Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Những cống hiến của Ph.Ăngghen đối với phép biện chứng duy vật
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 07:56
11420 Lượt xem

Những cống hiến của Ph.Ăngghen đối với phép biện chứng duy vật

(LLCT) - Với đức tính giản dị, khiêm nhường, luôn tự đặt mình sau C.Mác và chỉ nhận là “cây vĩ cầm thứ hai” bên cạnh C.Mác, khẳng định học thuyết do hai người sáng lập “chỉ cần mang tên C.Mác là đủ” vì tất cả những gì ông viết “C.Mác không thể không biết”, song nhân loại sẽ không bao giờ quên Ph.Ăngghen - con người vĩ đại với những cống hiến to lớn cho phong trào cộng sản quốc tế và lịch sử tư tưởng nhân loại. Ngoài những tác phẩm viết chung cùng C.Mác, Ph.Ăngghen còn có nhiều tác phẩm riêng, qua đó thể hiện một trí tuệ uyên bác, tư duy độc lập, sáng tạo và công lao to lớn của ông đối với sự hình thành, phát triển toàn bộ chủ nghĩa Mác cũng như triết học Mác nói chung, phép biện chứng duy vật nói riêng. 

Từ khóa: Ph.Ăngghen, phép biện chứng duy vật.

Những cống hiến của Ph.Ăngghen đối với phép biện chứng duy vật là vô cùng to lớn, toàn diện và sâu sắc, song có thể tóm lược ở những điểm cơ bản sau:

Một là, phân biệt rõ sự khác nhau căn bản giữa phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình, trình bày khái niệm phép biện chứng trên lập trường duy vật khoa học.

Qua nhiều tác phẩm (điển hình là Chống Đuyrinh), Ph.Ăngghen phân tích hình thức đặc thù của phương pháp tư duy siêu hình được hình thành và biểu hiện rõ rệt nhất ở thế kỷ XVII - XVIII, là sản phẩm của khoa học tự nhiên nghiên cứu sự vật hiện tượng như những cái tĩnh tại, bất biến, không vận động và phát triển, không liên hệ và chuyển hóa.

Theo ông, nền khoa học tự nhiên thực sự chỉ có được từ nửa cuối thế kỷ XV trở đi và những thành tựu của nó đem lại đã giúp con người nhận thức giới tự nhiên sâu sắc hơn, chi tiết hơn. Song, việc chia tách giới tự nhiên ra thành nhiều mảnh, giải phẫu từng bộ phận của sự vật, cố định các mối liên hệ, biệt lập các quá trình của tự nhiên để nghiên cứu cấu tạo chi tiết bên trong của chúng cũng dẫn đến những hạn chế không thể tránh khỏi - chỉ thấy những sự vật riêng lẻ mà không thấy mối liên hệ qua lại giữa chúng, chỉ thấy những sự vật trong trạng thái bất động, chết cứng mà không thấy sự vận động, phát triển, tiêu vong của chúng, nghĩa là “chỉ nhìn thấy cây mà không thấy rừng”. Phương pháp đó được các nhà triết học thế kỷ XVII - XVIII, điển hình là Ph.Bêcơn, G.Lốccơ “chuyển từ khoa học tự nhiên vào triết học”, đã dẫn đến tính hạn chế đặc thù của phương pháp tư duy siêu hình trong triết học - chỉ thừa nhận sự tương phản hoàn toàn trực tiếp theo kiểu “có là có, không là không”, “hoặc tồn tại hoặc không tồn tại”, “hoặc khẳng định hoặc phủ định”, “hoặc là nguyên nhân, hoặc là kết quả”..., còn nếu trái lại thì chỉ là “trò xảo quyệt”.

Nhận định về phương pháp tư duy siêu hình, mặc dù khẳng định những giá trị, sự cần thiết và ý nghĩa nhất định của nó trong những điều kiện cụ thể, song Ph.Ăngghen cũng chỉ rõ những hạn chế khiến nó sa vào mâu thuẫn không thể giải quyết được một khi đi quá giới hạn chật hẹp của nó: “Phương pháp nhận thức siêu hình, dù được coi là chính đáng và thậm chí là cần thiết trong những lĩnh vực nhất định ít nhiều rộng lớn tùy theo tính chất của đối tượng nghiên cứu, nhưng chóng hay chầy nó cũng sẽ gặp phải một ranh giới mà nếu nó vượt quá thì nó trở thành phiến diện, hạn chế, trừu tượng và sa vào những mâu thuẫn không thể nào giải quyết được”(1). Do đó, phương pháp tư duy biện chứng thay thế phương pháp tư duy siêu hình là một tất yếu trong sự phát triển của khoa học và cũng là yêu cầu của cuộc sống đang đặt ra. Sự khác biệt căn bản của phương pháp biện chứng với phương pháp siêu hình là ở chỗ, đối với phép biện chứng thì “không có gì là tối hậu, là tuyệt đối, là thiêng liêng cả. Nó chỉ ra - trên mọi sự vật và trong mọi sự vật - dấu ấn của sự suy tàn tất yếu, và đối với nó, không có gì tồn tại ngoài quá trình không ngừng của sự hình thành và sự tiêu vong, của sự tiến triển vô cùng tận từ thấp lên cao”(2). Hơn nữa, phương pháp biện chứng khác phương pháp siêu hình không chỉ trong nghiên cứu giới tự nhiên mà còn thể hiện trong quan niệm về lịch sử xã hội và tư duy con người, bởi trong cách nhìn biện chứng thì toàn bộ thế giới tự nhiên, lịch sử và tinh thần được hiểu như một quá trình, luôn vận động, biến đổi và phát triển không ngừng.

Thông qua những dẫn chứng sinh động, phân biệt rõ sự khác biệt căn bản giữa phương pháp biện chứng và phương pháp siêu hình, Ph.Ăngghen nêu định nghĩa về phép biện chứng một cách khoa học, dựa trên lập trường duy vật vững chắc: “phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”(3). Ông cũng phân tích làm rõ sự thống nhất và khác biệt giữa biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan, chỉ rõ biện chứng chủ quan (tức tư duy biện chứng, hay phép biện chứng) không phải là sự tư biện thuần túy tách rời hiện thực, mà thực chất chỉ là sự phản ánh biện chứng khách quan vào trong những “bộ óc biết tư duy”. Nếu biện chứng khách quan là quá trình vận động của thế giới vật chất, của hiện thực khách quan trong mối liên hệ, sự ràng buộc, sự sinh thành, biến đổi, phát triển và tiêu vong của chúng, thì “phép biện chứng ở trong đầu óc người ta chỉ là sự phản ánh của những hình thức vận động của thế giới hiện thực, những hình thức vận động của cả giới tự nhiên lẫn lịch sử”(4).

Hai là, chỉ rõ sự khác nhau về chất giữa phép biện chứng duy vật với các hình thức khác của phép biện chứng.

Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của tư duy nhân loại, Ph.Ăngghen chỉ ra, phép biện chứng xuất hiện từ lâu trong lịch sử nhận thức của loài người, trải qua các giai đoạn phát triển gắn liền với các hình thức tương ứng của chúng: phép biện chứng tự phát, mộc mạc, sơ khai thời cổ đại; phép biện chứng duy tâm, mà đỉnh cao là phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức; phép biện chứng duy vật - “không chỉ khác căn bản với phép biện chứng duy tâm mà còn đối lập hẳn với nó”, như C.Mác từng khẳng định.

Về hình thức thứ nhất của phép biện chứng, Ph.Ăngghen chứng minh lần đầu tiên được nảy sinh một cách tự phát ở thời cổ đại, thể hiện rõ nét trong triết học Hy Lạp qua những đại biểu điển hình của nó. Thực tế cũng cho thấy, trong triết học Hy Lạp cổ đại, Hêraclit đã nhìn thấy quá trình không ngừng phát sinh, biến đổi rồi tiêu vong của mọi sự vật hiện tượng và trình bày điều đó một cách khá rõ ràng. Trong triết học của Arixtôt, những hình thức căn bản nhất của tư duy biện chứng cũng đã được phác họa trên những nét chủ yếu. Hình thức ban đầu này của phép biện chứng xuất hiện một cách tự nhiên, mang tính thuần phác vì nó “chưa bị khuấy đục” bởi chủ nghĩa siêu hình. Theo Ph.Ăngghen, so với phương pháp tư duy siêu hình của thế kỷ XVII - XVIII sau này, nếu xét về chi tiết, chủ nghĩa siêu hình chính xác hơn, nhưng nếu xét về toàn thể, những người Hy Lạp lại đúng hơn. Tuy nhiên, do tư duy con người chưa đạt đến trình độ đi sâu phân tích giới tự nhiên mà chủ yếu mới dừng lại ở sự quan sát trực tiếp, sự phỏng đoán về thế giới nên phép biện chứng ban đầu sơ khai đó mặc dù cơ bản là đúng, nắm bắt được tính chất chung của toàn bộ bức tranh về các sự vật, hiện tượng trong thế giới, song hạn chế căn bản của nó là “vẫn không đủ để giải thích những chi tiết hợp thành bức tranh toàn bộ, và chừng nào chúng ta chưa biết được các chi tiết ấy thì chúng ta chưa thể hiểu rõ được bức tranh toàn bộ ấy”(5).

Về hình thức thứ hai của phép biện chứng, Ph.Ăngghen nhận định: “Hình thức thứ hai của phép biện chứng... là triết học cổ điển Đức từ Can-tơ đến Hê-ghen”(6). Có thể nói, công lao to lớn của Hêghen là ở chỗ, trong triết học của ông, lần đầu tiên toàn bộ thế giới, từ tự nhiên đến lịch sử xã hội và tinh thần được trình bày như một quá trình vận động, biến đổi và phát triển không ngừng. Mặc dù Hêghen cũng đã đề cập đến các nguyên lý, khái quát các quy luật cơ bản và nhiều phạm trù của phép biện chứng, song nó bị bao phủ bởi lớp vỏ thần bí, duy tâm. Sai lầm của ông là ở chỗ xem những nguyên lý, phạm trù và quy luật đó là của tư duy, của thế giới tinh thần chứ không phải của hiện thực khách quan. Nói cách khác, không phải ông đúc rút những quy luật của phép biện chứng từ sự khái quát quá trình vận động của giới tự nhiên, lịch sử xã hội, mà trái lại, ông đem những quy luật thuần túy tư biện gán vào giới tự nhiên và lịch sử, bắt tự nhiên và lịch sử phải vận động tuân theo những nguyên lý và quy luật ấy. Nghĩa là, phép biện chứng đã bị “ngược đầu xuống đất”.

Phép biện chứng duy vật - hình thức cao nhất của phép biện chứng xuất hiện trên cơ sở kế thừa tinh hoa và giá trị trong hàng nghìn năm phát triển của lịch sử nhận thức, đồng thời dựa trên những tiền đề vững chắc của khoa học, nhất là khoa học tự nhiên hiện đại. Thực tế cho thấy, trước C.Mác và Ph.Ăngghen cũng đã có những nhà triết học nhận thấy yếu tố duy tâm của triết học Hêghen, phê phán nó nhưng với thái độ phủ định sạch trơn mà không thấy “hạt nhân hợp lý”, cũng là công lao lớn nhất của Hêghen đối với lịch sử tư tưởng nhân loại. Vì thế, “cùng với việc vứt bỏ chủ nghĩa Hêghen, người ta đã quăng luôn cả phép biện chứng... Kết quả là người ta lại trở thành nạn nhân của chủ nghĩa siêu hình cũ một cách không cứu vãn được”(7). Trái lại, Ph.Ăngghen cũng như C.Mác, đều đánh giá cao vai trò và những đóng góp của Hêghen đối với lịch sử phát triển tư duy loài người. Trong “Lời bạt viết cho lần xuất bản thứ hai” bộ Tư bản, C.Mác đã từng khẳng định, tính chất thần bí tuyệt nhiên không ngăn cản Hêghen trở thành “người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức” những hình thái vận động chung của phép biện chứng. Chỉ có điều, ở Hêghen, phép biện chứng “bị lộn ngược đầu xuống đất”, và người ta chỉ cần “dựng nó lại” là sẽ phát hiện được hạt nhân hợp lý đằng sau cái vỏ thần bí, duy tâm của nó. Với việc bóc lớp vỏ duy tâm thần bí, đồng thời cải tạo lại, các ông đã trình bày toàn bộ phép biện chứng một cách “rõ ràng với tất cả tính phổ biến của chúng”, khiến chúng trở nên “đơn giản và sáng sủa như ban ngày”. Ph.Ăngghen từng khẳng định, chính các ông đã “cứu phép biện chứng tự giác khỏi triết học duy tâm Đức”, đồng thời “đưa nó vào trong quan niệm vừa biện chứng vừa duy vật về tự nhiên và về lịch sử”. Chính điều đó làm cho triết học mácxít trở thành “chủ nghĩa duy vật hiện đại”, vì trong triết học ấy đã khái quát và kế thừa có chọn lọc “tất cả nội dung tư tưởng của hai nghìn năm phát triển của triết học của khoa học tự nhiên, và cả nội dung tư tưởng của chính hai nghìn năm đó nữa”, đồng thời “khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học tự nhiên”, do đó “chủ nghĩa duy vật hiện đại về bản chất là biện chứng”(8).

Ba là, Ph.Ăngghen đã hệ thống hóa, làm sâu sắc thêm nhiều nội dung của phép biện chứng duy vật thông qua tổng kết thực tiễn, khái quát lịch sử tư tưởng và tiếp thu những thành tựu mới nhất của khoa học đương thời.

Những nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt toàn bộ các tác phẩm của C.Mác và Ph.Ăngghen. Trong những tác phẩm quan trọng, ở đó phép biện chứng duy vật được thể hiện nổi bật nhất đều có dấu ấn đóng góp to lớn của Ph.Ăngghen, như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - tác phẩm đã “trình bày một cách hết sức rõ ràng, sáng sủa” phép biện chứng với tư cách là học thuyết toàn diện nhất, sâu sắc nhất về sự phát triển; hoặc như bộ Tư bản - tác phẩm mà ở đó “phép biện chứng duy vật đã được thể hiện sâu sắc và kinh điển nhất”(9). Mặt khác, qua nhiều tác phẩm độc lập của Ph.Ăngghen (tiêu biểu là Chống Đuyrinh, Biện chứng của tự nhiên, Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức...) cho thấy, ông đã góp phần hệ thống hóa, phân tích sâu sắc, cụ thể và chứng minh làm rõ nhiều nội dung của phép biện chứng duy vật bằng những dẫn chứng sinh động, khoa học và thuyết phục. Vì vậy, mặc dù không có ý định viết những cuốn sách chuyên khảo hay những cuốn sách phổ thông về vấn đề này, nhưng qua đó vẫn cho thấy các nguyên lý, quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật được trình bày, luận chứng một cách hệ thống, sáng rõ.

Trước hết, nói về hai nguyên lý với tư cách là những nội dung bao quát nhất của phép biện chứng duy vật, Ph.Ăngghen nhận định, phép biện chứng thực chất là “khoa học về sự liên hệ phổ biến”, đồng thời cũng là “khoa học về sự phát triển”. Những quy luật cơ bản của phép biện chứng chính là sự phản ánh các mối liên hệ khách quan, phổ biến và sự phát triển tất yếu của tự nhiên, lịch sử xã hội và tư duy con người. Trong Biện chứng của tự nhiên, ông viết: “Phép biện chứng là khoa học về sự liên hệ phổ biến. Những quy luật chủ yếu: sự chuyển hóa lượng thành chất, - sự xâm nhập lẫn nhau của các mâu thuẫn đối cực và sự chuyển hóa từ mâu thuẫn này sang mẫu thuẫn khác khi mâu thuẫn đó lên tới cực độ, - sự phát triển bằng mẫu thuẫn hoặc phủ định của phủ định, - phát triển theo hình thức xoáy trôn ốc”(10). Không chỉ khái quát một cách khoa học những đặc trưng cốt yếu cùng nội dung các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật, ông còn chỉ ra những biểu hiện của chúng trong giới tự nhiên với nhiều dẫn chứng cụ thể, khoa học và sinh động để minh chứng “đó là những quy luật phát triển thực sự của tự nhiên” chứ không phải do trí tưởng tượng của con người bịa đặt ra.

Về quy luật “sự chuyển hóa lượng thành chất”, cùng với việc làm rõ tính khách quan, vốn có cũng như sự thống nhất của lượng và chất trong mọi sự vật hiện tượng, Ph.Ăngghen còn chỉ ra tính tất yếu của sự chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng, rằng sự thay đổi về chất của sự vật chỉ có thể có được khi diễn ra quá trình biến đổi về lượng của nó. Ông nhận định, vì “Tất cả những sự khác nhau về chất trong giới tự nhiên đều dựa hoặc là trên thành phần hóa học khác nhau, hoặc là trên những số lượng hay hình thức vận động (năng lượng) khác nhau, hoặc như trong hầu hết mọi trường hợp, đều dựa trên cả hai cái đó”, do đó “nếu không thêm vào hoặc bớt đi một số vật chất hay vận động, nghĩa là nếu không thay đổi một vật thể về mặt số lượng, thì không thể thay đổi được chất lượng của vật thể ấy”(11). Mặt khác, Ph.Ăngghen còn khảo sát biểu hiện cụ thể của quy luật này trong các lĩnh vực của giới tự nhiên: Trong cơ giới, chất lượng được biểu hiện chủ yếu ở những trạng thái như cân bằng, vận động, thế năng... dựa trên sự truyền dẫn của vận động có thể đo được (lượng). Vì vậy, “nếu có sự biến đổi nào về chất lượng thì sự biến đổi ấy phải do một sự biến đổi tương ứng về số lượng quyết định”(12). Trong lĩnh vực vật lý, qua ví dụ về sự thay đổi trạng thái của nước gắn với những biến đổi tương ứng về nhiệt độ cùng nhiều dẫn chứng khác, ông chứng minh “mọi sự biến hóa đều là sự đổi lượng thành chất, là kết quả của sự biến đổi về lượng của số lượng vận động”, và “những cái mà người ta gọi là hằng số vật lý học thì phần nhiều là chỉ những điểm nút, ở những điểm ấy chỉ cần đem thêm vào hoặc bớt đi một số lượng vận động thì biến đổi được trạng thái của vật thể về chất, cho nên ở những điểm ấy, lượng đổi thành chất”(13). Biểu hiện của quy luật này trong lĩnh vực hóa học lại càng đặc biệt rõ, do đó, “Người ta có thể gọi hóa học là khoa học của sự biến đổi về chất của vật thể sinh ra do sự thay đổi về thành phần số lượng”(14). Theo ông, không chỉ trong giới tự nhiên vô cơ mà kể cả trong giới hữu sinh cũng như lịch sử xã hội loài người đều chứng thực quy luật ấy một cách rõ ràng. Vì thế, “Chúng ta còn có thể rút ra trong giới tự nhiên và trong đời sống xã hội loài người hàng trăm những sự việc tương tự như thế để chứng minh cho quy luật này”(15). Để chứng tỏ điều đó, Ph.Ăngghen còn dẫn lời của Napôlêông so sánh về khả năng chiến đấu của đội kỵ binh Pháp (tuy kém về tài nghệ cá nhân nhưng có kỷ luật), với kỵ binh Ma-me-lúc (giỏi về chiến đấu đơn độc nhưng thiếu kỷ luật). Ông cũng lấy dẫn chứng về sự chuyển hóa của tiền thành tư bản mà C.Mác đã phân tích rất rõ trong bộ Tư bản để minh họa biểu hiện của quy luật này trong đời sống và lịch sử xã hội.

Về quy luật “sự xâm nhập lẫn nhau của các mặt đối lập”, cùng với việc đấu tranh, phê phán quan điểm duy tâm, siêu hình phủ nhận sự tồn tại của mâu thuẫn trong hiện thực khách quan, xem quan niệm biện chứng về mâu thuẫn chỉ là sự tưởng tượng hoang đường, Ph.Ăngghen minh chứng mâu thuẫn tồn tại khách quan trong mọi lĩnh vực, mọi sự vận động, đồng thời còn là nguồn gốc của mọi sự vận động, biến hóa và phát triển. Theo ông, trong thực tế, hoàn toàn không có sự khác biệt tuyệt đối giữa các mặt đối lập. Mặt khác, sự vận động ở khắp mọi nơi, suy cho cùng đều là kết quả của sự tác động qua lại giữa các mặt đối lập; sự đấu tranh và không ngừng chuyển hóa của các mặt đối lập là yếu tố quy định sự sống còn của toàn bộ giới tự nhiên. Ông phân tích một cách cụ thể và chi tiết về những mâu thuẫn tồn tại trong các lĩnh vực của tự nhiên, như: giữa lực hút và lực đẩy trong cơ học, giữa điện tích âm và điện tích dương trong vật lý học, giữa hóa hợp và phân giải các chất trong hóa học; giữa đồng hóa và dị hóa, di truyền và biến dị trong giới sinh vật. Chính nhờ sự vận động của các mâu thuẫn, sự chuyển hóa của các mặt đối lập mà giới phi sinh vật biến đổi từ giản đơn đến phức tạp, giới sinh vật phát triển từ những sinh vật bậc thấp lên các sinh vật bậc cao. Trên cơ sở đó, ông đi đến kết luận: “Bản thân sự vận động đã là một mâu thuẫn... Và sự nảy sinh thường xuyên và việc giải quyết đồng thời mâu thuẫn này - đó cũng chính là sự vận động”(16). Ông còn chỉ ra rằng, nếu ngay cả những dạng vận động cơ học đơn giản cũng chứa đựng mâu thuẫn thì ở những hình thức vận động cao hơn không thể không có mâu thuẫn, kể cả tư duy con người: “Nếu như điện, từ v.v. đều phân cực, đều vận động trong những mặt đối lập, thì tư duy cũng thế”(17).

Về quy luật phủ định của phủ định, Ph.Ăngghen cho rằng, người ta có thể dễ dàng nhận thấy đó là quá trình vô cùng giản đơn và phổ biến, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống bởi nó bắt nguồn từ chính những mâu thuẫn bên trong của mọi sự vật, từ sự sinh trưởng của hạt đại mạch cho đến những loài cây cảnh như thược dược, hoa lan cũng như tất cả các sự vật hiện tượng khác. Quy luật này được thực hiện một cách vô thức, tự phát trong tự nhiên, trong lịch sử và cả trong đầu óc, trong tư duy con người trước khi con người nhận thức được nó. Ph.Ăngghen còn chỉ ra sự đối lập giữa quan niệm biện chứng với quan niệm siêu hình về sự phủ định, thông qua đó chứng minh quy luật phủ định của phủ định là “một quy luật vô cùng phổ biến và chính vì vậy mà có một tầm quan trọng và có tác dụng vô cùng to lớn về sự phát triển của tự nhiên, của lịch sử và của tư duy; một quy luật, như ta đã thấy, biểu hiện trong giới động vật và thực vật, trong địa chất học, toán học, lịch sử, triết học”(18).

Ngoài ra, nội dung của các cặp phạm trù quan trọng, như: nguyên nhân - kết quả, tất nhiên - ngẫu nhiên, bản chất - hiện tượng... với sự thống nhất và chuyển hóa lẫn nhau giữa chúng cũng được Ph.Ăngghen luận giải một cách rõ ràng, sâu sắc với những dẫn chứng cụ thể, thuyết phục, không thể chối cãi.

Như vậy, nếu C.Mác đã phân tích một cách khoa học phép biện chứng trong sự vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người thông qua bộ Tư bản thì Ph.Ăngghen với những công trình độc lập của mình đã làm rõ phép biện chứng trong quá trình vận động của giới tự nhiên, tìm ra điểm kết nối và sự chuyển hóa biện chứng giữa lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, góp phần hoàn chỉnh lý luận mácxít về phép biện chứng duy vật. Những sự phân tích, bổ sung, phát triển của Ph.Ăngghen là thành tố hữu cơ của triết học Mác và là một trong những cống hiến lý luận đặc sắc của ông đối với phép biện chứng duy vật. Kể từ khi ra đời, phép biện chứng duy vật đã trở thành công cụ sắc bén của nhận thức khoa học và hoạt động thực tiễn của nhân loại tiến bộ. Thực tế cũng đã chứng minh, mọi sự vi phạm các nguyên tắc của phép biện chứng duy vật sẽ đều phải trả giá, đúng như lời cảnh báo của Ph.Ăngghen rằng: “khinh miệt phép biện chứng thì không thể không bị trừng phạt”, cụ thể là “sẽ bị trừng phạt như sau: nó đưa một số người thực nghiệm chủ nghĩa tỉnh táo nhất sa vào chỗ dị đoan ngu xuẩn nhất, sa vào thần linh học cận đại”(19)

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (17), (18), (19) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.20, tr. 37, 201, 682, 35, 492, 489, 42, 455, 511, 513, 514, 514, 181,172-173, 697, 200, 508.

(2) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t.21, tr. 395.

(9) Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Lịch sử phép biện chứng, t.IV, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.99.

TS Phan Mạnh Toàn

Viện Triết học,

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền