Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người tổ chức thực hiện thành công tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ tư, 16 Tháng 12 2020 09:08
1532 Lượt xem

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Người tổ chức thực hiện thành công tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(LLCT) - Nhân dịp Hội thảo quốc gia kỷ niệm 110 năm ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, bài viết khẳng định: Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước nhiệt thành, quyết dấn thân trên con đường cách mạng, trở thành nhà lãnh đạo kiên trung của Đảng ta, có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Đồng chí là một trong những người đứng đầu Mặt trận thống nhất dân tộc đã thực hiện thành công trong thực tiễn tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh; là hiện thân của tinh thần đoàn kết dân tộc, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ mãi là một tấm gương sáng để các thế hệ hôm nay học tập và noi theo.

(Hàng đầu, từ trái qua) bà Nguyễn Thị Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (áo sơ mi trắng) năm 1980

(Ảnh tư liệu của Xưa&Nay)

Từ khóa: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

1. Lộ trình trở thành người cộng sản

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (bí danh: Ba Nghĩa), sinh ngày 10-7-1910, trong một gia đình trung lưu ở làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, Phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

Năm 1921, 11 tuổi, được gia đình cho đi học ở Pháp nhưng luôn trăn trở với câu hỏi “Vì sao quê hương mình còn nghèo quá, đồng bào mình còn khổ quá như vậy?”(1), Nguyễn Hữu Thọ đã khắc ghi lời nguyện: “ráng học cho giỏi, rồi đem hiểu biết của mình làm một điều gì đó có ích cho nước, có lợi cho dân”(2).

Năm 1928, sau khi tốt nghiệp trung học, Nguyễn Hữu Thọ vào học và tốt nghiệp trường Đại học Luật khoa và văn khoa với bằng Cử nhân Luật loại xuất sắc. Con đường “vinh thân, phì gia” phía trước rộng mở, nhưng năm 1933, với mong muốn cháy bỏng là đem kiến thức học được để bênh vực cho đồng bào trước những thủ đoạn áp bức của chính quyền thực dân và tay sai, Nguyễn Hữu Thọ quyết định trở về nước. Sau 5 năm làm tập sự, năm 1939, thi đỗ kỳ sát hạch luật sư, Nguyễn Hữu Thọ lập văn phòng luật sư riêng ở Mỹ Tho. Sẵn có lòng yêu nước, thương dân, chứng kiến sự bất công của xã hội bị áp bức dân tộc, giai cấp và những biến động lịch sử xảy ra từ khởi nghĩa Nam Kỳ cùng với sự phát triển nhanh chóng của Mặt trận Việt Minh...Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã “thay đổi cả nếp sống và suy nghĩ”, từng bước tham gia các hoạt động yêu nước(3) và trở thành một trí thức ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông cho rằng: “Cho tới Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng tôi chợt tỉnh ra rằng, điều mà mình mong mỏi, chờ đợi từ lâu đã tới, người mà mình từng nghe nói từ những năm hai mươi chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cứu tinh của dân tộc”(4).

Trở lại xâm lược nước ta, mặc dù được thực dân Pháp bổ nhiệm làm Chánh tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long nhưng Nguyễn Hữu Thọ vẫn giữ mối liên lạc và bí mật tham gia các hoạt động yêu nước trong giới trí thức Nam Bộ(5). Vì vậy, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã mời Luật sư ra thăm chiến khu Đồng Tháp Mười(6). Chuyến đi này đánh dấu sự “đổi đời” của Luật sư, từ chỗ “trong lòng vẫn canh cánh một nỗi đau mất nước, bị ngoại bang đô hộ. Chỉ băn khoăn, chỉ căm giận mà thôi, nhưng không tìm thấy một ánh sáng, một con đường nào”(7), nhưng do hiểu rõ “sức mạnh cải tạo xã hội vĩ đại” của cách mạng, thấy được “mục đích cao cả, được nhân dân ủng hộ, với một đội ngũ cán bộ có đức có tài...cuộc kháng chiến nhất định thành công”, Ông đã “quyết định dấn thân trên con đường cách mạng”(8) với niềm tin “đất nước có Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất định phải giành được độc lập, thống nhất”(9).

Năm 1947, để thuận tiện cho hoạt động cách mạng, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ chức Chánh án tòa án Vĩnh Long để chuyển lên Sài Gòn lập Văn phòng Luật sư riêng(10) và tích cực tham gia vào Ban trí vận do Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức(11). Khi được biết ngày 25-4-1947, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Chính phủ Pháp thông điệp hòa bình, đề nghị chấm dứt chiến tranh giải quyết xung đột bằng đàm phán, Luật sư cùng với Ban trí vận soạn thảo bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn-Chợ Lớn ủng hộ lập trường của Chính phủ Hồ Chí Minh(12) và viết sách Nam Bộ tự do gây tiếng vang trong nước và quốc tế(13). Triệt để tận dụng vị trí một “luật sư tự do”, Nguyễn Hữu Thọ đã làm hết sức mình đấu tranh với tòa án địch bảo vệ nhiều nhà cách mạng, yêu nước khỏi án tử hình hay bất lợi(14), chăm sóc cho nhiều chiến sĩ cách mạng khỏi bệnh hiểm nghèo(15) bất chấp hiểm nguy trong vùng địch kiểm soát...

Từ hướng tới đến ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh rồi tích cực tham gia hoạt động cách mạng, ngày 16-10-1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đó là lộ trình từ người yêu nước đến với Chủ tịch Hồ Chí Minh và trở thành người cộng sản của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.     

2. Người tổ chức thực hiện tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn là người tổ chức đoàn kết và đi đầu các giới đồng bào phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam (1950)(16), đấu tranh đòi tự do, dân chủ và đòi chính quyền tay sai nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Giơnevơ (1954) ngay tại Sài Gòn-Chợ Lớn. Bởi vậy, chính quyền thực dân và tay sai tìm mọi cách để tách Ông khỏi đồng bào. Giữ khí tiết của người trí thức yêu nước, người cộng sản kiên trung, vượt qua hàng chục năm bị đày ải “thiếu ăn, thiếu uống, thiếu thuốc men chết dần chết mòn” ở Lai Châu (1950), Sơn Tây (1952), Sài Gòn (1954), Hải Phòng (1955), Phú Yên (1955-1961), khi trở về, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lại tiếp tục tổ chức đoàn kết nhân dân đấu tranh, phát triển lực lượng chính trị cho cách mạng với một tinh thần mạnh mẽ và sáng tạo hơn.

Chí khí cách mạng kiên cường, sự thông minh tài giỏi, phẩm chất đạo đức cá nhân trong sáng là những nhân tố quan trọng giúp Luật sư Nguyễn Hữu Thọ giương cao ngọn cờ tập hợp các lực lượng yêu nước ở miền Nam đấu tranh cho hòa bình, độc lập, thống nhất Tổ quốc. Từ một nhà trí thức có địa vị xã hội dưới chế độ thực dân, đế quốc, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở thành người lãnh đạo của phong trào cách mạng quần chúng - Chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam có nhiệm vụ đoàn kết các giới đồng bào đấu tranh cho hòa bình, thống nhất Tổ quốc. “Đó chính là điều làm cho bè bạn, đồng chí, đồng bào kính trọng, làm kẻ thù kiêng nể, coi quá trình hoạt động của đồng chí như một “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ”(17). Nguyễn Hữu Thọ trở thành một nhân vật lịch sử đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của khối đại đoàn kết dân tộc ở miền Nam, góp phần vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trên phạm vi cả nước.

Hoàn thành sứ mệnh lãnh đạo khối đoàn kết nhân dân trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lại đóng góp quan trọng vào đẩy nhanh tiến trình thống nhất đất nước trên mọi phương diện(18). Phát biểu tại Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước (15-11-1975), sau khi nêu rõ “Lịch sử mấy ngàn năm của đất nước ta, từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh là lịch sử một nước thống nhất, một dân tộc thống nhất đấu tranh không ngừng để dựng nước và giữ nước”, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã khẳng định “Thống nhất nước nhà vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của  đồng bào cả nước ta vừa là quy luật khách quan của sự phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam” và cho rằng nhiệm vụ của Hội nghị là phải “bàn bạc để nhanh chóng hoàn thành thống nhất Tổ quốc về mặt nhà nước”(19). Ý nghĩa to lớn và toàn diện của việc thống nhất đất nước được Luật sư chỉ rõ: “Về mặt chính trị, thống nhất đất nước làm cho nền độc lập dân tộc được đảm bảo vững chắc, khối đoàn kết toàn dân trong cả nước được tăng cường”; “Về kinh tế, thống nhất đất nước tạo ra những điều kiện thực hiện những nhiệm vụ lâu dài và quyết định nhất là công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa”; “Về văn hóa, trên đất nước đã hoàn toàn độc lập thống nhất, mọi tinh hoa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc được phát  huy mạnh mẽ”; “Về mặt quốc phòng, thống nhất đất  nước tạo cho chúng ta một lực lượng quốc phòng hùng mạnh. Trên cơ sở xây dựng một nền kinh tế quốc dân thống nhất, lực lượng quốc phòng toàn dân sẽ càng vững mạnh hơn nữa”(20).

Trong điều kiện của đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh và sự đa dạng về giai cấp, kinh tế, xã hội, tôn giáo với những tâm lý tình cảm không đồng nhất, những quan điểm đúng đắn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người đứng đầu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - đã góp phần quan trọng trong việc nhanh chóng thúc đẩy tiến trình xây dựng cơ sở mọi mặt cho sự thống nhất vững chắc của khối đại đoàn kết dân tộc sau khi miền Nam được giải phóng. Tại Đại hội hiệp thương dân chủ của Mặt trận dân tộc thống nhất họp ngày 4-2-1977, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chỉ rõ: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, cùng với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ba anh em ra đời trong những bối cảnh lịch sử khác nhau của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhưng đều có mục tiêu phấn đấu chung là hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước, thực hiện thống nhất nước nhà”(21) và cho rằng “Mỗi giai đoạn lịch sử có một đòi hỏi tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc khác nhau, nay với hai tiền đề: một là nước nhà đã trở thành một cơ thể hoàn chỉnh, hai là con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội đã được xác định. Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc trước hết cần thật sự là Mặt trận của những người yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội”(22).

Vang mãi trong tâm trí của người Việt Nam lời hiệu triệu của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ gửi tới mọi giới đồng bào: “Trước Tổ quốc, trước Đảng, chúng ta hãy cùng nhau hứa: Đoàn kết, quyết thắng”(23).

Chính kiến đó và những hoạt động không mệt mỏi của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã góp phần to lớn vào thành công của Đại hội và sự ra đời của Mặt trận thống nhất - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo sự phân công của Đảng để giữ cương vị Phó Chủ tịch và quyền Chủ tịch nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhưng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn là thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc khóa I và khóa II. Với tài năng và uy tín của mình, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bầu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là Chủ tịch Mặt trận.                 

Là một trí thức yêu nước nhiệt thành hướng tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, vượt qua mọi dụ dỗ của kẻ thù, để trở thành một người cộng sản, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã suốt đời phấn đấu, hy sinh vì Độc lập của dân tộc, Tự do, Hạnh phúc cho đồng bào. Trong tiến trình đó, từ người khởi xướng và lãnh đạo phong trào của trí thức của Sài Gòn-Chợ Lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp trở thành người đứng đầu của Mặt trận đoàn kết nhân dân ở miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và là Chủ tịch Mặt trận đoàn kết dân tộc của nước Việt Nam thống nhất, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã kế tục xuất sắc và thực hiện thành công trong thực tiễn tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, góp phần to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.  

3. “Hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ”

Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và những cống hiến to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cho Đảng và cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX biểu đạt nhiều vấn đề có ý nghĩa sâu sắc. Có thể thấy trên những vấn đề sau đây:

Một là, nói tới “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ” là nói tới tác động và kết quả của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Luật sư đến với cách mạng, đứng trong tổ chức của những người cộng sản Việt Nam từ sự tin tưởng và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và chính từ sự tin tưởng lãnh tụ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ lại là người lãnh đạo và tổ chức thực hiện tư tưởng đó rất thành công trong thực tiễn. Có thể nói, Luật sư thực sự là một trong những người lãnh đạo kế tục Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã thực hành thành công trong thực tiễn quan điểm “Chính trị là: 1-Đoàn kết. 2- Thanh khiết” của Người bằng những cống hiến hiệu quả cho sự nghiệp đoàn kết dân tộc và cuộc sống đạo đức cách mạng trong sáng của mình. Như vậy, nói tới “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ” không chỉ nói tới sự chuyển biến đặc biệt của một trí thức yêu nước thành người cộng sản qua tấm gương Hồ Chí Minh mà còn trở thành nhà lãnh đạo, tổ chức tài năng đã thực hiện xuất sắc tư tưởng đoàn kết dân tộc của Người trong thực tiễn.            

Hai là, từ “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ” càng cho thấy sự đúng đắn của tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tập hợp, thu hút nhân tài phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Bởi vậy, trong không gian mới với nhiều chuyển biến đa dạng và phức tạp hiện nay, cùng với chiến lược đại đoàn kết dân tộc được xây dựng dựa trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải có những chính sách thiết thực để tập hợp và phát huy tài năng của mọi người dân phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Ba là, từ “hiện tượng Nguyễn Hữu Thọ” cho thấy tầm quan trọng về phẩm chất của những người lãnh đạo, tổ chức thực hiện đoàn kết dân tộc. Bên cạnh sự trung thành suốt đời với lợi ích của dân tộc được biểu hiện trong thực tiễn, những nhà lãnh đạo và tổ chức thực hiện xây dựng khối đoàn kết toàn dân phải là những tấm gương sáng trong cuộc sống, có sức thu hút, tập hợp nhân dân bằng chính tài năng và uy tín cá nhân mà hạt nhân là phẩm chất đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Không phải ngẫu nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta lựa chọn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong vai trò lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ xâm lược và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc trong những năm bắt đầu sự nghiệp đổi mới.   

Đến với Chủ tịch Hồ Chí Minh và là người kế tục xuất sắc với những đóng góp to lớn trong nhiệm vụ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ta theo tư tưởng của Người, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ mãi là một tấm gương sáng, một biểu tượng đoàn kết dân tộc để các thế hệ hôm nay học tập, noi theo.

__________________

 

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020

(1), (2), (8) Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.34, 34, 39.

(3) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia vào hoạt động của tổ chức Hướng đạo sinh và đóng góp tích cực vào phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, phong trào cứu tế nạn đói ở Bắc Kỳ...

(4), (7), (9) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.17, 37, 17.

(5) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có quan hệ với các nhân vật trí thức yêu nước như Trần Văn Giàu, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Luật sư Thái Văn Lung, Huỳnh Văn Tiểng ...

(6) Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ là Luật sư Phạm Văn Bạch và Luật sư Phạm Ngọc Thuần cùng nhiều trí thức yêu nước danh tiếng khác đã đón tiếp Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. 

(10) Tại số nhà 152, đường General De Gaule, nay là đường Nam Kỳ khởi nghĩa.

(11) Ban trí vận do Luật sư Hoàng Quốc Tân phụ trách.

(12) Ngày 19-5-1947, đúng ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và một số cộng sự trong Ban trí vận đã tới trao cho Cao ủy Pháp tại Đông Dương E. Bola (E. Bollaert) và gửi cho các báo đăng tải, công khai bày tỏ quan điểm ủng hộ lập trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 25-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao và gửi thư cám ơn giới trí thức.

(13) Cuốn sách này còn được Việt kiều ở Pháp xuất bản (1949) phát hành tại Đại hội các chiến sĩ hòa bình họp ở Pari (Pháp) và sau đó ở Praha (Tiệp khắc).

(14) Điển hình như buộc tòa án thực dân phải bỏ án tử hình đối với đồng chí Hoàng Xuân Bình, giảm nhẹ án hoặc tha bổng cho các trường hợp như bà Nguyễn Thị Bình, Đỗ Duy Liên, ông Lý Hải Châu... rồi tìm cách đưa ra vùng tự do.     

(15) Trường hợp của Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Hộ bị lao được Luật sư Nguyễn Hữu Thọ nuôi dưỡng, đưa tới bệnh viện chữa bệnh trong thời gian dài, khỏi bệnh đưa ra vùng tự do.

(16) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu đoàn biểu tình phản đối sự có mặt của hai tàu chiến Mỹ tại Sài Gòn, ngày 19-3-1953.

(17) Điếu văn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đọc tại lễ truy điệu Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (sách “Nguyễn Hữu Thọ - Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998).

(18) Là người điều hành Hội nghị liên tịch mở rộng ở miền Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ góp phần quan trọng trong việc thành lập Đoàn đại biểu miền Nam Việt Nam tham dự Hội nghị hiệp thương chính trị bàn việc thống nhất về mặt nhà nước.  

(19) Báo Nhân Dân, số 7866, ngày 18-11-1975.

(20) Báo Nhân Dân, số 7910, ngày 23-12-1975.

(21), (22), (23) Phát biểu tại Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam (2-1977), sách “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Gắn bó với dân tộc, với nhân dân, với cách mạng”, tr.188, 187, 189. 

PGS, TS Phạm Hồng Chương

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS Nguyễn Bé Lê

 

Trường Chính trị thành phố Cần Thơ

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền