Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hội nghị Pari - Một thắng lợi về quân sự và chính trị của Việt Nam
Thứ năm, 24 Tháng 5 2018 16:33
3699 Lượt xem

Hội nghị Pari - Một thắng lợi về quân sự và chính trị của Việt Nam

(LLCT) - Trong khuôn khổ Hội nghị Pari, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27-1-1973. Hiệp định do 4 bên tham chiến: Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa ký kết, nhưng việc đàm phán để đạt được nội dung Hiệp định chủ yếu được quyết định bởi các phiên họp kín giữa 2 phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ. Hiệp định là Văn bản pháp lý quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam, là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ của nhân dân và quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cách đây 45 năm, ngày 27-1-1973, tại Hội nghị Pari, Việt Nam đã giành thắng lợi quan trọng. Đây là một sự kiện lịch sử lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt cả về quân sự, chính trị và đối ngoại. Thắng lợi này là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự thất bại của quân đội Mỹ và quân đội ngụy Sài Gòn; đẩy Mỹ - ngụy vào thế lúng túng, bị động, buộc Mỹ phải rút hết quân về nước, tạo điều kiện cho cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng dân tộc của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Đầu năm 1967, Mỹ ồ ạt đưa quân vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đưa cuộc chiến tranh leo thang đến đỉnh điểm trên cả hai miền Nam - Bắc. Mỹ - ngụy dốc sức phản công, hòng giành thế chủ động trên chiến trường, nhưng vẫn bị quân và dân cả nước đánh cho thất bại nặng nề cả về quân sự, chính trị. Ðể cứu vãn tình thế, Mỹ thay đổi chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” chuyển thành “chiến tranh cục bộ”, thực chất là nhằm “Mỹ hóa” cuộc chiến tranh. Trước tình hình đó, ngày 23 đến 26-1-1967, Hội nghị Trung ương 13 họp “Chủ trương đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”(1). Sau khi phân tích tình hình chiến trường, Hội nghị đã dự đoán những âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ trong thời gian tới và khẳng định: Chủ trương của Đảng là trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài, cần phải động viên và tập trung lực lượng của cả nước, cố gắng cao độ, đập tan âm mưu của địch, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn; đồng thời, tích cực chuẩn bị sẵn sàng đánh thắng địch trong trường hợp chiến tranh kéo dài hoặc mở rộng ra cả nước”(2). Trên thực tế, Mỹ càng leo thang chiến tranh thì càng vấp phải những đòn giáng trả mạnh mẽ của ta. Về mặt chính trị, ta nêu cao chính nghĩa của cuộc chiến đấu, bóc trần bộ mặt xâm lược và tính chất nguy hiểm của các hành động leo thang chiến tranh cùng thủ đoạn đàm phán hòa bình giả hiệu của Mỹ.

Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Giônxơn quyết định cho máy bay chiến lược B-52 leo thang ra đánh phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng Phòng không - Không quân: “Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đ­ưa máy bay B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến tr­ước mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị...”(3) Người nói thêm: “Nhớ là tr­ước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(4). Lời dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bản chất ngoan cố, hiếu chiến của đế quốc Mỹ. Chỉ khi nào chịu thất bại  nặng nề trên chiến trường và không còn hy vọng cứu vãn, đế quốc Mỹ mới chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Cuộc Tổng tiến công nổi dậy của quân và dân miền Nam trong Tết Mậu Thân 1968 cùng thắng lợi của quân và dân miền Bắc đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ đã làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù. Ðêm 31-3-1968, trên đài truyền hình Mỹ, Tổng thống Mỹ Giônxơn thừa nhận thất bại trong Tết Mậu Thân và thông báo đã ra lệnh chấm dứt mọi cuộc tiến công bằng máy bay và tàu chiến chống miền Bắc Việt Nam, trừ khu vực phía Bắc khu phi quân sự. Đồng thời, cam kết “sẵn sàng đi bước đầu tiên trên con đường xuống thang” và không ra tranh cử Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Trong tình thế đã thay đổi có lợi cho ta, bằng một đòn tiến công ngoại giao mới, ta chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ. Ngày 13-5-1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ bắt đầu tại Pari và gần 6 tháng sau đi đến thỏa thuận về việc Mỹ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 31-10-1968; đồng thời thỏa thuận về việc triệu tập tại Pari một hội nghị để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm các bên: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Ngày 25-1-1969, Hội nghị Pari về Việt Nam họp phiên đầu tiên, mở ra giai đoạn “vừa đánh, vừa đàm”. Hội nghị Pari về Việt Nam là cuộc đàm phán dài nhất nhằm chấm dứt một cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ XX, cuộc chiến tranh diễn ra trên phạm vi một nước nhưng lại là tiêu điểm của những mâu thuẫn và xung đột mang tính thời đại: giữa độc lập dân tộc và CNXH với chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động. Ðó là cuộc đối thoại giữa một bên là lực lượng xâm lược có thế mạnh vượt trội về quân sự và kinh tế nhưng lại yếu thế về chính trị, tinh thần; một bên là lực lượng cách mạng bảo vệ Tổ quốc, tuy có điểm yếu tương đối về quân sự và kinh tế nhưng lại có sức mạnh tuyệt đối về chính trị, tinh thần. Ðó còn là cuộc đối thoại giữa hai nền ngoại giao, một bên là nền ngoại giao nhà nghề của một siêu cường và một bên là nền ngoại giao của một nhà nước cách mạng còn non trẻ.

Cả ta và đối phương đều đến Hội nghị Pari với những mục đích và đòi hỏi đối lập nhau. Ta muốn Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam. Mỹ cũng khẳng định muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn; tức là tiếp tục thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, điều Mỹ đã không làm được trên chiến trường.

Lập trường bốn bên, mà thực chất là hai bên, Việt Nam và Mỹ, giai đoạn đầu rất xa nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị diễn ra gay gắt, nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng. Trong thời gian này, trên chiến trường, cả hai bên đều tìm mọi cách giành thắng lợi quyết định về quân sự để thay đổi cục diện, lấy đó làm áp lực cho đối phương trên bàn đàm phán của Hội nghị Pari.

Phía ta coi Hội nghị Pari không chỉ là các cuộc đàm phán ngoại giao thông thường mà còn là một mặt trận mang ý nghĩa tuyên truyền cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đồng thời đem lại sự xác nhận những kết quả của các cuộc đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị trên chiến trường miền Nam Việt Nam. “Đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị ở miền Nam là yếu tố quyết định để giành thắng lợi trên chiến trường và là cơ sở của đấu tranh ngoại giao. Chúng ta chỉ có thể giành được thắng lợi trên bàn đàm phán những gì mà chúng ta giành được trên chiến trường. Tuy nhiên, đấu tranh ngoại giao không đơn thuần chỉ là phản ánh của tình hình chiến trường, mà trong bối cảnh quốc tế và do tính chất của cuộc chiến tranh, đấu tranh ngoại giao còn đóng một vai trò quan trọng, tích cực và chủ động”(5).

Tháng 2-1971, sau khi đánh giá những thắng lợi của cả hai miền Nam, Bắc, Hội nghị Trung ương 19 khoá III đã phân tích tình hình và dự báo âm mưu, thủ đoạn sắp tới của đế quốc Mỹ: “Trên chiến trường miền Nam, chúng sẽ ráo riết “bình định” giành giật quyết liệt với nhân dân ta và phá hoại các vùng giải phóng; đồng thời, chúng sẽ tiếp tục những hành động phiêu lưu quân sự mới, tìm cách liều lĩnh mở những cuộc phản công cục bộ, hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam”(6). Hội nghị cũng khẳng định: “Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta lúc này. Phải động viên sự cố gắng cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên cả hai miền nước ta, ra sức thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến, nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn... Quân và dân miền Nam phải đập tan kế hoạch “bình định”, đánh bại kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch, làm cho ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn phải sụp đổ và buộc đế quốc Mỹ phải rút nhanh, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam nước ta, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Quân và dân miền Bắc phải sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt địch, đập tan mọi hành động khiêu khích và mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, hết lòng hết sức làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn...”(7)

Những thắng lợi quân sự của ta trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Đông Bắc và Đông Nam Campuchia năm 1971; các chiến dịch tiến công Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Bình Định, Khu 8 Nam Bộ... năm 1972 đã khiến quân Mỹ - ngụy thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán của Hội nghị Pari.

Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn, Tổng thống Mỹ R.Níchxơn quyết định thực hiện chủ trương có ý nghĩa chiến lược vượt ra khỏi khuôn khổ của “Việt Nam hóa chiến tranh”, nghĩa là “Mỹ hóa” trở lại một phần cuộc chiến tranh. Ngày 6-4-1972, Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến ở miền Nam và trở lại đánh phá miền Bắc Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần này, Mỹ thực hiện leo thang nhanh, đánh phá với cường độ cao trên cả hai miền Nam, Bắc. Từ đầu tháng 4 đến tháng 5-1972, Mỹ đã huy động tới hơn 40% lực lượng không quân chiến thuật (1.300 chiếc), 45% máy bay ném bom chiến lược B-52 (150 chiếc), 60 tàu chiến trong đó có 5 tàu sân bay và 5 tàu tuần dương. Chỉ tính riêng lực lượng không quân Mỹ đánh Việt Nam gần bằng lực lượng không quân của ba nước mạnh nhất Tây Âu lúc đó là Anh, Pháp và Tây Đức cộng lại. Với quyết định quay lại đánh phá miền Bắc Việt Nam, Tổng thống Mỹ R.Níchxơn hy vọng sẽ bóp nghẹt miền Bắc, cắt đứt nguồn tiếp tế từ bên ngoài vào, làm cho miền Bắc suy yếu, buộc Việt Nam phải thương lượng với Mỹ ở Hội nghị Pari trên thế thua.

Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) đã chỉ đạo tập trung đập tan những cố gắng quân sự cuối cùng của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari. Đảng ta nhận định: Mỹ trắng trợn gây trở lại chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân trên quy mô lớn, nhằm hạn chế thắng lợi của quân dân miền Nam, hòng cứu vãn tình thế suy sụp của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, cố giữ cho cục diện chiến trường miền Nam không xấu hơn nữa đối với chúng. Từ kinh nghiệm của cuộc chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, Đảng ta chỉ đạo quân và dân miền Bắc nhanh chóng chuyển từ thời bình sang thời chiến; lực lượng phòng không ba thứ quân kiên quyết giáng trả không quân Mỹ những đòn đích đáng.

Năm 1972 được cả Việt Nam và Mỹ nhận định là năm quyết định cho cuộc chiến tranh. Vì vậy, các cuộc đàm phán dần đi vào thực chất, càng về cuối càng có những chuyển biến quan trọng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, hai bên vẫn chưa thực sự đi vào đàm phán mà vẫn nỗ lực trên chiến trường và thăm dò nhau trên bàn hội nghị. Cuộc gặp riêng từ ngày 8 đến 12-10-1972 là mốc đánh dấu bước chuyển biến căn bản của cuộc đàm phán. Phía Việt Nam đưa ra văn bản Dự thảo hiệp định hoàn chỉnh và đề nghị phía Mỹ ký ngay. Hai bên thỏa thuận ngày 31-10-1972 sẽ ký Hiệp định chính thức tại Pari. Hiệp định đã có thể được ký kết theo đúng lịch trình nếu không có sự lật lọng từ phía Mỹ. Ngày 22 và 23-10-1972, Mỹ đòi trì hoãn ngày ký để thảo luận thêm.

Ngay sau khi Mỹ lật lọng, trì hoãn việc ký Hiệp định ở Hội nghị Pari, đòi Việt Nam nhân nhượng thêm, ta quyết định công bố dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận giữa hai bên và tuyên bố không gặp lại trước ngày tuyển cử như Mỹ đề nghị. Đảng ta nhận định: Mỹ muốn tiếp tục kéo dài chiến tranh thêm một thời gian nữa để giành thắng lợi về quân sự, nhằm kết thúc chiến tranh trên thế mạnh.

Trước những diễn biến mới của tình hình, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương nhận định: Mỹ sẽ tập trung đánh phá ác liệt từ Thanh Hóa trở vào, đặc biệt chúng có thể sẽ trở lại phá hoại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả dùng máy bay chiến lược B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố khác. Đúng như dự kiến, sau ngày 23-10-1972, đặc biệt là sau khi trúng cử Tổng thống (ngày 8-11-1972), Tổng thống Mỹ R.Níchxơn ráo riết chuẩn bị bước phiêu lưu quân sự mới. Mỹ trở giọng đe dọa, phá ngang làm cho cuộc đàm phán tại Hội nghị Pari bị gián đoạn. Mỹ tập trung lực lượng không quân ở mức cao nhất để đánh phá, ngăn chặn các tuyến giao thông từ Nam vĩ tuyến 20 trở vào, trọng điểm là các tuyến vận chuyển hàng hóa vào chiến trường miền Nam. Ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Níchxơn quyết định mở cuộc tập kích đường không chiến lược mang tên “Lainơbếchcơ II” chủ yếu bằng các “siêu pháo đài bay B-52” đánh phá ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc.

R.Níchxơn hy vọng rằng với sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, Nhà Trắng sẽ đạt được mục đích. Nhà sử học người Mỹ Giơlingơrinút tiết lộ: “R.Níchxơn, Kítxinhgiơ và 1.700 nhân viên phi hành bay B-52 thực hiện cú đấm chiến lược này đều có niềm tin mãnh liệt ban đầu về kết quả chiến đấu. Ngay từ đầu, Bộ chỉ huy không quân chiến lư­ợc Mỹ (SAC) đã nhận định, muốn xâm nhập và vượt qua hệ thống phòng không - không quân của Bắc Việt Nam phải sử dụng một loạt các biện pháp kỹ thuật hiện đại nhất. Ngoài việc đ­ưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí chống bức xạ điện từ như­ tên lửa Sơrai, bom điều khiển bằng tia lade, bom điều khiển bằng vô tuyến truyền hình... giới khoa học quân sự Mỹ còn nghiên cứu cải tiến và đ­ưa vào sử dụng các thiết bị gây nhiễu mới nhất có công suất lớn, dải tần rộng lắp trên các máy bay chiến lược B-52 và các loại máy bay c­ường kích chiến thuật, tiến hành một cuộc chiến tranh điện tử rộng khắp. Với cả guồng máy đồng bộ và tính năng vũ khí như­ thế, Mỹ cho rằng, hệ thống ra đa trinh sát phòng không và tên lửa “SAM-2” của Bắc Việt Nam không thể nào “với tới” đ­ược. Tổng thống R.Níchxơn còn ngạo mạn cho rằng, máy bay B-52 bay vào Hà Nội, Hải Phòng sẽ như một cuộc dạo chơi.

Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân dân miền Bắc đã kịp thời giáng trả đế quốc Mỹ những đòn đích đáng ngay từ những trận đánh đầu tiên. Cuộc đụng độ lịch sử trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 được ví là trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. Trong 12 ngày đêm chiến đấu, quân dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn của đế quốc Mỹ, bắn cháy 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay ném bom chiến lược B-52, 5 máy bay F-111, nhiều máy bay B-52 bị bắn rơi ngay tại Thủ đô Hà Nội, 43 phi công bị bắt sống, trong đó có 33 phi công lái máy bay chiến lược B-52.

Thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam và thất bại trong cuộc tập kích không quân chiến lược đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc Việt Nam 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 đã khiến ý chí đàm phán trên thế mạnh của Nhà Trắng bị đè bẹp. Thất bại nặng nề về quân sự và chính trị trên cả hai chiến trường buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngừng ném bom, bắn phá từ vĩ tuyến 20 trở ra, từ ngày 30-12-1972. Ngày 6-1-1973, Tổng thống R.Níchxơn chỉ thị cho cố vấn đặc biệt H.Kítxinhgiơ cần đạt được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện khắt khe và nhấn mạnh là sẵn sàng chấp nhận Văn bản đã thỏa thuận tháng 10-1972. Ngày 8-1-1973, Mỹ phải tiếp tục nối lại cuộc đàm phán trên thế yếu tại Hội nghị Pari.

Ngày 15-1-1973, Chính phủ Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom bắn phá miền Bắc. Ngày 23-1-1973, Hiệp định và các nghị định thư được cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và cố vấn H.Kítxinhgiơ ký tắt. Thất bại nặng nề về quân sự của Mỹ trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc - những cố gắng quân sự cuối cùng, buộc Mỹ phải ký “Hiệp định ở Hội nghị Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27-1-1973. Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận.

Trong thời gian gần 5 năm, Hội nghị Pari đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung, công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân Mỹ và quân 5 nước đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ra khỏi miền Nam, đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ, trước sau vẫn nêu quan điểm “có đi có lại”, đòi hai bên (cả quân đội miền Bắc có tại miền Nam) “cùng rút quân”.

Với thắng lợi của Hiệp định Pari về Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, làm tiền đề tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975. Hiệp định Pari ngày 27-1-1973 đã phản ánh ở mức độ cao thắng lợi về quân sự và xu thế cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong bối cảnh quốc tế có thuận lợi nhưng cũng phức tạp. Việt Nam đã tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược”.

Hiệp định Pari về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước. Đây là thắng lợi về quân sự và chính trị, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Cuộc đấu tranh này phản ánh sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trí tuệ của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam, dựa vào chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2018

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930-2002: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13 (từ ngày 23 đến ngày 26-1-1967), tr.577.

(2) Đảng Lao động Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 13, Tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử Đảng, tr.3.

(3) Hồ Chí Minh: Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự,  Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 203.

(4) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, t.2 (1954-1975), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.556-557.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng, t.28, tr.174, Kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 13, Khóa III.

(6), (7) ĐCSVN: Tìm hiểu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam qua các Đại hội và Hội nghị Trung ương 1930-2002, Nxb Lao động, tr.613; 613-614.

 

Thượng tướng TRẦN ĐƠN 

Ủy viên Trung ương Đảng,

Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền