Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Ý chí Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nền dân chủ cộng hòa ở Việt Nam qua cuộc Tổng tuyển cử năm 1946
Thứ ba, 15 Tháng 12 2020 13:53
1219 Lượt xem

Ý chí Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nền dân chủ cộng hòa ở Việt Nam qua cuộc Tổng tuyển cử năm 1946

(LLCT) - Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở đầu thời kỳ xây dựng chế độ dân chủ ở Việt Nam. Trong thời gian đầu độc lập, nền kinh tế của đất nước kiệt quệ, trình độ dân trí vô cùng thấp nhưng quyền làm chủ của nhân dân, đặc biệt trên lĩnh vực chính trị, vẫn được đảm bảo thực thi. Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, với sự tham gia của đông đảo nhân dân, đã diễn ra thành công vào ngày 6-1-1946. Trên cơ sở đó một Chính phủ nhân dân được hình thành. Bài viết tập trung làm rõ ý chí Hồ Chí Minh trong việc xây dựng nền dân chủ cộng hòa và những giá trị đối với hiện nay.

Ngày 5/1/1946, hàng nghìn người Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu

ứng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh: Tư Liệu

Từ khóa: Hồ Chí Minh, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổng tuyển cử năm 1946, dân chủ, nền dân chủ XHCN.

Các nhà tư tưởng, nhà triết gia từ xưa đến nay có sự đồng nhất khi cho rằng dân chủ chỉ có thể hình thành và hoàn thiện trong những điều kiện kinh tế và xã hội nhất định. Aristotie - một triết gia thời Hy Lạp cổ đại - đã cho rằng một xã hội có nền kinh tế phát triển, người dân có điều kiện sống tốt mới dễ dàng tham gia một cách đúng đắn vào nền chính trị. Còn theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì kiến trúc thượng tầng luôn bị quyết định bởi cơ sở hạ tầng. Chính trị là sự phản ánh kinh tế. Tức là sự tồn tại và phát triển của nền dân chủ bao giờ cũng đi kèm với trình độ phát triển cao của các điều kiện kinh tế. Kinh tế có ảnh hưởng đến quá trình phát triển của xã hội. Khi đất nước đạt đến trình độ phát triển kinh tế và xã hội nhất định mới có thể tiếp nhận hình thức quản lý dân chủ.

Điều này được chứng minh bằng nhiều ví dụ thực tiễn. Lịch sử của các nền dân chủ thời kỳ cổ đại và trung đại, trình độ văn hóa và sản xuất của họ khá phát triển. Những nước cộng hòa ở thành bang Hy Lạp cổ đại, những nước có nền dân chủ sơ khai đã có quan hệ tiền - hàng phát triển, có mối quan hệ rộng rãi với các nước khác.

“Trong thời Trung cổ, tại Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Novgorod, Pskov, đa số dân chúng đều biết đọc biết viết. Kết quả các cuộc khai quật khảo cổ học ở Novgorod cho thấy, ngay cả phụ nữ cũng biết đọc, biết viết”(1).

Những quốc gia có nền dân chủ lâu đời như Anh, Pháp, Mỹ ... đều là những nước có lịch sử phát triển lâu dài kinh tế thị trường, có tự do kinh tế, có sở hữu tư nhân, các tầng lớp, giai cấp lao động đạt đến trình độ nhận thức chính trị cao. Rõ ràng, phải có một số điều kiện về kinh tế, xã hội nhất định thì dân chủ mới được hình thành và phát triển. Đó là lý thuyết được đúc rút và vẫn đang được minh chứng bằng rất nhiều ví dụ thực tế trên khắp thế giới. Nhưng ngoài kinh tế, xã hội, việc xây dựng nền dân chủ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như Ấn Độ sau khi tuyên bố độc lập năm 1947, trình độ phát triển kinh tế còn thấp, tỷ lệ dân số mù chữ cao, lại phải đối mặt với nhiều rối ren về chính trị, nhưng họ vẫn xây dựng nền dân chủ, thông qua cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội.

Hoàn cảnh của Việt Nam sau ngày đất nước độc lập năm 1945 với nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế phụ thuộc, kiệt quệ, bị tàn phá nặng nề dưới ách cai trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Các ngành kinh tế bị đình đốn. Nhiều cơ sở công nghiệp chưa đi vào hoạt động. Hàng hóa trên thị trường khan hiếm. Đặc biệt, nạn đói năm 1945 cướp đi sinh mệnh của hơn 2 triệu người dân, là biểu hiện đậm nét sự kiệt quệ này. Ngân sách nhà nước trống rỗng, không có khả năng thu chi. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế như vậy thì các khoản thu từ thuế bị giảm sút nặng nề. Hậu quả của chế độ cai trị thực dân - phong kiến là di sản văn hóa lạc hậu. Hơn 90% dân số không biết chữ. Các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút tồn tại khá phổ biến. Bệnh dịch hoành hành khắp nơi. Không những vậy, đất nước phải đối mặt với sự chống phá của nhiều thế lực thù địch trong nước và ngoài nước. Nạn ngoại xâm chính là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với nhà nước Việt Nam non trẻ lúc đó. Với hoàn cảnh như vậy ít ai dám nghĩ tới một cuộc Tổng tuyển cử.

1. Niềm tin, quyết tâm của Hồ Chí Minh là yếu tố quyết định

Nghiên cứu lịch sử Việt Nam sau năm 1945, không phải sự phát triển của kinh tế hay trình độ nhận thức cao của đa số người dân quyết định đến việc tạo dựng nền dân chủ, mà đằng sau đó chính là niềm tin của người lãnh đạo vào nhân dân, là quyết tâm của chính quyền trong việc thực hiện, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Chính phủ mới đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quyết tâm trong việc tạo ra thể chế chính trị quy định và đảm bảo chủ thể quyền lực là nhân dân.

Từ ngày nước Việt Nam tuyên bố độc lập (2-9-1945) cho đến khi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra chỉ có 4 tháng. Trong suốt thời gian đó, Chính phủ lâm thời đã ban hành rất nhiều sắc lệnh liên quan đến cuộc Tổng tuyển cử. Ngay sau ngày độc lập, tại phiên họp đầu tiên ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ phải sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..”(2). Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Ngày 26-9-1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 39-SL về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Ngày 17-10-1945 ra Sắc lệnh số 51-SL quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Ngày 2-12-1945, Sắc lệnh số 71 và 72 để bổ khuyết Sắc lệnh số 51 về thủ tục ứng cử và bổ sung đại biểu bầu cho một số tỉnh. Đó chính là quyết tâm của Chính phủ trong việc thực thi quyền làm chủ của nhân dân, bước đầu xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Những sắc lệnh trên đã tạo cơ sở pháp lý, nền tảng cho sự thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên.

Quyết tâm tổ chức Tổng tuyển cử sau năm 1945 cũng thể hiện niềm tin tuyệt đối của Chính phủ, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nhân dân. Khi đó, nhiều người lo lắng trình độ dân trí trong nước thấp kém, chữ còn không biết đọc, biết viết nói gì đến việc chọn lựa đúng và bầu ra những người có năng lực thay mình lãnh đạo, quản lý đất nước. Đồng thời, nhiều thế lực thù địch muốn lật đổ, chống phá chính quyền cách mạng nên họ ra sức phá hoại Tổng tuyển cử. Các báo phản động như Việt Nam, Thiết Thực, Đồng Tâm kêu gọi tẩy chay Tổng tuyển cử. Lý do đưa ra là Việt Nam đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, trình độ dân trí lại thấp nên cần tập trung vào nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

 Mặc dù vậy, Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết khẳng định nhân dân sẽ biết quyền lợi và trách nhiệm của mình, biết sử dụng lá phiếu của mình. Tổng tuyển cử nhất định thành công. Ngày 24-11-1945, Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền đấu tranh của Mặt trận Việt Minh đã thể hiện quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề này:

“Vẫn biết đại đa số dân mình chưa biết đọc biết viết, nhưng vin vào đấy để kết luận rằng dân ta không đủ tư cách để kén chọn đại biểu là không hiểu gì dân chúng, không hiểu gì chính trị. Căn cứ vào phong trào đánh Pháp đuổi Nhật vĩ đại ở khắp nước vừa qua, ta thấy dân chúng đã có ý thức chính trị một cách khá dồi dào. Và hễ có ý thức chính trị là có đủ những điều kiện cần thiết nhất để phân biệt ai là thù, ai là bạn, ai xứng đáng là đại biểu chân chính của mình. Nói khác đi, dân chúng chưa biết đọc, biết viết, chưa biết bàn luận những chuyện xa xôi, nhưng có một điều mà họ biết chắc chắn, biết rõ ràng hơn ai hết, là quyền lợi của họ... Họ đi với những ai bênh vực chiến đấu cho quyền lợi của họ, họ chống những ai xâm phạm quyền lợi của họ... Chỉ Tổng tuyển cử mới để cho dân chúng có dịp nói hết những ý muốn của họ, và chỉ có Chính phủ lập ra bởi Tổng tuyển cử mới là đại diện chân chính và trung thành của toàn thể quốc dân”(3).

Người ta nói rất hay nếu muốn làm sẽ tìm cách, nếu không muốn làm sẽ tìm lý do. Để khắc phục tình trạng dân không biết đọc, biết viết sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, ngay trong Điều 36-38 của Sắc lệnh số 51-SL chỉ rõ: đối với những người không biết chữ, Ban phụ trách ở các điểm bầu cử phải lập tổ ba người để giúp cử tri thực hiện quyền bầu cử theo quy trình một người viết giúp, hai người kiểm tra. Sau đó, tổ này phải tuyên thệ trước cử tri đó rằng, đã viết đúng theo ý nguyện của họ và sẽ tuyệt đối giữ bí mật về điều đó. Đây là điểm rất sáng tạo, độc đáo và phù hợp với trình độ dân trí của nước ta lúc bấy giờ, nhất là đối với tầng lớp dân nghèo không có điều kiện đi học.

Không khí tự do, dân chủ trong bầu cử xuất hiện ở khắp nơi trong cả nước. Số người ứng cử khá đông. Địa phương nào cũng có người tự ứng cử. Những cuộc tiếp xúc giữa đại biểu và cử tri diễn ra hết sức sôi nổi. Các công việc chuẩn bị cho Tổng tuyển cử diễn ra khẩn trương trong điều kiện thù trong, giặc ngoài, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội hết sức khó khăn.

Để động viên nhân dân trực tiếp đi bầu cử, ngày 5-1-1946 (tức một ngày trước khi bầu cử diễn ra), trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ngày mai mồng 6 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, dân ta sẽ tỏ rõ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn ... Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”(4). Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khích lệ, động viên toàn thể nhân dân Việt Nam hào hứng, tích cực đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Trong bối cảnh lịch sử vô cùng khó khăn, nhân dân vẫn một lòng hướng về Đảng, về Chính phủ mới, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm vào cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên. Họ có ý thức cao với việc thể hiện quyền làm chủ của mình. Ở 71 tỉnh, thành phố có 89% cử tri đi bầu cử.

Như vậy, chính ý chí Hồ Chí Minh, quyết tâm và niềm tin của Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Minh đã tạo nên thành công của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. Quyết tâm xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Việt Nam đi theo con đường XHCN, việc xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN là điều tất yếu. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định “Toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân”(5).

Bằng nỗ lực của chính quyền và nhân dân cả nước, trong thời gian qua, việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể. Dân chủ được phát huy trên nhiều lĩnh vực, gắn liền với việc xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tốt hơn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là chính trị và kinh tế. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng hiểu rằng, từ chủ trương, chính sách đến việc hiện thực hóa thành công là quá trình vô cùng khó khăn. Bên cạnh kết quả đạt được, tại Đại hội XII (2016) của Đảng đã chỉ ra hạn chế của quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương, pháp luật còn tồn tại nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc có nơi, có việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Khi dân chủ chưa được thực hiện một cách thực sự và đầy đủ thì sức mạnh nội sinh của dân tộc khó được huy động triệt để.

Việt Nam hiện nay chưa phải là nước phát triển. Trình độ phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam vẫn có khoảng cách chênh lệch tương đối với các nước trên thế giới và trong khu vực. Từ thực tiễn lịch sử của Việt Nam sau năm 1945, có thể thấy việc xây dựng nền dân chủ, việc đảm bảo thực thi quyền làm chủ của nhân dân không hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố kinh tế, xã hội. Đôi khi, niềm tin, quyết tâm thực hiện của người lãnh đạo lại là yếu tố quyết định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi dân chủ như một chiếc chìa khóa vạn năng, hữu hiệu để giải quyết mọi khó khăn. Người khẳng định “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”(6). Vậy ai là người phát huy dân chủ? Có thể hiểu, Đảng và Nhà nước phải là chủ thể đứng ra phát huy dân chủ thông qua đường lối, chính sách. Đảng, Nhà nước ở đây là tập thể, nhưng trước tiên là các cá nhân nắm giữ vị trí lãnh đạo. Sau đó, là từng cá nhân cán bộ, đảng viên phải ý thức rõ ràng về vai trò của dân chủ, từ đó quyết tâm đảm bảo thực thi quyền làm chủ của nhân dân.

Thông thường khi trình độ kinh tế, xã hội phát triển tự khắc người dân sẽ quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực chính trị. Họ ý thức rõ ràng và đòi hỏi quyền chính trị của mình. Dần dần các nhà lãnh đạo muốn hay không cũng phải thực thi quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nền dân chủ thực sự, bởi họ hiểu rõ giá trị của dân chủ đối với sự phát triển quốc gia. Chính phủ nào độc tài, cố tình không thực thi dân chủ thì cuối cùng sẽ bị trả giá. Nhưng khi tiền đề kinh tế - xã hội chưa cao thì xây dựng và thực thi dân chủ cũng cần “định hướng”.

Chắc chắn con đường này phải bắt nguồn từ một Chính phủ dân chủ tiến bộ, một Chính phủ với những người lãnh đạo có tâm, có sự quyết liệt trong việc đảm bảo thực thi quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực mà trước tiên là lĩnh vực chính trị. Ở nơi nào trình độ dân trí thấp, dân chưa hiểu, chưa ý thức được quyền của mình, thì cán bộ, đảng viên phải là người tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn nhân dân. Ở nơi nào trình độ kinh tế còn thấp kém, cán bộ, đảng viên càng phải quyết liệt trong việc đảm bảo thực thi quyền làm chủ cho dân. Tư cách chủ thể quyền lực của nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật nên cá nhân người lãnh đạo phải cùng tập thể lãnh đạo quyết tâm thực hiện, tạo môi trường để hiện thực hóa quyền dân chủ của nhân dân.

Khi xã hội xây dựng được nền dân chủ rộng rãi thì nhân dân lao động sẽ phát huy cao độ tính tính cực, tự giác của mình. Từ đó, sức lao động được giải phóng, mọi tiềm năng của đất nước được phát huy, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước. Dân chủ trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020

(1) N. M. Voskresenskaia, N.B. Davletshina (2009), Chế độ dân chủ - Nhà nước và xã hội (Phạm Nguyên Trường dịch), Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, tr.40.

(2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.7, 166-167.

(3) Báo Cứu quốc, ngày 24-11-1945, lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 327.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.376.

TS Nguyễn Thị Lan Phương

Khoa Lý luận chính trị,

Trường Đại học Thương Mại

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền