Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Tuyên ngôn độc lập - những giá trị bất hủ
Thứ ba, 15 Tháng 12 2020 11:05
1675 Lượt xem

Tuyên ngôn độc lập - những giá trị bất hủ

(LLCT) - Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, trước đông đảo nhân dân, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một chính thể hoàn toàn mới trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam và cũng là chính thể dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Bản Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện mang giá trị bất hủ dẫn đường cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam

Từ khóa: Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

1. Nội dung bất hủ

Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (từ đây gọi tắt là Tuyên ngôn) gồm khoảng 1000 chữ, hàm chứa những vấn đề trọng đại đối với vận mệnh dân tộc.

Một là, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời là hoàn toàn chính đáng. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp và phátxít Nhật Bản cũng như sự áp bực của bè lũ phong kiến tay sai. Hồ Chí Minh đã dẫn cả bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 để tố cáo thực dân Pháp chà đạp lên những giá trị có tính chất phổ quát của quyền tự do, độc lập. Thực dân Pháp “hơn 80 năm... lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”(1). Tại Việt Nam, thực dân Pháp đã làm điều trái ngược ngay với bản Tuyên ngôn của chính nước Pháp. Trong bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã dành nhiều đoạn tố cáo tội ác cai trị, áp bức, bóc lột của thực dân Pháp đối với nước ta về chính trị, kinh tế, văn hóa…Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo được Hồ Chí Minh khái quát một cách đặc sắc trong 9 chữ: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”(2) và liền đó là hai câu rất chặt chẽ: “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(3).

Hai là, hợp với giá trị chung của nhân loại tiến bộ về quyền con người và quyền dân tộc. Hồ Chí Minh dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”(4). Từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp, Hồ Chí Minh khẳng định những quyền chính đáng của cả dân tộc Việt Nam. Từ quyền con người: mọi người, ai cũng có quyền Trời cho (Tạo hóa cho), trong đó có quyền lớn nhất là quyền được sống, Hồ Chí Minh đã “suy rộng ra”(5) rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”(6). Vậy là, Hồ Chí Minh đã đặt quyền con người trong quyền dân tộc. Một lôgíc thật sự hợp lý. Dân tộc, đất nước đã mất độc lập, tự do thì quyền con người cũng bị mất theo.

Ba là, trên nền tảng pháp lý quốc tế, ngăn ngừa những nguy cơ quay trở lại của thực dân Pháp. Hồ Chí Minh đã khẳng định đối tượng đánh đổ để thiết lập chính quyền cách mạng là phátxít Nhật và chế độ quân chủ phong kiến. Lực lượng cách mạng Việt Nam vẫn giữ thái độ “khoan hồng và nhân đạo”(7) với người Pháp: “Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy, lại cứu cho người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng, tài sản cho họ. Sự thực là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng Minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thực là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”(8). Văn bản Tuyên ngôn mới chỉ là văn bản của một Chính phủ lâm thời, nhưng đó là văn bản của một Chính phủ được lập ra do giành chính quyền một cách chính đáng: giành chính quyền từ tay Nhật Bản, đứng về phe Đồng Minh chống chủ nghĩa phátxít; từ sự chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến hàng nghìn năm. Giá trị này làm cơ sở để tiến tới những bước vững chắc xây dựng một chế độ chính trị với giá trị pháp lý phổ cập trên thế giới: một chế độ chính trị do dân lập ra, có Hiến pháp chỉ đạo hoạt động của các quyền lực nhà nước và xã hội. Công việc này Hồ Chí Minh đã đề nghị đưa vào chương trình nghị sự ngay sau Ngày Lễ Độc lập và Việt Nam đã tiến hành Tổng Tuyển cử thực sự tự do, dân chủ ngày 6-1-1946 để bầu Quốc hội, từ đó xây dựng và thông qua Hiến pháp, lập bộ máy Nhà nước chính thức. Tuyên ngôn Độc lập xây nền tảng cho các quyền dân tộc cơ bản của dân tộc Việt Nam: độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

Những khẳng định trên đây của Hồ Chí Minh nhằm hai ý:

(1) Ngăn ngừa chiến tranh sắp tới vì Hồ Chí Minh biết rằng, dù thực dân Pháp hoàn toàn không có quyền hành gì ở Việt Nam nữa, nhưng chúng lại đang rắp tâm tái chiếm Việt Nam. Đầu tháng 9-1945, theo sự phân công quốc tế, quân Đồng Minh vào Việt Nam để làm nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật. Phía Bắc vĩ tuyến 16, quân Trung Hoa dân quốc (Tưởng Giới Thạch) và phía Nam vĩ tuyến 16, quân Anh kéo vào. Đáng chú ý là quân Anh ủng hộ thực dân Pháp, làm bức che cho quân Pháp kéo vào Nam Bộ để tái chiếm Việt Nam. Do vậy, ngày 5-9-1945, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quốc dân: “Nhân dân Việt Nam hoan nghênh quân Đồng Minh kéo vào Việt Nam để tước khí giới quân Nhật, nhưng cương quyết phản đối quân Pháp kéo vào Việt Nam, vì mục đích của họ chỉ là hãm dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ một lần nữa”(9). Thấy trước được điều đó, trong bản Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi - Lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới - đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam. Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng quyết liệt chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”(10).

(2) Khẳng định cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là “gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phátxít mấy năm nay”(11). Như vậy, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam càng thể hiện tính chính nghĩa, tiến bộ, góp phần cùng nhân dân thế giới tiêu diệt chủ nghĩa phátxít.

Bốn là, kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do đã giành được. Từ những lý lẽ trên đây, thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh tuyên bố rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(12). Đáng chú ý là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tuyên bố độc lập trước khi quân Đồng Minh vào giải giáp quân đội Nhật, theo sự phân công quốc tế. Song, lực lượng được phân công vào Việt Nam lúc này là quân Trung Hoa dân quốc với nhiều âm mưu đen tối, trong đó có việc đưa những người Việt Nam lưu vong ở Trung Quốc về nước để “diệt cộng cầm Hồ” (diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh), tức là hòng xóa bỏ chính quyền cách mạng mà nhân dân ta đã lập nên. Còn ở phía Nam vĩ tuyến 20, quân Anh để giúp cho quân Pháp tái chiếm Nam Bộ với âm mưu lập Nam Kỳ tự trị, chia cắt Việt Nam và tìm cách tái chiếm toàn bộ nước Việt Nam. Do vậy, ngay từ ngày 23-9-1945, chỉ 3 tuần lễ sau Ngày Lễ Độc lập (2-9-1945), nhân dân Nam Bộ đã tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp, trước 15 tháng toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Đó là lời Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa “trịnh trọng tuyên bố với thế giới”(13). Và, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam giành phải đi liền với giữ độc lập, tự do.

2. Soi đường phát triển của dân tộc

Tuyên ngôn Độc lập ghi dấu sự kết thúc của một thời kỳ dài gần 100 năm nhân dân Việt Nam sống dưới ách thống trị của thực dân đế quốc và bè lũ tay sai. Đồng thời, Tuyên ngôn cũng mở đầu của một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ một đất nước phong kiến tuy độc lập nhưng đang trên đà khủng hoảng, Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược rồi bị mất tên trên bản đồ chính trị thế giới, trở thành một đơn vị hải ngoại là Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Tuyên ngôn đã ghi một dấu mốc cực kỳ quan trọng cho việc lấy lại tên Việt Nam, đưa dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ thành một dân tộc tự do, độc lập, đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong phi thực dân hóa trong thế kỷ XX. Chủ nghĩa thực dân là một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử xã hội loài người. Một con người tiên phong của dân tộc tiên phong trong sự nghiệp phi thực dân hóa của nhân loại trong thế kỷ XX, đó là Hồ Chí Minh. Nếu tạc tượng những vĩ nhân trong thế kỷ XX, thế kỷ phi thực dân hóa, thì Hồ Chí Minh xứng đáng được tạc bức tượng đẹp nhất.

Với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương đã trở thành một Đảng chính trị cầm quyền. Sự cầm quyền của Đảng là hoàn toàn chính đáng, không phải như những luận điệu xuyên tạc đả kích vô căn cứ của các thế lực thù địch rêu rao trên các phương tiện thông tin. Đảng đã ra đời đầu năm 1930 là một tất yếu lịch sử, chấm dứt quá trình khủng hoảng của lực lượng lãnh đạo và đường lối cứu nước. Mười lăm năm (1930-1945) ghi dấu quá trình Đảng đã phải trải qua những giai đoạn hoạt động vô cùng gian khổ để mưu độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Sự cầm quyền của Đảng không phải cứ tự nhận mà được, mà đó là kết quả từ sự  hy sinh anh dũng của lớp lớp chiến sĩ cộng sản, của những người yêu nước Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tập hợp, xây dựng thành một khối vững chắc. Đảng đã bị khủng bố ác liệt, Trung ương Đảng và các tổ chức Đảng các cấp bị địch làm cho tan rã, nhưng sức sống cộng sản vẫn trỗi dậy. Lập lại rồi lại bị kẻ địch đánh tan, rồi lại được lập lại. Các cán bộ chủ chốt của Đảng, 4 Tổng Bí thư (Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ) bị địch bắt và bị giết hại; lãnh tụ Hồ Chí Minh bị kết án tử hình vắng mặt tại Tòa án Nam triều ở Vinh, Nghệ An cuối năm 1929, hai lần bị tù (lần thứ nhất bị chính quyền Anh tại Hồng Kông bắt giam những năm 1932-1933, lần thứ hai bị chính quyền Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch bắt giam tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc những năm 1942-1943). Nhân dân, dân tộc Việt Nam đã tin tưởng trao cho Đảng quyền lãnh đạo đưa dân tộc Việt Nam phát triển trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chấm dứt 15 năm hoạt động bất hợp pháp. Sự cầm quyền của Đảng có được là từ công lao, uy tín của Đảng, từ sự tín nhiệm của nhân dân.

Giá trị bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không chỉ ghi dấu ấn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng mà còn là sự khẳng định sức mạnh của toàn dân tộc, tiếp nối truyền thống yêu nước của nhân dân Việt Nam đúc kết từ hàng nghìn năm. Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và với sự kiện ngày 2-9-1945 đã bác bỏ sự xuyên tạc của những thế lực thù địch về những vấn đề của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, về tính chính danh của chế độ chính trị cộng hòa dân chủ Việt Nam.

Tuyên ngôn Độc lập có giá trị thúc đẩy tích cực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. 75 năm đã qua dưới chế độ chính trị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là những năm dân tộc Việt Nam vượt qua nhiều thử thách nghiệt ngã để phát triển. Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, những giá trị đó trong Tuyên ngôn Độc lập vẫn luôn luôn hướng dẫn hành động cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Đúng như lời văn của Tuyên ngôn, nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng để bảo vệ nền tự do và độc lập của mình; kiên trì mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội, xây dựng một đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự phát triển của dân tộc Việt Nam luôn luôn nằm trong dòng phát triển chung của nhân loại. Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có giá trị trường tồn là vì nó hoàn toàn phù hợp với giá trị tiến bộ chung trong văn hóa nhân loại. Với bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là một thực thể tiến bộ trong một thế giới đa cực, toàn cầu hóa, hội nhập, góp phần tích cực cho sự nghiệp tiến bộ xã hội của loài người.

Bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, phản ánh rõ nét tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng: giải phóng dân tộc; giải phóng xã hội - giai cấp; giải phóng con người.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1, 3, 3, 1, 1, 1, 2, 2-3, 10, 3, 3, 3, 3.

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền