Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Những quyết sách quan trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945)
Thứ sáu, 18 Tháng 8 2017 15:03
11608 Lượt xem

Những quyết sách quan trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (13-15/8/1945)

(LLCT)- Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang), theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ - Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. (Ảnh tư liệu TTXVN)

Tham dự Hội nghị gồm có đại biểu các đảng bộ địa phương trong nước, một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài, đại biểu của khu giải phóng và các chiến khu. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước chuyển biến hết sức nhanh chóng. Trên thế giới, phátxít Đức đã thất bại (5-1945), phátxít Nhật đang bị quân đội Đồng minh dồn vào bước đường cùng, buộc phải tuyên bố đầu hàng. Các nước Đồng minh thoả thuận sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật. Thực dân Pháp dựa vào Đồng minh ráo riết chuẩn bị lực lượng trở lại khôi phục địa vị thống trị ở Đông Dương. Các lực lượng phản động, tay sai của Nhật ra sức tìm chủ mới, bọn phản động người Việt lưu vong dựa thế quân đội nước ngoài trở về nước hòng nắm chính quyền.

Trước tình hình đó, Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, như: về các chủ trương, biện pháp chỉ đạo tổng khởi nghĩa; chính sách đối nội và đối ngoại; công tác cán bộ, công tác dân vận, công tác xây dựng Đảng…

Chủ trương, biện pháp tổng khởi  nghĩa

Hội nghị nhận định: “Nhật đổ, hàng ngũ chỉ huy của chúng ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ”. “Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa, giành quyền độc lập”. “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”. “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”(1). Trên cơ sở phân tích chính xác tình hình, Hội nghị quyết định phát động toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền từ phátxít Nhật và tay sai, trước khi quân Anh và quân Tưởng vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật.

Hội nghị đề ra ba nguyên tắc nhằm bảo đảm sự thắng lợi của tổng khởi nghĩa do Đảng lãnh đạo:

“a) Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính.

  b) Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy.

 c) Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”(2).

Hội nghị đã chủ trương: “Đánh chiếm ngay những nơi chắc thắng, không kể thành phố hay thôn quê. Thành lập những ủy ban nhân dân ở những nơi ta làm chủ”(3); “quân sự và chính trị phối hợp”, “làm tan rã tinh thần quân địch và dụ chúng hàng trước khi đánh”; “chớp lấy những căn cứ chính (cả đô thị) trước khi quân đồng minh vào”(4)

Đây là những chủ trương kịp thời, kế hoạch đúng đắn; biểu thị sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân trong giờ phút quyết định và là cơ sở quan trọng để tổng khởi nghĩa giành thắng lợi.

Chính sách đối nội

Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, trong đó chủ trương tiếp tục thi hành 10 chính sách của Việt Minh đã được ban hành từ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5-1941). Mười chính sách được nhân dân đồng tình ủng hộ, là cơ sở để thực hiện đoàn kết dân tộc, huy động mọi tiềm năng, sức mạnh của nhân dân tiến tới tổng khởi nghĩa.

Những chính sách đó tuy được nêu một cách ngắn gọn, cô đọng nhưng đã quyết định toàn diện các vấn đề về: chế độ chính trị, các chính sách về quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân.

Về mô hình chế độ chính trịđược nêu rõ trong chính sách đầu tiên: “a) Phản đối xâm lược; tiễu trừ Việt gian. Lập nên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hoàn toàn độc lập”(5)

Nhóm chính sách kinh tế giải quyết các vấn đề kinh tế trước mắt và lâu dài, cấp bách nhất là làm cho dân nghèo có ruộng đất: “c) Tịch thu tài sản của lũ giặc nước và của Việt gian, tùy trường hợp dùng làm của chung hay chia cho dân nghèo. d) Bỏ hết thuế khóa, phu dịch do đế quốc đặt ra. e) Chia lại ruộng đất công, làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy; giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ. h) Thành lập và mở rộng nền kinh tế quốc dân. Khuyến khích và giúp đỡ công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp. Lập quốc gia ngân hàng”(6).

Nhóm chính sách về văn hóa - xã hộigồm: “g)Thi hành kỷ luật ngày làm tám giờ; đặt luật xã hội bảo hiểm, cứu tế nạn dân. i) Chống nạn mù chữ, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học. Đào tạo các hạng nhân tài. k) Thân thiện với các nước coi trọng nền độc lập của Việt Nam”(7).

Chính sách đối ngoại

Hội nghị chủ trương triệt để lợi dụng mâu thuẫn giữa hai phe Đồng minh Anh, Pháp và Mỹ, Tàu về vấn đề Đông Dương, tránh trường hợp một mình phải đối phó cùng một lúc với nhiều đối tượng, đồng thời cũng cần chuẩn bị ứng phó với việc Anh - Mỹ - Tưởng nhân nhượng Pháp, cho Pháp trở lại Đông Dương. Hội nghị nhận định rõ vai trò quan trọng của thực lực cách mạng nước ta trong việc giải quyết mối quan hệ giữa ta và Đồng minh: “Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi giữa ta và Đồng minh”(8).

Những chính sách về đối ngoại có vai trò chỉ đạo cách mạng Việt Nam sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Sau tháng 8- 1945, vận dụng chính sách đối ngoại được đề ra tại Hội nghị, Đảng ta đã thực hiện phân hóa mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, tránh việc phải đối phó với nhiều lực lượng cùng lúc. Nhờ thực hiện những chính sách đối ngoại đúng đắn mà cách mạng nước ta vượt qua tình thế hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc”.

Công tác cán bộ

Về công tác cán bộ, Hội nghị quyết định nhiều vấn đề quan trọng như: đào tạo, sử dụng, phân phối, kiểm tra cán bộ. Hội nghị chủ trương thành lập các ban chuyên môn ở Trung ương, xứ ủy để đào tạo cán bộ. Mỗi tỉnh có ít nhất một huấn luyện viên chuyên môn và nhấn mạnh vấn đề tạo tạo cán bộ địa phương và cán bộ dân tộc thiểu số. Về vấn đề sử dụng cán bộ, Hội nghị nêu rõ các quan điểm: “Phải quý cán bộ và giữ gìn cán bộ. Phân phối cán bộ cho hợp lý; dùng cán bộ cho đúng. Hết sức nâng đỡ cán bộ quần chúng (cán bộ Việt Minh)”(9). Bên cạnh đó, Hội nghị yêu cầu thực hiện kiểm tra cán bộ nhằm phát huy ưu điểm, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương bổ sung một số uỷ viên, gồm các đồng chí: Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Hoan, Chu Văn Tấn, Vũ Anh và Võ Nguyên Giáp.

Công tác dân vận

Hội nghị chủ trương vận động các giới, các đảng phái; biện pháp tuyên truyền vận động; các khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động. Đảng nhấn mạnh phương hướng tuyên truyền cổ động: “nêu khẩu hiệu chính động viên tinh thần cứu quốc; nêu cao nguyện vọng của dân tộc; quốc gia hoàn toàn độc lập…”(10).

Hội nghị đề ra các nhiệm vụ cần kíp nhằm thực hiện tuyên truyền, cổ động, trong đó chỉ rõ các hình thức, phương pháp: phát truyền đơn, dán áp phích, truyền tin, họp mít tinh, báo chí… Hình thức vũ trang tuyên truyền ra đời cùng với việc thiết lập lực lượng vũ trang cách mạng; đảm đương chức năng chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Hình thức thị uy tuyên truyền thông qua các cuộc mít tinh, biểu tình…

Hội nghị đề ra chủ trương vận động các giới và các đảng phái, đề ra chính sách vận động phù hợp với từng đối tượng. Hội nghị đề xuất thực hiện công tác vận động các giới gắn kết với việc xây dựng tổ chức cứu quốc. Đối với các đảng phái, Hội nghị chủ trương ủng hộ việc gây dựng lại “Việt Nam Quốc dân Đảng”, hết sức giúp đỡ “Việt Nam dân chủ Đảng”. Tính chất dân chủ nhân dân của cuộc cách mạng đặt ra đối tượng cần tập hợp, vận động không chỉ giới hạn ở công - nông, mà là tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo có tinh thần chống Pháp, chống Nhật, thành thật muốn giành độc lập cho đất nước.

Công tác dân vận đã trực tiếp góp phần xây dựng lực lượng chính trị đông đảo - lực lượng đóng vai trò quyết định thắng lợi trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Công tác xây dựng nội bộ Đảng

Hội nghị coi trọng vấn đề thống nhất Đảng, đặc biệt về tổ chức, về chính trị, chống tả khuynh, hữu khuynh. Đảng nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của việc thống nhất Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng, nhất là vào thời điểm xuất hiện thời cơ cách mạng ngàn năm có một. Do đó, thống nhất, đoàn kết trong Đảng tạo nên sức mạnh của Đảng, làm cho Đảng đủ năng lực lãnh đạo cách mạng thành công.

Về vấn đề phát triển và củng cố Đảng, Hội nghị nêu một số chủ trương như: kết nạp đảng viên mới; xây dựng tổ chức đảng trong quân giải phóng Việt Nam; thi hành kỷ luật đối với đảng viên phạm lỗi nặng; khai trừ những phần tử hủ hóa, thoái lui; thực hiện tự chỉ trích… Bên cạnh đó, Hội nghị chủ trương xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình mở lớp huấn luyện cán bộ, đảng viên.

Về mối quan hệ giữa Đảng và Việt Minh, Hội nghị nêu yêu cầu: Phân định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò tập hợp, đoàn kết quần chúng của Việt Minh; phân minh về tổ chức đảng với tổ chức của Việt Minh. Với tư cách là thành viên, Đảng tỏ rõ vị thế bình đẳng như các thành viên khác trong Mặt trận, không đứng trên mà đứng trong Mặt trận. Với tư cách là thành tố lãnh đạo, Đảng tỏ rõ là bộ phận tiên phong chính trị, gương mẫu nhân cách, mà biểu hiện cụ thể nhất là trong hoạt động thực tiễn hành ngày gắn với nhân dân. Chính thông qua với tư cách là thành viên, lại là thành viên hăng hái nhất, tinh hoa nhất mà tính chính đáng về quyền lãnh đạo của Đảng được thừa nhận. Vai trò của Đảng trong cấu trúc Mặt trận Việt Minh là một mẫu mực thực hiện chức năng “kép” nêu trên, như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(11).

Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng tháng 8-1945 có ý nghĩa trọng đại trong lịch sử cách mạng nước ta; quyết định vấn đề chiến lược và sách lược chỉ đạo cách mạng Đông Dương, góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Chủ trương khởi nghĩa của Hội nghị đã được Đại hội Quốc dân (họp ngày 16 và ngày 17-8-1945) tán thành. Bên cạnh đó, những tư tưởng của Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng còn có tác dụng chỉ đạo cuộc đấu tranh chống thù trong, giặc ngoài, bảo vệ và phát huy thành quả cách mạng. Với những quyết sách quan trọng, Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng thể hiện sự tiếp thu và phát triển truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc ta trong điều kiện lịch sử mới. Do đó, có thể khẳng định, Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng (8-1945) không những có ý nghĩa trực tiếp đối với cuộc đấu tranh giành chính quyền, mà còn là di sản của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

____________________

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7 (1940-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.424, 425, 425, 429, 427, 427-428, 427-428, 427, 432, 427.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.138.

TS Lê Thị Minh Hà

Viện Xây dựng Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền