Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh
Thứ hai, 13 Tháng 9 2021 09:08
2014 Lượt xem

Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh

(LLCT) - Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021) - một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, thể hiện khát vọng và tầm nhìn thời đại của Người, vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Trong hành trình hội nhập cùng nhân loại đi đến tương lai, chúng ta ngày càng hiểu rõ hơn giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh, tin tưởng, quyết tâm và kiên trì phấn đấu thực hiện tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam mà Người đã chỉ ra để đất nước ta vững bước cùng nhân loại tiến vào tương lai.

1. Ở tuổi 13, được chuyển từ học chữ Hán sang học tiếng Pháp ở Trường Tiểu học Pháp - Việt (Vinh), “lần đầu tiên được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, Nguyễn Tất Thành đã “rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”(1). Vào học ở Trường Tiểu học Pháp -Việt tỉnh Thừa Thiên (8-1907) và tham gia vào sự kiện chính trị đầu tiên chống Pháp (4-1908) rồi chuyển sang học tại Trường Quốc học Huế (9-1908), Nguyễn Tất Thành càng nung nấu thực hiện ý định này.

Để thực hiện khát vọng cháy bỏng đó, anh đã bỏ học Trường Quốc học Huế vào Bình Định (6-1909) và chuyên tâm học tiếng Pháp(2). Quyết tâm “đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác”(3) được thể hiện ngay cả khi cụ Nguyễn Sinh Sắc(4) phải về Huế chịu án của Triều đình nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn ở lại Quy Nhơn học thêm gần một năm nữa(5) mới vào Sài Gòn để tìm cách sang phương Tây, thực hiện khát vọng của mình.

Nhưng, việc ra nước ngoài của Nguyễn Tất Thành không chỉ để thỏa mãn khát vọng hiểu biết của tuổi trẻ, mà là để khám phá những gì đã làm nên văn minh, sức mạnh của các nước phương Tây và “sau khi xem xét họ làm như thế nào”, “sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”(6).

Ngày 5-6-1911, với hành trang chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam, với mục đích rõ ràng và bằng lao động cực nhọc để sinh tồn, Nguyễn Tất Thành bắt đầu cuộc hành trình ra nước ngoài tìm con đường mới cứu nước, cứu dân.

Đầu thế kỷ XX, không chỉ có Nguyễn Tất Thành phát hiện ra cái mới, muốn đi tìm và học cái đã tạo nên văn minh và sức mạnh của các cường quốc trên thế giới để trở về mưu giành độc lập, tự cường cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Trước đó, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh cũng chủ trương dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài để đánh Pháp, giành độc lập cho dân tộc.

Tuy nhiên, cùng hành trang là chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và chung mục đích khi đi ra nước ngoài, nhưng hai cụ Phan và Nguyễn Tất Thành lại có những điểm không tương đồng. Hai cụ Phan tìm học cái mới mà dân tộc ta chưa có, nhưng chủ yếu là tìm một chỗ dựa, một cứu cánh, mới chỉ tiến tới sự tiếp nhận; còn Nguyễn Tất Thành muốn tìm hiểu giá trị thật tạo nên cái mới và cả cái ẩn giấu đằng sau nó của phương Tây, đến tận nơi xem cho rõ cách làm. Chung hành trang, cùng mục đích, nhưng sự khác nhau về tầm nhìn và phương pháp đã tạo nên kết quả khác biệt.

Hai cụ Phan đưa về cái mà dân tộc ta chưa có, nhưng không biết rằng nó đã bắt đầu lỗi thời so với sự phát triển của lịch sử nhân loại. Vì vậy, những cố gắng cao nhất của hai cụ Phan chỉ là góp phần nuôi dưỡng ngọn lửa dân tộc và làm bùng phát phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, bởi những gì được xem là “mới” đối với dân tộc mà hai cụ Phan đưa về, trên thực tế, đã bị chính phong trào yêu nước của dân tộc vượt qua. 

Với Hồ Chí Minh, cuộc hành trình trong gần một thập kỷ trực tiếp khảo sát, nghiên cứu tình hình xã hội của các dân tộc, chủng tộc và hòa vào thực tiễn cách mạng ở những nước có các cuộc cách mạng điển hình để khảo sát, nghiên cứu, học tập nhằm làm giàu văn hóa, nâng cao trí tuệ, mở rộng tầm nhìn và với phương pháp đúng đã giúp Hồ Chí Minh đi từ đất nước mình đến với nhân loại, để từ đó có thể chọn lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa - văn minh của loài người.

Nhờ vậy, Người đã đạt tới tầm thấu hiểu được cả sự tương đồng và khác biệt giữa triết lý phương Đông và phương Tây; đã tìm ra nguồn gốc trực tiếp nỗi thống khổ chung của các dân tộc thuộc địa, của những người lao động không phân biệt chủng tộc, màu da trên hành tinh này và nhận thấy nhu cầu về quyền dân tộc và quyền con người là khát vọng chung của các dân tộc bị áp bức và nhân dân cần lao trên toàn thế giới. Và, cùng với sự phê phán tính chất “không đến nơi” của cách mạng tư sản điển hình (Mỹ, Anh, Pháp), Hồ Chí Minh đã tiếp thu, ghi nhận những lời bất hủ, không thể chối cãi được về quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp. Người cũng trực tiếp nghiên cứu, khảo sát thành quả của Cách mạng Tháng Mười với công cuộc xây dựng xã hội mới ở nước Nga (1923-1924) và trực tiếp tìm hiểu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước thuộc địa nửa phong kiến lớn nhất ở phương Đông là Trung Quốc (1925-1927), Thái Lan (1928-1929)...       

Những kết luận của Nguyễn Ái Quốc không phải chỉ là kết quả của sự khảo sát và trải nghiệm. Chỉ với tầm trí tuệ không ngừng được nâng cao trên cơ sở được làm giàu bằng tinh hoa văn hóa - văn minh nhân loại, với một tầm nhìn thế giới và phương pháp đúng, Người mới có thể phân tích để đúc rút được những kết luận đúng đắn như vậy. Tri thức sâu rộng cũng như thực tế trên thế giới qua hành trình khảo sát là cơ sở thực tiễn giúp Người tiến tới tiếp nhận và sử dụng thế giới quan, phương pháp luận khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin để nhận thức được quy luật tiến hóa, xu thế phát triển của nhân loại. Trên cơ sở đó, Người đi tới khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(7) và chỉ rõ “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”(8).

Như thế, con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc ta, mà thực chất là giành Độc lập dân tộc phải đưa tới Tự do và Hạnh phúc cho con người Việt Nam, là phù hợp nguyện vọng chung của các dân tộc, với xu thế phát triển của nhân loại. Bởi vậy, cách mạng Việt Nam hàm chứa sâu sắc các nội dung Dân tộc - Nhân loại và Thời đại. Do đó, với sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân loại tiến bộ, thuận theo quy luật tiến hóa của loài người, cách mạng Việt Nam, từ trong đường lối mà Hồ Chí Minh tìm ra, đã hội đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, bảo đảm cho sự thắng lợi.

Đi tìm con đường cứu nước và tìm ra con đường cách mạng Việt Nam gắn liền giải phóng dân tộc với CNXH, gắn độc lập dân tộc với tự do, hạnh phúc của nhân dân là khát vọng, là công lao vĩ đại, cống hiến lý luận sáng tạo hàng đầu của Hồ Chí Minh và là di sản có giá trị vĩnh hằng đối với dân tộc ta.    

2. Có thể nhìn nhận thực chất của quá trình thực hiện khát vọng tìm đường trên đây là quá trình hội nhập quốc tế, để trên cơ sở các giá trị truyền thống của dân tộc, Hồ Chí Minh học tập, nghiên cứu, lựa chọn, tiếp nhận, vận dụng và phát triển các giá trị tinh hoa văn hóa-văn minh nhân loại nhằm tìm ra con đường đi lên cho dân tộc hướng tới mục tiêu giải phóng con người. Chính từ mục tiêu và bản chất của quá trình tiếp biến tinh hoa văn hóa - văn minh đó đã mặc định tư tưởng và sự nghiệp cách mạng mà Hồ Chí Minh lãnh đạo thực hiện ở Việt Nam cũng như những đóng góp của Người với dân tộc và nhân loại thấm đậm giá trị văn hóa - văn minh.

Giá trị cao cả và đích thực của tư tưởng, sự nghiệp ấy chính là ở chỗ: Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho dân tộc và tiến hành xây dựng xã hội mới nhằm giải phóng cho con người Việt Nam khỏi sự thống trị và bóc lột giai cấp, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, đồng thời góp phần cùng các dân tộc đấu tranh loại trừ chiến tranh và chủ nghĩa thực dân - một trở lực lớn trên con đường tiến tới văn minh của nhân loại, đóng góp to lớn vào xây dựng một thế giới mới hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Những giá trị văn hóa - văn minh đó càng thêm sâu sắc khi Hồ Chí Minh chủ trương cách mạng phải bắt đầu bằng sự giác ngộ của nhân dân, làm cho nhân dân hiểu rõ các quy luật phát triển của xã hội, nhận rõ mục đích đấu tranh và con đường giải phóng, tin tưởng vào tương lai thắng lợi mà kiên quyết, đoàn kết tự đứng lên làm cách mạng và xây dựng xã hội mới xóa bỏ áp bức, bóc lột và tạo ra những điều kiện phát triển toàn diện đối với con người. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia xây dựng nước nhà”(9).

Đó chính là lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đem văn minh chống lại dã man. Vì vậy, sự nghiệp giải phóng dân tộc và con người Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nghiệp văn hóa - văn minh vĩ đại ở Việt Nam, trong đó kết hợp chặt chẽ giữa giải phóng với phát triển và hoàn thiện con người. Giá trị cao cả nhất của văn hóa - văn minh là hướng tới sự giải phóng toàn diện, phát triển và hoàn thiện con người. Nhưng sự sâu sắc của giá trị cao cả mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra và thực hiện ở nước ta là ở chỗ: làm cho con người Việt Nam tự giác ngộ, tự đứng lên giải phóng bằng chính sự phát triển và hoàn thiện của mình. Lấy thống nhất thay vì loại trừ và bằng sự giác ngộ để đoàn kết toàn dân nhằm đem sức ta giải phóng cho ta, không ngừng phát triển văn hóa làm cho nhân dân đồng thuận để tự lực, tự cường trong xây dựng xã hội mới là đường lối và cũng là phương pháp cách mạng thấm đậm nội dung văn hóa - văn minh mà Hồ Chí Minh vận dụng, thực hiện ở nước ta.

Giải phóng dân tộc, giải phóng con người bằng sự phát triển và hoàn thiện con người ở tầm cao văn hóa-văn minh như thế đã khơi dậy, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, để làm nên những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong lịch sử hiện đại. Điều này lý giải, trong mọi hoàn cảnh lịch sử, Hồ Chí Minh luôn chủ trương nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, nâng cao nhân cách cho toàn dân đi đôi với mở cửa tiếp thu văn hóa - văn minh nhân loại. Đây là bí quyết chính trị của Hồ Chí Minh, bí quyết thành công của cách mạng Việt Nam. 

 Xã hội mà Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng là sự kết hợp giữa việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa - văn minh nhân loại, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước - nhân văn Việt Nam và chủ nghĩa quốc tế trong sáng. Đối với cá nhân, đó là văn hóa - văn minh để làm người, làm việc, để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự nhân loại; là xóa bỏ tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ và làm cho mọi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, ai cũng hiểu nghĩa vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc mà mình xứng đáng được hưởng.

Xuất phát từ nội dung văn hóa-văn minh của cuộc cách mạng giải phóng con người, Hồ Chí Minh đòi hỏi đội ngũ tiên phong là Đảng Cộng sản phải “là đạo đức, là văn minh”, phải có văn hóa và đạo đức cách mạng, phải “thấm nhuần đạo đức xã hội chủ nghĩa”(10). Đó là đạo đức làm người, hoàn thiện con người, đạo đức vì thắng lợi của sự nghiệp vĩ đại là giải phóng con người và xây dựng xã hội đem lại tự do, hạnh phúc cho tất cả đồng bào. Cũng chính vì thế, Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là gốc, đạo đức cách mạng là đạo đức hành động và Người không chỉ để lại một hệ thống quan điểm về đạo đức cho toàn Đảng, toàn dân học tập mà còn là một tấm gương ngời sáng, một kiểu mẫu về đạo đức, văn minh.

 Suy cho cùng, con đường cứu nước mà Hồ Chí Minh tìm thấy và dẫn dắt nhân dân ta thực hiện đã đưa tới những thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đồng thời đóng góp vào giải quyết khát vọng lớn lao nhất, mục tiêu văn hóa - văn minh nhất của nhân loại là cải tạo thế giới để giải phóng con người. Sự tôn vinh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới là một vinh danh kép cần phải được hiểu trên cùng một ý nghĩa: giá trị cao nhất của văn hóa - văn minh, của đạo đức và nhân cách là đưa tới giải phóng, hoàn thiện con người và giải phóng, hoàn thiện con người chính là đỉnh cao của giá trị văn hóa-văn minh, đạo đức và nhân cách.

3. Nghiên cứu những biến cố lịch sử của đất nước trong một thế kỷ qua, từ chỗ bế tắc về đường lối cứu nước hồi đầu thế kỷ XX, phải trả giá với biết bao máu xương của nhân dân và sự hy sinh của nhiều bậc tiên liệt trong nhiệm vụ mở lối, tìm đường cho dân tộc, đến thực tiễn của những thắng lợi vĩ đại đã đạt được trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ quyền dân tộc cơ bản cũng như trong xây dựng đất nước theo con đường mà Hồ Chí Minh lựa chọn, chúng ta càng thấu hiểu thêm tầm nhìn thời đại của Người qua sự kiện đi ra thế giới tìm con đường mới cho sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam cách đây hơn một thế  kỷ.

Với ý nghĩa đó, ngày 5-6-1911, không chỉ là dấu son đặc biệt đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm đường cứu nước, cứu dân của Hồ Chí Minh mà còn là sự kiện mở ra quá trình Việt Nam từng bước hội nhập với thế giới. Trong quá trình đó, trên cơ sở tiếp nhận những giá trị văn hóa - văn minh nhân loại và nắm bắt được xu thế phát triển của loài người trong thời đại mới, thông qua con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn, Việt Nam đã kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dân tộc với quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp (cả lực, thế, thời) đưa tới những thắng lợi lịch sử của dân tộc Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua. Đồng thời, trong quá trình đó, dân tộc ta đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷ phi thực dân hóa, thúc đẩy lịch sử loài người tiến lên theo hướng tiến bộ, văn minh. Bởi vậy, kiên trì con đường cách mạng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Hồ Chí Minh đã chỉ ra không chỉ là kiên trì mục tiêu con người Việt Nam phải được sống trong không gian sinh tồn Độc lập của dân tộc mình mà còn phải được Tự do - Hạnh phúc trong một xã hội tiến bộ, văn minh của CNXH. Kiên trì con đường với mục tiêu đó cũng chính là giữ vững những nhân tố (thiên thời - địa lợi - nhân hòa), bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng nước ta trong điều kiện mới để đất nước (có lực, thế, thời mới) tiếp tục tiến bước mạnh mẽ nhằm hoàn thiện những mục tiêu vì dân tộc, vì con người Việt Nam.

Ngày nay, trước sự vận động vô cùng nhanh chóng và phức tạp của quan hệ quốc tế, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với các giá trị trên đây, sự kiện lịch sử Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và con đường cách mạng mà người đem lại cho dân tộc càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Trên thực tế, với đường lối đổi mới của Đảng, sự hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng là tiếp tục quá trình dân tộc ta đi ra thế giới trong điều kiện lịch sử mới để thâu nhận các giá trị văn hóa - văn minh nhân loại và nắm bắt xu thế phát triển của thời đại để tiến hành thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, tạo ra các điều kiện để thực hiện ngày một hoàn chỉnh các nội dung của tiêu chí Độc lập - Tự do - Hạnh phúc cho con người Việt Nam.

 Bởi vậy, không chỉ nắm vững thế giới quan, phương pháp Hồ Chí Minh thâu nhận được từ các giá trị văn hóa - văn minh nhân loại, nắm bắt được xu thế phát triển của loài người trong quá trình đi tìm đường cứu nước, mà còn phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, đổi mới và sáng tạo của Người trong quá trình tìm đường và dẫn đường cho cách mạng Việt Nam để xây dựng đường lối và chỉ đạo thực tiễn phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước và sự vận động của quan hệ quốc tế mới. Chỉ có như vậy mới giải quyết tốt các mối quan hệ dân tộc - giai cấp, quốc gia - quốc tế, dân tộc - thời đại, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với thời đại, liên tục tạo lập lực - thế - thời mới - mạnh mẽ hơn, cao hơn, rộng rãi hơn nữa - để đưa đất nước phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của CNXH ở nước ta.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.461.

(2) Học thầy Phạm Ngọc Thọ - thân sinh cố Bộ trưởng y tế Phạm Ngọc Thạch.

(3), (6) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1970, tr.13, 13.

(4) Ngày 17-1-1910, Nguyễn Tất Thành được tin cha bị Triều đình bãi chức và triệu hồi về Huế (Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.25).

(5) Đầu tháng 9-1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đi Sài Gòn.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.30.

(8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.392.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.40.

(10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.293.

 

PGS, TS PHẠM HỒNG CHƯƠNG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng

TS ĐINH ĐỨC DUY

Trường Chính trị tỉnh Bình Dương

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền