Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ bảy, 14 Tháng 5 2022 06:14
18965 Lượt xem

Quan điểm Đại hội XIII của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

(LLCT) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Bài viết tập trung làm rõ quan điểm Đại hội XIII của Đảng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đề xuất một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay.

Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước - Ảnh: congthuong.vn

1. Quan điểm của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng con người Việt Nam trong điều kiện mới, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như bối cảnh kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế được thể hiện ở các nội dung sau:

Một là, khẳng định con người là trung tâm của sự phát triển và kiên định phát triển con người Việt Nam toàn diện 

Đảng ta chủ trương: “coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”(1). Đồng thời khẳng định: “mọi chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải hướng vào nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hạnh phúc của nhân dân”(2); thực hiện “phát huy nhân tố con người, lấy nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”(3). Đảng khẳng định, nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của mỗi người dân. Do vậy, phải “Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam;… phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”(4).

Để thực hiện chủ trương trên, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao...”(5); thực hiện phương châm: “Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế (công dân toàn cầu)”(6).

Hai là, quan tâm bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới

Đại hội XIII của Đảng yêu cầu: “Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”(7). Theo đó, phải tiến hành đồng bộ các biện pháp “Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp. Phát triển hoạt động dịch vụ pháp lý và các thiết chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. Nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, thi hành án trong lĩnh vực dân sự, hành chính, đầu tư, kinh doanh, thương mại và bảo vệ người tiêu dùng”(8).

Về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đại hội XIII chủ trương: “Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; chú trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực số, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp; nhân lực quản lý xã hội và tổ chức cuộc sống, chăm sóc con người”(9). Đồng thời định hướng: “ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(10).

Ba là, thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách và coi trọng giáo dục, khoa học để con người có điều kiện phát triển toàn diện 

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Có kế hoạch, cơ chế và giải pháp xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống dân tộc trong xây dựng con người, phát triển kinh tế - xã hội”(11). Thực hiện “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”(12). Đồng thời, “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân. Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại. Bảo đảm cung cấp và nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là đối với người nghèo, người yếu thế trong xã hội, quan tâm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”(13).

Chủ trương coi trọng giáo dục, đào tạo để phát triển con người đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tốt đẹp của người Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam”(14).

Cùng với đó, Đại hội XIII của Đảng khẳng định vai trò của khoa học trong phát triển nguồn lực con người: “Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc”(15); thực hiện “Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người”(16).

Như vậy, quan điểm Đại hội XIII của Đảng về con người và phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là hệ thống toàn diện và có tính cập nhật, đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực trong bối cảnh mới của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đảng ta khẳng định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề cốt lõi là phải thực hiện chiến lược giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, phát triển con người, nguồn nhân lực chất lượng cao một cách toàn diện cả thể lực, trí lực, tâm lực. Nhiệm vụ của giáo dục và đào tạo đó là đưa con người đạt đến những giá trị phù hợp với đặc điểm văn hóa và những yêu cầu mới đặt ra đối với con người Việt Nam để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng XHCN. 

2. Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, đó là: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”(17)

Theo đó, để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, chú trọng thực hiện gắn kết tốt các khâu đào tạo, sử dụng, đãi ngộ để phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Công tác đào tạo nguồn nhân lực phải dựa trên nhu cầu của xã hội, xu hướng phát triển của nền kinh tế, đúng địa chỉ sử dụng nhằm tạo ra sự cân bằng trong đào tạo và sử dụng nhân lực ở các ngành nghề, vùng, miền và các thành phần kinh tế, khắc phục tình trạng đào tạo nhân lực có bằng cấp chuyên môn nhưng không được sử dụng đúng với ngành nghề được đào tạo. Hệ thống giáo dục quốc dân cần được hoàn thiện theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Để rút ngắn khoảng cách về trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ người dân vùng nông thôn, các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Đầu tư cho giáo dục, đào tạo cần được tăng cường bằng nhiều nguồn lực, trong đó tăng thêm đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập. 

Trong điều kiện cạnh tranh nhân tài ngày càng gay gắt như hiện nay, việc phát hiệnthu hút và trọng dụng nhân tài là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và phải trở thành “quốc sách”, thành chủ trương, chính sách nhất quán, có hiệu quả cao để tăng cường sức mạnh của đất nước. Chính vì vậy, phải “trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng”(18). Việc thu hút nhân tài phải trở thành ưu tiên hàng đầu đối với mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. 

Thứ hai, đổi mới công tác tuyển dụng, lựa chọn được những người thực đức, thực tài

Thi tuyển là một cách thức tốt để lựa chọn được người tài tham gia vào các tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý. Công khai, minh bạch trong thi tuyển sẽ giúp chọn ra người có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc. Ngược lại, nếu bất kỳ khâu nào trong quá trình thi tuyển thiếu minh bạch, bị làm sai lệch vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, thì việc thi tuyển sẽ thất bại.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phải có nhận thức sâu sắc, dày công chăm lo cho công tác này (công tác lựa chọn nhân sự, người có “đức” và “tài”); trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thực hiện đúng nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình, tiến hành từng bước, từng việc, từng khâu một cách kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch, làm đến đâu chắc đến đó”(19).

Trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam, tuy hệ thống giáo dục chưa toàn diện, rộng khắp nhưng thông qua thi tuyển đã lựa chọn được rất nhiều người tài giỏi, lưu danh sử sách. Ngày nay, với hệ thống giáo dục rộng khắp, toàn diện, cần phải xây dựng hệ thống thi tuyển một cách bài bản, khoa học để lựa chọn những “hạt giống” cho đất nước. Việc tổ chức thi tuyển cần có sự thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị để bảo đảm công bằng giữa các ứng viên với cùng yêu cầu về trình độ, vị trí việc làm. Nội dung đề thi cần sát thực tế để khai thác tối đa trí tuệ, kỹ năng giải quyết vấn đề của ứng viên. Một đề thi mang tính khoa học không chỉ đánh giá năng lực người học mà còn là cơ sở điều chỉnh quá trình dạy và học. Việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thi tuyển cũng cần được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc để tránh những gian lận, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Chỉ khi có đủ tính cạnh tranh và công khai, minh bạch mới có được sự sàng lọc giữa các ứng viên, thông qua đó phát hiện và chọn được cán bộ phù hợp.

Thứ ba, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quá trình công tác 

Vừa làm việc, vừa đào tạo, bồi dưỡng qua công việc giúp cán bộ cập nhật kiến thức, bổ sung kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp công tác. Đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn này mang tính thường xuyên, liên tục và đòi hỏi sự chủ động, tự giác của cán bộ. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng giúp gợi mở, cung cấp thông tin mới, phương pháp để người học nâng cao kiến thức.

Trong bối cảnh hiện nay, cần chú trọng hình thức đào tạo vừa học, vừa làm với các đối tượng nghiên cứu chuyên sâu, hướng tới hình thành đội ngũ cán bộ là chuyên gia trong các lĩnh vực, khắc phục tình trạng thiếu hụt chuyên gia đầu ngành như hiện nay. Giai đoạn đào tạo, bồi dưỡng này không tách rời các giai đoạn trước đó mà là sự bổ sung, tiếp nối các thành quả của giáo dục, đào tạo trước đó. Đào tạo, bồi dưỡng mang tính chất hệ thống hơn, chương trình chuyên sâu hơn để hướng tới mục tiêu giáo dục, đào tạo suốt đời. Việc nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề…phải trở thành một nhu cầu thiết yếu, thường xuyên của mỗi người chứ không phải sự bắt buộc, gò ép theo các tiêu chuẩn. Từ đó cũng hình thành lối sống văn minh, tích cực, hình thành lớp thế hệ nhân lực, nhân tài có tầm nhìn xa, có chiến lược, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, có khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ là công việc quan trọng hàng đầu tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh to lớn cho đất nước, dân tộc. Gắn liền công tác giáo dục, đào tạo với việc phát triển nguồn nhân lực, nhân tài, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực làm việc trong bối cảnh hội nhập chính là việc tác động tổng thể vào các nhân tố, các giai đoạn của quá trình nêu trên. 

Thứ tư, xây dựng môi trường làm việc dân chủ, sáng tạo, nền nếp, kỷ cương, tôn trọng cá nhân, đồng thời chống chủ nghĩa cá nhân

Sau khi tuyển dụng được người tài, cần tạo môi trường làm việc năng động, sáng tạo, dân chủ để họ yên tâm công tác, phát triển và cống hiến. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất khéo dùng người, tạo mọi điều kiện để nhân tài phát triển và cống hiến, nhất là trong bối cảnh đất nước vô cùng khó khăn về kinh tế, thù trong giặc ngoài. Người khẳng định: “E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”(19). Để dùng được nhân tài, Người luôn nhắc nhở những người làm cán bộ lãnh đạo, quản lý phải dân chủ, nêu gương. Một môi trường dân chủ là môi trường để người tài được trọng dụng và cống hiến. Môi trường thiếu dân chủ sẽ là mảnh đất cho chủ nghĩa cá nhân sinh sôi nảy nở, với những hành vi tham ô, lãng phí… 

Nghiên cứu, quán triệt và vận dụng quan điểm mới của Đảng về phát triển con người, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay có ý nghĩa quan trọng, là yêu cầu cấp thiết ở các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm thống nhất nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong triển khai thực hiện, nhất là xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống.

__________________

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11), (12), (13), (14), (15), (16), (18) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 215 - 216, 216, 99, 34, 231, 232 - 233, 117, 287, 231, 54, 145, 47, 47 - 48, 136, 63 - 64, 267, 167.

(17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIISđd, t. II, tr. 329. 

(19) Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đại biểu các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 19-11-2020, https://moha.gov.vn.

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.504.

ThS NGUYỄN VĂN HỘI

Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền