Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947 với việc bảo đảm an toàn cơ quan đầu não kháng chiến
Thứ hai, 14 Tháng 8 2017 09:21
11533 Lượt xem

Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông 1947 với việc bảo đảm an toàn cơ quan đầu não kháng chiến

(LLCT) - Bảo đảm an toàn cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, yếu tố quyết định giữ vững, phát triển cuộc kháng chiến. Ngay khi xâm lược trở lại Việt Nam, mục tiêu trước tiên của quân Pháp trong “chiến lược đánh nhanh tháng nhanh” là “chụp bắt cơ quan lãnh đạo kháng chiến”.

Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947 đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn, làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của địch. Một trong những thắng lợi lớn có ý nghĩa quan trọng là đã bảo vệ vững chắc căn cứ địa và cơ quan đầu não kháng chiến. Đây thực sự là một kỳ tích của quân và dân trong đối sánh thế và lực giữa ta và địch chênh lệch lớn. Với chiến thắng Thu Đông, cuộc kháng chiến của dân tộc ta bước sang giai đoạn mới ngay sau gần một năm đầu Toàn quốc kháng chiến.

1. Trung ương Đảng chỉ đạo bảo vệ an toàn cơ quan đầu não chuẩn bị cho toàn quốc kháng chiến

Sớm biết rõ dã tâm quay lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp, ngay từ trước khi về Hà Nội để tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra việc phải tiếp tục xây dựng, tăng cường căn cứ địa Việt Bắc. Sau đó, trong Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (25-ll-1945), Trung ương Đảng đã yêu cầu các cấp phải chọn "những địa điểm chiến lược lợi hại: tiến có thể đánh, lùi có thể giữ" ở vùng chiến khu, từng tỉnh, từng huyện.

Vấn đề xây dựng căn cứ địa vững chắc, bảo đảm an toàn cho bộ máy đầu não của kháng chiến lâu dài đã được tiến hành. Ngaytừ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Phạm Văn Đồng và một số đồng chí khác ở lại Việt Bắc, giúp đồng bào các dân tộc xây dựng đời sống mới, qua đó củng cố căn cứ địa cách mạng, làm hậu phương cho kháng chiến nếu chiến tranh xảy ra.

Tháng 11-1946, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh được giao nhiệm vụ đi khảo sát tình hình và lựa chọn nơi đặt cơ quan Trung ương chỉ đạo kháng chiến. Đội công tác đặc biệt gồm các ngành an ninh, quân sự, cùng đoàn thể của Trung ương được cử lên Việt Bắc(1) bố trí nơi đặt An toàn khu, thực hiện công tác chuẩn bị.

Vùng giáp ranh giữa ba tỉnh Thái Nguyên - Bắc Cạn - Tuyên Quang, bao gồm Định Hóa (Thái Nguyên), nam Chợ Đồn (Bắc Cạn), Sơn Dương, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) được chọn để xây dựng An toàn khucủa Trung ương.

Địa bàn trung tâm vùng An toàn khulà Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang (Tuyên Quang), Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn, Chợ Rã (Bắc Cạn). Nơi đây hội tụ những điều kiện bảo đảm bí mật, an toàn, dễ cơ động, và quan trọng hơn là đồng bào nơi giàu truyền thống cách mạng, với những cơ sở vững chắc. An toàn khu - địa thế của núi rừng trùng điệp suối đan cài sông là những nơi dễ ẩn náu và di chuyển đối với ta, nhưng sẽ là trở ngại lớn với quân Pháp khi tác chiến chính quy, cơ động phương tiện và lực lượng.

Bộ Tổng Tham mưu phân chia các khu vực trong An toàn khu cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy và các đoàn thể(2). Vòng ngoài là lực lượng phòng vệ và thông tin.

Từ đầu tháng 12-1946, đề phòng địch đánh úp, một số cơ quan lãnh đạo đã dời ra ngoại thành Hà Nội. Ban Thường vụ Trung ương và Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy vừa chỉ đạo chuẩn bị vừa thực hành chiến đấu ở các thành phố, thị xã, vừa theo dõi chỉ đạo kế hoạch di chuyển cơ quan lãnh đạo kháng chiến. Các cơ quan Trung ương Đảng, chính quyền, Mặt trận Việt Minh, Bộ Tổng Chỉ huy,… đã di chuyển dần theo hướng Hà Đông - Sơn Tây - Phú Thọ - Tuyên Quang - Bắc Cạn - Thái Nguyên.

Trong tháng 1-1947, các cơ quan của Chính phủ chuyển đến nơi làm việc mới ở Quốc Oai, Thạch Thất (Sơn Tây - nay là ngoại thành Hà Nội). Các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy chuyển về vùng Chương Mỹ. Bộ Tổng tham mưu từ trụ sở phố Nguyễn Du, chuyển dần về Thái Hà Ấp, rồi Đại Mỗ, Tây Mỗ, Mai Lĩnh, Chúc Sơn (Sơn Tây).

Sau khi ký kết Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước, thực dân Pháp ngang nhiên vi phạm, đưa quân thực hiện âm mưu xâm lược trở lại với chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”. Để thực hiện âm mưu đó, quân Pháp đã mở các cuộc tiến công trước hết vào các đô thị nhằm đánh úp cơ quan đầu não kháng chiến tại Hà Nội, tiêu diệt lực lượng vũ trang của lực lượng kháng chiến tại đô thị.

Tháng 12-1946, thực dân Pháp liên tiếp đưa tối hậu tư, ép Chính phủ ta phải nhân nhượng, đồng thời âm mưu đánh úp và bắt gọn Chính phủ tại Hà Nội. Ta đã nắm được ý đồ của chúng, quyết định phát động kháng chiến toàn quốc, nổ súng trước, tại Thủ đô Hà Nội, làm cho địch không kịp trở tay. Quân và dân Thủ đô thực hiện xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn các cơ quan Trung ương, đập tan mưu đồ đánh úp cơ quan đầu não của ta. Bộ đội chủ lực không chỉ được bảo toàn mà còn phát triển mạnh về số lượng và trình độ tác chiến. Cơ quan đầu não kháng chiến được bảo vệ, chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc an toàn, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh.

Cuối tháng 2 đầu tháng 3-1947, phán đoán cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta ở khu vực Tây Nam Hà Đông, thực dân Pháp mở các cuộc hành binh, lùng sục, hòng làm “mẻ lưới” lớn. Song, chúng đã thất bại.

Đến cuối tháng 3-1947 đầu tháng 4-1947, các cơ quan trung ương, các bộ sơ tán ra nhiều hướng lần lượt lên Việt Bắcbí mật, an toàn. Căn cứ địa Việt Bắc, đặc biệt là vùng An toàn khutrở thành nơi ởvàlàm việc của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quân đội, Mặt trận và nhiều cơ quan khác.

Trong hành trình dời Thủ đô Hà Nội lên căn cứ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tục thay đổi chỗ ở, chỗ làm việc, khi dừng chân ở Phú Thọ, sau đó là Tuyên Quang. Vừa đi chuyển, Người vừatiếp tục chỉ đạo các hoạt động của Đảng, Chính phủ(3).

Thời gian đầu, Người làm việc tại Sơn Dương, sau đó chuyển sang Định Hóa. Định Hóa  trở thành An toàn khu Trung ương bao gồm địa bàn 4 xã Phú Bình, Điềm Mặc, Thanh Hóa, Định Biên kế liền trong một thung lũng rộng lớn.

Ngày 20-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá (Thái Nguyên), đặt cơ quan làm việc tại Khau Tý nơi có đường mòn đi Sơn Dương, xuống Đại Từ, lên Chợ Đồn, ra Phú Lương và nhiều lối tắt kín đáo, thuận lợi.Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh ở và làm việc tại xóm Phong Hiển (xã Điềm Mặc). Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng… cùng các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Quân ủy, Bộ Quốc phòng, đóng tại An toàn khucho đến ngày kháng chiến thành công.

Đi đôi với việc xây dựng căn cứ địa kháng chiến, việc giữ bí mật, bảo đảm an toàn các cơ quan của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chỉ huy các chiến khu, đồng bào Việt Bắc hết sức chú trọng. Ai cũng thấy đây là nhiệm vụ chung. Lực lượng bảo vệ quan trọng nhất, tin cậy nhất ở căn cứ là nhân dân. Đồng bào các dân tộc tạo thành mạng lưới an ninh nhân dân rộng khắp, che chở, đùm bọc cán bộ trong mọi tình huống. Hàng vạn đồng bào, chiến sĩ dân quân, du kích các dân tộc ở căn cứ “hàng rào thép” bảo vệ tuyệt đối an toànTrung ương Đảng,Chính phủ kháng chiến.

2. Bảo vệ vững chắc cơ quan đầu não trước cuộc tiến công lớn của thực dân Pháp lên Việt Bắc

Sau gần nửa năm kể từ khi quân và dân ta tiến hành toàn quốc kháng chiến, quân Pháp cơ bản tạm thời chiếm được các thành phố lớn và một số thị xã, nhưng đạo quân viễn chinh Pháp tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn mới.

Tháng 3-1947, Bôlae sang thay Đácgiăngliơ làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương, vạch kế hoạch tiến công Việt Bắc nhằm 4 mục tiêu: chụp bắt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đánh quỵ chủ lực Việt Minh; phá hủy tiềm lực kháng chiến; khóa chặt biên giới Việt - Trung để bao vây cuộc kháng chiến và tiến đến kết thúc cuộc chiến tranh.

Trước những diễn biến mới của tình hình, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3(từ ngày 12 đến 15-6-1947) nhấn mạnh vấn đề củng cố, kiện toàn cơ quan chỉ huy, công tác tham mưu, chính trị, cán bộ, tổ chức bộ đội và dân quân, vấn đề củng cố căn cứ địa(4).

Chuẩn bị đối phó với những cuộc tiến công của địch trong Thu Đông 1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 4 (từ ngày 27 đến 29-9-1947) nhận định: địch sẽ đánh mạnh trong Thu Đông, âm mưu tiêu diệt chủ lực ta, phá căn cứ, cơ quan đầu não...; chiến trường chính sẽ là Bắc Bộ, nếu chúng mạo hiểm mới đánh lên Việt Bắc. Nhiệm vụ quan trọng của ta là phá tan kế hoạch của địch, bảo vệ căn cứ nhưng không cố thủ; tranh thủ chủ động và đi đến phối hợp các khu với nhau, phối hợp chiến lược toàn quốc(5).

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, các địa phương đẩy mạnh công tác chuẩn bị chiến đấu. Khu ủy các Khu 1, 10, 12 và các tỉnh trên địa bàn căn cứ địa Việt Bắc phổ biến Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương. Cắt các tuyến đường thành từng đoạn, đánh sập các cầu cống. Nhiều thị xã, thị trấn triệt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Cơ quan, xưởng máy, kho tàng chuyển về các căn cứ địa kháng chiến. Dân quân tự vệ khẩn trương luyện tập, tăng cường tuần tra canh gác, bố phòng nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ các vị trí xung yếu. Hệ thống báo động dây chuyền khắp các thôn xã được củng cố. Toàn dân thực hiện nếp sống quân sự hóa. Lực lượng vũ trang tăng cường xây dựng, củng cố trận địa, luyện tập triển khai đội hình chiến đấu.

Sau một năm tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam chưa đạt được mục tiêu, thực dân Pháp tính toán kỹ lưỡng về một cuộc tiến công lên Việt Bắc. Bộ Chỉ huy Pháp đánh giá kế hoạch tiến công lên Việt Bắc là kế hoạch hoàn hảo.

Tổng Chỉ huy quân đội Pháp Valuy khẳng định: “đây là ván bài cuối cùng”  là “đòn bất ngờ thọc thẳng vào tim quân thù”.

Tướng Xa lăng, người chỉ huy trực tiếp cuộc tiến công, cho rằng: “Chỉ cần 3 tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”(6).

Theo Valuy, xã hội Việt Nam được cố kết bằng một ý thức hệ, được lãnh đọa chặt chẽ từ bên trong, vì thế muốn tái chiếm Việt Nam, trước hết, phải “đập nát cái đầu” Việt Minh. Xác định cái đầu nằm ở đâu, qua các tài liệu tình báo, tướng Xa lăng phán đoán và cho rằng, trung tâm căn cứ kháng chiến của Việt Minh là khu tứ giác Chợ Chu - Tuyên Quang - Chiêm Hóa- Chợ Rã, trong đó Bắc Cạn được xác định là trung tâm. Vì thế, trong kế hoạch bốn điểm của Pháp, thì điểm đầu tiên là dùng quân dù thiện chiến nhảy thẳng xuống thị xã Bắc Cạn để thực thi nhiệm vụ “bắt gọn chính phủ kháng chiến”.

Mục đích của cuộc hành binh là tóm gọn cơ quan lãnh đạo tối cao của ta, tiêu diệt bộ đội chủ lực, phá tan căn cứ địa kháng chiến, nhằm mau chóng kết thúc chiến tranh(7).

Ngày 7-10-1947, quân Pháp mở cuộc tấn công lên Việt Bắc căn cứ địa kháng chiến của cả nước. Cuộc tấn công của Pháp đã gây cho ta bất ngờ, nên lúc địch nhảy dù, một số nơi đã bị động, đối phó lúng túng. Pháp sử dụng 12 nghìn quân tinh nhuệ (gồm hải, lục, không quân) do tướng Xalăng, Tư lệnh chiến trường Bắc Đông Dương chỉ huy, hình thành ba mũi tiến công chính, trong đó có mũi thọc sâu nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn và vùng xung quanh - nơi được coi là trung tâm căn cứ địa kháng chiến - để “bắt gọn Chính phủ Hồ Chí Minh”, sau đó càn quét tiêu diệt lực lượng kháng chiến và chiếm đóng cả vùng Việt Bắc. Không gian tổng thể của cuộc tiến công trải rộng trên một địa bàn các tỉnh vùng núi Việt Bắc, nhưng trọng tâm tập trung chủ yếu là khu vực Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Cạn - Thái Nguyên (khoảng 360 km2), trong đó trọng điểm chính là vùng Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới.

Về thời gian, cuộc tiến công dự kiến trong khoảng 3 tháng. Với ưu thế về binh lực và vũ khí, phương tiện chiến tranh, với một kế hoạch cụ thể và bất ngờ, Bộ chỉ huy Pháp tin chắc vào thắng lợi.

Ngày 8-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ta ra sức tiêu diệt địch, đánh bại cuộc hành quân của chúng. Cùng ngày, Bộ Tổng chỉ huy ra nhật lệnh cho bộ đội và dân quân chiến đấu phá tan cuộc tiến công mùa Đông của địch, ra quân lệnh diệt địch, bảo vệ Việt Bắc

Ngày 9-l0-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị cần kíp cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, kịp thời đánh địch bảo vệ nhân dân, cơ quan, kho tàng

Ngày 15-10, Ban Thường vụ Trung ương đã ra Chỉ thị Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp. Chỉ thị đề ra những nhiệm vụ mới trước mắt do tình thế mới đặt ra. Về quân sự và hành chính, phải đánh mạnh khắp toàn quốc; giam chân địch tại mấy căn cứ chúng vừa chiếm ở Việt Bắc; triệt để làm vườn không nhà trống quanh vùng địch chiếm đóng; chặt đứt đường giao thông liên lạc của địch, củng cố các căn cứ địa về mọi mặt; đẩy mạnh công tác phòng gian, bảo mật, đề phòng nội gián. Về dân vận, kêu gọi toàn dân đoàn kết, tham gia kháng chiến, ủng hộ Chính phủ, ủng hộ bộ đội(8).

Ngay tối 17-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các Khu uỷ, Quân khu uỷ thông báo địch tấn công Việt Bắc, ra lệnh cho các khu đánh mạnh để phân tán lực lượng địch, phá kế hoạch của chúng

Yêucầu chiến lược đặt ra là phải kiên quyết đánh bại cuộc tiến công chiến lược của Pháp, bảo vệ vững chắc căn cứ địa kháng chiến của cả nước, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và làm thất bại chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, buộc chúng phải chấp nhận đánh kéo dài theo đúng ý định chiến lược của Đảng, đưa cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới.

Đảng chỉ đạo quân và dân Việt Bắc mở chiến dịch phản công trên các mặt trận. Các địa phương thành lập Ủy ban bảo vệ cách mạng, trong đó có tổ chức công an và các tổ chức tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân. Nhân dân các địa phương, cả nông thôn và đô thị, theo chỉ thị “Tiêu thổ kháng chiến" đã thực hiện “vườn không nhà trống”, cất giấu, tích trữ lương thực, thực phẩm, chuẩn bị đánh địch. Tại thị xã Bắc Kạn và vùng xung quanh, đề phòng địch nhảy dù, nhân dân đã cắm chông trên các ruộng, bãi trống. Mặc dù đời sống còn thiếu đói, nhưng trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, đồng bào các dân tộc Việt Bắc hăng hái góp công góp của, đóng góp tiền bạc, trâu, bò, lợn, gạo cho kháng chiến.

Trong ngày đầu quân Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn nhằm chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, một toán địch đã bị học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tiến công diệt gọn khi vừa chạm đất.

Vừa đánh địch, ta vừa khẩn trương di chuyển các cơ quan, công xưởng, kho tàng ở Bản Thi, Đầm Hồng, Chợ Rã về nơi an toàn. Các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Chỉ huy và Chủ tịch Hồ Chí Minh di chuyển qua châu Na Rì vòng về Tràng Xá, Võ Nhai. Tiểu đoàn 103, Trung đoàn 165 được lệnh bảo vệ cuộc di chuyển. Trung đoàn 147 và 3 tiểu đoàn thuộc Bộ Tổng Chỉ huy được bố trí dọc đường 13 từ Thái Nguyên đến Đèo Khế đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ cuộc di chuyển kéo dài ba ngày, bảo đảm cho cơ quan lãnh đạo cao nhất của cuộc kháng chiến được an toàn tuyệt đối.Đài Tiếng nói Việt Nam vừa di chuyển, vừa phát sóng giữ cho tiếng nói kháng chiến liên tục không ngừng.

Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu chia thành hai, một bộ phận đi sâu vào khu vực chân Núi Hồng bán sát tình hình chiến sự trên các chiến trường, một bộ phận sang Tràng Xá cùng cơ quan Trung ương chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu… Hai bộ phận luôn phối hợp kịp thời, bảo đảm vừa di chuyển vừa chỉ huy các mặt trận.

Nhân dân tiếp tục thực hiện “vườn không, nhà trống”, cất giấu lương thực, sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ bộ đội, dân công trên mọi phương diện.

Công an các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn bố trí trinh sát nắm tình hình các hoạt động của địch, kịp thời báo cho Ban Chỉ huy chiến dịch những tin tức và hướng tiến công của địch.

Trong quá trình diễn ra chiến dịch, các đội công an xung phong của các tỉnh thuộc vùng căn cứ địa cùng lực lượng quân sự chiến đấu chặn bước tiến của địch ở cây số 7, đường Bình Ca, Tuyên Quang, chặn đường rút lui của địch từ Chiêm Hóa về Tuyên Quang. Ở những nơi có cơ quan, kho tàng, công xưởng, công an tập trung làm tốt công tác bảo vệ các cơ quan, bảo vệ nhân dân, kho tàng, đường giao thông.

Đến cuối tháng 11-1947, cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc không đạt kết quả đáng kể. Lực lượng địch bị bộ đội và du kích ta tiêu hao. Chính phủ kháng chiến mà địch cho là đóng ở Bắc Kạn cũng không tìm thấy ở đâu.

Sau thất bại ở Bắc Kạn, địch chuyển hướng tiến công bằng cuộc hành quân Xanhtuya (Vành đai) nhằm tiếp tục lùng bắt kỳ được cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt chủ lực Việt Minh, phá nát căn cứ địa… Hướng càn quét chủ yếu là Thái Nguyên. Theo phán đoán của địch, cơ quan Trung ương của ta đóng ở khu vực núi đá Đình Cả.

Thời điểm này, các cơ quan Trung ương  và Chính phủ đã từ Tràng Xá (Võ Nhai) vượt qua vòng vây của địch, qua đèo Khuổi Tát - Núi Hồng, về Tân Trào (Tuyên Quang), sang Khu an toàn ở Định Hóa (Thái Nguyên). Bộ Tổng chỉ huy chuyển về vùng Lục Rã - phía Bắc Đại Từ (Thái Nguyên), kịp thời chỉ huy các mặt trận đánh địch.

Nắm chắc động thái, phán đoán đúng ý đồ của địch, Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho các mặt trận bố trí lại lực lượng, bám sát các hoạt động của chúng, sẵn sàng tiêu diệt địch khi có thời cơ, đồng thời phát động rộng rãi phong trào toàn dân đánh giặc, khiến cho các cánh quân Pháp đi đến đâu cũng bị chặn đánh. Quân Pháp buộc phải rút khỏi Định Hóa (6-12), Võ Nhai (7-12).

Ngày 19-12-1947, đúng một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, đại bộ phận quân Pháp đã rút khỏi căn cứ địa Việt Bắc, đánh dấu thất bại chiến lược trong cuộc chiến tranh xâm lược của chúng. Một lần nữa, thực dân Pháp thất bại trong âm mưu, hành động truy lùng cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Với sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ giưa lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc Việt Bắc, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp lên căn cứ địa kháng chiến, đập tan âm mưu chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến của ta để sớm kết thưc chiến tranh của thực dân Pháp.

Cơ quan lãnh đạo kháng chiến được bảo vệ an toàn, căn cứ địa Việt Bắc trải qua thử thách vẫn đứng vững và trưởng thành. Bộ đội chủ lực và dân quân du kích được tôi luyện qua chiến đấu.

Thắng lợi của cuộc phản công lớn Việt Bắc là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong năm đầu kháng chiến toàn quốc, đòn quyết định làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của quân Pháp.

Thắng lợi quan trọng này để lại nhiều kinh nghiệm quan trọng: (1) để bảo vệ an toàn căn cứ và cơ quan đầu não kháng chiến, phải luôn chủ động lường định tình hình, dự kiến, nắm chắc âm mưu, kế hoạch, hành động của địch để có chủ trương, đối sách kịp thời, hiệu quả. (2) Xây dựng địa bàn đặt cơ quan đầu não vững chắc về mọi mặt: công tác phòng gian bảo mật; dựa chắc vào nhân dân, nhờ vào “tai mắt” của dân; tổ chức lực lượng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Cuộc phản công Việt Bắc giành thắng lợi, góp phần quyết định đánh bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh”, buộc thực dân Pháp phải thay đổi chiến lược chiến tranh. Cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn giằng co, chuyển hóa lực lượng, vừa kháng chiến vừa kiến quốc để đưa cuộc kháng chiến đi lên. Thắng lợi và kinh nghiệm thu được trong chiến dịch phản công Việt Bắc tạo niềm tin, quyết tâm và là cơ sở để quân và dân ta vượt mọi khó khăn, thử thách tiếp tục chiến đấu, bảo vệ căn cứ kháng chiến thần thánh của cả nước.

____________________

(1) Vùng trung du trung du và miền núi phía Bắc, cụ thể là vùng căn cứ địa cách mạng Cao –Bắc – Lạng – Thái – Tuyên – Hà.

(2) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Hồi ức, Hữu Mai thể hiện, Nxb QĐND – Nxb Thanh niên, H.1995, tr112.

(3) Chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ (18-3-1947)tại Phú Thọ. Từ ngày 2-4 đến 19-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tại làng Xảo (xã Hợp Thành, Sơn Dương, Tuyên Quang), chủ trì cuộc họp của Hội đồng Chính phủ (19-4-1947), chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng (4 đến 6-5), tham dự cuộc họp Hội đồng Chính phủ (15-5). Bộ Quốc phòng. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, tập II, Toàn quốc kháng chiến, Nxb QĐ ND, H.2005, tr.85-86.

(4) Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 tập II Toàn quốc kháng chiến, Nxb QĐND, H.2005.   Tr 210.

(5) Bộ Quốc phòng – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 tập II Toàn quốc kháng chiến, Nxb QĐND, H.2005.   Tr. 218

(6)Y vơ Gra: Lịch sử cuộc chiến trnah Đông Dương, Nxb Plong, Pari, 1979. Tr 185.

(7) Ban chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H.1996, .110.

(8) Xem Ban Thường vụ Trung ương Đảng phụ chú một điểm trong Chỉ thị ngày 15-10-1947 của Trung ương. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr.327-330

 

                                                           PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh

                                                   Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền