Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947: bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp
Thứ năm, 28 Tháng 9 2017 14:44
12241 Lượt xem

Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947: bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

(LLCT) - Sau quá trình từng bước “lấn tới”, thực dân Pháp đã quyết định mở cuộc tấn công diệt gọn cơ quan đầu não kháng chiến, giải quyết chiến tranh Việt Nam và Đông Dương. Thực hiện mục tiêu này, tướng Valuy (Valluy)- Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương đã giao cho tướng Xalăng (Salan) - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương chuẩn bị “Kế hoạch tiến công Việt Bắc”.Đầu tháng 7, Chính phủ Pháp đã thông qua kế hoạch này.

(Lược đồ chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, nguồn: http://baotanglichsu.vn)

Kế hoạch tiến công gồm hai bước:Bước 1 mang mật danh Lêa (Léa), mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc Cạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Bước 2 mang mật danh “Xanhtuya” (Ceinture)(1)tức “siết chặt vành đai”, tập trung càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu - Chợ Mới, vùng Chợ Chu là trọng điểm.

Để thực hiện kế hoạch trên, Pháp tập trung sức mạnh tối đa, tiến công chớp nhoáng với chiến thuật hợp đồng thuỷ - lục - không quân càn quét mạnh từng khu vực, lấn chiếm dần để dồn kẹp ta lại mà bao vây tiêu diệt, nhằm “4 mục tiêu chiến lược” của cuộc tiến công là: “Diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh, tìm diệt chủ lực, phá tan căn cứ địa Việt Bắc, bịt kín, khóa chặt biên giới Việt - Trung, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và loại trừ mọi chi viện từ bên ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ...”(2).

Bộ chỉ huy Pháp dự kiến cuộc hành quân trongba tháng và xem đây là một kế hoạch hoàn hảo, có khả năng đi đến kết thúc chiến tranh. Tướng Valuy khẳng định sẽ “chơi ván bài cuối cùng”. Tướng Xalăng, tác giả của “kế hoạch tiến công Việt Bắc” cam đoan “Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”.

Với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiên liệu âm mưu chiến lược của kẻ thù và những thách thức đối với cách mạng Việt Nam, tích cực chuẩn bị về mọi mặt, giành thế chủ động trong cuộc kháng chiến.

Tháng 4-1947, Hội nghị cán bộ Trung ương đã họp bàn về nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa và nhận định âm mưu của địch. Hội nghị nhận rõ nguy cơ: những căn cứ địa ở Việt Nam đều có thể bị đánh xuyên mũi dùi hoặc bị bao vây.

Mùa Hè 1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 đã phán đoán mưu đồ chiến lược sắp tới của thực dân Pháp,cho rằng chúng sẽ mở rộng phạm vi chiếm đóng trên những địa bàn chiến lược quan trọng do ta kiểm soát và âm mưu mở cuộc đại tiến công vào Việt Bắc nhằm tiêu diệt chủ lực của ta. Hội nghị đề ra nhiệm vụ cụ thể về củng cố bộ đội chủ lực, củng cố cơ quan chỉ huy các cấp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, củng cố căn cứ địa và nhiều biện pháp khác,với tinh thần tích cực, chủ động, khẩn trương, tạo thêm những yếu tố thuận lợi khi bước vào mùa khô.

Ngày 19-8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửithư chođồng bào Việt Bắc, Người nêu những cảnh báo về âm mưu chiến lược của thực dân Pháp: "Hiện bây giờ Khu 1 chưa phải mặt trận chính. Nhưng đối với bọn thực dân hung ác, nay mai rất có thể Khu 1 trởnên mặt trận chính. Vì vậy chúng ta phải luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng"(3); tập trung vào xây dựng lực lượngvũ trang, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cán bộ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân...

Ngày12-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn công tác trước mắt trong đó có một nội dung quan trọng là kế hoạch đề phòng cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp. Tiếp đó, ngày 15-9-1947, Thường vụ Trung ương ra chỉ thị: "Bô- la nói gì? Ta phải làm gì?". Chỉ thị vạch trần âm mưu của Pháp đối với nền độc lập của ta, đồng thời khẳng định "không dùng bạo lực mà đè bẹp ý chí xâm lược của thực dân Pháp thì không thể có độc lập và thống nhất thật sự"(4). Thường vụ Trung ương yêu cầu phải động viên mọi lực lượng của dân tộc, "sửa soạn phá những cuộc tấn công sắp tới của địch", chuẩn bị cho cuộc đối đầu quy mô lớn giữa quân và dân ta với quân đội viễn chinh Pháp. Tổng Bí thư Trường Chinh đánh giá: "Bản chỉ thị lịch sử này đặt cơ sở cho chiến thắng của chiến dịch Việt Bắc, chuyển cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta sang giai đoạn mới"(5).

Sau khi thực dân Pháp mở cuộc hành quân lên Việt Bắc, ngày 15-10-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp. Đảng nhận định: "Địch càng dàn quân ra càng mỏng lực lượng. Chúng đem quân lên mạn ngược là một dịp cho ta đế đánh chúng ở miền xuôi. Chúng đóng quân nơi xa càng dễ cho ta bao vây chúng và chặt đường tiếp tế, đánh chúng một cách rất có lợi trong khi chúng vận động"6. Từ đó Đảng đề ra nhiệm vụ: "Đánh mạnh dưới đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ, khiến cho địch không thế đánh Việt Bắc"; giam chân, chặt đứt giao thông, liên lạc giữa các cứ điểm của địch, không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế; củng cốcăn cứ địa về mặt hành chính, dân vận, quân sự, kinh tế... quân sự hóa các cơ quan hành chính; củng cố bộ máy hành chính và kháng chiến ở vùng địch kiểm soát...

Quán triệt Chỉ thị của Thường vụ Trung ương, quân và dân trên các chiến trường ở Bắc Bộ, Khu 5, Khu 6 và Nam Bộ đã tiến hành nhiều hoạt động chiến đấu phối hợp với Việt Bắc. Các cuộc tấn công của Bộ đội Tây tiến ở Sơn La, cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội, ởNam phần Bắc Ninh, các cuộc tập kích ở Ninh Hòa, Cam Ranh... (Khu 5), các cuộc phục kích, tập kích ở Gia Định, vùng ven Sài Gòn, ở Biên Hòa, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ... (Nam Bộ) đã chia lửa cùng Việt Bắc, buộc địch phải căng sức đối phó trên khắp các chiến trường.

Đảng đã sớm nhận định khả năng địch có thể tấn công lên Việt Bắc. Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 9-1947, tại Hội nghị quân sự lần thứ 4, đa số ý kiến đều nghiêng về nhận định địch sẽ đánh đồng bằng, nếu mạo hiểm thì chúng mới đánh Việt Bắc(7). Việc phòng thủ Việt Bắc cũng chủ yếu tập trung bốtrí lực lượng chặn địch từ hướng trung du đánh lên; ta cũng chủ quan cho rằng "địch không thể nhảy dù Bắc Kạn"(8). Tuy nhiên, do ta không đánh giá thật sát đúng âm mưu, cách đánh và hướng đánh của địch, nên công tác chuẩn bị đánh địch nhiều nơi ở Việt Bắc còn sơ sài, "hớ hênh, khinh địch (...) phá hoại chậm chạp"(9)...

Ngày 7-10-1947, khi địch nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn mở đầu cho cuộc tấn công ồ ạt lên Việt Bắc, quân Pháp đã giành được thế chủ động, "ở nhiều nơi địch nhảy xuống ta bị động, đối phó lúng túng"(10), chịu một số tổn thất.

Mặc dù bị bất ngờ về hành động liều lĩnh của địch, nhưng nhờ bản lĩnh và tài thao lược, khả năng ứng phó nhanh nhạy với tình huống chiến trường, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Bộ Tổng chỉ huy kịp thời chỉ đạo quân và dân Việt Bắc nhanh chóng khắc phục thiếu sót ban đầu, kịp thời tổ chức lại thếtrận phản công địch. Nhờxác định phương hướng chung đúng đắn, nhờ khả năng nắm bắt thực tiễn vàtinh thần sáng tạo, Bộ thống soái tối cao của ta đã có những quyết định và điều chỉnh chính xác,làm thay đổi cục diện, tạo thếtrận ngày càng có lợi cho ta.

Ngay sau khi địch nhảy dù xuống Bắc Kạn, Thường vụ Trung ương Đảng đã điện cho Tỉnh ủyBắc Kạn chỉ thị phải lãnh đạo lực lượng vũ trang tích cực đánh địch, bảo vệ cơ quan, sơ tán kho tàng, tổ chức nhân dân làm vườn không nhà trống. Thường vụ Trung ương cũng điện báo gấp các địa phương trên cả nước về cuộc tấn công của địch, yêu cầu các Khu ủy, Quân khu ủy phải chỉ huy bộ đội đánh mạnh để phân tán lực lượng địch và phá cuộc tấn công Việt Bắc của chúng. Tiếp đó, ngày 9-10-1947, Thường vụ Trung ương Đảng ra "Chỉthị cần kíp gửi các đồng chí Tỉnh ủy Bắc Kạn và các đồng chí phụ trách quân, chính, dân Bắc Kạn"yêu cầu thi hành những nhiệm vụ cần kíp về quân sự, về chính trị và kinh tế để đối phó với các mũi tấn công đang mở rộng của địch. Thường vụ Trung ương yêu cầu lãnh đạo địa phương phải dùng lực lượng bộ đội, dân quân du kích và toàn dân bao vây, giam chân địch trong tỉnh lỵ; ngăn chặn địch trên các đường giao thông trọng yếu; triệt để tiêu thổ, lập chướng ngại vật; tổ chức phục kích, đánh địa lôi, ngăn cản việc địch tiếp tế, vận chuyển, liên lạc; tiến hành phản công địch ngay trong thị xã và các điểm chúng mới chiếm đóng; thực hiện trừ gian, phòng phỉ, bảo mật, thực hiện nghiêm mật việc phòng không, bảo vệ nhân dân, cơ quan, kho tàng... Thường vụ Trung ương chỉ rõ: "Chúng ta có ba điều kiện để thắng: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Điều cần thiết là chúng ta biết lợi dụng triệt để những điều kiện ấy để giành thắng lợi"(11).

Trong những giờphút khó khăn đầu tiên của cuộc chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh bình tĩnh và sáng suốt trước tình thế vô cùng khẩn cấp. Ngày 11-10-1947, trong tiếng máy bay địch gầm rú, bắn phá, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ đểthảo luận kếhoạch đối phó cuộc tấn công của Pháp, biểu thị quyết tâm kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy đề ra nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ cơ quan đầu não bằng mọi giá, chủ trương điều chỉnh kế hoạch tác chiến, giành thếchủ động; chỉ đạo khắc phục những thiếu sót trong chuẩn bị và đánh địch, triệt để phá hoại đường sá, nhà cửa, sơ tán bệnh viện, công xưởng, kho tàng, di chuyển và bảo vệ các cơ quan, làm vườn không nhà trống... Đặc biệt, ngay sau khi nắm được kếhoạch tấn công của địch lên Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương họp khẩn cấp vào chiều ngày 14-10-1947 bàn và đề ra các quyết sách mới. Hội nghị nhận định cuộc tấn công lần này của Pháp không mạnh mà yếu nên phải mạo hiểm, địch sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn vì rải quân trên một địa bàn quá rộng; mọi hoạt động của cuộc hành binh đều phụ thuộc vào khả năng tiếp tế, tăng viện bằng đường bộ và đường thủy, nêu ta biết lợi dụng triệt để những nhược điểm của địch, phát triển những ưu điểm của ta thì cuộc tấn công của chúng nhất định sẽ thất bại. Hội nghị thông qua các kiến nghị của Bộ Tổng chỉ huy: hình thành 3 mặt trận (mặt trận Sông Lô - đường số2; mặt trận Cao Bằng - đường số4;mặt trậnBắc Kạn - đường số3),thực hiện ngay phương châm "đại đội độc lập - tiểu đoàn tập trung" tại Việt Bắc đểlàm nòng cốt cho phong trào du kích, phân tán cơ quan lãnh đạo...

Theo tinh thần của Hội nghị, ngày 15-10-1947, Thường vụ Trung ương ban hành chỉ thị "Phải phá cuộc tiến công mùaĐông của giặc Pháp".Bản chỉ thị phân tích rõ tình hình quân Pháp tấn công Việt Bắc (mục đích, chiến lược chiến thuật tấn công) và khẳng định: "Cuộc tấn công này của địch không tỏ ra chúng mạnh (...) mà tỏ ra chúng yếu, phải mạo hiểm". Nắm vững mưu đồ và bản chất kẻ thù, Chỉ thị nhấn mạnh: "Chúng ta phải trấn tĩnh đối phó, vẫn phải giữ gìn chủ lực, nhưng đồng thời cũng phải nhè những chỗ yếu của địch mà đánh những trận vang dội, những trận tiêu diệt để nâng cao tinh thần bộ đội và củng cốlòng tin tưởng của nhân dân vào tiền đồ cuộc kháng chiến"(12). Cùng ngày 15-10-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân du kích Việt Bắc ra sức diệt địch. Người cho rằng địch mưu hội quân ở Bắc Kạn, tạo thành cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi chúng cụp ô lại, dưới đánh lên, trên đánh xuống đểtiêu diệt chủ lực ta và phá cho được cơ quan đầu não kháng chiến. Người chỉ rõ: Chúng chỉ mạnh về hai gọng kìm. Gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành cái ô rách, cuộc tấn công của địch sẽ thất bại"(13).

Quân và dân ta ở Việt Bắc đã thực hiện phương châm: Không đưa bộ đội chủ lực ra đối đầu với pháo binh cơ giới của địch mà lấy tác chiến quy mô nhỏ làm chính, dùng lực lượng nhỏ,chiến thuật phục kích là chủ yếu,đánh thẳng vào nhược điểm cơ bản của địch là phải tiếp tếtăng viện bằng đường bộ và đường sông trên một không gian rộng,đường núi hiểm trở, xa căn cứ ở đồng bằng. Phương châm "đại đội độc lập -tiểu đoàn tập trung" mang lại hiệu quả rõ rệt với sự phát triển mạnh của phong trào chiến tranh du kích. Các cơ sở sản xuất, kho tàng lui sâu vào rừng. Nhân dân làm vườn không nhà trống đẩy quân Pháp vào tình thế khốn đốn vì không thể khai thác được hậu cần tại chỗ. Cơ quan đầu não kháng chiến phân tán thành nhiều bộ phận song vẫn bảo đảm duy trì liên lạc chỉ đạo, chỉ huy giữa Trung ương với các địa phương Việt Bắc và với chiến trường toàn quốc.

Đúng như dự đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua hơn hai tháng đánh lên Việt Bắc, vấp phải sự chống trả kiên cường của quân và dân ta, bị đánh mạnh ở cả đường bộ, đường sông, chịu nhiều tổn thất, hàng nghìnquân địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, nhiều phương tiện chiến tranh bị phá hủy, quân Pháp buộc phải co cụm vào các thị xã, thị trấn rồi rút đại bộ phận quân khỏi Việt Bắc. Cuộc tiến công quy mô lớn mà tướng Xalăng, chỉ huy cuộc tấn công ngạo ngược tuyên bố "Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não Việt Minh"(14) đã thất bại. Quân Pháp tuy có phá hoại một số cơ sở vật chất kháng chiến nhưng đã không thực hiện được bất cứ mục tiêu chiến lược nào đề ra cho cuộc tiến công. Thất bại của trận Việt Bắc cùng với khủng hoảng về chính trị, khó khăn về kinh tếlàm cho Pháp nhận ra rằng không thể giải quyết chiến tranh bằng một cuộc hành quân lớn và cũng không thể tiến hành chiến tranh bằng sức lực đã cạn kiệt của nước Pháp. Sau thất bại Việt Bắc, chúng phải chuyển sang chiến lược mới là đánh lâudài, chuyển trọng tâm sang bình định các vùng chiếm đóng hòng vơ vét sức người sức của, kết hợp cả quân sự, chính trị và kinh tế, hòng kéo dài chiến tranh. Thực tế lịch sử cho thấy thất bại của địch ởViệt Bắc Thu - Đông 1947 đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chủ trương chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh", buộc địch phải thay đối chiến lược sang “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Cuộc phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 mở ra một giai đoạn mới của cuộc kháng chiến với sự chuyển hóa lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Căn cứ địa vững vàng và trưởng thành, bộ đội chủ lực và dân quân du kích được tôi luyện trong thực tế chiến đấu,được bổ sung khá nhiều trang bị, vũ khí. Cơ quan lãnh đạo kháng chiến được bảo vệ an toàn. Trong khi kẻ địch tìm mọi cách đểchụp bắt "cơ quan đầu não của Việt Minh" thì Chính phủ kháng chiến do Hồ Chí Minh đứng đầu đã vừa liên tục di chuyển trong các huyện Võ Nhai, Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang)... vừa tiếp tục điều hành công việc kháng chiến trên toàn quốc.

Ngay sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ, sự điều khiển khôn khéo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy, sự dũng cảm của tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích, nhờ sự hăng hái của toàn thể đồng bào, mà ta đã đánh tan cuộc tấn công vào Việt Bắc của thực dân Pháp"(15).

Chiến thắngViệt Bắc đã củng cố và nâng cao uy tín của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước thêm phấnkhởi và tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Một năm sau toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mối nhóm, chỉ có tiến, không có thoái"; còn lực lượng địch như "mặt trời lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ"(16).

Chiến thắng Việt Bắc có ý nghĩa chiến lược, đưa cuộc kháng chiến bước sangmột giai đoạn mới, đồng thời để lại những bài học quý về dự báonhững khả năng và chủ động đương đầu với kẻ địch có lực lượng mạnh; về sự nhạy bén trong đánh giá cục diện chiến trường; về xác địnhđường lối đúng đắn thể hiện tầm nhìn chiến lược, toàn diện, chủ động chuẩn bị đương đầu với những thách thức, kịp thòi phát hiện và kiên quyết sửa chữa thiếu sót, tạo dựng, rèn luyện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ lãnh đạo tài ba. Những bài học ấy, cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

_________________________

(1) “Kế hoạch tiến công Việt Bắc” do Xalăng soạn thảo gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh Lêa và Cloclo. Nhưng khi tiến hành cuộc hành binh thứ nhất (bước 1) đã không thực hiện được đúng như kế hoạch, mà vừa chậm vừa bị nhiều tổn thất nên đến “bước 2”, Xa-lăng đã lờ đi, không đả động gì đến mật danh Cloclo nữa mà phải thay bằng Xanhtuya - Tức “siết chặt vành đai”, dồn sức vào đánh phá khu tứ giác: Tuyên Quang - Thái Nguyên -Phủ Lạng Thương-Việt Trì.

(2) Hồi ký Xa-lăng, Nxb Presses de la Cité Pari, 1971, t.2, tr. 58 và 74.

(3), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 222, 449, 313-314.

(4), (6), (8), (9), (11), (12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 294, 294, 312, 314, 318.

(5) Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1960, t.1, tr.235-241.

(7) Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh – Trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - Thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 109-110.

(10) Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.150.

(13) Hồ Chí Minh:Biên niên tiểu sử,tập 4 (1946-1950), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 129.

(14) Y-vơ Gra: Lịch sử chiến tranh Đông Dương, lưu tại Viện Lịch sử Đảng.

 

ThS Nguyễn Quang Hòa

ThS Đào Xuân Tùng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền