Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Ba quyết định lịch sử của Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước
Thứ hai, 20 Tháng 9 2021 16:15
4011 Lượt xem

Ba quyết định lịch sử của Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước

(LLCT) - Trong hành trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh, có ba quyết định lịch sử, đó là việc lựa chọn hướng đi sang phương Tây; sự nhất quán, kiên định mục tiêu cứu nước, cứu dân; xác định con đường cách mạng đúng đắn. Ba quyết định này góp phần lý giải về hành trình tìm đường cứu nước và những cống hiến vĩ đại của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tua, tháng 12.1920

Ngày 5-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, rời Bến cảng Nhà Rồng đi sang phương Tây với khát vọng lớn lao: tìm con đường đi đúng đắn của đất nước, của dân tộc, để cứu nước, cứu dân, giành lại nền độc lập cho dân tộc, tự do và hạnh phúc cho nhân dân. Từ đây mở ra hành trình lịch sử trong cuộc đời của Người, đồng thời cũng là những mốc son trong hành trình vĩ đại đến với độc lập - tự do - hạnh phúc của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại.

1. Sang phương Tây - một quyết định lịch sử

Trước khi Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, cụ Phan Bội Châu - một người bạn thân với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh), đã từng mời Người tham gia phong trào Đông Du (một niềm vinh dự to lớn mà thanh niên thời đó không phải ai cũng dễ có được), nhưng anh thanh niên Nguyễn Tất Thành khi đó đã từ chối. Mặc dù khi đó chưa có điều kiện hiểu rõ về bản chất của chủ nghĩa đế quốc, nhưng bằng sự nhạy cảm của bản thân, Người không tán đồng với chủ trương của cụ Phan Bội Châu, với nhận xét tinh tế: “Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”(1).

Đây là điều không phải người Việt Nam nào thời đó cũng nhận ra được. Bởi sau chiến thắng của nước Nhật trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904 - 1905), Nhật nổi lên như một trong những điển hình tiêu biểu và là tấm gương sinh động cho sự chiến thắng của người châu Á trước người châu Âu, được coi là “anh cả da vàng” và vì “đồng văn, đồng chủng” nên dựa vào người Nhật để đánh đuổi Pháp là điều có sức thuyết phục. Nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh, khi chính quyền Pháp và chính quyền Nhật bắt tay với nhau vì có chung lợi ích về vấn đề thuộc địa, phong trào Đông Du từng sôi nổi một thời đã thất bại.

Trong khi đó, với việc chọn hướng đi sang phương Tây, tìm hiểu thực chất những điều ẩn giấu sau khẩu hiệu mỹ miều “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, Hồ Chí Minh đã có điều kiện để quan sát một chân trời mới, từ đó đưa lại cho Người những tư duy rất mới: “cũng có những người Pháp tốt”(2), “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa” chúng ta”(3)... Chính nhờ chọn hướng đi đúng đắn sang phương Tây, Hồ Chí Minh được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, tư tưởng mới. Bằng tư duy độc lập, tự chủ, Người đã gạn lọc và tiếp thu những hạt nhân hợp lý, làm giàu thêm vốn văn hóa của bản thân, để vươn lên tầm cao của văn hóa nhân loại, trở thành nhà văn hóa vừa mang đậm chất Á Đông, vừa hết sức cởi mở, hòa hợp với văn hóa phương Tây. Đặc biệt, nhờ chọn hướng đi sang phương Tây, Hồ Chí Minh đã có điều kiện để gặp gỡ, nghiên cứu và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng giúp giải quyết triệt để sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

2. Kiên định mục tiêu cứu nước, cứu dân trong suốt hành trình

Mục tiêu ra nước ngoài của Hồ Chí Minh là tìm đường cứu nước, cứu dân. Song, đã có những kẻ cố ý xuyên tạc cho rằng, khi bắt đầu đi ra nước ngoài, Nguyễn Tất Thành chỉ là một người mới vào đời, rằng mục đích chuyến đi là để tìm sinh kế, để học lấy một văn bằng, mà chưa xác định rõ rệt về cuộc sống tương lai, nên càng không thể nói là có mục tiêu cứu nước được(?). Thực tế lịch sử đã khẳng định cứu nước, cứu dân là mục tiêu duy nhất và nhất quán của Hồ Chí Minh trong hành trình bôn ba các châu lục.

Mục tiêu ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân của Hồ Chí Minh không chỉ được thể hiện ở quyết tâm cao độ, dám lựa chọn con đường đầy những chông gai, thử thách, mà còn được khẳng định qua những suy nghĩ, việc làm của Người trong suốt hành trình bôn ba ở nước ngoài.

Làm phụ bếp, công việc rất vất vả, cực nhọc suốt từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối, nhưng khi xong việc, Người lại tiếp tục đọc hoặc ghi chép đến nửa đêm mới đi nằm. Mục đích không gì khác hơn là để nâng cao trình độ hiểu biết của bản thân, từ đó sẽ giúp ích cho đất nước, dân tộc. Cũng với mục đích này, ngày 15-9-1911, Người đã viết đơn gửi Tổng thống Pháp và Bộ trưởng Bộ thuộc địa xin được vào học Trường Thuộc địa ở Pháp. Tuy nhiên, nguyện vọng của Người đã không được chấp nhận. Tiếp tục hành trình bôn ba nước ngoài, dù phải lo làm việc vất vả để tồn tại, Hồ Chí Minh luôn dành thời gian để không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ.

Cũng vì luôn luôn lo nghĩ về con đường cứu nước, cứu dân, Người gần gũi rất tự nhiên với cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của những dân tộc có cùng cảnh ngộ. Khi đến nước Mỹ (cuối năm 1912), Người tới thăm tượng Nữ thần tự do và tìm hiểu Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ. Người bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần chiến đấu vì độc lập, giành “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của nhân dân Mỹ. Trong thời gian ở Mỹ, dù chưa hiểu nhiều về chính trị, nhưng nhờ sự đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ là dân mất nước, Hồ Chí Minh đã tham gia góp tiền để ủng hộ các chuyến trở về châu Phi của những người da đen ở khu Háclem (Niu Oóc)(4). Khi ở nước Anh (từ năm 1913), Hồ Chí Minh đã từng rất xúc động khi biết tin một nhà ái quốc người Airơlen do chống lại ách thống trị của đế quốc Anh mà bị bỏ tù và hy sinh(5).

Luôn theo đuổi mục tiêu cứu nước, cứu dân, nên khi các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ I họp Hội nghị Vécxây (Pháp), với những lời hứa hẹn mở ra hy vọng mới cho các dân tộc thuộc địa về quyền dân tộc tự quyết(6), Hồ Chí Minh đã đề xướng việc gửi đến Hội nghị bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm 8 điểm, đòi các quyền tự do dân chủ(7). Đó là một cử chỉ thiện chí, một cách ứng xử hòa bình, “là một kịch bản chấm dứt tình trạng thuộc địa trước công thức: dân chủ về chính trị, rồi độc lập”(8). Để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận, Người đã phải sống rất cực khổ để dành dụm tiền thuê in Bản yêu sách, đem phân phát rộng rãi trong nhân dân Pháp và gửi về Việt Nam. Bản yêu sách đã không được các nước tham dự hội nghị đếm xỉa đến. Song, nó giúp Hồ Chí Minh “hiểu rằng những lời tuyên bố tự do của các nhà chính trị tư bản trong lúc chiến tranh thật ra chỉ là những lời đường mật để lừa bịp các dân tộc. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình”(9).

Cứu nước, cứu dân cũng là lý do để Hồ Chí Minh gia nhập Đảng Xã hội Pháp. Trả lời câu hỏi tại sao gia nhập Đảng, Người nói rõ: “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”(10).

Nhận xét về mục tiêu hành trình đi ra nước ngoài của Hồ Chí Minh, năm 1969, tại Sài Gòn, một vị linh mục đã cho rằng: “chúng ta có thể tin rằng chuyến đi của Nguyễn không phải là để tìm sinh kế. Hai mươi tuổi đầu rời bỏ quê hương, mang trong lòng tâm sự của một kẻ mất nước, thấy bất lực trên quê hương, thấy không thể tin ở một sự viện trợ của các nước Á châu, Nguyễn Tất Thành ra đi có thể vì thất vọng, có thể vì muốn tìm một giải pháp cho quê hương, điều chắc chắn là trong đầu óc của người trai biệt xứ, luôn luôn có một sự tìm kiếm. Đi tới đâu, cũng nhận xét, cũng ghi chép, cũng tìm bạn, cũng gây ý thức... Đến Pari năm 1917, Nguyễn Tất Thành tìm cách liên lạc ngay với Việt kiều và tiếp xúc với các đảng phái chính trị. Cùng với luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành (từ đây mang tên Nguyễn Ái Quốc) đã làm kiến nghị 8 điểm gửi lên các cường quốc họp tại điện Vécxây, đòi quyền lợi căn bản cho người Việt Nam. Một người tha phương cầu thực chắc không thể sớm có những ý thức và hành động như thế... Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm một giải pháp cho quê hương”(11).

Nhìn lại lịch sử có thể thấy rõ, nếu chỉ vì “tìm sinh kế” cho cá nhân, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã không tham gia cuộc biểu tình chống thuế ở Trung Kỳ và chỉ cần tiếp tục theo học các trường bản xứ ở ngay trong nước và trở thành một công chức có cuộc sống thuận lợi trong bộ máy chính quyền thuộc địa. Con đường này rộng mở và ít hiểm nguy hơn rất nhiều so với con đường đi ra nước ngoài với hai bàn tay trắng, phải làm phụ bếp vất vả trên một con tàu vượt đại dương, hoàn toàn không có sự hậu thuẫn vật chất từ gia đình, không có sự giới thiệu, bảo lãnh của bất kỳ một nhân vật có thế lực nào trong chính quyền thuộc địa.

3. Xác định con đường cứu nước đúng đắn

Với truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm hàng nghìn năm của dân tộc, từ khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam cho đến cuối thế kỷ XIX, các cuộc đấu tranh yêu nước đã diễn ra mạnh mẽ ở nhiều nơi, mà đỉnh cao là phong trào Cần Vương. Nhưng các cuộc đấu tranh này đều thất bại. Sự thất bại này cho thấy, ngọn cờ phong kiến đã không còn đủ khả năng huy động và tổ chức người dân chống giặc ngoại xâm như trước nữa. “Rõ ràng là đối với kẻ thù mới tư bản chủ nghĩa phương Tây, không thể dùng vũ khí cũ đã được ông cha dùng một cách đắc lực để đối đầu với kẻ thù phong kiến xưa kia nữa”(12).

Đầu thế kỷ XX, cùng với những biến chuyển của tình hình trong nước và thế giới, đặc biệt là thành tựu của Nhật Bản trong cuộc duy tân đất nước, thắng lợi của quân Nhật trong cuộc chiến Nga - Nhật và chủ trương canh tân Trung Quốc của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, một làn gió tư tưởng mới thổi vào Việt Nam - tư tưởng dân chủ tư sản. Lịch sử dân tộc Việt Nam đứng trước sự lựa chọn con đường cứu nước mới theo ngọn cờ dân chủ tư sản, mà những đại diện tiêu biểu là Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Trong chủ trương cứu nước của hai cụ Phan, dù về phương pháp tiến hành có khác nhau (một người thì chủ trương cải lương, còn một người lại chủ trương bạo động), song điểm chung căn bản giữa hai cụ là đều dựa chủ yếu vào sự giúp đỡ của nước ngoài. Với cụ Phan Châu Trinh, chỗ dựa là ngay chính quyền Pháp. Với cụ Phan Bội Châu, đó là chính quyền Nhật, rồi sau này là chính quyền Trung Hoa dân quốc. Đây cũng là điểm hạn chế căn bản trong chủ trương cứu nước của hai cụ Phan, cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến chủ trương của các cụ thất bại. Hai cụ đều chưa thấy được rằng muốn cứu nước, phải dựa chủ yếu và trước hết vào lực lượng cách mạng ở trong nước. Hai cụ cũng chưa thấy được vai trò và khả năng cách mạng của công nhân và nông dân - hai giai cấp đông đảo nhất trong xã hội và cũng là hai giai cấp chịu hậu quả nặng nề nhất dưới chế độ cai trị tàn bạo của thực dân Pháp.

Sự thất bại của các cuộc đấu tranh và chủ trương cứu nước theo các con đường phong kiến và dân chủ tư sản khiến cho việc xác định một con đường cứu nước đúng đắn càng trở nên bức thiết và là điều nung nấu của bất kỳ một người Việt Nam yêu nước nào. Hồ Chí Minh cũng là một người như vậy.

Ngày 5-6-1911, khi bắt đầu chuyến hành trình đi ra nước ngoài, Hồ Chí Minh chắc chắn chưa thể hình dung được việc giành lại độc lập của dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra theo cách thức như thế nào, nhưng có một điều Người biết chắc chắn là ước muốn cháy bỏng của bản thân giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Đó chính là động lực to lớn nhất, đồng thời cũng là hành trang quý giá nhất của Người trong hành trình bôn ba trên thế giới vì lý tưởng vô cùng cao đẹp, nhân văn, nhưng cũng hết sức nguy hiểm và đầy gian nan, vất vả.

Trong hành trình tìm đường cứu nước, nhất là những năm tháng sống ở châu Âu, Hồ Chí Minh đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều trào lưu tư tưởng trên thế giới. Trên cơ sở lấy tự do, hạnh phúc cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc làm lẽ sống và làm thước đo giá trị để khảo nghiệm các trào lưu tư tưởng thế giới, Người đã gạn lọc và tiếp thu những tinh hoa văn hóa của nhân loại, chọn lựa con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với dân tộc Việt Nam. Điều cần nhấn mạnh là chặng đường mà Người đã đi là “chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn vững chắc, tránh được những sai lầm dẫn tới ngõ cụt”(13).

Do đặt mục tiêu cứu nước, cứu dân lên trên hết, nên Hồ Chí Minh đã không đi theo con đường cách mạng dân chủ tư sản - những cuộc cách mạng “không đến nơi”, chỉ thay chế độ áp bức, bóc lột này bằng chế độ áp bức, bóc lột khác, mà chọn con đường cách mạng vô sản, để thực sự đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Chính vì vậy, khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, Người đã “vui mừng đến phát khóc lên”: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(14). Đó cũng chính là tiêu chí để Người quyết định bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, người cộng sản đầu tiên của Việt Nam.

Trong khi đó, những người Việt Nam khác, dù cũng rất giàu lòng yêu nước, thương dân và từng sống nhiều năm ở Pari - Thủ đô nước Pháp, như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, ... nhưng vẫn không nhìn ra được giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhân tố cơ bản tạo nên sự khác biệt này chính là trí tuệ mẫn tiệp, tầm nhìn xa thấy rộng của Hồ Chí Minh, một tầm nhìn vượt thời đại, hơn hẳn rất nhiều người cùng thời. Nhờ tầm trí tuệ và tầm nhìn như vậy, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường đúng cho bản thân và cũng là con đường đúng cho toàn thể dân tộc. Đó là con đường dựa chủ yếu vào sức mạnh yêu nước và đoàn kết của đồng bào, đồng thời tích cực tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, để đánh đuổi giặc ngoại xâm, rồi đi tới xây dựng một xã hội mới, mang lại hạnh phúc, ấm no thực sự cho mọi người dân, một xã hội không còn áp bức, bất công, thực hiện giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Như Tổng Bí thư Lê Duẩn đã chỉ rõ: “Công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chủ tịch là đã gắn phong trào cách mạng Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là con đường giải phóng duy nhất mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra cho nhân dân lao động và tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”(15).

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2021

(1), (2), (3), (5), (9), (10) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (in lần thứ 9), Nxb Văn học, Hà Nội, 1989, tr.10, 15, 15, 26, 30, 42.

(4) Xem Song Thành (chủ biên): Hồ Chí Minh - Tiểu sử, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2006, tr.48.

(6) Ngày 8-1-1919, trong Thông điệp liên bang, Tổng thống Hoa Kỳ U.Uynxơn đề ra 14 điểm được gọi là “Chương trình hòa bình toàn diện”, trong đó có điểm thứ 5 thu hút sự chú ý của những người Việt Nam ở Pháp: “Giữ thái độ hoàn toàn vô tư, thẳng thắn, đại lượng trong việc phân xử các cuộc tranh chấp về thuộc địa với tinh thần tôn trọng nguyên tắc là việc xác định tất cả những vấn đề về chủ quyền, quyền lợi của dân cư có liên quan phải tương xứng với những đòi hỏi chính đáng của chính phủ quốc gia đứng ra nhờ phán xét”. Thực tế sau đó cho thấy, những lời tuyên bố này chỉ là những hứa hẹn giả dối.

(7) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.469-470.

(8) Daniel Hémery: Hồ Chí Minh - Từ Đông Dương đến Việt Nam (Lê Toan biên dịch), Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2004, tr.29.

(11) Trương Bá Cần, dẫn theo Trần Văn Giàu: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.759-760.

(12) Trần Văn Giàu: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.371-372.

(13) Ho Chi Minh - Notre camrade, Introduction historique de Charles Fourniau, editon sociales, Paris, 1970, dẫn theo Phan Ngọc Liên: Hồ Chí Minh với tiến trình lịch sử dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.178.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.562.

(15) Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, trích trong Chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.79.

PGS, TS LÝ VIỆT QUANG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền