Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 07:47
1531 Lượt xem

Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh

(LLCT) - Ph.Ăngghen, lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, người đã cùng C.Mác xây dựng nên lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học và đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động, vì chủ nghĩa cộng sản. Ph.Ăngghen đã đem nghị lực sôi sục, trí tuệ sáng suốt và trái tim nồng cháy của mình tham gia phong trào cách mạng, dũng cảm đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ph.Ăngghen được ngưỡng mộ, kính trọng không chỉ bởi trí tuệ của một nhà bác học, lòng dũng cảm, nhiệt huyết của một chiến sĩ cách mạng vĩ đại, mà còn bởi phẩm chất cao cả thể hiện trong tình bạn, tình đồng chí khăng khít, thủy chung, son sắt với C.Mác và giai cấp vô sản thế giới.

Từ khóa: Ph.Ăngghen, chủ nghĩa Mác.

Ngày 28-11-2020, giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ kỷ niệm 200 năm ngày sinh Ph.Ăngghen (28-11-1820) - vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và toàn thể nhân loại cần lao trên toàn thế giới, Người đã dành tất cả tình cảm, trí tuệ và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Ph.Ăngghen đã cùng C.Mác - người bạn, người đồng chí, người cộng sản gần gũi nhất sáng lập nên chủ nghĩa Mác - học thuyết khoa học và cách mạng. Học thuyết ấy đã trở thành vũ khí tư tưởng của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh xóa bỏ chế độ tư bản, xây dựng xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Bằng việc phát hiện ra những quy luật khách quan của sự vận động, biến đổi của toàn bộ thế giới vật chất và lịch sử loài người, lần đầu tiên trong lịch sử tư tưởng nhân loại, chủ nghĩa Mác đã chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ toàn thế giới những con đường và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công để xây dựng một chế độ xã hội mới - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Xuyên suốt toàn bộ di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của chủ nghĩa Mác là một thế giới quan mới, phương pháp luận khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ và nhất là cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới.

V.I.Lênin khẳng định: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh”(1). “Sức hấp dẫn không gì cưỡng nổi đã lôi cuốn những người xã hội chủ nghĩa của tất cả các nước đi theo lý luận đó, chính là ở chỗ nó kết hợp tính chất khoa học chặt chẽ và cao độ (đó là đỉnh cao nhất của khoa học xã hội) với tinh thần cách mạng, và kết hợp không phải một cách ngẫu nhiên, không phải chỉ vì người sáng lập ra học thuyết ấy đã kết hợp trong bản thân mình những phẩm chất của nhà bác học và của nhà cách mạng, mà là kết hợp trong chính bản thân lý luận ấy, một sự kết hợp nội tại và khăng khít”(2).

Khi nói về vai trò của Ph.Ăngghen đối với giai cấp vô sản, V.I.Lênin viết: “Ph.Ăngghen là nhà bác học và người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong toàn thế giới văn minh”(3). “Cho nên muốn hiểu Ph.Ăngghen đã làm gì cho giai cấp vô sản thì phải nhận rõ ý nghĩa của học thuyết và hoạt động của C.Mác đối với sự phát triển của phong trào công nhân hiện đại”(4).

Vào đầu những năm 40 thế kỷ XIX, giai cấp công nhân chưa nhận thức được lợi ích giai cấp và sứ mệnh lịch sử cao cả của mình nên phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân vẫn còn mang tính tự phát. Nhu cầu cấp thiết lúc này là cần có một học thuyết cách mạng chỉ đường, giúp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân từ tự phát trở thành tự giác, để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh lịch sử vĩ đại của mình. Trong bối cảnh đó, C.Mác và Ph.Ăngghen đã dày công nghiên cứu và kế thừa những tinh hoa tư tưởng của nhân loại, đồng thời hòa mình vào thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân để xây dựng nên một học thuyết mang tính khoa học và cách mạng, là những cơ sở lý luận khoa học, là vũ khí tư tưởng cho cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.

Trong tác phẩm Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị viết năm 1843, lần đầu tiên Ph.Ăngghen đứng trên lập trường giai cấp vô sản để phê phán nghiêm túc phương pháp và một số quan điểm lý luận chủ yếu của kinh tế chính trị học của giai cấp tư sản. Khi phê phán kinh tế chính trị học tư sản, Ph.Ăngghen đã đi đến kết luận phải tiêu diệt sở hữu tư nhân, nêu ra tính tất yếu của cách mạng xã hội. Ph.Ăngghen cho rằng nguyên nhân của cách mạng xã hội bắt nguồn từ sự phát triển của các mâu thuẫn khách quan do sở hữu tư nhân tạo nên. Sự phủ định chế độ tư hữu được thực hiện thông qua vai trò lịch sử của giai cấp vô sản - điều mà Ph.Ăngghen phân tích sâu sắc trong Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh sau này. Cũng thời gian đó, Ph.Ăngghen công bố bài Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học (1844), C.Mác coi đó là một tác phẩm thiên tài về khoa chính trị kinh tế học của giai cấp vô sản.

Khi ở Manchester (1842 - 1844), tận mắt chứng kiến sự khốn cùng và những nỗi đau khổ của công nhân, Ph.Ăngghen đã viết tác phẩm Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh (1844 - 1845). Trong đó, những vấn đề căn bản của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đã được Ph.Ăngghen bàn đến. Bằng những chứng cứ sinh động của cuộc sống và những tài liệu phong phú của chính quyền tư sản, Ph.Ăngghen đã vẽ nên bức tranh hiện thực của cuộc đời những người lao động. Ph.Ăngghen viết: “Tính tham lam bỉ ổi của giai cấp tư sản đã tạo nên bao nhiêu là bệnh tật! Phụ nữ mất khả năng sinh đẻ, trẻ con tàn tật, đàn ông yếu đuối xanh xao, nhiều người tàn phế, toàn bộ nhiều thế hệ có nguy cơ bị diệt vong, bị kiệt sức và ốm yếu, - mà tất cả chỉ là để nhét cho đầy túi của giai cấp tư sản!”(5).

Trong tác phẩm Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh, Ph.Ăngghen đi tới kết luận rằng, bản thân hoàn cảnh kinh tế của giai cấp công nhân buộc họ phải đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản. Giai cấp vô sản không những là giai cấp đau khổ mà còn là giai cấp đang đấu tranh, đang tự cứu mình. Ph.Ăngghen viết: “Như vậy là những người lao động, không những về mặt thể chất và trí tuệ, mà cả về mặt đạo đức đều bị giai cấp thống trị bỏ rơi, và phó mặc cho số mệnh. Lý lẽ duy nhất mà giai cấp tư sản dùng để chống lại công nhân khi công nhân tiến quá gần chúng, đó là pháp luật; dường như công nhân cũng là những súc vật không có lý tính, người ta chỉ dùng có một phương thức giáo dục đối với họ - đó là cái roi, một sức mạnh thô bạo không thể thuyết phục được mà chỉ để dọa nạt. Vì vậy, không lấy gì làm lạ là những người công nhân bị đối xử như súc vật, nếu không thực sự trở thành giống như súc vật thì họ chỉ có thể giữ được ý thức và tình cảm xứng đáng với con người nhờ cái lòng căm thù sôi sục và nỗi phẫn khích bên trong không gì dập tắt được đối với giai cấp tư sản giàu có đang cầm quyền. Họ chỉ còn là con người chừng nào họ lòng đầy căm giận giai cấp thống trị, một khi họ ngoan ngoãn để cho người ta tròng ách lên cổ và chỉ tìm cách sống dễ chịu hơn đôi chút dưới cái ách đó mà không nghĩ cách bẻ gãy nó đi, thì họ lại biến thành súc vật”(6). “Hiển nhiên, công nhân phải tìm cách thoát khỏi cái tình cảnh đã biến họ thành súc vật ấy, phải đấu tranh cho một tình cảnh tốt hơn, hợp với con người hơn. Nếu họ không đấu tranh chống lại lợi ích của giai cấp tư sản - lợi ích đó chính là ở chỗ bóc lột công nhân - thì cố nhiên không thể đạt được điều ấy”(7).

Khi nói về cuốn sách này, V.I.Lênin viết: “Cuốn sách ấy là một lời buộc tội ghê gớm chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản. Cuốn sách ấy gây một ấn tượng rất lớn. Đâu đâu người ta cũng dẫn chứng cuốn sách của Ăngghen, coi nó là một bức tranh miêu tả đúng nhất tình cảnh của giai cấp vô sản hiện đại. Thật thế, trước hay sau năm 1845 cũng vậy, chưa hề thấy có một cuốn sách nào miêu tả được những cảnh cùng khốn của giai cấp công nhân một cách xuất sắc và chân thực đến như thế”(8).

Trong tác phẩm Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh, Ph.Ăngghen cũng đã phân tích sâu sắc về vai trò của giai cấp vô sản với tư cách là giai cấp có khả năng lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa thông qua cách mạng vô sản. Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng của Ph.Ăngghen, nó là tiền đề để luận chứng khoa học cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, là cơ sở để biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học. Ph.Ăngghen viết: “Bất cứ lúc nào, công nhân cũng thấy giai cấp tư sản coi họ là đồ vật, là tài sản của chúng, chỉ một điểm này cũng đủ làm cho công nhân trở thành kẻ thù của giai cấp tư sản”(9).

V.I.Lênin cho rằng C.Mác và Ph.Ăngghen là “những người đầu tiên đã chỉ ra rằng giai cấp công nhân, với những yêu sách của họ, là sản phẩm tất yếu của chế độ kinh tế hiện đại là cái chế độ, cùng với việc tạo ra và tổ chức giai cấp tư sản, đang không tránh khỏi tạo ra và tổ chức giai cấp vô sản; hai ông đã chỉ ra rằng không phải những mưu toan thiện ý của những cá nhân hào hiệp, mà chính là cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản có tổ chức, sẽ giải phóng loài người khỏi những tai họa hiện đang đè lên họ”(10).

C.Mác và Ph.Ăngghen là những nhà duy vật chủ nghĩa. Xem xét thế giới và loài người một cách duy vật, hai ông nhận thấy rằng cũng như mọi hiện tượng trong giới tự nhiên đều có nguyên nhân vật chất, sự phát triển của xã hội loài người là do sự phát triển của những lực lượng vật chất, sản xuất quyết định... “Sự phát triển của lực lượng sản xuất đã tạo ra những quan hệ xã hội dựa trên chế độ tư hữu, nhưng ngày nay, chúng ta thấy cũng sự phát triển ấy của lực lượng sản xuất lại tước mất sở hữu của đa số và tập trung sở hữu đó vào tay một thiểu số rất nhỏ. Nó xóa bỏ cái chế độ sở hữu làm cơ sở cho trật tự xã hội hiện đại, nó tự hướng tới chính cái mục đích mà những người xã hội chủ nghĩa đã tự đề ra cho mình. Những người xã hội chủ nghĩa chỉ còn cần nhận rõ được lực lượng xã hội nào do địa vị của nó trong xã hội hiện nay mà quan tâm đến việc thực hiện chủ nghĩa xã hội, và làm cho lực lượng ấy giác ngộ về lợi ích và sứ mệnh lịch sử của nó. Lực lượng đó là giai cấp vô sản”(11).

Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), với sự luận giải một cách khoa học, C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định trong xã hội hiện đại, chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng nhất, triệt để nhất, có khả năng lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa. Đồng thời, Tuyên ngôn cũng chỉ rõ trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng, giai cấp công nhân tất nhiên phải lập ra chính đảng của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng.

Trong tác phẩm Chống Đuyrinh, khi nói về vai trò lịch sử của giai cấp công nhân, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ “... phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra một lực lượng bị buộc phải hoàn thành cuộc cách mạng ấy, nếu không thì sẽ bị diệt vong”(12). Rằng, “Thực hiện sự nghiệp giải phóng thế giới ấy, - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản hiện đại”(13). V.I.Lênin cũng khẳng định “Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng rõ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa”(14). Vì vậy, “C.Mác và Ph.Ăngghen đặt tất cả hy vọng của mình vào sự lớn lên không ngừng của giai cấp vô sản. Càng có nhiều người vô sản bao nhiêu thì lực lượng của họ, với tư cách là giai cấp cách mạng, càng lớn lên bấy nhiêu, thì chủ nghĩa xã hội càng tới gần và càng có khả năng được thực hiện bấy nhiêu”(15).

V.I.Lênin cho rằng: “Có thể vắn tắt nêu công lao của C.Mác và Ph.Ăngghen đối với giai cấp công nhân như sau: hai ông đã dạy cho công nhân tự nhận thức được mình và có ý thức về mình, và đã đem khoa học thay thế cho mộng tưởng”(16). Đồng thời, C.Mác và Ph.Ăngghen dạy cho công nhân phương pháp đấu tranh trong sự nghiệp cách mạng lâu dài.

Về mặt nhận thức, sau khi đã “nắm bắt thời đại bằng tư tưởng”, chủ nghĩa Mác đã chấm dứt thời kỳ “mò mẫm như trong đêm tối” của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình. Lý luận của Mác được truyền bá rộng rãi trên toàn thế giới, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến mọi quốc gia - dân tộc, đến các nền văn hóa - chính trị trong nhiều bối cảnh lịch sử khác nhau.

“Ph.Ăngghen là người đầu tiên đã nói rằng giai cấp vô sản không phải chỉ là giai cấp đau khổ, rằng chính địa vị kinh tế nhục nhã của giai cấp vô sản thúc đẩy, một cách không gì ngăn cản nổi, nó tiến lên và buộc nó phải đấu tranh cho sự giải phóng cuối cùng của nó. Và giai cấp vô sản đấu tranh sẽ tự mình giúp bản thân mình. Phong trào chính trị của giai cấp công nhân nhất định sẽ dẫn công nhân đến chỗ hiểu rằng đối với họ, không có lối thoát nào khác hơn là chủ nghĩa xã hội”(17). Rằng, việc giải phóng giai cấp vô sản phải là sự nghiệp của bản thân giai cấp vô sản.

Ph.Ăngghen cho rằng: “Nghiên cứu những điều kiện lịch sử và do đó, nghiên cứu chính ngay bản chất của sự biến đổi ấy, và bằng cách ấy làm cho giai cấp hiện nay đang bị áp bức và có sứ mệnh hoàn thành sự nghiệp ấy hiểu rõ được những điều kiện và bản chất của sự nghiệp của chính họ - đó là nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội khoa học, sự thể hiện về mặt lý luận của phong trào vô sản”(18).

Trong tác phẩm Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh, Ph.Ăngghen viết: “Theo nguyên tắc của nó, thì chủ nghĩa cộng sản vượt lên trên sự thù địch giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản; nó chỉ thừa nhận ý nghĩa lịch sử của sự thù địch đối với hiện tại, nhưng lại phủ nhận tính tất yếu của sự thù địch trong tương lai; chủ nghĩa cộng sản chính là nhằm mục đích thủ tiêu sự thù địch ấy. Khi sự thù địch ấy hãy còn, thì chủ nghĩa cộng sản cho rằng giai cấp vô sản căm phẫn với những kẻ nô dịch họ là điều tất nhiên, là đòn bẩy quan trọng nhất của phong trào công nhân đang bắt đầu; nhưng chủ nghĩa cộng sản còn đi xa hơn sự căm phẫn ấy, bởi vì nó không chỉ là sự nghiệp của riêng một mình công nhân mà còn là sự nghiệp của toàn thể loài người”(19).

Ph.Ăngghen cho rằng, giai cấp công nhân càng nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và lý tưởng của mình thì cuộc đấu tranh càng nhanh chóng thắng lợi.  “Giai cấp vô sản càng tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa thì cách mạng sẽ càng ít đổ máu, báo thù và tàn khốc”(20).

Về mặt đấu tranh, V.I.Lênin viết, trước khi C.Mác và Ph.Ăngghen xuất hiện “có nhiều người, có tài và vô tài, lương thiện và bất lương, say sưa đấu tranh cho tự do chính trị, đấu tranh chống lại chế độ chuyên chế của bọn vua chúa, cảnh sát và thầy tu, đã không nhìn thấy sự đối lập giữa lợi ích của giai cấp tư sản với lợi ích của giai cấp vô sản. Những người ấy không thừa nhận ngay cả đến ý nghĩ cho rằng công nhân có thể hoạt động với tư cách là một lực lượng xã hội độc lập. Mặt khác, có nhiều người mộng tưởng, đôi khi lại là những thiên tài, nghĩ rằng chỉ cần thuyết phục cho những nhà cầm quyền và các giai cấp thống trị thấy được tính chất bất công của chế độ xã hội hiện hành là cũng đủ để dễ dàng kiến tạo trên trái đất một nền hòa bình và một nền thịnh vượng chung. Họ mơ tưởng có chủ nghĩa xã hội mà không cần đấu tranh. Cuối cùng, hầu hết những người xã hội chủ nghĩa lúc đó và nói chung, những người bạn của giai cấp công nhân chỉ thấy rằng giai cấp vô sản là một ung nhọt, họ khiếp sợ thấy ung nhọt ấy lớn lên cùng với sự phát triển của công nghiệp. Cho nên tất cả bọn họ đều tìm cách chặn sự phát triển của công nghiệp và của giai cấp vô sản lại, chặn “bánh xe lịch sử” lại”(21).

C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Toàn bộ lịch sử thành văn từ trước đến nay là lịch sử đấu tranh giai cấp, là sự thay thế nhau của những nền thống trị và những cuộc chiến thắng của những giai cấp xã hội này đối với những giai cấp xã hội khác. Và tình trạng ấy sẽ còn kéo dài mãi, chừng nào mà những cơ sở của đấu tranh giai cấp và của sự thống trị giai cấp - tức là chế độ tư hữu và sự sản xuất xã hội vô tổ chức - vẫn chưa mất đi. Lợi ích của giai cấp vô sản đòi hỏi phải tiêu diệt những cơ sở ấy, và do đó cuộc đấu tranh giai cấp tự giác của những công nhân có tổ chức phải nhằm chống lại những cơ sở ấy”(22).

Thông qua các hình thức đấu tranh từ sơ khai, thô sơ, cục bộ đến đấu tranh cách mạng sâu sắc, toàn diện, giai cấp công nhân ngày càng mạnh mẽ. Trong tác phẩm Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh, Ph.Ăngghen viết, hình thức sớm nhất, thô sơ nhất và ít hiệu quả nhất của sự phản kháng là phạm tội. Công nhân phải sống nghèo khổ, bần cùng mà lại thấy đời sống của kẻ khác khá hơn mình; anh ta không hiểu tại sao chính anh ta là người lao động cho xã hội nhiều hơn bọn nhà giàu ăn không ngồi rồi, mà lại phải chịu thiếu thốn như thế. Tiếp theo, dùng bạo lực để chống lại việc sử dụng máy móc, phá máy móc, phá hủy công xưởng. Nhưng hình thức phản kháng ấy cũng có tính chất cô lập, hạn chế ở những khu vực cá biệt và chỉ đạt được thắng lợi chốc lát. Năm 1824, khi công nhân có quyền tự do lập hội thì những công liên ra đời. Lịch sử của những công liên ấy là một chuỗi dài những thất bại của công nhân, chỉ có vài lần thắng lợi cá biệt. Rõ ràng, muốn đập tan thế lực của giai cấp tư sản thì ngoài công liên và bãi công ra, công nhân còn cần phải có cái gì khác hơn thế nữa. Công nhân đã hiểu rằng sự thống trị của giai cấp tư sản chỉ xây dựng được trên sự cạnh tranh giữa công nhân với nhau, tức là xây dựng trên sự chia rẽ của giai cấp vô sản, trên sự đối lập giữa những loại công nhân này với những loại công nhân khác. Khi công nhân không còn cạnh tranh lẫn nhau nữa, khi mọi người đều hạ quyết tâm không để cho giai cấp tư sản bóc lột mình nữa thì vương quốc của chế độ tư hữu đến ngày tận số. “Cuộc chiến tranh của người nghèo chống người giàu, hiện đang gián tiếp tiến hành bằng hình thức xung đột nhỏ cá biệt, sẽ trở thành cuộc chiến tranh toàn diện và công khai”(23). “Sự phân hóa giai cấp ngày càng gay gắt, tinh thần phản kháng ngày càng ăn sâu vào lòng người công nhân, sự căm phẫn càng tăng, những cuộc xung đột cá biệt kiểu du kích đang mở rộng thành những cuộc chiến đấu và thị uy lớn hơn, và không lâu nữa, chỉ cần một sự va chạm nhẹ cũng đủ gây nên sóng gió lở đất long trời”(24).

Ngoài việc xây dựng “vũ khí lý luận” cho giai cấp vô sản, Ph.Ăngghen còn đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tổ chức những người theo chủ nghĩa xã hội ở châu Âu, dành nhiều thời gian, công sức truyền bá tư tưởng, lý luận cách mạng và khoa học của C.Mác, xây dựng các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân.

Năm 1864, C.Mác đã sáng lập ra “Hội liên hiệp lao động quốc tế” và lãnh đạo hội đó suốt trong 10 năm. Ph.Ăngghen cũng đã tham gia tích cực vào công tác của hội đó. Hoạt động của “Hội liên hiệp lao động quốc tế”, - hội, theo Mác, đã đoàn kết được vô sản ở tất cả các nước - có tác dụng to lớn đối với sự phát triển của phong trào công nhân. Qua đó, người ta có thể nói vai trò của Ph.Ăngghen, với tư cách là người lãnh đạo thực sự của phong trào công nhân, làm cho phong trào công nhân phát triển không ngừng.

Sau khi C.Mác mất, Ph.Ăngghen vẫn một mình tiếp tục làm người cố vấn và chỉ đạo cho những người xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Đến xin ông cho ý kiến và chỉ dẫn có cả những người xã hội chủ nghĩa Đức, là những người mà lực lượng của họ, tuy bị chính phủ truy bức nhưng vẫn không ngừng lớn lên nhanh chóng, và cả những đại biểu của các nước lạc hậu, chẳng hạn người Tây Ban Nha, người Rumani, người Nga, là những người đang phải suy nghĩ và đắn đo trong bước đi đầu tiên của họ. Tất cả họ đều nhờ đến kho tàng tri thức và kinh nghiệm phong phú của Ph.Ăngghen.

V.I.Lênin đã khẳng định, Ph.Ăngghen là một “bó đuốc sáng ngời” trong những trí tuệ anh minh, là một “trái tim vĩ đại” trong những trái tim nhân loại. Ph.Ăngghen, người chiến sĩ và người thầy vĩ đại của giai cấp vô sản, đời đời sống mãi!

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1), (14) V.I.Lênin, Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.50, 1.

(2) V.I.Lênin, Sđd, t.1, tr.421.

(3), (4), (8), (10), (11), (15), (16), (17), (21), (22) V.I.Lênin: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.3, 3, 8, 3, 7, 5, 5, 7-8, 4-5, 3-4.

(5), (6), (7), (9), (19), (20), (23), (24) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.535-536, 471, 592, 592, 697, 697, 698, 698.

(12), (13), (18) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.388-389, 393, 393.

PGS, TS Đặng Quang Định

Viện Triết học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền