Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Trung Quốc những năm 1946-1949
Thứ tư, 29 Tháng 8 2018 14:56
6088 Lượt xem

Sự giúp đỡ của Việt Nam đối với cách mạng Trung Quốc những năm 1946-1949

(LLCT) - Những năm 1946-1949, trong hoàn cảnh kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng khó khăn, gian khổ, thiếu thốn, nhưng khi cách mạng Trung Quốc cần sự giúp đỡ, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã sẵn sàng đồng cam cộng khổ, giúp đỡ cách mạng Trung Quốc, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Trung Quốc. Sự giúp đỡ của Việt Nam thể hiện tinh thần quốc tế vô sản, tình đồng chí, anh em, ý thức giúp bạn cũng là tự giúp mình của Việt Nam đối với Trung Quốc.

1. Cơ sở mối quan hệ và sự giúp đỡ của Việt Nam với cách mạng Trung Quốc

Thứ nhất, Trung Quốc đã từng là nơi đứng chân  hoạt động cách mạng của nhiều người yêu nước Việt Nam, nơi đặt trụ sở các tổ chức vô sản, nơi mở các lớp đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam

Cách mạng Việt Nam và những người yêu nước Việt Nam đã có mối quan hệ từ rất sớm với cách mạng Trung Quốc và những người cộng sản Trung Quốc. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX, thành phố Quảng Châu đã là nơi lánh nạn, đứng chân và hoạt động của những người yêu nước Việt Nam như Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Phạm Hồng Thái, Lâm Đức Thụ, Phùng Chí Kiên v.v... Đặc biệt là Nguyễn Ái Quốc đã nhận được nhiều sự giúp đỡ của nhân dân, cán bộ Cách mạng Trung Quốc trong suốt chặng đường hoạt động của mình. Quảng Châu, Hương Cảng, Thượng Hải, Ma Cao, Côn Minh, Quảng Tây... là những nơi thành lập, đặt trụ sở của những tổ chức cách mạng ban đầu của Việt Nam như Tâm Tâm xã (1923), Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (6-1925), nơi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930); nơi đứng chân của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng (4-1934); nơi tổ chức Đại hội Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất (3-1935)...; là nơi giác ngộ, huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam (do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp mở), Trường Quân sự Hoàng Phố là nơi có nhiều thanh niên yêu nước Việt Nam theo học; là nơi in ấn các tài liệu cách mạng để đưa về nước (tác phẩm Đường Cách mệnh, báo Thanh niên...). Những chuẩn bị về lý luận, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản và cách mạng Việt Nam đã diễn ra trên đất Trung Quốc.

Thứ hai,Đảng Cộng sản hai nước cùng chung lý tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tinh thần quốc tế vô sản

Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc đều được tổ chức trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống xâm lược, đánh đuổi phản động, tay sai xây dựng đất nước tiến lên theo con đường CNXH. Bởi thế, những người yêu nước, cộng sản Việt Nam hoạt động trên đất Trung Quốc cũng góp công, góp sức với phong trào cách mạng nơi đây: Nguyễn Ái Quốc tham gia cuộc Tổng bãi công Hương Cảng - Quảng Châu; hơn 30 thanh niên Việt Nam đang học ở Trường Quân sự Hoàng Phố tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu (12-1927); Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn đã đi cùng Hồng quân Trung Quốc trong cuộc “Vạn lý trường chinh” lịch sử; Đảng Cộng sản Đông Dương (đổi tên từ tháng 10-1930) phát truyền đơn, kêu gọi quần chúng đấu tranh chống can thiệp vũ trang và bảo vệ các Xôviết Tàu khi thực dân Pháp điều động quân đội đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Tĩnh Tây (3-1935); đầu năm 1939, Việt Nam đã tổ chức một hội chợ lớn để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh của Trung Quốc; nhiệt thành ủng hộ Trung Quốc kháng chiến chống Nhật (tẩy chay hàng Nhật)... Những ví dụ trên minh chứng tinh thần quốc tế vô sản, tình đồng chí, anh em và ý thức giúp bạn cũng là tự giúp mình của Việt Nam đối với cách mạng Trung Quốc.

Thứ ba, từ quan niệm “giúp bạn là mình tự giúp mình”, vượt lên thực tế khó khăn, cùng đồng cam cộng khổ, Việt Nam sẵn lòng giúp đỡ một cách tận tâm, tận lực, theo khả năng của mình, khi cách mạng Trung Quốc cần

 Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập (2-9-1945) nhưng trong hoàn cảnh “không đồng minh, không tiền, hầu như không có vũ khí”. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chưa được bạn bè quốc tế giúp đỡ, phải tự lực cánh sinh, khó khăn chồng chất... Còn cách mạng Trung Quốc lúc này chưa có chính quyền nhà nước. Trong cuộc nội chiến Quốc - Cộng, tương quan lực lượng lúc đó không có lợi cho cách mạng Trung Quốc. Cuộc đấu tranh của nhân dân hai nước đều cần sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. 

Việt Nam với truyền thống tương thân tương ái, sống nghĩa tình thủy chung, xác định “giúp bạn là mình tự giúp mình”. Vì thế, khi cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc cần sự giúp đỡ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn lòng đồng cam cộng khổ, giúp đỡ vật chất, tinh thần, nhân lực, theo khả năng của mình, cho cách mạng Trung Quốc với mong muốn sự giúp đỡ ấy kịp thời, hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Trung Quốc.

2. Những giúp đỡ của Việt Nam với cách mạng Trung Quốc những năm 1946-1949

Ngay khi đất nước còn ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, khó khăn mọi bề, từ nửa đầu năm 1946, Việt Nam đã giúp bố trí ăn, ở cho 600 người nguyên là đội du kích kháng Nhật - Trung đoàn 1 cũ, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, bị quân Quốc dân Đảng Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch truy kích, phải chạy sang Việt Nam, sau đó trở về Trung Quốc hoạt động ở khu Điền - Quế - Kiềm (Vân Nam - Quảng Tây - Quý Châu). Tháng 2-1946, tại Việt Nam, Ủy ban công tác biên giới lâm thời Quế - Việt của Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập. Tháng 12-1946, Ủy ban Quế - Việt triệu tập hội nghị ở Cao Bằng (Việt Nam) nghiên cứu vấn đề đấu tranh vũ trang và quyết định đổi tên thành Ủy ban công tác Tả Giang. Tháng 3-1947, Ủy ban công tác Tả Giang họp bàn về bạo động vũ trang. Tháng 7-1947, tổ chức khởi nghĩa vũ trang ở một số địa phương dọc biên giới Việt - Trung (Ái Điếm - Ninh Minh, Hạ Đống - Long Châu, Bình Mạnh - Na Pha). Ngoài ra, tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở khu vực biên giới Quảng Tây còn mở các lớp huấn luyện bồi dưỡng cán bộ cách mạng và quần chúng người Trung Quốc ở bên đất Việt Nam.

Mùa Xuân 1947, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dươngđã thiết lập mối liên lạc bằng vô tuyến điện do Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh phụ trách. Cũng năm 1947, cơ sở hậu phương như báo, điện đài, y tế... của Chi đội Tả Giang thuộc Quân đoàn Biên khu Điền - Quế - Kiềm hoạt động ở khu vực biên giới Long Châu, được đặt ở bên đất Việt Nam, nhận được sự ủng hộ, quan tâm, giúp đỡ của Việt Nam. Tháng 6-1947, Việt Nam đã tổ chức, sắp xếp, giúp đỡ cho hơn 1000 người dân địa phương, bộ đội vùng Xuân Tú - Long Châu bị quân Quốc dân Đảng càn quét, sơ tán sang và lưu lại gần 4 tháng.

Đầu năm 1948, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử đại diện sang Việt Bắc bàn với đại diện Đảng Cộng sản Đông Dương việc phối hợp chiến đấu và giúp đỡ lực lượng vũ trang Trung Quốc hoạt động ở biên giới Việt - Trung. Ngày 7-4-1948, đồng chí Châu Trang, Tư lệnh Biên khu Điền Quế, gửi điện đến Tổng chỉ huy Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam đề nghị bộ đội biên phòng của Việt Nam phối hợp tác chiến và giúp đỡ lương thực cho Biên khu Điền Quế. Bức điện khẳng định: “Bộ đội của chúng tôi ở Việt Nam về nước đã được 5 tháng, chiến đấu mấy chục trận đều đạt thắng lợi...”; nêu rõ tình hình quân Tưởng - Pháp tấn công khiến hai khu Trấn Biên, Tĩnh Tây gặp khó khăn. Một bộ phận quân đội và cơ quan hậu phương tạm thời sang đứng chân bên đất Việt Nam; đề đạt nguyên tắc “triệt để hợp tác về tất cả mọi phương diện để nhờ vả, giúp đỡ lẫn nhau...”; yêu cầu Việt Nam giúp đỡ “Tổ chức và biên chế bộ đội vũ trang tức là trung đoàn Bắc Giang và đội vũ công biên phòng chịu sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam để có lực lượng chiến đấu. Tổ chức đội biên phòng biên giới để phối hợp tác chiến. Giúp đỡ chúng tôi về kinh tế, lương thực”(1).

 Ngày 14-4-1948, đại diện Biên khu ủy Điền Quế tại Việt Bắc - Việt Nam gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương: “Ở đây, Biên khu ủy Điền Quế chúng tôi đại diện toàn Đảng và nhân dân Biên khu kính gửi lời cảm tạ thành thực với Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và những đồng chí địa phương tinh thần quốc tế rất cao cả đã từng giúp đỡ cho cuộc đấu tranh của biên khu chúng tôi về tinh thần và vật chất”(2). Ngày 13-7-1948, đồng chí Trần Minh ở Ủy ban công tác Trung ương thuộc Biên khu Việt Quế của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng gửi thư tới Trung ương Đảng Việt Nam trao đổi tình hình và đề nghị được giúp đỡ, tránh bị cô lập, theo hướng Việt Nam điều động trung đoàn độc lập sang giúp mở rộng hoạt động ở Minh Giang, Tư Nhạc, Thương Tư. Trung đoàn Nam Long (Việt Nam) phối hợp với bộ đội của Phòng Thành (Trung Quốc) mở rộng địa khu từ Bình Liêu đến Móng Cái. Năm 1948, Chính phủ Việt Nam đã giúp quân dân Hoa Nam hàng chục tấn gạo, muối, vũ khí.

Đầu năm 1949, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc giành được những thắng lợi to lớn. Trước nguy cơ bị tan rã nhanh chóng, quân Quốc dân Đảng cố dồn lực lượng để bám giữ miền Hoa Nam. Vì thế, các khu giải phóng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở sát biên giới Việt- Trung gặp nhiều khó khăn. Ngày 5-1-1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi thư cho Trung ương Đảng tanêu rõ khó khăn ở phía Nam Vân Nam và đề nghị “... cấp ngay cho chúng tôi một số muối kha khá... Hiện giờ mỗi tháng chúng tôi cần ít nhất là 50 tấn muối... Chúng tôi chưa có máy in, nên chúng tôi thiết nghĩ cơ quan in giấy bạc của quý quốc đã có từ lâu và có thể in được rất nhiều. Bởi vậy chúng tôi xin quý Trung ương cho in giúp”(3). Trong bức thư của phía Trung Quốc ngày 23-2-1949 cũng đề cập tới vấn đề thiếu muối, không giải quyết được khiến dân chúng, bộ đội thiếu thốn, nên “... chúng tôi lại khẩn thiết yêu cầu đồng chí sẽ cố hết mọi khả năng giải quyết giúp chúng tôi”(4); thư ngày 25-2-1949 yêu cầu vay: “10 vạn đồng để buôn bán lấy lời duy trì bộ đội” và xin giúp đỡ một số vũ khí, súng đạn cho quân đội vùng Tả Giang”(5). Việt Nam còn giúp in tiền cho cách mạng Trung Quốc. Văn bản của Trưởng ban Hoa vận Trung ương gửi Ban Thường vụ Trung ương Đảng Việt Nam, ngày 14-3-1949 cho biết: “Đồng chí Lê Tài đã đồng ý cấp cho đồng chí Toàn Minh 50 tấn muối và sẽ giao ở Hà Giang...”(6). Vào giữa năm 1949, nhà máy in tiền ở Bản Thi (Tuyên Quang) đã in hơn 500 triệu đồng tiền Giải phóng gửi sang cho Quân Giải phóng Trung Quốc kịp thời giải quyết những vấn đề về quân nhu.

Tháng 3-1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử đại diện sang gặp Trung ương Đảng ta đề nghị cho các đơn vị quân đội sang giúp xây dựng, củng cố biên khu Việt - Quế (Quảng Đông - Quảng Tây) và Điền - Quế (Vân Nam - Quảng Tây), phát triển lực lượng chính trị, vũ trang của bạn tại vùng này, chuẩn bị thời cơ đón chủ lực Giải phóng quân Trung Quốc tiến xuống miền Nam. Sau khi nghiên cứu đề nghị của cách mạng Trung Quốc, Ban Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh đưa quân sang giúp cách mạng Trung Quốc xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng chính trị, vũ trang ở Biên khu Việt Quế và Điền Quế. Ngày 23-4-1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam ra bản Mệnh lệnh Phối hợp với quân giải phóng Trung Quốc mở rộng khu Việt - Quế biên khu gửi Bộ Tư lệnh Liên khu 1, nêu rõ nhiệm vụ: “phối hợp cùng các lực lượng vũ trang của Giải phóng quân Biên khu Việt - Quế, kịp thời hành động giúp Giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm liền với biên giới Đông Bắc của nước ta, thông ra bể, gây điều kiện khuếch trương lực lượng, đón đại quân Nam hạ. Đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông - Bắc ra tận biên giới và thông ra bể, liền với khu giải phóng Việt - Quế”(7). Bản Mệnh lệnh nhấn mạnh phương châm hoạt động: “Trong lúc hoạt động ở Trung Quốc cần đứng trên lập trường đoàn kết hai dân tộc, căn cứ vào lợi ích cách mạng dân chủ của hai nước mà giải quyết các vấn đề, tuyệt đối tránh “bản vị chủ nghĩa”. Lấy danh nghĩa Giải phóng quân mà hoạt động để tiện giữ bí mật. Công tác chính trị cần nêu rõ nhiệm vụ đoàn kết phấn đấu giữa hai nước Trung Quốc mới và Việt Nam mới, giữa Giải phóng quân và quân ta; nêu vinh dự của người quân nhân Việt Nam và tinh thần quốc tế của người quân nhân Việt Nam; tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân địa phương, nêu cao kỷ luật chính trị, chú trọng dân vận”(8).

Thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, các đơn vị được lệnh đi làm nhiệm vụ quốc tế đã được bổ sung lực lượng, trang thiết bị, vũ khí, lương thực, thực phẩm... khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Chỉ huy chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn được thành lập: đồng chí Lê Quảng Ba, Phó Tư lệnh Liên khu 1 làm Tư lệnh; đồng chí Trần Minh Giang, đại diện Bộ chỉ huy Biên khu Việt Quế, làm Chính trị ủy viên chiến dịch.

Đầu tháng 6-1949, lực lượng Việt Nam tham gia chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn chia làm hai bộ phận, một bộ phận từ Cao Bằng, Lạng Sơn, vượt biên giới sang hoạt động ở Biên khu Điền Quế, vùng Long Châu (Mặt trận phía Tây Thập Vạn Đại Sơn) và một bộ phận từ Lạng Sơn, Hải Ninh hành quân sang hoạt động ở Biên khu Việt Quế vùng Khâm Châu và Phòng Thành (Mặt trận phía Đông Thập Vạn Đại Sơn).

Mặt trận phía Tây, Bộ Chỉ huy gồm:đồng chí Thanh Phong, Phó tư lệnh Liên khu I làm Tư lệnh; đồng chí Chu Huy Mân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 74 và đồng chí Hoàng Long Xuyên, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, làm Phó tư lệnh; đồng chí Lộc Hòa (Ké Lộc), người Trung Quốc, Tư lệnh Khu Tả Giang - Long Châu, tham gia Bộ Tư lệnh Mặt trận. Lực lượng Việt Nam gồm Đoàn 25, Đoàn 35 và Chi đội 28 lấy danh nghĩa là Giải phóng quân Khu Tả Giang. Lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc có hai đại đội và một số đội vũ trang công tác. Từ ngày 10 đến 15-6-1949, Chi đội 28 chia làm hai cánh bất ngờ đánh mạnh trên hướng chính Thủy Khẩu - Hạ Đống, mở đường tiến vào thị xã Long Châu. Kết quả, đã loại khỏi vòng chiến đấu Tiểu đoàn 6 thuộc Trung đoàn bảo an số 6 của quân Quốc dân Đảng. Hướng Nam Quan - Long Châu, bộ đội Việt Nam phối hợp và giúp bạn mở rộng cơ sở xung quanh Ải Khẩu, Bằng Tường, Hạ Thạch, Thượng Thạch, tấn công quân Quốc dân Đảng tại Ninh Minh (thu được 300 tấn thóc, một kho quân dược và nhiều đồ dùng quân sự), buộc chúng phải rút phần lớn lực lượng sang Ninh Giang. Bị đánh liên tục, dồn dập, quân Quốc dân Đảng phải rút bỏ một số vị trí, bộ đội Việt Nam phối hợp chiến đấu và truy kích các lược lượng rút chạy.

Ngày 5-7-1949, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ thị kết thúc đợt hoạt động, rút quân về nước, để lại một bộ phận phối hợp với bạn hoạt động ở vùng Nam Quan - Ải Khẩu - Lôi Bình. Sau gần một tháng hoạt động tại khu vực Long Châu, bộ đội Việt Nam đã phối hợp với bạn góp phần mở rộng ảnh hưởng của cách mạng Trung Quốc, phát triển lực lượng chính trị, vũ trang, củng cố vùng giải phóng. Cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế vô sản, để lại ấn tượng, tình cảm tốt với nhân dân Trung Quốc.

Mặt trận phía Đông (Biên khu Việt Quế), bên kia biên giới Lạng Sơn, Hải Ninh, Bộ Tư lệnh Liên khu I tập trung một số đơn vị đang tham dự chiến dịch Đông Bắc, thành lập lực lượng đặc biệt gọi là Chi đội 6, gồm hai tiểu đoàn và một đại đội tham gia chiến dịch. Lực lượng Cách mạng Trung Quốc có 3 tiểu đoàn, được tổ chức thành Chi đội 3, ngoài ra còn có một số trung đội du kích địa phương. Đồng chí Lê Quảng Ba trực tiếp làm Chỉ huy trưởng, đồng chí Trần Minh Giang (Sầm Minh Cóong), đại diện Bộ chỉ huy Biên khu Việt Quế, làm Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Thập Vạn Đại Sơn. Ngày 22-6-1949, sau gần một tháng hành quân gian khổ, bộ đội Việt Nam đã tập kết tại Pắc Lầu, Phòng Thành, Trung Quốc. Lực lượng Quốc dân Đảng tại Phù Lủng, gần Pắc Lầu, nghe tin bộ đội Việt Nam tới, vội vã rút chạy, bộ đội Việt Nam tiến vào Phù Lủng. Quân Quốc dân Đảng ở khu vực Thập Vạn Đại Sơn có trên ba trung đoàn và một số “dân đoàn hương” cùng lực lượng vũ trang riêng của địa chủ, khi được tin bộ đội Việt Nam sang, cũng rút bỏ hàng loạt vị trí ở hai huyện Khâm Châu và Phòng Thành, co về giữ các thị trấn lớn Nà Lường, Phòng Thành, Đông Hưng và một số nơi khác...

Ngày 5-7-1949, bộ đội Việt Nam nổ súng tấn công vị trí Trúc Sơn. Sau 5 ngày đêm chiến đấu, đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 60 tên, buộc chúng phải rút khỏi Nà Lương, Thiên Sơn...Cùng với đó, bộ đội Việt Nam còn phối hợp với Quân Giải phóng Trung Quốc giải phóng ba “hương” xung quanh Phòng Thành. Vùng giải phóng khu Thập Vạn Đại Sơn được mở rộng, chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên được thành lập tại Nà Lường. Bộ đội Việt Nam đã cùng bạn tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực đối phương, mở rộng và đi đến nối liền căn cứ địa trong khu vực Thập Vạn Đại Sơn, tạo thuận lợi cho hoạt động của cuộc kháng chiến của Việt Nam ở Đông Bắc.

Bằng hành động thực tế, theo tinh thần “giúp bạn như mình tự giúp mình”, bộ đội Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang, để lại nhiều ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân Trung Quốc, thể hiện tinh thần quốc tế vô sản của một quân đội cách mạng.

Cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1-10-1949), tàn quân Quốc dân Đảng tìm đường chạy khỏi lục địa Trung Quốc. Ngày 9-12-1949, Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gửi mật điện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Vừa nhận được điện của Lâm Bưu nói rằng tàn quân của Tưởng trong các quân đoàn 24, 7, 14 cộng lại chừng 10.000 đã vào Lạng Sơn định đi Hải Phòng, mang cả súng ống định giao cho Pháp. Bộ đội truy kích của chúng tôi khó có thể đuổi kịp được, vì vậy mong đồng chí Z (Hồ Chí Minh - tác giả viết bài chú thích) cho biết bộ đội Việt Nam có thể đi tiêu diệt bọn tàn quân này không? Bọn này có một bộ phận phản biến trong cuộc khởi nghĩa ở Hồ Nam... Lực lượng chiến đấu của chúng cũng yếu thôi”(9).

Với tinh thần “đánh quân Tưởng là đánh kẻ thù của nhân dân Trung Quốc anh em, là nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam”, bộ đội và nhân dân Việt Nam đã liên tục chặn đánh, làm thất bại âm mưu định thiết lập căn cứ, buộc quân Tưởng phải dạt về ẩn náu ở vùng biên giới phía Tây Nam của Trung Quốc.

Ngày 5-1-1950, trong buổi tiếp và làm việc với đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam, đồng chí Chu Ân Lai đã xúc động nói về sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Trung Quốc:“...trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc”(10). Sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, truyền thống nhân văn của dân tộc Việt Nam, tình đồng chí, anh em của hai nước Việt - Trung.

3. Một vài nhận xét

Từ sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ của cách mạng Việt Nam đối với cách mạng Trung Quốc những năm 1946-1949, có thể rút ra một số nhận xét sau:

Một là, sự giúp đỡ của Việt Nam đối Trung Quốc dựa trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.

Việt Nam vừa giành được chính quyền, Nhà nước còn non trẻ, chưa được công nhận về ngoại giao, phải tự cấp tự túc về quốc phòng và kinh tế, cuộc kháng chiến vừa vượt qua giai đoạn phòng ngự, chuyển sang giai đoạn cầm cự, vừa kháng chiến, vừa tự lực cánh sinh để xây dựng thực lực. Nhưng khi cách mạng Trung Quốc cần sự giúp đỡ, Việt Nam đã sẵn lòng giúp trên lập trường đoàn kết hai dân tộc, lợi ích cách mạng dân chủ của hai nước, tuyệt đối không “bản vị chủ nghĩa”. Vậy là, ngay trong lúc còn rất khó khăn, phải tự lực lo cho vận mệnh của mình và trước khi nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè quốc tế, Việt Nam đã tìm cách hết sức giúp đỡ cách mạng Trung Quốc theo khả năng của mình. Đó là biểu hiện sinh động của tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, truyền thống nhân văn, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Hai là, sự giúp đỡ của Việt Nam thể hiện bằng cả vật chất lẫn lực lượng tác chiến, khả năng có đến đâu giúp đến đó, giúp vô tư, hiệu quả, chấp nhận tổn thất, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng Trung Quốc.

Sự giúp đỡ của Việt Nam tuy còn nhỏ bé so với những gì cuộc chiến đấu của quân đội và nhân dân Trung Quốc phải trải qua những năm 1946-1949, và so với khối lượng vật chất to lớn mà cách mạng Trung Quốc giúp cho cách mạng Việt Nam sau này, nhưng có ý nghĩa lớn lao. Đó là sự cố gắng rất lớn của quân đội và nhân dân Việt Nam, khẳng định tinh thần đồng cam cộng khổ cùng kề vai sát cánh bên nhau chiến đấu, không sợ tổn thất, hy sinh, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Trung Quốc. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã bị thương, hy sinh khi chiến đấu trên đất bạn. Cho đến nay vẫn còn phần mộ của một số bộ đội Việt Nam hy sinh, nằm lại ở bên đất Trung Quốc, được nhân dân địa phương hàng năm trông nom, sửa sang, hương khói. Việt Nam giúp cách mạng Trung Quốc nơi ăn, chốn ở, lương thực khi nhân dân, bộ đội bạn di tản sang tránh sự truy kích của Quốc dân Đảng; giúp mở các lớp đào tạo thanh niên, huấn luyện cán bộ nông hội, quân sự ở Thất Khê và một số nơi khác; giúp in tiền, đưa quân đội sang cùng bạn chiến đấu, để củng cố cơ sở, mở rộng vùng giải phóng...;giúpđánh đuổi tàn quân Quốc dân Đảng khi chúng rút chạy tràn sang đất Việt Nam, coi đó như một “nhiệm vụ quốc tế” sau khi cách mạng Trung Quốc thành công.

Ba là, sự giúp đỡ của Việt Nam đã góp phần phát triển phong trào cách mạng Trung Quốc ở các địa phương dọc biên giới, tạo điều kiện cho sự phối hợp, giúp đỡ cuộc kháng chiến của Việt Nam những năm sau đó, khi cách mạng Trung Quốc giành được thắng lợi vào cuối năm 1949.

Trong cuộc phối hợp chiến đấu dọc vùng biên giới Việt - Trung, Đảng taxác định phương châm:“Phong trào cách mạng nước láng giềng ta là bạn đồng minh trực tiếp của ta. Mỗi một thắng lợi của cách mạng Tàu là một thắng lợi của bản thân ta và ngược lại, mỗi thắng lợi của ta là một thắng lợi của nhân dân Tàu”(11), nên đã đưa quân đội sang trực tiếp phối hợp tác chiến, tiếp tế, tuyên truyền, vận động quần chúng ở biên giới. Sự phối hợp chiến đấu đó đã tạo điều kiện phát triển chiến tranh du kích, củng cố, xây dựng, mở rộng căn cứ cách mạng của bạn dọc biên giới hai nước như Biên khu Điền Quế, Việt Quế, Bình Liêu, Thập Vạn Đại Sơn, Vân Nam... Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Đảng, Nhà nước và nhân dân, quân đội Trung Quốc đã dựa vào những địa bàn mà hai nước từng phối hợp chiến đấu, giúp cuộc kháng chiến của Việt Nam về vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men và cả huấn luyện quân sự với khối lượng to lớn và rất hiệu quả.

Bốn là, sự phối hợp, giúp đỡ của Việt Nam với cách mạng Trung Quốc đã tạo cơ sở, đặt nền móng và là động lực quan trọng cho mối quan hệ của hai nhà nước, hai Đảng Cộng sản Việt Nam - Trung Quốc sau này.

Trong cuốn sách Hồ Chí Minh với Trung Quốc,tác giả Hoàng Tranh (Trung Quốc) đã viết: “Nhân dân hai nước Trung - Việt đã dùng máu của mình vun đắp cho những bông hoa hữu nghị Trung - Việt”(12). Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, Việt Nam đã nỗ lực và sẵn lòng giúp cách mạng Trung Quốc khi bạn cần. Ngược lại, khi cách mạng thành công, Trung Quốc cũng đã nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam kháng chiến và coi sự giúp đỡ đó là một việc đương nhiên, cần làm. Đó là tình đồng chí, anh em, đồng cam cộng khổ, nghĩa tình thủy chung sau trước của Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước Việt - Trung.

Sự phối hợp chiến đấu và giúp đỡ giữa cuộc kháng chiến của Việt Nam đối cách mạng Trung Quốc những năm 1946-1949, cũng như với cách mạng Lào, Campuchia, đã góp phần vun đắp tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân, quân đội các nước có chung đường biên giới không chỉ trong hoàn cảnh chiến tranh mà cả trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. Đây là vốn quý cần giữ gìn, phát huy, là bài học về sự hợp tác, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, chiến tranh đã lùi xa, hai nước đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn toàn cầu cũng như một số vấn đề còn tồn tại trong quan hệ hai nước, bài học về sự đoàn kết, giúp đỡ, củng cố và phát triển tình hữu nghị Việt - Trung, Trung - Việt những năm 1946-1949 vẫn còn nguyên giá trị thời sự.

_______________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2018

(1), (2) Đào Quang Cát: Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam trong quá trình cách mạng hai nước (1948-1979), lưu tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, TL số 1760, tr.3-4, 3-4.

(3), (4), (5), (6), (9) Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Trung ương Đảng, hồ sơ số 63, tr.3-4, 7, 12, 12, 17.

(7), (8) Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, t.1, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, tr.265, 266-267.

(10) Cục Nghiên cứu Bộ quốc phòng: Tư liệu nghiên cứu về quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam từ năm 1948 đến năm 1979, t.1, bản đánh máy, 1988, tr.28.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.34.

(12) Hoàng Tranh: Hồ Chí Minh với Trung Quốc, Nxb Sao mới, 1990, tr.216.

 

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hà

ThS Vũ Thị Hồng Dung

Viện Lịch sử Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền