Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hành trình Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:28
1959 Lượt xem

Hành trình Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam

(LLCT) - Trong thời gian hoạt động ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã nhiều lần đề nghị với Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản được về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 30-9-1938, Phòng cán bộ tổ chức của Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa đã ra Quyết định mật số 60 về việc để Nguyễn Ái Quốc về nước công tác. Từ Mátxcơva, đồng chí Nguyễn đi xe lửa xuống phía Nam, qua biên giới Xô - Trung vào Tân Cương đi Lan Châu, Tây An và đi Diên An hai tuần rồi trở lại Tây An để đi Quế Lâm (Quảng Tây) tìm cách về gần vùng biên giới Việt Nam. Từ Quế Lâm, đồng chí Nguyễn đi Hoành Dương (Hồ Nam) tham gia lớp huấn luyện du kích, đi Long Châu tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí trong nước nhưng không gặp.

Cuối năm 1939, Người tìm đường đi Côn Minh và bắt liên lạc được với Ban hải ngoại của Đảng ta. Đồng chí Phùng Thế Tài, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam viết trong hồi ký về thời gian này: “Từ ngày về đến Côn Minh, một mặt Bác vẫn thường xuyên nhắc nhở việc chuẩn bị con đường trở về nước, một mặt Bác tranh thủ nắm tình hình, đẩy mạnh các hoạt động lên một bước mới. Hoạt động ở Vân Nam lúc ấy, ngoài các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Cao Hồng Lĩnh còn có một vài đồng chí khác nữa, hình thành bộ phận hải ngoại của Đảng”. Trong thời gian này, Người rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động cách mạng. Người góp ý đổi tên tờ báo Đồng Thanh do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách thành Đ.T, với nhiều ý nghĩa, có thể hiểu là “Đảng ta”, “Đấu tranh” hay “Đánh Tây”; Người cũng trực tiếp viết nhiều bài đăng báo.

Tháng 4-1940, Người quyết định đi kiểm tra tình hình cơ sở dọc đường sắt, chủ yếu là trên các ga chính: Nghi Lương, Chỉ Thôn, Khai Viễn, Hồ Khẩu... Người đóng vai một người công nhân đốt lửa, dừng lại khá lâu ở ga Chỉ Thôn. Ga này có hàng mấy trăm công nhân Việt kiều sinh sống, trong đó đồng chí Hoàng Quang Bình, một cơ sở của ta, mở hiệu cắt tóc ở gần ga để làm nơi liên lạc. Đồng chí Phùng Chí Kiên cùng đi với Người đến ở tại nhà đồng chí Hoàng Quang Bình. Ban ngày Người đi khảo sát tình hình, ban đêm tranh thủ mở lớp huấn luyện. Đi đến đâu, Người mở lớp đến đó, mỗi lớp chỉ có vài ba học viên, nhiều học viên sau này đã trở thành những hạt giống cách mạng.

Tháng 6-1940, tin Pari thất thủ đã làm cả Côn Minh náo động, báo chí đăng tít lớn đưa tin nước Pháp đã bị Đức chiếm. Trước tình hình đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập bộ phận hải ngoại của Đảng ở Vân Nam họp gấp tại trụ sở báo Đ.T., Người nhận định: Lúc này mà chậm trễ là có tội với dân tộc! Tất cả nhất trí với đề nghị gấp rút tìm đường về nước của Người, nhưng ai cũng phân vân là không biết sẽ lấy vũ khí ở đâu để chiến đấu. Người giải thích: Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một điều rất quan trọng của cách mạng. Nhưng nếu bây giờ có vũ khí thì lấy ai vác vũ khí. Cho nên cứ tìm cách về nước đã, về nước tuyên truyền giác ngộ quần chúng, khi quần chúng đã giác ngộ thì ta sẽ có vũ khí.

Sau cuộc họp, Nguyễn Ái Quốc điện cho các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp không đi Diên An học tập nữa mà quay lại Quế Lâm, đồng thời Người đi Trùng Khánh gặp Chu Ân Lai, lúc đó là đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc bên cạnh chính phủ Tưởng Giới Thạch. Một tuần sau, đồng chí Vũ Anh và đồng chí Phùng Chí Kiên nhận được thư của cụ Hồ Ngọc Lãm, một nhân sỹ của thời kỳ Đông du trước đây. Trong thư cụ cho biết, Trương Phát Khuê và Tiêu Văn đang có âm mưu dùng Trương Bội Công, từng làm cấp tướng dưới quyền Tưởng Giới Thạch, dựng cờ tập hợp một số thanh niên Việt Nam ở Trung Quốc chuẩn bị cho “Hoa quân nhập Việt”. Vì không có uy tín nên Trương Bội Công muốn mời cụ Lãm tham gia, nhằm lợi dụng uy tín của cụ để lôi kéo lớp thanh niên của ta. Cụ Lãm đề nghị các đồng chí của ta nên nhanh chóng thu xếp gặp Trương Bội Công để “giả vờ” gia nhập tổ chức này, sau đó tìm đường về nước cho thuận tiện. Cụ Lãm cũng sẽ nhận lời tham gia nhằm phá ý đồ đen tối của chúng, không để chúng gây tiếng xấu cho cách mạng Việt Nam. Bộ phận hải ngoại của Đảng đã họp tại nơi ở của đồng chí Phùng Chí Kiên để thống nhất ý kiến. Mọi người vừa bàn xong thì Nguyễn Ái Quốc từ Trùng Khánh về. Người quyết định di chuyển theo hướng Tĩnh Tây - Quảng Tây để tìm đường về nước. Nhờ tài ngoại giao khéo léo của Nguyễn Ái Quốc, đường từ Quế Lâm về đến Tĩnh Tây khá thuận lợi: được cấp tiền lộ phí, cấp giấy giới thiệu đi đường với danh nghĩa “Hoa Nam công tác đoàn”, đóng dấu son Trung Chính (Trung Chính là tên hiệu của Tưởng Giới Thạch khắc trên con dấu hành chính quốc gia, đóng vào các giấy tờ quan trọng). Nguyễn Ái Quốc về đến Tĩnh Tây thì có đoàn của đồng chí Hoàng Văn Thụ từ Cao Bằng sang gặp, báo cáo về tình hình trong nước, những công tác đã thực hiện được và việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8 và đề nghị với Người chọn hướng Cao Bằng để về nước vì đây là tỉnh biên giới có phong trào cách mạng phát triển sớm, trình độ giác ngộ của nhân dân tương đối cao, đội ngũ cán bộ dày dặn kinh nghiệm. Cao Bằng lại đã có khu du kích Sóc Giang ở vùng Lục Khu ngay dọc biên giới Việt - Trung. Người đã tán thành với đề nghị của đồng chí Hoàng Văn Thụ vì cũng trùng hợp với nhận định trước đó của Người.

Ngày 1-1-1941, Nguyễn Ái Quốc đến ở làng Tân Khư (Tĩnh Tây, Quảng Tây, Trung Quốc). Tại đây, Người phân công 41 đồng chí tổ chức về nước trước, còn Người và đồng chí Hoàng Sâm sẽ về sau. Đồng chí Lê Quảng Ba, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Trung ương kể lại trong hồi ký: “Được lệnh về nước ai nấy đều mừng rỡ. Chúng tôi cử đồng chí Thụy Hùng cùng bốn đồng chí nữa đến gặp Trương Bội Công nói rõ với hắn là anh em cần về nước ngay. Ba mươi sáu đồng chí nữa lợi dụng lúc trời chưa sáng nhanh chóng rời doanh trại. Trương Bội Công biết tin, không kịp xỏ giày, cứ chân không đuổi theo nhưng rồi hắn cũng đành thất vọng quay về. Hai ngày sau chúng tôi về đến vùng hoạt động cũ của các đồng chí Hà Quảng và được lệnh dừng chân lại ở làng Nậm Quang và Ngàn Tẩy, tuyên truyền vận động quần chúng”.

Ngày 6-1, Nguyễn Ái Quốc cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm đưa đi dọc theo đường Long Lâm qua Nậm Bo xuống Nậm Quang (Tĩnh Tây, Quảng Tây), một làng sát biên giới Việt - Trung. Tại đây, Người cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... tổ chức lớp học và trực tiếp huấn luyện chính trị cho hơn 40 thanh niên yêu nước từ Cao Bằng sang. Chương trình huấn luyện gồm ba phần chính: Tình hình thế giới và trong nước; Tổ chức đoàn thể quần chúng; Cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng (Các tài liệu do Người tổ chức biên soạn, sau in litô thành sách nhan đề Con đường giải phóng). Vừa tổ chức huấn luyện, học chính trị, Nguyễn Ái Quốc cùng tất cả các học viên vừa tham gia giúp đỡ nhân dân trong các công việc hằng ngày. Người căn dặn học viên kỹ lưỡng về năm điều nên làm và năm điều nên tránh đối với dân. Năm điều nên làm là: Giúp dân những công việc thiết thực hàng ngày; Tìm hiểu phong tục tập quán, nghiêm túc chấp hành điều kiêng; Học tiếng địa phương, dạy hát, dạy chữ, gây tình cảm tốt với dân; Tùy nơi, tùy lúc mà tuyên truyền cách mạng cho thích hợp; Làm cho dân thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật; do đó dân càng tin và giúp ta. Năm điều nên tránh là: Tránh việc gì làm thiệt hại đến dân, làm bẩn, làm hỏng nhà cửa ruộng vườn của dân; Tránh năn nỉ mua hoặc mượn thứ gì cho bằng được; Tránh sai lời hứa; Tránh phạm đến phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân; Tránh lộ bí mật.

Đồng chí Lê Quảng Ba kể lại: “Học viên ở phân tán trong nhà dân, sáng dậy phân công nhau đi gánh nước giúp dân, làm vệ sinh quanh nhà ở. Vào kỳ giáp Tết dân hai làng đều lo chuẩn bị củi. Bác chỉ thị cho cả lớp học giúp dân. Dân làng chặt củi, khuân củi, anh em ta đảm nhiệm việc vác về các nhà. Đường chuyển củi phải vượt mấy khe núi, buổi sớm sương ướt đường trơn. Thế mà sáng nào Bác cũng đi vác củi với anh em”.

Tuy đời sống rất kham khổ nhưng không ai phàn nàn, tất cả đều hăng hái học tập. Đồng chí Lê Quảng Ba kể lại: “Chúng tôi chia thành hai nhóm, một nhóm đóng vai cán bộ, một nhóm đóng vai nhân dân. Nhóm đóng vai nhân dân nghe điều gì chưa rõ thì nêu ra, đề nghị giải thích thêm. Các cán bộ hướng dẫn đều đóng vai nhân dân để đưa ra những câu hỏi và bổ khuyết kịp thời. Các bài giảng đều được Bác duyệt rất kỹ. Sau một bài lại rút kinh nghiệm ngay cho bài sau. Buổi nào Bác cũng dự, nghe giảng với anh em hoặc nghe thảo luận; rồi Bác hỏi học viên có hiểu không để cải tiến phương pháp dạy và học cho thiết thực. Qua đó Bác hiểu rõ được trình độ tiếp thu của mỗi người. Đặc biệt, Bác rất quan tâm rèn luyện cho cán bộ ta có đức độ và tác phong công tác tốt. Căn cứ vào tình hình sinh hoạt, học tập của chúng tôi, ngày nào Bác cũng nhắc nhở chúng tôi tìm hiểu và tôn trọng phong tục tập quán địa phương. Vào ngày 28 - 30 Tết ở Nậm Quang, nhà nào cũng giết lợn. Có ngày hai ba nhà cùng mời ăn; Bác đến thăm hỏi từng gia đình, nói chuyện thân mật vui vẻ với người già bằng tiếng Pạc. Phong tục người Nùng ở Nậm Tẩy không để khách ngủ ở nhà từ đêm 30 Tết đến trưa ngày mồng một, Bác khuyên anh em lên lán ở”.

Kết thúc lớp huấn luyện chính trị gần một tháng, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Thế An, Đặng Văn Cáp và Hoàng Văn Lộc chuẩn bị về nước. Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyễn Giáp trở lại Tĩnh Tây. Còn các học viên tỏa về các địa phương thuộc hai châu Hà Quảng và Hòa An để hoạt động. Ngày 28-1-1941 (mùng 2 Tết năm Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc lên đường về nước. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đặt chân tới cột mốc 108 nằm trên biên giới Việt - Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Người đứng lặng hồi lâu, bùi ngùi xúc động...

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2017

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử-  t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

2. Bác Hồ sống mãi với chúng ta- t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. 

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh- Hành trình kháng chiến, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005.

4. Những năm tháng không thể nào quên, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999.

5. Những năm tháng bên Bác, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2004.

6. Con đường theo Bác (hồi ký), Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2003.

7. Bác Hồ - Những kỷ niệm không quên, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.

 

Đỗ Hoàng Linh

 Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền