Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Thứ ba, 15 Tháng 12 2020 11:13
16854 Lượt xem

Những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

(LLCT) - Nghiên cứu thấu đáo tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối lãnh đạo của Đảng gắn với thực tiễn hiện nay, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đó là bài học về nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; về đại đoàn kết toàn dân tộc. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; về mối quan hệ giữa chất lượng và số lượng; về gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám.

Bàn về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc (...). Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử nước ta”(1).

Sự kiện lịch sử đó để lại cho Đảng ta những bài học kinh nghiệm quý báu.

1. Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ vinh quang mà từ năm 1920 Hồ Chí Minh đã nhận ra. Một thế kỷ trước, đọc tác phẩm Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin, đăng trên báo L’Humanité, ngày 16 và 17-7-1920, Hồ Chí Minh khẳng định “đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”. Con đường giải phóng cần thiết cho chúng ta mà Hồ Chí Minh nói tới, đó là con đường cách mạng vô sản, tức độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đó trở đi, Hồ Chí Minh tích cực truyền bá lý tưởng và con đường cách mạng, làm cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội thấm sâu vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Trong thời khắc ra đời của Đảng, Hồ Chí Minh đã ghi trên lá cờ của Đảng chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(2). Giai đoạn từ năm 1930 đến trước khi cách mạng thành công, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp để đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là định hướng tiến lên của độc lập dân tộc; là cơ sở bảo đảm cho đấu tranh giành độc lập dân tộc đến nơi, triệt để. Nói cách khác, giành được độc lập dân tộc sẽ tạo điều kiện, mầm mống đi tới chủ nghĩa xã hội. Tiền đề quan trọng nhất để đi tới chủ nghĩa xã hội, đó là cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc do giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong là Đảng cộng sản lãnh đạo.

Ngày nay, “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”(3).

2. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, coi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử cho thấy, khi nào Tổ quốc bị xâm lăng, nền độc lập dân tộc bị uy hiếp, nếu “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức” thì làm nên chiến thắng. Từ chiều sâu lịch sử, nhiều bài học lớn về lòng tin ở dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc được rút ra. Nguyễn Trãi có nhiều tổng kết rất quan trọng về vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do dân quyết định; vương triều nào được lòng dân, cố kết được nhân tâm thì làm nên nghiệp lớn; sức dân như nước, chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, lật thuyền mới biết dân như nước. Tư tưởng của Nguyễn Trãi có ý nghĩa đến ngày nay.

Hồ Chí Minh đúc kết: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”(4).

Đại đoàn kết toàn dân tộc và tin dân, hợp nguyện vọng của dân, chăm lo cho dân, lấy dân làm gốc không chỉ là bài học trong lịch sử, mà ngay từ khi Đảng ra đời lãnh đạo cách mạng đến nay, nó vẫn luôn tươi mới. Tổng kết thời kỳ cách mạng 1936-1939, khẳng định những ưu điểm và khuyết điểm do nhiều nơi cán bộ hẹp hòi, say sưa thắng lợi, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phong trào đó cũng để lại cho Đảng ta và Mặt trận dân tộc ngày nay những kinh nghiệm quý báu. Nó dạy cho chúng ta rằng: Việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh, và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng. Nó cũng dạy chúng ta rằng: Phải hết sức tránh những bệnh chủ quan, hẹp hòi, v.v..”(5).

Để đi tới cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, bài học lớn rút ra là đại đoàn kết toàn dân tộc. Phân tích cái tên Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) năm 1941, Hồ Chí Minh cắt nghĩa nó rõ rệt, thiết thực và hợp với nguyện vọng của toàn dân. Chương trình Việt Minh thì giản đơn, thiết thực và đầy đủ: “Có mười chính sách bày ra. Một là ích quốc, hai là lợi dân...”. Mười điểm vừa chung cho toàn dân tộc, vừa đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và mọi tầng lớp nhân dân. Mặt khác cán bộ đi sát dân, cho nên Việt Minh phát triển rất mau, rất mạnh và được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh.

Bài học của “đêm trước” Cách mạng Tháng Tám còn cho thấy Quốc dân đại hội Tân Trào được coi như Quốc hội lâm thời; Ủy ban dân tộc giải phóng như là Chính phủ lâm thời; mười chính sách của Việt Minh như là Hiến pháp lâm thời.

Tổng kết một khía cạnh lớn của bài học này, Hồ Chí Minh viết: “Vì chính sách của Đảng đúng, và thi hành chính sách ấy kịp thời và linh động, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công”(6).

Trải qua 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, Cương lĩnh năm 2011 rút ra bài học lớn là: “Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”(7).

3. Chất lượng đảng viên quý hơn số lượng, điều quan trọng nhất là cán bộ, đảng viên biết đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết

Đây là vấn đề biện chứng của triết học mácxít. Tuy nhiên, không phải ở đâu, lúc nào và ai cũng có thể nhận thức đúng và triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh viết rằng “Bắt đầu xây dựng từ mấy nhóm ít người, được rèn luyện trong những cuộc đấu tranh ác liệt, năm 1945, Đảng vẻn vẹn chỉ có độ 5.000 đảng viên (một số còn bị giam trong các nhà tù đế quốc). Thế mà Đảng đã đoàn kết và lãnh đạo được nhân dân cả nước, đưa cuộc khởi nghĩa đến thành công”(8).

Tổng kết kinh nghiệm cách mạng Việt Nam từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đến sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân”(9).

Thời Cách mạng Tháng Tám chỉ có non 5.000 đảng viên nhưng đó là những đảng viên ròng, đảng viên có chất lượng cộng sản như cách nói của Phạm Văn Đồng. Những người tự nguyện đứng vào hàng ngũ của Đảng lúc đó nhận thức và hành động theo lời dạy của Bác: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(10). Một đảng viên thời đó mang sức mạnh của nhiều đảng viên. Sức mạnh đó ở chất lượng, ở phẩm chất của những con người luôn luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Những đảng viên cộng sản đó tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại của nhân dân và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đảng viên đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh của mình cho dân, cho nước.

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi có nhiều nguyên nhân như do sự lãnh đạo sáng suốt và kiên quyết của Đảng, “Đảng ta vĩ đại, vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(11); Nhờ sức đoàn kết chặt chẽ và hăng hái của toàn dân trong và ngoài Mặt trận Việt Minh; Nhờ sự thắng lợi vĩ đại của Hồng quân Liên Xô đã đánh bại phát xít Nhật và sự giúp đỡ của tinh thần quốc tế. Nhưng phải khẳng định sự dũng cảm hy sinh của các tiên liệt, nêu cao đạo đức cách mạng, chí công vô tư là một trong những nguyên nhân có ý nghĩa quyết định, là bài học vô giá cho hôm nay và mai sau.

Ngày nay chúng ta có trên 5 triệu đảng viên. Với một số lượng như vậy là một điều cần thiết và đáng mừng. Nhưng đáng buồn đó là một bộ phận không nhỏ trong số đó đã và đang hư hỏng, tha hóa, biến chất. Họ mang cái vỏ đảng viên nhưng không còn cái chất của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Số lượng đảng viên lớn nhưng nhiều người không còn chất cộng sản là vô cùng nguy hiểm, vì họ có chức, có quyền, có tiền, có thế lực. Họ là một trong những trở lực lớn nhất trên con đường phát triển của đất nước.

Cách mạng Tháng Tám để lại cho ta bài học quý trọng chất lượng hơn số lượng. Bây giờ phải làm trong sạch bộ máy đảng, nhà nước và các đoàn thể quần chúng, bằng cách thay đổi người có chức, có quyền mà hư hỏng, thoái hóa, biến chất. Phải dựa vào nhân dân để kiểm soát quyền lực. Người có chức, có quyền phải thật sự là người đầy tớ trung thành của nhân dân, được dân tin, dân mến, dân phục, dân yêu.

4. Gắn kết chặt chẽ ý Đảng với lòng dân, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta

Không thể nói rằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là sự “ăn may” trong một thời gian của “khoảng trống quyền lực” như ý kiến của một số người thuộc thế lực thù địch, phản động.

Cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng của lòng dân, trí dân, sức dân với ý chí, quyết tâm và khát vọng độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của một Đảng sáng suốt, kiên quyết theo đúng đường lối Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là cuộc cách mạng mà cơ bản và chủ yếu là đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Sức ta ở đây là huy động giá trị tinh thần truyền thống của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước từ thời Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung. Sức ta là những cuộc đấu tranh thời kỳ 1930 - 1931; 1936 - 1939; 1939 - 1945. Những cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, Khởi nghĩa Nam Kỳ, binh biến Đô Lương để lại những kinh nghiệm quý. Sức ta là sức mạnh của khối đại đoàn kết của mọi con dân nước Việt Nam, con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên do một Đảng vĩ đại trí tuệ, bản lĩnh lãnh đạo.

Bài học đem sức ta mà tự giải phóng cho ta chính là sự kết hợp chặt chẽ có chất lượng khoa học và cách mạng ý Đảng với lòng dân. Chúng ta phải luôn luôn hiểu thấu, nhận thức đúng đắn rằng, tiến trình lịch sử, văn hóa Việt Nam cho thấy ở nước ta lòng dân có trước ý Đảng; phong trào yêu nước có trước phong trào công nhân; chủ nghĩa yêu nước có trước chủ nghĩa cộng sản. Thực tế lịch sử đó dẫn tới Đảng ta ra đời là sự kết hợp nhuần nhuyễn ba yếu tố: chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Nhân dân chính là người sinh thành ra Đảng. Con đường Hồ Chí Minh cũng chính là con đường của dân tộc ta đi: từ chủ nghĩa yêu nước tới chủ nghĩa cộng sản. Người viết: “Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”(12).

Một điều thú vị và vô cùng quý giá là với bản chất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, khôn khéo, thông minh, sáng tạo và rất tốt, “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”(13).

Bài học kinh nghiệm lớn rút ra ở đây là trong suốt mười lăm năm, cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, Đảng phải hoạt động bí mật, hằng ngày, hằng giờ phải đương đầu với chính sách khủng bố dã man của thực dân Pháp. Nhiều cán bộ lãnh đạo và đảng viên hy sinh. Nhưng với tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, Đảng đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Ngay khi mới ra đời, Đảng đã tổ chức và lãnh đạo một phong trào quần chúng chưa từng có ở nước ta là phong trào Xôviết Nghệ Tĩnh (1930). Quần chúng công  nông sát cánh bên nhau lật đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, thành lập chính quyền Xôviết công nông binh. Xôviết Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó đã rèn luyện tinh thần và lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Từ năm 1936, Đảng ta đã phát động một phong trào quần chúng rộng rãi, thành lập Mặt trận dân chủ chống phát xít và phản động thuộc địa ở Đông Dương. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Ý Đảng và lòng dân hòa quyện, thống nhất làm một. Ý thức chính trị của nhân dân được nâng cao. Uy tín của Đảng càng ăn sâu trong nhân dân.

Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã chuyển hướng đấu tranh, tổ chức Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc. Một khối đại đoàn kết các lực lượng yêu nước chống phát xít và thực dân được hình thành. Ý Đảng thể hiện qua chính sách đúng đắn của Đảng là tạm thời gác khẩu hiệu cách mạng ruộng đất, chỉ đề ra chính sách giảm tô, giảm tức và tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian giao cho dân cày. Chính sách đó khơi dậy lòng dân, tập trung được lực lượng chống đế quốc và tay sai, lôi kéo những người yêu nước trong giai cấp địa chủ, mở rộng Mặt trận dân tộc cứu nước. Lòng dân tạo thành phong trào cách mạng ngày càng lên cao. Các khu căn cứ được thành lập. Đảng phát động chiến tranh du kích chống Nhật.

Với sức ta như vậy, khi thời cơ Hồng quân Liên Xô đánh thắng phát xít vào mùa Thu năm 1945, Đảng ta đã kịp thời phát động toàn quốc khởi nghĩa giành chính quyền.

Trong tình hình hiện nay, bài học của Cách mạng Tháng Tám đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, thống nhất ý Đảng và lòng dân làm một vẫn vẹn nguyên giá trị. Theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; vừa hợp tác, vừa đấu tranh. Mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” chỉ có thể đạt được bằng sức mạnh của lòng dân dưới sự lãnh đạo của một đảng chân chính cách mạng, đạo đức và văn minh. Thành quả đổi mới ngày càng to lớn bằng sự kết hợp sức mạnh nội sinh với sức mạnh ngoại sinh, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Muốn khai thác và tiếp nhận sức mạnh ngoại lực phải có sức mạnh nội lực. Sức mạnh ngoại lực là quan trọng song sức mạnh nội lực là yếu tố quyết định.

Một trong những bài học Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) rút ra là: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại”(14).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020

(1), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.25-26, 21, 24.

(2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.1, 256.

(3), (7), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.65, 65, 66.

(8), (11), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđd, tr.409, 402, 563.

(9), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.292, 622.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.289.

 

PGS, TS Bùi Đình Phong

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền