Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Thứ hai, 24 Tháng 8 2020 15:49
1988 Lượt xem

Sức sống trường tồn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(LLCT) - Bài viết phân tích, chứng minh giải phóng con người là hạt nhân trong triết lý nhân văn phát triển Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện ở những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh: Giải phóng con người khỏi sự tha hóa bản tính tự nhiên của con người; giải phóng con người khỏi sự nô dịch, áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc và đói nghèo, mù chữ, bệnh tật; giải phóng con người khỏi chủ nghĩa cá nhân; giải phóng con người khỏi tàn dư, hậu quả của chiến tranh; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện để con người có thể tự giải phóng mình.

Từ khóa: giải phóng con người, triết lý nhân văn phát triển Hồ Chí Minh.

Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân...”(1). Hạt nhân trong những nội dung tư tưởng này của Hồ Chí Minh là giải phóng con người. Để giải phóng con người, trước hết phải giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp - tiền đề, điều kiện giải phóng con người. Do vậy, đối với Hồ Chí Minh không có mục tiêu nào khác là mục tiêu giải phóng con người, mà trước hết là con người Việt Nam. Từ đây chúng ta mới hiểu tại sao, trước lúc đi xa, đối với việc riêng Người lại viết ‘‘Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa’’(2).

Có thể nói, giải phóng con người là hạt nhân triết lý nhân văn phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Triết lý nhân văn phát triển Hồ Chí Minh là những luận điểm, tư tưởng cốt lõi nhất của Người về mục đích của phát triển là giải phóng con người, động lực của phát triển là chính con người, nguyên nhân, điều kiện, khuynh hướng của sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam cũng là do con người quyết định và những tư tưởng, quan điểm này đã trở thành nguyên tắc, phương châm sống, hoạt động cách mạng của Người(3). Ở đây chúng ta tập trung vào mục đích giải phóng con người với tư cách là hạt nhân trong triết lý nhân văn phát triển Hồ Chí Minh. Điều này thể hiện ở một số điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, giải phóng con người khỏi sự tha hóa bản tính tự nhiên của con người. Bởi lẽ, con người là sáng tạo cao quý của tạo hóa, về bản tính tự nhiên có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc bất khả xâm phạm. Xuất phát từ chỗ Hồ Chí Minh hiểu chữ Người rất độc đáo: ‘‘Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng  nữa là cả loài người’’(4). Nghĩa là, con người theo Hồ Chí Minh là sáng tạo cao quý của tạo hóa nhưng có tính xã hội được thể hiện ở các thang bậc khác nhau: Gia đình - Tổ quốc - Nhân loại. Trong cả ba tầng nấc xã hội ấy: Gia đình - Tổ quốc - Nhân loại con người đều có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là bản tính tự nhiên, quyền tự nhiên vốn có của con người, không ai, không thế lực nào có thể xâm phạm. Không phải ngẫu nhiên mà trong Lời mở đầu của “Tuyên ngôn độc lập”, Hồ Chí Minh đã trích dẫn luận điểm bất hủ của Tômát Giephécxơn - nhà khai sáng nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Mỹ: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Cũng trên cơ sở của việc nhận thức giải phóng con người mà Hồ Chí Minh không chỉ dừng ở đó, Người đã phát triển thêm: Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Nghĩa là con người luôn gắn với dân tộc và về bản tính phải được sống tự do, được mưu cầu hạnh phúc trong gia đình, trong dân tộc - Tổ quốc mình và trong đời sống nhân loại. Cũng chỉ trên cơ sở này chúng ta mới hiểu trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh không có mục đích nào khác ngoài mục đích: Dân tộc được độc lập, dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc. Bởi lẽ, nếu dân tộc không được độc lập thì không thể nói tới dân quyền được tự do, dân sinh được hạnh phúc. Tuy nhiên, Hồ Chí Minh còn nhận thức rất rõ “nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập, tự do cũng chẳng có nghĩa lý gì”(5); “chúng ta tranh được  tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì”(6). Nghĩa là mục tiêu cuối cùng của Hồ Chí Minh là hạnh phúc cho mỗi con người! Do vậy, cần giải phóng con người khỏi mọi sự tha hóa, trước hết là sự tha hóa những quyền vốn có, bất khả xâm phạm mà tạo hóa đã ban cho con người. Đó là ‘‘quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Thứ hai, giải phóng con người khỏi sự nô dịch, áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc và đói nghèo, mù chữ, bệnh tật. Triết lý nhân văn phát triển của Hồ Chí Minh rất rõ ràng, nếu con người chưa được giải phóng thì phải giải phóng họ, trước hết là giải phóng họ khỏi nô dịch, áp bức, bóc lột của thực dân, đế quốc. Bởi lẽ, nếu dân tộc mà con người thuộc về chưa được giải phóng thì con người của dân tộc đó chưa thể được giải phóng. Vì vậy, nếu dân tộc chưa độc lập thì trước hết phải giành độc lập dân tộc. Vì độc lập dân tộc là điều kiện, tiền đề cho con người được giải phóng, được tự do, hạnh phúc. Con người không thể có tự do, hạnh phúc trong điều kiện dân tộc bị áp bức, nô lệ. Ngay từ khi còn học ở trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành khi ấy đã tiếp thu tinh thần giải phóng dân tộc từ thầy giáo  Hoàng Thông - người thầy đã chỉ cho Người rõ: “Nước mất không phải mất một họ riêng nào. Nước mất thì dân tộc bị diệt vong”(7). Vì thế chúng ta mới hiểu trước sự thất bại của các phong trào Cần Vương, Phong trào Đông Du, phong trào của Hoàng Hoa Thám, của khởi nghĩa Yên Bái, v.v.. Nguyễn Ái Quốc quyết định phải sang các nước Tây Âu “xem họ làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào” mình. Đến Pháp, được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin đã giúp cho Nguyễn Ái Quốc nhận biết một tổ chức chính trị cần tham gia là Quốc tế III do V.I.Lênin sáng lập và lãnh đạo thực sự giúp đỡ các dân tộc bị áp bức đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc giành độc lập, tự do. Rồi Người sớm nhận ra rằng, muốn giải phóng dân tộc thì phải có đảng của giai cấp công nhân dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, phải thực hiện liên minh công - nông, v.v.. Trên cơ sở nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của phong trào công nhân quốc tế, Người đã làm tất cả để giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân, đế quốc.

Khi dân tộc được độc lập, có chính quyền của nhân dân rồi thì Người luôn chăm lo làm sao để bất kỳ người dân nào cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành, ốm đau được chữa bệnh, người già cả, neo đơn được xã hội quan tâm. Nói khác đi, Người muốn thực hiện giải phóng con người Việt Nam khỏi đói nghèo, thất học, mù chữ, bệnh tật. Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định rằng nếu dân đói, dân rét thì Đảng và Chính phủ có lỗi. Điều này nói lên rằng giải phóng con người trong triết lý nhân văn phát triển của Hồ Chí Minh phải giải phóng triệt để. Con người được giải phóng khỏi đế quốc thực dân, nhưng con người còn phải được giải phóng khỏi đói, rét, bệnh tật, mù chữ, khỏi các phong tục, tập quán lạc hậu. Để thực hiện được mục đích nhân văn ấy thì nhà nước phải tổ chức, thực hiện tốt chức năng xây dựng, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của mình. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều lần Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ ‘‘phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội để nâng cao đời sống của nhân dân’’(8). Nhiều lần Người nhấn mạnh: ‘‘Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của chúng ta hiện nay là phát triển sản xuất để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất. Sản xuất là mặt trận chính của chúng ta hiện nay…Tất cả chúng ta ở bất kỳ cấp nào. Ngành nào đều phải góp sức làm cho sản xuất phát triển’’(9). Chính vì hiểu rõ vai trò, chức năng xã hội của nhà nước ta mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: ‘‘chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống nhân dân’’(10); ‘‘phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, cứu tế thất nghiệp, sửa đổi chế độ xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, v.v.. Có như thế, dân chúng mới đoàn kết xung quanh Chính phủ’’(11). Trước lúc đi xa, trong Di chúc Người còn căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(12). Tóm lại, Đảng và Chính phủ phải làm tất cả những gì có thể để nhân dân ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc hơn. Đó chính là cái tinh túy nhất, cốt lõi nhất trong triết lý nhân văn phát triển của Hồ Chí Minh - vì hạnh phúc của con người, của nhân dân!

Thứ ba, giải phóng con người khỏi chủ nghĩa cá nhân. Giải phóng con người ở Hồ Chí Minh không chỉ là giải phóng khỏi thực dân, đến quốc, khỏi đói nghèo, mù chữ, khỏi phong tục, tập quán lạc hậu mà còn phải giải phóng khỏi chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh là người rất tôn trọng, nâng niu từng cá nhân, từng con người, trân trọng lợi ích cá nhân chính đáng của từng người, nhưng người kịch liệt phê phán chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, trong khi kiên quyết phê phán chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu”(13). Khi đề cập tới lợi ích cá nhân chính đáng của con người, Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ cách nhìn biện chứng, đúng đắn về quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Người viết: “lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để thỏa mãn”(14). Hồ Chí Minh là người duy vật, biện chứng rất thực tế, không sách vở cho nên theo người “Người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu”(15). “Trong óc mọi người đều có sự đấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác hoặc nói theo cách mới là đấu tranh giữa tư tưởng cộng sản và tư tưởng cá nhân”(16). Con người trong xã hội cũng vậy, có người tốt người xấu: “Theo nghĩa rộng thì cả thế giới và trong nước có Thiện và có Ác. Theo nghĩa hẹp thì trong bản thân tư tưởng của mỗi người cũng có Thiện và có Ác”(17). Vấn đề đặt ra là phải biết khai thác, nhân lên, phát huy cái thiện, cái tốt, cái đẹp trong bản tính mỗi người và mọi người; lấy cái thiện, cái tốt để lấn át cái ác, cái xấu. Từ đây, chúng ta mới hiểu tại sao Hồ Chí Minh lại quan tâm nhiều đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống cái ác, cái xấu để làm cho cái thiện, cái tốt, cái đẹp luôn là bản chất đích thực hiện diện ở mỗi một con người và ở cả loài người. Bởi lẽ, thực hiện được điều này nghĩa làm cho con người được giải phóng khỏi chủ nghĩa cá nhân. Khi con người còn là nô lệ của chủ nghĩa cá nhân, của cái ác, cái xấu thì không thể nói con người đã được giải phóng triệt để.

Thứ tư, giải phóng con người khỏi tàn dư, hậu quả của chiến tranh. Do đất nước ta phải thực hiện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, cho nên trước lúc đi xa, Hồ Chủ tịch đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta bản Di chúc vô cùng quý báu. Nhất quán với triết lý nhân văn giải phóng con người, trong Di chúc tư tưởng chỉ đạo, xuyên suốt là sự quan tâm đến con người, chăm cho con người của Hồ Chủ tịch. Đặc biệt Người rất quan tâm tới từng số phận con người sau chiến tranh. Không phải ngẫu nhiên mà tháng 5-1968 khi xem lại bản thảo Di chúc trước đó, Người thấy cần thiết phải viết thêm mấy điểm. Cụ thể Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”(18). “Đầu tiên là công việc đối với con người”(19). Trên tinh thần ấy, Hồ Chí Minh căn dặn Đảng và Chính phủ phải quan tâm tới từng đối tượng con người trong xã hội sau chiến tranh. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con của thương binh và liệt sỹ mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét(20). Người còn quan tâm tới thanh niên, phụ nữ, nông dân, căn dặn Đảng, Chính phủ phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thanh niên; xây dựng quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ; miễn giảm thuế nông nghiệp cho nông dân, v.v.. Không những vậy, Người còn quan tâm đến cả những nạn nhân của chế độ xã hội cũ vì họ cũng là con người, cũng là người Việt Nam, cũng chịu chung hậu quả của cuộc chiến xâm lược dã man mà kẻ thù đã gây ra đối với dân tộc ta. “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu,v.v.., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(21). Đây vừa là đạo lý, vừa là triết lý sống, triết lý nhân văn phát triển của Hồ Chí Minh. Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng của Hồ Chủ tịch, của Đảng và Nhà nước ta giải phóng con người Việt Nam khỏi mọi sự tha hóa bản tính tự nhiên của con người; khỏi ách nô lệ, áp bức thực dân đế quốc; khỏi đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, bệnh tật; khỏi chủ nghĩa cá nhân và khỏi hậu quả nặng nề của chiến tranh. Nghĩa là sau chiến tranh, Đảng, Chính phủ phải quan tâm đến mỗi số phận từng con người, mỗi đối tượng từng con người. Đây vừa là trách nhiệm vừa là đạo lý, nghĩa vụ và yêu cầu của triết lý nhân văn phát triển Hồ Chí Minh.

Thứ năm, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện để con người có thể tự giải phóng mình. Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc rằng, để giải phóng triệt để con người thì cần phải chủ động, tích cực xây dựng con người mới Việt Nam phát triển toàn diện. Bởi lẽ, giải phóng con người để con người tự phát triển đủ năng lực tự giải phóng chính mình chứ không phải giải phóng con người vì mục đích giải phóng. Con người mới đủ sức giải phóng mình, theo Hồ Chí Minh không tự nhiên mà có được, mà là kết quả của quá trình chủ động, tích cực, tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng suốt đời của mỗi người cũng như sự giúp đỡ, hậu thuẫn, vun trồng của tập thể, gia đình, xã hội, Tổ quốc và nhân loại. Con người mới là con người phát triển toàn diện cả đức - trí - thể - mỹ, nhưng về phẩm chất có thể diễn đạt tựu chung lại là đức và tài. Con người mới mà chúng ta xây dựng để có thể tiến tới tự giải phóng chính mình, theo Hồ Chí Minh, ngoài sức khỏe thể chất phải có cả đức, có cả tài. Trong đó đức phải là gốc nhưng tài là quan trọng. Cả đức và tài đều quan trọng chúng ta không được coi nhẹ mặt nào. Bởi lẽ, có đức mà không có tài thì, theo Hồ Chí Minh, cũng chẳng khác gì ông bụt trong chùa, không hại ai nhưng cũng không giúp được gì cho ai trên thực tế. Có tài mà không có đức thì hỏng, đức phải có trước tài(22). Nghĩa là coi trọng cả đức, cả tài nhưng Hồ Chí Minh vẫn đặt đức lên trước tài. Quan điểm xây dựng con người mới Việt Nam phát triển toàn diện của Hồ Chí Minh gắn bó chặt chẽ với tư tưởng của Người về “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”(23), “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.

Có thể nói sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong triết lý nhân văn phát triển Hồ Chí Minh là con người Việt Nam và giải phóng con người Việt Nam. Xuất phát từ sự cảm thông, yêu thương con người như yêu thương chính bản thân mình của Hồ Chí Minh mà Người đã hình thành nên triết lý nhân văn phát triển - một giá trị trường tồn của dân tộc và nhân loại. Triết lý nhân văn phát triển này xuất phát từ con người, lấy mục đích giải phóng con người làm điểm tựa, lấy chính con người làm động lực và cũng chính con người là lực lượng thực hiện sự giải phóng con người. Muốn vậy phải xây dựng con người phát triển toàn diện.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2020

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83-84.

(2), (12), (18), (19), (20), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.512, 511, 503, 503, 503-504, 504.

(3) Xem thêm: Trần văn Phòng: Về triết lý phát triển Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học chính trị, số 5-2008. Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 1995, tr.1000. Xem Phạm Xuân Nam (chủ biên): Triết lý về mối quan hệ giữa cái kinh tế và cái xã hội trong phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.16-17.

(4), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.644, 224.

(5), (6), (11) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.56, 152, 227.

(7) Xem: Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr.11.

(8), (10) Hồ Chí Minh: Sđd, t.7, tr.323, 572.

(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.312.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 216.

(14), (16), (22), (23) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.291, 488, 492, 222.

(17) Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.276.

PGS, TS Trần Minh Trưởng

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền