Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nguyễn Ái Quốc và lớp huấn luyện ở vùng biên giới Việt - Trung
Thứ năm, 11 Tháng 1 2018 15:13
6429 Lượt xem

Nguyễn Ái Quốc và lớp huấn luyện ở vùng biên giới Việt - Trung

(LLCT) - Tháng 10-1940, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cho hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng vượt biên giới sang làng Nậm Quang (xã Cát Thôn, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) - một làng nằm sát biên giới Việt -Trung để tìm đến với cách mạng, với lãnh tụ cách mạng. Đây là bước chuẩn bị lực lượng vô cùng quan trọng, làm nòng cốt cho cuộc trở về Tổ quốccủa Người để xây dựng căn cứ địa cách mạng, trực tiếp chỉ đạo cách mạng trong nước đi tới thành công.

Trong hành trình 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước,Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh luôn cómong muốncháy bỏngsớm“trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(1).

Để thực hiện được mong muốn đó, Người đã phải trải qua một chặng đường đầy gian nan, nguy hiểm, dưới sự truy lùng gắt gao của thực dân Pháp, nên mặc dù nhiều lần tìm đường trở về Tổ quốc nhưng đều chưa thực hiện được. Đầu năm 1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được phân công trở về hoạt động tại Côn Minh (Trung Quốc), được sự giúp đỡ của những người cách mạng Trung Quốc, Người đã bắt được mối liên lạc với Ban Hải ngoại của Đảng ta. Tình hình thế giới và trong nước thời gian này có những chuyển biến nhanh chóng. Ngày 15-6-1940, phát xít Đức tấn công nước Pháp. Ngày 22-6-1940, Chính phủ Pháp đầu hàng không điều kiện phát xít Đức. Nhận thấy thời cơ giải phóng dân tộc đang tới gần, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập cuộc họp với các đồng chí trong Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta, phân tích rõ tình hình và tìm đường về nước lãnh đạo cách mạng.

Trên hành trình về đến gần Tổ quốc, tháng 10-1940, khi được biết cóhơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng dobị thực dân Pháp khủng bố đã vượt biên giới sang làng Nậm Quang, xã Cát Thôn, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc-một làngnằm sátbiên giới Việt -Trungđểtìmđến với cách mạng, với lãnh tụ cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã nói với các đồng chí cùng hoạt động ở Quế Lâm: “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức liên lạc về nước”(2). Người còn nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”(3). Việc mở lớp huấn luyện cho những thanh  niên ưu tú của Cao Bằng tại vùng biên giới Việt -Trung là bước chuẩn bị lực lượng vô cùng quan trọng, làm nòng cốt cho cuộc trở về Tổ quốccủa Người để xây dựng căn cứ địa cách mạng, trực tiếp chỉ đạo cách mạng trong nước đi tới thành công.

Vào hạ tuần tháng 12-1940, Nguyễn Ái Quốc cùng với một số cán bộ rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây. Ngay sau Tết Dương lịch năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ từ trong nước sang gặp Người tại làng Tân Khư, Tĩnh Tây. Đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng báo cáo về tình hình trong nước, những công tác đã thực hiện được và việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ támvà đề nghị với Người chọn hướng Cao Bằng để về nước vì đâylà tỉnh biên giới có phong trào cách mạngphát triểnsớm, đội ngũ cán bộ tương đối vững vàng, đa số nhân dân có tinh thần giác ngộ cách mạng cao;liên lạc quốc tế thuận tiện. Đề nghị của đồng chí Hoàng Văn Thụ rất trùng hợp với nhận định trước đó của Người.Người đã tán thành và căn dặn số cán bộ về nước trước tìm địa điểm làm căn cứ, phải chú ý hai điều kiện cơ bản là:có hàng rào quần chúng bảo vệ và có đường rút lui.

Việc Nguyễn Ái Quốc quyết định mở lớp huấn luyện cho những thanh niên từ Cao Bằng sang đã được Người kể lại trong bài: Bác ăn tết với chúng tôi với bút danh T.Lan đăng báo Nhân dân, số 2523, ngày 14-2-1961:

“Vào cuối năm 1940, chúng tôi một nhóm thanh niên Cao-Bằng bí mật sang Trung Quốc đi tìm cách mạng, tìm lãnh tụ cách mạng. Trong nhóm có các bạn Quảng Ba, Hoàng Sâm, Bằng Giang, v.v... 

Cũng trong lúc đó, lại nghe tin có một nhóm cách mạng khác đến Quảng Tây. Chúng tôi lại đi tìm, thì gặp các đồng chí Hoàng Văn Hoan, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng... Rồi chúng tôi gặp một cụ người gầy, trán cao, mắt sáng, ăn mặc như một bác nông dân Trung Quốc. Chúng tôi cảm thấy ông cụ rất hiền lành và đối với chúng tôi rất bình đẳng...

Ít hôm sau, ba đồng chí Võ,  Phạm,  Hoàng ở lại Tĩnh Tây. Ông cụ thì bí mật cùng chúng tôi về một làng Trung Quốc gần biên giới Cao Bằng, mở lớp huấn luyện. Ông cụ tức là Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Cùng đi có ông Thược, thày thuốc và ông Lộc-“anh nuôi”(4).

Kế thừa kinh nghiệm và thành công từlớp huấn luyện chính trị đầu tiên tại Quảng Châu(Trung Quốc)những năm 1927- 1928, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy  sựcần thiết phải mởlớp huấn luyện những thanh niên này nhằm đào tạo họ thành những cán bộ cốt cán, để trở về Cao Bằng, xây dựng thí điểm các đoàn thể cách mạng, lập căn cứ địa cách mạng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi trong Hồi ký: “Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tĩnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện… Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện. Bác phân công mỗi người làm từng mục: tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh…”(5). Dựa theo tài liệu của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã biên soạn tập bài giảng cho lớp học, gồm sáu bài(6):

“Bài 1: Tình hình thế giới, trong đó đề cập tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, phong trào cách mạng trên thế giới, về Liên bang Xô viết, về cuộc kháng Nhật cứu nước của nhân dân Trung Quốc.

Bài 2: Tình hình Đông Dương, trong đó giới thiệu về đặc điểm địa lý, tình hình kinh tế, chính trị, về các giai tầng và các dân tộc Đông Dương, về thái độ của người Pháp và Hoa kiều…

Bài 3: Vấn đề cách mạng Việt Nam, trong đó giới thiệu về phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, về những điều kiện đảm bảo của cách mạng, đồng thời giới thiệu các đảng phái chính trị ở Đông Dương và chủ nghĩa dân chủ mới của Việt Nam.

Bài 4: Về công tác, chủ yếu hướng dẫn học viên cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đưa quần chúng ra đấu tranh.

Bài 5: Vấn đề khởi nghĩa, trong đó có hai nội dung chính là đánh du kích và khởi nghĩa. 

Bài 6: Một người cách mạng phải như thế nào nói về tư cách của người cách mạng”(7).

Ngay từ những ngày đầu tiên của lớp học, Người căn dặn học viên về năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân. Năm điều nên làm là: Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày; Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều lệ; Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây tình cảm tốt với dân; Tùy nơi, tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; Làm cho dân thấy mình là người đúng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật, do đó dân càng tin và giúp ta.

Năm điều nên tránh là: Tránh việc gì làm hại đến dân, làm bẩn,làm hỏng nhà cửa ruộng vườn của dân; Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được; Tránh sai lời hứa; Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân; Tránh lộ bí mật.

Người cũng đặc biệt quan tâm đến việc sinh hoạt của lớp học và có những chỉ dẫn hết sức cụ thể: “Ở nhà người ta, thì phải quét dọn sạch sẽ, ang nước phải đầy, bếp củi phải đủ”. Mỗi ngày, cứ sáng dậy thì Bác cùng chúng tôi quét dọn trong nhà ngoài sân. Xong rồi, mới vào lớp. Buổi chiều thì cùng nhau đi lấy củi. Vài hôm sau, cả làng tấm tắc khen ngợi. Ban huấn luyện chia làm mấy tổ, mỗi tổ ở chung một nhà. Buổi sớm, Bác nói chuyện chung với cả ban. Chiều và tối, các tổ nghiên cứu riêng. Tôi nhớ Bác nói về mấy vấn đề: thời sự, Cách mạng Nga, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa đế quốc, Cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, cách tuyên truyền, cổ động, tổ chức, và tư cách người cách mạng...

Bác nói như kể chuyện, vui vẻ, dễ hiểu, dễ nhớ. Nói xong một đoạn, Bác lại hỏi, mọi người đã hiểu rõ chưa? Trong tổ chúng tôi giúp đỡ lần nhau, cho nên hiểu và nhớ được hết”(8).

Tuy lớp huấn luyện được tổ chức trong thời gian ngắn, điều kiện vật chất thiếu thốn, bữa ăn chỉ có cháo bẹ với rau rừng, nhưng các học viên học tập rất hăng say. Các học viên đã được nghe lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền đạt những vấn đề cơ bảnvề tình hình thế giới và trong nước;về tổ chức đoàn thể quần chúng, cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức huấn luyện và đấu tranh cách mạng, học cách dân vận, giữ mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân nước bạn. Nhờ đó, các học viên đã tiếp thụ được những hiểu biết cơ bản về chủ trương, đường lối cách mạng trong điều kiện lịch sử mới, nắm được cách thức gây dựng, phát triển phong trào…Bên cạnh đó, các học viên đã tạo được sự thiện cảm, yêu mến của nhân dân địa phương: “Lớp huấn luyện rất sôi nổi, dân chủ và vui vẻ. Bà con Trung Quốc trong làng không hiểu chúng mình dạy cái gì, học cái gì, nhưng đều khen thanh niên Việt Nam đoàn kết, chăm học, siêng làm. Bà con trong làng nhất là những người cho mượn nhà rất mến chúng ta. Vì vò nước bao giờ cũng đầy, đống củi bao giờ cũng cao, nhà cửa bao giờ cũng sạch, trong nhà có việc gì chúng ta cũng ra tay làm giúp. Đặc biệt các em nhi đồng luôn luôn xoắn xít chung quanh anh em ta để học hát, học nhảy múa, không nghịch ngợm, và đánh nhau như trước nữa. Chúng ta đã góp phần làm cho cái làng tịch mịch trong một thung lũng âm u vui hẳn lên... Bác bảo các đồng chí thanh niên: “Đó là một cách dân vận thiết thực đấy”(9).

Lớp huấn luyện kết thúc sau 15 ngày vào khoảng giáp Tết Tân Tỵ năm 1941, doQuốc dân Đảng lùng sục ráo riết tạivùng Nậm Quang.Trước những biển chuyển nhanh chóng của tình hình, Nguyễn Ái Quốc lên kế hoạchcùng đoàn cán bộ về nước. Trước khi trở về Tổ quốc, Người và các học viên đã ở lại đón Tết cùng với nhân dân địa phương: “Sáng 30 Tết, chúng tôi làm mấy mâm cơm nếp và thịt lợn, mời các vị phụ lão và những người tai mắt trong làng đến chén một bữa vui vẻ.

Để khỏi phạm đến phong tục mê tín của dân làng, Bác dặn chúng tôi: “Mồng 1 Tết, các chú phải ở trong nhà, không được đi ra ngoài. Nếu các chủ nhà mời ăn Tết, thì mỗi tổ cử một vào người đi thôi...”.

Mồng 1 Tết, suốt cả buổi sáng cả làng chỉ lo cúng quảy. Trước hết họ cúng tổ tiên, rồi họ cúng cả ràn trâu, chuồng lợn, cái cối giã gạo, cái cuốc làm vườn, cái liềm, cái rạ... mọi nông cụ làm ăn đều được cúng. Sau đó thôn trưởng vào mời chúng tôi ăn Tết”(10).

Sáng mùng một Tết, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong đoàn đi chúc tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy, Tĩnh Tây. Người mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, đầu vấn khăn, tay chống gậy. Theo phong tục người Nùng ở đây, Người tặng mỗi nhà một tờ giấy hồng điều trên có ghi bốn chữ Hán “Cung chúc Tân niên” (Chúc mừng năm mới). Các cháu nhỏ được Người tặng tiền phong bao, mỗi gói một xu đồng.

Sáng mồng hai Tết, tức ngày 28-1-1941, trời chưa sáng, sương mù còn dày đặc, đoàn rời Nậm Quang lên đường về nước. Khi đặt chân đến cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung, địa phận thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu, xúc động. Giây phút đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng, nơi địa đầu Tổ quốc sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh kể lại: “Chiều hôm đó, đồng chí Quảng Ba dẫn Bác và cả nhóm thanh niên về PắcBó. Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động. Từ hôm đó, cái hang PắcBó trở nên “đại bản doanh” của chúng ta”(11).

Mảnh đất Pác Bó (Cao Bằng), nơi có địa thế hiểm trở, núi non hùng vĩ, nhân dân sớm được giác ngộ, kiên cường tranh đấu, trung thành với Đảng, với cách mạng, đã được Người được chọn làm nơi đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng. Pác Bó trở thành đầu nguồn cách mạng, cũng từ đây, chúng ta đã xây dựng được khu giải phóng rộng lớn gồm 6 tỉnh (Cao - Bắc-Lạng-Thái-Tuyên-Hà).

Có thể nói, nếu như các học viên của lớp huấn luyện chính trị do Người đào tạo tại Quảng Châu, Trung Quốc là những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam, thì các học viên của lớp huấn luyện ngắn hạn vùng biên này được Người ví là “43 con đại bàng bay cao” và Người tiên đoán “sẽ có điềm lành tốt đẹp”;“Từ đó, phong trào phát triển rất nhanh, chẳng bao lâu đã xây dựng được nhiều nơi căn cứ vững chắc của cách mạng. Cách một năm sau, tổ chức Việt Minh đã khắp tỉnh Cao Bằng và lan đến các tỉnh lân cận”(12).

77 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cho những thanh niên ưu tú của Cao Bằng tại vùng biên giới Việt -Trung vẫn để lại cho Đảng ta những kinh nghiệm, bài học quý báu; giúp chúng tanhận thức rõ hơn quan điểm của Hồ Chí Minh:“Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”, một khi đã có đường lối cách mạng đúng đắn thì công tác cán bộ luôn là khâu quyết định.“Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đây là di sản và những bài học quýgiá về công tác cán bộ củaChủ tịch Hồ Chí Minh để lại.

________________

(1) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1969, tr.49.

(2) Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.33.

(3) Vũ Anh: Những ngày gần Bác, in trong cuốn Bác Hồ về nước, Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng, Cao Bằng, 1986, tr. 19.

(4) Tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(5) Võ Nguyên Giáp: Đầu nguồn, Nxb Văn học, Hà Nội, 1972, tr.98

(6) Các tài liệu sau in thành sách nhan đề là “Con đường giải phóng”

(7) Tư liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ký hiệu: H2C7/3.

(8), (10), (12) T.Lan: Bác ăn tết với chúng tôi, Tài liệu bản thảo lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(9), (11)T. Lan:Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.72, 73.

 

Nguyễn Văn Dương

Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền