Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Di sản lý luận của đồng chí Trường Chinh qua một số tác phẩm tiêu biểu
Thứ ba, 01 Tháng 3 2022 14:59
3068 Lượt xem

Di sản lý luận của đồng chí Trường Chinh qua một số tác phẩm tiêu biểu

(LLCT) - Những tác phẩm tiêu biểu của đồng chí Trường Chinh trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam mang tầm cao trí tuệ của một nhà lãnh đạo tiền bối kiệt xuất; đó là những quan điểm, tư tưởng mang tính sáng tạo về chiến lược và sách lược, thể hiện phương pháp cách mạng, tư duy đổi mới sáng tạo để đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, giành độc lập, tự do và phát triển. Bài viết góp phần tái hiện di sản lý luận của một nhà lãnh đạo, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Đồng chí Trường Chinh trò chuyện với các thành viên Ban Soạn thảo Văn kiện Đại hội VI, tháng 11-1986 - Ảnh: Xuân Lâm (vnanet.vn)

 

Dùng ngòi bút làm đòn chuyển xoay chế độ

Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền

                                                                          (Bài thơ Là thi sĩ, 1942(1))

Nhắc đến đồng chí Trường Chinh (09-02-1907 - 30-09-1988), chúng ta nhớ đến những câu thơ như lời tuyên ngôn của người chiến sỹ cách mạng cầm bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Trường Chinh đã lao động sáng tạo không ngừng, viết rất nhiều tác phẩm với các bút danh Cây Xoan, T.t (Tin tức), QN, Qua Ninh, Sóng Hồng, T.Tr, Trường-Chinh… Các bài báo, bài viết của đồng chí là những tác phẩm lý luận, chính luận, bài báo, bài thơ với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng, trải rộng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự, ngoại giao,… nội dung mang tính chiến đấu và đổi mới sáng tạo, tổng kết lý luận và thực tiễn, định hướng tư duy và hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tại những thời điểm có tính bước ngoặt của lịch sử.

1. Dùng ngòi bút sắc bén để tuyên truyền cách mạng, chỉ đạo phong trào, làm “chuyển xoay chế độ” trong cuộc vận dộng cách mạng 

Đồng chí Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ra trong một gia đình khoa bảng, có truyền thống yêu nước và cách mạng, tại tỉnh Nam Định. Tiếp thu, kế thừa truyền thống Nho học uyên bác, thông hiểu kinh sử từ ông nội và cha(2), đồng chí đã sớm bộc lộ trí tuệ hơn người với tư duy sắc bén và năng lực viết thiên phú. 18 tuổi, đồng chí tham gia phong trào yêu nước (năm 1925), là một trong những người tiên phong tham gia vận động thành lập Đảng. 

Năm 1928, đồng chí tham gia sáng lập và làm chủ bút báo Dân cày, sau đó tham gia làm báo Búa liềm và tạp chí Người Cộng sản. Năm 1930, đồng chí trở thành chiến sĩ cộng sản lớp đầu của Đảng và được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí bước đầu hoạt động cách mạng thông qua sử dụng ngòi bút là phương tiện để “tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể”. Gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp báo chí, đồng chí đã sử dụng rất thành công “vũ khí sắc bén” này, cho ra đời hàng trăm bài báo, bài viết chính luận sắc sảo và trở thành nhà báo nổi tiếng của báo chí cách mạng Việt Nam, được ví là “Người Anh Cả của báo chí cách mạng Việt Nam”. 

Cuối năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 12 năm tù, bị giam tại nhà tù Hoả Lò và Sơn La. Trong tù, đồng chí vẫn tích cực hoạt động, hướng dẫn anh em tù chính trị học tập, trau dồi lý luận, đấu tranh bằng nhiều hình thức phong phú, quyết liệt, buộc đế quốc, thực dân phải nhượng bộ. Với bút danh Cây Xoan, đồng chí viết nhiều bài báo cho tờ Lao tù tạp chí và Con đường chính của chi bộ nhà tù, bút chiến và tranh luận với các đảng viên Quốc dân Đảng các vấn đề về quan điểm, đường lối, phương pháp cách mạng... Từ đó, uy tín của Đảng được nâng cao, ảnh hưởng của tù cộng sản được mở rộng, nhiều đảng viên Quốc dân Đảng từ khâm phục đi tới giác ngộ, có khuynh hướng thân cộng sản, thậm chí có người tuyên bố ly khai Quốc dân Đảng. 

Sau khi được trả tự do tháng 9-1936, thời kỳ cao trào dân chủ, đồng chí Trường Chinh nhanh chóng bắt nhịp phong trào cách mạng trong bối cảnh mới, đồng chí tham gia biên tập và viết bài cho nhiều tờ báo xuất bản bằng tiếng Pháp công khai của Đảng như Le Travail (1936), Rassemblement (1937), En avant (1937), Notre Voix (1939) để tuyên truyền cách mạng đấu tranh chống Pháp... Đồng chí làm Giám đốc chính trị các tờ báo tiếng Việt như Tin tức, Đời nay - cơ quan của Mặt trận Dân chủ. Giai đoạn này, đồng chí đã cùng đồng chí Võ Nguyên Giáp viết tác phẩm: Vấn đề dân cày (1937-1938), nghiên cứu chuyên sâu về đời sống nông thôn Việt Nam, phơi bày sự bóc lột của thực dân Pháp và sự thống khổ của người nông dân dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến.  

Mặc dù phải gánh vác nhiều trọng trách lớn của Đảng và cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã dành nhiều thời gian, trí tuệ và sức lực để chỉ đạo hoạt động báo chí, tham gia làm chủ nhiệm chính trị hoặc trực tiếp phụ trách nhiều tờ báo và tạp chí lý luận của Đảng. Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo Giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa I, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư lúc 34 tuổi. Tháng 9-1941, đồng chí viết tài liệu tuyên truyền Chính sách mới của Đảng. Tháng 10-1941, đồng chí trực tiếp phụ trách Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng. Tháng 1-1942, đồng chí viết gửi Ban Tuyên truyền huấn luyện Trung ương tài liệu Chiến tranh Thái Bình Dương và cách mạng giải phóng dân tộc ở Đông Dương, đồng thời đồng chí phụ trách báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh. Tháng 10-1942, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định ra báo Cờ giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí được giao trực tiếp phụ trách. Đồng chí viết nhiều bài báo sắc sảo, có tính chiến đấu và dự báo chiến lược, như: “Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ” (báo Cờ giải phóng, số 7, ngày 28-9-1944), “Chúng ta học được những gì trong cuộc đấu tranh võ trang ở Thái Nguyên (báo Cờ giải phóng, số 10, ngày 28-1-1945)” (bút danh Trường-Chinh lần đầu tiên được sử dụng với bài viết này và trở thành tên gọi chính thức của đồng chí trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng về sau)(3)

Trước khi nhà nước mới - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời năm 1945, đồng chí Trường Chinh đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Tác phẩm Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943), được coi là tác phẩm góp phần đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng Việt Nam. Tác phẩm khẳng định nền văn hóa mới Việt Nam có tính chất dân tộc về hình thức, dân chủ mới về nội dung, đề ra “những nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mácxít Việt Nam”... Tác phẩm khẳng định, cùng với mặt trận chính trị, kinh tế, văn hóa là một mặt trận; Quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra văn hóa; Văn hóa là thước đo của sự phát triển… Đây chính là tuyên ngôn của Đảng về văn hóa, vũ trang cho toàn Đảng và các chiến sĩ hoạt động trên mặt trận văn hóa tư tưởng phương hướng đúng đắn để chiến đấu và chiến thắng các thế lực ngoại xâm, xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam, đồng thời là dấu ấn lớn thể hiện tầm cao trí tuệ của đồng chí Trường Chinh - nhà văn hóa lớn của dân tộc, người đã góp phần khai tạo nền văn hóa mới Việt Nam.

Sau khi phát xít Nhật tiến vào Đông Dương, tháng 2-1944, đồng chí Trường Chinh viết bài “Bóc trần mưu gian của Nhật, thống nhất hành động đánh đổ thù chung”(4), vạch trần âm mưu của phát xít Nhật và Việt gian, kêu gọi nhân dân cảnh giác, đoàn kết xung quanh Đảng để đánh đuổi kẻ thù. Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương, ngày 12-3-1945, chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta do đồng chí soạn thảo được nhanh chóng truyền đi, như những cánh chim lửa làm cháy rực cánh đồng cách mạng Đông Dương, mở ra cao trào kháng Nhật cứu nước. Chỉ thị cho thấy tầm nhìn và tư duy chiến lược của Trung ương Đảng và đồng chí Trường Chinh trong nhận định và phân tích thời cuộc, có ý nghĩa chỉ đạo cụ thể thúc đẩy tình thế cách mạng chín muồi, kịp thời nắm bắt thời cơ tiến tới tổng khởi nghĩa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc, mở ra một thời đại mới của dân tộc Việt Nam - Thời đại Hồ Chí Minh, trong đó có đóng góp nổi bật của đồng chí Trường Chinh, như Đảng ta khẳng định: “vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công”(5).

2. Nhà lý luận xuất sắc trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân

Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước dân chủ nhân dân vừa ra đời, thực dân Pháp núp bóng quân Anh trở lại xâm lược miền Nam hòng cướp nước ta một lần nữa, đồng chí Trường Chinh tiếp tục chiến đấu trên mặt trận báo chí, viết các bài báo kháng Pháp như: “Lại đánh” (Cờ giải phóng, số 24, ngày 11-10-1945), “Không thoả hiệp” (Cờ giải phóng, số 28, ngày 25-10-1945)… khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam kháng chiến đến cùng, cho đến khi thực dân Pháp ở Đông Dương không còn một tên lính nào nữa.

Kỷ niệm một năm Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trường Chinh viết một loạt bài, được tập hợp in thành sách Cách mạng Tháng Tám (nhà xuất bản Sự thật, 10-1946), khẳng định quyết tâm kháng chiến kiến quốc của dân tộc Việt Nam: “Dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu lâu dài, khắc phục mọi khó khăn, trở lực, quyết chiến thắng bọn thực dân tàn bạo và quét sạch bè lũ chó săn của chúng, kỳ cho nước Việt Nam được giải phóng hoàn toàn, dân tộc Việt Nam có đủ ĐỘC LẬP, TỰ DO và HẠNH PHÚC”(6). Đầu năm 1947, khi cùng Trung ương Đảng và Chính phủ rút lên vùng ATK, đồng chí Trường Chinh lại viết loạt bài đăng báo Sự thật (tiền thân của báo Nhân Dân), vạch ra đường lối chiến tranh ái quốc, được tập hợp thành cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi (năm 1947). Đồng chí khẳng định kháng chiến chống Pháp là cuộc: “chiến tranh tự vệ của dân tộc, là cuộc chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ”(7)

Tại Đại hội II của Đảng (năm 1951), đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư khi 44 tuổi. Tại Đại hội, đồng chí trình bày báo cáo: Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội, còn gọi là Luận cương về cách mạng Việt Nam, trình bày những mâu thuẫn cơ bản đang tồn tại, những nhiệm vụ mà cách mạng phải thực hiện: đánh đổ đế quốc xâm lược, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân gây cơ sở cho CNXH. Qua tác phẩm này, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam giai đoạn mới được trình bày một cách logic, nhất quán và chặt chẽ.

Sau Đại hội II, báo Nhân Dân, cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam ra đời, xuất bản số đầu tiên ngày 11-3-1951, đồng chí Trường Chinh là Tổng Biên tập đầu tiên của báo. 

Trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Trường Chinh viết và xuất bản nhiều tác phẩm để củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào cách mạng, như: Thấu suốt đường lối chung của Đảng ở nông thôn để sửa sai cho tốt (năm 1957), Phấn đấu cho một nền văn nghệ dân tộc phong phú, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa xã hội (năm 1957), Tăng cường đoàn kết để xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh (năm 1958), Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội (năm 1959), Tiến lên dưới lá cờ của Đảng (năm 1961), Hồ Chủ tịch, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam (năm 1966)…

Trong sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới, Nhà nước dân chủ nhân dân, đồng chí Trường Chinh đã góp phần to lớn vào việc tham gia soạn thảo và công bố nhiều đạo luật, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật ở nước ta, trên các cương vị Ủy viên Ủy ban dự thảo Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (năm 1959), Chủ tịch Ủy ban dự thảo Hiến pháp và Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (năm 1981).

3. Nhà lãnh đạo đồng thời là nhà lý luận sáng tạo, người khởi xướng công cuộc đổi mới ở Việt Nam

Tháng 7-1986, đồng chí Lê Duẩn từ trần, đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vào thời điểm đặc biệt của “đêm trước” đổi mới. Trước những khó khăn, phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, đồng chí nhận thức được những yêu cầu bức thiết của sự nghiệp đổi mới của đất nước, đồng chí là một trong những người lãnh đạo tiên phong của Đảng, trăn trở, tìm tòi, khai phóng cho dân tộc con đường mới xây dựng đất nước. Đồng chí khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”(8). Đồng chí đề xuất với Đảng khởi xướng đường lối đổi mới, vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta trước nhiều khó khăn, thử thách.

Từ tháng 7-1986, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều bài phát biểu tại các Hội nghị thể hiện rõ tư duy đổi mới, về tính cấp thiết cần phải đổi mới đăng trên báo Nhân Dân, xuất bản sách: Chủ nghĩa cộng sản - Mục đích và lý tưởng của Đảng ta (1986), Nắm vững ba bài học lớn để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (1986), Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại (1987)… Các tác phẩm đã phản ánh một cách toàn diện hệ thống quan điểm đổi mới của đồng chí Trường Chinh trên nhiều lĩnh vực: từ phương pháp đánh giá tình hình đến đúc kết những bài học kinh nghiệm có giá trị vận dụng cho thực tiễn; từ đổi mới kinh tế đến đổi mới chính trị; từ đổi mới phương thức lãnh đạo đến đổi mới công tác tổ chức, cán bộ… Đồng chí Trường Chinh khẳng định: “Quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đòi hỏi chúng ta phải đổi mới trên nhiều mặt: đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ. Đại hội VI của Đảng ta phải đáp ứng yêu cầu đó”(9). Đồng chí tổng kết những bài học kinh nghiệm quan trọng cho đổi mới: “sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân”; trong công tác lãnh đạo, “phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó vào thực tế”(10); phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng… Các quan điểm của đồng chí về đổi mới được đưa vào Báo cáo chính trị thông qua tại Đại hội VI của Đảng, tháng 12-1986. Thời gian càng lùi xa, những bài học kinh nghiệm đó vẫn nguyên giá trị thực tiễn trong công cuộc đổi mới đất nước.

Quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng, lúc đầu còn nhiều ý kiến khác nhau, trải qua cuộc đấu tranh gay gắt giữa cái cũ và cái mới, giữa những quan điểm bảo thủ, lỗi thời với những quan điểm tiến bộ.Theo đồng chí, đổi mới phải bắt đầu từ việc “Phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, phải từ thực tiễn khái quát thành lý luận, quan điểm này là sự trở lại đúng với tư tưởng Hồ Chí Minh, được đồng chí nêu trong phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu thành phố Hà Nội, tháng 10-1986; sau đó đã trở thành phương châm của Đại hội VI.

Đại hội VI của Đảng là bước ngoặc mở ra công cuộc đổi mới ở Việt Nam, đồng chí Trường Chinh là một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất, đã góp phần tổ chức thành công Đại hội đổi mới, đồng chí chính là kiến trúc sư, người đặt nền móng của công cuộc đổi mới. Sau Đại hội, đồng chí Trường Chinh tiếp tục cống hiến cho Đảng trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương - đồng chí luôn dành hết tâm lực, trí lực đến hơi thở cuối cùng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên.

Đồng chí Trường Chinh luôn căn dặn đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà báo, văn nghệ sĩ, cần tiếp tục nghiên cứu tổng kết những bài học lịch sử, giáo dục truyền thống đoàn kết, kiên cường, bất khuất, lao động cần cù và sáng tạo của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, cần tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh để giáo dục rộng rãi trong nhân dân; nghiên cứu và giáo dục lòng yêu nước XHCN, phẩm chất con người mới XHCN và chủ nghĩa quốc tế vô sản trong sáng... Đối với các nhà báo, đồng chí nhấn mạnh bài viết phải thể hiện tính chiến đấu và nhiệt tình cách mạng, lan tỏa trong thực tiễn cuộc sống, phải rèn giũa phong cách viết cẩn trọng, nghiêm túc, đặc biệt phải giữ gìn đạo đức cách mạng làm cái gốc: “Vì cách mạng, vì Đảng, ta phải làm sao cho bài của ta đi sâu vào quần chúng, động viên được quần chúng sôi nổi, sáng tạo. Muốn vậy, ta phải khiêm tốn, chân thành học hỏi lẫn nhau. Phải có nhiệt tình cách mạng và đạo đức cách mạng, vì có hai cái đó thì có thể có những cái khác”(11).

Các trước tác tiêu biểu của đồng chí Trường Chinh đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, nổi bật tư duy đổi mới sáng tạo, tạo dấu ấn và có sức lan toả sâu rộng trong lòng người đọc. Đồng chí là nhà lãnh đạo kiệt xuất toàn diện của Đảng và cách mạng Việt Nam: “Ở đồng chí, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ đã quyện vào nhau làm một”(12) - đã để lại cho các thế hệ cách mạng đời sau khối di sản tư tưởng và lý luận đồ sộ, quý giá của một con người ở tầm cao văn hóa, của một trí tuệ uyên thâm, có sức lao động sáng tạo diệu kỳ.

__________________

(1) Sóng Hồng: Thơ, Nxb Văn học, Hà Nội, 1983, tr.25.

(2) Ông nội của đồng chí Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Bảng (1828-1910), đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Bính Thìn (năm 1856), là tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng: Sử học bị khảoViệt sử cương mục tiết yếuCư gia khuyên giới tắc… Cha đồng chí là Đặng Xuân Viện (1880-1958), cụ có nhiều sách viết về văn hóa, lịch sử, địa lý, triết học…

(3) Xem: Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước: Trường-Chinh Tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.180-181.

(4) Xem: Lịch sử biên niên công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng(1925-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.5-6.

(5), (12) Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh, ngày 5-10-1988.

(6), (7) Trường Chinh: Tuyển tập, t.I (1937-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.325, 376.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.47, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.458.

(9) Xem “Phát biểu tại Hội  nghị cán bộ nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ VI của Đảng” (10-7-1986), in trong: Trường Chinh - một trí tuệ lớn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2020, tr.827.

(10) Trường Chinh: Đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.12-13.

(11) Trường Chinh - Một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam(Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.588.

TS LÊ THỊ THU HỒNG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, 

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền