Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đồng chí Tố Hữu - Ngòi bút sắc bén trong đấu tranh cách mạng
Thứ tư, 24 Tháng 2 2021 08:42
3705 Lượt xem

Đồng chí Tố Hữu - Ngòi bút sắc bén trong đấu tranh cách mạng

(LLCT) - Đồng chí Tố Hữu (4/10/1920 - 9/12/2002) là một trong những nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, người cộng sản kiên trung của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã có những cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những dấu ấn trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tư tưởng, lý luận... Như Đảng ta đã ghi nhận: “Đồng chí Tố Hữu là một nhà hoạt động chính trị, đồng thời là một nhà thơ lớn có công khai sáng và dẫn dắt nền văn học cách mạng Việt Nam; những tác phẩm của đồng chí là những bài ca cách mạng, phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu tính trữ tình, có sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước”(1).

Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Tư liệu

Từ khóa: Tố Hữu.

1. “Con chim đầu đàn của nền thi ca cách mạng”

Đồng chí Tố Hữu bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình bằng thơ. Đồng chí Phan Đăng Lưu(2) đã gợi ý, khuyến khích người thanh niên giàu nhiệt huyết cách mạng Tố Hữu làm thơ về những người lao động nghèo khổ, những kẻ ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi... để thức tỉnh nhân dân. Những bài thơ đầu tiên của Tố Hữu viết về những mảnh đời khổ cực (bài Mồ côi), sự bất công trong xóm chợ nhỏ, về thân phận con người (bài Hồn chiến sỹ), người già cả nghèo khổ đi ở (bài Lão đầy tớ), đến những bài thơ kêu gọi đứng dậy đấu tranh (Hầm người, Hãy đứng dậy, Liên hiệp lai, Như những con tàu, Quyết đề kháng, Ly rượu thọ...), tất cả đều là những hình ảnh chân thực của cuộc sống hiện thực đầy áp bức, bất công, vì vậy, dễ đi vào lòng người, thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, cổ vũ mọi người đứng lên giành độc lập tự do.

Những bài thơ của Tố Hữu được đăng trên báo Dân, Nhành lúa ở Huế trong cao trào dân chủ 1936-1939. Sau khi các tòa báo đó bị thực dân Pháp đóng cửa, thơ Tố Hữu được đăng trên các báo ở Hà Nội như Thế giới của Đoàn Thanh niên Dân chủ, báo Mới ở Sài Gòn... Thơ Tố Hữu đánh dấu một hiện tượng mới, như nhận định của Đảng: “khai sáng và dẫn dắt” một trào lưu thơ mới - thơ ca cách mạng, mặc dù lúc này trong phong trào Thơ mới đã có rất nhiều thi sĩ tên tuổi như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Huy Thông, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp...

Năm 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam cầm tại các nhà lao, nhà đày, nhà tù ở miền Trung như Lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo (Quảng Trị), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Quy Nhơn (Bình Định), Đắk Lay (Kon Tum)... Trong lao tù, đồng chí cùng những người tù cộng sản, với tinh thần kiên trung, bất khuất đã không ngừng tranh đấu, tìm mọi cách để thành lập chi bộ nhà tù, duy trì sinh hoạt chính trị, “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Trong hoàn cảnh bị tù đầy khắc nghiệt, Tố Hữu vẫn không ngừng sáng tác, viết thơ: Bài hát kêu gọi binh lính, Nhớ đồng, Khi con tu hú, Trăng trối, Con cá chột nưa, Quyết hy sinh, Bà má Hậu Giang, Tiếng hát đi đày... Những bài thơ ra đời trong bối cảnh đặc biệt này là lời động viên bản thân và đồng đội, kêu gọi anh em giữ tròn khí tiết, vững tin vào tương lai tất thắng của sự nghiệp cách mạng.

Năm 1942, Tố Hữu đã mưu trí vượt ngục, trở về hoạt động cách mạng, được nhân dân che chở, nuôi giấu, đồng chí trực tiếp thảo tài liệu, truyền đơn, chỉ thị, viết báo Đuổi giặc nước (tại Thanh Hóa), đồng thời trực tiếp chỉ đạo việc in ấn và giao cho đội tự vệ phát hành trong tỉnh, để tuyên truyền chủ trương của Đảng. Tháng 2-1945, tờ báo được đổi tên thành Khởi nghĩa, nhằm phát động quần chúng vùng lên đánh đuổi giặc, cứu nước. Sau đó, khi hoạt động ở Vinh, đồng chí cho ra báo Kháng địch... Những tờ báo thời kỳ tiền khởi nghĩa ghi đậm dấu ấn của Tố Hữu và có tác dụng to lớn trong việc tập hợp, tổ chức lực lượng cách mạng ở các tỉnh Bắc Trung Bộ cùng cả nước làm nên thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Trong hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng đất nước sau này, Tố Hữu là nhà lãnh đạo trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, khoa học, giáo dục... Đồng chí là một trong số  các nhà chính trị viết rất nhiều các tác phẩm lý luận, viết báo, viết thơ... Đặc biệt, những bài thơ của Tố Hữu có phong cách riêng - phong cách diễn đạt rất duyên và đậm chất Huế, đã để lại dấu ấn sâu đậm, dễ thấm vào lòng người. Những tác phẩm của đồng chí là những bài ca cách mạng phản ánh chân thực các giai đoạn lịch sử, hừng hực tính chiến đấu và giàu chất trữ tình, có sức động viên, lôi cuốn rộng rãi các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Cả một hành trình làm thơ, Tố Hữu đã cho ra đời nhiều tập thơ có tiếng vang lớn, được đa số nhân dân thuộc lòng, ghi nhớ, như: Từ ấy (1936-1946), Việt Bắc (1947-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đờn (1979-1992) và Ta với ta (1992-2002)...

Trong vai trò người lãnh đạo trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, văn nghệ suốt hai cuộc kháng chiến cứu nước và nhiều năm sau này, đồng chí đã dùng tài thơ, ngòi bút sắc bén của mình làm vũ khí trong tuyên truyền, đấu tranh cách mạng, từ đó xây dựng nên những con người: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa”, đến “Em thơ cũng hóa những anh hùng”...

Sự nghiệp chính trị và thơ ca hòa làm một trong con người tài hoa, đã mang lại những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, như lời bộc bạch rất chân tình của đồng chí: “Suốt đời tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: Trăm năm duyên kiếp ĐẢNG và THƠ”. Tố Hữu đã dùng ngòi bút của mình để viết thơ cách mạng, thơ kháng chiến, đã thực sự chinh phục được tình cảm yêu mến, sự đam mê sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ người đọc, góp phần to lớn vào việc tuyên truyền và tổ chức thực hiện đường lối cách mạng của Đảng, góp phần vào sự phát triển của văn học Việt Nam.

2. Nhà lý luận chính trị sắc sảo

Tố Hữu luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”(3); “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để tranh lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”(4); “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”(5)... Đồng chí Tố Hữu luôn quán triệt phương châm sống, chiến đấu phục vụ dân tộc, phục vụ Đảng làm tiêu chuẩn.

Năm 1947, Trung ương Đảng điều động Tố Hữu lên Việt Bắc nhận nhiệm vụ Trưởng Tiểu ban văn nghệ Trung ương, đồng thời phụ trách Hội Văn hóa cứu quốc. Đồng chí đã chỉ đạo triển khai hiệu quả Chỉ thị kháng chiến, kiến quốc của Trung ương Đảng về nhiệm vụ của công tác văn hóa là xây dựng nền văn hóa mới với ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học và đại chúng; trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện chủ trương đoàn kết văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa yêu nước trong Hội Văn hóa cứu quốc, khuyến khích sự sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ phục vụ sản xuất và chiến đấu.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Tố Hữu trình bày tham luận Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ đoàn kết rộng rãi những người làm công tác văn nghệ phụng sự kháng chiến, kiến quốc; đẩy mạnh sáng tác và biểu diễn, nâng cao giá trị tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm; bồi dưỡng, hướng dẫn phong trào văn nghệ quần chúng; tích cực đấu tranh chống văn nghệ phản động; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và của Chính phủ về văn nghệ. Đồng chí khẳng định triển vọng phát triển của văn nghệ nhân dân: “Giữa hoàn cảnh đấu tranh gian khổ của một dân tộc mà nền kinh tế của đất nước còn lạc hậu, lâu năm bị thực dân đô hộ, bao nhiêu năm bị nghẽn đường liên lạc quốc tế, nền văn nghệ mới của nhân dân Việt Nam đang chập chững đi những bước đầu, nhưng hướng đi của nó đã đúng, đà tiến của nó đang mạnh”(6). Đại hội đã bầu Tố Hữu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí được Trung ương Đảng giao phụ trách công tác tuyên truyền và văn hóa.

Tại Việt Bắc, cuối tháng 9-1949, Hội Văn nghệ Việt Nam đã tổ chức hội nghị tranh luận về một số vấn đề văn nghệ. Tại hội nghị, Tố Hữu đặc biệt nhấn mạnh vấn đề xây dựng một nền văn nghệ nhân dân (hay văn nghệ dân chủ mới), cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt: “Cách mạng Tháng Tám quật đổ nền thống trị của đế quốc và phong kiến thì đồng thời cũng phá vỡ những thành kiến, những xiềng xích trói buộc văn nghệ. Nhân dân giành lấy chính quyền thì đồng thời cũng giành lấy nghệ thuật, văn chương. Nhân dân muốn văn nghệ phải phụng sự nhân dân và do nhân dân xây dựng. Vấn đề văn nghệ được đặt trên nền tảng rộng lớn của hàng triệu con người tham gia vun đắp, nó đã nhìn thấy trước sức vươn lên cao vô cùng của nó”(7). Văn nghệ nhân dân đã bắt đầu mang tính chất dân tộc, đại chúng, khoa học: “Dân tộc, vì nó nói lên lòng yêu nước, căm thù, chí kiên quyết kháng chiến và tin tưởng thành công; vì nó kế tục những truyền thống và những đức tính cố hữu của dân tộc (thái độ lạc quan, hiếu hòa, tinh thần châm biếm tế nhị...) vì nó tiếp thu tinh thần quốc tế của nhân dân thế giới mà không a dua nước ngoài. Đại chúng, vì nó thiết thực phục vụ quyền của đại đa số nhân dân, nó nói được sinh hoạt thực tế, nguyện vọng và cảm xúc thực tế của quần chúng, nó mang lại bản sắc chắc chắn, lành mạnh, bình dị của những lớp người ấy. Khoa học, vì nó trọng sự thật, nó tiến bộ, nó đi đúng hướng phát triển của xã hội, hướng đi của giai cấp công nhân, nó mang tinh thần tự phê bình và phê bình, nó phối hợp lý luận và hành động cách mạng”(8).

Tính chất dân chủ mới của văn nghệ nhân dân tuy còn phôi thai chưa thật rõ nét và mới thể hiện bằng những hình thức thô sơ của ca dao, bích báo, nhật ký, ký sự, điệu hát cổ, kịch cương... nhưng cũng là sắc thái chung của văn nghệ mới. Và cái tính chất ấy càng ngày càng phong phú, là điều kiện căn bản tạo thành những tác phẩm tinh tế, những tác phẩm hiện thực thấm nhuần tinh thần dân tộc, đại chúng, khoa học. Đồng chí Tố Hữu nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước giai đoạn quyết liệt của kháng chiến trước khi đến ngày chiến thắng. Chúng ta đang đứng trước một phong trào văn nghệ nhân dân sôi nổi. Vận mạng của dân tộc và tương lai của văn nghệ đòi hỏi ở những người văn nghệ chúng ta nhiều gắng sức. Mỗi chúng ta phải là một bàn tay đẩy mạnh đà chiến thắng, dùng văn nghệ làm lợi khí chiến đấu sắc bén. Chúng ta tin chắc văn nghệ nhân dân từ nay sẽ phát triển mạnh hơn nữa, những khả năng sáng tác của nhân dân sẽ được nẩy nở thành những tác phẩm tươi đẹp. Nước chúng ta là nước của những con người mới thì nhất định chúng ta sẽ có một nền văn nghệ mới, nền văn nghệ nhân dân xứng đáng với một dân tộc cách mạng. Chúng ta tin chắc anh chị em văn nghệ chúng ta sẽ quyết tâm làm nhiệm vụ của mình, nhiệm vụ người cán bộ văn nghệ của nhân dân, quyết tâm tu dưỡng tư tưởng và cải tạo sinh hoạt để xứng đáng là người kỹ sư hướng dẫn những đội công binh xây đắp nền văn nghệ của Việt Nam dân chủ mới”(9).

Tháng 8-1954, thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác tư tưởng, văn hóa và chủ trương của Đảng trong tình hình mới, đồng chí Tố Hữu đã tới dự và phát biểu tại Đại hội Văn công toàn quốc. Trong bài phát biểu dưới tiêu đề: “Phấn đấu cho chủ nghĩa hiện thực, tiến tới những tác phẩm nghệ thuật biểu dương cuộc sống mới, con người mới, người anh hùng mới của dân tộc”(10), sau khi biểu dương những hoạt động văn hóa, văn nghệ thể hiện con người Việt Nam yêu cuộc sống và đấu tranh cho cuộc sống tự do, lao động, hòa bình, đồng chí đã chỉ ra những vấn đề cần chú trọng trong hoạt động văn hóa văn nghệ. Đó là phải đi sâu vào chủ nghĩa hiện thực, phản đối chủ nghĩa tự nhiên và chủ nghĩa công thức; về vấn đề tiếp nhận di sản văn hóa dân tộc; thực tế mới, chủ đề mới, nhân vật mới; về hình thức nghệ thuật và vấn đề đoàn kết lại thành một mặt trận văn nghệ thống nhất trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Đồng chí xác định: “Đoàn kết nhau lại, tích cực trau dồi tư tưởng và chính trị, đi sát thực tế, đi sát quần chúng, luôn luôn trau dồi nghệ thuật của mình, học tập di sản của dân tộc, học tập văn hóa tiến bộ của thế giới, của các nước bạn, đẩy mạnh phê bình và tự phê bình, đó là những điều căn bản mà Đảng luôn luôn nhắc nhở chúng ta. Đại hội văn công là một thành công lớn bước đầu, trên cơ sở thắng lợi đó, chúng ta mạnh dạn tiến tới, cố gắng phấn đấu giành những thắng lợi mới”(11). Đó cũng là phướng hướng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong tình hình mới.

Trước sự vận động và biến đổi của tình hình trong và ngoài nước, ở miền Bắc nước ta cũng xuất hiện những quan điểm sai lầm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, tác động xấu tới sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng chí Tố Hữu đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo tổ chức những hoạt động như thảo luận, tranh luận để vạch rõ những quan điểm sai lầm về tư tưởng, nghệ thuật, đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Ngày 4-6-1958, tại Hội nghị Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ 3 tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Tố Hữu trình bày báo cáo: “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn giai phẩm trên mặt trận văn nghệ”, trong đó nhấn mạnh: “Sự đoàn kết nhất trí trong các cán bộ, đảng viên là nguồn gốc của sự đoàn kết nhất trí trong giới văn nghệ. Và chỉ có sự đoàn kết thật sự của toàn giới văn nghệ chung quanh Đảng lãnh đạo, mới có thể xây dựng một nền văn nghệ dân tộc phong phú”(12).

Tháng 10-1962, để định hướng cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ ba, đồng chí Tố Hữu đã viết bài: Xây dựng nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta, chỉ ra phương hướng đúng đắn phát triển văn hóa, văn nghệ đất nước. Đồng chí nhấn mạnh đến hiện thực mới của đất nước là miền Bắc đang rầm rộ tiến lên chủ nghĩa xã hội, là miền Nam đang dũng cảm đấu tranh để giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc, cả nước đang anh dũng chống đế quốc Mỹ xâm lược tiến lên một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Tác phẩm văn nghệ phải làm sao phản ánh được hiện thực đó của thời đại. Đồng chí khẳng định: “Nhân dân miền Bắc ta đang đi vào cuộc đời mới, tự mình làm chủ lấy mình, lao động tự giác, sống tập thể và có kỷ luật. Người anh hùng mới chính là người công nhân, người nông dân xã viên, người chiến sĩ quân đội, người trí thức cách mạng. Tất cả những người anh hùng đó đang lao động tập thể để xây dựng đất nước ta thành một nước tiên tiến. Văn nghệ mới phải biểu hiện những con người anh hùng bình thường và vĩ đại ấy”(13).

Đồng chí Tố Hữu nhấn mạnh đến phương hướng hoạt động và trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới, đó là: “Ca ngợi cuộc sống khoa học, tiến bộ, khẩn trương và hoạt bát cũng là một vấn đề quan thiết đối với văn nghệ mới. Thái độ của ta là ủng hộ mọi cố gắng cải tiến, cách mạng trong xã hội cũng như trong đời sống, chống lại óc bảo thủ lạc hậu, tác phong lề mề, trì trệ hàng nghìn năm của xã hội cũ. Văn nghệ phải phản ánh cuộc đấu tranh giữa tiền tiến và bảo thủ, giữa khoa học và mê tín để thúc đẩy xã hội và mọi con người tiến lên hàng đầu, vươn lên không ngừng. Văn nghệ phải biểu dương óc sáng tạo, tìm cái mới, chống lại thói hủ lậu trong đời sống, trong sự suy nghĩ.

Văn nghệ phải đi sâu hơn nữa vào trong cách nghĩ cách cảm của dân tộc ta, trong sáng và nhuần nhị hơn nữa trong việc sử dụng tiếng nói, âm điệu, màu sắc dân tộc. Phải kết hợp chặt hơn nữa nội dung với hình thức. Hình thức phải xứng đáng với nội dung, kiên quyết trừ bỏ mọi biểu hiện xa rời dân tộc hoặc bảo thủ nệ cổ, không sáng tạo cái mới trong sự biểu hiện nghệ thuật. Ra công nghiên cứu hấp thụ, hết lòng quý trọng chắt chiu những di sản tốt đẹp của dân tộc ta, đồng thời phải mạnh dạn học cái hay của nước ngoài, nhất là văn nghệ xã hội chủ nghĩa của các nước anh em. Phải giàu di sản văn nghệ dân tộc và nhân loại mới xây dựng được một nền văn nghệ mới có tính chất dân tộc và nội dung xã hội chủ nghĩa phong phú”(14).

Ngoài lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, các bài viết lý luận của đồng chí Tố Hữu giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn các quan điểm của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Đảng, như: Tổ chức cơ sở đảng và nhiệm vụ, quyền hạn của đảng viên (1968), Tăng cường năng lực lãnh đạo của các huyện ủy (1968), Nâng cao chất lượng đảng viên (1971), Quyết tâm thực hiện tốt cuộc vận động tổ chức lại sản xuất và cải tiến quản lý nông nghiệp (1976), Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt theo gương các điển hình tiên tiến (1978), Công tác giáo dục và sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau (1980), Nắm vững đường lối, giải quyết sáng tạo các nhiệm vụ kinh tế (1985)...

Cả cuộc đời gần 70 năm hoạt động cách mạng và làm thơ không ngưng nghỉ, đồng chí Tố Hữu đã có nhiều cống hiến to lớn với Đảng và cách mạng Việt Nam, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận, văn hóa, văn nghệ. Những dòng thơ, các bài viết đầy tính chiến đấu của đồng chí đã lan tỏa mạnh mẽ tâm huyết và xúc cảm chính trị của mình đối với Đảng, đất nước và mãi lắng đọng trong lòng nhân dân Việt Nam.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2020

(1) Lời điếu do Thủ tướng Phan Văn Khải đọc tại Lễ tang đồng chí Tố Hữu, in trong Tố Hữu người cộng sản kiên trung, nhà văn hóa tài năng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2004, tr.23.

(2) Phan Đăng Lưu (1902-1941): Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người trực tiếp lãnh đạo các phong trào cách mạng và chỉ đạo công tác báo chí của Đảng ở Huế trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939). Thời niên thiếu, đồng chí Tố Hữu đã may mắn được sự dẫn dắt, giác ngộ cách mạng, tuyên truyền lý tưởng của những người cộng sản, những đồng chí lãnh đạo tiền bối như Lê Duẩn, Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu, Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn): “Con lớn lên con tìm cách mạng/Anh Lưu, anh Diểu dạy con đi/ Mẹ không còn nữa, con còn Đảng/Dìu dắt khi con chửa biết gì”.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.246.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.157.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tr.451.

(6), (7), (8), (9), (13), (14) Tố Hữu: Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta với thời đại ta, Nxb Văn học, 1973, tr.102, 24, 25, 39, 285, 286.

(10) Sau này được Nhà xuất bản Văn nghệ in thành sách Phấn đấu cho chủ nghĩa hiện thực mới.

(11) Tố Hữu: Phấn đấu cho chủ nghĩa hiện thực mới, Nxb Văn nghệ, Hà Nội 1955, tr.53.

(12) Xem bài: “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn - Giai phẩm trên mặt trận văn nghệ” in trong sách Tố Hữu: Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta với thời đại ta, Nxb Văn học, Hà Nội 1973, tr.217.

TS Lê Thị Thu Hồng

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền