Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Những điểm mới về hệ quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Thứ tư, 03 Tháng 11 2021 16:09
18170 Lượt xem

Những điểm mới về hệ quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Bài viết phân tích một số điểm mới trong hệ 5 quan điểm chỉ đạo được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đồng thời làm rõ để người học nắm vững, vận dụng các quan điểm chỉ đạo đó; góp phần tạo dựng và củng cố được niềm tin vững chắc, khơi dậy ý chí, khí thế và khát vọng phát triển mạnh mẽ của toàn thể dân tộc để thực hiện cho được các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đặt ra.

Ảnh: Trung tâm Hội nghị quốc gia nơi đón 1.587 đại biểu đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên trong cả nước về dự Đại hội XIII. Nguồn: dangcongsan.vn

1. Quan điểm chỉ đạo đầu tiên của Đại hội XIII mang tính nguyên tắc quán xuyến, nhất quán, không thay đổi, bất di bất dịch trong đường lối của Đảng là “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(1).

Như vậy là, trong quan điểm chỉ đạo này có bốn vế rất quan trọng đòi hỏi phải “kiên định”. Điểm cần nhấn mạnh ở đây khi truyền đạt để nắm vững Nghị quyết là chúng ta vừa phải kiên định nhưng lại vừa phải vận dụng sáng tạo; phải không ngừng đổi mới để đất nước ngày càng phát triển. Sẽ chệch định hướng xã hội chủ nghĩa nếu không “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, song nếu kiên định một cách giáo điều và chủ quan, duy ý chí như đã từng xảy ra mà không tiếp tục đổi mới, không chú ý sáng tạo thì rất có thể sẽ rơi vào bảo thủ, dẫn đến trì trệ và do vậy cũng chẳng thể có sự phát triển.

Nhận thức đúng và giải quyết một cách biện chứng mối quan hệ giữa kiên định với đổi mới và phát triển là yêu cầu cần quán triệt sâu sắc cả trong hoạch định đường lối, chính sách và trong chỉ đạo hoạt động thực tiễn. Những thành tựu của công cuộc đổi mới đạt được thời gian qua đã thể hiện rõ sự tài tình của Đảng ta trong việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ này. Đó cũng là sự bảo đảm cho những thành công trong thời gian tới.

Trong quan điểm chỉ đạo số một này có một điểm rất quan trọng là “kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Trong đó, quan trọng bậc nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Quá trình dân chủ hóa đời sống chính trị - xã hội, trong công tác tổ chức và sinh hoạt Đảng từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới đến nay đã khơi dậy sức sáng tạo mạnh mẽ, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm công dân của mỗi người dân, của các đảng viên đối với Tổ quốc.

Mục tiêu của môn lý luận chính trị là làm cho học viên hiểu được rằng, từ xưa đến nay, trong lịch sử nhân loại chưa một xã hội có sự phân chia giai cấp nào lại có dân chủ vô bờ bến, dân chủ vô nguyên tắc, dân chủ bất chấp điều kiện lịch sử - xã hội, bất chấp luật pháp, dân chủ vô chính phủ. Giáo dục chính trị cần trình bày một cách thuyết phục, có lý lẽ, vững vàng điểm này để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc, vu khống của các thế lực chống đối cả ở trong và ngoài nước, rằng chế độ xã hội chủ nghĩa không có dân chủ, phản dân chủ, là chế độ toàn trị, là chế độ đảng trị cộng sản chuyên quyền!

Không thể có dân chủ vô bờ bến, nhưng mặt khác cũng không thể dân chủ hình thức, càng không thể thiếu tập trung. Nếu dân chủ mà không có tập trung thì nhất định sẽ dẫn đến tình trạng vô tổ chức, vô nguyên tắc, thậm chí là hỗn loạn. Dân chủ và tập trung là hai mặt không thể tách rời. Thực hiện tập trung dân chủ trong một thể thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đã động viên được tinh thần sáng tạo, củng cố sức mạnh của Đảng và của dân tộc trước mọi biến động bất lợi của tình hình thế giới trong những năm qua. Việc kiên định thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai cũng sẽ là một bảo đảm cho sự thống nhất và sức mạnh của Đảng và của toàn thể dân tộc.

2. Quan điểm chỉ đạo thứ hai của Đại hội XIII thể hiện rõ tầm chiến lược nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đó là “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”(2).

Yêu cầu phát triển nhanh để tránh nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế và cũng là để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển là một thách thức to lớn đối với nước ta trong kỷ nguyên công nghệ số. Yêu cầu phát triển nhanh nhưng đồng thời phải bảo đảm phát triển bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội, bền vững về môi trường và bền vững về văn hóa; đặc biệt, phải “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế”. Dù bất cứ hoàn cảnh nào thì quyền lợi hay lợi ích quốc gia - dân tộc vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Chúng ta đều nhớ vào năm 1941 trong “Kính cáo đồng bào”, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”(3). Trong thời đại hiện nay cũng như vậy, khi mà tình hình thế giới đang biến động từng ngày, đầy bất trắc và rất khó lường, chúng ta càng không được mơ hồ về lợi ích quốc gia dân tộc, đất nước. Bởi vậy, Nhà nước phải ra sức bảo đảm xây dựng một nền quốc phòng vững mạnh, giữ gìn bờ cõi, biên cương, hải đảo của Tổ quốc, bảo đảm có được nền an ninh xã hội vững chắc và thường xuyên.

Một trong những điểm rất mới trong các Văn kiện Đại hội XIII là nhấn mạnh đến việc phải phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, đặc biệt là phải “phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”(4). Sức mạnh mềm của văn hóa cũng chính là sức mạnh mềm của quốc gia; đó là truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin vào tương lai, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc; là tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam. Khơi dậy, phát huy được sức mạnh mềm cùng với những tài nguyên, nguồn lực văn hóa sẵn có, với khát vọng phát triển mãnh liệt của mỗi người thì nhất định đất nước sẽ giàu mạnh, phồn vinh và nhân dân sẽ hạnh phúc.

3. Quan điểm chỉ đạo thứ ba là động lực phát triển đất nước: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững”(5). Đất nước chỉ có thể phát triển nhanh và bền vững khi huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phải phát huy và thực hành dân chủ rộng rãi cả trong xã hội và trong tổ chức Đảng và hệ thống chính trị.

Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa là phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài; khơi dậy và lan tỏa khát vọng phát triển của mọi người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong thời gian qua, như đánh giá của Đại hội, chúng ta vẫn còn “Thiếu cơ chế, chính sách tuyển chọn và trọng dụng người tài”(6); “Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm cả ở khu vực nhà nước và khu vực tư nhân”(7); hơn nữa “Cơ chế và chính sách cán bộ trong hoạt động khoa học và công nghệ còn nặng về hành chính hóa, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài”(8).

Đại hội XIII đã chỉ rõ, để khắc phục những thiếu sót đó, trên bình diện quốc gia, Đảng và Nhà nước cần có chiến lược, quốc sách, chính sách chọn nhân tài; “Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng”(9). Đồng thời, “Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”(10). Như vậy, cần xây dựng chiến lược, hình thành cho được quốc sách và luật hóa được việc phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài trong cuộc cách mạng chuyển đổi số để có thể góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển đất nước.

Một điểm rất mới nữa trong quan điểm chỉ đạo thứ ba là chỉ tiêu hạnh phúc của nhân dân. Mục đích phát triển kinh tế - xã hội của chúng ta không có gì khác hơn và không có gì cao quý hơn là hạnh phúc của nhân dân, của toàn thể dân tộc. Bởi vậy, việc xây dựng được chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhằm mang lại cuộc sống ngày càng tốt hơn, mang lại hạnh phúc cho nhân dân là thiết thực cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng. Giáo dục lý luận chính trị nhất định phải góp phần đắc lực vào nhiệm vụ này để khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển của mọi người.

4. Quan điểm thứ tư về nguồn lực phát triển. Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(11).

Chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ về rất nhiều mặt, trên rất nhiều lĩnh vực. Các nước đều bị cuốn vào quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Vì vậy, nước ta cũng không thể tự tách mình ra khỏi quá trình ấy. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó quan trọng nhất là chuyển đổi công nghệ số (digital transformation) và trí tuệ nhân tạo (AI), ngoài ra còn có các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing), công nghệ chuỗi khối (blockchain), thực tế ảo (VR) đang diễn ra với tốc độ rất nhanh và làm cho toàn cầu hóa càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đảng và Nhà nước ta chủ trương tranh thủ ngoại lực, tiếp thu và áp dụng những thành tựu do hội nhập quốc tế mang lại để rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển.

Tuy nhiên, để làm được điều này thì cần phải có các nguồn lực nội sinh, trong đó “nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Song, thứ mà nước ta đang thiếu nhất trong nguồn lực con người hiện nay, cũng là khâu phải đột phá, là điểm nghẽn nhất cần tháo gỡ chính là thiếu những người tài trong nhiều lĩnh vực quan trọng như khoa học, công nghệ, tổ chức, kinh doanh và quản lý xã hội. Bởi vậy, khâu đột phá đầu tiên phải được tính đến là công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng sao cho thật hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là tầng lớp trí thức tinh hoa của dân tộc. Song, cho đến nay, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 nhận định, “Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển”(12). Bởi vậy, việc phát triển toàn diện con người Việt Nam phải “trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”(13).

Từ nhận định và đánh giá thẳng thắn đó có thể thấy, muốn cho đất nước phát triển, đạt được mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội đề ra thì phải phát hiện sớm người tài, chọn đúng người tài cho từng lĩnh vực của hoạt động xã hội; phải thật sự trọng dụng người tài; tạo môi trường thuận lợi để người tài có điều kiện sáng tạo, phát minh; phải dùng người tài đúng lúc, đúng việc, đúng chỗ và không kém phần quan trọng là có chính sách trọng đãi xứng đáng đối với người tài nhằm tạo ra động lực mạnh mẽ cho các lĩnh vực sáng tạo khoa học, phát minh công nghệ, điều hành, quản lý và tổ chức xã hội. Đây chính là một phần của khâu đột phá hết sức quan trọng trong công tác tổ chức - cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước theo hướng hiện đại.

5. Quan điểm chỉ đạo thứ năm nêu những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội XIII viết: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”(14).

Quan điểm chỉ đạo này gồm nhiều nội dung quan trọng. Dưới đây chỉ phân tích một số nội dung cơ bản.

Đối với một đảng cầm quyền thì việc chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đủ sức gánh vác trọng trách nặng nề, đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, nhân dân hạnh phúc, đất nước phát triển là nhiệm vụ, là trách nhiệm phải làm thường xuyên, liên tục và không ngừng nghỉ. Về tư cách của một đảng chân chính cách mạng, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(15). Trong truyền thống vinh quang của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề che giấu khuyết điểm, bởi vì “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”(16). Bởi vậy, Đảng đã thi hành kỷ luật khai trừ khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật Nhà nước, bất kể là giữ cương vị nào, kể cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị. Sự nghiêm minh đó của Đảng không hề làm giảm sức mạnh của Đảng; trái lại, nó càng củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt, tiếp theo Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”, Đại hội lần này chú trọng vào nhiệm vụ “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”. Vậy đội ngũ cán bộ này cần phải có những phẩm chất gì? Trước hết, người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược phải có đạo đức tốt, có nền tảng văn hóa đạo đức vững vàng. Tuy nhiên, có được văn hóa đạo đức mới chỉ là một mặt. Còn nhiều mặt khác mà người cán bộ cấp chiến lược cần phải chú ý tự trang bị cho mình. Chẳng hạn, phải đáp ứng những đòi hỏi quan trọng khác về văn hóa, trong đó có trình độ học vấn, trình độ hiểu biết nhiều mặt về khoa học hiện đại liên quan đến tất cả các lĩnh vực tự nhiên, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, v.v.. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, với nhiều thách thức và biến động khó lường như hiện nay, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo và quản lý cấp chiến lược phải có tầm hiểu biết rộng về tình hình chính trị thế giới, trong đó có tri thức về địa chính trị, về những nguy cơ và những thách thức đặt ra với Việt Nam.

Bên cạnh đó, tri thức về địa lý, về lịch sử - văn hóa dân tộc là một phần không thể thiếu của cán bộ cấp chiến lược. Bởi vì, khi những tri thức này chuyển hóa thành tình cảm yêu nước chân chính sẽ tạo động lực to lớn để người cán bộ tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Muốn có tri thức, nhất là những tri thức mới thuộc các lĩnh vực khác nhau thì người cán bộ cấp chiến lược phải là người có văn hóa tự học, thực học và học tập suốt đời, nhất là có tư duy triết học biện chứng duy vật, vì triết học như C.Mác đã nói, là “linh hồn sống của văn hóa...”(17).

Có được những phẩm chất văn hóa đó thì mỗi cán bộ, nhất là các cán bộ cấp chiến lược, đều là vốn quý của dân tộc trên bước đường đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống và biến Nghị quyết Đại hội thành hiện thực. Đúng như Hồ Chí Minh đã nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(18); “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý nhất định”(19).

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chứa đựng nhiều điểm mới, nội dung hết sức phong phú và quan trọng. Các cấp ủy và tổ chức Đảng, các thành viên trong hệ thống chính trị có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung, quán triệt Nghị quyết Đại hội trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đó cũng là nhiệm vụ của ngành giáo dục chính trị, của các học viện, nhà trường thuộc tất cả các bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân nước nhà trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó, tạo dựng và củng cố niềm tin, khơi dậy ý chí, khí thế và khát vọng phát triển mạnh mẽ của toàn thể dân tộc để thực hiện cho được các mục tiêu mà Đại hội XIII đã đặt ra.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1), (2), (5), (6), (7), (11), (12), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.324, 324, 324-325, 75, 76, 325, 70, 325.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.230.

(4), (8), (9), (10), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.145-146, 83, 167, 231, 65.

(15), (16), (18), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.289, 301, 309, 280.

(17) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.157.

GS, TS NGUYỄN TRỌNG CHUẨN

Phó Chủ tịch Hội Triết học

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền