào ở Pháp (ngày 23-9-1946), dù chuyến đi và Hội nghị Fontainebleau chưa mang lại kết quả như mong muốn, song “một bước đi lớn đã đạt được: con đường đã được dọn sạch làm thuận lợi cho những cuộc thương thuyết sẽ tiến hành trong một vài tháng tới giữa Chính phủ ta và Chính phủ Pháp. Hơn nữa, nhân dân Pháp và toàn thế giới biết rõ hơn về đất nước chúng ta”(29).

Chiều ngày 20-10-1946, con tàu chở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cập bến cảng Hải Phòng. Sáng hôm sau, Hồ Chí Minh trở về Hà Nội. Ngày 23-10-1946, tại cuộc mít tinh quần chúng tại Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói : Tôi đến nước Pháp để giải quyết vấn đề độc lập của chúng ta và sự thống nhất nước Việt Nam. Hoàn cảnh hiện nay chưa cho phép giải quyết vấn đề đó. Cần phải chờ đợi. Nhưng tôi có thể dứt khoát khẳng định rằng sớm hay muộn nước Việt Nam cũng sẽ độc lập; Bắc, Trung, Nam sẽ được thống nhất. Hội nghị Pháp - Việt chưa hoàn thành công việc của nó. Nó sẽ được mở lại vào tháng Giêng năm sau. Nhưng Tạm ước 14-9 đã tạo nhiều thuận lợi cho cả hai phía và chuẩn bị con đường cho lần họp thứ hai trong một bầu không khí thân thiện(30).

Trở lại ngày 31-5-1946, trước khi lên đường sang Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó mà phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ “dĩ bất biến ứng vạn biến”(31).  Chính phương pháp cách mạng ấy cũng đã được Hồ Chí Minh vận dụng một cách nhuần nhuyễn, lúc quyết đoán, mau lẹ, khi khôn ngoan, kịp thời, phù hợp với từng hoàn cảnh, tình thế, từng đối tượng, từng trường hợp cụ thể để làm nên thành công của chuyến đi đầy cam go, thử thách, và đã giành được thắng lợi cao nhất vì lợi ích của quốc gia, dân tộc trong hơn 4 tháng không thể nào quên của năm 1946 lịch sử.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2016

(1), (7), (8), (10),  (14), (15), (16), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.271, 303, 303, 308, 317, 292, 299, 310, 312.

(2), (20), (23), (24) William J Duiker: Ho Chi Minh:
A Life, New York, Hyperion, 2000, p.198, 199, 199, 200.

(3) Hồ Chí Minh đã tiếp bà E.Triolet, các ông L.Aragon, Jean Richard Bloch, Léon Moussinac, Pierre Emmanuel...

(4) Bảo tàng Cách mạng Việt Nam: Hồ Chủ tịch ở Pháp năm 1946, Nxb Hà Nội, 1995, tr.43-44.

(5), (6) P.Brocheux, Ho Chi Minh, du révolutionnaire à l’icône, Paris 2003, Bản dịch tiếng Việt
tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.180, 303.

(9) Có mặt tại buổi đón tiếp có Chủ tịch Hội Pháp - Việt Justin Godart, một số thành viên trong Ủy ban Trung ương Hội và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp M. Thorez. Về phía Việt Nam còn có Phạm Văn Đồng, Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn đại biểu Chính phủ VNDCCH sang đàm phán với Chính phủ Pháp tại Hội nghị Fontainebleau.

(11), (12) P.Brocheux,  Ho Chi Minh, du révolutionnaire à l’icône,  Sđd, tr.182, 183.

(13) Nguyễn Khắc Huỳnh: Hồ Chí Minh với chuyến thăm Pháp và Tạm ước 14-9-1946 - những nỗ lực tột bậc để trì hoãn chiến tranh toàn quốc, Tạp chí Lịch sử quân sự, số 5-2006, tr.21.

(19) Đọc thêm Hồ Tố Lương, Chuyến thăm Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một biểu hiện khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 5-2013.

(21), (22) Báo Quyết Chiến số 266, ngày 15-7-1946, tr.1, 1.

(23), (24) William J Duiker: Ho Chi Minh: A Life, Ibid, p.199, 200.

(25) David Schoenbrun: As France Goes, Harper & Bros, New York, 1957, p.234.

(26) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập, t.8, Sđd, tr.48.

(27) Jean Sainteny: Ho Chi Minh and his Vietnam: A personal memoir, Cowles, Chicago, 1970, p.90.

(28) Sơn Tùng: Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr.108.

(29)Báo Cứu quốc số 346, ngày 15-9-1946.

(30) Theo P.Brocheux, D. Hémery, Indochine, la colonisation ambigue 1858-1954, Ed. La Découverte, Paris 1995. Bản dịch tiếng Việt ở Tư liệu Khoa Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.439.

(31) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.216.

 

GS, TS Nguyễn Văn Khánh

PGS, TS Nguyễn Thị Mai Hoa

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền