Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Trần Phú với công tác xây dựng Đảng trong những năm đầu thành lập
Thứ hai, 30 Tháng 9 2019 08:53
2462 Lượt xem

Đồng chí Trần Phú với công tác xây dựng Đảng trong những năm đầu thành lập

(LLCT) - Sau ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, mặc dù chỉ trong thời gian gần một năm (1930-1931), nhưng với nhiệt huyết cách mạng, với bản lĩnh và ý chí kiên cường của người cộng sản, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp quan trọng vào việc xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở; được Đảng tín nhiệm phân công soạn thảo Luận cương chính trị - một Cương lĩnh chính trị của Đảng, góp phần định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam...

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại thôn An Thổ, xã Dân An, huyện Tuy An (Phú Yên); nguyên quán xã Việt Yên, nay là xã Tùng Ảnh huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống hiếu học, giàu lòng yêu nước, tuy bố mẹ mất sớm, nhưng được sự giúp đỡ của bà con họ hàng, Trần Phú đã nỗ lực dồn hết tâm trí cho việc học tập, trau dồi kiến thức. Năm 1918, Trần Phú học xong bậc tiểu học tại Trường Pháp - Việt Đông Ba và sau đó tiếp tục học Trường Quốc học Huế. Năm 1922, Trần Phú đỗ đầu kỳ thi Thành Chung, được bổ nhiệm làm giáo viên Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, Vinh (Nghệ An). Tại vùng đất có bề dày truyền thống bất khuất kiên cường chống ngoại xâm, người thanh niên Trần Phú đã  sớm được giác ngộ đi tìm đường cứu nước. Năm 1925, Trần Phú cùng một số bạn trẻ tuổi thành lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam, rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Giữa năm 1926, đồng chí được tổ chức cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, được tham dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Tổng bộ Thanh niên tổ chức. Sau đó, trở về nước hoạt động, nhưng do địch ráo riết truy lùng, đồng chí Trần Phú trở lại Quảng Châu, làm việc tại cơ quan Tổng bộ Thanh niên.
Để tiếp tục nâng cao trình độ lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, Trần Phú được cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông. Tại đây, Trần Phú nỗ lực học tập, rèn luyện và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Bônsêvích Nga, được cử làm Bí thư Chi bộ Đông Dương tại trường, theo thư giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi tốt nghiệp, mặc dù đã bị Tòa án Nam Triều kết án tử hình vắng mặt, đầu năm 1930, đồng chí vẫn quyết định trở về nước hoạt động. Lúc này, ở trong nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập với Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đến tháng 7-1930, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được Trung ương lâm thời phân công soạn dự thảo Luận cương chính trị chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ nhất. Bản Luận cương chính trị được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10-1930). Tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng, khi mới vừa tròn 26 tuổi. Từ tháng 10-1930, Tổng Bí thư Trần Phú đã chỉ đạo Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương nghiên cứu, đánh giá tình hình cách mạng, kịp thời đưa ra chủ trương, đường lối chỉ đạo phù hợp với thực tiễn. Ngày 18-4-1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và giam tại Khám Lớn - Sài Gòn. Trước mọi đòn tra tấn của kẻ thù, Trần Phú vẫn một lòng kiên trung với Đảng. Ngày 6-9-1931, Trần Phú trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), khi mới 27 tuổi. Sau này, khi đánh giá về Trần Phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”(1), “Là một người rất thông minh, hăng hái và cần cù, đồng chí Trần Phú đã làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng...”(2).
Nhìn lại cuộc đời và hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú, từ phương diện “làm được nhiều việc quan trọng cho Đảng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, có thể nói đồng chí Trần Phú đã đóng góp trên các phương diện sau:
Một là, góp phần tuyên truyền, giác ngộ phong trào yêu nước đi theo quỹ đạo của cách mạng vô sản trong giai đoạn đầu vận động thành lập Đảng
Khi đang còn là thành viên của Hội Hưng Nam, sớm nhận thức được tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập tại Quảng Châu (tháng 6-1925) - một tổ chức yêu nước đi theo con đường cách mạng, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập để đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng, tạo “những hạt giống đỏ” để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam - đó là “quả trứng, mà từ đó nở ra con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản)”(3). Do vậy, từ giữa năm 1926, khi được tổ chức cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với tổ chức cách mạng do Nguyễn Ái Quốc thành lập, đồng chí đã được tham dự lớp học của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên ngay từ tuần đầu tháng 8-1926. Là người thông minh, chịu khó học hỏi, sau khi tiếp thu kiến thức về lý luận Mác - Lênin, đồng chí Trần Phú suy nghĩ nhiều về tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên(4) và quyết định xin gia nhập Hội.
Từ đầu năm1926, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã bắt đầu phát triển cơ sở ở trong nước, đầu năm 1927, các kỳ bộ được thành lập. Do vậy, sau khi được dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc, từ tháng 10-1926, đồng chí Trần Phú trở về nước hoạt động, tích cực tuyên truyền đường lối cách mạng và ra sức vận động Ban lãnh đạo của Hội Hưng Nam ở Trung Kỳ đi theo đường lối của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, và mong muốn Hội Hưng Nam hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Việc hợp nhất không thành, nhưng Ban lãnh đạo của Hội Hưng Nam đã đồng ý đưa toàn bộ nội dung, chương trình, phương pháp theo cách thức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào huấn luyện và đổi tên là Việt Nam Cách mạng Đảng.
Sau đó, Việt Nam Cách mạng Đảng đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng, tổ chức này chịu sự tác động mạnh mẽ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - đã đi theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Tháng 9-1929, những người tiên tiến trong Tân Việt Cách mạng Đảng họp bàn việc thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và ra Tuyên đạt, khẳng định: “...những người giác ngộ cộng sản chân chính trong Tân Việt Cách mệnh Đảng trịnh trọng tuyên ngôn cùng toàn thể đảng viên Tân Việt Cách mệnh Đảng, toàn thể thợ thuyền dân cày và lao khổ biết rằng chúng tôi đã chính thức lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn... Muốn làm tròn nhiệm vụ thì trước mắt của Đông Dương Cộng sản liên đoàn là một mặt phải xây dựng cơ sở chi bộ của Liên đoàn tức là thực hành cải tổ Tân Việt Cách mạng Đảng thành đoàn thể cách mạng chân chính...”(5). Trong cuộc họp ngày 1-1-1930, tại Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, các đại biểu ở Trung Kỳ nhất trí thành lập  Đông Dương Cộng sản Liên đoàn(6). Sự kiện này đã khẳng định bước tiến về chất của phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng cách mạng vô sản, phù hợp với xu thế và nhu cầu bức thiết của thực tiễn cách mạng. Đến ngày 24-2-1930, Lâm thời chấp ủy Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Bách (Ngô Gia Tự) ký, ra quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, trong chặng đường đầu dựng Đảng, đầy cam go, thử thách, đồng chí Trần Phú với uy tín và năng lực thuyết phục của mình đã có đóng góp quan trọng hướng một tổ chức của những người yêu nước tự phát ở Trung Kỳ, theo quỹ đạo cách mạng vô sản - trở thành một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hai là, soạn thảo Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương - một cương lĩnh chính trị của Đảng(7) trong năm đầu thành lập  
Từ khi được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, được giao trọng trách dự thảo bản Luận cương chính trị của Đảng chỉ trong thời gian ba tháng (từ tháng 7-1930 đến tháng 10-1930) để trình Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương tại Hồng Kông. Tại căn buồng tầng hầm số nhà 7 phố Giăng Sôle (nay là nhà số 90 phố Thợ Nhuộm), đồng chí Trần Phú đã soạn thảo Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương được thông qua ở Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 12 đến ngày 27-10-1930) tại Hồng Kông. Đây là thành quả của quá trình dày công học tập, nghiên cứu lý luận chính trị và vốn sống trải nghiệm qua nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, vùng mỏ Quảng Ninh... của đồng chí Trần Phú cùng với sự đóng góp ý kiến của các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, trong các Xứ ủy...
Với kết cấu ba nội dung cơ bản: Tình hình thế giới và tình hình Đông Dương; Những đặc điểm về tình hình Đông Dương; Tính chất và nhiệm vụ cách mạng Đông Dương, bản Luận cương đã phân tích một cách sáng rõ những nội dung cơ bản, cốt yếu của cách mạng Đông Dương nói chung, cách mạng Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, “các văn kiện của Hội nghị Trung ương chưa đánh giá đúng yêu cầu khách quan cấp bách hàng đầu của dân tộc Việt Nam đang bị chủ nghĩa thực dân thống trị, là thực hiện nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập, tự do bằng sức mạnh của tinh thần yêu nước... và khối đại đoàn kết dân tộc như Nguyễn Ái Quốc xác định”(8). Nhưng phải khẳng định rằng, những vấn đề cơ bản về chiến lược cách mạng Việt Nam, về nhiệm vụ cách mạng chống đế quốc và phong kiến, về phương pháp cách mạng Việt Nam, về lực lượng cơ bản là công nhân và nông dân, về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và vấn đề liên minh với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, trong bản Luận cương thống nhất với những đường hướng cơ bản của Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đã được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng - được coi là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Do vậy, Luận cương đã đáp ứng những nhu cầu cơ bản của xã hội Việt Nam, định hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bản Luận cương cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất hợp với nguyện vọng tha thiết của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”(9).
Đánh giá về giá trị của bản Luận cương, sau này Đảng đã khẳng định: “Luận cương chính trị là văn kiện quan trọng của Đảng, đã vận dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa và những luận điểm cơ bản trình bày trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Những văn kiện đó đã xác định rõ con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc, thực hiện người cày có ruộng và tiến lên xây dựng xã hội cộng sản”(10).
Dưới ánh sáng của bản Luận cương chính trị của Đảng năm 1930, các đại hội  tiếp theo của Đảng liên tục bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với tình hình mới, do vậy, đã đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước vào Xuân năm 1975, đất nước được hòa bình, thống nhất, bước sang kỷ nguyên mới.
Ba là, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở
Trong bối cảnh bị kẻ thù điên cuồng lùng ráp, khủng bố, bắt bớ đảng viên sau khi Đảng ra đời, mặc dù bị án tử hình vắng mặt của chính quyền thực dân, nhưng với bản lĩnh và ý chí kiên cường, đồng chí Trần Phú vẫn nỗ lực hoạt động, xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức Đảng và phát triển đội ngũ đảng viên. Hội nghị Trung ương tháng 10-1930, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra thông cáo chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức Đảng các cấp trong các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Ai Lao và Cao Miên để lãnh đạo phong trào cách mạng. Từ cuối tháng 11-1930, Trần Phú về Sài Gòn (Trung ương quyết định đặt cơ quan Thường vụ Trung ương tại Sài Gòn) trực tiếp chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, trong đó, trước hết tập trung  xây dựng tổ chức Đảng các cấp theo Điều lệ Đảng; chỉ đạo các Kỳ ủy lâm thời tổ chức hội nghị bầu các xứ ủy và thiết lập các ban chuyên môn để giúp hoạt động của các xứ ủy. Do vậy, tuy bị đàn áp và khủng bố khốc liệt, nhưng đến cuối năm 1930, hệ thống tổ chức Đảng, từ Ban Chấp hành Trung ương đến các xứ và phần lớn các tỉnh, thành được thành lập, các  tổ chức quần chúng được củng cố và ngày càng được mở rộng.  Từ chỗ 38 tỉnh, thành có tổ chức Đảng hoạt động trên cả nước (tháng 5-1930), trong đó có 17 tỉnh, thành phố tổ chức được cơ quan lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố(11), đến đầu năm 1931, tổ chức Đảng được thiết lập ở 43 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có 24 tỉnh, thành phố có cơ quan lãnh đạo là tỉnh ủy, thành ủy. Tại nhiều vùng nông thôn, nhà máy, hầm mỏ đã hình thành các tổ chức đảng để lãnh đạo phong trào cách mạng.
Số lượng đảng viên ngày càng phát triển. Theo Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản của Nguyễn Ái Quốc, ngày 18-2-1930, khi Đảng thành lập, số lượng đảng viên là 310, trong đó ở Bắc Kỳ là 204; Nam Kỳ là 51; Xiêm là 40, Trung Quốc và các nơi khác là 15 đảng viên(12). Khi Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, số lượng đảng viên tăng lên 429 đảng viên (Theo Hồng Thế Công khi thành lập có 565 đảng viên, 40 chi bộ). Đến tháng 10-1930, số lượng đảng viên lên tới 1.600 đảng viên, đến tháng 3-1931, số lượng đảng viên tăng thêm 800, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng là 2.400 đảng viên(13). Đó là chưa tính các tổ chức cơ sở Đảng được thành lập trong các nhà tù, trại giam của đế quốc, như chi bộ nhà lao Kon Tum, nhà đày Lao Bảo, nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Phòng... Đây chính là những cơ sở lịch sử quan trọng, lý giải việc Đảng vượt qua được thời kỳ bị thực dân Pháp khủng bố trắng sau cao trào cách mạng 1930-1931 và từng bước phục hồi hệ thống tổ chức Đảng trong những năm 1932-1935 của cách mạng Việt Nam.
Bốn là, chỉ đạo công tác tuyên truyền, xây dựng Đảng về tư tưởng trong thời điểm đầy cam go, thách thức
Trước bối cảnh thực dân Pháp và chính quyền tay sai dùng mọi thủ đoạn lôi kéo, kìm kẹp, khủng bố cách mạng, để tập hợp lực lượng rộng rãi và tuyên truyền đường lối của Đảng, ngay cuối tháng 12-1930, đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã chủ trì Hội nghị Thường vụ bàn về công tác tuyên truyền. Tại Hội nghị này, Đảng quyết định xuất bản tờ báo Cờ vô sản  và Tạp chí Cộng sản - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương.  Tháng 1-1931, báo Cờ vô sản  phát hành số đầu tiên, đến tháng 2-1931, Tạp chí Cộng sản ra số đầu. Tạp chí Cộng sản và báo Cờ vô sản đã có tác dụng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhằm tập hợp, vận động quần chúng và xây dựng lực lượng cách mạng trong điều kiện Đảng hoạt động bí mật.
Trong những năm tháng đầy gian nguy của cách mạng, với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú cùng với các đồng chí trong Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một mặt bám sát thực tiễn, điều chỉnh những chủ trương trước đó chưa thật sự sát hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam(14), mặt khác tích cực đấu tranh và kiên quyết phê phán chống các tư tưởng cơ hội, cải lương, dao động, thỏa hiệp, hữu khuynh và cực đoan đang tồn tại trong Đảng, gây chia rẽ Đảng. Thể hiện rõ nhất là tại Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (họp từ ngày 13-3 đến ngày 1-4-1930), do đồng chí Trần Phú chủ trì. Trọng tâm nội dung của Hội nghị này là bàn về công tác tổ chức của Đảng, của đoàn thể, đặc biệt là công tác tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống địch đàn áp, khủng bố và các thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ của kẻ thù. Đồng chí Trần Phú chỉ rõ những hạn chế, khiếm khuyết của Đảng về cả chính trị, tư tưởng, tổ chức, nhất là còn chưa tin tưởng vào năng lực cách mạng của quần chúng, coi nhẹ công tác tuyên truyền, “tả” khuynh trong phát động quần chúng... Từ đó, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về vấn đề tổ chức và cổ động tuyên truyền, trong đó đề ra những nhiệm vụ cấp bách: tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chấn chỉnh các tổ chức xứ ủy, kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội... Hội nghị đã đưa ra những định hướng, nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng và công tác tuyên truyền của Đảng để thực hiện nhiệm vụ cơ bản trước mắt, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua thời điểm đầy khó khăn, thách thức khi cao trào cách mạng đang bị kẻ thù đàn áp, khủng bố khốc liệt. 
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Trần Phú, cao trào cách mạng 1930-1931 tuy chưa thành công, nhưng đã phản ánh được sức mạnh của công nông ở một nước thuộc địa dưới sự lãnh đạo của một chính đảng cộng sản. Ngày 11-4-1931, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra quyết nghị đề nghị công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là chi bộ độc lập thuộc Quốc tế Cộng sản. Từ đây, Đảng Cộng sản Đông Dương càng khẳng định vị thế của mình trong phong trào giải phóng dân tộc và phong trào cộng sản quốc tế. Đó là thành quả của cả một thế hệ “tiên liệt” thời dựng Đảng, trong đó, trước hết là đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Đảng và nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ công lao của Tổng Bí thư Trần Phú trong những ngày đầu dựng Đảng, đầy cam go, thử thách của dân tộc, bởi vì “không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930-1931... thì không thể có cao trào trong những năm 1936-1939”(15) - tiền đề quan trọng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
_____________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2019
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.14, tr.309.
(2) T.Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.59.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.21.
(4) Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên chưa phải là chính đảng cộng sản, nhưng chương trình hành động đã thể hiện quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân là tổ chức tiền thân dẫn tới ra đời các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Hội là tổ chức trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước và cũng là sự chuẩn bị quan trọng về tổ chức để tiến tới thành lập chính đảng của giai cấp vô sản ở Việt Nam.
(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1998, tr.404, 633.
(7) Xem Nguyễn Phú Trọng: Cương lĩnh chính trị - ngọn cờ tư tưởng lý luận soi sáng con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.
(8), (13) Xem: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử Đảng: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam tập I (1930-1954), Quyển I (1930-1945), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2018, tr.216, 221.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.8.
(10) Điếu văn do đồng chí Phạm Thế Duyệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đọc tại Lễ truy điệu và di dời hài cốt đồng chí Trần Phú, Báo Nhân Dân, ngày 13-1-1999.
(11) Xem: Trần Trọng Thơ: Xây dựng cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương, Xứ ủy của Đảng thời kỳ 1930-1945, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.21.
(12) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998,  tr.21.
(14) Ngày 18-11-1930, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng Minh, chủ trương mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc.
(15) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì CNXH tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1976, tr.39.
PGS, TS Trần Thị Thu Hương
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS Nguyễn Thị Hương Trà
Trung tâm bồi dưỡng chính trị Lộc Hà, Hà Tĩnh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền