Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Kim Ngọc: tấm gương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Thứ hai, 02 Tháng 10 2017 10:05
4247 Lượt xem

Đồng chí Kim Ngọc: tấm gương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

(LLCT) - Hai mốt năm trên cương vị Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Kim Ngọc đã dồn nhiều tâm huyết và sức lực để tìm tòi, sáng tạo trong lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp. Đồng chí là tấm gương mẫu mực của người đảng viên cộng sản, luôn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

(Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc (áo trắng) trong một lần Bác Hồ về thăm địa phương, nguồn: internet)

1. Nói về đồng chí Kim Ngọc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khẳng định: “Nông dân no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân”(1).

Ngay từ những năm 60 thế kỷ XX, đồng chí đã khẳng định: “không có nông nghiệp phát triển thì các mặt công tác khác khó mà khá được. Chúng ta phải luôn luôn lãnh đạo toàn diện, nhưng phải luôn luôn nhớ, nghĩ và làm nông nghiệp. Hãy làm ra nhiều lương thực, thực phẩm”(2). Điều mà đồng chí Kim Ngọc suy nghĩ, trăn trở và quyết tâm thực hiện, cho đến nay vẫn là vấn đề thời sự.

Đồng chí Kim Ngọc, nguồn: internet

Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, trong lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ngay từ năm 1963, đồng chí Kim Ngọc đã trăn trở, suy nghĩ việc thực hiện “khoán” và tổ chức thí điểm hình thức “khoán hộ”. Từ thực tiễn, đồng chí Kim Ngọc đã khẳng định một vấn đề rất mới mẻ ở thời điểm đó. Đó là, tổ chức và sử dụng lao động như thế nào để có thể huy động được các lực lượng lao động tham gia sản xuất và nâng cao năng suất lao động. Sau khi nghiên cứu, bàn bạc và qua thực hiện thí điểm ở một số nơi có kết quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ra Nghị quyết 68-NQ/TU“Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong hợp tác xã hiện nay”, ngày 10-9-1966, quyết định thực hiện chế độ “khoán hộ” trong các hợp tác xã nông nghiệp. Nghị quyết đã khẳng định nhân tố con người là yếu tố quyết định thắng lợi của tiến trình sản xuất, nếu được tin cậy, được giao quyền tự chủ sáng tạo: “Lao động là một trong ba điều kiện cơ bản để tiến hành sản xuất, là vốn quý không thể thiếu được. Điều kiện quyết định cơ bản nhất để năng suất lao động là con người lao động có kỹ năng, sử dụng được thành thạo các công cụ sản xuất tiên tiến”(3).

Nhìn lại bối cảnh lịch sử lúc đó mới thấy hết giá trị của quyết định đầy táo bạo, sáng tạo, thể hiện rõ bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu địa phương, bởi vấn đề đồng chí Kim Ngọc nêu ra làrất mới, chưa có tiền lệ, thậm chí đã dẫn đến đấu tranh tư tưởng gay go, quyết liệt trong Đảng bộ.

Chủ trương “khoán hộ” của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, mà người khởi xướng là Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc là một hướng đi mới sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh Phúc, là những đóng góp quan trọng về mặt lý luận và thực tiễn, là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương tham khảo, hoạch định đường lối đổi mới trong nông nghiệp sau này.

Nghị quyết 68 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc và sau này là Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư, năm 1981 và Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, năm 1988. Có điểm cơ bản nhất là lấy hộ làm đơn vị sản xuất tự chủ. Điều đó cho thấy, Bí thư  Kim Ngọc đã sớm vận dụng sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế nông nghiệp, đã đột phá trúng và đúng vào khâu yếu nhất, tìm một cách làm mới “khoán ruộng đất” cho hộ xã viên. Trong bối cảnh những năm 60 thế kỷ XX, thì đây là một sáng tạo, mang tính đột phá; và khoán của Kim Ngọc trở thành “hiện tượng” mới mẻ, đến mức nhiều người nghi ngờ về lập  trường, quan điểm của đồng chí. Điều này là dễ hiểu và không tránh khỏi. Bởi để khẳng định cái mới tiến bộ luôn khó khăn, trong đó “trở ngại lớn nhất là tư tưởng chỉ đạo của cán bộ”, sự lạc hậu, quen ỷ lại, dựa dẫm, lười biếng, tính toán tư lợi, không vươn lên, sợ sai lầm, sợ trách nhiệm của một số cán bộ. Một điểm rất mới, rất sáng tạo so với chủ trương của Trung ương lúc bấy giờ được thể hiện rõ ở nội dung: kiên quyết thực hiện bằng được đúng và tốt chế độ “ba khoán”, nhằm đảm bảo sử dụng hợp lý sức lao động và tăng năng suất lao động. Chủ trương “khoán hộ” của Kim Ngọc được coi là “phát đại bác” tấn công tư tưởng bảo thủ, giáo điều của cơ chế bao cấp.

2. Trí tuệ sáng tạo, tư duy biện chứng, sự thấu hiểu, đồng cảm sâu sắc thực tiễn đời sống người nông dân, đã tạo ra sự quyết đoán, sáng tạo trong cách làm, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của đồng chí Kim Ngọc. Ở thời điểm đó, do tư duy giáo điều, máy móc, nên có cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí cả ý kiến trái chiều về “khoán hộ”. Trong lãnh đạo chủ chốt của tỉnh lúc đó cũng có ý kiến “Thà đói chứ không làm trái chủ nghĩa Mác - Lênin, không đi ngược lại con đường xã hội chủ nghĩa”(4). Nhưng với bản lĩnh kiên cường, nhân cách ngay thẳng và mục tiêu cao cả là vì nhân dân, đồng chí đã vượt qua khó khăn, minh chứng cho cách làm sáng tạo của mình là đúng đắn. Qua đó ngời sáng tấm gương người đảng viên Kim Ngọc dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.             

Khi Vĩnh Phúc thực hiện Khoán, ngay trong Đảng, kể cả ở những cương vị lãnh đạo cấp cao, cũng  có nhiều ý kiến khác nhau; có đồng chí tuy đồng tình với việc hợp tác hóa, nhưng vẫn rất trăn trở trong việc tìm tòi những giải pháp để tạo ra hiệu quả thực tế của mô hình hợp tác xã. Đồng chí Lê Duẩn- Bí thư thư nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tuy chưa có ý kiến chính thức, nhưng đã có nhiều cách để bày tỏ sự thông cảm với những cố gắng, tìm tòi của Vĩnh Phú. Khi đồng chí Kim Ngọc bị phê phán gay gắt về việc cho nông dân thực hiện khoán, đồng chí Lê Duẩn đã về thăm Vĩnh Phú động viên, chia sẻ với Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, đồng chí Lê Duẩn phân tích: "Về hoạt động kinh tế hợp tác xã, tôi có điều rất phân vân. Bởi vì, 5% ruộng đất giao cho gia đình thì người ta làm ra 45% thu nhập, còn 95% ruộng đất giao cho hợp tác xã thì chỉ làm ra khoảng 50% thu nhập, dù 50% này là lương thực rất cần cho xã hội. Tôi phân vân đã lâu, nhưng thực sự chưa nghĩ ra được cách gì giải quyết. Nay anh đề ra “khoán hộ” thì có lẽ đó cũng là một cách. Nhưng vì quá mới, ngược với suy nghĩ và cách làm lâu nay, cho nên đa số anh em không đồng tình với anh. Anh yên tâm, một sáng kiến làm ăn mới chưa được mọi người chấp nhận ngay thì cũng là chuyện bình thường... Không nên nghĩ rằng điều gì đã có kết luận thì coi như chân lý tuyệt đối”(5). Điều đó cho thấy cách làm của đồng chí Kim Ngọc không phải là sai về quan điểm và chệch hướng CNXH như một số người đương thời phê phán, mà chỉ là do quan điểm quá mới so với lý luận và thực tiễn lúc đó.

Mặc dù có sự động viên chia sẻ của đồng chí Lê Duẩn, nhưng do không đúng với chủ trương của Đảng nên khi Trung ương yêu cầu kiểm điểm, sửa sai, đồng chí Kim Ngọc đã nghiêm túc tự phê bình và "sửa sai", thực hiện Điều lệ Đảng: "Đối với các nghị quyết của Đảng, phải chấp hành vô điều kiện, nhưng nếu có chỗ không đồng ý thì vẫn có thể đề đạt ý kiến của mình lên cơ quan lãnh đạo của Đảng cho đến Đại hội toàn quốc”. Theo tinh thần của kỷ luật Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Thông tri của Ban Bí thư, đồng chí Kim Ngọc, đã  viết một bài tự kiểm điểm: "Quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, đưa phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phú vững bước tiến lên". Cuối bản kiểm điểm, đồng chí Kim Ngọc khẳng định: "chúng tôi nhất định sẽ khắc phục được khuyết điểm, đưa phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà tiến lên mạnh mẽ"(6). Qua đó cho thấy đồng chí Kim Ngọc là người trung thực và thẳng thắn, không trốn tránh trách nhiệm, tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc tổ chức của Đảng, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã để lại tấm gương sáng của người cộng sản, luôn sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Tấm gương đồng chí Kim Ngọc là động lực để mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ đứng đầu các cấp phấn đấu, rèn luyện và hành động xứng đáng là người cán bộ, đảng viên của Đảng, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước.

___________________

(1), (4), (6) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Đồng chí Kim Ngọc với tư duy đổi mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc, tháng 11-2013, tr.14, 119,120

(2) Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc: Những bài viết, bài nói của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc, Vĩnh Phúc, tháng 6-2012, tr. 398

(3) Trần Văn Sở: “Chủ trương “khoán hộ” trong Nghị quyết 68 về một số vấn đề quản lý lao động trong HTX nông nghiệp ở Vĩnh phúc năm 1996”, Báo cáo hội thảo khoa học, 2009, tr. 13

(5) Theo Trần Hoàng Tiến: “Đêm trước đổi mới và Anh Ba - Lê Duẩn, Anh Năm -Trường Chinh, báo Điện tử Vietnamnet, ngày 20-2-2012

 

TS Đặng Kim Oanh

Tạp chí Lịch sử Đảng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguyễn Văn Hồng

Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền