Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Cuộc sống đời thường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Cao Bằng
Thứ hai, 05 Tháng 2 2018 15:23
1893 Lượt xem

Cuộc sống đời thường của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Cao Bằng

(LLCT) - Mùa Xuân năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.Người sống và hoạt động cách mạng tại Pác Bó (Cao Bằng), giữa núi rừng, hang đá lạnh lẽo, trong điều kiện sinh hoạt vô cùng kham khổ, thiếu thốn. Thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Cao Bằng không dài nhưng cuộc sống đời thường của Người tại đây đã khắc sâu thêm cốt cách của vị lãnh tụ vĩ đại đã hiến cả đời mình cho dân tộc.

 

1. Cuộc sống đời thường kham khổ, tiết kiệm nhưng nề nếp, khoa học

Từ ngày 8-2-1941, Người bắt đầu sống và làm việc tại hang Cốc Bó, thôn Pác Bó, Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng. Người sống ở đây hơn mười ngày, trong điều kiện khắc nghiệt, đêm nồm, đá chảy mồ hôi, nước nhỏ giọt thấm qua chăn. Người bị mất ngủ nhưng không hề lộ chút nào mệt mỏi. Giặc lùng sục, Người lại di chuyển lên Lũng Lạn, chỗ ngủ không ván, không chiếu, chỉ có lá cây rừng trải xuống đất để nằm. Đồng chí Lê Quảng Ba kể lại trong hồi ký: “Sau những đêm vật lộn với mưa gió và sương lạnh, bọn thanh niên chúng tôi đã đau xương, mỏi lưng, ê ẩm khắp người. Người vẫn không phàn nàn nửa lời nhưng chắc Người đã phải chịu đựng vất vả hơn chúng tôi nhiều”(1). “Cơ quan ở cái hang sâu và kín đáo ở sườn núi mé trên, lên phải leo dốc đá vài chục thước. Cửa hang này nhỏ, luôn luôn ẩm ướt, phải bíu tay vào thành đá mới có thể chui được vào bên trong. Ngoài các cửa ra vào, nhỏ và tối, hang còn có một cửa lớn ở phía trên cao bị cây cối um tùm che khuất. Trong hang có những phiến đá to chỉ cần xếp ít cành rồi trải lá lên là có thể ngả lưng được. Chỉ ban đêm mới vào đây ngủ, còn ban ngày vẫn ra bờ suối, chỗ bãi cỏ nhỏ trong thung lũng để làm việc và thường cũng chỉ tiếp khách ở nơi này. Ở trong hang không khí ẩm thấp, nhất là ngày mưa, nước thường nhỏ giọt theo nhũ đá xuống nền lách tách không bao giờ ngớt”(2). Có đồng chí đề nghị làm mái để tránh mưa nhưng Người không đồng ý vì khi có động phải rời hang, giặc đến sẽ biết dấu vết để truy bắt. Mưa lớn, nước rỏ lênh láng vào cả chỗ nằm, Người chỉ lấy một cây que dài ghếch lên làm “máng” lựa đón giọt nước chảy ra chỗ khác. Ở Lũng Lạn được sáu ngày, cuối tháng 3-1941, do địch lùng sục, Người rời sang Khuổi Nậm, địa thế thuận tiện cho việc di chuyển mỗi khi bị lộ. Đây là nơi ở tương đối lâu dài và “sang” nhất của Người trong thời kỳ ở Pác Bó. Lán dựng ngay ở trên lòng con suối đang mùa khô, cây cối rất rậm rạp, ở ngoài nhìn vào khó nhận ra. Lán dựa vào một cây “mạ” làm cột cái, mái lán lợp bằng gianh; vách lán, chiếu nằm đều đan bằng lá đào rừng. Tháng 5-1942, Người rời Khuổi Nậm, về các huyện Hòa An, Nguyên Bình. Mấy tháng sau, Người lại quay về Pác Bó, tiếp tục ở Khuổi Nậm và di chuyển nhiều nơi khác.

Bữa ăn của Người rất kham khổ, ngày chỉ có hai bữa, món ăn chính là cháo bẹ, rau măng, rau rừng, cơm độn bắp; nước lá ổi thay chè. Thỉnh thoảng Người câu được con cá hay anh em mua được cân thịt lại đem kho thật mặn làm “món ăn chiến lược” để ăn dần- 1kg thịt, 1kg muối, 1 nửa kg ớt xào lên cho vào ống, đi đến đâu dùng cũng tiện.Người thường căn dặn anh em chú ý tiết kiệm, ăn uống tuyệt đối không được để thừa hoặc đổ đi. Đồng chí nào mang quà về hoặc có quà của quần chúng gửi cho, nếu có nhiều thì phải tính giảm bớt gạo. Mỗi bữa cơm, Ngườichỉ ăn hai bát đầy bằng miệng vì cơ quan ở bí mật, gặp nhiều khó khăn. Để ăn mừng Ngườidịch xong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản (b) Liên Xô, bữa cơm cũng chỉ có thêm ít rau rừng và ít thịt.

Cuộc sống thiếu thốn, kham khổ lại di chuyển nhiều nơi nhưng Người luôn có ý thức rèn luyện sức khỏe. Dù trời ấm áp hay mưa lạnh đến đâu, Người đều dậy sớmleo núi, đi quyền rồi xuống suối tắm. Ngườichọn những quả núi cao nhất quanh vùng để leo lên với bàn chân không. Việc leo núi của Người không chỉ nhằm mục đích tập luyện mà còn để tìm hiểu địa hình để ứng phó linh hoạt nhất khi quân thù bất ngờ ập đến. Nhiều đồng chí đề nghị Người đigiày cho khỏi đau chân. Ngườitrả lời: Tôi tập leo núi chân không cho quen vì con đường cách mạng chông gai lắm. Sau giờ tập, Người thườngtắm nước lạnh để luyện chịu đựng giá rét. Để luyện bàn tay, Ngườibóp tay vào hai hòn đá tròn và nhẵn như quả trứng gà. Sống cạnh Người, ai tinh ý lắm mới biết được mỗi khi mỏi mệt là Người đứng dậy đi đi lại lại hoặc làm một việc gì đó, trừ trường hợp không đi lại được nữa, Người mới chịu nằm nghỉ. Có lần bị sốt rét, người gầy đi nhiều, nhưng Người cũng không chịu nghỉ, vẫn kiên trì leo núi cho mồ hôi vã ra.

Người làm việc có kế hoạch và cần mẫn với một nghị lực phi thường. Ngay hôm đầu tiên về nước, Người đã bắt tay ngay vào công việc. Thấy Người làm việc có nề nếp, quy củ, anh em cứ ngỡ như Người đã từng ở đây từ rất lâu. Về Pác Bó được ít ngày, Người đã hoàn thành một công việc có ý nghĩa lịch sử trọng đại là chuẩn bị các điều kiện cho Hội nghị Trung ương.Thỉnh thoảng mua được một tờ báo, Người tranh thủ xem rất kỹ, những chỗ quan trọng bao giờ Người cũng gạch dưới và đánh dấu cẩn thận. Người viết nhiều bài cho báo Việt Nam độc lập bằng văn vần dễ thuộc, dễ nhớ, để tuyên truyền đường lối cách mạng trong quần chúng. Tuy công việc bề bộn, ngổn ngang, nhưng giờ nào việc ấy, rất có trật tự. Những thứ giá trị như máy chữ, đá in và tài liệu sách báo bí mật đều được sắp đặt gọn gàng, ngăn nắp. Sau mỗi buổi làm việc, Người xếp máy chữ vào một túi riêng, tài liệu thì bỏ thùng sắt đậy lại cẩn thận. Thời gian ở Pác Pó, Người thường mặc bộ quần áo Nùng màu chàm, đi giầy vải chẳng khác gì một ông cụ người địa phương. Người ở Pác Bó hơn một năm, nhưng bà con trong thôn xóm chỉ biết đó là cán bộ cách mạng tên Sáu Sán. Người thường hỏi han công việc của mỗi người trong ngày. Ai chưa có việc, Người cắt đặt cho. Người thường nhắc nhở mọi người: nhàn cư vi bất thiện, muốn ai cũng có việc làm dù là những việc lớn như xây dựng cơ sở, xây dựng phong trào hay chỉ là việc nhỏ như vá quần áo. Ở bên Người, mỗi cán bộ cách mạng lại thấy mình trưởng thành hơn. Tư tưởng, tình cảm bao la của Người tỏa chiếu thấm đượm, chan hòa, làm ấm lòng đồng chí, đồng bào, tiếp thêm sức mạnh lớn lao để vượt qua những khó khăn, thử thách trong những bước đường hoạt động cách mạng, giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

2. Tinh thần lạc quan cách mạng, gần gũi với thiên nhiên, yêu lao động, yêu đồng bào, đồng chí

Ở lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc luôn ngời sáng tinh thần lạc quan cách mạng. Có thể nói không một giây phút hiểm nguy, gian khó nào làm mất đi ở Người tình yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu con người và thiên nhiên.

Dù thường xuyên phải di chuyển nhưng ở đâu Người cũng nhắc mọi người phải tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống và bao giờ cũng tự mình làm trước. Thời kỳ ở Pác Bó không dài nhưng một vườn rau nho nhỏ đã bén rễ, có cả cà chua và ớt. Ở Khuổi Nậm, Người trồng vườn rau cải, nuôi một đàn gà. Cơ quan chuyển đi, Người vẫn nhắc trồng rau cải cho các đồng chí ở lại và cán bộ bí mật qua, nấu ăn đỡ đói. Người lo lắng, thương yêu đồng chí, đồng bào từ những điều nhỏ nhất cũng nghĩ rất xa.

Cuộc sống tuy kham khổ, thiếu thốn nhưng Người vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Bài thơ “Tức cảnh Pác Bó” đã thể hiện rõ diều đó:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Cho dù không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ nhưng những sáng tác của Người cũng chính là sự thể hiện rõ nét tình yêu thiên nhiên trong trái tim người nghệ sĩ - chiến sĩ cách mạng, một người luôn ung dung, tự tại, luôn nắm vững quy luật vận động phát triển của cuộc sống, chủ động và lạc quan trong mọi hoàn cảnh.                                                                                                                                                                                             

Cuộc sống trong núi rừng, hang đá lạnh lẽo nhưng luôn có hơi ấm tình thương của Người.Người thường nói: “Chúng ta ở rất bí mật nhưng đó là bí mật với tụi tổng đoàn, với bọn mật thám, bọn Tây, bọn thống trị chứ không bí mật với nhân dân”. Tết đến, Người dặn dò cán bộ địa phương phải bố trí bảo vệ chu đáo cho dân làng ăn tết. Người bảo mua giấy đỏ về làm phong bao, trong gói một đồng xu, ngoài đề “chúc mừng năm mới”. Mọi người đến chúc Tết đều được Người tặng một phong bao. Người tặng cho em Nông Thị Trưng, cán bộ mới thoát ly, phải xa nhà cái Tết đầu tiên chiếc khăn mùi xoa có hoa đỏ và một chiếc còng gà luộc. Người hiểu thấu phong tục người Tày rất quý trẻ con, mổ gà bao giờ cũng để phần cho trẻ còng gà. Người chu đáo với nhân dân dù là việc nhỏ. Có lần ra suối sáng sớm, trên đường quay về lán, Người phải trèo qua một cái loỏng đã được cọ rửa sạch úp bên bờ ruộng, cái loỏng chông chênh, Người vừa bước qua thì đổ ụp xuống ruộng. Cái loỏng nặng, gần đấy không có ai để nhờ giúp nhưng Người không bỏ đi mà rửa sạch, cố hết sức úp lại như cũ. Tại hang Kéo Quảng, nghe cán bộ báo cáo về bệnh đậu mùa đang hoành hành ở địa phương, Người giới thiệu một bài thuốc và dặn nhớ phổ biến cho dân biết để chữa bệnh. Hàng ngày nếu không bận họp hay nghiên cứu, viết bài, Người xuống làng hỏi thăm đồng bào, vào rừng lấy củi, hái rau, vun trồng khoai sắn, xuống suối xách nước tưới cây với anh em. Người trò chuyện với mọi người, hỏi chuyện làng xóm, gia đình, để nắm được tình cảm, nguyện vọng của bà con và thực tế cơ sở. Sự quan tâm thăm hỏi, cử chỉ thân mật của Người gây được cảm tình với đồng bào. Đồng bào đều nhớ ông Sáu Sán, nhớ đồng chí già có vầng trán cao, cặp mắt sáng, râu dài, rất hiền từ và trung hậu, được nhân dân các dân tộc kính yêu. Cao Bằng từ ngày có Người về, mỗi cán bộ cách mạng và đồng bào các dân tộc cảm nhận rõ tình cảm mến thương, niềm tin yêu, sự quan tâmchăm lo của Người.

Người sống gần gũi và không bao giờ muốn mình làm ảnh hưởng đến người khác.Các đồng chí mua gạo nấu riêng cho Người nhưng Người không đồng ý. Có món ăn ngon, Người không quên những anh em vắng nhà, dặn rang mặn gửi cho người đi công tác. Ban đêm, quanh khu vực Người ở có nhân dân bảo vệ, có tự vệ tuần tra nhưng các đồng chí vẫn thay nhau gác. Các đồng chí không để Người gác nhưng Người yêu cầu phải làm lịch gác, cứ theo lịch lần lượt thay nhau. Có lần Người mệt, mọi người bàn nhau không để Người gác nữa, dặn trước khi thay phiên giữ thật im lặng, nhưng cách đó không đạt kết quả, ra gác một lúc, giơ tay đập muỗi đã chạm phải Người ở sau lưng, có lần vừa ra tới vọng gác đã thấy Người ngồi đó rồi.“Từ trang phục đến lời nói, việc làm. Lúc thổi cơm, ngồi câu cá, khi tắm suối, ngủ rừng... Người hoà hợp với tất cả mọi người. Không thấy một nét gì khác lạ, cách biệt, ở một người vốn là đại diện của quốc tế cộng sản, từng dự Đại hội Tua, từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới...”(3). Đêm xuống, anh em thường quây quanh bếp lửa nghe Người nói chuyện thời sự và kinh nghiệm hoạt động cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về với thế giới người hiền gần 50 năm, nhưng tinh thần lạc quan cách mạng, gần gũi với thiên nhiên, yêu lao động, yêu đồng bào, đồng chí của Người mãi mãi là nguồn cổ vũ cho toàn Đảng, toàn dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức, vượt qua những ham muốn vật chất, những cám dỗ trong cuộc sống, khắc phục cho được chủ nghĩa cá nhân vụ lợi, những biểu hiện “tự suy thoái”, “tự chuyển hóa” để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.

___________________

(1) Đỗ Hoàng Linh: Hồ Chí Minh, Hành trình 79 mùa xuân, Nxb Hồng Bàng, tr.120

(2) Đỗ Hoàng Linh: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh giai đoạn 1941-1945, Nxb Hồng Bàng, tr.24

(3) Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Người Hồ soi sáng sự nghiệp đổi mới của chúng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 47- 48

 

Nguyễn Thị Thu Hằng

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền