Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Võ Chí Công- chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo sáng tạo trong cách mạng giải phóng dân tộc
Thứ ba, 08 Tháng 8 2017 09:53
1890 Lượt xem

Đồng chí Võ Chí Công- chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo sáng tạo trong cách mạng giải phóng dân tộc

(LLCT) - Đồng chí Võ Chí Công (1912-2017) là một “chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân và vì lý tưởng cộng sản”; “một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta”, “một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” mà cuộc đời “gắn liền với quá trình cách mạng và những sự kiện lịch sử vô cùng quan trọng của Đảng và nhân dân ta”(1).

      (Nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công và các cháu thiếu nhi. Ảnh: TTXVN)

Sinh năm 1912 trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), đồng chí Võ Chí Công sớm tham gia các hoạt động yêu nước trong những năm 20thế kỷ XX, trở thành người cộng sản vào năm 1935. Đây là thời điểm cách mạng Việt Nam phải đối diện với các cuộc khủng bố dã man của thực dân Pháp nhằm sát hại những người cộng sản, xóa bỏ hệ thống tổ chức Đảng vừa mới hình thành sau khi Đảng mới ra đời, hòng dập tắt phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cả nước nói chung và ở Quảng Nam nói riêng, là một thử thách ý chí hết sức lớn lao.

Với vai trò là Bí thư chi bộ, đồng chí đã tổ chức đấu tranh chống lại sự đàn áp của địch, khôi phục tổ chức Đảng, giữ vững phong trào cách mạng ở địa phương vào thời điểm khó khăn đó. Trước hết là, bằng  những nỗ lực cao độ để giác ngộ những người yêu nước thành người cộng sản nhằm tăng cường đội ngũ của Đảng; Hai là, kiên trì đi vào nhân dân để vận động quần chúng cách mạng, giữ vững niềm tin để duy trì, mở rộng phong trào cách cách mạng ở địa phương. Những hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ đó biểu thị ý chí kiên cường của người cộng sản Võ Chí Công ngay sau khi đồng chí mới bước vào hàng ngũ của Đảng.

Khi chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ (1939), thực dân Pháp thực thi chính sách phát xít ở Đông Dương, tiến hành đàn áp toàn diện đối với phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta. Đảng bộ Quảng Nam liên tục bị vỡ, nhiều cán bộ chủ chốt và đảng viên ở các địa phương bị địch bắt. Trước tình hình đó, đồng chí Võ Chí Công đã thoát ly gia đình để hoạt động và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Mặc dù, bị mất liên lạc với hệ thống tổ chức của Đảng và bị kẻ thù truy sát, đồng chí đã tập hợp những cán bộ lãnh đạo còn lại trong tỉnh chủ động phân công nhau đi khắp các chi bộ củng cố tinh thần và tiếp tục hoạt động. Vượt qua những khó khăn trong hoạt động bí mật dưới sự truy sátcủa kẻ thù, vừa khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng ở Quảng Nam, vừa tiến hành chắp nối liên lạc với cấp trên, đồng chí Võ Chí Công đã nhanh chóngtrưởng thành: là Bí thư Phủ ủy Tam Kỳ (1-1940) và sau đó đảm trách vai trò của Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Quảng Nam (3-1940).

Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940), thực dân Phápđiên cuồng tiến hành hàng loạt các cuộc lùng sục, bắt bớ tràn lan trên cả nước và đã phá vỡ nhiều tổ chức, sát hại nhiều cán bộ lãnh đạo trọng yếu của Đảng ta. Là ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (10-1941) phụ trách các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, rồi trực tiếp làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (6-1942), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam mới (1-1943), đồng chí Võ Chí Công đã lặn lội đi khắp miền Trung, vừa làm nhiều việc để kiếm sống, vừa lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại các đợt khủng bố của địch. Trong điều kiện khó khăn khi Đảng bộ Quảng Nam nhiều lần bị địch phá vỡ về tổ chức và đứt liên lạc với cấp trên, nhưng đồng chí đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động, thậm chí có lúc phải chuyển xuống các tỉnh cực Nam Trung Bộ rồi vòng lên Đà Lạt để tiếp tục xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển đội ngũ và tìm cách trở về Quảng Nam hoạt động. Sự kiên trì và sáng tạo trong phương thức hoạt động của đồng chí đã góp phần giữ vững và gây dựng thêm nhiều cơ sở cách mạng, khôi phục lại hệ thống tổ chức của Đảng và phát triển rộng rãi mặt trận đoàn kết dân tộc ở Khu V.               

Tháng 10-1943, đồng chíbị địch bắt, trong lao tù đế quốc, đồng chí đã “lấy tinh thần cách mạng thắng đau đớn bản thân và thắng kẻ thù tàn ác, dã man”(2), kiên cường vượt qua những cực hình tra tấn ở nhà tù Hội An cũng như khi bị giam cấm cố trong nhà đầy của thực dân Pháp ở Ban Mê Thuột. Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí Võ Chí Công đã thoát khỏi nhà tù đế quốc, ngay lập tức trở về và trực tiếp tham gia chuẩn bị cho cách mạng Tháng Tám trong Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh Quảng Nam.

Bám sát sự biến đổi của tình hình cách mạng, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất ý kiến với Ủy ban khởi nghĩa Quảng Nam nhanh chóng quyết định lãnh đạo nhân dân tiến hành khởi nghĩa trước ở Hội An. Với quyết định quan trọng đó, quần chúng cách mạng ở Hội An đã tiến hành khởi nghĩa thắng lợi vào ngày 17-8-1945 và sau đó là các địa bàn trọng yếu khác của tỉnh, đưa Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành chính quyền sớm nhất nước.  

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Võ Chí Công đã góp phần quan trọng trong các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chế độ mới và tổ chức kháng chiến ở khu V. Được sự phân công của Trung ương, với vai trò Bí thư kiêm Chính ủy Ban cán sự khu Đông Bắc Campuchia, đồng chí cùngđoàn quân “tây chinh, nam chiến” vượt Trường sơn sang giúp phát triển cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Campuchia (8-1950 đến 8-1951). Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, đồng chí lại được Trung ương điều động về nước với trách nhiệm Khu ủy viên Liên khu V, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Đồng chí đã lãnh đạo nhân dân giành lại vùng du kích cũ, chống lại sự càn quét của địch ở Quảng Nam –Đà Nẵng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Được điều động ra Bắc tham gia cải cách ruộng đất (3-1953 đến 7-1954), trước những diễn biến “tả khuynh” trong thực tiễn tiến hành cải cách ruộng đất ở miền Bắc, đồng chí đã sớm phát hiện thấy tình trạng cán bộ cải cách vừa không giữ vững tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta lại “thiếu thực tế, thiếu suy nghĩ, thiếu quan điểm độc lập tự chủ”(3)nên “phương pháp thực hiện cải cách rất giáo điều, cường điệu, đấu tố tràn lan rất ác liệt, mà tập quán xã hội Việt Nam không hề có những hành động như vậy”(4). Với trách nhiệm người tham gia thực hiện cải cách ruộng đất, đồng chí Võ Chí Công và một số đồng chí khác đã trung thực phản ánh tình hình đó với cấp trên. Tuy nhiên, trong không khí của cuộc cải cách ruộng đất lúc đó, những ý kiến thẳng thắn ấy không được phản ảnh đến cấp quyết định. Từ thực tiễn đó, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước,  khi tham gia giải quyết ruộng đất ở miền Nam, đồng chí đã đề xuất và được chấp nhận phương án “giải phóng đến đâu, giải quyết ruộng đất cho nông dân đến đó”.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí Võ Chí Công tình nguyện xin trở về miền Nam, để trực tiếp tham gia tổ chức, lãnh đạo cuộc đấu tranh mới chống đế quốc Mỹ.

Nhiệm vụ lúc này là đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, giữ vững hòa bình, tiến tới hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất nước nhà (trong 2 năm), theo phương châm đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp, hợp pháp và nửa hợp pháp là chính để bảo tồn lực lượng. Tuy nhiên, kẻ thù lại ra sức phá hoại Hiệp định, xóa bỏ thành quả cách mạng, tiến hành khủng bố cực kỳ tàn bạo. Chấp hành đúng chủ trương của Đảng về cách mạng miền Nam và nhanh chóng lãnh đạo tổ chức sắp xếp và thay đổi phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, nhưng đồng chí Võ Chí Công và các đồng chí lãnh đạo trên chiến trường đã sớm nhìn thấy tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Trong khi địch điên cuồng tiến hành khủng bố trắng ở miền Nam, thìmột số đảng cộng sản trên thế giới lại cho rằng ngày nay có thể giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Trước thực tiễn ở miền Nam, đồng chí Võ Chí Công xác định quan điểm đó là một “ảo tưởng” và khẳng định rằng “nếu không dùng bạo lực mà chỉ đấu tranh chính trị thì cách mạng miền Nam sẽ thất bại(5). Bởi vậy, cuối năm 1957, đồng chí đã đề nghị với Khu ủy Khu V được ra Hà Nội để trực tiếp báo cáo với Bác Hồ và Bộ Chính trị về quan điểm của mình. Những ý kiến của đồng chí đã góp phần vào sự ra đời của Nghị quyết 15, mở ra giai đoạn phát triển mới cho cách mạng miền Nam.

Trở lại miền Nam, đồng chí Võ Chí Công đã lăn lộn hầu khắp Nam Bộ để tổng kết kinh nghiệm đấu tranh với kẻ thù, và phổ biến kinh nghiệm đấu tranh chính trị và vũ trang trên các chiến trường, góp phần đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ (1960-1964). Đồng chí cũng là người lãnh đạo tham gia vạch kế hoạch đánh sụp từ đầu uy thế quân đội Mỹ khi chúng bắt đầu tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ. Chiến thắng ở Núi Thành và trận Vạn Tường đã mở ra phong trào đánh Mỹ với các vành đại diệt Mỹ rộng khắp, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của địch ở miền Nam.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, theo phương án của Bộ Chính trị, sau khi giải phóng Ban Mê Thuột sẽ phối hợp với quân của Miền tiến đánh vào Sài Gòn rồi mới quay ra giải phóng Đà Nẵng, vì Đà Nẵng được xem là căn cứ phòng ngự từ xa và kiên cốnhất của địch ở miền Nam. Nhưng khi quân ngụy rút chạy khỏi Kon Tum, Plâyku và quân ta đang tiến vào Quảng Trị, Huế, nhận thấy tình thế mới, đồng chí Võ Chí Công đã đề nghị Bộ Chính trị thay đổi phương án và được chấp nhận cho dùng một lực lượng giải phóng ngay Đà Nẵng với việc bắt đầu bằng đánh chiếm Tam Kỳ. Với 10 vạn quân chưa kịp co cụm, việc tiến hành phương án mới mà đồng chí Võ Chí Công đề xuất đã làm cho quân địch ở Đà Nẵng bị cắt hai đầu,làm cho quân địch vô cùng bất ngờ và hoảng loạn, nhờ đó Đà Nẵng đã nhanh chóng được giải phóng, góp phần đẩy nhanh chiến thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.

Trên các cương vị Phó Bí thư Khu ủy Khu V (1954-1959), Bí thư Khu ủy khu V và Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam (1960-1975), suốt 21 năm (1954-1975) kiên cường bám trụ, hoạt động, chiến đấu ở chiến trường ác liệt và khó khăn nhất, đồng chí đã góp phần lãnh đạo quân và dân miền Nam nói chung, Khu V nói riêng giữ vững ý chí, vượt qua mọi sự khủng bố dã man của kẻ thù, làm thất bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, đến Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Phấn đấu dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Chí Công không chỉ biểu thị sự trung kiên với lý tưởng của Đảng mà còn khẳng định bản lĩnh của một nhà lãnh đạo cách mạng. Ở mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí đều thể hiện trách nhiệm trước Đảng, trước dân để thay đổi những quan niệm, những phương thức hoạt động, những phương án giáo điều, xa rời thực tiễn, thậm chí đi ngược lại với lợi ích của nhân dân,bằng sự sáng tạo cách mạng dựa trên trí tuệ khoa học và sự tin tưởng vô biên vào sức mạnh nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân. Với những cống hiến đặc biệt, góp phần thúc đẩy sự phát triển lịch sử dân tộc trong sự nghiệp giải phóng, đồng chí Võ Chí Công thật xứng đáng là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

_____________________

(1) Điếu văn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đọc tại lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công

(2), (3), (4), (5) Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.77, 143, 142, 178.

 

           PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền