Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hoạt động và cống hiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong xây dựng căn cứ địa thời kỳ đấu tranh giành chính quyền
Thứ hai, 09 Tháng 8 2021 08:15
1495 Lượt xem

Hoạt động và cống hiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp trong xây dựng căn cứ địa thời kỳ đấu tranh giành chính quyền

(LLCT) - Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở nhiều cương vị, trọng trách, nhiều trường hợp là kiêm nhiệm trên nhiều lĩnh vực. Trước những bước chuyển của cách mạng Việt Nam, Võ Nguyên Giápluôn được Hồ Chí Minh giao cho những công việc đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Chúng tôi xin phép được bày tỏ suy nghĩ của mình về cống hiến của Võ Nguyên Giáp, tập trung vào lĩnh vực xây dựng căn cứ địa cho công cuộc đấu tranh giành chính quyền.

1. Chủ trươngxây dựng và phát triển căn cứ địa, chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giành chính quyền của Đảng và Hồ Chí Minh

Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâmcủa dân tộcViệt Nam, vấn đề căn cứ địa, hậu phương luôn giữ vai trò hết sức quan trọng. Vì thế, xây dựng và phát triển căn cứ địa, hậu phương luôn là vấn đề chiến lược trọng yếu trong tư tưởng quân sự của những nhà lãnh đạo khởi nghĩa và chiến tranh. Trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Đảng và BácHồ lãnh đạo xây dựng và phát triển căn cứ địa, chuẩn bị lực lượng cho cách mạng Việt Nam.

Tháng 1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, sau đó đã bắt tay ngay vào việc xây dựng căn cứ địa và tổ chức các đoàn thể cứu quốc. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đã phân tích tình hình cách mạng trong nước và quốc tế, nhất là diễn biến cuộcchiến tranh thế giới thứ hai, phong trào đấu tranh của các dân tộc, phát triển quan điểm của các Hội nghị Trung ương Đảng (tháng 11-1939 và tháng 11-1940), đề ra những quan điểm, nội dung cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc. Đặt mục tiêu giành độc lập và lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu; xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang và căn cứ địa cách mạng; phát triển phong trào cách mạng trên tất cả các địa bàn trên cả nước; thúc đẩy tình thế cách mạng và chủ động về thời cơ cách mạng; xây dựng và phát triển Mặt trận Việt Minh để đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc; tăng cường xây dựng Đảng và thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng. Hội nghị Trung ương 8 đãhoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 8, nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cách mạng của Ðảng bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh xây dựng các căn cứ địa cách mạng tập trung làm nòng cốt cho phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị cho khởi nghĩa từng phần giành chính quyền từng địa phương. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn tỉnh Cao Bằng làm địa bànxây dựng căn cứ địa đầu tiên để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Với tư tưởng đúng đắn, sáng tạo, với tầm nhìn của một vị lãnh tụ, Người cho rằng Cao Bằng là nơi hội tụ đủ những điều kiện cần thiết để xây dựng một căn cứ địa cách mạng buổi đầu của công cuộc giải phóng dân tộc.Người nói: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ”(1). Trung ương quyết định duy trì và phát triển các căn cứ du kích Bắc Sơn, Võ Nhai, đồng thời ra sức củng cố và mở rộng căn cứ địa Cao Bằng

2. Võ Nguyên Giáp thực hiện xuất sắc tư tưởngHồ Chí Minhvề xây dựng căn cứ địa

Chủ tịch Hồ Chí Minhlà người thày có ảnh hưởng lớn lao trong cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Năm 1940 là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời đồng chí khi lần đầu tiên được trực tiếp gặp gỡ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Khi được sống và làm việc cạnh Bác Hồ, được Người dìu dắt và giao nhiều trọng trách, đồng chí Võ Nguyên Giápđã vận dụng, sáng tạo, thực hiện xuất sắc nhiều chỉ dẫn của Bác, hiện thực hóa trong thực tiễn.

Năm 1940, khi tình hình cuộc chiến tranh thế giới thứ hai chuyển biến nhanh chóng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, thời gian này đang hoạt động ở Trung Quốc,quyết định chuyển lực lượng cách mạng về sát biên giới, tìm cách về nước sớm để thúc đẩy chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ đang đến.

Chuẩn bị cán bộ cho xây dựng khu căn cứ Cao Bằng, gây dựng cơ sở quần chúng ở căn cứ địa

Tháng 10 năm 1940, được tin hơn 40 thanh niên các dân tộc Cao Bằng vượt biên giới sang Tĩnh Tây lánh địch khủng bố, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ thị cho các đồng chí cùng hoạt động tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào ở Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước. “Chúng ta sẽ tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh em, sau đó, đưa anh em trở về củng cố và mở rộng phong trào Cao Bằng và tổ chức đường liên lạc về nước”(2). Thực hiện chủ trương đó, đầu tháng 12-1940, lớp huấn luyện được tổ chức. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử đồng chí Võ Nguyên Giáp trở lại Tĩnh Tây. Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng là các huấn luyện viên của lớp học. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thường lên thăm lớp và nắm tình hình học tập(3).Chương trình huấn luyện gồm các phần tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Đề cương các bài giảng đều được Nguyễn Ái Quốc thông qua. Các bài giảng sau đó được Tổng bộ Việt Minh bổ sung, xuất bản thành sách Con đường giải phóng, dùng làm tài liệu huấn luyện cán bộ của Mặt trận Việt Minh(4). Những nội dung được huấn luyện trong lớp học cũng là những bài học cơ bản cho cán bộ trong công tác xây dựng căn cứ địa Việt Bắc những năm sau đó.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phong trào cách mạng ở Cao Bằng phục hồi nhanh chóng và phát triển đúng hướng. Trong khi sự tồn tại và phát triển của đội du kích Bắc Sơn là tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ du kích Bắc Sơn – Vũ Nhai, thì sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là tiền đề thuận lợi cho xây dựng căn cứ địa Cao Bằng. Tư tưởng của Người về xây dựng căn cứ địa được vận dụng ngay vào xây dựng khu căn cứ và xây dựng lực lượng vũ trang.

Cuối năm 1941, trước tình hình Quốc dân Đảng Trung Hoa nghi ngờ và bắt đầu thay đổi thái độ với các đồng chí đang hoạt động ở Tĩnh Tây, Nguyễn Ái Quốc  quyết định các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng trở về.

Công việc đầu tiên ngay khi trở về nước hoạt động của Võ Nguyên Giáp được Nguyễn Ái Quốc giao là làm công tác vận động quần chúng, xây dựng các tổ chức cách mạng ở vùng căn cứ địa. Tháng 11-1941, trở về Cao Bằng, dưới sự chỉ dẫn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.

Hồ Chí Minh chỉ rõ mối quan hệ mật thiết của chiến tranh du kích với căn cứ địa. Những nguyên tắc cơ bản xây dựng căn cứ địa, đó là phải gắn xây dựng căn cứ địa với việc lựa chọn địa hình, địa lợi, đặc biệt quan tâm tới yếu tố địa – chính trị. “Nơi ấy phải có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ”. Phải tiến tới xây dựng chính quyền cho căn cứ địa. Từ căn cứ địa, lực lượng du kích phát triển, phải tiến tới xây dựng đội quân chính quy. “Có chính quyền cách mạng của địa phương, có căn cứ địa vững vàng, đội du kích nhờ đó mà phát triển lực lượng và hóa ra quân chính quy”.

Đồng chíVõ Nguyên Giápthấu triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, trong xây dựng căn cứ địa cách mạng: triệt để dựa vào nhân dân, xác định chỗ dựa vững chắc nhất là các tổ chức quần chúng cách mạng, là lòng yêu nước của nhân dân; từ đó dựa vào dân xây dựng cơ sở chính trị ở khắp nơi; trên cơ sở đó, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Vấn đề quan trọng hàng đầu lúc này là tăng cường công tác tuyên truyền cách mạng để giác ngộ và tổ chức quần chúng đấu tranh.

Đồng chíVõ Nguyên Giáp mở nhiều lớp huấn luyện quần chúng, làm công tác vận động nhân dân, tổ chức Việt Minh, tổ chức tự vệ, từ châu Hòa An đến tổng Kim Mã, thuộc châu Nguyên Bình. Đồng bào các dân tộc phần lớn không biết chữ, trình độ văn hóa thấp, phong tục, tập quán lạc hậu, cuộc sống rất nghèo.Để đồng bào tin tưởng, khi đến địa bàn nào, đồng chí tìm hiểu tình hình địa phương, đời sống, phong tục, tập quán đồng bào các dân tộc để triển khai công tác vận động quần chúng phù hợp thực tế. Nhờ sự tích cực, nhạy bén, Võ Nguyên Giáp rút ra “một điều cơ bản trong công tác vận động quần chúng là muốn đưa quần chúng, đưa phong trào lên, thì phải hiểu rõ trình độ quần chúng, có đi sát với trình độ quần chúng thì mới đưa quần chúng lên được”(5). Nội dung bài giảng các lớp huấn luyện được đồng chí chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp người học thấy được nỗi khổ nhục của người dân mất nước, căm thù đế quốc xâm lược, khơi gợitinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do. Các dân tộc Kinh , Tày, Nùng, Dao … đều tham gia tổ chức của mặt trận Việt Minh

Võ Nguyên Giáp tiếp thu, học hỏi nhiều kinh nghiệm hữu íchvề công tác vận động quần chúng của Nguyễn Ái Quốc. Những chỉ dẫn về yêu cầu, cách thức tuyên truyền, coi trọng vận động thanh niên các dân tộc... giúp đồng chí có thêm nhiều nhận thức sâu sắc. Công tác của cách mạng luônxuất phát từ yêu cầu thực tiễn, từ quyền lợi, nguyện vọng của đông đảo quần chúng.

Mặc dù địch lùng sục, khủng bố, Võ Nguyên Giáp tìm cáchbám dân, bám bản, hướng dẫn đồng bào cách đối phó để duy trì, giữ vững phong trào. Võ Nguyên Giáp tranh thủ học nói tiếng Tày, Nùng, Mông, Dao... để có thêm cơ hội trực tiếp trao đổi, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc.Nhiều bài viết trong báo Việt Nam Độc lập, nội dung Chương trình Việt Minh và cuốn sách Việt Minh ngũ tự kinh, do đồng chí dịch ra nhiều thứ tiếng của các dân tộc,được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Cơ sở cách mạng ở Cao Bằng, mặc dù rất khó khăn, được duy trì và liên tục phát triển.Đến đầu năm 1942, nhiều xã, tổng tại Cao Bằng được gọi là “xã hoàn toàn”, “tổng hoàn toàn” do toàn dân đã tham gia Việt Minh.

Góp phần phát triển giao thông, liên lạc, tạo thế liên hoàn chiến đấu giữa Cao Bằng và Bắc Sơn – Vũ Nhai. Tổ chức Đội quân Nam tiến.

Trong đấu tranh cách mạng, giao thông liên lạc để tạo thế liên hoàn chiến đấu vô cùng quan trọng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh: “Việc liên lạc là một việc quan trọng bậc nhất trong công tác cách mạng, vì chính nó quyết định sự thống nhất chỉ huy, sự phân phối lực lượng và do đó đảm bảo thắng lợi”(6). Nguyễn Ái Quốc xác định: “Phải cấp tốc tổ chức ngay con đường quần chúng từ Cao Bằng đến miền xuôi, thì lúc khủng bố mới có thể giữ vững được mối liên lạc, lúc hoạt động vũ trang các đội du kích mới có thể vận động một cách dễ dàng”(7). Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ hai khu căn cứ Cao Bằng và Bắc Sơn – Vũ Nhai họp bàn việc mở rộng phong trào, quyết tâm mở thông liên lạc giữa hai khu căn cứ về xuôi, liên lạc với Trung ương Đảng. Ngay trong tháng 2-1943, tại cuộc gặp giữa các đồng chí lãnh đạo căn cứ địa Cao Bằng, trong đó có Võ Nguyên Giáp, với các đồng chí chỉ huy Cứu quốc quân ở Lũng Hoài (Hòa An, Cao Bằng) đã đi đến thống nhất: “... Xúc tiến việc thành lập các đội xung phong Nam tiến do đồng chí Văn (tức đồng chí Võ Nguyên Giáp) trực tiếp chỉ huy. Cứu quốc quân sẽ cử một tiểu đội lên Cao Bằng để cùng các đồng chí ở Cao Bằng đánh thông đường về xuôi...”(8).

Đồng chí Chu Văn Tấn trở lại Bắc Sơn – Vũ Nhai củng cố phong trào, mở đường liên lạc với Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp thực hiện nhiệm vụ Nam tiến nhằm “thống nhất chỉ huy, phân phối lực lượng, đảm bảo thắng lợi” như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị. Nhiệm vụ là tiến về xuôi, xây dựng phong trào cách mạng, đồng thời xây dựng lực lượng vũ trang các mạng đầu tiên theo đường lối quân sự của Đảng. Đó là kết hợp chính trị với quân sự, xây dựng “con đường quần chúng” cho lực lượng vũ trang.

Theo sự phân công của Nguyễn Ái Quốc và Liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, Võ Nguyên Giáp được cử đi tổ chức cơ sở Việt Minh ở tổng Kim Mã, thuộc châu Nguyên Bình, làm chỗ đứng chân, phát triển phong trào về xuôi, mở đường Nam tiến.Chủ trương mở rộng căn cứ địa, hình thành các con đường liên lạc giữa các địa phương trong tỉnh với các tỉnh lân cận được tiến hành khẩn trương.

Hướng Nam tiến từ trung tâm Cao Bằng phát triển xuống Bắc Kạn, Thái Nguyên do Võ Nguyên Giáp phụ trách. Đây là hướng trung tâm và quan trọng nhất, có nhiệm vụ mở con đường liên lạc từ Cao Bằng qua Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn) nối liền với Chợ Đồn - Chợ Chu (Thái Nguyên). Võ Nguyên Giáp tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến. Hàng trăm cán bộ, thanh niên nam nữ thoát ly gia đình vào các đội Nam tiến. Mỗi đội xung phong được phân công đi một địa phương. Võ Nguyên Giáp vừa chỉ đạo các đội xung phong, vừa tranh thủ mở lớp huấn luyện cấp tốc cho các đội viên về phương hướng, nhiệm vụ mở đường.Tổ xung phong phát triển đi trước hoạt động theo lối vũ trang tuyên truyền, bắt mối điều tra tuyên truyền gây cơ sở. Các tổ xung phong củng cố đến sau, chọn cốt cán, mở lớp huấn luyện ngắn ngày rồi dựa vào cán bộ địa phương mới được đào tạo mà phát triển phong trào. Cùng một lúc, nhiều con đường về Nam được mở thông. Hình thức vũ trang tuyên truyền này là một hoạt động đặc biệt của đội quân cách mạng theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Bằng nhiều hình thức và phương thức vận động phù hợp, như thông qua các quan hệ thân tộc, đồng canh, đồng niên kết hợp với việc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng của cán bộ và bằng chiến thuật phát triển theo lối “cóc nhảy”, củng cố theo “vết dầu loang”, các tổ chức cách mạng phát triển ngày càng rộng và nhanh. Có đội xung phong Nam tiến chỉ trong một tháng đã gây được cơ sở Việt Minh trong 3 tổng; có đội trong hơn một tháng tiến gần 100 cây số, tổ chức hơn 80 làng bản vào Việt Minh...(9).

Sau 7, 8 tháng hoạt động, con đường Nam tiến trải qua nhiều nguy hiểm, gian lao, đã kéo dài trên nhiều triền núi, cánh đồng, qua các làng bản của đồng bào Tày, Nùng, Dao. Tháng 8-1943, con đường Nam tiếnvà con đường liên lạc của Cứu quốc quân về Cao Bằng cũng được đánh thông, ôm vòng Cao – Bắc – Lạng, xuống Thái Nguyên về xuôi. Đội Nam tiến do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã gặp đội Bắc tiến do đồng chí Chu Văn Tấn phụ trách ở xã Nghĩa Tá (Chợ Đồn, Bắc Kạn). Hai khu căn cứCao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhaiđã nối liền, dựa vào nhau tạo thành thế liên hoàn chiến đấu, tiến có thể đánh, lui có thể giữ; mở ra triển vọng lớn, góp phần tạo điều kiện cho sự ra đời Khu giải phóng sau đó.

Phong trào Nam tiến chẳng những đã xây dựng được một hành lang chính trị, mở rộng từ Cao Bằng xuống Thái Nguyên, mà còn tổ chức nhiều đội tự vệ, vũ trang trên các hành lang này,cùng hoạt động của Cứu quốc quân,góp phần quan trọng vào phát triển lực lượng vũ trang và hoạt động vũ trang, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương khi có thời cơ kịp thời khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Kết quả đó là sự hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về việc mở rộng và nối liền căn cứ địa Cao Bằng với phong trào cách mạng cả nước, đồng thời thể hiện quyết tâm của đội ngũ cán bộ, đội viên Nam tiến, trong đó có sự đóng góp to lớn của Võ Nguyên Giáp.

Năm 1945, diễn biến tình hình trong nước và thế giới có những tác động trực tiếp đến cách mạng Việt Nam, theo đó những điều kiện tích cực cho một cao trào khởi nghĩa giành chính quyền đến gần. Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ (4-1945) quyết định những vấn đề liên quan đến việc gấp rút tạo thời cơ và kịp thời nắm bắt thời cơ, sẵn sàng phát động tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Đồng chí Võ Nguyên Giáp, đại biểu của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tham dự Hội nghị này. Về xây dựng căn cứ địa, Hội nghị cho rằng cần triển khai mạnh mẽ hơn trong cả nước, gấp rút, chủ động hơn nữa để đón thời cơ, quán triệt những nguyên tắc về xây dựng và phát triển căn cứ địa trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh..

Góp phần tổ chức, kiến tạo Thủ đô Khu Giải phóng

Ðầu tháng 5-1945, tình hình thế giới và trong nước diễn biến hết sức mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Trung ương Đảng (ban hành ngày 12-3-1945), phong trào kháng Nhật, cứu nước dâng lên thành cao trào. Trong bản Chỉ thị, Trung ương Đảng nêu phương hướng tổ chức và hành động của cách mạng, trong đó nhấn mạnh việc thành lập những căn cứ địa mới.

Trước yêu cầu đẩy nhanh chuẩn bị lực lượng về mọi mặt cho công cuộc giải phóng, căn cứ địa Cao Bằng không còn thích hợp nữa, do cách xa các tỉnh đồng bằng và thành phố. Lãnh tụ Hồ Chí Minh yêu cầu đồng chí Võ Nguyên Giáp chọn ngay ở Tuyên Quang hoặc Thái Nguyên một địa điểm phù hợp làm trung tâm liên lạc giữa miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài, là nơi ở và làm việc để Người trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Ngày 17-5-1945, Võ Nguyên Giáp gặp Hồ Chí Minh tại Nà Kiến (xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn, Bắc Cạn). Tại đây, sau khi nghe báo cáo tình hình, Người đã chỉ thị “chọn ngay một địa điểm có cơ sở chính trị quần chúng vững chắc, địa hình thuận lợi, tiện đường liên lạc với miền xuôi, làm trung tâm chỉ đạo phong trào”. Ðịa điểm đó cần hội đủ các điều kiện: Nằm trong căn cứ địa Việt Bắc, phong trào mạnh, quần chúng giác ngộ cao, địa thế thuận cả tiến công lẫn phòng ngự, giao thông thuận lợi và nhất là gần Trung ương.

Nhận được lệnh, Võ Nguyên Giáp quay trở lại Kim Quan Thượng, cùng đồng chí Song Hào và Ban lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ(10), bàn bạc và đi đến quyết định chọn Tân Trào(11) làm trung tâm kháng chiến, nơi đặt “đại bản doanh”. Đây là địa điểm hội tụ đủ các điều kiện: nằm trong căn cứ địa Việt Bắc, phong trào quần chúng giác ngộ cao, địa thế thuận tiện cả tiến công lẫn phòng ngự, giao thông thuận lợi, gần Trung ương, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Việc lựa chọn Tân Trào làm trung tâm chỉ đạo cách mạng do có cả ba yếu tố nhân hòa, thiên thời, địa lợi, thể hiện thể hiện sự quán triệt chỉ thị của Hồ Chí Minh, đồng thời là sự sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của đồng chí Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Phân khu ủy Nguyễn Huệ.

Từ cuối tháng 5-1945, lán Nà Lừa (Tuyên Quang) trở thành trở thành đại bản doanh của vị Tổng tư lệnh tối cao của dân tộc, nơi quyết định mọi chủ trương dẫn đến thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Ngày 4-6-1945, Hồ Chí Minh triệu tập hội nghị cán bộ đầu tiên ở Tân Trào. Tại hội nghị này, Người đã ra chỉ thị sát nhập hai chiến khu ở hai vùng thuộc Việt Bắc lại thành một căn cứ địa kháng Nhật duy nhất. Hội nghị ra Quyết định thành lập Khu giải phóng.

Tân Trào trở thành Thủ đô của khu giải phóng và là trung tâm liên lạc giữa Hồ Chí Minh với Trung ương ở miền xuôi, với các chiến khu trong cả nước và phái bộ Mỹ ở Côn Minh (Trung Quốc). Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng cũng được thành lập, Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Ủy viên thường trực Ủy ban, đặc trách về quân sự.

3. Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang cũng là quá trình hoàn chỉnh chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng. Nêu cao ngọn cờ đại nghĩa dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên trên hết, Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thông qua việc thành lập Mặt trận Việt Minh, đồng thời giải quyết thành công một loạt vấn đề then chốt trong tư tưởng lý luận về khởi nghĩa vũ trang, về căn cứ địa, về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và hình thức hoạt động của đội quân chính quy đầu tiên trong bước quá độ từ đấu tranh chính trị lên đấu tranh vũ trang. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ được trao, xứng đáng với tín nhiệm và sự rèn luyện, dìu dắt của Hồ Chí Minh. Hoạt động cách mạng củađồng chí Võ Nguyên Giápgắn liền với sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển khu căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng, công tác tuyên truyền vận động quần chúng, tổ chức và phụ trách phong trào Nam tiến, xây dựng Thủ đô Khu Giải phóng… Quá trình hoạt động tích cực, chủ động, sáng tạo, linh hoạt của đồng chí Võ Nguyên Giápthời kỳ chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền khẳng định năng lực, tài trí, phẩm chất cao đẹp của Võ Nguyên Giáp, một nhà cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng và nhân dân ta.

__________________

(1) Võ Nguyên Giáp Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn học, H, 1977, tr. 38-39

(2) Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐND, H, 1964, tr. 34.

(3) Trần Thái Bình:Võ Nguyên Giáp hào khí trăm năm, Nxb Trẻ, 2002, tr.69.

(4) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam:Võ Nguyên Giáp Tiểu sử, Nxb CTQG, H.2019.

(5)Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Sđd, tr.72.

(6) Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nxb QĐ ND, H, 1964, tr. 89.

(7) Võ Nguyên Giáp: Khu Giải phóng - một sự nghiệp vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc, Nxb. Cứu quốc, 1946, tr.11.

(8)Chu Văn Tấn: Kỷ niệm Cứu quốc quân (Hồi ký), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.184.

(9)Hoàng Quang Khánh, Lê Hồng, Hoàng Ngọc La: Căn cứ địa Việt Bắc (Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945), Nxb. Việt Bắc, 1975, tr.60.

(10) Chiến khu Nguyễn Huệ thường gọi là Khu B, ở hữu ngạn sông Cầu, gồm một phần Thái Nguyên, một phần Bắc Cạn và cả hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang

(11) làng Tân Lập thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

 

PGS,TS Trịnh Thị Hồng Hạnh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền