Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Hoạt động và cống hiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1945-1946)
Thứ năm, 19 Tháng 8 2021 15:11
1402 Lượt xem

Hoạt động và cống hiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1945-1946)

(LLCT) - Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp(25/8/1911 – 4/10/2013)đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc Việt Nam. Từ một thanh niên trí thức yêu nước, trở thành người cộng sản đầy bản lĩnh, kiên trung, bất khuất, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trở thành một Đại tướng huyền thoại - một thiên tài quân sự hiếm có, kiệt xuất của mọi thời đại; người học trò xuất sắc, cộng sự đắc lực đặc biệt tin cậy và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng ngời sáng lên một nhân cách đạo đức trong sáng, cao đẹp, tài đức vẹn toàn, như một vì sao sáng, suốt đời “Dĩ công vi thượng”.

Cuộc đời,sự nghiệp của Đại tướng rất phong phú, đa dạng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, gắn liền biết bao sự kiện, biến cố của lịch sử Việt Nam hiện đại, gắn liền với những năm tháng lịch sử vẻ vang, hào hùng nhất của Đảng và dân tộc Việt Nam. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ lâm thời, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp, cống hiến vô cùng quan trọng cho sự nghiệp cách mạng, đặt nền móng cho việc xây dựng ngành tổ chức nhà nước, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, ở một giai đoạn đặc biệt của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hết sức khó khăn, phức tạp. Các cường quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới II đã bàn cách sắp xếp lại trật tự thế giới và phân chia vùng ảnh hưởng. Các nước nhỏ, các dân tộc thuộc địa mới giành được độc lập, tiềm lực kinh tế, quân sự còn yếu đã trở thành đối tượng thỏa thuận giữa các nước lớn. Thách thức nghiêm trọng đối với cách mạng Việt Nam trong thời điểm này là phải đối phó cùng lúc với nhiều thế lực của các nước lớn có mặt tại Việt Nam. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng lấy danh nghĩa Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật. Ở miền Nam, được Mỹ hậu thuẫn, quân đội Anh kéo đến Sài Gòn mượn tiếng tước vũ khí quân Nhật, thật ra là để giúp quân Pháp quay lại cướp nước ta. Bên cạnh đó, các tổ chức đảng phái phản động trong nước: “Việt Quốc”, “Việt Cách”, “Đại Việt”, “Phục Quốc”… ra sức tuyên truyền, chống phá cách mạng.Nền tài chính đất nước kiệt quệ, ngân khố quốc gia trống rỗng, chỉ còn hơn một triệu đồng, phần nhiều là tiền lẻ, cũ nát. Ngập lụt xảy ra ở nhiều nơi, nạn đói khủng khiếp vẫn còn đang là mối đe dọa. Trình độ văn hóa thấp kém, đại đa số nhân dân không biết chữ. Lực lượng vũ trang mới được xây dựng, còn rất nhỏ bé. Bộ máy quản lý nhà nước đang thiếu đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm. Nước ta giành được độc lập nhưng chưa có quốc gia nào trên thế giới thừa nhận... Chính quyền cách mạng non trẻ vừa ra đời đã đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trước nạn thù trong, giặc ngoài.

Trước tình hình đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết sách quan trọng trong việc thành lập chính quyền cách mạng của dân, do dân và vì dân. Ngày 27/8/1945 Ủy ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời ra tuyên cáo nêu rõ: “Nhiệm vụ của Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sỹ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân đã giao phó cho”(1).Đồng chí Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc, người cộng sự đắc lực gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Người tin cậy giao giữ trọng trách Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ, đặc trách quân sự, trực tiếp lãnh đạo Bộ Nội vụ và công việc tổ chức chính quyền, an ninh, nội trị trong những ngày tháng đầu tiên khi nước ta mới giành được độc lập. 

Chính phủ lâm thời lúc này có 13 bộ được thành lập, Bộ Nội vụ giữ vai trò quan trọng tham mưu cho Chính phủ xây dựng và củng cố hệ thống chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, điều hành công tác nội trị… và là đầu mối phối hợp hoạt động của các bộ.Với vị trí quan trọng của mình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp là người duy nhất trong Chính phủ lâm thời chủ trì xây dựng, trình Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký ban hành các văn bản, các sắc lệnh quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng non trẻ, nhằm lãnh đạo, quản lý và điều hành đất nước theo chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

1. Tham mưu cho Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các sắc lệnh quan trọng bãi bỏ các cơ quan, công sở, các tổ chức chính trị phản động và các chế độ, chính sách của chính quyền cũ

Thấm nhuần sâu sắc bài học của cách mạng vô sản và tiếp thu tư tưởng Mác - Lênin "cách mạng phải biết tự bảo vệ", theo tư tưởng Hồ Chí Minh, “cách mạng là cuộc chiến đấu khổng lồ”, đổi cũ ra mới, xoá cái xấu, xây dựng cái mới tốt tươi,trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Võ Nguyên Giáp là người duy nhất trong Chính phủ lâm thời được uỷ nhiệm chủ trì xây dựng, trình Chính phủ và Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký ban hành các các sắc lệnh quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng tổ chức bộ máy của chính quyền cách mạng non trẻ. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện một loạt các sắc lệnh quan trọng bãi bỏ các cơ quan, công sở, các tổ chức chính trị phản động và các chế độ, chính sách của chính quyền cũ. Cụ thể như: Sắc lệnh số 8/SL ngày 5/9/1945 về việc giải tán các đảng phái phản động “Đại Việt Quốc dân Đảng”, “Đại Việt Quốc gia xã hội Đảng” vì tư thông với ngoại quốc để mưu tính những việc có hại cho độc lập của nước Việt Nam. Ngoài ra, ngày 12/9/1945 đồng chí ký Sắc lệnh số 30/SL “giải tán Việt Nam Hưng quốc thành viên hội” và “Việt Nam Thanh niên cứu quốc hội” vì hoạt động có phương hại đến lợi ích quốc gia.

Ngày 7/9/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh số 11/SL về chế độ thuế khóa, bãi bỏ thuế thân, vì “thuế thân là một thứ thuế vô lý, trái ngược với tinh thần chính thể cộng hòa dân chủ”(2). Việc xóa bỏ chế độ thuế khóa hà khắc của chính quyền thực dân phong kiến có ý nghĩa phản ánh thành quả của cách mạng, là kết quả cụ thể mà chính quyền cách mạng mang lại cho người dân, làm cho người dân phấn khởi, tin tưởng, tích cực tham gia xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.

Tiếp đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh số 32/SL ngày 13/9/1945 bãi bỏ ngạch quan chính và quan tư pháp. Những quyết sách đúng đắn và kịp thời đó đã giúp chính quyền cách mạng non trẻ loại bỏ được các tổ chức chính trị phản động, các đảng phái đối lập đic ngược lại lợi ích tối cao của dân tộc và nhân dân, không cho chúng có cơ hội chống phá chính quyền dân chủ nhân dân. 

2. Xây dựng thể chế tạo nền tảng xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân, góp phần ổn định, củng cố, xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa

Ngày 05/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 05/SL về việc bãi bỏ cờ quẻ ly và ấn định Quốc kỳ Việt Nam - lá cờ đỏ sao vàng năm cánh là biểu tượng thiêng liêng của đất nước Việt Nam cho tới tận bây giờ vẫn không thay đổi.

Trước tình thế vô cùng khó khăn và phức tạp của đất nước, thù trong, giặc ngoài liên tục chống phá cách mạng, một trong các nhiệm vụ hàng đầu để củng cố chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, trước hết là phải tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân để Quốc hội ban hành Hiến pháp và thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp. Ngày 08/9/1945, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh số 14/SL mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội (tức Quốc hội) theo lối phổ thông đầu phiếu. Sắc lệnh quy định: trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày ký sắc lệnh này sẽ mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại hội với số đại biểu ấn định là 300 người; tất cả công dân Việt Nam đều có quyền tuyển cử và ứng cử; Quốc dân đại hội có toàn quyền ấn định Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ tổng tuyển cử, Ủy ban khởi thảo Hiến pháp gồm 7 người. Đây là Sắc lệnh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng lúc bấy giờ.

Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong đó có sự đóng góp to lớn của Bộ Nội vụ và cá nhân Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta đã được tổ chức thành công vào ngày 06/01/1946. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên. Cuộc tổng tuyển cử thắng lợi là một cuộc động viên chính trị rộng lớn, biểu dương sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này là do đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, chính sách của Chính phủ Hồ Chí Minh, trong đó có vai trò của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đứng đầu.

Sau Cách mạng Tháng Tám, vấn đề quan trọng hàng đầu đặt ra cho Chính phủ là phải khẩn trương ban hành văn bản về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương. Với tài năng và kinh nghiệm của mình, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63/SL, ngày 22/11/1945 về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Sắc lệnh quy định: “Hội đồng nhân dân do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp là cơ quan thay mặt cho dân. Ủy ban hành chính do các Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho chính phủ”(3).

Tiếp đó, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo xây dựng và trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 77/SL ngày 21/12/1945 về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố. Sắc lệnh quy định chi tiết về cách thức tổ chức, quyền hạn, phương thức làm việc của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính thành phố; cách thức tổ chức, quyền hạn, phương thức làm việc của các Ủy ban hành chính khu phố nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân. Đến đầu tháng 3/1946, hội đồng nhân dân hầu hết các tỉnh và đa phần hội đồng nhân dân các xã ở Bắc Bộ và Trung Bộ đã bầu xong(4).

3. Tham mưu cho Chính phủ xây dựng nền công vụ và đội ngũ công chức liêm chính, tận tuỵ, phục vụ nhân dân

Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thấm nhuần tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong việc tham mưu cho Chính phủ xây dựng nền công vụ và đội ngũ công chức liêm chính, tận tuỵ, phục vụ nhân dân, “dĩ công vi thượng”, theo tinh thần “tìm người tài đức”, để kiến thiết quốc gia, xây dựng chế độ mới, bảo vệ nền dân chủ mới.Có thể coi đây là một trong những viên gạch nền tảng trong việc đi tới xác định những tiêu chuẩn cho đội ngũ công chức về sau.

Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đặc biệt quan tâm đến việc rèn luyện phẩm chất và năng lực quản lý điều hành công tác cho đội ngũ cán bộ công chức nhà nước. Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã tham mưu cho Chính phủ tuyển dụng những nhân viên của bộ máy chính quyền cũ có phẩm hạnh, tư cách tốt, có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao vào làm việc cho bộ máy chính quyền cách mạng. Có thể coi đây là một trong những viên gạch nền tảng trong việc đi tới xác định những tiêu chuẩn cho đội ngũ công chức, mà về sau nhiều nội dung được đưa vào trong việc xây dựng và ban hành trong Quy chế Công chức năm 1950, coi công chức là công bộc của nhân dân, là "người đày tớ trung thành” của nhân dân, chứ không phải lên mặt “quan cách mạng”(5).

 Nhờ các chính sách đúng đắn đó, Chính phủ đã duy trì ổn định và bảo đảm hoạt động nhịp nhàng của bộ máy hành chính nhà nước trong những ngày đầu cực kỳ khó khăn của chính quyền cách mạng non trẻ, đáp ứng yêu cầu của người dân và phục vụ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

4. Bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Để đảm bảo trật tự trị an của các hoạt động trong xã hội, góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền cách mạng, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL về việc thống nhất các Sở Cảnh sát với các Sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan, đặt tên là “Việt Nam Công an vụ”, quy định cách tổ chức và nhiệm vụ của Việt Nam công an vụ. Cơ quan này có nhiệm vụ:

“1- Tìm kiếm và tập trung các tin tức và tài liệu liên can đến sự an toàn của quốc gia hoặc bề trong hoặc bề ngoài.

2- Đề nghị và thi hành các phương pháp đề phòng những hành động có thể làm rối việc trị an và mất trật tự trong nước, bất cứ sự hoạt động đó là do người Việt Nam hay người nước ngoài.

3- Điều tra về những hành động trái phép nói trên và truy tìm người can phạm để giúp toà án trong sự trừng trị”(6).

Công tác an ninh chính trị ngay từ những buổi đầu của chính quyền cách mạng hết sức nặng nề và phức tạp, phải đấu tranh quyết liệt chống thù trong giặc ngoài. Bộ Nội vụ đã thực hiện các nhiệm vụ quan trọng như điều tra, khám phá và ngăn chặn kịp thời âm mưu và hành động chống phá chế độ mới, làm phương hại đến độc lập, tự do của Tổ quốc của các tổ chức phản động. Căn cứ kết quả điều tra của Ty Liêm phóng, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký các sắc lệnh giải tán các đảng phái chính trị phản động. Để đảm bảo công tác trị an trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Ty Liêm phóng bắt giữ những người nguy hiểm đến nền dân chủ; thiết lập tòa án quân sự kịp thời xét xử tội phạm làm phương hại đến nền độc lập. Những thành quả trong cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng trong và ngoài nước có được một phần là do có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trong việc tổ chức chặt chẽ hệ thống ngành Công an vững mạnh từ Trung ương đến cơ sở. 

Thắng lợi trong công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội thời kỳ đầu đã giúp củng cố chính quyền cách mạng, khẳng định uy tín và tính ưu việt của chính quyền dân chủ nhân dân. Vai trò quan trọng và những đóng góp to lớn nêu trên của Bộ Nội vụ và cá nhân Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp trong lĩnh vực nội trị của quốc gia luôn được Đảng, dân tộc và nhân dân ta ghi nhận.

Với 103 năm tuổi đời và hơn 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí là tấm gương ngời sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo.Có thể khẳng định, trên những cương vị khác nhau, đặc biệt trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù rất ngắn, nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với bản lĩnh chính trị, kiến thức tổng hợp uyên thâm, trí tuệ sáng suốt và tầm nhìn xa rộng, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đãtham mưu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời để chỉ trong một thời gian ngắn kiến tạo nên bộ máy chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân; góp phần quan trọng ổn định nội trị và ngoại giao; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; mang lại vị thế mới cho Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, để đủ sức gánh vác nhiệm vụ do quốc dân giao phó, đối phó thắng lợi với thù trong, giặc ngoài bủa vây tứ phía, góp phần đưa công tác tổ chức và hoạt động của các cơ quan công quyền cách mạng từng bước vào nền nếp.

Có thể khẳng định, trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời, dù rất ngắn, nhưng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong tiến trình lịch sử dân tộc. Chỉ trong vòng 6 tháng,đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ ban hành trên 100 sắc lệnh để quản lý, điều hành các lĩnh vực khác nhau. Đó là cống hiến to lớn của Bộ Nội vụ và cá nhân đồng chí Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp mà lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc mãi ghi nhận(7).

Nhìn lại chặng đường vẻ vang đó, chúng ta vô cùng biết ơn đến công lao to lớn của đồng chí Võ Nguyên Giáp - vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên tài năng và đức độ, đáng kính.

__________________

(1) Lịch sử Chính phủ Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2008, Tập 1, tr. 323 – 324.

(2) Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III: Sưu tập Sắc lệnh của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2011, tr.20.

(3) Lịch sử Chính phủ Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia, Tập 1 (1945-1946), tr. 63-64.

(4) Bộ Nội vụ: Báo cáo những công việc Bộ Nội vụ và các cơ quan thuộc bộ đã làm trong 1000 ngày kháng chiến, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Phông Bộ Nội vụ, Hồ sơ 02.

(5) Quy chế Công chức năm 1950 ghi rõ: “Công chức Việt Nam là những công dân giữ một nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước của chính quyền nhân dân, dưới sự lãnh đạo tối cao của Chính phủ.Vậy người công chức phải đem tất cả sức lực và tâm trí, theo đúng đường lối của Chính phủ và nhằm lợi ích của nhân dân mà làm việc”. Xem: Sắc lệnh số 76-SL, ngày 20-5-1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Quy chế Công chức. Theo: Chế độ công chức và luật công chức của các nước trên thế giới, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1993, tr. 129.

(6)Việt Nam Dân quốc công báo, số 9, ngày 02/3/1946.

(7) Tập sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà - Với 117 sắc lệnh, trong giai đoạn cuối năm 1945 - đầu năm 1946, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia (Quyết định số 2496/QĐ-TTg ngày 22/01/2016) đã thể hiện sinh động và cô đúc những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đây cũng là sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước, là một hành động thiết thực góp phần bồi dưỡng, giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tiếp nối truyền thống cha anh, trong dựng xây và bảo vệ đất nước hiện nay.

PGS.TS Đỗ Xuân Tuất

Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

Ths Nguyễn Thị Thu Trang

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền