Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện     Hồ Chí Minh với công tác dân vận tại Cao Bằng những năm 1941 - 1942
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:26
1729 Lượt xem

Hồ Chí Minh với công tác dân vận tại Cao Bằng những năm 1941 - 1942

(LLCT) - Trong hơn 2 năm hoạt động cách mạng tại Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận. Người trực tiếp giảng bài, truyền đạt kinh nghiệm, phương pháp tuyên truyền vận động cho đội ngũ cán bộ cách mạng, giúp họ có đủ những kỹ năng cần thiết để thức tỉnh, cổ vũ, đoàn kết và tập hợp quần chúng hăng hái tham gia cách mạng. Nhờ đó, từ Cao Bằng, Mặt trận Việt Minh đã phát triển rộng khắp khu Việt Bắc, góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.Sau gần 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngày 28-1-1941, Người đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng. Thời gian sống ở Cao Bằng (1941-1942), Người đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận và để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị về công tác dân vận.

 

Trước hết, Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận. Đối với Người, một hạt giống không thể để nó tự lớn lên và chết dần mà phải làm cho nó nảy nở ra trăm ngàn hạt giống khác. Giữa năm 1941, một số lớp huấn luyện cán bộ đã được tổ chức và Hồ Chí Minh trực tiếp giảng bài. Trong các bài giảng, Người tập trung nhấn mạnh, làm rõ các bước vận động quần chúng mà mỗi cán bộ dân vận phải nắm vững và thực hiện. Sau những buổi lên lớp là những buổi thực hành. Người đóng vai một quần chúng, các học viên đóng vai cán bộ tuyên truyền vận động quần chúng. Sau buổi thực tập, Người rút kinh nghiệm, chỉ ra chỗ sai, chỗ đúng của mỗi người. Người lấy một đoạn trong cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô giảng giải: Khi Cách mạng tháng Hai lật đổ Nga hoàng, bọn Kêrenxki nắm chính quyền, Lênin chủ trương phải đi giải thích cho quần chúng rõ. Lênin nhấn mạnh: giải thích và giải thích. Muốn giải thích phải có đội quân chính trị. Nói xong, Người kết luận: Ở nước ta hiện nay, muốn đánh Pháp, đuổi Nhật thì ai là người vác súng, ai là người tự giác, tự nguyện đứng dậy làm cách mạng. Đó là quảng đại quần chúng. Cho nên ta phải tuyên truyền vận động quần chúng. Có như vậy cách mạng mới thắng được. Người nói: Chúng ta muốn có một đội võ trang mạnh, trước hết phải có một đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững và đề nghị phải làm thế nào giáo dục quần chúng để trong một thời gian ngắn ta có được một phong trào chống Pháp đuổi Nhật như thủy triều dâng lên ở các địa phương (1).

Trong số cán bộ cơ sở được tham gia lớp huấn luyện có chị Trương Thị Mỹ. Trước khi đi, chị được giao nhiệm vụ chuyển một lá thư cho đồng chí Thu nhưng chị phân vân mãi không biết ai là đồng chí Thu để đưa thư. Hôm sau, Người đến và nói, tôi là người giao thông của đồng chí Thu rồi xin nhận thư đem về. Vào lớp, chị Mỹ cố tìm xem đồng chí Thu là ai nhưng đến khi xong lớp huấn luyện vẫn không thấy mà chỉ thấy người giao thông ấy giảng bài. Chị nghĩ: Cách mạng tài thật. Người giao thông lại có thể giảng giải mọi việc thông suốt, rõ ràng, dễ hiểu. Có những việc thật rắc rối, thật phức tạp, tưởng không thể nào hiểu nổi với trình độ những người như chị nhưng người giao thông chỉ lấy những việc hết sức cụ thể, hết sức thực tế để chứng minh, phân tích, giảng đến đâu chị hiểu ngay đến đấy. Cách giải thích của đồng chí cứ như đèn soi óc của chị vậy (2). Người đem ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin rọi vào trí óc của mọi người, giúp mọi người có nhận thức đúng và vững vàng trên con đường cách mạng, trở thành những hạt nhân tích cực trong công tác dân vận ở cơ sở, nhờ đó mà phong trào lan rộng rất nhanh.

Thứ hai, Hồ Chí Minh chú trọng đặc biệt đến phương pháp tuyên truyền vận động phù hợp với từng đối tượng quần chúng.

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng không phải là việc của một hai người, lật đổ ông vua, giết vài anh quan mà là việc chung của dân chúng(3). Vì vậy, Người yêu cầu dân vận phải miệng nói, tay làm để quần chúng tin theo. Người phê phán hiện tượng quan liêu, xa rời quần chúng và đòi hỏi phải thật thà nhúng tay vào việc. Người rất chú ý đến đời sống của các hội viên và khéo léo lồng ghép trong sự quan tâm thường nhật nhiều nội dung dân vận. Khi trong làng có một nữ hội viên cứu quốc qua đời, Người gọi một đồng chí ở cơ sở đến hỏi rất kỹ, đoàn thể có tổ chức thăm viếng không? Thể lệ thường xưa nay đi thăm viếng có phải mang gì đến giúp không? Đoàn thể đến viếng thì làm những việc gì? Có đọc văn tế không? Khi biết chưa có người viết văn tế, Người viết thay, lời lẽ, quy cách giống như của một ông tào cao tay nhưng nội dung thì rất mới, bao hàm một ý nghĩa chính trị sâu sắc, những câu văn thống thiết làm xúc động lòng người. Bài văn tế nói về con người ta ai cũng vậy, cha mẹ có sinh ra mới thành con người rồi lớn lên, già nua và chết đi, đấy là luật chung của tạo hóa, ai cũng bình đẳng. Thế thì tại sao ở trên đời, cuộc sống của mọi người lại không bình đẳng, có kẻ giàu, người nghèo, có kẻ áp bức bóc lột người khác? Sau buổi lễ truy điệu nữ hội viên, điều mọi người nhớ chính là câu hỏi chí lý này, từ đó thôi thúc bà con đoàn kết, sát cánh hơn trong các tổ chức cứu quốc để cùng nhau thanh toán sự bất bình đẳng ở trên đời. Người cách mạng phải biết tận dụng mọi hoàn cảnh để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng như vậy.

Người dạy muốn làm tốt công tác vận động cách mạng, muốn cho mọi người nghe theo mình thì khi vào một gia đình nào đó, điều trước tiên là phải làm sao tranh thủ được lòng yêu mến của người già, người già mà đã yêu mến mình thì con cái họ cũng sẽ yêu mến mình, đồng thời lại phải làm cho trẻ nhỏ gần gũi, thân mật với mình, chúng gần gũi với mình thì bố mẹ chúng cũng gần gũi với mình. Lễ thượng thọ của cụ cao tuổi, Người sắp xếp thời gian đến dự. Ngày Tết, Người còn dặn cán bộ xuống làng chúc Tết các gia đình, phải đi từng nhà, không được thiếu nhà nào. Biết phong tục mừng tuổi, Người chuẩn bị phong bao đỏ, trong có một xu. Nhưng một xu ấy là để làm việc có ích cho cách mạng: “Đoàn thể còn nghèo, không có gì để chúc mừng năm mới các cụ, các bác, các anh chị và các cháu. Đoàn thể chỉ xin biếu mỗi người một phong bao, trong có một xu. Một xu ấy đoàn thể nhắc các cụ, các bác, các anh chị và các cháu nhớ mua báo đoàn thể mà xem, nhớ đóng nguyệt phí cho đoàn thể. Báo mỗi số một xu và nguyệt phí cho Hội mỗi tháng cũng chỉ có một xu”(4).

Người dặn cán bộ không được làm gì trái ý quần chúng, trái với phong tục tập quán của địa phương. Có những phong tục tốt cần giữ lại, cũng có nhiều phong tục tập quán không tốt, cần phải thay đổi nhưng không phải tự ý thay đổi ngay một lúc mà phải vận động từ từ để quần chúng giác ngộ và tự cải cách lấy. Người rất hiểu đồng bào còn mê tín nhưng nhắc nhở cán bộ đừng nên cứng nhắc. Khi quần chúng chưa giác ngộ còn yêu cầu mình thì mình cứ làm, song điều quan trọng là phải tranh thủ để tuyên truyền, rồi dần dần từng bước giúp người ta giác ngộ cách mạng. Có giác ngộ cách mạng được cho quần chúng thì mới giác ngộ được chuyện ma mê tín.

Khi tuyên truyền, Người thường dùng những cách nói giản dị, lối so sánh cụ thể, gần gũi để đồng bào ai cũng hiểu được đường lối cách mạng. Bàn về các đoàn thể cách mạng trong nước, Người nói: Nhà thì phải có cột mới vững chãi. Các đoàn thể cách mạng cũng thế, phải có cái cột của nó mới đứng vững được, nghĩa là phải có Đảng lãnh đạo. Để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng, Người chủ trương sáng lập và trực tiếp phụ trách báo Việt Nam Độc lập. Mỗi tháng báo ra 3 kỳ, mỗi kỳ hơn 400 số. Tờ báo có 2 trang, khổ nhỏ, in đá. Người viết nhiều bài cho báo này với phong cách ngắn gọn, dễ hiểu, thường bằng văn vần. Người hiểu rõ đồng bào các dân tộc đa số không biết đọc, biết viết, nếu viết thành văn vần thì chỉ cần một người biết chữ đọc, những người không biết nghe xong có thể dễ dàng học thuộc và cứ thế truyền miệng từ người này sang người khác. Có khi Người vẽ cả những bức tranh cổ động. Mỗi bài báo của Người hướng đến những đối tượng cụ thể: dân cày, phụ nữ, trẻ em, công nhân, binh lính... kêu gọi đoàn kết đấu tranh chống Nhật, Pháp, giành tự do, độc lập cho dân tộc. Người viết diễn ca Mười chính sách của Việt Minhđể tuyên truyền. Trong 2 năm 1941-1942, Bác đã viết khoảng 20 bài thơ nói về đoàn kết.

Thứ ba, dân vận phải đạt mục đích thức tỉnh, cổ vũ, đoàn kết và tập hợp quần chúng trong một tổ chức cách mạng.

Thời gian ở Cao Bằng, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của công tác dân vận mà Người chú trọng là tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc nhận rõ tác hại của sự chia rẽ, lợi ích to lớn của sự đoàn kết, thống nhất, từ đó đưa họ vào hoạt động trong một tổ chức cách mạng. Người đã lập ra những hội cứu quốc gồm Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc. Người kêu gọi: nhân dân ta phải mau mau tổ chức lại. Nông dân phải vào Nông dân cứu quốc hội, thanh niên phải vào Thanh niên cứu quốc hội, phụ nữ vào Phụ nữ cứu quốc hội. Trẻ em vào Nhi đồng cứu quốc hội. Người cho rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nên dù là già, trẻ, lớn, bé đều có thể tham gia cách mạng và làm công việc phù hợp. Vì vậy, tuyên truyền luôn phải nắm được đối tượng, phải hiểu được nông dân có khổ gì, công nhân vì sao lại tham gia cách mạng hăng hái nhất. Đối với cụ già, binh lính... thì tuyên truyền những gì. Người vận động các cụ già ở Pác Bó bằng những lời lẽ rất chí tình, chí lý: “Tôi già làm cách mạng được, các cụ làm cách mạng được, làm những việc hợp với mình. Bây giờ các tầng lớp nhân dân đều có đoàn thể cứu quốc rồi. Đây đủ ba cụ ta cũng có thể tổ chức thành một tổ phụ lão chứ? Nhưng tổ chức một tổ phụ lão chưa đủ đâu, các cụ về vận động các cụ ông, cụ bà khác trong bản có lòng ủng hộ cách mạng cũng vào tổ chức, không có người trong người ngoài lại sinh thắc mắc không lợi cho việc đoàn kết. Từ tổ Phụ lão cứu quốc ở Pác Bó đã dần dần phát triển sang các vùng lân cận. Nhờ làm tốt công tác dân vận, phong trào cách mạng Cao Bằng phát triển mạnh mẽ, nhiều cơ sở cách mạng nảy nở, hình thành và ngày càng trở nên vững chắc. Cuối tháng 4-1941, Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Vũ Anh triệu tập Hội nghị cán bộ dân vận của ba huyện thuộc tỉnh Cao Bằng là Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình để rút kinh nghiệm tổ chức thí điểm Mặt trận Việt Minh. Đây là những huyện có phong trào quần chúng tương đối mạnh. Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng. Từ kết quả của Hội nghị tháng 4-1941 đến Hội nghị lần thứ 8, tháng 5-1941, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp những người yêu nước, cùng nhau đấu tranh cho dân tộc độc lập, vì sự sinh tồn. Từ Cao Bằng, Mặt trận Việt Minh phát triển rộng khắp khu Việt Bắc và đoàn kết mọi lực lượng yêu nước tiến bộ trong các dân tộc, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

Từ những kinh nghiệm trong hơn hai năm hoạt động ở Cao Bằng, Hồ Chí Minh đã cùng với Trung ương Đảng đúc rút thành bài học kinh nghiệm dân vận quan trọng, áp dụng rộng rãi trong cả nước và góp phần tạo nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Nghiên cứu lại tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận trong bối cảnh đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc kết luận có tính khái quát rất cao của Người: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(5).

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

(1), (2), (4) Hồi ký “Những ngày gần Bác”, sách “Đầu nguồn”, Nxb Văn học,Hà Nội, 1977.

(3) “Đường Cách mệnh”.

(5) “Dân vận”, đăng trên báo Sự thật, số ra ngày 15-10-1949, bút danh XYZ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

ThS Cao Thị Hải Yến

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền