Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Trường Chinh với những bước ngoặt lịch sử Việt Nam hiện đại
Thứ hai, 10 Tháng 7 2017 17:19
1871 Lượt xem

Trường Chinh với những bước ngoặt lịch sử Việt Nam hiện đại

(LLCT) - Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc đời, tên tuổi đồng chí Trường Chinh gắn liền với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong suốt thế kỷ XX. Đồng chí là Quyền Tổng Bí thư  Đảng Cộng sản Đông Dương (1940-1941), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941-1951); Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951-1957) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986).

1. Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thực dân điên cuồng tấn công Đảng Cộng sản Đông Dương và các đoàn thể quần chúng do Đảng lãnh đạo. Những quyền tự do, dân chủ giành được trong thời kỳ 1936-1939 bị thủ tiêu.

Trước những chuyển biến mới và nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới, tháng 11-1939, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (BCHTƯ) họp tại Bà Điểm (Gia Định), do đồng chí Nguyễn Văn Cừ chủ trì, đã ra chủ trương Đảng ta phải chuyển từ đấu tranh cho dân chủ, dân sinh sang trực tiếp đánh đổ đế quốc và tay sai, từ hoạt động công khai, bán công khai sang hoạt động bí mật, xây dựng Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, xây dựng các đoàn thể bí mật, hướng các cuộc đấu tranh vào đế quốc và tay sai, “dự bị những điều kiện bước tới bạo động làm cách mạng giải phóng dân tộc”.  Mặc dù đã có một số chủ trương, biện pháp chuẩn bị chủ động đề phòng nhưng sự chuyển hướng sang công tác bí mật của Đảng “không được mau lẹ và khôn khéo”(1[1]) nên hệ thống tổ chức và nhiều cơ sở Đảng bị địch đánh phá tổn thất nặng nề. Đến đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong, Võ Văn Tần cùng hầu hết các Ủy viên BCHTƯ Đảng bị địch bắt([1]2) và sau đó bị giết hại.

Cách mạng nước ta đứng trước những thử thách và yêu cầu mới.

Bám sát thực tế và thực hiện chủ trương của Đảng, đồng chí Trường Chinh chỉ thị cho bộ phận chủ động chuyển vào bí mật, phân tán lực lượng, tài liệu, nên đã bảo vệ được cán bộ, tránh được sự khủng bố của địch. Sau một thời gian chuyển vào hoạt động bí mật, giữa năm 1940, đồng chí bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc kỳ và vừa chỉ đạo xây dựng các cơ sở ATK(3[1]), vừa củng cố hệ thống tổ chức và cơ sở các cơ quan tuyên truyền của Đảng, xuất bản báo CờGiải phóng.

Tình hình có những biến chuyển lớn: ngày 22-9-1940 phát xít Nhật tiến vào Lạng Sơn và đổ bộ vào Hải Phòng; ngày 23-9-1940, tại Hà Nội, Pháp ký Hiệp định đầu hàng Nhật. Đêm 27-9-1940, khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ.

Trước chuyển biến mau lẹ và sục sôi đó, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đã trao đổi, thống nhất khôi phục hoạt động của Đảng mà trước hết là việc tổ chức lại BCHTƯ Đảng. Từ ngày 6 đến ngày 9-11-1940, Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng họp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh)đã khẳng định sự đúng đắn trong những chủ trương của Hội nghị lần thứ 6 BCHTƯ (tháng 11-1939) và quyết định một số chủ trương mới về xây dựng Đảng, Mặt trận, quyết định duy trì đội du kích Bắc Sơn và hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Do yêu cầu của cách mạng và trước việc hầu hết các đồng chí trong BCHTƯ bị địch bắt, Hội nghị quyết định cử BCHTƯ lâm thời của Đảng. BCHTƯ lâm thời cử đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng và phân công đồng chí Trường Chinh là Quyền Tổng Bí thư của Đảng.

Trên cương vị là Quyền Tổng bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã lãnh đạo kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức và cơ sở, khôi phục các hoạt động của Đảng, làm thất bại mưu toan của kẻ thù định phá vỡ hệ thống tổ chức và tiêu diệt Đảng ta. Vì vậy, Đảng đã vượt qua khó khăn, vẫn liên tục hoạt động và BCHTƯ mới của Đảng đã cử cán bộ đi đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Tháng 3-1941, Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh cùng các đồng chí ủy viên khác của BCHTƯ vượt qua sự truy sát của kẻ thù, lên biên giới gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tổ chức Hội nghị lần thứ 8 của BCHTƯ Đảng (5-1941). Tại Hội nghị, đồng chí Trường Chinh đề nghị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư của Đảng nhưng Nguyễn Ái Quốc giới thiệu để Hội nghị bầu đồng chí Trường Chinh chính thức làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương. Khi đó đồng chí Trường Chinh 34 tuổi. Điều này cho thấy sự thống nhất tư tưởng giữa lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với đồng chí Trường Chinh và BCHTƯ Đảng về sự “thay đổi chiến lược”(4) của Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 xác định “quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy. Quyền lợi của bộ phận phải phục tùng quyền lợi của toàn thể dân tộc...”. Bởi vậy, để đoàn kết các lực lượng của dân tộc chống đế quốc, Đảng quyết định điều chỉnh Cương lĩnh của Mặt trận dân tộc thống nhấtvà Điều lệ của các hội phản đế, đổi tên các hội ấy thành các hội Cứu quốc, đồng thời chủ trương giải quyết từng bước vấn đề ruộng đất cho nông dân.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 - lúc đó được gọi là Chính sách mới của Đảngđược nhân dân ta tiếp nhận một cách nhanh chóng. Vì vậy, mặc dù lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vắng mặt(5) ở trong nước (từ tháng 8-1942 đến tháng 10-1944 và từ tháng 3 đến tháng 5-1945)), dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh, Đảng đã mau chóng mở rộng được Mặt trận Việt Minh, phát triển mạnh mẽ trên phạm vi cả nước và có điều kiện thành lập lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng căn cứ địa, hình thành Khu giải phóng, hội tụ đủ các yếu tố chủ quan cho sự thành công của cách mạng. Kết quả nhảy vọt của sự phát triển lực lượng đã làm nên thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tạo ra bước ngoặt lịch sử trong đời sống chính trị của đất nước.

2. Cách mạng thành công, nhưng tình thế cách mạng như ngàn cân treo sợ tóc, thù trong giặc ngoài mưu toan xóa bỏ thành quả cách mạng. Ngày 11-11-1945, để bảo vệ thành quả của cách mạng, đập tan sự phá hoại và mưu toan “diệt cộng, cầm Hồ” của bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch và phản động tay sai, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Thông cáo Đảng cộng sản Đông Dương tự ý giải tán, nhưng trên thực tế là Đảng rút vào hoạt động bí mật. Đây là sự hy sinh danh nghĩa hiếm thấy trong lịch sử phong trào cộng sản quốc tế khi một Đảng cộng sản lãnh đạo cách mạng đã giành được chính quyền. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được tập thể lãnh đạo Đảng nhất trí, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh đã có một quyết sách hết sức táo bạo đối với uy tín và sự tồn tại của Đảng.Quyết định ấy làm cho Nhà nước Việt Nam mới có đủ thời gian xác định được vị thế chính trị chính đáng của mình và chuẩn bị lực lượng chu đáo cho cuộc kháng chiến(6), làm thất bại mưu toan của kẻ thù định tiêu diệt Đảng ta và xóa bỏ mọi thành quả cách mạng.

Là một Đảng nắm chính quyền, chức năng, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và nguyên tắc sinh hoạt của Đảng cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới, nhưng trong điều kiện chưa ra hoạt động công khai, Đảng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Mặt khác, từ năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng 3 nước Đông Dương. Đến năm 1951, cách mạng 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia có những bước phát triển riêng, đòi hỏi phải có đường lối, chính sách và tổ chức Đảng phù hợp với đặc điểm mỗi nước và trên cơ sở phối hợp hành động chung, giúp đỡ lẫn nhau. Điều đó đòi hỏi Đảng Cộng sản Đông Dương phải được tổ chức lại. Những vấn đề cấp thiết nêu trên của Đảng và của cuộc kháng chiến phải được giải quyết trong một Đại hội Đảng. Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng được triệu tập nhằm đáp ứng những đòi hỏi bức thiết đó. Được chuẩn bị tích cực từ sau chiến thắng biên giới, Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Tại Đại hội, đồng chí Trường Chinh trình bàyLuận cương về cách mạng Việt Nam, nêu rõ toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta định hướng cho những chủ trương, chính sách cụ thể của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ, là phương hướng phấn đấu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đưa sự nghiệp kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Đại hội thảo luận và nhất trí thông qua Điều lệ mới của Đảng và Nghị quyết đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng Lao động Việt Nam.

Đảng ra hoạt động công khai là sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu thắng lợi mới của cách mạng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, một bảo đảm để đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. Cùng với việc Đảng ra hoạt động công khai, từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Việt Minh - Liên Việt được tiến hành lấy tên là Mặt trận Liên Việt quốc dân Việt Nam, gọi tắt là Mặt trận Liên Việt đã mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.

Tổ chức Đảng Lao động Việt Nam, thống nhất Mặt trận đoàn kết dân tộc làm cho lực lượng cách mạng nước ta phát triển lên một tầm cao mới để đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng góp vào những thành công đó nổi bật lên vai trò của đồng chí Trường Chinh.

Tháng 2-1951, Tổng bí thư  Trường Chinh ở tuổi 44.

3. Năm 1982, trước những khủng hoảng về kinh tế - xã hội ở nước ta, cùng với Đảng, đồng chí Trường Chinh quyết định tiến hành nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm tìm lối thoát khỏi những khó khăn của đất nước, đồng thời làm căn cứ phương pháp luận xác định con đường mới trong xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh lại đứng trong lớp người tiên phong tìm con đường mới trong hòa bình xây dựng đất nước.

Từ tiến hành thâm nhập thực tế, tổng kết kinh nghiệm, tập hợp sáng kiến của nhân dân, đồng chí từng bước đề nghị với Đảng ta xóa bỏ cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, vượt qua những định kiến và những phê phán gay gắt là “chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường”, “say sưa với cơ chế thị trường”, “bắt chước các quan điểm của nước ngoài”, “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”, v.v.. Các quan điểm đổi mới của đồng chí Trường Chinh phát biểu tại Hội nghị lần thứ 6, 7, 8, 9, 10 của BCHTƯ khóa V (từ năm 1984 đến đầu năm 1986), dần được khẳng định và đưa vào các nghị quyết của Đảng, tạo cơ sở ban đầu cho xây dựng đường lối đổi mới của Đảng ở Đại hội toàn quốc lần thứ VI.

Đây là một thử thách lớn lao về tinh thần trách nhiệm và năng lực của đồng chí Trường Chinh trước vận mệnh của Đảng và dân tộc. Chính vì vậy, mặc dù tuổi cao, khi Tổng bí thư Lê Duẩn qua đời (10-7-1986), trong phiên họp đặc biệt, ngày 14-7-1986, BCHTƯ Đảng nhất trí bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư  của Đảng.

Lần thứ ba, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trường Chinh 79 tuổi.

Trong thời điểm khó khăn của Đảng và dân tộc, đồng chí đã làm hết sức mình để chuẩn bị cho sự thành công của Đại hội lần thứ VI.

Sau khi sơ bộ tổng hợp ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ (vòng 1) các cấp, Tổng bí thư Trường Chinh nhận thấy Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VIchưa đáp ứng được yêu cầu, đồng chí đề nghị tiến hành dự thảo lại và trực tiếp chỉ đạo công việc quan trọng này. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh, Đại hội VI được tổ chức thành công và các văn kiện được dự thảo lại đã được thông qua tại Đại hội VI (12-1986). Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng rút ra bài học là  phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”; phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan; phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới; phải chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng XHCN và quan điểm “đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”, nhưng đổi mới “không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy”(7).

Đường lối Đổi mới được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội VI mà đồng chí Trường Chinh có công lớn góp phần chuẩn bị, sau đó được ghi nhận trong Cương lĩnh của Đảng năm 1991.

Đảng ta đánh giá đồng chí Trường Chinh là một trong những ngườikhởi xướng công cuộc đổi mới (8), là “Tổng Bí thư đổi mới”(9).

Ý chí can trường của một chiến sĩ cộng sản với sức sáng tạo và năng lực tổ chức thiên tài của một nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất, lịch sử Việt Nam hiện đại đã ghi nhận, ba lần trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã góp phần thúc đẩy sự biến đổi, phát triển và thắng lợi căn bản trong lịch sử  Đảng và dân tộc ta dọc theo thế kỷ XX, cả trong công cuộc giải phóng dân tộc, cả trong hòa bình xây dựng Tổ quốc và còn nối trong thực tiễn hiện nay. Với ý nghĩa đó, sự xuất hiện của Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư là sự xuất hiện của một vĩ nhân trước mỗi bước ngoặt và yêu cầu của lịch sử cách mạng Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2016

(1), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.59, 115-118.

(2) Đồng chí Hà Huy Tập bị bắt ngày 30-3-1940; Nguyễn Văn Cừ bị bắt ngày 17-1- 1940; Lê Hồng Phong bị bắt  tháng 2 năm 1940.

(3) Chủ yếu ở các vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, Đông Anh...

(5) Tháng 8 Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi công tác và bị quân phiệt Tưởng bắt tù ở Trung Quốc.

(6) Sau thông báo trên, ngày 18-11-1945, trên báo Cờ giải  phóng, số 33, đồng chí Trường Chinh có bài 15 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, giải thích những nguyên nhân về việc Đảng “tự giải tán”, đồng thời định hướng tư tưởng, công tác cho cán bộ, đảng viên trong điều kiện mới.

(7) ĐCSVN:  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.125.

(8), (9) Đỗ Mười: Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.26, 38.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

 Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền