Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam
Thứ sáu, 02 Tháng 2 2018 18:19
1939 Lượt xem

Nguyễn Đức Cảnh - nhà lãnh đạo tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam

(LLCT) - Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2-2-1908 trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại làng Diêm Điền, nay là thị trấn Diêm Điền huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đồng chí tham gia phong trào yêu nước từ những năm 1925 - 1926 và sớm trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp, một nhà lãnh đạo tiên phong của giai cấp công nhân nước ta, góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước, phong trào công nhân và cách mạng nước ta tiến lên giành những thắng lợi to lớn.

1. Nhà lãnh đạo tiên phong của giai cấp công nhân nước ta

Từ cuối năm 1925, lúc mới 15 tuổi và đang là học sinh của trường Thành Chung ở thành phố Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh đã sớm thể hiện ý chí và hành động yêu nước với việc bắt đầu hoạt động trong phong trào đấu tranh của nhân dân ta đòi “ân xá” cho Phan Bội Châu và tổ chức một phong trào bãi khóa trong thanh niên học sinh nhằm gây áp lực với chính quyền thực dân, đòi được tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh. Trong vai trò là một trong những thủ lĩnh của thanh niên, học sinh Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần cổ động và thúc đẩy một lớp thanh niên yêu nước của nước ta, bằng nhiều hình thức khác nhau, lên đường tìm con đường cách mạng mới và phần lớn lớp người này đều hướng theo ngọn cờ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Với những ý nghĩa đó, đóng góp của Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí của mình vào phong trào yêu nước trong những năm 1925-1926 không chỉ góp phần tạo ra động lực mới với hình thức mới mà còn đóng góp vào việc thúc đẩy nhanh quá trình chuyển biến của phong trào yêu nước Việt Nam hướng theo con đường cách mạng vô sản dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.    

Sau khi tham gia lãnh đạo bãi khóa, Nguyễn Đức Cảnh bị nhà trường thực dân buộc phải thôi học. Cuối năm 1926, lên Hà Nội tìm việc làm và con đường cứu nước, Nguyễn Đức Cảnh đã tham gia vào tổ chức Nam đồng thư xã - tổ chức tiền thân của Việt Nam quốc dân Đảng(1) (do Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Tuấn Tài...lãnh đạo). Việc Nguyễn Đức Cảnh gia nhập vào tổ chức yêu nước Nam đồng thư xã biểu thị một khát vọng, tinh thần yêu nước cháy bỏng nhưng là một hành động tự nhiên, hợp lô gíc của thanh niên nước ta lúc đó, nhưng họ luôn có ý thức hướng tới các tổ chức có đường lối cách mạng đúng đắn. Vì vậy, tháng 9 - 1927, Nguyễn Đức Cảnh cùng với Lý Hồng Nhật đi Quảng Châu (Trung Quốc) và ngay sau đó tham gia học tập trong lớp huấn luyện chính trị của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên  do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp huấn luyện. Đây là bước ngoặt trong sự chuyển biến về tư tưởng và hoạt động cách mạng của Nguyễn Đức Cảnh.

Tháng 12-1927, sau khi hoàn thành lớp huấn luyện, Nguyễn Đức Cảnh trở về nước hoạt động với tư cách là Bí thư tỉnh bộ thanh niên cách mạng Hải Phòng rồi ủy viên Kỳ Bộ, Bí thư Khu bộ Hải Phòng. Từ đây, đồng chí trở thành nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp nổi tiếng trong phong trào của giai cấp công nhân và cách mạng nước ta. Trên cương vị của mình, Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người đã góp phần xây dựng chủ trương “vô sản hóa” được thông qua tại Hội nghị đại biểu Kỳ bộ Bắc Kỳ tháng 9-1928 và đến đầu năm 1929 chủ trương này đã được Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên chính thức đưa vào Chương trình hành động Hội(2), đồng  thời cũng là người lãnh đạo đầu tiên trực tiếp tham gia vào phong trào “vô sản hóa”. Qua thực tiễn của phong trào này, Nguyễn Đức Cảnh đã có những đóng góp to lớn vào việc tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đẩy nhanh tiến trình kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, thúc đẩy nhanh sự phát triển về chất của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần phát triển Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên cả về số lượng, chất lượng(3). Sự phát triển đó đã dẫn tới một yêu cầu của giai cấp công nhân Việt Nam là phải hình thành đội tiên phong của mình để có thể đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên.

Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên ở nước ta vào tháng 3-1929, tại số nhà 5 D phố Hàm Long, Hà Nội, mà Nguyễn Đức Cảnh tham gia thành lập là kết quả tất yếu của phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam. Sự kiện lịch sử đó biểu thị quá trình phát triển từ tự phát đến tự giác của giai cấp công nhân nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ cộng sản đầu tiên, ngày 28-29 tháng 3-1929, Đại hội Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã nhất trí tán thành chủ trương thành lập Đảng Cộng sản và giao cho đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phải khẳng định chủ trương đó. 

Tuy nhiên, chủ trương thành lập Đảng Cộng sản ở nước ta lại không được Đại hội lần I của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chấp nhận. Ngày 17-6-1929, tại ngôi nhà số 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, Đông Dương Cộng sản Đảng ra đời. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một sáng lập viên và trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Sự xuất hiện của Đông Dương Cộng sản Đảng với việc kiện toàn tổ chức ở Bắc Kỳ cũng như các vận động mạnh mẽ của tổ chức này ở Trung kỳ và Nam Kỳ đã đưa tới sự giải thể các cơ sở của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng và thu hút cả cánh tả trong Đảng Tân Việt. Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ hơn nữa tới phong trào công nhân cũng như phong trào cách mạng ở nước ta và tất yếu dẫn tới sự ra đời của An Nam cộng sản Đảng ở Nam Bộ (tháng 8-1929) và Đông Dương Cộng sản liên đoàn ở Trung Bộ (9-1929). Vai trò đầu tàu của Đông Dương Cộng sản Đảng đối với phong trào công nhân và cách mạng nước ta mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một người sáng lập, một lần nữa lại góp phần thúc đẩy phong trào công nhân và cách mạng Việt Nam tiến lên một bước phát triển mới.

Là người được phân công phụ trách công tác công vận, ngày 29-7-1929, Nguyễn Đức Cảnh đã tổ chức Đại hội đại biểu công nhân Bắc kỳ để thành lập Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ. Tại hội nghị này, đồng chí được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng lâm thời và trở thành lãnh tụ đầu tiên của phong trào công đoàn ở nước ta. Tháng 12-1929, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập hội nghị Tổng công hội đỏ Bắc Kỳ quyết định việc thống nhất các Tổng công hội địa phương lên toàn xứ và bầu Ban chấp hành chính thức. Các hoạt động này đã trực tiếp thúc đẩy phong trào công nhân ở nước ta lên bước phát triển mới trên phương diện tổ chức.

2. Một sáng lập viên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã tác động mạnh mẽ đến phong trào công nhân, phong trào yêu nước ở nước ta cũng như sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn. Tuy nhiên, với cương lĩnh khác nhau, ba tổ chức này lại đấu tranh giành quần chúng cách mạng . “Với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản, có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương”(4), Nguyễn Ái Quốc đã lãnh sứ mệnh chủ trì việc thống nhất ba tổ chức cộng sản ở nước ta thành một Đảng Cộng sản duy nhất của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng, cùng với đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh được cử đi Hồng Kông tham dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sau một tháng làm việc(5), các đại biểu dự hội nghị đều nhất trí với đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt và Điều lệ tóm tắt do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Với tư cách là một đại diện của Đông Dương Cộng sản Đảng, sự đồng ý thống nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam và nhất trí với các văn kiện đầu tiên của Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần vào thành công của hội nghị hợp nhất để thành lập đội tiên phong duy nhất của giai cấp công nhân nước ta - Đảng Cộng sản Việt Nam và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu sự chuyển biến về chất của giai cấp công nhân Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng đường lối của cách mạng nước ta. Đây là một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần tạo nên.

Trở về nước, tháng 5-1930, Nguyễn Đức Cảnh trở thành Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Để tăng cường lãnh đạo cho phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tháng 10 - 1930, đồng chí được Trung ương cử tham gia Xứ ủy Trung Kỳ. Tại đây, Nguyễn Đức Cảnh đã kiên cường bám dân, lãnh đạo củng cố và duy trì phong trào trước sự khủng bố khốc liệt của kẻ thù đối với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngày 9-4-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và giết hại vào ngày 31-7-1931.

3. Tấm gương ngời sáng của một nhà lãnh đạo cách mạng.

Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, phấn đấu dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, Nguyễn Đức Cảnh là hiện thân sinh động của một chiến sĩ cộng sản kiên trung-bất khuất đã chiến đấu và hi sinh cuộc đời mình cho độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Namkhi đồng chí mới bước sang tuổi 24.

Mặc dùnhững năm tháng hoạt động ngắn ngủi, nhưng với những hoạt động hết sức sôi nổi, phong phú, Nguyễn Đức cảnh đã có những cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử của cách mạng nước ta trước những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp trong sự chuyển đổi về chất của cả phong trào yêu nước và phong trào công nhân ở nước ta lúc đó và trước sự đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp.

Với tất cả những ý nghĩa đó, Nguyễn Đức Cảnh đã góp phần tác động làm chuyển hướng cách mạng của dân tộc, là người đóng góp to lớn vào tiến trình vận động từ tự phát đến tự giác của phong trào công nhân Việt Nam và sáng lập Đảng ta. Có thể nói, đồng chí đã góp phần thúc đẩy lịch sử phong trào yêu nước, phong trào công nhân và cách mạng nước ta tiến lên phía trước và để lại cho mọi thế hệ mộttấm gương quý báu.

Đó là một tấm gương về lòng trung thành vô hạn với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân; về nghị lực kiên cường, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân bất chấp sự tàn bạo của kẻ thù; về một cuộc đời trung thực và giản dị, luôn luôn gần gũi đồng bào, gắn bó với giai cấp với tình thương con người yêu tha thiết.

Đó là tấm gương ngời sáng của một thanh niên, một nhà yêu nước lớn, một lãnh tụ đầu tiên của phong trào công nhân nước ta, một trong những người sáng lập Đảng ta, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong bài viết “Đảng ta”, đăng trong Tập san sinh hoạt nội bộ số 13, tháng1-1949, khi nói về những tấm gương suốt đời phấn đấu hy sinh cho Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Nguyễn Thị Minh Khai..,”(6) - Đó là những nhà lãnh đạo của Đảng ta đã có những cống hiến lớn lao với dân tộc, với giai cấp công nhân và cách mạng nước Việt Nam mà chúng ta mãi mãi kính trọng và noi theo.

­­­­­­­­­­­­­­­­­________________

(1) Tháng 12-1927, Quốc dân Đảng được thành lập.

(2) Theo Hồ Chí Minh -Tiểu sử, -Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.203.

(3) Trong những năm 1928-1929 có tới 40 cuộc đấu tranh của công nhân do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trực tiếp tổ chức và Hội đã có tới 1.700 thành viên và hàng nghìn người cảm tình khác (theo Hồ Chí Minh -Tiểu sử, Sđd, tr.204

(4) Hồ Chí Minh Toàn tập: Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr. 12.

(5) Theo Báo cáo gửi Quốc tế cống sản ngày 18-2-1930 của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thì hội nghị băt đầu vào ngày 6-1-1930 và đế ngày 8-2-1930 các đại biểu về nước, ngày 13-2-1930, Nguyễn Ái Quốc rời Hồng Kông (theo Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t.3, Hà Nội, 1995, tr. 17.

(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 549.

 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Lê Hữu Đạt

Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền