Trang chủ    Nhân vật - Sự kiện    Dấu ấn và giá trị lịch sử của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Thứ hai, 13 Tháng 6 2022 13:50
10353 Lượt xem

Dấu ấn và giá trị lịch sử của sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

(LLCT) - Đặt câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời, đó chính là điểm nổi bật nhất trong hành trình sang phương Tây tìm con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 111 năm đã qua, giờ đây nhìn nhận lại sự quyết đoán của Người để thấy giữa muôn vàn những yếu tố chi phối, ảnh hưởng, nhưng với bản lĩnh, sự hiểu biết của một con người đầy hoài bão, lý tưởng, Người đã không chấp nhận đi theo những lối mòn cứu nước trước đó để xông pha, lựa chọn một con đường mới mẻ, nhiều chông gai nhưng hoàn toàn đúng đắn.

Ảnh con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin - Ảnh tư liệu baotanghochiminh.vn

1. Dấu ấn “Người đi tìm hình của nước”

Khi Nguyễn Tất Thành đặt chân xuống tàu Amiral Latuso Trevil để đi sang phương Tây ngày 05-6-1911, dân tộc Việt Nam đang phải chịu ách nô lệ của thực dân Pháp. Trước Nguyễn Tất Thành đã có nhiều xu hướng, trào lưu cứu nước khác nhau, mỗi phong trào đã làm cho thực dân Pháp thiệt hại ít nhiều, song kết quả cuối cùng vẫn là những thất bại. Với những gì được cha kể lại, được học trên sách vở và được chứng kiến trong thực tế, Người hiểu được rằng các anh hùng, sĩ phu yêu nước của Việt Nam không thiếu nhiệt huyết và tài năng, đã tận tâm đem hết sức mình ra cứu nước nhưng đều lực bất tòng tâm vì chưa tìm được con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.

Nguyễn Tất Thành đúc rút kinh nghiệm từ bài học thất bại của các phong trào trước đó, Người nhận thấy phong trào Cần Vương với các tấm gương tiêu biểu như Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng... hầu như chỉ biết tập trung ý chí và sức mạnh vào việc đánh đuổi thực dân Pháp; một số người có tư tưởng canh tân, học hỏi cái mới, tiến bộ từ phương Tây như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ thì ý thức chống ngoại xâm lại không quyết liệt, sâu sắc. Sự thất bại của phong trào Cần Vương và phong trào nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã làm nhiều người thức thời hiểu được rằng: kẻ thù của dân tộc Việt Nam lúc này rất mạnh, có một đội quân viễn chinh được trang bị vũ khí hiện đại, còn chúng ta vẫn lạc hậu trong vòng tăm tối, nếu chỉ đơn thuần có lòng yêu nước thôi thì chưa đủ chiến thắng được, cho nên yêu cầu cần thiết lúc này là phải học hỏi, canh tân đất nước, làm cho dân tộc phát triển đặng mới mưu cầu được nghiệp giải phóng.

Để thực hiện khát vọng đó, nhiều chí sĩ thức thời đã tiếp thu những trào lưu “tân thư”, “tân văn” từ bên ngoài điển hình nhất là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp…

Phan Châu Trinh với chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, nhưng lại dựa vào Pháp để thực hiện những cải cách. Nguyễn Tất Thành nhận thấy cụ tiêu biểu cho xu hướng yêu nước theo cách cải lương, bất bạo động, chủ trương khơi dậy tinh thần yêu nước, dân chủ, mở đường cho văn minh phương Tây đi vào đời sống dân tộc, nhưng cụ đã không nhìn ra mâu thuẫn lớn nhất đang hiện hữu trong xã hội Việt Nam chính là mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp xâm lược. Bởi vậy, trong khi cố tập trung công kích bọn quan lại sâu mọt hại nước, hại dân thì Phan Châu Trinh lại tỏ ra nương nhẹ việc đấu tranh nguyên lý quân chủ và sự hiện hữu của nó là triều đình Huế; cụ còn có thái độ công kích những ai chủ trương dùng phương pháp bạo động cách mạng và cầu viện sự giúp đỡ từ bên ngoài “bất bạo động, bạo động tắc tử, bất vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu”. Vì vậy, đường lối và phương pháp của Phan Châu Trinh đã không đi sâu bắt rễ được vào cuộc sống, không được nhân dân chấp nhận, mặc dù ông là một chí sĩ yêu nước có uy tín và danh vọng lớn. Một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất như dân tộc Việt Nam sao có thể cam chịu dựa vào kẻ thù, mong đợi ở chúng ban bố cho những cải cách(1).

Phan Bội Châu chủ trương “vọng ngoại”, “bạo động” để tìm cách cứu nước cứu dân, cụ muốn theo gương duy tân của Nhật Bản. Để thực hiện mục đích của mình, Phan Bội Châu đã lập ra các đảng cách mạng, đưa thanh niên từ Việt Nam sang Nhật Bản để học tập cái hay, cái mới của Nhật rồi về cứu nước, dùng cách tuyên truyền qua văn chương để khích lệ lòng yêu nước của nhân dân, từ đó hình thành phong trào đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Để gây thanh thế cho cách mạng Việt Nam, Phan Bội Châu còn xây dựng mối quan hệ đồng minh với cách mạng các nước cùng cảnh ngộ trong khu vực Đông Á. Phan Bội Châu đã tổ chức được nhiều chuyến Đông Du cho thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản để học tập phương pháp canh tân đất nước. Nhật Bản khi đó chính là một tấm gương về nghị lực cũng như sự thức thời để trở thành một nước phát triển, có tầm ảnh hưởng to lớn ở châu Á. Đặc biệt, sau chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1904-1905), vai trò, vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật càng tăng cao, lần đầu tiên có một dân tộc da vàng đã chiến thắng dân tộc da trắng, điều đó đã tạo nên ảo tưởng về sự “dựa dẫm” của các quốc gia “đồng chủng, đồng văn” với mong muốn thoát khỏi sự thống trị của các nước phương Tây, trong đó có Việt Nam.

Phan Bội Châu cùng rất nhiều nhân sĩ đương thời chỉ thấy ở người Nhật Bản máu đỏ da vàng, “đồng chủng, đồng văn” nhưng lại không hề nhìn thấy ở họ sự không “đồng bệnh”. Vì vậy, khi Pháp đồng ý trao cho Nhật một số lợi ích với yêu cầu trục xuất và dập tắt phong trào Đông Du thì con đường của cụ Phan Bội Châu thất bại. Đánh giá về cách thức cứu nước của cụ Phan Bội Châu, Nguyễn Tất Thành cho rằng, làm vậy chẳng khác nào “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Thực tế đã chứng minh sau này khi có cơ hội Nhật cũng đã hất cẳng Pháp để thống trị nhân dân Việt Nam.

Không phải tìm về với các giá trị phong kiến cũ kỹ theo phong trào Cần Vương; không phải lựa chọn cách thức duy tân theo hai cụ Phan để rồi sang Nhật, sang Trung Quốc, đọc sách Tân Thư, Tân Văn để Canh Tân đất nước; sức hút lớn nhất với Nguyễn Tất Thành khi đó chính là hình ảnh của nước Pháp với các giá trị nhân văn về “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Điều đó đã thôi thúc khát vọng cháy bỏng của Người về nền văn minh Pháp. Người muốn làm quen, khám phá và xem sự thật ẩn dấu đằng sau những mỹ từ đó là gì. Và hơn hết, Người muốn đến đó để trả lời câu hỏi của thế hệ cha anh Người vẫn đang đau đáu:“Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”(2).

Để chuẩn bị cho cuộc đi đó, hành trang Nguyễn Tất Thành mang theo là trí tuệ cùng ham muốn tột bậc là nước được độc lập, dân được hạnh phúc, tự do. Người ra đi trong hình ảnh một người lao động, Nguyễn Tất Thành đã hòa mình vào cuộc sống của giai cấp vô sản, không e dè, mặc cảm, không bề trên, khinh thường, “đó quả là một sự đổi mới đầy dũng cảm”(3).

Nguyễn Tất Thành đã đi nhiều nước, khảo sát nhiều cuộc cách mạng, học hỏi nhiều mô hình nhà nước, tất cả đều với mục đích cao nhất là tìm con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Đến Mỹ, thay vì nhìn thấy những hào nhoáng, những lời lẽ đẹp đẽ về quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của con người, chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị chà đạp của người da đen và sự bất công mà người phụ nữ phải gánh chịu, cho nên cách mạng Mỹ chưa phải là cái đích cuối cùng mà Nguyễn Tất Thành hướng tới.

Sang Anh, nơi mà gần đó đang diễn ra cuộc đấu tranh dũng cảm, đầy hy sinh của nhân dân Airơlen để giành độc lập. Phong trào đã bị đàn áp, những người cầm đầu bị bức hại. Anh thấm thía: Nếu bản thân người da trắng còn chưa được tự do, độc lập thì có thể hy vọng gì ở chủ nghĩa thực dân đối với các dân tộc da màu?(4).

Qua hai nước tư bản phát triển là Mỹ và Anh nhưng không tìm thấy câu trả lời, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, đất nước đang cai trị dân tộc mình để tìm hiểu thực hư của những mỹ từ “tự do, bình đẳng, bác ái”. Đến đây vừa đúng lúc các nước thắng trận trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang chuẩn bị họp hội nghị để chia lại thuộc địa. Được sự hướng dẫn của các nhà cách mạng tiền bối như Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn Tất Thành đã tích cực hòa mình vào phong trào yêu nước của những người Việt Nam tại Pháp. Năm 1919, khi Hội nghị hòa bình tổ chức tại Véc xây, Nguyễn Tất Thành đã chuyển đến Hội nghị Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm, trong đó sử dụng hình thức đấu tranh pháp lý của giai cấp tư sản để đòi các quyền bình đẳng, tự do, dân chủ tối thiểu cho nhân dân Việt Nam. Mặc dù Bản yêu sách không được chấp thuận, song nó cũng đã gây tiếng vang lớn cho các nước đế quốc và nhân dân An Nam, đồng thời lần đầu tiên tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã xuất hiện một cách trang trọng trên những báo chí của Pháp cũng như báo cáo của Chính phủ thực dân.

Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc ra nhập Đảng Xã hội Pháp, một tổ chức chính trị duy nhất ở Pháp tỏ ý quan tâm đến số phận các dân tộc thuộc địa. Sau này, Người đã chia sẻ: “Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các "ông bà" ấy - hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế - đã tỏ ra đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu”(5).

Tháng 7 -1920, sau nhiều năm kiếm tìm, Nguyễn Ái Quốc được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I Lênin và tìm thấy ở đây chiếc “cẩm nang thần kỳ” cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mình. Tìm thấy con đường cứu nước chính là điều kỳ vọng nhất của Nguyễn Ái Quốc trong nhiều năm đã trở thành hiện thực. Điều đó được người ví “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”(6). Để tìm thấy “nước uống” và “cơm ăn” cho dân tộc, Người đã phải mất gần 10 năm lao động vất vả, cực nhọc, học tập, nghiên cứu, đấu tranh không ngừng nghỉ, cốt mong chọn lấy một con đường duy nhất đúng đắn giữa muôn vàn con đường không hiệu quả, không đến nơi. Con đường đó chính con đường cách mạng vô sản, là chủ nghĩa Mác - Lênin.

Sự tin tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh vào chủ nghĩa Mác - Lênin và quyết định áp dụng chủ nghĩa đó vào sự nghiệp cách mạng Việt Nam đã minh chứng cho tính cách mạng, đổi mới, vượt gộp trong tư tưởng và suy nghĩ của Người so với các bậc tiền nhân. Từ chỗ sang phương Tây với những nhận thức còn sơ khai về tự do, bình đẳng, bác ái đến chỗ đi đến hiểu được bản chất thực sự của chủ nghĩa tư bản, từ chỗ còn chưa biết đến các nước Âu, Mỹ ra sao đến khi đã thông thuộc cả Pháp, Anh, Mỹ thì Người hiểu rằng con đường cách mạng của các nước đó là “chưa đến nơi”, từ chỗ chưa hiểu đảng là gì, công đoàn là gì, qua quá trình trải nghiệm thực tiễn phong trào, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức được con đường mình cần phải đi, hiểu được chủ nghĩa nào tốt cho dân tộc Việt Nam, đảng phái nào mình cần phải đứng vào hàng ngũ.

Sự đổi mới về mặt tư tưởng này của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh “tưởng chừng như đơn giản và tự nhiên, thực ra đó là một chặng đường chiến thắng biết bao khó khăn với sự lựa chọn vững chắc, tránh được sai lầm dẫn tới ngõ cụt”(7). Đó là dấu ấn lịch sử trọng đại trên hành trình tìm đường cứu nước, mở ra con đường xây dựng đất nước Việt Nam của Hồ Chí Minh.

2. Giá trị lịch sử của sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước

Lịch sử dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ ngày 05-6-1911 - người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với tên Văn Ba đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp, lênh đênh nơi sóng cả, bôn ba qua ba đại dương, bốn châu lục, đi qua 28 nước trên thế giới để đem chân lý của thời đại là chủ nghĩa Mác - Lênin về với dân tộc Việt Nam. Quá trình đó cũng là quá trình chuyển biến từ người thanh niên yêu nước nhiệt thành trở thành người chiến sĩ cộng sản quốc tế, là quá trình kiên trì, chủ động, sáng tạo, bền gan, vững trí của Nguyễn Tất Thành trước những khó khăn, chông gai của thời cuộc.

111 năm nhìn lại, chúng ta có thể khẳng định rằng, quyết định sang phương Tây của Nguyễn Tất Thành là hoàn toàn đúng đắn, có giá trị to lớn đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

Một là, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mở ra quá trình Người tiếp thu chân lý thời đại - chủ nghĩa Mác - Lênin để tìm ra con đường chân chính cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. Với lòng yêu nước nồng nàn, sự cảm thông sâu sắc với cuộc sống đọa đày đau khổ của nhân dân, Người ra đi với tâm thế và dự định ấp ủ xem các nước họ làm như thế nào để trở về giúp đồng bào. Chính nhờ sự đổi mới, sáng tạo về cách làm so với những người trước đó mà Nguyễn Tất Thành đã sớm thấu hiểu nỗi thống khổ của người lao động, lại càng hiểu hơn nỗi cơ cực của người dân mất nước. Gần 10 năm sau ngày bước chân xuống tàu để sang phương Tây, tài sản lớn nhất Người đã có được, đó chính là con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đã giúp Người giải đáp con đường đấu tranh giành độc lập, tự do: Cách mạng vô sản. Sự lựa chọn đúng đắn của Người càng có giá trị to lớn trong thế bế tắc về đường lối của cách mạng Việt Nam, mở ra bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”(8).

Hai là, sự kiện này cũng mở ra thời kỳ định hình của con đường xây dựng, phát triển đất nước: Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Mục tiêu nhất quán của Nguyễn Tất Thành khi ra nước ngoài ngày 5-6-1911 là tìm đường cứu nước. Sau khi tìm thấy con đường giải phóng dân tộc, Người xác định:“Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(9). Đặt cách mạng Việt Nam trong quỹ đạo cách mạng vô sản thế giới, Người nhận thấy rằng,cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng XHCN thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc tạo tiền đề, cơ sở cho việc lựa chọn con đường phát triển của đất nước; giải phóng dân tộc phải hướng tới giải phóng hoàn toàn con người khỏi mọi áp bức, bóc lột. Do đó, độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(10). Đó là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với yêu cầu lịch sử của cách mạng Việt Nam và xu thế phát triển tất yếu của thời đại.

Ba là, sự khởi đầu hành trình tìm đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Tất Thành đã đặt nền móng cho quá trình Người tiếp nhận, đưa chủ nghĩa Mác - Lênin thâm nhập vào cách mạng Việt Nam. Trải qua những năm bôn ba, Người học hỏi, thâu thái những tinh hoa văn hóa nhân loại và từng bước nghiên cứu, tiếp nhận thế giới quan khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Người đến với học thuyết Mác - Lênin khi nhìn thấy ở đó ánh sáng soi đường, chỉ lối cho con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, để rồi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, sáng lập chính đảng cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản, cuộc cách mạng thành công dẫn tới sự ra đời của nhà nước dân chủ đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khởi tạo nên một thời đại rực rỡ, thời đại Hồ Chí Minh, đúng như lời tiên lượng của cụ Phan Châu Trinh “tôi tin rằng không bao lâu nữa cái chủ nghĩa Anh tôn thờ sẽ thâm căn cố đế trong đám dân tình chí sĩ nước ta”(11).

Bốn là, hành động ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành có ý nghĩa động viên, cổ vũ, thúc đẩy cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Trên những nơi đã đi qua, Người hòa mình vào các phong trào của quần chúng lao động, tham gia sôi nổi và quyết liệt trong các hoạt động đấu tranh yêu nước ngay chính trên đất nước của kẻ thù đang áp bức dân tộc mình. Yêu sách của nhân dân An Nam gửi tới Hội nghị Vécxây (năm 1919) không được chấp nhận đã giúp Người thấy được bản chất bịp bợm, giả dối của chủ nghĩa đế quốc và rút ra bài học: Muốn giải phóng, các dân tộc phải dựa vào lực lượng của chính bản thân mình. Đặt chân đến nhiều nước thuộc địa và đế quốc, chứng kiến cuộc sống của nhân dân lao động nhiều nước, Người kết luận: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(12). Do đó, cách mạng Việt Nam phải là một bộ phận khăng khít, gắn bó chặt chẽ với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Nhân dân các dân tộc thuộc địa được thức tỉnh, cổ vũ to lớn từ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - người đại diện cho khát vọng chân chính của dân tộc Việt Nam: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi. Đó là tất cả những gì tôi hiểu, đó là tất cả những gì tôi muốn”(13).

Năm là, sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước đã thể hiện tấm gương lớn về quyết định chủ động, sáng tạo, độc lập, ý chí, quyết tâm, nghị lực phi thường trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nguyễn Tất Thành ra đi trong bối cảnh đất nước bị xâm lược, nhân dân lầm than, hành trang là hai bàn tay trắng, động cơ trong sáng, cao cả: Vì nước, vì dân. Với trái tim nhiệt thành yêu nước, thương dân, Người làm nhiều công việc vất vả để sống và hoạt động cách mạng. Người vừa lao động, vừa học hỏi, vừa đấu tranh trong những hoàn cảnh nhiều khó khăn, nguy hiểm để tích lũy tri thức, kinh nghiệm thực tiễn, tìm kiếm câu trả lời lịch sử cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc.

Những bài học sâu sắc từ sự chủ động, quyết đoán, sáng tạo, bản lĩnh, nghị lực của Người có giá trị to lớn đối với các thế hệ, đặc biệt là trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay.

Ngày 5-6-1911 không chỉ là sự kiện khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành mà còn là một dấu ấn đặc biệt trong quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây là sự kiện mang giá trị lịch sử, thể hiện cống hiến của Người đối với công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.

__________________

(1), (3), (4) Song Thành: Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2005, tr.56, 63, 58.

(2) Báo Nhân dân, số 4062, ngày 18-5-1965.

 (5), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.561, 30.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.173.

(7) Hồ Chí Minh, Notre camarade, Introduction historique de Charles Fourniau, Ed. Sociales, Paris, 1970, p.28.

(9), (12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 209, 287.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 128.

(11) Lê Thị Kinh: Phan Chu Trinh qua những tư liệu mới, t.2, Nxb Đà Nẵng, 2003, tr.355.

(13) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2012, tr.54-55.

ThS NGUYỄN THỊ LIÊN

Trường Đại học Luật Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền